Một số giải pháp tăng cường thực thi bản quyền tác giả - bối cảnh chuyển đổi số thư viện

E-mail Print

  Một số giải pháp tăng cường thực thi bản quyền tác giả - bối cảnh chuyển đổi số thư viện

ThS. Lê Đức Thắng

Trưởng phòng Tin học, Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tóm lược:

Bài viết phân tích thách thức và đánh giá khái quát vấn đề thực thi bản quyền tác giả tại các thư viện Việt Nam hiện nay; trao đổi một số kinh nghiệm của TVQG trong việc tuân thủ những quy định về bản quyền tác giả, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường thực thi bản quyền tác giả trong bối cảnh ngành thư viện Việt Nam đang thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số.

-----------------------------------------

1. Đặt vấn đề

Hoạt động thư viện luôn gắn liền với vấn đề bản quyền, kể từ khi thư viện Việt Nam có những bước phát triển chuyển đổi mô hình hoạt động từ đầu những năm 2000 với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ và tiến hành số hóa tài nguyên thông tin, phổ biến thông tin trên môi trường số thì vấn đề bản quyền luôn luôn là rào cản lớn để ngành thư viện có thể bứt phá để khẳng định vai trò trong xã hội.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ những năm gần đây, vấn đề bản quyền hơn bao giờ hết đang là một nút thắt mà ngành thư viện nước ta cần phải giải quyết để đảm bảo vừa tuân thủ pháp luật, đảm bảo lợi ích của tác giả (hoặc bên nắm giữ bản quyền) và vừa thực hiện chức năng, vai trò của thư viện trong việc truyền tải kiến thức, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, tri thức.

Tiếp cận thông tin, tri thức là hai nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho sự hình thành, phát triển của xã hội thông tin, trong thực tế hoạt động thư viện, giữ sự cân bằng giữa bản quyền (lợi ích hợp pháp của tác giả) và quyền truy cập thông tin, tiếp cận văn hóa, giáo dục của công chúng đang và sẽ vẫn là một thách thức lớn đối với ngành thư viện Việt Nam hiện tại và tương lai, nếu không có các giải pháp đột phá để tháo gỡ, chắc chắn hoạt động thư viện vẫn sẽ bị “kẹt” giữa yêu cầu của xã hội – sứ mệnh của thư viện – bản quyền.

2. Những thách thức về thực thi bản quyền tác giả trong bối cảnh chuyển đổi số thư viện

Kỷ nguyên kỹ thuật số đã cách mạng hóa cách con người tạo, phân phối, sử dụng thông tin và vấn đề bản quyền đã thực sự trở thành mối quan tâm lớn đối với người tạo nội dung, nhà xuất bản, chủ sở hữu quyền, người sử dụng cũng như hoạt động thư viện. Việc tác phẩm dễ dàng sao chép và phân phối trên môi trường số đã gây khó khăn cho việc ngăn chặn, xử lý vi phạm bản quyền. Mặt khác, theo dõi quyền sở hữu và thực thi luật bản quyền có thể là một quy trình phức tạp, tốn kém.

Để giải quyết những thách thức này, các giải pháp công nghệ như quản lý quyền kỹ thuật số (DRM), đánh dấu thủy vân (Digital Watermarking), giáo dục bản quyền, hành động pháp lý… đã được triển khai, áp dụng. Các biện pháp công nghệ này có thể giúp bảo vệ quyền của chủ sở hữu bản quyền, ngăn chặn vi phạm bản quyền, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm các tài liệu có bản quyền.

Công nghệ thông tin đang phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết, các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Block chain)…được xác định sẽ tiếp tục làm thay đổi cách tạo, thu thập, phân phối, sử dụng thông tin. Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi các công nghệ mới nổi này và tác động của chúng đối với việc bảo vệ bản quyền, đồng thời tìm ra sự cân bằng giữa quyền truy cập và bảo vệ.

Hoạt động thư viện hiện đại với phát triển thư viện số, xây dựng các bộ sưu tập số, triển khai các dịch vụ trên môi trường số và trong bối cảnh chuyển đổi số ngành thư viện đang được đẩy mạnh thì vấn đề bản quyền đang là thách thức lớn nhất để thư viện triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên.

Liên quan đến vấn đề bản quyền thì có rất nhiều thách thức, tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy một số thách thức chủ yếu dưới đây:

2.1. Thách thức trong tổ chức, quản lý và triển khai các dịch vụ thư viện

Trong công tác tổ chức, quản lý, triển khai các dịch vụ thư viện, việc tuân thủ bản quyền tác giả và đảm bảo hiệu quả hoạt động thư viện trong bối cảnh chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, những thách thức cơ bản có thể bao gồm các vấn đề cơ bản sau:

a) Cân bằng

Việc tuân thủ quy định của pháp luật về bản quyền là quan trọng, tuy nhiên cần thực hiện cân bằng giữa bản quyền tác giả với sứ mệnh của thư viện nói chung về nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức của người sử dụng thư viện, đồng thời thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, hoặc thực hiện cam kết của thư viện đối với tổ chức quản lý, với đối tác tài trợ…, do đó tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa quyền truy cập và bảo vệ bản quyền tác giả có thể là một thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

2023-07-12-copyright-06-1

b) Thực hiện đúng ngoại lệ, giới hạn và sử dụng hợp lý

Thực hiện đúng ngoại lệ, giới hạn và sử dụng hợp lý là rất khó khăn, đòi hỏi các thư viện phải ban hành các tài liệu về chính sách, tài liệu hướng dẫn thực hiện (cho cả người làm thư viện và người sử dụng thư viện), điều này sẽ phát sinh thêm nhân lực chuyên trách thực hiện nội dung này.

c) Phòng, tránh vi phạm

Để thực hiện tốt phòng, tránh việc vi phạm các quy định về bản quyền trong hoạt động thư viện, đòi hỏi các thư viện cần nghiên cứu, xây dựng chính sách và tổ chức các giải pháp cảnh báo hoặc ngăn chặn các hình thức vi phạm, đồng thời áp dụng các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo dữ liệu cung cấp cho người sử dụng là đúng đối tượng và đúng quy định.

d) Hậu quả pháp lý

Trong thực tế, hoạt động thư viện ở nước ta chỉ thuần về tổ chức thư viện và tập trung triển khai các dịch vụ thư viện, ngân sách hoạt động rất hạn chế không có điều kiện về nhân lực và tài chính để triển khai thực thi bản quyền một cách bài bản, mặt khác với áp lực, nhu cầu của xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số việc tăng cường các hoạt động phục vụ người sử dụng trên môi trường số thì thư viện có thể có nguy cơ gặp rắc rối, rủi ro về pháp lý liên quan đến vấn đề bản quyền nếu thực hiện không đúng quy định của pháp luật trong một số trường hợp, rắc rối về pháp lý có thể đến ngay lập tức hoặc rủi ro tiềm tàng trong tương lai cả do chủ quan hay khách quan mang lại.

e) Tăng ngân sách hoạt động

Trong bối cảnh các thư viện tăng cường cung cấp các sản phẩm và dịch vụ trên môi trường số việc thực thi nghiêm chỉnh luật bản quyền thực sự sẽ làm tăng ngân sách hoạt động của thư viện bao gồm: ngân sách cho mua quyền khai thác, mua các giải pháp công nghệ bảo vệ tài liệu, tuyển dụng và đào tạo nhân lực chuyên trách thực thi bản quyền…

Để thực hiện tốt những yêu cầu trên chắc chắn sẽ phát sinh ngân sách, nhân lực, hạ tầng công nghệ trong điều kiện các thư viện có ngân sách hoạt động rất hạn chế, đặc biệt là hệ thống thư viện công cộng, đó là những áp lực rất lớn đến thư viện trong công tác tổ chức, quản lý và điều hành.

2.2. Thách thức trong việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Trong điều kiện công nghệ thông tin phát triển vượt bậc như hiện nay, một mặt công nghệ đã đem lại lợi ích to lớn cho nhân loại nói chung, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động thư viện nói riêng đáp ứng yêu cầu của xã hội, mặt khác cũng mang lại nhiều thách thức cho việc bảo vệ bản quyền tác giả trong triển khai các dịch vụ số. Một số thách thức chính trong việc bảo vệ bản quyền trên môi trường số có thể dễ dàng nhận diện bao gồm:

a) Dễ dàng sao chép và phân phối

Một trong những đặc tính của tài liệu số là dễ dàng sao chép và phân phối, đây là ưu điểm tuyệt đối của tài liệu số đối với tài liệu dạng giấy. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc sao chép và phân phối các tài liệu có bản quyền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bản sao kỹ thuật số có thể được tạo ra, phân phối một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Ở nước ta, do chưa có các biện pháp ngăn chặn hợp lý, các thư viện, tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm số rất hạn chế cung cấp tác phẩm, tài liệu số trên môi trường số, điều đó vô tình đã hạn chế sự phổ biến của tác phẩm.

b) Khó khăn trong việc theo dõi

Trong Kỷ nguyên kỹ thuật số, rất khó theo dõi việc sử dụng các tài liệu có bản quyền. Khi một bản sao kỹ thuật số được đưa lên mạng, nó có thể được tải xuống và chia sẻ vô số lần, khiến cho gần như không thể biết ai đang sử dụng tài liệu và cho mục đích gì nếu không có sự kiểm soát bằng công nghệ, tuy nhiên trong thực tế việc kiểm soát bằng công nghệ cũng chỉ kiểm soát được người sử dụng thông thường, hiện tại có nhiều công cụ có thể phá các mã bảo vệ.

c) Xác định quyền sở hữu

Khi một tài liệu được phổ biến trên Internet, nếu tài liệu không được áp dụng các biện pháp công nghệ hiệu quả để bảo vệ thì việc việc thiết lập quyền sở hữu hoặc xác định quyền sở hữu tài liệu dạng số có bản quyền là khó khăn. Với sự dễ dàng trong việc sao chép, phân phối, chỉnh sửa, tái tạo… khó có thể xác định chính xác ai là chủ sở hữu ban đầu của một tài liệu cụ thể hoặc ai có quyền phân phối tác phẩm đó. Tuy nhiên trong thực tế ở nước ta, có rất ít nhà xuất bản, hay tác giả thực hiện các giải pháp công nghệ để bảo vệ tác phẩm của mình.

d) Phạm vi quốc tế

Trong Kỷ nguyên kỹ thuật số, nội dung có thể được phân phối trên toàn cầu, điều này có thể gây khó khăn cho việc thực thi luật bản quyền giữa các quốc gia và hệ thống pháp luật khác nhau.

e) Sử dụng hợp lý

Khái niệm sử dụng hợp lý cho phép sử dụng hạn chế một phần nội dung tài liệu có bản quyền mà không cần xin phép chủ sở hữu bản quyền. Tuy nhiên, việc xác định những gì cấu thành sử dụng hợp lý có thể là một quá trình phức tạp và mang tính chủ quan, điều này có thể gây khó khăn cho việc thực thi luật bản quyền.

f) Nội dung do người sử dụng tạo

Với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng tạo nội dung thì việc các cá nhân tạo, chia sẻ nội dung của riêng họ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây khó khăn cho việc xác định ai sở hữu bản quyền đối với một tác phẩm cụ thể và thực thi luật bản quyền. Do đó việc xác định ai, tổ chức nào giữ bản quyền là việc rất khó khăn, phức tạp.

g) Công nghệ mới nổi

Kỷ nguyên kỹ thuật số không ngừng phát triển và các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) đã và đang thay đổi cách tạo, phân phối nội dung thông tin. Để theo kịp các công nghệ mới nổi này và có chiến lược đối phó với các tác động tiềm ẩn của chúng đối với việc bảo vệ bản quyền sẽ là thách thức lớn đối với ngành thư viện trong tương lai.

Trí tuệ nhân tạo (AI) với nhiều ứng dụng thực tiễn đang làm thay đổi cách thức làm việc của nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có các dịch vụ thư viện như: Hệ thống trả lời tự động (Chatbot); Phân loại tài liệu bằng học máy (ML - Machine Learning); Giáo dục thông minh (Intelligent Education); Khám phá thông tin bởi người sử dụng dựa trên AI (AI-based discovery services); Khai thác văn bản và dữ liệu (TDM - Text and Data Mining)… những công cụ này hứa hẹn mang lại khả năng mới cho việc truy cập và sử dụng lượng dữ liệu khổng lồ.

Để có nội dung cho các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo hoạt động thì quyền của người sử dụng cần được mở rộng để cho phép AI xem hoặc phân tích các tác phẩm có bản quyền mà không vi phạm bản quyền này, vì AI cần “sử dụng” khối lượng lớn tác phẩm để học. Với việc AI truy cập các tác phẩm trên Internet và sau đó lần lượt phổ biến kết quả ra khắp thế giới thông qua các ứng dụng thì cấp thiết phải có cách tiếp cận quốc tế một cách nhất quán đối với quyền của người sử dụng. Mặt khác cũng phát sinh khó khăn trong việc xác định tác giả của các tác phẩm do AI tạo ra hoặc được hỗ trợ bởi AI là vấn đề xác định chủ sở hữu đầu tiên của các tác phẩm đó, vì tác giả của tác phẩm nói chung là chủ sở hữu đầu tiên của bản quyền.

Một trong những ứng dụng AI nổi tiếng gần đây là ChatGPT. ChatGPT là một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) được đào tạo trên một tập dữ liệu văn bản lớn và có thể tạo phản hồi theo cách giống con người. Các phản hồi do ChatGPT tạo ra không được coi là sáng tạo ban đầu của tâm trí con người và do đó không được luật bản quyền bảo vệ. Điều này có nghĩa là đầu ra của ChatGPT có thể được sử dụng tự do mà không cần xin phép hoặc xin giấy phép.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các phản hồi do ChatGPT tạo ra có thể chứa thông tin được luật bản quyền bảo vệ, chẳng hạn như văn bản, hình ảnh được sao chép từ các nguồn khác. Trong những trường hợp này, điều quan trọng là phải xin phép hoặc giấy phép sử dụng nội dung theo một cách cụ thể để tránh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2023-07-12-copyright-01

Minh họa Nội dụng được AI tạo ra và Luật bản quyền (Nguồn: https://www.madhusudangaire.com.np)

Ngoài ra, mặc dù sản phẩm đầu ra của ChatGPT thường không được bảo vệ bản quyền, nhưng điều quan trọng là phải lưu ý đến mọi quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba có thể có liên quan và cần cân nhắc thực hiện thận trọng để đảm bảo không vi phạm các quyền hợp pháp của các bên nắm giữ.

3. Hiện trạng thực thi bản quyền tác giả trong số hóa và sử dụng tài liệu số tại các thư viện Việt Nam hiện nay 

3.1. Vấn đề tạo lập tài liệu số

Theo kết quả khảo sát Tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các thư viện Việt Nam do Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) thực hiện năm 2021, hiện tại, phần lớn các thư viện Việt Nam đều đã tiến hành số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số phục vụ người sử dụng. Theo đó các loại hình tài liệu đang được các thư viện ưu tiên thực hiện trước, bao gồm:

Đối với hệ thống thư viện công cộng: Ưu tiên số hóa tài liệu địa chí, tài liệu cổ, quý hiếm, sách…

Đối với hệ thống thư viện Đại học: Luận văn, luận án, đồ án, bài giảng, đề tài nghiên cứu khoa học, giáo trình, sách…

Đối với hệ thống thư viện chuyên ngành, đa ngành: Báo, Tạp chí, bài trích, đề tài nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án…

Có thể nhận thấy, ngay trong bối cảnh chuyển đổi số ngành thư viện phải thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Quyết định 206/QĐ-TTg ngày 11/2/2021 thì việc số hóa tài nguyên thông tin vẫn chưa thực sự được đẩy mạnh, chưa tạo được “cú híchtạo đà cho việc phát triển tài nguyên thông tin dạng số và triển khai các dịch vụ trên môi trường số, nguồn tài nguyên thông tin dạng số tại các thư viện còn chiếm tỷ lệ thấp so với dạng giấy. Nhận định những khó khăn, bất cập trong việc phát triển các bộ sưu tập số, 100% các thư viện cho rằng một trong những vấn đề khó khăn, bất cập khi tạo lập, phát triển và phổ biến tài liệu số liên quan trực tiếp đến bản quyền, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người sử dụng, đồng nghĩa với việc không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng qua đó đã làm giảm vai trò của thư viện đối với xã hội.

Cũng theo kết quả khảo sát của TVQG, gần như toàn bộ các thư viện Việt Nam chưa xây dựng chính sách đánh giá bản quyền vào quy trình lựa chọn tài liệu trước khi số hóa, điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc phổ biến và nguy cơ rủi ro pháp lý liên quan đến bản quyền tác giả.

3.2. Về vấn đề sử dụng

Trong thực tế phổ biến tại các thư viện ở nước ta, vấn đề sử dụng tài nguyên thông tin dạng số đang tồn tại những bất cập cần được giải quyết.

a) Vấn đề phục vụ người sử dụng

Để tránh tình trạng phát sinh các vấn đề pháp lý, phần lớn các thư viện ở nước ta thường chỉ cung cấp tới người sử dụng nguồn tài nguyên thông tin số nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền, nguồn nội sinh (đã được tác giả đồng ý, tự nguyện đóng góp), hoặc nguồn mở. Nhiều thư viện có phục vụ người sử dụng các tài liệu sưu tập trên Internet và có cảnh báo về việc có thể tài liệu có bản quyền và đề nghị tuân thủ quy định pháp luật về bản quyền.

Tuy nhiên, phần lớn tài liệu có giá trị, có hàm lượng tri thức cao lại nằm ở dạng có bản quyền như: giáo trình, sách tham khảo, công trình nghiên cứu khoa học, luận văn, luận án... đang vướng vấn đề bản quyền nên chưa thể phổ biến, phục vụ rộng rãi người sử dụng.

b) Vấn đề xin và cấp phép

Có thể nhận thấy rằng, hiện tại việc làm thế nào, liên hệ với ai để có bản quyền khai thác tài nguyên thông tin dạng số có bản quyền của thư viện là một việc khá khó khăn, mặc dù hiện tại ở nước ta đang có ít nhất 02 tổ chức quản lý tập thể bản quyền tác giả liên quan trực tiếp và nhiều nhất đến hoạt động thư viện là Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) và Trung tâm Bản quyền số (DCC), vấn đề tồn tại mà các thư viện đang gặp khó khăn là:

Thứ nhất, thủ tục cấp phép chưa dễ dàng, thuận tiện, chưa tập trung dẫn đến việc các thư viện chưa chủ động, nếu có chủ động cũng dễ nản do mất quá nhiều thời gian, công sức và ngân sách (nếu có thuê các đối tác trung gian như các công ty luật, bên môi giới…).

Thứ hai, cơ chế thanh toán, chi trả tiền bản quyền tác giả chưa rõ ràng, chưa thuận lợi.

Thứ ba, thiếu cơ chế giám sát, theo dõi tình hình sử dụng dẫn đến việc sau khi cung cấp tài liệu cho người sử dụng thì sẽ không biết tài liệu đó sẽ được sử dụng như thế nào, qua đó rất khó quy trách nhiệm cũng như thực hiện chế tài khi xảy ra vi phạm.

Như vậy, nếu không có những giải pháp mang tính đột phá, chúng ta khó có thể xây dựng được môi trường sử dụng tài liệu có bản quyền một cách lành mạnh, đặc biệt là tài liệu số.

c) Vấn đề áp dụng các giải pháp kỹ thuật

Trong thực tế tại các thư viện ở nước ta, tài liệu số ít được bảo vệ bằng các giải pháp công nghệ, đối với các tài liệu do thư viện tự tạo lập thì gần như chưa áp dụng Biện pháp bảo vệ công nghệ (TPM: Technological Protection Measures), Quản lý quyền kỹ thuật số (DRM: Digital Rights Management) hoặc Thủy vân số (Digital Watermarking) để ngăn chặn, hạn chế việc sao chép, trừ tài liệu số được cung cấp bởi một số nhà xuất bản lớn.

Các giải pháp kỹ thuật có hiệu quả khác cũng được rất ít các thư viện thực hiện như:

- Đánh dấu bản quyền (stamp, watermark)

- Hạn chế copy, tải hàng loạt hoặc chụp màn hình được toàn bộ trang.

- Thông báo IP, tên tài khoản, tên người sử dụng, tên tổ chức trên tài liệu được tải về.

- Thông báo thông tin quyền trong dữ liệu thư mục (biểu ghi MARC 21) hay siêu dữ liệu (metadata).

- Không có hướng dẫn tuân thủ bản quyền.

3.3. Về vấn đề kiểm soát vi phạm

Nhìn chung, rất khó phát hiện vi phạm bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan, do đó rất khó xác định vi phạm và xử lý vi phạm khi người sử dụng thư viện sử dụng tài liệu số không đúng quy định. Một số rào cản có thể nhận ra:

- Công nghệ: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như bảo mật, ẩn danh, mạng riêng ảo, nhóm cá nhân… do đó việc truy vấn nguồn gốc người phát tán là rất khó khăn.

- Quyền riêng tư: được coi là quyền cơ bản, do vậy truy tìm nguồn gốc vi phạm mà không vi phạm quyền riêng tư gần như trở nên bất khả thi.

- Thái độ của công chúng: chưa coi trọng việc tuân thủ bản quyền, nhiều khi coi đó việc sao chép là bình thường.

- Sử dụng cá nhân: Người sử dụng được sao chép tài liệu để sử dụng cá nhân theo luật định và không dùng cho mục đích thương mại, tuy nhiên, sau khi được sao chép để sử dụng riêng, rất có thể thu được lợi ích thương mại từ tác phẩm được sao chép đó và trong trường hợp như vậy, quy định pháp luật về bản quyền sẽ khó chứng minh được là có lợi cho chủ sở hữu tác phẩm có bản quyền để bảo vệ.

- Do thông tin về bản quyền tài liệu không thực sự rõ ràng, khó tra cứu dẫn đến việc khó xác định mức độ, phạm vi, hình thức cụ thể mà tác phẩm được bảo hộ.

4. Một số hình thức thực thi bản quyền tác giả tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Để tránh vi phạm bản quyền tác giả, trong công tác phát triển các bộ sưu tập số, bản quyền tài liệu được TVQG hết sức coi trọng và được đưa vào chính sách đánh giá và lựa chọn tài liệu trước khi thực hiện các chương trình số hóa, đồng thời trước khi tổ chức phổ biến, phục vụ người sử dụng tài liệu được thực hiện các giải pháp công nghệ để hạn chế việc vi phạm bản quyền.

4.1. Về chính sách lựa chọn

Khi tiến hành số hóa một bộ sưu tập, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, TVQG thực hiện các chính sách lựa chọn theo thứ tự ưu tiên:

- Các tài liệu nằm ngoài phạm vi bảo hộ bản quyền như là: Tài liệu hết thời hạn bản quyền, tài liệu chính phủ…

- Các tài liệu có giá trị mà đang có nguy cơ hủy hoại cao (thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của TVQG về Lưu chiểu, bảo quản số).

- Các tài liệu có giá trị mà không xác định quyền tác giả.

4.2. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật

Hiên tại, trong điều kiện hạ tầng công nghệ được đầu tư hết sức hạn chế, TVQG vẫn cố gắng thực hiện một số giải pháp kỹ thuật cơ bản để thông báo bản quyền và hạn chế tối đa viện vi phạm bản quyền tác giả bằng một số hình thức dưới đây:

+ Giới hạn quyền sử dụng theo tài khoản, theo dải IP.

+ Không cho phép tải xuống toàn bộ tài liệu dưới dạng file PDF, Word…

+ Chỉ cho đọc trực tiếp, trực tuyến, không cho phép tải xuống trang tài liệu, dùng giải pháp công nghệ để hạn chế việc chụp màn hình được toàn bộ trang tài liệu hiển thị trên màn hình.

+ Một số bộ sưu tập chưa rõ ràng về bản quyền tác giả thì người sử dụng chỉ được truy cập trong mạng nội bộ (LAN) thông qua các máy tính PC của thư viện, đồng thời không cho phép các máy tính đó truy cập Internet và cấm sử dụng các thiết bị ngoại vi cắm vào máy tính của thư viện như: USB, thẻ nhớ..

+ Thông báo tình trạng bản quyền trong siêu dữ liệu (metadata) của mỗi tài liệu đưa lên.

2023-07-12-copyright-02

Minh họa thông báo bản quyền trong dữ liệu biên mục của TVQG

+ Thực hiện đánh dấu bản quyền (stamp, watermark) lên từng trang tài liệu trước khi phổ biến.

2023-07-12-copyright-03

Minh họa đánh dấu bản quyền cho các bộ sưu tập số tại TVQG

5. Một số giải pháp tăng cường thực thi bản quyền tác giả tại các thư viện Việt Nam hiện nay

Để vấn đề bản quyền tác giả được thực thi có hiệu quả trong các thư viện Việt Nam, một số giải pháp có thể thực hiện, bao gồm:

5.1. Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý thư viện, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội thư viện các thư viện lớn

a) Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước

Vụ Thư viện và Cục Bản quyền tác giả cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật và ban hành các tài liệu hướng dẫn cụ thể để các thư viện thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bản quyền tác giả trong thư viện. Tuy nhiên khi ban hành các chính sách cần đặt trong điều kiện nước ta vẫn đang là nước đang phát triển cần được công bằng hơn trong việc tiếp cận các thông tin so với các nước phát triển, đặc biệt là các thông tin khoa học mới, đồng thời cân bằng giữa bản quyền tác giả và quyền tiếp cận thông tin, tri thức, văn hóa, giáo dục của công chúng.

Để thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện, công tác số hóa, tạo lập các cơ sở dữ liệu số, triển khai các dịch vụ thư viện trên môi trường số cần được đẩy mạnh, trong khi các thư viện Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng trong việc thực thi bản quyền tác giả, dẫn đến tình trạng nhiều thư viện không thể tổ chức triển khai công tác này hoặc mỗi thư viện triển khai theo cách hiểu của mình, dẫn đến không đồng nhất về chính sách, điều này ảnh hưởng rất lớn đến khả năng liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin dạng số.

b) Vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ, Hội Thư viện Việt Nam, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ

Cần nghiên cứu tác động của từng điều khoản, nội dung trong Luật Sở hữu trí tuệ đến hoạt động thư viện đối với tất cả các loại hình thư viện, trung tâm thông tin, từ đó thực hiện vận động chính sách, tháo gỡ những khó khăn, thách thức, đồng thời xây dựng các tài liệu để điều hướng bản quyền cho hoạt các thư viện.

c) Vai trò của các thư viện lớn, liên hiệp thư viện

Phát triển các dịch vụ mới và sáng tạo cho người sử dụng; Báo cáo (report) các trường hợp, vụ việc phát sinh trong quá trình áp dụng các quy định của pháp luật về bản quyền trong thực tiễn, làm rõ các bất cập, đề xuất các sáng kiến, giải pháp khả thi.

5.2. Thành lập Mạng lưới về bản quyền trong hoạt động thư viện Việt Nam

Thành viên của Mạng lưới có đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các thư viện, trung tâm thông tin lớn của cả nước. Nhiệm vụ của mạng lưới là nghiên cứu, xem xét, theo dõi các thay đổi trong các quy định của pháp luật, nghiên cứu các án lệ, làm việc, thảo luận, thỏa thuận với các đối tác về vấn đề bản quyền; đồng thời hướng dẫn các thư viện thực hiện tốt nhất các quy định, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Mạng lưới cũng là diễn đàn để trao đổi, phổ biến kiến thức và thông tin, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cũng như các vấn đề liên quan đến các pháp lý liên quan đến hoạt động thư viện. Đặc biệt là các tác động, tính pháp lý của công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT) và các công nghệ khác trong tương lai về việc thu thập, phổ biến thông tin của hoạt động thư viện và vấn đề bản quyền tác giả.

5.3. Quản lý quyền tập thể (Collective Rights Management)

Như đã trình bày ở trên, hiện tại ở nước ta đang có ít nhất 02 tổ chức quản lý tập thể bản quyền tác giả liên quan trực tiếp và nhiều nhất đến hoạt động thư viện là Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam (VIETRRO) và Trung tâm Bản quyền số (DCC), tuy nhiên thủ tục cấp phép và cơ chế thanh toán, chi trả tiền bản quyền tác giả chưa rõ ràng, chưa thuận lợi, đặc biệt chưa tập trung.

Để có thể tập trung một đầu mối có thể cần một tổ chức quản lý quyền tập thể, theo đó tác giả hoặc chủ sở hữu có thể ủy quyền cho trung tâm đầu mối này thực hiện các thỏa thuận sử dụng với cá nhân, tổ chức cần khai thác. Vai trò chủ yếu của trung tâm này là:

- Cấp giấy phép sử dụng các tác phẩm có bản quyền cho người sử dụng, ví dụ: cá nhân, thư viện, tổ chức phát thanh truyền hình, địa điểm photocopy…;

- Thu tiền bản quyền và trả tiền cho tác giả hoặc chủ sở hữu;

- Thực thi các quyền của tác giả hoặc chủ sở hữu;

- Thiết lập các thỏa thuận với các tổ chức, hiệp hội thu phí ở các quốc gia khác để cho phép cấp phép xuyên biên giới.

Lợi ích cơ bản của trung tâm dạng này là:

- Cho phép người sử dễ dàng tiếp cận được tài liệu;

- Giảm bớt gánh nặng cho các thư viện, những người không phải liên hệ với những người có quyền riêng lẻ để xin giấy phép cho một tác phẩm. Trong nhiều trường hợp, điều này có thể là không thể;

- Giải quyết được sự phức tạp ngày càng tăng liên quan đến các quyền trong bối cảnh công nghệ phát triển, phát sinh các tình huống bản quyền khác đặc biệt đối với các tác phẩm đa phương tiện. Nếu không có quy trình giải phóng quyền hiệu quả, việc truy cập hợp pháp của những người sử dụng có thiện chí sẽ rất phức tạp hoặc thậm chí bị từ chối.

5.4. Xây dựng nền tảng thương mại điện tử giao dịch bản quyền tác giả

Trong thực tế, Việt Nam chưa có một nền tảng giao dịch bản quyền tác giả, nên chăng nước ta cần có một nền tảng thương mại điện tử để việc giao dịch, cấp phép được linh hoạt hơn, theo đó tác giả, nhà xuất bản, chủ sở hữu quyền hoặc các đại lý tự lập kho số, gian hàng ảo… trên nền tảng thương mại điện tử và tương tác với người sử dụng theo thời gian thực, tác giả hoặc bên nắm giữ quyền, bên được ủy quyền tự định giá, tự đưa ra các điều kiện để sử dụng tài liệu (tác phẩm), đây có thể coi như là “Giấy phép linh hoạt”.

5.5. Xây dựng nguyên tắc và phạm vi sử dụng hợp lý

Sử dụng hợp lý là một khái niệm pháp lý cho phép sử dụng hạn chế một phần tài liệu có bản quyền mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu bản quyền. Tuy nhiên, phạm vi sử dụng hợp lý có thể không rõ ràng và mang tính chủ quan, đồng thời phạm vi này có thể khác nhau tùy thuộc bối cảnh, cách hiểu của từng thư viện. Việc phát triển các nguyên tắc sử dụng hợp lý rõ ràng và toàn diện có thể giúp thúc đẩy việc sử dụng có trách nhiệm các tài liệu có bản quyền đồng thời tôn trọng quyền của chủ sở hữu bản quyền.

5.6. Áp dụng kiểm soát bằng công nghệ

Thực hiện các biện pháp bảo vệ bằng công nghệ (TPM) để hỗ trợ phổ biến tài nguyên thông tin số và hạn chế việc vi phạm.

Biện pháp bảo vệ công nghệ (TPM) là phương thức kiểm soát truy cập và kiểm soát sử dụng tài nguyên thông tin dạng số bằng phương tiện công nghệ, tức là thông qua phần cứng hoặc phần mềm hoặc kết hợp cả hai.

Kiểm soát truy cập là kiểm soát cách thức mà người sử dụng có thể xem, đọc, nghe hoặc tiếp cận khác về nội dung tác phẩm.

Kiểm soát sử dụng cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả giới hạn hành vi của người sử dụng ngay cả khi họ đã truy cập được vào tác phẩm.

Khi công nghệ càng phát triển thì tình trạng sử dụng bất hợp pháp các sản phẩm số ngày càng tăng, do đặc điểm của tài liệu số là dễ dàng sao chép và phát tán. Do đó, để bảo vệ bản quyền tác giả, một số giải pháp phổ biến để kiểm soát bằng công nghệ đối với tài liệu số có thể áp dụng là:

a) Áp dụng Quản lý quyền kỹ thuật số

Công nghệ Quản lý quyền kỹ thuật số (DRM - Digital Rights Management) là một chuỗi những công nghệ có khả năng kiểm soát tất cả mọi truy cập vào tài liệu có bản quyền dựa vào mã hoá để hạn chế các hành động có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung số. Hiểu đơn giản hơn, DRM được ra đời với mục đích kiểm soát các hành động của người dùng trong việc truy cập và sử dụng các nội dung kỹ thuật số.

Xét về bản chất, DRM chính là công cụ thay thế cho khả năng kiểm soát bản quyền vốn đã kém hiệu quả và thụ động của chính chủ sở hữu nội dung kỹ thuật số và sử dụng các chương trình máy tính để thực hiện kiểm soát toàn bộ nội dung. Bằng cách sử dụng DRM, các đơn vị sở hữu bản quyền có thể dễ dàng kiểm soát được cách người mua sản phẩm (hoặc người sử dụng) sử dụng sản phẩm của mình.

2023-07-12-copyright-04

Minh họa quản lý tài liệu số bằng công nghệ DRM (Nguồn: https://bizflycloud.vn)

Một hệ thống DRM được xem là lý tưởng khi nó đảm bảo được tính minh bạch, linh hoạt đối với người sử dụng và khả năng tạo ra rào cản phức tạp để ngăn chặn người sử dụng vi phạm trái phép vấn đề bản quyền.

b) Áp dụng Đánh dấu Thủy vân số

Đánh dấu Thủy vân số (Digital Watermarking) là một biện pháp bảo vệ bản quyền của tài liệu số một cách hữu hiệu. Bằng cách nhúng các thông tin bản quyền vào nội dung, nó có thể được sử dụng để xác nhận quyền sở hữu bản quyền khi có tranh chấp bản quyền. Các thông tin mô tả thuộc tính văn bản được hiển thị hoặc không hiển thị trong quá trình tài liệu được đọc trực tuyến hoặc trên bản giấy được in ra. Biện pháp này còn có thể theo dõi sự phát tán của tài liệu, đồng thời có thể xác minh được nguồn gốc tài liệu từ người nắm giữ đầu tiên.

2023-07-12-copyright-07

Minh họa Quy trình áp dụng đánh dấu Thủy vân số (Digital Watermarking) trong bảo vệ tài liệu số

Các ứng dụng của Thủy vân số:

Bảo vệ bản quyền (Copyright Protection): Thủy vân số có thể được dùng để bảo vệ quyền sở hữu đối với tài nguyên thông tin dạng số, khi được ấn định, nó sẽ chứa thêm các thông tin về người sở hữu. Trong trường hợp bị sử dụng bất hợp pháp thì chủ sở hữu có thể dùng bộ watermark detector để phát hiện.

Chống sao chép bất hợp pháp (Copy Protection): Các sản phẩm có chứa đánh dấu Thủy vân số có tác dụng chống sao chép bất hợp pháp.

Theo dõi quá trình sử dụng (Tracking): Đánh dấu Thủy vân số có thuật toán để theo dõi quá trình sử dụng tài nguyên thông tin dạng số của người sử dụng. Mỗi bản sao của sản phẩm khi được thực hiện sẽ được chứa bằng một watermarked duy nhất dùng để xác định người sử dụng là ai. Nếu có sự sao chép bất hợp pháp, có thể dễ dàng truy ra người vi phạm nhờ vào watermark được chứa bên trong tài nguyên thông tin dạng số.

Chống giả mạo (Tamper Proofing): Thủy vân số có thể được dùng để chống sự giả mạo sản phẩm gốc. Nếu có bất cứ sự thay đổi nào về nội dung và hình thức của các tài liệu thì watermark này sẽ bị huỷ. Do đó rất khó làm giả các tài nguyên thông tin dạng số nếu chúng có chứa watermark.

Có thể đánh dấu bản quyền bằng Thủy vân số thông qua 02 cách: Đánh dấu ẩn và đánh dấu hiện.

Đánh dấu bản quyền hiện, người sử dụng có thể nhìn thấy một cách trực quan toàn bộ thông liên quan từ đơn vị phát hành, chuyển giao đến thông tin đối tượng được quyền tiếp cận.

Đối với trường hợp đánh dấu bản quyền ẩn, thông tin về bản quyền chỉ hiện lên khi người sử dụng in ra dạng giấy từ các máy in hoặc chỉ nhìn thấy khi số hóa lại từ các thiết bị nhận dạng ảnh số như máy scanner, máy ảnh.. Ví dụ một bức ảnh đã được in ra dạng giấy, khi nhìn bằng mắt thông thường, hoàn toàn không thấy các dấu hiệu bảo vệ, nhưng khi người sử dụng đưa vào thiết bị scan, lưu ra tệp ảnh số, lúc này các dấu hiệu bảo vệ và thông báo bản quyền sẽ được hiện lên rõ ràng, chi tiết.

c) Sử dụng công nghệ Ngôn ngữ đánh dấu quyền mở rộng

Ngôn ngữ đánh dấu quyền mở rộng (XRML - Extensite Right Markup Language) là ngôn ngữ cho DRM, XRML được thiết kế để hiện thực việc hỗ trợ sở hữu trí tuệ số trong thương mại điện tử. XRML cho phép nhà phát triển thực hiện những việc sau: mô tả quyền hạn, chi phí và điều kiện kết hợp với nội dung đã cho. Xác định quyền sử dụng ở dạng rõ ràng, dễ hiểu bằng các thuật ngữ đã được chuẩn hóa. Tăng cường những chuẩn khác để xác định chữ ký số, định danh số, siêu dữ liệu nội dung... trên nhiều hệ thống và ứng dụng khác nhau.

d) Áp dụng công nghệ chuỗi khối

Chuỗi khối (Block chain) là một sổ cái kỹ thuật số phi tập trung có thể được sử dụng để theo dõi quyền sở hữu và sử dụng nội dung kỹ thuật số. Bằng cách sử dụng công nghệ chuỗi khối, chủ sở hữu bản quyền có thể tạo một bản ghi bất biến về quyền sở hữu của họ và kiểm soát việc phân phối, sử dụng nội dung hiệu quả hơn.

Tiềm năng mà Chuỗi khối được sử dụng để quản lý các quyền sở hữu trí tuệ là rất lớn. Việc lưu trữ thông tin, dữ liệu sở hữu trí tuệ vào sổ cái phân tán thay vì việc lưu trữ trong cơ sở dữ liệu truyền thống có thể biến các quyền này trở thành “quyền sở hữu trí tuệ thông minh” dưới dạng một giải pháp tập trung hóa được vận hành bởi cơ quan sở hữu trí tuệ giúp giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp cần đối chiếu, lưu trữ và cung cấp bằng chứng.

Lưu ý rằng, đối với hoạt động thư viện, Biện pháp bảo vệ công nghệ (TPM) chỉ nên áp dụng hoặc chấp nhận áp dụng trong trường hợp bất khả kháng bởi áp dụng TPM sẽ phát sinh và tác động đến vấn đề về chính sách đối với thư viện như:

- Do TPM không phân biệt được giữa sử dụng hợp pháp và vi phạm do đó ảnh hưởng đến việc sử dụng hợp lý, ngoại lệ của người sử dụng.

- Ảnh hưởng đến vấn đề bảo quản và lưu trữ lâu dài, do tuổi thọ trung bình của DRM được cho là chỉ từ 3 đến 5 năm. Các DRM lỗi thời có thể sẽ làm sai lệch hồ sơ công khai trong tương lai.

- Ảnh hưởng đến tài liệu sẽ thuộc phạm vi công cộng trong tương lai, DRM không ngừng tồn tại khi hết thời hạn bản quyền, vì vậy nội dung sẽ vẫn bị khóa ngay cả khi không có quyền tồn tại, do đó đã thu hẹp phạm vi công cộng.

5.7. Tăng cường tính chủ động của mỗi thư viện trong thực thi vấn đề bản quyền tác giả

5.7.1.Yêu cầu chung

- Tuân thủ tuyệt đối các quy định về bản quyền trong hoạt động thư viện.

- Cẩn trọng trong việc áp dụng nguyên tắc “sử dụng hợp lý”, tránh lạm dụng.

- Có cơ chế kiểm soát đối với việc sử dụng của người sử dụng.

- Hướng dẫn người sử dụng, triển khai các giải pháp, tư vấn, kiểm tra, theo dõi tình hình sử dụng của người sử dụng thư viện.

5.7.2.Giáo dục bản quyền

Các thư viện nên lồng ghép nội dung về bản quyền tác giả vào các buổi tiếp xúc với người sử dụng, các cẩm nang, hướng dẫn…, đồng thời thường xuyên cử các người làm thư viện tham gia các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo về vấn đề bản quyền tác giả đối với tài nguyên thông tin trong thư viện.

Đối với người sử dụng thư viện, hãy tuyên truyền, khuyến cáo và phổ biến cho bạn đọc các quy tắc về bản quyền và sử dụng tài liệu số có trách nhiệm. Ví dụ 5 quy tắc chính cần nhớ về bản quyền:

1) Chỉ vì tìm thấy nó trực tuyến, không có nghĩa là nó miễn phí sử dụng (ngay cả khi bạn là giáo viên hay học sinh, sinh viên…).

2) Có rất nhiều tài nguyên mà bạn có thể sử dụng tự do bao gồm cả tác phẩm có giấy phép như Giấy phép mở (Creative Commons) hoặc các tài liệu thuộc phạm vi công cộng, tài liệu của Chính phủ…

3) Với tư cách là người sáng tạo, bạn có quyền bảo vệ tác phẩm của mình khỏi bị sao chép và bạn cũng có thể cấp giấy phép mở cho nội dung mình sáng tạo ra để đóng góp cho cộng đồng.

4) Nếu nghi ngờ về việc sử dụng nội dung, hãy xin phép tác giả, tìm một giải pháp thay thế miễn phí, hoặc trả chi phí sử dụng.

5) Thay vì tìm kiếm sơ hở, hãy xem xét liệu bạn có phải là công dân kỹ thuật số có trách nhiệm và đạo đức hay không.

Giáo dục người sử dụng thư viện và người làm thư viện về luật bản quyền và hậu quả của việc vi phạm bản quyền có thể giúp giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền và khuyến khích sử dụng có trách nhiệm các tài liệu có bản quyền song song với việc thực hiện liêm chính khoa học.

5.7.3.Kêu gọi tác giả đóng góp / hoặc tạo Giấy phép mở

Bản chất của hoạt động thư viện là phi thương mại, chủ yếu phục vụ lợi ích phát triển chung của xã hội, do đó các thư viện có thể thực hiện các chương trình kêu gọi tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đóng góp các tác phẩm cho thư viện hoặc phát hành theo Giấy phép mở (CC - Creative Commons) cho mọi người sử dụng. Sau khi được phát hành theo giấy phép mở, các tác phẩm cũng sẽ tồn tại dưới dạng tài nguyên giáo dục mở (OER).

Giấy phép mở cung cấp cho người sử dụng các mức độ sử dụng nhất định, chẳng hạn như tạo bản sao, điều chỉnh và chia sẻ mà không cần xin phép người tạo. Hầu hết các loại giấy phép mở, được hiển thị cùng với các biểu tượng tương ứng với quyền được cấp tùy thuộc vào các điều khoản của giấy phép.

5.7.4.Triển khai mô hình Mượn kỹ thuật số có kiểm soát

Mượn kỹ thuật số có kiểm soát (CDL - Controlled Digital Lending) là hoạt động thư viện lưu thông các bản sao kỹ thuật số của tài liệu theo tỷ lệ sở hữu ở dạng in ấn, bằng cách loại bỏ bản in được sở hữu khỏi lưu thông trong khi bản kỹ thuật số đang được sử dụng. Các thư viện duy trì tỷ lệ chính xác giữa các bản sao được sở hữu và cho mượn, đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo rằng tệp kỹ thuật số sẽ không bị sao chép, phân phối lại, hoặc phát tán bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của tài liệu. Việc lưu thông được kiểm soát để một người sử dụng có thể mượn một bản duy nhất trong thời gian giới hạn, nhưng họ không thể giữ lại bản sao vĩnh viễn của tài liệu đó.

Để thực hiện Mượn kỹ thuật số có kiểm soát thư viện có thể số hóa một cuốn sách mà mình đã mua và thực hiện cho người sử dụng mượn phiên bản kỹ thuật số đã được thực hiện các biện pháp bảo vệ thay cho tài liệu ở dạng vật lý.

CDL có ba nguyên tắc cốt lõi:

Một là: Thư viện phải sở hữu một bản tài liệu dưới dạng in hợp pháp của sách hiện có, bằng cách mua, trao đổi, biếu tặng…

Hai là: Thư viện phải duy trì tỷ lệ tuyệt đối giữa “sở hữu trên cho mượn”, có nghĩa là một thư viện không thể cho mượn nhiều hơn số lượng bản sao mà mình sở hữu hợp pháp.

Ba là: Thư viện phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo tài liệu dạng số cho mượn không thể bị tải xuống, sao chép hoặc phân phối lại bất hợp pháp.

CDL là một phương thức cho mượn hiện đại có sử dụng công nghệ để tái tạo quyền cho mượn hợp pháp ở định dạng kỹ thuật số trong các điều kiện được kiểm soát. Nó mở rộng quyền truy cập vào các tài nguyên vật lý của thư viện cho những người sử dụng bị hạn chế trong việc truy cập phụ vụ học tập và nghiên cứu.

2023-07-12-copyright-09

Minh họa mô hình Mượn kỹ thuật số có kiểm soát (CDL)

Cơ sở lý luận và cách tiếp cận cho hình thức cho mượn này dựa trên Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022, theo Điều 25 Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả tại Khoản 1, điểm e quy định: “…; sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số”.

Theo quy định trên thì mô hình CDL tương thích với quy định pháp lý về bản quyền tài liệu của Việt Nam, vấn đề của các thư viện ở đây chỉ là các giải pháp về mặt công nghệ để quản lý việc triển khai các hoạt động cho đúng với quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tác giả.

5.7.5.Chỉ định nhân viên bản quyền

Vấn đề bản quyền tác giả trong hoạt động thư viện nói chung và trong bối cảnh chuyển đổi số nói riêng là một vấn đề lớn mang tính lâu dài cần được giải quyết, do đó các thư viện cần bố trí nhân lực để thực hiện giải quyết vấn đề bản quyền,

Nhân lực bản quyền là người về cơ bản có chuyên môn về lĩnh vực thư viện được bổ sung để xử lý các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thư viện có thể gọi là Thủ thư bản quyền (Copyright Librarian), người chịu trách nhiệm:

- Duy trì hồ sơ bản quyền về quyền, thỏa thuận và các giấy phép khai thác dữ liệu số;

- Cập nhật thông tin pháp lý liên quan đến bản quyền.

- Biên soạn tài liệu hướng dẫn, xuất bản trang web thông tin bản quyền của thư viện, trả lời các câu hỏi về luật bản quyền.

- Tiến hành các chương trình đào tạo.

- Tư vấn, hỗ trợ người sử dụng trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về bản quyền.

- Thiết lập các thông báo cảnh báo bản quyền thích hợp trên hoặc gần thiết bị sao chép.

- Tham mưu cho lãnh đạo để thực hiện các chính sách phát triển thư viện số.

- Các nhiệm vụ khác liên quan đến bản quyền khi cần thiết.

5.7.6.Biên soạn tài liệu hướng dẫn về bản quyền tài liệu trong thư viện

Để tạo điều kiện cho người sử dụng thư viện hiểu và tuân thủ những quy định của pháp luật về bản quyền tác giả, các thư viện cần biên soạn các tài liệu hướng dẫn thực thi bản quyền một cách chi tiết để họ hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng tài liệu, đồng thời cảnh báo, giáo dục ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đặc biệt trên môi trường số.

Nội dung có thể là:

- Quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về bản quyền tác giả.

- Các bước để tuân thủ bản quyền.

- Mẹo tuân thủ bản quyền.

- Hướng dẫn sử dụng hợp lý.

- Giải thích các ngoại lệ và giới hạn.

- Các câu hỏi và trả lời thường gặp về bản quyền số.

- Chỉ dẫn xin phép bản quyền.

- Chỉ dẫn trả tiền bản quyền.

- Giấy phép mở

- Tài nguyên mở

- Tài nguyên giáo dục mở

- …

Các tài liệu hướng dẫn này có thể công bố trên website, cổng thông tin, OPAC, bộ sưu tập số… hoặc nơi mà người sử dụng thường xuyên tiếp xúc.

5.7.7.Thu thập dữ liệu về quyền tác giả

Thu thập dữ liệu về quyền tác giả và đưa nó vào hệ thống thông tin hoặc cơ sở dữ liệu thư viện sẽ cho phép người sử dụng có một số hiểu biết cơ bản về bản quyền, đưa ra những khuyến cáo pháp lý có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng tác phẩm, hoặc tác phẩm đó có thể áp dụng ngoại lệ, sử dụng hợp lý hay không. Mặt khác các thông tin này cũng có thể hướng dẫn việc xin phép, nếu cần, hoặc là nguồn hữu ích để người sử dụng xem xét mức độ dễ dàng hay khó khăn để quyết định xin phép sử dụng.

2023-07-12-copyright-08

Minh họa thu thập các trường dữ liệu về quyền tác giả

Thực hiện thu thập thông tin cốt lõi về bản quyền và biên mục siêu dữ liệu mô tả cho trạng thái bản quyền tài liệu, bao gồm các dữ liệu với cấu trúc cơ bản dưới đây:

a) Thông tin chung về bản quyền

- Trạng thái bản quyền (có bản quyền, phạm vi công cộng, không xác định).

- Trạng thái xuất bản (đã xuất bản, chưa xuất bản).

- Ngày.

- Năm bản quyền hoặc sáng tạo.

- Năm gia hạn bản quyền.

- Tuyên bố bản quyền (từ tác phẩm).

- Quốc gia xuất bản hoặc sáng tạo.

b) Người sáng tạo

- Tên người tạo, ngày tháng và thông tin liên hệ.

c) Người/ bên giữ bản quyền

- Thông tin liên hệ người/ bên giữ bản quyền.

d) Nhà xuất bản

- Tên nhà xuất bản và thông tin liên hệ.

- Năm xuất bản.

e) Dữ liệu quản trị

- Nguồn thông tin (bản thân tác phẩm hoặc các nguồn khác).

- Thông tin liên hệ.

- Liên hệ bên nghiên cứu quyền (nếu có).

Một số lưu ý khi biên mục siêu dữ liệu mô tả cho trạng thái bản quyền tài liệu:

* Tác giả: Thông tin càng đầy đủ về tác giả càng tốt, lý tưởng nhất là thông tin này được sao chép từ việc kết nối đến cơ sở dữ liệu từ cơ quan, bên quản lý quyền tác giả.

* Năm tác phẩm được tạo ra: Năm sáng tạo có thể không phải là năm xuất bản của tác phẩm (Luật bảo hộ cả tác phẩm chưa xuất bản), nếu biết ngày xuất bản thì phải ghi vào trường Tình trạng xuất bản (Trường 008, vị trí ký tự 06- Loại ngày/Tình trạng xuất bản) trong biểu ghi thư mục MARC 21.

* Trạng thái bản quyền: Thông tin rõ về trạng thái bản quyền, nội dung này rất quan trọng, cho biết tác phẩm sẽ được người sử dụng có thể sử dụng tài liệu như thế nào.

- Thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức.

- Thuộc sở hữu bởi bên thứ ba.

- Phạm vi công công cộng.

- Tác phẩm khuyết danh hoặc chưa xác định được sở hữu.

- Chưa xác định được (hoặc không biết).

* Trạng thái xuất bản

- Đã xuất bản.

- Chưa xuất bản: Có thể đã công bố nhưng chưa xuất bản.

- Không xác định (hoặc không biết).

5.7.8.Biên mục dữ liệu Thông báo bản quyền

Qua khảo sát dữ liệu thư mục tại các thư viện ở nước ta, có thể dễ dàng nhận thấy gần như các thư viện chưa chú ý bổ sung siêu dữ liệu mô tả cho trạng thái bản quyền trong thư viện.

Do đó, các thư viện nên ghi chú thông tin tình trạng bản quyền tài liệu cả ở cấp độ tài liệu và cấp độ bộ sưu tập.

a) Thông tin tình trạng bản quyền chung

Thực hiện Thông báo tình trạng bản quyền và hướng dẫn tuân thủ bản quyền dưới mỗi biểu ghi thư mục trên OPAC. Đây là hình thức thông báo trực quan, giúp người sử dụng có thể biết được ngay tình trạng bản quyền của tài liệu mà không cần phải đọc nhiều hướng dẫn khác, điều mà bạn đọc thường bỏ qua. Tuy nhiên cần lưu ý rằng thông tin về bản quyền do thư viện cung cấp không phải là tư vấn pháp lý.

2023-07-12-copyright-05-1

Minh họa tab thông tin tình trạng bản quyền trên biểu ghi thư mục của Thư viện Quốc gia Australia (https://catalogue.nla.gov.au/Record/4556626)

b) Thông tin tình trạng bản quyền tài liệu đối với biểu ghi MARC 21

b1. Bổ sung trường Số đăng ký bản quyền (Copyright or Legal Deposit Number) – nhãn 017. Trường này chứa số đăng ký bản quyền hoặc số lưu chiểu khi tác phẩm được bổ sung theo luật bản quyền, nộp lưu chiểu. Tên cơ quan gán số này luôn được gắn kèm với số lưu chiểu hoặc bản quyền.

Ví dụ:

017 ##$aVN123456789 $bCục bản quyền tác giả

017 ##$aVIE77889900$bTrung tâm bản quyền số

Để các thư viện thực hiện được việc bổ sung Số đăng ký bản quyền, đề nghị các cơ quan quản lý bản quyền, cung cấp thông tin về bản quyền tài liệu cho thư viện: Số đăng ký và các thông tin liên quan khác để thư viện thực hiện mô tả trạng thái bản quyền tài liệu cho đúng quy định của pháp luật, đồng thời giúp người sử dụng và các bên liên quan biết để thực hiện hoặc liên hệ giải quyết vấn đề bản quyền (nếu có).

b2. Thực hiện ghi chú về việc truy cập tại trường 506 - Phụ chú về hạn chế truy cập, cụ thể tại trường 506$a - Thuật ngữ cho biết sự truy cập (Trường con $a cho biết những hạn chế về mặt pháp lý, vật lý, thủ tục áp đặt cho các cá nhân mong muốn xem tài liệu đang mô tả), thực hiện gán thêm các chỉ thị điều khiển nếu muốn.

Ví dụ:

506 0#$aKhông dùng cho mục đích thương mại, bán hoặc tái bản.

506 ##$aPhổ biến hạn chế - không dành cho xuất bản.

506 ##$aChỉ cung cấp cho các đơn vị thành viên

506 ##$a Truy cập trực tuyến

506 ##$a Được tải xuống

Đối với các thuật ngữ chi phối việc sử dụng tài liệu sau khi truy cập thì được nhập vào trường 540 - Phụ chú điều kiện sử dụng và tái bản.

Ví dụ:

540 ##$a Bản quyền chưa được đánh giá

540 ##$aHạn chế: Sao chụp chỉ được phép đối với học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu dùng cho mục đích cá nhân và không dùng cho mục đích thương mại.

c) Thông tin bản quyền đối với Dublin Core

- Thông tin về các quyền được nắm giữ và đối với tài nguyên

- Thông tin cụ thể về Quyền truy cập (về người có thể truy cập tài nguyên) và Giấy phép hoặc tuyên bố (tài liệu pháp lý chính thức cho phép làm điều gì đó với tài nguyên)

Ví dụ về Thông tin quyền hiển thị để thông báo cho người sử dụng:

“Tài nguyên điện tử này được Thư viện Quốc gia Việt Nam nắm giữ và cung cấp truy cập trực tuyến cho người sử dụng chỉ với mục đích học tập, nghiên cứu, giảng dạy cá nhân”

Ví dụ cấu trúc các trường dữ liệu cần được thêm vào theo chuẩn Dublin Core:

dc.rights.accessrights: value = Người sử dụng đăng ký thẻ thư viện mới được quyền xem tài liệu này

dc.rights.license: value = http://www.xyz.org/license

hoặc,

<dc:rights>Bản quyền thuộc về Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2023</dc:rights>

<dc:rights>Đại học Quốc gia Hà Nội nắm giữ toàn quyền</dc:rights>

<dc:rights>Bản quyền được cung cấp theo giấy phép mở Creative Commons </dc:rights>

d) Thông tin bản quyền đối với MODS

Cấu trúc các trường dữ liệu cần được thêm vào theo chuẩn MODS:

<accessCondition type="restriction on access"> Được tải xuống</accessCondition>

<accessCondition xmlns:xlink="http://www.w3.org/1999/xlink" type="use and reproduction" xlink:href="https://creativecommons.org/licenses/by/4.0/">Việc sử dụng tài nguyên này được điều chỉnh bởi các điều khoản và điều kiện của Giấy phép Creative Commons CC-BY </accessCondition>.

6. Kết luận, kiến nghị

Thực thi bản quyền tác giả nói chung và trong hoạt động thư viện trên môi trường số nói riêng là việc khó khăn không chỉ ở nước ta mà trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngành thư viện, để thực thi có hiệu quả vấn đề bản quyền tác giả, đảm bảo hài hòa, cân bằng lợi ích của tất cả các bên cần có một giải pháp tổng thể, trong đó cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên liên quan, kiến nghị thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với ngành thư viện Việt Nam

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thư viện, Hội thư viện, Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ, các thư viện, trung tâm thông tin lớn của cả nước trong việc giải quyết vấn đề bản quyền cho ngành thư viện. Đồng thời các thư viện cũng cần nghiên cứu và triển khai ngay các giải pháp phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, bao gồm cả các giải pháp công nghệ, nhanh chóng đưa các nội dung liên quan đến bản quyền vào quy trình công tác chung cũng như quy trình xử lý tài nguyên thông tin, đặc biệt là thông tin dạng số.

2. Đối với với cơ quan quản lý về bản quyền tác giả

- Cần tăng cường nới lỏng các quy định cho hoạt động thư viện, cần bằng giữa vấn đề bản quyền và sứ mệnh của thư viện, quyền tiếp cận thông tin, tri thức, giáo dục của công chúng đồng thời có những điều chỉnh, cập nhật các nội dung theo sự phát triển của công nghệ. Việc các thư viện có thể tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên kỹ thuật số hay không có thể phụ thuộc một phần vào việc có tiếp tục hưởng lợi từ các giới hạn và ngoại lệ mạnh mẽ về bản quyền hay không.

- Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia đang phát triển, mọi tầng lớp công chúng cần được tiếp cận với khoa học, tri thức để nghiên cứu và phát triển giáo dục hoặc phổ cập kiến thức, do vậy các pháp luật về bản quyền cần được nới rộng hơn để đảm bảo cho sự phát triển của xã hội, tiệm cận các nước đã phát triển.

- Có quy định cụ thể về tính pháp lý và bản quyền đối với các nội dung được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI), đơn cử như ChatGPT hoặc một siêu trí tuệ nào khác nữa trong tương lai, có cơ chế để giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả đối với các tác phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật lẫn thương mại… hoặc tính pháp lý của việc thu thập thông tin của các thiết bị Internet vạn vật (IoT)…

Tài liệu tham khảo

1. Cao Thị Lê Thương (2021). Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền tác giả theo quy định của Hiệp ước WCT và pháp luật Việt Nam. https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/bien-phap-cong-nghe-bao-ve-quyen-tac-gia-theo-quy-dinh-cua-hiep-uoc-wct-va-phap-luat-viet-nam-85127.htm.

2. Coyle, K. (2005). Descriptive metadata for copyright status. First Monday, 10(10). https://doi.org/10.5210/fm.v10i10.1282.

3. Hiền Minh (2023). Trọng tâm chuyển đổi số năm 2023: Phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. https://baochinhphu.vn/trong-tam-chuyen-doi-so-nam-2023-phat-trien-ket-noi-khai-thac-du-lieu-de-tao-ra-gia-tri-moi-102230225104213219.htm.

4. IFLA (2004). Limitations and Exceptions to Copyright and Neighbouring Rights in the Digital Environment: An International Library Perspective (2004). https://cdn.ifla.org/wp-content/uploads/files/assets/clm/position_papers/ilp.pdf.

5. ISED Citizen Services Centre (2021). A Consultation on a Modern Copyright Framework for Artificial Intelligence and the Internet of Things. https://www.ic.gc.ca/eic/site/693.nsf/eng/00316.html

6. Jessica Coates , Victoria Owen và Susan Reilly (2022). Navigating Copyright for Libraries. Purpose and Scope (IFLA Publications). De Gruyter Saur. https://doi.org/10.1515/9783110732009.

7. Karen Coyle (2005). Descriptive metadata for copyright status. https://doi.org/10.5210/fm.v10i10.1282

8. Kathleen Morris (2021). The Educator’s Guide to Copyright, Fair Use, and Creative Commons. https://www.theedublogger.com/copyright-fair-use-and-creative-commons/

9. Lê Đức Thắng (2014). Hoàn thiện mô hình thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và Thư viện thành phố trực thuộc Trung ương. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Hà Nội.

10. Lê Đức Thắng (2022). Khai thác tiềm lực thông tin của thư viện với mô hình Mượn kỹ thuật số có kiểm soát. Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam (2017-2022), Bình Định (2022), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tr. 292-298.

11. LIBER (2020). Limitations and Exceptions in EU Copyright Law for Libraries, Educational and Research Establishments: A Basic Guide. https://libereurope.eu/wp-content/uploads/2020/09/A-Basic-Guide-to-Limitations-and-Exceptions-in-EU-Copyright-Law-for-Libraries-Educational-and-Research-FINAL-ONLINE-1.pdf

12. Logvin, Alexandra và Stacey Smydo (2020). Copyright and Users’ Rights: An Issue at Home and Abroad, But Not Yet in International Trade. Fasken Capital Perspectives – Newsletter. June 16, 2020. https://www.fasken.com/en/knowledge/2020/06/16-covid-19-ott-newsletter-copyright-and-users-rights.

13. Maureen Whalen (2008). Rights Metadata Made Simple. Introduction to Metadata 3.0 (Second Edition). J. Paul Getty Trust.

14. MSG. ChatGPT and Copyright: What You Need to Know. https://www.madhusudangaire.com.np/ChatGPT-OpenAI/ChatGPT-copyright-legal-or-not.html.

15. Nikhil Bharadwaj. Copyright Protection in the Digital Age: Challenges and Solutions. https://www.legalserviceindia.com/legal/article-10639-copyright-protection-in-the-digital-age-challenges-and-solutions.html.

16. Phạm Tiến Đạt (2022). Ứng dụng công nghệ Blockchain trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. https://m.antoanthongtin.vn/giai-phap-khac/ung-dung-cong-nghe-blockchain-trong-bao-ve-quyen-so-huu-tri-tue-108542

17. Saskia van Bergen và Lucas van Schaik (2018). Copyright and access restrictionsproviding access to the digital collections of Leiden University Libraries with conditional access rights. https://journal.code4lib.org/articles/13588

18. Tay Pek San và cộng sự (2017). The impact of copyright law on the digitization of library collections in academic libraries in Malaysia. Malaysian Journal of Library & Information Science, Vol. 22, no. 1, April 2017, 83-97

19. Teresa Hackett (2009). EIFL Handbook on Copyright and Related Issues for Libraries. https://www.eifl.net/system/files/resources/201409/2009_eifl_handbook_complete.pdf.

20. UNESCO (2010). The New challenges of striking the right balance between copyright protection and access to knowledge, information and culture. Intergovernmental Copyright Committee (of the Universal Copyright Convention), 14th, Paris, 2010. https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000187683

21. Vinh Phạm (2022). DRM là gì? Tìm hiểu về cấu trúc và hoạt động của DRM. https://bizflycloud.vn/tin-tuc/drm-la-gi-20220328114513186.htm

 ---

Thư mục trích dẫn:

Lê Đức Thắng (2023). Một số giải pháp tăng cường thực thi bản quyền tác giả - bối cảnh chuyển đổi số thư viện. Kỷ yếu hội thảo Bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện, Hà Nội (7/2023), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trang 25-52.


Đọc thêm cùng chuyên mục: