Đã thay đổi, thay đổi hoàn toàn

E-mail Print

Christopher Cox dự đoán những chuyển đổi quan trọng các thư viện đại học sẽ thực hiện trên các khía cạnh vốn tài liệu, dịch vụ, không gian và phương thức hoạt động do đại dịch COVID-19

Christopher Cox

Trưởng khoa Thư viện Trường đại học Clemson

Đầu tháng 3/2020, COVID-19 đã mang đến sự kinh ngạc và tạo một cú sốc lên các thư viện trường đại học. Do có ít thời gian chuẩn bị, chúng tôi đã đóng cửa các cơ sở thư viện của mình tại Đại học Clemson để bảo vệ sự an toàn cho người sử dụng và nhân viên thư viện, chuyển sang chỉ phục vụ trực tuyến và làm việc tại nhà. Thật may, với nhiều năm quản lý nội dung số và cung cấp các dịch vụ nghiên cứu tương tác, đẩy mạnh phát triển các giao diện tìm kiếm và duyệt web đã giúp chúng tôi thực hiện quá trình chuyển đổi này đầy thuận lợi.

Với các luồng ý kiến bàn luận về việc mở cửa trở lại các trường đại học, các thư viện đại học phải đối mặt với sự thay đổi về mô hình hoạt động. Thay vì trở lại hoạt động bình thường, người làm thư viện sẽ trở lại một “trạng thái bình thường mới” - nơi mà các lớp học trực tiếp và các dịch vụ tương tác có lẽ không thể thực hiện được hoặc không còn được ưu tiên, nơi các bộ sưu tập ở định dạng vật lý có thể trở thành rào cản đối với việc truy cập và việc học nhóm bị cản trở bởi giãn cách xã hội khiến các tòa nhà chỉ có thể chứa một nửa số lượng người so với trước kia. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng cuộc khủng hoảng này để tạo ra các bộ sưu tập và các dịch vụ sáng tạo mới nhằm cải thiện công tác phục vụ cộng đồng trong khuôn viên trường của chúng ta?

Dưới đây là một số dự đoán của tôi, dựa trên phân tích xu hướng các thư viện đại học có thể thay đổi như thế nào về bộ sưu tập, các dịch vụ, không gian và hoạt động với hy vọng chúng sẽ giúp truyền cảm hứng cho các ý tưởng mới và duy trì cuộc đối thoại về vấn đề này.

Bộ sưu tập

Sự giảm dần giá trị của các bộ sưu tập tài liệu in. Cuộc khủng hoảng virus corona đã chỉ ra cho chúng ta thấy tính không còn phù hợp của các bộ sưu tập tài liệu in đang được lưu hành trong các thư viện. Chỉ qua một đêm, hầu hết các thư viện đã loại bỏ quyền tiếp cận do lo ngại virus lây lan. Kỳ lạ thay, yêu cầu đối với những tài liệu này rất ít. Làm thế nào để chúng ta có thể đưa nội dung trong các bộ sưu tập tài liệu in trở nên dễ tiếp cận và phù hợp hơn trong thế giới hậu COVID-19?

Số hóa hàng loạt và truy cập đối lập với lưu trữ. Trong nhiều năm, các thư viện nghiên cứu đã tham gia vào nỗ lực số hóa bản in “chỉ để đề phòng”. Khi các tài liệu in bị cất giữ sau cánh cửa đóng kín, Internet Archive đã khai trương Thư viện khẩn cấp Quốc gia (National Emergency Digital Library) và Quỹ Hathi đã mở Quyền truy cập tạm thời khẩn cấp (Emergency Temporary Access) cho các thành viên của mình. Trong khi một số tác giả bày tỏ sự bất bình trước những hành động đó, thì Roger Schonfeld lại chỉ ra rằng đó là thành công của việc lập kế hoạch dài hạn so với việc ưu tiên các nhu cầu trước mắt. Mặc dù sẽ cần giải quyết các vấn đề về bản quyền và thực hiện bổ sung các nỗ lực số hóa hàng loạt, cần thúc đẩy các thỏa thuận lưu trữ có tính hợp tác dành riêng cho việc lưu giữ nội dung in để làm cho các bộ sưu tập tài liệu in của thư viện dễ tiếp cận hơn.

Điện tử hóa mọi thứ. Không giống như các tài liệu in, các thư viện đã được chứng kiến sự tăng vọt của việc sử dụng các tài nguyên điện tử. Trong vài năm tới, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian và kinh phí hơn để phát triển các bộ sưu tập điện tử. Đó sẽ là một thách thức lớn với nguồn ngân sách ngày càng giảm. Các thư viện sẽ cần phát triển các chiến lược mới để có thể đàm phán các thỏa thuận tốt hơn với các nhà xuất bản và vận động hành lang để có quyền truy cập nhiều hơn tới các phương tiện truyền thông trực tuyến và sách điện tử, loại hình vốn phong phú và dễ tiếp cận hơn cho các cá nhân so với các thư viện. Các mô hình truy cập mới cũng sẽ cần được phát triển và nếu lệnh cấm vận sách điện tử Macmillan gần đây đã chứng tỏ được điều gì đó thì các nhà xuất bản sẽ khiến điều này trở thành một thách thức.

Sự kết thúc của các giao dịch lớn. Những tác động tài chính lâu dài của COVID-19 cũng như việc các nhà xuất bản bị lạm phát trong nhiều năm đã khiến một số tổ chức phải xem xét lại việc cấp phép nhiều năm cho các gói tạp chí lớn. Các thư viện trong hệ thống của Đại học Bắc Carolina và Đại học Bang New York gần đây đã thông báo rằng họ sẽ hủy hợp đồng với Nhà xuất bản Elsevier và ủng hộ việc mua lẻ từng đầu sách để tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể. Quan ngại sẽ có thêm nhiều thư viện học làm theo và hủy bỏ các giao dịch lớn để thay bằng các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên và dịch vụ cung cấp tài liệu, các nhà xuất bản buộc phải phát triển thêm các gói tùy chọn đáp ứng theo yêu cầu.

Số hóa bộ sưu tập chuyên biệt. Tài sản lớn nhất của bất kỳ bộ sưu tập nào của thư viện đại học chính là các bộ sưu tập và tài liệu lưu trữ đặc biệt. Trớ trêu thay, những tài liệu đặc biệt này thường được cất giữ trong các kho lưu trữ đặc biệt, chỉ dành cho việc tiếp cận trực tiếp. Các nhà lưu trữ đã gặp thách thức trong việc cung cấp tài liệu và dịch vụ nghiên cứu trực tuyến trong thời gian đóng cửa vì COVID-19. Để thúc đẩy các nỗ lực số hóa tài liệu lưu trữ trong những năm tới, chúng ta cần chuyển đổi nội dung số hóa từ chỗ là một phương pháp bảo quản hoặc duyệt trước, trở thành điểm truy cập chính cho bộ sưu tập.

Thách thức về bản quyền/ sử dụng hợp lý. Mặc dù có mục đích để bảo vệ người sáng tạo, bản quyền cũng gây ra sự hạn chế một cách vô lý. Mặc dù các quy định về sử dụng hợp lý đã tạo ưu tiên cho ngành giáo dục trong việc sử dụng tài liệu có bản quyền, nhưng hầu hết các giảng viên không hiểu điều đó, họ chỉ quan tâm đến việc cung cấp đầy đủ nội dung cho sinh viên. Khi các khóa học được thực hiện trực tuyến, họ muốn có nhiều quyền truy cập hơn vào tài liệu để sử dụng trong các khóa học của mình. Người làm thư viện phải truyên truyền giáo dục nhiều hơn về vấn đề bản quyền cũng như thuyết phục các tác giả sử dụng giấy phép Creative Commons và vận động hành lang để điều chỉnh các luật bản quyền một cách linh hoạt hơn.

Dịch vụ

Mô hình tự phục vụ và các lựa chọn thay thế. Các thư viện luôn tự hào về những dịch vụ trải nghiệm trực tiếp mà họ cung cấp cho người sử dụng. Vậy làm cách nào để chúng ta điều chỉnh các khu vực cung cấp dịch vụ để chúng không trở thành điểm nóng tập trung đông người và lây lan dịch bệnh mà vẫn tiếp tục cung cấp được dịch vụ chất lượng cao mà người sử dụng mong đợi? Chúng ta còn cần đến những quầy thủ thư nữa hay không? Hãy tìm kiếm các hình thức tự phục vụ và tương tác không tiếp xúc: trạm tự mượn trả tài liệu, điểm nhận sách lề đường, dịch vụ scan và chuyển tài liệu, giao tài liệu tới người sử dụng. Lường trước về số lượng người sử dụng đến tận nơi sẽ không còn nhiều như trước đây, chúng ta sẽ cần mang các dịch vụ của mình đến với họ.

Mô hình thư viện tích hợp. Đặt người làm thư viện vào dòng chảy của giáo dục và nghiên cứu đã trở thành một xu hướng trong nhiều năm qua. Nếu các khóa học vẫn phải duy trì hình thức trực tuyến, thì việc tích hợp sâu hơn hai yếu tố tài nguyên thư viện và nhân sự vào hệ thống quản lý khóa học sẽ là điều cần thiết để đảm bảo sinh viên có được kỹ năng đọc hiểu thông tin. Người làm thư viện có thể giúp các giảng viên phát triển nội dung khóa học, đồng giảng dạy, cung cấp tư vấn nghiên cứu, tổ chức lớp học trực tuyến ảo trong giờ hành chính và hỗ trợ xác định định danh và liên kết nội dung khóa học.

Sự gia tăng nội dung giáo dục mở… Nhiệm vụ tìm ra phương thức virus corona đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy cập khẩn cấp thông tin khoa học và các bộ dữ liệu. Những người làm thư viện đã vận động hành lang trong nhiều năm để tìm ra các cách thức thay thế trong việc phổ biến nghiên cứu thông qua các kho lưu trữ chính thống và hỗ trợ xuất bản truy cập mở. Giờ là thời điểm để vận động đầu tư tài chính của liên bang cho nghiên cứu mở và dữ liệu mở cũng như hướng dẫn các giảng viên tìm hiểu về cách duy trì quyền xuất bản của họ. Các thư viện cũng được trông đợi sẽ kiểm soát tốt hơn các nghiên cứu đang được thực hiện tại cơ sở của họ, bằng chứng là gần đây các thư viện đạt được ngày càng nhiều thỏa thuận truy cập mở với các nhà xuất bản.

… và các tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources). Các thư viện vốn đóng vai trò dẫn dắt trong việc chỉ dẫn các giảng viên về lợi ích của việc tạo và sử dụng các tài nguyên giáo dục mở, sách giáo khoa giá rẻ hoặc miễn phí và các tài liệu học tập cung cấp riêng cho từng cá nhân giáo viên để giảm chi phí đào tạo sinh viên. Tài nguyên giáo dục mở sẽ được yêu cầu khi các giảng viên tìm kiếm các giải pháp thay thế cho giáo trình in cồng kềnh. Các thư viện cũng có thể giới thiệu và quản lý hệ thống bài tập về nhà miễn phí và phòng thí nghiệm ảo để tăng cường sự tham gia trực tuyến của sinh viên.

Hỗ trợ dạy học trực tuyến. Các thư viện có vị trí hoàn hảo để hỗ trợ giảng viên trong việc xây dựng các khóa học trực tuyến. Trò chơi sử dụng công nghệ để giảng dạy là điểm mạnh của chúng ta, những người vốn đã quen thuộc với việc tạo ra video hướng dẫn trong giảng dạy, các hệ thống quản lý khóa học, các tài nguyên giáo dục mở và những sáng tạo tương tự. Chúng ta đã cung cấp cho sinh viên những chỉ dẫn, công nghệ và không gian cần thiết để hỗ trợ các kiến thức về kỹ thuật số - sử dụng công nghệ để sáng tạo và giao tiếp. Chúng ta cần xây dựng và đẩy mạnh mối quan hệ với các văn phòng giáo dục trực tuyến, công nghệ giảng dạy và học tập nhằm tận dụng kiến thức chuyên môn và đảm bảo rằng sinh viên và giảng viên có những kỹ năng cần thiết để thành công trong môi trường trực tuyến mới này.

Hỗ trợ nghiên cứu trực tuyến. Việc đóng cửa phòng thí nghiệm và hạn chế đi lại là những rào cản đối với công việc nghiên cứu của giảng viên. Các thư viện có thể hỗ trợ các nhà nghiên cứu bằng cách phát triển các môi trường trực tuyến để các giảng viên có thể cộng tác từ xa. Môi trường phòng thí nghiệm ảo được xây dựng dựa trên các sáng kiến trực quan hóa dữ liệu và phần mềm nhận dạng giọng nói đang hiện hành, có thể được phát triển để hỗ trợ các nhà nghiên cứu khi không thể tiến hành các thí nghiệm vật lý. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ cần những nơi để lưu trữ dữ liệu và phân phối các nghiên cứu của họ. Các thư viện có thể sử dụng các công cụ như ORCID để kết nối các cổng ưu tiên như ArXiv với các kho lưu trữ nội bộ nhằm phát triển một nền tảng nghiên cứu toàn diện cho các nhà nghiên cứu.

Sử dụng trang web như một cánh cửa thư viện ảo. Giờ đã đến lúc các thư viện cần phải xem xét lại các trang web của họ vì chúng là cánh cổng tương tác chính của người sử dụng với thư viện. Dựa trên tính khả dụng, hãy phát triển các trang web thư viện trở nên thân thiện với người dùng hơn, phản hồi nhanh hơn và có thể tùy chỉnh theo mong muốn của người dùng.

Cá nhân hóa và lời hứa trí tuệ nhân tạo (AI). Các thư viện đã miễn cưỡng chấp nhận các công nghệ giám sát trí tuệ nhân tạo xuất phát từ mong muốn bảo vệ quyền tự do trí tuệ của người dùng. Các công nghệ AI còn có thể được khai thác để cung cấp các kết quả tìm kiếm phù hợp hơn, giám sát khoảng cách xã hội và tích hợp thư viện như một công cụhỗ trợ từng cá nhân.

Không gian

Không gian học tập. Các thiết kế thư viện mới đã nhấn mạnh một cách có chủ ý đến cách bố trí các sàn mở và không gian học tập có tính chất cộng tác. Điều này sẽ thay đổi như thế nào trong một thế giới hậu COVID-19? Học sinh sẽ ưu tiên lựa chọn hay bị ép buộc sử dụng không gian học tập cá nhân? Các khu vực học nhóm liệu có còn nhu cầu sử dụng hay sẽ đóng cửa hoàn toàn? Nếu có hướng dẫn về quy mô của các nhóm, chúng ta giám sát và thực thi chúng như thế nào?

Loại bỏ bớt bàn và ghế sẽ là cần thiết để khuyến khích sự giãn cách xã hội. Công nghệ có thể được khai thác để giúp người sử dụng thư viện tránh việc tạo thành các đám đông hoặc xác định và đặt chỗ ngồi ở những khu vực ít người hơn. Tìm kiếm những thay đổi đáng kể trong thiết kế không gian thư viện trong các nghiên cứu hành vi của người sử dụng và tìm cách điều chỉnh.

Thách thức lớn hơn thứ hai tồn tại trong thói quen phục vụ số đông theo những cách thức truyền thống. Dẫu biết rằng sẽ phải giới hạn số lượng người sử dụng thư viện thường xuyên trong các tòa nhà, nhưng chúng ta lại sẽ cần nhiều không gian học tập hơn trong khuôn viên trường. Đi đầu trong việc quản lý và điều phối quyền tiếp cận vào những không gian mới này sẽ cho phép chúng ta tích hợp hiệu quả hơn các không gian đja lý trên phạm vi khuôn viên của trường.

Sự biến mất của công nghệ công cộng. Các phòng máy tính đang dần biến mất khỏi các trường đại học, nhưng các thư viện vẫn có một số lượng lớn máy tính công cộng và thậm chí nhiều bộ sưu tập công nghệ dành cho lưu thông tài liệu. Máy tính công cộng có thể trở thành quá khứ trong thế giới hậu COVID-19. Các thư viện sẽ khuyến khích sinh viên mang theo thiết bị riêng và cung cấp môi trường làm việc với - màn hình kép, màn hình chia sẻ được - có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cá nhân. Các quy trình làm sạch mới sẽ cần được tiếp tục phát huy để đảm bảo sự lưu thông an toàn của công nghệ.

Hoạt động

An toàn cho nhân viên. Mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân sẽ là điều cần thiết để các nhân viên trên tuyến đầu có thể đảm bảo an toàn cho họ và giúp họ thoải mái khi tiếp xúc với người sử dụng thư viện thường xuyên. Người sử dụng thư viện thường xuyên sẽ phản ứng thế nào với những thủ thư đeo mặt nạ, giấu mặt sau những tấm chắn Plexiglas? Người làm thư viện có thể phải làm việc theo ca, điều này sẽ khiến việc giao tiếp cũng như bảo vệ cộng đồng trở nên khó khăn. Các không gian văn phòng cũng sẽ cần phải được xem xét lại, vì khái niệm không gian văn phòng mở có thể phải phải nhường chỗ để ưu tiên cho các không gian phong tỏa có rào chắn.

Không ngừng học hỏi và phát triển. Việc chuyển về làm việc tại nhà đã tạo ra các thách thức đối với nhiều người, vì họ được yêu cầu phải nhanh chóng tìm hiểu các công nghệ làm việc cộng tác mới như Zoom và WebEx, Microsoft Teams, Box và Google Docs. Hầu hết mọi người đều thích nghi với trải nghiệm học tập bằng cách này. Các thư viện nên khai thác từ các động lực này, cung cấp bổ sung công nghệ đào tạo và xác định các kỹ năng công nghệ cần thiết cho người làm thư viện trong trạng thái bình thường mới này. Với việc hạn chế đi lại, phát triển chuyên môn trực tuyến cũng sẽ rất quan trọng.

Làm việc nhiều hơn với nhân lực ít hơn. Tác động kinh tế của COVID-19 sẽ còn được cảm nhận rõ rệt trong nhiều năm tới. Khi các trường đại học gặp khó khăn trong việc duy trì tuyển sinh và giảm chi phí, các thư viện sẽ phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách, ngừng tuyển dụng và hạn chế chi tiêu khác. Làm thế nào để chúng ta làm được nhiều việc hơn với ít nhân sự hơn trong khi vẫn bảo vệ ngân sách bổ sung tài liệu của mình để cung cấp khả năng truy cập trực tuyến nhiều hơn? Chúng ta sẽ cần sắp xếp hợp lý các quy trình làm việc và đào tạo lại người làm thư viện hiện có để đảm nhiệm các vai trò mới. Việc học tập của sinh viên và nghiên cứu của giảng viên có thể bị ảnh hưởng bởi những cắt giảm mạnh chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai.

Quyền truy cập bình đẳng. COVID-19 đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa những người lao động “thiết yếu” và những người được cung cấp đặc quyền làm việc tại nhà, những người có thể và không thể truy cập đường truyền Internet chất lượng cao và những người không có vị trí xã hội hoặc thu nhập không đủ khả năng để chi trả chi phí chăm sóc sức khỏe.

Hoạt động của người làm thư viện. Người làm thư viện trên cả nước đã huy động các phương tiện truyền thông xã hội để ghi lại cách các thư viện phản ứng với COVID-19, cũng như kêu gọi đóng cửa để đảm bảo an toàn cho nhân viên thư viện. Chúng ta cần tìm kiếm người làm thư viện để kích hoạt thêm các vấn đề như truy cập mở, bản quyền, quyền của người lao động và chấm dứt sự khoảng cách kỹ thuật số.

Để phát triển trong thực tại mới này, các thư viện cần phải có sự linh hoạt và phản ứng nhanh hơn bao giờ hết. Chúng ta đã có cơ hội để học hỏi và trưởng thành trong suốt thời gian cách ly. Tôi mong đợi sự chuyển đổi trong tương lai của chúng ta.

[1]Chú thích của người dịch: Internet Archive là một thư viện số phi lợi nhuận có trụ sở ở San Francisco với sứ mệnh lưu trữ nội dung Web trên Internet (https://vi.wikipedia.org/wiki/Internet_Archive))

[2] Chú thích của người dịch: Roger Schonfeld - Giám đốc chương trình tại Ithaka S + R, nơi ông chịu trách nhiệm nghiên cứu và tư vấn công việc liên quan đến thư viện, truyền thông học thuật, bảo tàng và doanh nghiệp nghiên cứu học thuật.

[3] Chú thích của người dịch: ORCID cung cấp một mã định danh kỹ thuật số liên tục (ORCID iD) mà bạn sở hữu và kiểm soát, đồng thời phân biệt bạn với mọi nhà nghiên cứu khác.

[4] Chú thích của người dịch: ArXiv là một dịch vụ phân phối miễn phí và một kho lưu trữ truy cập mở cho 1.940.167 bài báo học thuật trong các lĩnh vực vật lý, toán học, khoa học máy tính, sinh học định lượng, tài chính định lượng, thống kê, kỹ thuật điện, khoa học hệ thống và kinh tế.

________________

Lê Thị Thúy Hằng dịch; Bùi Thị Thủy hiệu đính

Nguồn: https://www.insidehighered.com/views/2020/06/05/academic-libraries-will-change-significant-ways-result-pandemic-opinion


Đọc thêm cùng chuyên mục: