Xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện tập trung, tối ưu hoá nguồn lực thư viện - thông tin trong hệ thống thư viện công an nhân dân

E-mail Print

Ngày nay, có nhiều thay đổi rất nhanh nhờ sự tiến bộ vượt bậc và liên tục của công nghệ mới, ngay cả những khái niệm mang tính nền tảng. Đây là quá trình tiến hoá không theo lối thông thường mà có tính đột phá, thậm chí làm thay đổi cả về nhận thức.

Khoảng 10 năm trở lại đây, thế giới chứng kiến những thành tựu to lớn của công nghệ số, với trí tuệ nhân tạo (AI) làm trung tâm, mang lại trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục, nghiên cứu, y tế, môi trường... Để chủ động nắm bắt thời cơ phát triển và không bị tụt hậu, nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đã chú trọng xây dựng chiến lược trí tuệ nhân tạo làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Ở nước ta, trong vài năm gần đây, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế về đề tài này. Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của Trước thực tiễn trên, Bộ Công an đã đưa ra lộ trình, chính sách xây dựng phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) tập trung với những ưu việt phù hợp cho nguồn lực thư viện - thông tin trong hệ thống Công an nhân dân (CAND), giải quyết những bất cập đã được nhìn nhận mà tiêu biểu nhất là tính rời rạc và liên thông kém của hệ thống thư viện trong CAND, trạng thái kết nối, chia sẻ nguồn lực thông tin trong toàn hệ thống. cách mạng công nghiệp 4.0 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, một số giải pháp quan trọng như: phát triển hạ tầng kết nối số, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số đã được đề cập.

1. Tổng quan về khái niệm cơ sở dữ liệu, phân loại cơ sở dữ liệu

Các khái niệm về CSDL

CSDL đã được nhắc đến trong Luật Công nghệ thông tin và các tài liệu liên quan đến triển khai ứng dụng công nghệ - thông tin trong cơ quan nhà nước. CSDL trong cơ quan nhà nước được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: CSDL quốc gia và CSDL của bộ, ngành, địa phương.

Theo Từ điển Oxford “CSDL là một tập hợp có cấu trúc của dữ liệu được lưu trong máy tính, theo một cách đặc biệt nào đó có thể được tiếp cận theo những cách khác nhau”.

Một định nghĩa thông dụng khác được biết đến: CSDL là một hệ thống các thông tin có cấu trúc, được lưu trữ trên các thiết bị lưu trữ nhằm thoả mãn yêu cầu khai thác thông tin đồng thời của nhiều người sử dụng hay nhiều chương trình ứng dụng chạy cùng một lúc với những mục đích khác nhau [2].

Qua các khái niệm, có thể tóm tắt một số điểm chung của CSDL là: Tập hợp thông tin có cấu trúc; được quản lý và duy trì phục vụ khai thác thông tin; có thể phục vụ nhiều đối tượng khai thác với nhiều cách thức khác nhau; có nhiều giải pháp khác nhau để xây dựng và quản lý CSDL. Vì vậy, khi nói về CSDL thường trọng tâm nói về thông tin, dữ liệu được quản lý, lưu trữ và khai thác mà không phải là vỏ bọc chứa thông tin, dữ liệu.

Phân loại CSDL [4]

Có nhiều kiểu phân loại CSDL như: CSDL lớn, CSDL hướng tài liệu, CSDL hướng đối tượng, CSDL đồ thị, CSDL thời gian thực, CSDL tri thức, CSDL không gian, CSDL thời gian, CSDL tập trung, CSDL phân tán, CSDL đám mây, CSDL quan hệ, CSDL ngữ nghĩa… Với mỗi loại CSDL này lại kéo theo rất nhiều các công nghệ liên quan, mục đích sử dụng và kỹ thuật thực hiện.

Tuy nhiên, theo một cách thông dụng nhất, phân loại về CSDL trong máy tính thường được thực hiện theo một số hình thức của dữ liệu cơ bản: Phân loại theo loại dữ liệu; phân loại theo hình thức lưu trữ, mô hình tổ chức; phân loại theo đặc tính sử dụng; phân loại theo mô hình triển khai.

Phân loại theo mô hình CSDL tập trung (cen­tralized database) là một CSDL được đặt, lưu trữ và duy trì trong một địa điểm duy nhất. Đây là vị trí thường xuyên nhất thiết phải đặt một hệ thống máy tính hoặc CSDL hệ thống trung tâm, ví dụ một máy chủ, hoặc một hệ thống máy tính lớn. Thông thường, một CSDL tập trung sẽ được duy trì và quản lý bởi một đầu mối, một tổ chức hoặc một cơ quan. Người sử dụng truy cập vào một CSDL tập trung thông qua hệ thống mạng nội bộ hoặc mạng diện rộng, Internet để truy cập vào các CSDL cập nhật hoặc khai thác trung tâm CPU và duy trì CSDL của mình.

2. Các yếu tố cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung

Quản lý dữ liệu tập trung là một giải pháp toàn diện cho phép các thư viện liên kết tất cả các dữ liệu quan trọng của mình, tạo ra nguồn tham chiếu chung duy nhất và kiểm soát, lưu trữ dữ liệu được chia sẻ nhằm đảm bảo nhu cầu giao tiếp thông suốt và tính liên tục của các hoạt động. Dữ liệu được lưu trữ tập trung nên dễ bảo mật, sao lưu và đồng bộ; tài nguyên và dịch vụ cũng trở nên dễ quản lý và chia sẻ hơn, nhằm phục vụ cho nhiều người sử dụng.

Đặc điểm của hệ thống CSDL tập trung là: Quản lý các dữ liệu thô, hỗn tạp và không đồng nhất thông qua quá trình chuẩn hoá, chuyển đổi thành dữ liệu có cấu trúc; được thiết kế linh hoạt dựa theo các hệ thống quản trị tệp và thư mục hiện hành; được tích hợp thêm các hệ thống siêu dữ liệu cho dữ liệu, cho phép tìm kiếm và khai thác siêu dữ liệu; thực hiện phân quyền truy cập theo từng dữ liệu và từng người sử dụng; khả năng bảo mật tối ưu cho dữ liệu, hạn chế truy vấn trực tiếp vào cấu trúc lưu trữ vật lý; được tối ưu cho việc tải nặng, có thể chịu tải với hàng chục triệu bản ghi dữ liệu.

Mô hình dữ liệu tập trung

Yêu cầu hạ tầng kỹ thuật của mô hình CSDL tập trung cần:

- Về phần mềm ứng dụng: Các phần mềm ứng dụng cho việc xây dựng, quản lý, khai thác, cập nhật CSDL được thẩm định và cho phép sử dụng, bao gồm: Phần mềm hệ thống; phần mềm nền (quản trị CSDL quan hệ, hệ thống thông tin...). Phần mềm ứng dụng, gồm các phân hệ cơ bản: Quản trị hệ thống; quản lý thông tin; nhập, cập nhật dữ liệu.

- Về hạ tầng kỹ thuật công nghệ - thông tin: Thiết bị lưu trữ và vận hành CSDL tập trung bao gồm: Máy chủ CSDL (Data Server); máy chủ CSDL dự phòng (Standby Data Server); máy chủ sao lưu CSDL (Backup Data Server); hệ thống lưu trữ CSDL có thể sử dụng trực tiếp hệ thống đĩa cứng trên máy chủ (giải pháp DAS) hoặc hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng trên mạng như hệ thống lưu trữ trên mạng (Storage Area Network - SAN), hệ thống lưu trữ kết nối mạng (Network Attached Storage - NAS). Dung lượng của hệ thống thiết bị lưu trữ phải đảm bảo đủ để lưu trữ CSDL và kho dữ liệu số; hệ thống sao lưu dữ liệu gồm thiết bị ghi đĩa DVD-ROM hoặc các hệ thống sao lưu dữ liệu lâu dài khác.

3. Thực trạng xây dựng cơ sở dữ liệu trong hệ thống các thư viện Công an nhân dân

Về hệ thống thư viện trong Công an nhân dân

Từ đầu những năm 2000, các thư viện Việt Nam đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ - thông tin vào tự động hoá quy trình hoạt động thư viện, tạo nên những mạng lưới thư viện điện tử dùng chung nền tảng công nghệ, dùng chung CSDL. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, trong “Quy hoạch phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã đề ra mục tiêu: “…ứng dụng khoa học - công nghệ cao nhằm tự động hoá, hiện đại hoá trong các khâu hoạt động của thư viện, phát triển thư viện điện tử, thư viện số…”, định hướng phát triển này đã khẳng định tầm nhìn đúng với xu hướng phát triển chung của thời đại.

Trong lực lượng CAND, được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Công an và cấp uỷ, lãnh đạo các cấp, hệ thống thiết chế thư viện, phòng đọc, tủ sách trong CAND đã được hình thành góp phần cung cấp thông tin, phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức cho cán bộ, chiến sỹ Công an và xây dựng phong trào đọc sách trong CAND. Hiện nay, hệ thống thư viện trong CAND gồm có 64 thư viện, trong đó khối học viện, trường CAND là 18/18 thư viện (đạt tỷ lệ 100% đơn vị có thư viện độc lập) được đầu tư cơ bản, hiện đại. Khối các đơn vị trực thuộc Bộ đạt tỷ lệ 10,93% đơn vị có thư viện. Khối Công an địa phương đạt tỷ lệ 54,71% (29/53 đơn vị). Ngoài ra, toàn lực lượng CAND có 188 phòng đọc, tủ sách, trong đó khối đơn vị trực thuộc Bộ có 29 phòng đọc, tủ sách tại 16 đơn vị; khối Công an địa phương có 159 phòng đọc [1].

Đến nay, cùng với sự phát triển của hệ thống thư viện trong cả nước, hệ thống thư viện trong CAND đang tiếp tục được đầu tư như: Trung tâm Lưu trữ và Thư viện Học viện Cảnh sát nhân dân xây dựng Thư viện điện tử (năm 2016); Thư viện thuộc Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an được đầu tư hiện đại (năm 2017) và hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, ngày 26/8/2014, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quyết định số 4910/QĐ-BCA phê duyệt Đề án thành lập “Thư viện Công an nhân dân” đã phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của cán bộ, chiến sỹ cơ quan Bộ Công an. Sau khi triển khai giai đoạn I, Thư viện CAND đi vào hoạt động đã giải quyết yêu cầu cần thiết phải có Thư viện Trung tâm giữ vai trò chính trong chỉ đạo nghiệp vụ về hoạt động thư viện; tổ chức triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch của Chính phủ và Bộ Công an về công tác thư viện và phát triển văn hoá đọc, như: Hàng năm tổ chức các hoạt động triển lãm, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách, hưởng ứng Ngày sách Việt Nam (21/4), Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4). Do đó phong trào đọc sách trong CAND đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cấp uỷ, lãnh đạo các cấp về vị trí, vai trò của công tác thư viện và có sức lan toả lớn về phong trào đọc sách của cán bộ, chiến sỹ trong CAND.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thư viện trong CAND vẫn còn nhiều mặt hạn chế, như: Đa số các thư viện còn lạc hậu về trang thiết bị, chưa được đầu tư đồng bộ về công nghệ - thông tin, phần mềm chuyên dụng, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và vốn tài liệu của các thư viện chưa được đầu tư đồng đều; thiết bị, hạ tầng công nghệ thấp, nguồn lực thông tin khan hiếm, chưa áp dụng các chuẩn nghiệp vụ vào quy trình hoạt động của thư viện. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ mới xây dựng phòng đọc hoặc tủ sách mang tính chất tạm thời. Đối với hệ thống thư viện của công an các địa phương chủ yếu là truyền thống, đáp ứng những điều kiện cơ sở vật chất cơ bản như vốn tài liệu, phòng đọc, chỗ ngồi, hoặc tổ chức phòng đọc, tủ sách được ghép chung với phòng truyền thống..., vốn tài liệu hạn chế, người làm thư viện kiêm nhiệm do vậy hoạt động chưa hiệu quả.

Việc ứng dụng công nghệ, trang thiết bị trong việc quản lý thư viện - thông tin, phổ biến, lưu trữ thông tin tài liệu và đưa các sản phẩm thư viện, các tài liệu, ấn phẩm thư viện - thông tin phổ biến ứng dụng trong thực tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu giúp cán bộ, chiến sỹ trao đổi, cập nhật thông tin, tri thức, khoa học phục vụ công tác, nghiên cứu, học tập và phát triển văn hoá đọc theo hướng hiện đại. Đồng thời chưa trở thành một trung tâm tích hợp dữ liệu lớn (big data), lưu trữ dữ liệu, CSDL cùng với các siêu dữ liệu tập trung trong CAND. Căn cứ xu hướng phát triển của công nghệ - thông tin và thực trạng thư viện trong CAND hiện nay, việc tiếp tục triển khai lộ trình xây dựng một số thư viện điện tử trong CAND là yêu cầu cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của công tác thư viện trong thời đại công nghiệp 4.0.

Về vốn tài liệu trong hệ thống các thư viện Công an nhân dân

Vốn tài liệu hiện tại của thư viện, phòng đọc, tủ sách trong CAND chủ yếu là tài liệu in truyền thống, tài liệu số có số lượng rất hạn chế, chưa có trang thiết bị hiện đại để triển khai đồng bộ phục vụ nhu cầu đọc điện tử hoặc truy cập thông tin cho bạn đọc. Đây là vấn đề cần chú ý để có lộ trình hiện đại hoá hoạt động thư viện như: xây dựng, bổ sung tài liệu số, tài liệu điện tử, CSDL biểu ghi/ toàn văn cũng như số hoá vốn tài liệu thư viện để đưa vào phục vụ dùng chung trong toàn hệ thống.

Việc phân bổ vốn tài liệu, CSDL của các thư viện có sự chênh lệch nhau khá lớn, trong đó vốn tài liệu của khối học viện, trường CAND phong phú, đa dạng về loại hình, số lượng, kể cả tài liệu in, tài liệu số và tài liệu điện tử, lần lượt là: “Khối các đơn vị trực thuộc Bộ: 3.086/ 55.582 (tỷ lệ 5,55%, 55.582 là tổng số tài liệu điện tử của toàn lực lượng); khối học viện, trường CAND: 52.496/ 55.582 (tỷ lệ 94,45%). Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ và công an địa phương, gần 100% đơn vị, địa phương chưa có tài liệu số, tài liệu điện tử và CSDL” [1]. Số liệu cụ thể như sau:

Các đơn vị trực thuộc Bộ: có 90% thư viện, tủ sách, phòng đọc không được cấp kinh phí thường xuyên cho bổ sung sách. Số sách chủ yếu được cấp từ nguồn sách bổ sung hàng năm theo Thông tư số 62/2009/TT-BCA (X11) của Bộ Công an. Ngoài ra, vốn tài liệu của các đơn vị thuộc Bộ có sự chênh lệch lớn, như: Cục C02 là 20/ 6.088; Cục C09 là 100/ 6.088; Cục C04 là 300/ 6.088 (6.088 là tổng số sách in của khối đơn vị thuộc Bộ). Về báo, tạp chí: theo thống kê có 03 đơn vị không có báo - tạp chí phục vụ bạn đọc, gồm: Cục C10, Cục C04 và Cục H04. Về CSDL, theo thống kê Cục V04, Cục X03 là 02 đơn vị đã tạo lập được CSDL số trên, tuy nhiên số lượng còn rất hạn chế; hoạt động số hoá và xây dựng tài liệu điện tử ở khối Cục chưa được quan tâm phát triển.

Tại các học viện, trường CAND: trung tâm thư viện có vốn tài liệu phong phú, đa dạng, được bổ sung thường xuyên và sản xuất trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và học tập (luận văn, luận án, kỷ yếu hội thảo, giáo trình bài giảng, đề tài nghiên cứu khoa học…) phù hợp chức năng, nhiệm vụ của đơn vị đào tạo. Cụ thể, số lượng tài liệu của các học viện, trường CAND gấp 5,5 lần tài liệu in của 43 đơn vị khối trực thuộc Bộ. 50% (9/18 đơn vị) trung tâm thư viện đã chú trọng xây dựng CSDL, số hoá tài liệu.

Tại công an địa phương: 37/53 địa phương có vốn tài liệu, trong đó 100% là vốn tài liệu truyền thống; gần 100% thư viện, tủ sách, phòng đọc trong tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, vốn tài liệu không được bổ sung thường xuyên, liên tục; chủ yếu được Bộ cấp bổ sung vốn tài liệu hàng năm theo Thông tư 62.

Với thực trạng trên, hoạt động xây dựng và phát triển CSDL, vốn tài liệu trong hệ thống thư viện CAND chưa đáp ứng được nhu cầu về thông tin trong thời kỳ hiện nay. Do vậy, với xu hướng hiện nay xây dựng CSDL tập trung là một yêu cầu cần thiết nhằm tận dụng tối đa nguồn lực thông tin của các đơn vị, tránh lãng phí nhân lực xử lý kỹ thuật tài liệu, kinh phí bổ sung..., tạo nên sự kết nối thông tin trong toàn hệ thống thư viện CAND.

4. Tính hiệu quả khi xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung trong hệ thống các thư viện nói chung và hệ thống các thư viện trong Công an nhân dân nói riêng

Xây dựng CSDL tập trung trong hệ thống các thư viện nói chung và hệ thống các thư viện trong CAND nói riêng mang lại một số hiệu quả sau:

Hiệu quả về kết nối CSDL thư viện trong toàn hệ thống: Khi xây dựng CSDL tập trung, tức là thư viện đã tham gia mạng lưới thư viện trong toàn hệ thống, kết nối tới tất cả các thư viện tại các đơn vị trong CAND, tham gia vào các diễn đàn, hội thảo do Thư viện CAND tổ chức để có thể chia sẻ và hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và dùng chung nguồn lực thông tin của các thư viện trong hệ thống.

Chuẩn hoá quy trình nghiệp vụ: Để xây dựng CSDL tập trung, các thư viện sẽ phải đồng bộ hoá dữ liệu, điều này đòi hỏi họ có thể sử dụng dịch vụ biên mục trực tuyến, biên mục sao chép... đảm bảo các biểu ghi thư mục, CSDL của các thư viện luôn tuân theo các quy tắc quốc tế về biên mục, phân loại, định chủ đề và luôn chuẩn hoá với toàn bộ thư viện trong hệ thống. Ngoài ra, trong quá trình tải hàng loạt biểu ghi (Batchload) lên hệ thống tập trung, phần mềm quản trị hệ thống sẽ kiểm tra và giúp chỉ ra các sai lỗi khiếm khuyết của dữ liệu (nếu có) và giúp các thư viện hiệu chỉnh các vấn đề này.

Tiết kiệm thời gian, công sức: Hàng năm, nhiều thư viện phải tốn một lượng chi phí, thời gian và công sức không nhỏ của người làm biên mục cho việc biên mục tài liệu, tìm kiếm, tải biểu ghi thư mục, biên mục sao chép hoặc lập biểu ghi thư mục mới. Tuy nhiên, khi xây dựng CSDL tập trung, thư viện sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức thông qua dịch vụ đồng bộ hoá CSDL. Lúc này thư viện chỉ cần tìm kiếm trên phân hệ quản trị tập trung dữ liệu và sau đó có thể tải và sử dụng trực tiếp CSDL có sẵn đã được người làm thư viện cùng trong hệ thống xử lý kỹ thuật hoàn chỉnh.

Sử dụng triệt để nguồn lực thông tin tại các thư viện thành viên: Xây dựng CSDL tập trung có nghĩa là người sử dụng tại một thư viện thành viên bất kỳ có thể nhìn thấy các thư viện trong hệ thống đang có các tài nguyên gì. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quảng bá, xây dựng hình ảnh của hệ thống thư viện - thông tin.

Các hiệu quả gia tăng khi xây dựng CSDL tập trung: Có thể sử dụng dịch vụ mượn liên thư viện để mượn hoặc cho mượn tài liệu với các thư viện trong cùng hệ thống; Sử dụng chung phần mềm quản trị hệ thống CSDL và chia sẻ tài nguyên số giữa các thư viện thành viên; Sử dụng cổng tìm kiếm và chuyển giao tài nguyên tập trung để khai thác tài nguyên trong hệ thống; Sử dụng phần mềm thư viện thế hệ mới để quản lý mọi hoạt động của thư viện mình, chia sẻ và kết nối với các thư viện khác trong và ngoài nước.

Với các hiệu quả trên, xây dựng mô hình CSDL tập trung là mô hình phù hợp để hệ thống các thư viện nói chung, thư viện trong CAND nói riêng xây dựng CSDL lớn cho cả hệ thống mang lại sự tiết kiệm kinh tế và tạo nên hiệu quả sử dụng nguồn lực thông tin của các thư viện.

5. Các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện dùng chung, tối ưu hoá nguồn lực thư viện thông tin trong hệ thống thư viện Công an nhân dân

Trong thời gian tới đây, để tối ưu hoá nguồn lực thông tin trong toàn hệ thống các thư viện CAND, xây dựng CSDL tập trung các thư viện trong CAND cần hướng tới thực hiện một số giải pháp sau:

- Tập trung đầu tư Thư viện trung tâm (Thư viện CAND), sau đó đầu tư một số thư viện trọng điểm (đứng đầu hệ thống khối trường, khu vực tỉnh, thành phố), lựa chọn trong số những thư viện này để xây thư viện điện tử là những “thư viện hạt nhân” để kết nối, mở rộng mô hình hoạt động triển khai ở các thư viện điện tử khác có quy mô vừa và nhỏ trong CAND. Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ tập trung đầu tư xây dựng Thư viện điện tử CAND (thư viện trung tâm, xây dựng CSDL tập trung, điều phối, kết nối chia sẻ dữ liệu toàn hệ thống thư viện trong CAND). Ngoài ra, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các thư viện của khối này đảm bảo các điều kiện cần thiết có thể kết nối, truy cập khai thác thông tin đến Thư viện trung tâm và thư viện khác trong CAND dưới hình thức thư viện quy mô nhỏ hoặc phòng đọc điện tử. Đối với học viện, trường CAND tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hệ thống thư viện điện tử đảm bảo kết nối chia sẻ nguồn tài liệu giáo dục mở, tài liệu số. Ưu tiên đầu tư số hoá hệ thống giáo trình dùng chung, giáo trình giảng dạy, luận văn, luận án, đề tài khoa học xây dựng CSDL tập trung giúp nâng cao chất lượng của công tác đào tạo do có sự trao đổi dữ liệu, so sánh dữ liệu giảm tải việc sao chép, đạo văn khi thực hiện các kết quả nghiên cứu trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của giảng viên, học viên và cán bộ nghiên cứu (xây dựng dữ liệu nội sinh tập trung của các trường CAND). Đối với công an địa phương, đầu tư một số thư viện điện tử quy mô vừa và nhỏ, đảm bảo kết nối, truy cập, chia sẻ thông tin đến thư viện trung tâm của hệ thống, đảm bảo các điều kiện tiếp cận thông tin cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng CAND.

- Đẩy mạnh xã hội hoá, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng hợp tác trong điều kiện nguồn tài chính, ngân sách Nhà nước hạn hẹp nhằm huy động mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho thư viện hoạt động hiệu quả.

- Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm thư viện có chuyên môn nghiệp vụ thư viện, có kiến thức về công nghệ - thông tin, tin học, ngoại ngữ phù hợp với từng khối đơn vị đảm bảo vận hành được thư viện truyền thống và thư viện hiện đại. Quan tâm đảm bảo chế độ, chính sách của người làm thư viện theo quy định, đồng thời có cơ chế thu hút các chuyên gia công nghệ - thông tin làm việc lâu dài hoặc hợp tác chặt chẽ để xây dựng và phát triển thư viện số trong CAND.

Kết luận

Xây dựng CSDL tập trung trong hệ thống thư viện CAND là một mục tiêu cần thiết để hướng đến phát triển CSDL dùng chung nhằm chia sẻ tài nguyên dữ liệu khoa học công an trong toàn lực lượng, giúp cán bộ, chiến sỹ chủ động tìm kiếm, sử dụng, cập nhật dữ liệu và thông tin để phục vụ cho công tác, học tập, nghiên cứu.

Ngoài ra, việc xây dựng CSDL tập trung sẽ làm phong phú, đa dạng và nâng cao chất lượng nguồn lực thông tin, dịch vụ cung cấp thông tin, các tiện ích phục vụ bạn đọc, đồng thời thoả mãn nhu cầu tin ngày càng cao, phục vụ công tác, học tập và nghiên cứu của cán bộ, chiến sĩ trong CAND. Về lâu dài, CSDL tập trung sẽ tạo nền tảng cho kết nối, chia sẻ các tài nguyên số hoá, hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ giám sát, quản lý hiệu quả công tác của các cơ quan đơn vị, trao đổi nghiệp vụ tạo nên môi trường mở cho khoa học công an phát triển, cũng như tạo các cơ hội tiếp cận nguồn thông tin thuận tiện, nhanh chóng và chính xác. Song song với xây dựng CSDL tập trung trong một tương lai không xa hệ thống thư viện CAND cần xây dựng được kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở một cách nhịp nhàng và đồng bộ trong toàn hệ thống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo kết quả khảo sát thực trạng hoạt động thư viện trong CAND số 1544/BC-X03-P4 ngày 24/4/2019.

2. http://aita.gov.vn/tong-quan-ve-khai-niem-co-so-du-lieu-phan-loai-co-so-du-lieu-va-thao-luan-ve-co-so-du-lieu-trong-co-quan-nha-nuoc-phan-1. Truy cập ngày 12/7/2019.

3. https://idtvietnam.vn/vi/oclc-ket-noi-mang-thu-vien-toan-cau-hop-tac-chia-se-tai-nguyen-va-cac-dich-vu-thu-vien-445. Truy cập ngày 12/7/2019.

4. Trần Mạnh Tuấn. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trong các thư viện khoa học xã hội // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2010. - Số 4. - Tr. 3-9.

_________________

ThS. Đỗ Thu Thơm

Phó Giám đốc Thư viện Công an nhân dân

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 5. - Tr. 30-35.


Đọc thêm cùng chuyên mục: