Quản lý nguồn nhân lực tại các thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh

E-mail Print

Thư viện công cộng nói chung và thư viện quận, huyện (TVQH) nói riêng là một thiết chế văn hoá quan trọng. Thư viện công cộng được hình thành và phát triển để đáp ứng nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Từ đó, thư viện đảm bảo những điều kiện cần thiết cho mọi người dân được học tập suốt đời (Lifelong Learning), nâng cao dân trí, phát triển sản xuất/ kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. TVQH còn là trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là nơi giao lưu tình cảm, tư tưởng và trao đổi kiến thức, kinh nghiệm của cư dân địa phương. Tuy nhiên, để thư viện nói chung và TVQH nói riêng thực hiện được vai trò, vị trí của mình; vấn đề cốt lõi, yếu tố quan trọng là con người, là nguồn nhân lực hoạt động trong các thiết chế này. Chất lượng dịch vụ thư viện - thông tin phụ thuộc trực tiếp bởi trình độ, kiến thức, kỹ năng và thái độ phục vụ của người làm thư viện (NLTV), họ là lực lượng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá thành văn của quốc gia, dân tộc.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế, văn hoá, giáo dục lớn của cả nước. Thời gian qua thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư phát triển hệ thống thư viện công cộng, TVQH về nhiều mặt, trong đó có sự phát triển của đội ngũ NLTV. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nguồn nhân lực của TVQH tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Nguồn nhân lực chưa tương xứng với vai trò, vị thế của thư viện trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá Thành phố. Ngoài ra, hiện nay do nhiều nguyên nhân nên nguồn nhân lực TVQH đang có những dấu hiệu đi xuống, một số TVQH hoạt động cầm chừng, nhân sự không có kiến thức, trình độ về nghiệp vụ thư viện... Từ thực tế trên, việc tìm hiểu thực trạng nguồn nhân lực, đề ra các giải pháp hoàn thiện quản lý và phát triển nguồn nhân lực của các TVQH ở thành phố Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thiết chế này là bài toán đang đặt ra cho các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cần có lời giải.

1. Vai trò của thư viện quận, huyện trong xã hội

Hệ thống TVQH là “cánh tay” nối dài của thư viện tỉnh, thành, là lực lượng trực tiếp phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng. Hệ thống TVQH ở thành phố Hồ Chí Minh là những thư viện phục vụ cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, lứa tuổi, trình độ chuyên môn, trình độ văn hoá; là công cụ đắc lực trong việc tuyên truyền, phổ biến tri thức về di sản văn hoá thế giới, văn hoá dân tộc và các tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng trong nước và nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu khai trí, mở mang tầm hiểu biết, nhu cầu giải trí cho người lao động, sử dụng thời gian nhàn rỗi của nhân dân một cách có ích, góp phần giúp bạn đọc có những cơ hội, điều kiện thuận lợi tiếp nhận các giá trị, tinh hoa văn hoá nhân loại, làm giàu thêm, phong phú thêm các giá trị truyền thống nhằm tạo nên nền tảng văn hoá tinh thần cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thông qua việc tuyên truyền giới thiệu rộng rãi những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới và trong nước, các kinh nghiệm tiên tiến, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, các TVQH góp phần đưa ánh sáng của khoa học và công nghệ vào cuộc sống của từng người dân bình thường, phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về tri thức, thông tin. Các TVQH luôn gắn bó với việc giáo dục kỹ thuật nghề nghiệp cho học sinh ở các trường phổ thông; cho công nhân ở các xí nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp, công ty; cho nông dân ở các vùng nông thôn và phục vụ đắc lực cho việc tự học để mở mang tri thức nhân dân trên địa bàn.

2. Vai trò của nguồn nhân lực thư viện quận, huyện

Nguồn nhân lực TVQH có vai trò rất quan trọng, chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống phát triển kinh tế - xã hội, bởi vì chăm lo đầy đủ đến con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của mọi quốc gia. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững.

Nguồn nhân lực TVQH tại thành phố Hồ Chí Minh là lực lượng bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá thành văn của quốc gia, dân tộc, giữ gìn kho tàng tri thức của nhân loại nói chung, của địa phương nói riêng. Thông qua nguồn nhân lực thư viện, người dùng tin tiếp cận được với tài liệu, khai thác được những thông tin mình cần. Nhờ có NLTV, tài liệu được phục vụ phù hợp với nhu cầu, tập quán, thói quen của người dùng tin như: nhu cầu học tập, nghiên cứu, nắm bắt thông tin phục vụ cuộc sống, công việc tới nhu cầu giải trí đều có thể được đáp ứng. Bất cứ một thư viện nào dù hiện đại đến đâu, được trang bị tự động hoá thế nào thì tất cả các hoạt động tại thư viện đều gắn chặt với yếu tố con người.

Vai trò của nguồn nhân lực thư viện càng được khẳng định trong môi trường bùng nổ thông tin toàn cầu như hiện nay, đặc biệt đối với thư viện công cộng cấp quận, huyện đối tượng người dùng tin khá đa dạng và chủ yếu ở trình độ phổ thông, rất cần đến sự định hướng và hỗ trợ trong tìm kiếm thông tin, đây cũng chính là vai trò và nhiệm vụ của NLTV.

3. Thực trạng quản lý nguồn nhân lực tại các thư viện quận, huyện ở thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Thực trạng nguồn nhân lực

- Về số lượng, độ tuổi, giới tính đội ngũ NLTV: tổng số nguồn nhân lực của 24 TVQH là 39 nhân viên, bình quân chưa đến 2 nhân viên/ 01 thư viện. NLTV là nữ chiếm đến 80,77%, cao hơn hẳn so với NLTV là nam chỉ chiếm 19,23%. Tỷ lệ nữ giới luôn cao hơn nam giới vốn là đặc điểm chung của ngành Thư viện do tính chất công việc đòi hỏi sự nhẫn nại, cẩn thận, đặc biệt là đối với các hoạt động mang tính chất truyền thống. Đại đa số NLTV quận, huyện nằm trong độ tuổi từ 45 trở lên, sức khỏe hạn chế, ngại học tập nâng cao trình độ, tiếp thu những kiến thức mới về nghiệp vụ thư viện, đặc biệt là ngoại ngữ, tin học…

- Về trình độ đội ngũ NLTV: Để TVQH thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả và hỗ trợ đắc lực cho việc thông tin, học tập, giải trí, đội ngũ NLTV quận, huyện phải thực sự đủ và mạnh cả về lượng và chất, nhưng hiện nay một số lãnh đạo các Trung tâm Văn hoá còn xem nhẹ công tác thư viện, họ có thể điều động những nguồn nhân lực thuộc các ngành khác vì một lý do nào đó bị bệnh hay không có khả năng, bị kỷ luật… chuyển qua làm thư viện là phổ biến. Những người này thông thường chưa được đào tạo về công tác thư viện, chưa nắm vững chuyên môn nghiệp vụ cần thiết, làm công việc chủ yếu là giữ sách, báo, ít quan tâm đến nghiệp vụ. Đó là chưa kể đến một lực lượng nhân lực không nhỏ về nghỉ hưu, nhưng thư viện lại không được tuyển thêm người mới.

- Về khả năng đáp ứng công việc hiện nay của NLTV quận, huyện: Sự phát triển của công nghiệp 4.0 đã tác động sâu sắc và mạnh mẽ tới nhiều ngành nghề trong xã hội, trong đó có nghề Thư viện. Nối mạng toàn cầu, bùng nổ thông tin, đặt ra yêu cầu đổi mới trong công tác thu thập, xử lý, phổ biến và trao đổi thông tin. Do đó, đòi hỏi NLTV phải có các kiến thức, năng lực và kỹ năng cần thiết. Xét thực tế tại các cơ quan TVQH có thể thấy, các kỹ năng cho công việc của NLTV quận, huyện còn nhiều hạn chế, yếu nhất là kỹ năng giao tiếp với người dùng tin để có thể phục vụ một cách hiệu quả; kỹ năng về phân tích, đánh giá nhu cầu tin. Ngoài những kiến thức và kỹ năng cần thiết trên, đội ngũ NLTV quận, huyện vẫn chưa có nhiệt huyết, lòng yêu nghề, say mê công việc. Chính vì vậy, NLTV hiện nay vẫn chưa đủ khả năng để đáp ứng công việc, thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của các TVQH.

3.2. Thực trạng quản lý nguồn nhân lực

- Về chính sách xây dựng nguồn nhân lực thư viện: Hiện nay, các TVQH đã quan tâm đến việc phát triển, xây dựng cho thư viện mình một đội ngũ NLTV nhằm đáp ứng nhu cầu tin của người dùng tin thông qua các chính sách phát triển nhân sự hàng năm. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có thư viện nào đưa ra chính sách xây dựng và phát triển nguồn nhân lực TVQH một cách rõ ràng, cụ thể. Việc hình thành nguồn nhân lực thư viện phụ thuộc vào lãnh đạo Trung tâm Văn hoá quận, huyện. Chưa có kế hoạch dài hạn hoặc ngắn hạn để phát triển nguồn nhân lực thư viện. Do đó, việc phát triển đội ngũ NLTV của các thư viện còn mang tính nhất thời, bộc phát, chưa đưa ra được các yêu cầu cần thiết để đào tạo NLTV đáp ứng với sự phát triển của công nghệ hiện nay.

- Về việc tuyển dụng: Thực tiễn nhiều năm qua đã minh chứng là việc đầu tư cho nguồn nhân lực TVQH rất hạn chế, chưa có TVQH nào xây dựng tiêu chí tuyển dụng nhân sự thư viện, các thư viện gần như không tuyển dụng mới mà chỉ lấy người dôi dư từ các Trung tâm Văn hoá đưa xuống để làm thư viện bởi vì lãnh đạo của các thiết chế này thường ít quan tâm, đầu tư đến thư viện. Thư viện chưa trở thành bộ phận được đầu tư thích đáng, việc bổ nhiệm nhân sự của thư viện có phần còn tuỳ tiện, không tính đến yếu tố chuyên môn của người làm công tác này. Các Trung tâm Văn hoá chưa có chính sách tuyển dụng NLTV một cách cụ thể, rõ ràng, chính vì thế NLTV làm việc không ổn định luôn bị xáo trộn, có những NLTV vừa làm thủ quỹ, vừa làm phòng truyền thống và vừa làm thư viện.

- Về việc sử dụng nguồn nhân lực: Việc phân công lao động đúng người, đúng việc không chỉ thể hiện khả năng đánh giá nhân viên của người quản lý mà còn phát huy năng lực của nhân sự vào hoạt động của thư viện. Tuy nhiên, hiện nay không ít Trung tâm Văn hoá quận, huyện còn xem nhẹ công tác thư viện. Nguồn nhân lực TVQH thành phố Hồ Chí Minh thời gian gần đây luôn diễn ra tình trạng không ổn định. Điều này đã dẫn đến tình trạng vừa thừa và vừa thiếu NLTV. Thừa những người không có chuyên môn nghiệp vụ thư viện - thông tin, thiếu những người có trình độ, kỹ năng để phát huy vai trò, vị trí của TVQH ở địa phương.

- Về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực: Hướng tới việc xây dựng “xã hội thông tin”, từng bước tạo lập “văn hoá thông tin” trong xã hội và thực hiện chủ trương trong cương lĩnh của Đảng là đào tạo nguồn nhân lực thư viện - thông tin có trình độ cao, xây dựng tài nguyên thông tin cho xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập cùng xu thế phát triển của thời đại. Chính vì vậy, hàng năm Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh đều tiến hành mở các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ thư viện cho các TVQH. Tuy nhiên, do 24 TVQH đều trong sự quản lý của Trung tâm Văn hoá, vì thế, ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh thì việc học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ tại các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành Thư viện là rất hạn chế. Việc đi học trung cấp chính trị hoặc cử nhân chính trị chỉ dành cho cán bộ dự nguồn.

- Về chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến: Nghề thư viện hiện nay của nước ta vẫn chưa thực sự được coi trọng trong xã hội, dẫn đến NLTV thiếu tự tin, rụt rè, từ đó ảnh hưởng đến khả năng trong giao tiếp với người dùng tin. Chế độ tiền lương của NLTV nói chung là quá thấp, không đảm bảo được cuộc sống, nên họ có thể nghỉ việc hoặc chuyển công tác đi nơi khác bất cứ lúc nào nếu có cơ hội. Do đó, TVQH không thu hút được những người giỏi, hoặc nếu có thì họ cũng chỉ coi đây là nơi làm việc tạm thời. Trong cùng một hệ thống thư viện công cộng mà chế độ ưu đãi khác nhau dẫn đến sự so sánh, bức xúc, cảm thấy bị xem nhẹ. Vì vậy, nhân lực trong TVQH gần như không ai muốn làm hoặc không còn tâm huyết với nghề thư viện, họ làm việc với tâm trạng tạm thời, không gắn bó, nếu có cơ hội họ sẽ thay đổi. Đa số NLTV làm việc tại các TVQH khó có cơ hội để học tập, dự các lớp đào tạo dài hạn, ngắn hạn để nâng cao trình độ nghiệp vụ.

- Điều kiện làm việc: Điều kiện làm việc của NLTV còn thiếu thốn như: thiếu máy móc, trang thiết bị chuyên dùng hiện đại. Môi trường làm việc còn chật chội, ẩm thấp, thiếu ánh sáng… Với tình trạng này, một mặt NLTV sẽ không phát huy được hết khả năng của mình, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của sản phẩm và dịch vụ của thư viện; mặt khác, với điều kiện và môi trường làm việc như vậy TVQH không thể là nơi hấp dẫn những người tài, người giỏi, có trình độ vào làm việc và cống hiến.

3.3. Nhận xét

Ưu điểm: Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố lớn và đặc biệt quan tâm định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực cho mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Văn hoá - Thông tin. Hầu hết nguồn nhân lực thư viện đều có kiến thức về tin học, có nhận thức đạo đức nghề nghiệp tốt, sức khỏe tốt, đáp ứng được nhu cầu tự động hoá hoạt động TVQH và thích ứng với môi trường lao động trong thư viện.

Hệ thống các trường đào tạo nghề thư viện của Thành phố phát triển khá nhanh, quy mô, nhân lực luôn được đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới theo yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn.

Nhược điểm: Chỉ có 37,5% NLTV có trình độ nghiệp vụ về thư viện - thông tin, điều này ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của thư viện, TVQH không thể phát triển được và cũng chưa đạt được yêu cầu chiến lược phát triển đến năm 2020. Số lượng nhân lực TVQH quá ít so với các hệ thống thư viện khác (thư viện trường đại học, thư viện trường phổ thông…), do đó, hoạt động của TVQH mang tính cầm chừng, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, nhu cầu thông tin của cư dân trên địa bàn. Khả năng tự học, tự nghiên cứu của NLTV quận, huyện còn hạn chế.

Nguyên nhân của hạn chế: Lãnh đạo TVQH chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của thư viện, chưa có chính sách rõ ràng, cụ thể, cũng như chưa đưa ra các tiêu chí để phát triển nguồn nhân lực TVQH. Quy trình tuyển dụng nhân lực TVQH chưa khoa học, chưa hợp lý, do đó chất lượng nguồn nhân lực thư viện chưa đạt yêu cầu. Môi trường làm việc tại các TVQH thiếu thốn, nghèo nàn, nên chưa tạo điều kiện cho các NLTV phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, nên không phát huy được tính tích cực, sáng tạo của nguồn nhân lực thư viện. Bên cạnh đó, khó giữ chân được những người có kinh nghiệm và không thu hút được những người giỏi, người tài để xây dựng được nguồn nhân lực thư viện mạnh.

4. Các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nguồn nhân lực tại các thư viện quận, huyện thành phố Hồ Chí Minh.

4.1. Xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực

Nhận thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực thư viện, với mục tiêu đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin trong thời đại công nghiệp 4.0, các TVQH cần phải tác động đến lãnh đạo các Trung tâm Văn hoá để có chính sách phát triển nguồn nhân lực và cần đưa ra các tiêu chí bằng văn bản làm cơ sở để tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo… nguồn nhân lực thư viện. Từ những văn bản này giúp người quản lý nhất quán trong quá trình tuyển dụng nhân sự và tạo điều kiện để nguồn nhân lực thư viện phát triển hợp lý, ổn định, bền vững.

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực tại các TVQH trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cần dựa vào chiến lược phát triển ngành Thư viện của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; kế hoạch phát triển hệ thống TVQH của Sở Văn hoá - Thể thao thành phố Hồ Chí Minh; tình hình phát triển dân cư của các quận, huyện tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực thư viện cần đảm bảo những yêu cầu: chính sách phải được thảo luận, thống nhất của lãnh đạo, quản lý; nội dung chính sách phải rõ ràng, cụ thể về số lượng và chất lượng nhân sự trong các TVQH; chính sách cần được bổ sung, sửa chữa theo định kỳ tuỳ theo tình hình thực tế của TVQH.

4.2. Hoàn thiện quy trình tuyển dụng nhân sự

Tuyển dụng là khâu quan trọng nhất trong quá trình phát triển nguồn nhân lực nói chung và xây dựng đội ngũ NLTV nói riêng. Tuyển chọn nhân sự vào làm việc phải đúng người, đúng việc, thiếu vị trí nào thì tuyển vị trí đó. Tuyển được nhân sự tốt là bước khởi đầu và là nền tảng cho sự thành công của thư viện trong tương lai, nếu không sẽ để lại nhiều hậu quả làm ảnh hưởng đến thư viện như: phải bố trí lại nhân sự, đào tạo lại… Để hoàn thiện quy trình tuyển dụng nguồn nhân lực, các TVQH cần đưa ra giải pháp:

- Xác định nhu cầu tuyển dụng để tránh trường hợp nhân sự vừa thiếu lại vừa thừa. Dựa vào quy mô của từng thư viện, các nhà quản lý cần có chiến lược tuyển dụng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại các TVQH ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.

- Việc tuyển dụng phải được thông báo rộng khắp bằng nhiều hình thức khác nhau để tập hợp được một đội ngũ ứng cử viên đông đảo tham gia tuyển chọn. Trên cơ sở đó, tìm ra được những người có phẩm chất, ý thức và năng lực tốt nhất, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.

- Quy trình tuyển dụng cần thực hiện theo tuần tự: xác định nhu cầu tuyển dụng, tìm kiếm thu hút ứng cử viên bằng cách thông báo tuyển dụng, thu nhận và sàng lọc hồ sơ, phỏng vấn hồ sơ tuyển dụng.

4.3. Lập kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực

Đào tạo là một trong những giải pháp có tính quyết định tới việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp cho người lao động có đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện tại và tương lai. Vì vậy, các TVQH cần xem đào tạo là đầu tư dài hạn và có tính chiến lược và cần có những chính sách đào tạo thích hợp nhằm tạo ra cơ hội nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho NLTV quận, huyện.

- Đào tạo nguồn nhân lực phải được xác định là nhiệm vụ quan trọng, xem việc đào tạo là giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công việc cho thư viện và nâng cao trình độ chuyên môn cho NLTV.

- Cải tiến phương thức xác định nhu cầu đào tạo, coi đây là một trong những giải pháp quyết định tới hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở kết quả đánh giá thực hiện công việc và bảng mô tả công việc, nhu cầu cá nhân, nhu cầu của từng bộ phận để xác định nhu cầu đào tạo chung của các TVQH. Điều này đòi hỏi phải có sự nhận thức và thay đổi trong tư duy của lãnh đạo nói chung và của cán bộ quản lý thư viện nói riêng cùng các nhân viên trong các thư viện.

- Tăng cường kinh phí đầu tư vào chương trình và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo hướng thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm.

- Kết hợp đào tạo nguồn nhân lực tại đơn vị với đào tạo bên ngoài như: đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, kết hợp đào tạo trong và ngoài nước.

- Xác định đúng mục đích, mục tiêu đào tạo sẽ tránh việc đào tạo tràn lan, mang tính phong trào để mang lại hiệu quả cao nhất.

- Sau mỗi phần hoặc toàn bộ chương trình đào tạo, cần thực hiện đánh giá về kết quả đào tạo. Qua đánh giá kết quả đào tạo, lãnh đạo các TVQH ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những thông tin hữu ích để xem xét mức độ thoả mãn các mục đích, mục tiêu của chương trình đào tạo đã đề ra và rút ra những bài học kinh nghiệm, đưa ra những điều chỉnh thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả cho các chương trình đào tạo tiếp sau.

4.4. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên cho các thư viện quận, huyện

Thư viện là nơi cung cấp nguồn thông tin chính cho người dùng tin. Tuy nhiên, hoạt động của thư viện không chỉ đơn thuần là việc thu nhận sách bổ sung kho tài liệu và tổ chức khai thác nguồn tài liệu đó. Các thư viện còn chịu trách nhiệm là người tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thư viện phục vụ cho người dùng tin. Tuy nhiên, việc xây dựng một đội ngũ NLTV để tạo ra những sản phẩm dịch vụ mới, thu hút người dùng tin tại các TVQH không phải là một việc dễ dàng. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ làm cộng tác viên có chuyên môn về thư viện tham gia nghiên cứu, biên soạn tổng quan, tổng luận, tóm tắt, sưu tầm, dịch thuật các tài liệu nước ngoài, viết bài cho tạp chí, thông tin chuyên đề và bản tin điện tử… giúp cho hoạt động thư viện sẽ ngày càng được đảm bảo và thu hút được người dùng tin do những ấn phẩm được phát hành ra đều là những ấn phẩm có giá trị, có sự đảm bảo chất lượng của đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn nhất định. Vì vậy, trong quá trình phát triển của mình, thư viện cần phải nắm bắt được cơ hội đó và tăng cường thu hút đội ngũ này làm cộng tác viên cho công tác thư viện nhằm đảm bảo có đủ nhân sự cho hoạt động cung cấp thông tin cho người dùng tin.

Kết luận

Như vậy, để TVQH thành phố Hồ Chí Minh có thể trở thành môi trường góp phần phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn của con người Việt Nam, cần triển khai đồng bộ giải pháp, tận dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận sử dụng thông tin và tri thức, nâng tầm hiểu biết của người dân, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xoá dần những khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới. Trong hoạt động thư viện - thông tin hiện nay, nguồn nhân lực thư viện giữ vai trò trọng tâm, quyết định cho việc phát triển chiều sâu của sự nghiệp thư viện. NLTV nói chung và đội ngũ NLTV nói riêng là cầu nối giữa tài liệu và người dùng tin. Để đáp ứng được nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng và phong phú của người dùng tin, việc đầu tiên là các thư viện phải xây dựng một đội ngũ NLTV đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng của TVQH, cung cấp cho xã hội lực lượng lao động chất lượng cao, xây dựng cho sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Với vị trí là những cánh tay nối dài của Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống TVQH cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ cả về chủ trương, chính sách, kinh phí từ các cơ quan chủ quản và từ sự giúp sức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng rằng những đề xuất thiết thực trên đây sẽ nhanh chóng được áp dụng vào thực tiễn của TVQH ở thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu tin cho nhân dân, góp phần đáng kể vào việc xây dựng nông thôn mới ở Thành phố.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Thị Giang. Xây dựng đội ngũ chuyên gia thông tin tại các thư viện đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh: Luận văn Thạc sỹ Khoa học thư viện. - H., 2009. - 110tr.

2. Trần Văn Hồng. Tổ chức và hoạt động của mạng lưới thư viện quận, huyện ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh: thực trạng và giải pháp: Luận văn thạc sỹ. - H., 2013.

3. Nguyễn Thị Thanh Mai. Đội ngũ người làm thư viện công cộng: thực trạng và giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng // Thông tin và Tư liệu. - 2009. - Số 1. - Tr. 21-24.

4. Tào Thị Thanh Mai. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ người làm thư viện trường chính trị tỉnh Thanh Hoá trong giai đoạn hiện nay // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 1. - Tr. 50-53.

5. Lê Văn Viết. Mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, huyện và cơ sở ở Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. - H.,2007.

_______________________________

ThS. Trần Văn Hồng, Đinh Thị Toản

Trung tâm Văn hoá Quận 6, Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 5. - Tr. 53-58.


Đọc thêm cùng chuyên mục: