Đổi mới tính năng - định hướng phát triển của hệ thống thư viện công cộng Hàn Quốc

E-mail Print

1. Mô hình thư viện tương lai năm 2023

Theo kịch bản, năm 2023, khi Jane Doe - một phụ nữ đang mang thai, sống ở Seoul - trong ngày nghỉ cuối tuần, dắt theo con nhỏ, đến thư viện gần nhà thì tại đây có một thiết bị trí tuệ nhân tạo (AI) giới thiệu với cô các cuốn sách về sinh nở và chăm sóc trẻ sơ sinh được chọn lựa từ nhiều chương trình nuôi dạy con. Cả Jane Doe và con cô đều có những trải nghiệm thú vị ở thư viện nhờ môi trường thân thiện như trong gia đình.

Cũng tương tự như vậy, John Doe, một nông dân sống ở nông thôn, đến một thư viện công cộng vừa được mở tại thị trấn quê hương, tham dự một lớp học mã hoá hướng dẫn thành lập cửa hàng trực tuyến bán các nông sản tự nuôi trồng dành cho các công dân cao niên. Chính phủ hy vọng những nông dân như John Doe sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và được hưởng lợi từ dự án đổi mới thư viện.

2. Chính sách phát triển hệ thống thư viện công cộng hôm nay

Ngày 23/01/2019, Uỷ ban trực thuộc Tổng thống về Thư viện và Chính sách Thông tin đã công bố “Kế hoạch 5 năm lần thứ ba về Tiến trình Đổi mới Thư viện giai đoạn 2019 - 2023” với mục tiêu thu hút nhiều bạn đọc hơn nữa song song với việc phục vụ thông tin có chọn lọc phù hợp với từng đối tượng bạn đọc vào năm 2023.

Chủ tịch Uỷ ban Shin Ki Nam khẳng định trước báo giới rằng: Chính phủ Hàn Quốc sẽ xúc tiến mạnh mẽ các chính sách mới thúc đẩy hệ thống thư viện công cộng của đất nước phát triển vượt bậc và kế hoạch này là thành tố cốt lõi trong tầm nhìn quốc gia.

Với chính sách phát triển lượng bạn đọc đông đảo hơn nữa, Chính phủ chủ trương cung cấp trực tuyến cơ sở dữ liệu kỹ thuật số mở rộng đối với những đối tượng không thể đến thư viện trong giờ hành chính. Hệ điều hành thư viện với ứng dụng công nghệ AI liên tục cập nhật thông tin cần thiết theo suốt cuộc đời bạn đọc về công ăn việc làm, nuôi dạy con và phúc lợi dành cho người cao tuổi…

Về dịch vụ thông tin có chọn lọc, các thư viện không chỉ đưa ra các chương trình tuỳ chỉnh tương thích với nền tảng học vấn của mỗi cá nhân mà còn cung cấp cho công dân những kiến thức thực tế cần thiết để sống trong kỷ nguyên công nghiệp lần thứ tư. Các thư viện điều hành câu lạc bộ đọc sách xã hội sẽ có các cuộc tranh luận trí tuệ.

Bên cạnh đó, việc nâng cấp chức năng sẽ làm cho các thư viện trở nên bao quát hơn trong việc lôi cuốn nhiều đối tượng bạn đọc và do vậy giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng về kiến thức do xã hội lão hoá nhanh chóng và công nghệ tiến bộ không ngừng.

Đồng hành với tiến trình trên, thư viện cung cấp nhiều quyền truy cập cho các cư dân sống trong điều kiện biệt lập như binh lính, bệnh nhân và tù nhân. Thêm vào đó, các thiết kế vạn năng sẽ được áp dụng vào các thiết bị dành cho những đối tượng gặp khó khăn về thể chất như người khuyết tật, người già và cả đối với phụ nữ mang thai hay cha mẹ của trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.

Để thực thi Kế hoạch, Chính phủ dự định tăng số lượng thư viện công cộng lên 1.468 và thư viện nhỏ lên 6.820 vào năm 2023, so với con số 1.042 và 6.058 tương ứng hiện nay.

3. Nội dung tổng quát của Kế hoạch Toàn diện Phát triển Thư viện lần 3 (giai đoạn 2019 - 2023)

Trên cơ sở thu thập ý kiến chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, các cơ quan có liên quan và công chúng, đồng thời căn cứ theo các điều khoản trong Luật Thư viện của Hàn Quốc, Kế hoạch Toàn diện Phát triển Thư viện lần 3 giai đoạn 2019 - 2023 với mục tiêu “Thư viện thay đổi cuộc sống của chúng ta” nhằm đạt tới giá trị cốt lõi là bao quát xã hội, cách tân không gian, dân chủ thông tin cùng 4 định hướng chiến lược và 13 nhiệm vụ nòng cốt vừa được Chính phủ thông qua.

Thứ nhất, Chính phủ định hướng “Thư viện xác định tiềm năng cá nhân” với 3 nhiệm vụ cốt lõi là mở rộng các dịch vụ văn hoá xây dựng năng lực cộng đồng; cải thiện sự tiếp cận thông tin của người dùng; tăng cường việc sử dụng dịch vụ thư viện trong suốt cuộc đời mỗi người dân.

Thư viện sẽ mở rộng chương trình nghệ thuật, văn hoá, nhân văn và giao tiếp dựa trên chương trình đọc sách xã hội. Đối với người dùng gặp khó khăn trong việc sử dụng thư viện do những hạn chế về thời gian và không gian, thư viện có kế hoạch mở rộng dịch vụ thông tin số và củng cố các dịch vụ tập trung vào người dùng như phục vụ thông tin có chọn lọc theo từng giai đoạn cuộc sống (thư viện dựa trên vòng đời của người sử dụng). Uỷ ban sẽ phát triển dịch vụ giám tuyển ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo - những công nghệ cốt lõi của kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - với phương châm lấy người dùng làm trung tâm.

Thứ hai, định hướng Thư viện xây dựng năng lực cộng đồng gồm 3 nhiệm vụ nòng cốt là thiết lập hệ thống quản lý thư viện phi tập trung; bảo quản, chia sẻ và đẩy mạnh trí tuệ công chúng; tăng cường chức năng thư viện với tư cách là một nền tảng trao đổi và hợp tác.

Để thực hiện định hướng này, Uỷ ban có kế hoạch nâng cấp vai trò của thư viện thành một thiết chế đại diện cho quyền lợi của nhân dân thông qua việc cung cấp cho cư dân các dịch vụ đáp ứng và thoả mãn mọi nhu cầu đòi hỏi cá nhân cùng các dự án liên thư viện và hợp tác cộng đồng… Uỷ ban sẽ xây dựng một hệ thống số hoá tài liệu để bảo quản tài nguyên cho các thế hệ tương lai cũng như tăng cường chức năng thư viện với tư cách là một nền tảng trao đổi và hợp tác trong khu vực (thư viện công cộng), trong giáo dục (thư viện trường học) và kiến thức hàn lâm (thư viện học thuật).

Thứ ba, Thư viện hiện thực hoá hoà nhập xã hội là định hướng phát triển tiếp theo cùng 3 nhiệm vụ then chốt: Chủ động thực hiện phúc lợi thông tin; mở rộng không gian mở và kết nối các dịch vụ vượt qua các ranh giới.

Thư viện đặt mục tiêu phát triển công cụ tối ưu đo lường cấp độ bất bình đẳng kiến thức, cải thiện cơ sở hạ tầng cho người dùng trong môi trường đặc biệt, phát triển dịch vụ tuỳ chỉnh, mở rộng không gian mở tổng hợp (khu vực nghỉ ngơi, quán cà phê…), duy trì công bằng trong việc sử dụng thư viện và thư viện còn đảm nhiệm chức trách là một nơi trú ẩn an toàn trong trường hợp xảy ra thảm hoạ. Thư viện cũng có kế hoạch “ưu ái” đặc biệt với người khuyết tật. Hơn nữa, Uỷ ban cũng sẽ tập trung nỗ lực tăng cường kết nối các dịch vụ xã hội với dịch vụ thư viện tạo thành các dịch vụ tiện ích chuẩn mực dành cho dân chúng.

Cuối cùng là định hướng Đổi mới thư viện mở ra tương lai với 4 nhóm nhiệm vụ: Cải thiện chất lượng hệ thống quản lý thư viện; tăng cường hệ thống hợp tác thư viện; xây dựng hệ thống chia sẻ tài nguyên thư viện - thông tin và mở rộng cơ sở hạ tầng thư viện.

Nhằm đổi mới dịch vụ thư viện, Chính phủ cam kết củng cố chất lượng nhân viên, tái đào tạo người làm thư viện, tăng cường năng lực tổ chức và nâng cấp Uỷ ban Chính sách về Thông tin và Thư viện thành một tổ chức chính quyền liên bộ, đồng thời lập kế hoạch xúc tiến hệ thống hợp tác liên thư viện trong nước mà Thư viện Quốc gia Hàn Quốc là đầu mối trung tâm cũng như thúc đẩy kết nối trao đổi quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

4. Kết luận

Tựu trung lại, với Kế hoạch Toàn diện Phát triển Thư viện lần 3 giai đoạn 2019 - 2023, chính phủ Hàn Quốc dự kiến xây dựng hệ thống thư viện công cộng trở thành biểu tượng của thiết chế tự do. Tự do đọc. Tự do ý tưởng. Và tự do giao tiếp. Nói khác đi, thư viện là nơi giáo dục và tự giáo dục suốt đời, nơi giải trí lành mạnh, nơi an toàn và là nơi tiếp cận thông tin. Như vậy, theo một nghĩa rạch ròi, thư viện còn hơn là một phần thiết yếu của đời sống. Có thể nói, tương lai của chúng ta phụ thuộc vào thư viện và thư viện thay đổi cuộc sống của chúng ta.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Korea announces the 3rd Comprehensive Plan for Library Development - Libraries that Change Our Lives // INKSLIB Newslette. - 2019. - No. 3.

2. http://www.korea.net/NewsFocus/policies/ view?articleId=167513. Truy cập ngày 22/3/2019.

3. http://en.wikipedia.org/wiki/National_Library _of_Korea. Truy cập ngày 22/3/2019.

4. http://www.nl.go.kr/english/index.jsp. Truy cập ngày 22/3/2019.

________________

Hồng Hà tổng hợp

Thư viện Quốc gia Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 5. - Tr. 59-60,58.


Đọc thêm cùng chuyên mục: