Vài nét về hoạt động của hệ thống mượn liên thư viện quốc gia Hàn Quốc Chaekbada

E-mail Print

Giới thiệu

Cho đến đầu những năm 2000, khi so sánh với Hoa Kỳ hoặc Nhật Bản thì các thư viện công cộng ở Hàn Quốc đã bị tụt hậu đáng kể nếu xét về số lượng vốn tài liệu trung bình hoặc số lượng tài liệu bình quân trên đầu người. Hơn nữa, với sự gia tăng số lượng ấn phẩm được xuất bản hàng năm, giá sách tăng cũng như sự xuất hiện của rất nhiều các phương tiện truyền thông đại chúng, các thư viện Hàn Quốc đã phải đối mặt với nhiều khó khăn: gia tăng chi phí cho việc quản lý và bảo quản tài liệu trong khi ngân sách chi cho việc mua bổ sung tài liệu bị cắt giảm. Trong bối cảnh này, không một thư viện nào có thể sở hữu và cung cấp đầy đủ tất cả các tài liệu mà người dùng yêu cầu khi mà cả ngân sách và số lượng nhân viên đều rất hạn chế. Do đó, sự hợp tác giữa các thư viện trở nên rất quan trọng.

Về tổng quát, cho mượn liên thư viện là hoạt động trao đổi tài liệu giữa các thư viện dưới dạng cho mượn hoặc cung cấp bản sao tài liệu theo yêu cầu của bạn đọc dựa trên thoả thuận chung giữa các thư viện. Cho mượn liên thư viện là một phương thức hợp tác giữa các thư viện mà thông qua đó, những hạn chế về khoảng cách địa lý, sự thiếu hụt về mặt nhân sự mà các thư viện đang phải đối mặt sẽ có thể được giải quyết, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Là gương mặt đại diện tiêu biểu của các thư viện Hàn Quốc, Thư viện Quốc gia Hàn Quốc (National Library of Korea - NLK) đã xây dựng một hệ thống cho mượn liên thư viện trên phạm vi toàn quốc có tên gọi là Chaekbada nhằm mục đích chia sẻ và sử dụng các tài liệu thuộc sở hữu của các thư viện trên cả nước. Chaekbada là một dịch vụ cho phép đồng sử dụng tài liệu thư viện trên toàn quốc, giúp bạn đọc có thể tiếp cận được các tài liệu không có sẵn tại thư viện công cộng địa phương. Bạn đọc ở các khu vực khác nhau có thể gửi yêu cầu mượn để sử dụng các tài liệu thuộc sở hữu của thư viện ở các khu vực khác thông qua dịch vụ này. Thiết lập mạng lưới hợp tác trong việc cho mượn liên thư viện trên phạm vi toàn quốc được tiến hành với sự tham gia của NLK, các thư viện công cộng, một số thư viện các trường đại học và thư viện chuyên ngành trên phạm vi cả nước.

Hiện trạng

Việc sử dụng các thư viện công cộng ở Hàn Quốc thường diễn ra theo hình thức: bạn đọc đến thư viện công cộng tại địa phương để thực hiện việc mượn sách và trả sách. Trước đây, việc hợp tác giữa các thư viện không thực sự hiệu quả, do đó bạn đọc chỉ có thể sử dụng các thư viện ở thành phố hoặc tỉnh nơi họ cư trú. Nếu bạn đọc muốn sử dụng bất kỳ tài liệu nào thuộc sở hữu của thư viện ở các địa phương khác, họ buộc phải tự đến thư viện đó làm thủ tục mượn. Số lượng tài liệu khá khiêm tốn ở các thư viện cũng là một lý do khiến bạn đọc không thể tìm thấy các tài liệu họ cần tại thư viện địa phương. Do đó, việc thiết lập một hệ thống cho mượn liên thư viện là giải pháp cần thiết để khắc phục được hiện trạng thiếu hụt tài liệu của từng thư viện, tạo sự thuận tiện cho bạn đọc.

Vào tháng 2/2006, Bộ Văn hoá và Du lịch Hàn Quốc đã đệ trình Tổng thống Hàn Quốc một bản báo cáo, trong đó có đề cập đến “Nhiệm vụ chiến lược để phát triển và nâng cấp các dịch vụ thư viện”. Dịch vụ cho mượn liên thư viện là một trong số các nhiệm vụ quan trọng đã được phê duyệt thực hiện theo bản đề xuất. Do vậy, hệ thống cho mượn liên thư viện trong toàn quốc gia đã được thiết lập để “cung cấp các dịch vụ thư viện hữu ích cho mọi người dân Hàn Quốc”.

Vào tháng 5/2007, NLK bắt đầu xây dựng một hệ thống cho mượn liên thư viện và cũng thực hiện việc nghiên cứu các tiêu chuẩn nghiệp vụ liên quan đến hoạt động này. Các chính sách và quy định cần phải đạt được thoả thuận chung giữa các thư viện để thiết lập và vận hành hệ thống cho mượn liên thư viện một cách hiệu quả mà trong đó có sự tham gia của nhiều thư viện công cộng với quy mô, phương thức hoạt động, đặc điểm địa lý khác nhau. Hơn nữa, sự thành lập một cơ quan tư vấn chuyên môn và các phương thức đánh giá hoạt động cũng cần được bàn thảo và thống nhất để quản lý hệ thống nói chung.

Một nhóm các nhà nghiên cứu, chủ yếu gồm các giáo sư trong lĩnh vực thông tin - thư viện đã nhóm họp để cùng đưa ra một mô hình phát triển của hệ thống cho mượn liên thư viện và xây dựng các tiêu chuẩn nghiệp vụ liên quan. Một ủy ban tư vấn cũng được thành lập để thực hiện các phân tích thực trạng, tiến hành các nghiên cứu về các mô hình cho mượn liên thư viện khác đang được triển khai cũng như cân nhắc, đánh giá các ý kiến đóng góp. Ngoài ra, còn có một lực lượng biệt phái của NLK thực hiện việc xây dựng hệ thống và một buổi họp mở rộng, công khai đã được tổ chức để thu thập các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thư viện liên quan đến hệ thống này.

Vào tháng 11/2007, NLK đã tổ chức một cuộc thi chọn tên cho hệ thống mượn liên thư viện với tiêu chí “ngôn từ dễ hiểu và súc tích”. Trong số hơn 1.000 tên được gửi đến Ban Giám khảo, Chaekbada đã được chọn. Chaekbada (nghĩa đen là Biển Sách) muốn truyền tải ý nghĩa: sẽ tạo ra được một “biển sách” bằng việc thu thập tất cả các cuốn sách ở Hàn Quốc, đồng thời cũng mang một hàm ý khác: bạn đọc sẽ được nhận sách từ một nơi rất xa trên “biển sách” tại một thư viện gần họ.

Bắt đầu từ tháng 11/2007, khi Chaekbada sẵn sàng đi vào hoạt động, hệ thống này đã được vận hành thử nghiệm lần đầu ở 25 thư viện công cộng ở thủ đô Seoul và từ tháng 1/2008, hệ thống đã được vận hành tại 8 thư viện công cộng ở các thành phố khác. Sau 5 tháng hoạt động thử nghiệm, dịch vụ cho mượn liên thư viện quốc gia đã chính thức được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2008 tại 295 thư viện công cộng trên khắp Hàn Quốc.

2019 06 06 01

Hình 1: Trang web Chaekbada (http://www.nl.go.kr/nill)

NLK đã thực hiện việc nâng cấp và mở rộng hệ thống từ tháng 5 - 12/2008, cho phép sự tham gia của các thư viện đại học; kết quả là vào tháng 5/2009, khoảng 100 thư viện đại học đã được thêm vào danh sách các thư viện tham gia hệ thống cho mượn liên thư viện. Tính đến tháng 12/2015, có 879 thư viện trên khắp Hàn Quốc tham gia. NLK chịu trách nhiệm vận hành Trung tâm Chaekbada để giám sát toàn bộ dịch vụ và thực hiện việc hỗ trợ cho các thư viện thành viên khi cần.

Đặc điểm của Chaekbada

Chaekbada được kiến tạo để thực hiện việc chia sẻ tài nguyên thông tin ở Hàn Quốc bằng cách hỗ trợ hoạt động mượn liên thư viện giữa các thư viện trong nước. Đây cũng là hệ thống được thiết kế để kết nối các hệ thống cho mượn liên thư viện khác của các tổ chức bên ngoài. Các đặc điểm chính của Chaekbada như sau:

Sử dụng Hệ thống Thông tin - Thư viện Hàn Quốc

NLK đã thiết lập Mạng hệ thống thông tin - thư viện Hàn Quốc (KOLIS-NET) để bạn đọc có thể tìm kiếm toàn diện các tài liệu thuộc sở hữu của các thư viện công cộng tại Hàn Quốc. KOLIS-NET không chỉ là cơ sở dữ liệu mục lục liên hợp của các tài liệu có tại NLK và các thư viện công cộng trên cả nước mà còn là mạng lưới cung cấp thông tin quốc gia để chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác giữa các thư viện. KOLIS-NET được xây dựng vào năm 2000, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2001 với mục tiêu: nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin thông qua việc thiết lập mạng lưới phân phối thông tin toàn cầu của các tài nguyên thông tin quốc gia; đồng thời, thiết lập một hệ thống quy chuẩn trong việc quản lý tài liệu và phát triển thông tin thư mục trong các thư viện công cộng Hàn Quốc. Do Chaekbada được vận hành trên nền tảng cơ sở dữ liệu KOLIS-NET nên khách hàng chỉ phải thực hiện việc tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu này để biết được thư viện nào chứa tài liệu mà họ cần và gửi yêu cầu mượn liên thư viện.

2019 06 06 02

Hình 2: Trang web KOLIS-NET

Kết nối với hệ thống mượn liên thư viện của mạng thông tin Giáo dục và Nghiên cứu Hàn Quốc (KERIS)

Mạng Thông tin Giáo dục và Nghiên cứu Hàn Quốc (KERIS) thuộc Bộ Giáo dục đang vận hành một hệ thống mượn liên thư viện dành cho các thư viện đại học và các thư viện chuyên ngành tại Hàn Quốc, cho phép đồng sử dụng các tài nguyên thông tin học thuật. Để cung cấp nền tảng cho bạn đọc tiếp cận được tài liệu của các thư viện đại học mà các thư viện công cộng không sở hữu, NLK đã ký một biên bản ghi nhớ với KERIS, trong đó thoả thuận sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Chaekbada, cho phép sự tham gia của các thư viện đại học kể từ tháng 5/2009. Kể từ khi Chaekbada và dịch vụ mượn liên thư viện giữa thư viện các trường đại học được liên kết với nhau, bạn đọc có thể tìm kiếm và yêu cầu tài liệu từ cả thư viện công cộng và đại học thông qua trang web Chaekbada.

Giao diện thuận tiện và hệ thống hoạt động trên nền tảng web

Tất cả các chức năng của Chaekbada đều vận hành trên nền tảng web, cho phép bạn đọc có thể dễ dàng truy cập tại bất cứ nơi nào có kết nối Internet. Ngoài ra, hệ thống được vận hành phù hợp với quy trình làm việc của nhân viên chuyên trách tại các thư viện tham gia vào mạng lưới, trên màn hình chỉ hiển thị các thông tin của từng bước đã được xử lý để tăng khả năng truy cập và giảm thiểu các sai sót.

Hỗ trợ các chức năng liên lạc: gửi tin nhắn và thư điện tử

Chaekbada giúp cho bạn đọc cảm thấy thuận tiện khi họ được cập nhật về từng bước của quá trình phục vụ từ khâu đăng ký sử dụng dịch vụ cho đến trạng thái xử lý yêu cầu. Bạn đọc có thể dễ dàng được cập nhật về tiến trình xử lý yêu cầu của họ trên trang web Chaekbada và cũng nhận được các tin nhắn liên quan đến việc phê duyệt đăng ký thành viên, trả lời cho yêu cầu mượn sách, yêu cầu thanh toán và thông báo sách đến. Ngoài ra, các thông báo từ Trung tâm Chaekbada gửi đến nhân viên chuyên trách ở các thư viện thành viên, thông tin trao đổi giữa các thư viện thành viên và Trung tâm, các tin nhắn điện tử giữa các thư viện, thư điện tử từ Trung tâm Chaekbada đến các thư viện và các hình thức thông tin liên lạc khác đều có thể được sử dụng trong hệ thống mà không cần đến các công cụ hỗ trợ khác.

Hỗ trợ cho các hoạt động mượn liên thư viện theo khu vực hoặc nhóm

Chaekbada được thiết kế để quản lý các nhóm và các chính sách nhóm nhằm tạo điều kiện cho việc tham gia vào hoạt động mượn liên thư viện theo khu vực hoặc nhóm. Ví dụ: một số khu vực hoặc nhóm cụ thể sẽ áp dụng những quy định riêng trong trường hợp một khu vực hoặc một thư viện nhất định có chính sách phí dịch vụ riêng hoặc sử dụng phương thức riêng để cung cấp tài liệu.

Hiện trạng hoạt động của Chaekbada

Giới thiệu về Chaekbada

Vai trò của các bên tham gia trong hệ thống Chaekbada

Các bên tham gia của Chaekbada là bạn đọc của thư viện, thư viện mượn tài liệu, thư viện cho mượn tài liệu và Trung tâm Chaekbada.

Để sử dụng dịch vụ, bạn đọc phải được đăng ký làm thành viên mượn liên thư viện tại một thư viện thành viên. Bạn đọc đó cũng phải đăng ký thành viên Chaekbada và được thư viện mà họ đăng ký làm thành viên mượn liên thư viện xác nhận. Bạn đọc đăng ký mượn liên thư viện sẽ phải đóng một khoản phí để được nhận tài liệu mượn.

Để tham gia Chaekbada, thư viện công cộng phải xin phép Hội đồng mượn liên thư viện và sau đó sẽ được trao quyền và trách nhiệm của cả thư viện mượn sách và thư viện cho mượn sách. Thư viện mượn là thư viện phục vụ các bạn đọc là thành viên Chaekbada đã đăng ký mượn liên thư viện. Thư viện thực hiện việc quản lý các bạn đọc đã đăng ký, xét duyệt các yêu cầu tin, cung cấp các tài liệu được yêu cầu cho các bạn đọc và gửi lại các tài liệu tới các thư viện cho mượn. Thư viện cho mượn là thư viện cung cấp tài liệu cho thư viện mượn, đưa ra quyết định về việc cho mượn tài liệu và gửi tài liệu đến cho thư viện mượn.

NLK vận hành Trung tâm Chaekbada và giám sát tất cả các bước trong chu trình vận hành. Ngoài ra, NLK còn thực hiện việc hỗ trợ và hướng dẫn bạn đọc cũng như hỗ trợ hoạt động của các thư viện thành viên.

Mượn và trả tài liệu

Bạn đọc có thể mượn và trả lại các tài liệu được mượn tại thư viện nơi bạn đọc đó đăng ký làm thành viên thường xuyên. Mỗi bạn đọc có thể mượn liên thư viện tối đa 3 cuốn sách/ lần. Tuy nhiên, đối với các tài liệu chuyển dạng đặc thù dành cho người khuyết tật (sách chữ nổi braille, sách nói) thì những bạn đọc này có thể mượn tối đa 6 cuốn/ lần. Các tài liệu sử dụng cho hoạt động mượn liên thư viện là những tài liệu thuộc quyền sở hữu của một thư viện thành viên mà bạn đọc có thể mượn bao gồm sách và tài liệu chuyển dạng đặc biệt dành cho người khuyết tật (sách chữ nổi, sách nói, sách minh hoạ nổi, các video có phụ đề bằng ngôn ngữ ký hiệu...).

Bạn đọc có thể tìm kiếm và yêu cầu tài liệu trên trang web Chaekbada và cũng có thể chọn thư viện mà mình gửi yêu cầu mượn sách (thư viện công cộng hoặc thư viện trường đại học). Thời gian mượn sách là 14 ngày kể từ ngày thư viện mượn được nhận tài liệu và bạn đọc có thể gia hạn mượn một lần để có thêm 7 ngày sử dụng tài liệu - nếu đó là các tài liệu được mượn từ thư viện công cộng.

Mức phí của dịch vụ

Các tài liệu cho mượn qua Chaekbada được lưu thông giữa các thư viện thông qua dịch vụ bưu vận và chi phí do bạn đọc chi trả. Phí bưu vận khứ hồi là 4.500 won (khoảng 4 USD) cho các tài liệu của thư viện công cộng và 4.900 won (khoảng 4,30 USD) cho các tài liệu của thư viện đại học. Việc thanh toán có thể được thực hiện bằng thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng trực tuyến hoặc bằng điện thoại thông minh. Để giảm thiểu cước phí bưu vận, NLK đã ký Biên bản ghi nhớ với công ty bưu chính quốc gia của Hàn Quốc để có được mức giá cố định áp dụng cho mọi khu vực và thấp hơn so với mức giá chung của các công ty chuyển phát thương mại khác.

Chaekbada áp dụng mức phí bưu vận riêng cho từng nhóm đối tượng hoặc khu vực cụ thể, cho phép các nhóm đối tượng này hoặc các khu vực này được gửi tài liệu miễn phí hoặc thanh toán phí bưu vận kèm chiết khấu. Ví dụ, người khuyết tật có thể sử dụng dịch vụ miễn phí, tất cả các chi phí được nhà nước chi trả (cụ thể là Thư viện Quốc gia dành cho Người khuyết tật), 6 cơ quan địa phương và thư viện công cộng hỗ trợ một phần chi phí cho các bạn đọc của thư viện mình.

2019 06 06 03

Bảng 1: Mức phí vận chuyển tài liệu của dịch vụ Chaekbada cho các nhóm hoặc khu vực

Các bước sử dụng dịch vụ Chaekbada

Để sử dụng dịch vụ, bạn đọc phải được đăng ký làm thành viên mượn liên thư viện tại một thư viện thành viên của Chaekbada, sau đó đăng ký làm thành viên Chaekbada trên trang web Chaekbada và đề nghị thư viện nơi mình đăng ký phê duyệt yêu cầu. Nhân viên thư viện sẽ kiểm tra tính xác thực của thông tin đăng ký (bạn đọc có phải là thành viên của thư viện mình không, bạn đọc có đáp ứng các điều kiện để sử dụng dịch vụ mượn liên thư viện không) để phê duyệt yêu cầu. Sau khi yêu cầu được phê duyệt, bạn đọc sẽ lập tức được truy cập ngay vào dịch vụ Chaekbada.

Giả sử thư viện A là thư viện mượn tài liệu và thư viện B là thư viện cho mượn tài liệu, dịch vụ được xử lý như sau:

Một bạn đọc đã đăng ký mượn liên thư viện của thư viện A tìm kiếm tài liệu trên trang web Chaekbada (http://www.nl.go.kr/nill). Khi bạn đọc đó tìm được tài liệu mình cần, thư viện A sẽ kiểm tra tính xác thực của thông tin liên quan đến bạn đọc đó (bạn đọc có phải là thành viên của thư viện mình không, bạn đọc có đáp ứng các điều kiện để sử dụng dịch vụ mượn liên thư viện không) và phê duyệt yêu cầu.

Yêu cầu tài liệu đó được chuyển đến thư viện sở hữu tài liệu (thư viện B) và thư viện này sẽ quyết định xem có cho bạn đọc mượn tài liệu đó không. Yêu cầu tài liệu thông thường được chuyển đến một thư viện trong cùng khu vực (thành phố hoặc quận) với thư viện A. Nếu các thư viện trong cùng khu vực không có tài liệu đó, yêu cầu sẽ được gửi đến thư viện ở các khu vực lân cận, từ gần đến xa. Nói chung, thư viện cho mượn tài liệu được hệ thống tự động lựa chọn dựa trên khoảng cách địa lý tính từ thư viện mượn tài liệu nhưng bạn đọc cũng có thể chọn một thư viện nhất định để mượn tài liệu dựa trên tiêu chí thuận tiện và giảm thiểu mức phí.

Khi thư viện B chấp thuận cho mượn tài liệu, một tin nhắn SMS thông báo sẽ được gửi đến bạn đọc, yêu cầu thanh toán phí dịch vụ. Khi bạn đọc đó hoàn tất việc thanh toán mức phí, sẽ gửi tài liệu cho thư viện A. Khi tài liệu được chuyển đến thư viện A, một tin nhắn SMS thông báo sẽ được gửi đến bạn đọc và bạn đọc đó đến thư viện A để nhận tài liệu. Khi bạn đọc sử dụng xong tài liệu, trả lại tại thư viện A, thư viện A gửi trả tài liệu cho thư viện B và chu trình mượn liên thư viện hoàn tất.

Một vài số liệu thống kê về dịch vụ Chaekbada

Tính đến tháng 12/2015, đã có 879 thư viện đang tham gia Chaekbada, trong đó có 715 thư viện công cộng, chiếm 77% tổng số thư viện công cộng tại Hàn Quốc (tính đến 2014, Hàn Quốc có 930 thư viện công cộng). 24% trên tổng số các thư viện đại học ở Hàn Quốc (Hàn Quốc có 430 thư viện đại học tính đến năm 2014) đang tham gia dịch vụ mượn liên thư viện KERIS.

2019 06 06 04

Bảng 2: Các thư viện tham gia Chaekbada

Kể từ khi Chaekbada ra mắt năm 2008, dịch vụ này ngày càng được sử dụng nhiều hơn sau mỗi năm. Sự gia tăng về mặt sử dụng cũng nhờ sự gia tăng số lượng các thư viện tham gia vào mạng lưới. Dịch vụ này được sử dụng nhiều trong các thư viện công cộng - những đơn vị mà nếu so sánh về mặt vốn tài liệu, cơ sở vật chất và nhân lực - thì đều khiêm tốn hơn so với các thư viện đại học và thư viện chuyên ngành.

2019 06 06 05Bảng 3: Số liệu thống kê về dịch vụ Chaekbada theo từng năm

Định hướng phát triển Chaekbada

Đã có hơn 800 thư viện trên khắp đất nước Hàn Quốc với đặc điểm, quy mô và hình thức hoạt động khác nhau đang tham gia Chaekbada. Do vậy, một số vấn đề phát sinh từ thực tế là chất lượng dịch vụ Chaekbada sẽ khác nhau tuỳ theo quy mô vốn tài liệu và số lượng nhân viên của thư viện.

Hơn nữa, các thư viện mượn và thư viện cho mượn chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị bao gồm thành phố Seoul và tỉnh Gyonggi; các thư viện cho mượn chủ yếu ở khu vực Seoul đều có vốn tài liệu đồ sộ hơn. Do đó, cần phải đẩy mạnh việc sử dụng Chaekbada ở các khu vực còn lại.

Một vấn đề khác là các thư viện công cộng, với nguồn nhân lực khiêm tốn so với các thư viện đại học hoặc các thư viện chuyên ngành, đều đang gặp khó khăn trong việc quản lý và thực hiện việc mượn liên thư viện. Hơn nữa, các nhân viên thường xuyên được thay thế hoặc điều chuyển sang các bộ phận khác, sự xáo trộn về mặt nhân sự nói trên có thể gây tác động tiêu cực đến việc duy trì chất lượng của Chaekbada.

Các thư viện tham gia cần tích cực hơn nữa trong việc hợp tác để tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ. Nhân viên phụ trách dịch vụ cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa để quảng bá Chaekbada đến bạn đọc, cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng và chính xác.

Để làm được điều này, NLK sẽ thực hiện việc hỗ trợ thông qua Trung tâm Chaekbada, nơi có đội ngũ nhân viên luôn tận tình hướng dẫn và tư vấn cho các nhân viên phụ trách dịch vụ tại các thư viện tham gia, cung cấp các áp phích và tờ rơi quảng bá dịch vụ và cung cấp túi dành riêng cho việc vận chuyển các tài liệu Chaekbada.

Ngoài ra, các thư viện công cộng tham gia tích cực sẽ được nhận các ưu đãi đặc biệt và các nhân viên phụ trách dịch vụ tại các thư viện sẽ được tham gia tập huấn 4 lần/ năm. Hơn nữa, quy trình cho mượn tài liệu đang dần được đơn giản hoá, tạo thuận lợi cho bạn đọc; hệ thống cũng đang được nâng cấp để nhân viên có thể xử lý các yêu cầu một cách nhanh chóng hơn.

NLK sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác và tích cực hỗ trợ các thư viện thành viên để dịch vụ Chaekbada được nâng cấp cả về số lượng và chất lượng.

Nguồn: http://library.ifla.org/1359/1/095-kim-en.pdf

_____________________

Ngô Hồng Điệp lược dịch

Đại học RMIT Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 6. - Tr. 56-61.


Đọc thêm cùng chuyên mục: