Dịch vụ thông tin cho người khiếm thị dưới góc nhìn văn hoá

E-mail Print

1. Một số khái niệm

1.1. Văn hoá

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đã đứng ở nhiều góc độ khác nhau để định nghĩa về văn hoá. Điều này, một mặt chứng minh tính phức tạp của nội hàm văn hoá, một mặt giúp cho con người có thể nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khái niệm văn hoá.

Theo UNESCO: “Văn hoá là tổng thể các đặc trưng diện mạo tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm, được khắc hoạ lên bản sắc của một cộng đồng, một vùng miền quốc gia hay của xã hội”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: “Văn hoá là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của loài người về ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng” [2].

Theo quan điểm của Đảng: “Vǎn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là hệ các giá trị, truyền thống, lối sống, là năng lực sáng tạo của cả một dân tộc, là bản sắc của một dân tộc, để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác” [4, 6].

Văn hoá có vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đời sống xã hội gồm hai mặt: vật chất và tinh thần. Trong đó, kinh tế là nền tảng của đời sống vật chất, còn văn hoá là nền tảng của cuộc sống tinh thần biểu hiện trong hai lĩnh vực: văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Sự phân chia này chỉ là tương đối, vì văn hoá là vật thể (hay văn hoá vật thể) thực chất là vật thể hoá các giá trị tinh thần. Vì vậy, văn hoá là hoạt động tinh thần với các chức năng như giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ, dự báo, giải trí. Trong đó, giáo dục là chức năng bao trùm. Thông qua các chức năng cụ thể trên, các hoạt động văn hoá (trong đó có hoạt động phát triển văn hoá đọc) tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách, sự phát triển toàn diện của con người [9].

1.2. Dịch vụ thông tin

Theo Từ điển tiếng Việt do tác giả Hoàng Phê chủ biên “Dịch vụ là công việc phục vụ trực tiếp cho những nhu cầu nhất định của số đông, có tổ chức và được trả công” [8]. Với ý nghĩa như vậy, dịch vụ thông tin có thể hiểu là “công việc phục vụ thông tin/ tài liệu cho một người, một nhóm người nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu thông tin của họ và có thể được trả tiền hoặc không được trả tiền”. Như vậy, dịch vụ thông tin là các hoạt động cung cấp thông tin có mục đích, mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu tin cho người dùng tin.

Dịch vụ thông tin đã có từ rất sớm, khi con người có nhu cầu thông tin. Ngày nay, sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm cho dịch vụ thông tin trở nên phong phú, đa dạng và mang tính hiện đại hơn.

1.3. Người khiếm thị

Bách khoa toàn thư Wikipedia cho rằng “Người khiếm thị là người sau khi được điều trị hoặc điều chỉnh khúc xạ mà thị lực bên mắt tốt vẫn còn từ dưới 3/10 đến trên mức không nhận thức được sáng tối”. Tiến sỹ Gillian Burrington - chuyên gia thông tin phục vụ người khuyết tật và nguyên giảng viên chính Khoa Thông tin - Thư viện của trường Đại học Bách khoa Manchester lại cho rằng: thuật ngữ “khiếm thị” dùng để mô tả tình trạng thị lực không thể điều chỉnh bằng kính thuốc hay phẫu thuật. Nó bao gồm những người mắc bệnh thị lực chỉ còn một phần và những người bị mù hoàn toàn. Một số người khiếm thị khó nhìn thấy những vật ngay trước mặt nhưng có thể nhìn thấy những vật trên sàn nhà hoặc ở hai bên, một số người khác lại có thể thấy rõ ràng những vật ngay trước mắt nhưng không thấy gì ở hai bên. Một số trường hợp bệnh lý có thể gây thị lực chỉ nhìn lốm đốm từng vùng, một số bệnh lý khác ảnh hưởng đến sự nhận biết màu sắc hoặc khả năng nhận biết khoảng cách. Cũng có một số người thì rất khó khăn khi gặp ánh nắng chói chang và một số người khác có thể không nhìn thấy gì ngay cả khi gặp ánh sáng yếu [10].

Theo Từ điển tiếng Việt “Người khiếm thị là người có khiếm khuyết về thị giác, mất khả năng nhìn hoặc chỉ nhìn được rất kém, không rõ ràng”. Còn người mù là những người hoàn toàn không có khả năng nhận thức hay phân biệt được sáng, tối. Như vậy, người mù và người khiếm thị là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Để chỉ chung người khiếm thị và người mù người ta còn dùng khái niệm người mù loà (visually impaired) hay người bị suy giảm thị lực [8]. Vì vậy, các cơ quan thông tin - thư viện phải lưu ý tới đặc điểm khả năng thị lực của cả hai đối tượng dùng tin này để tạo dựng các sản phẩm và tổ chức các dịch vụ phù hợp.

1.4. Dịch vụ thông tin cho người khiếm thị

Dịch vụ thông tin cho người khiếm thị là các hoạt động cung cấp thông tin cho người khiếm khuyết về thị giác, giúp họ có thể tiếp nhận thông tin của xã hội.

Để thông tin/ tài liệu đến được với người khiếm thị, hiện nay trên thế giới, các dịch vụ thông tin đã được triển khai như: Dịch vụ tư vấn, hỏi đáp; Dịch vụ vận động người khiếm thị tham gia hệ thống tiếp nhận thông tin; Tổ chức các thư viện lưu động; Dịch vụ giao tài liệu tận nhà; Dịch vụ gửi tài liệu qua bưu điện; Dịch vụ cho mượn trang thiết bị; Dịch vụ mượn liên thư viện; Dịch vụ đọc trực tiếp; Dịch vụ cung cấp trang web chữ nổi...

- Dịch vụ tư vấn, hỏi đáp: Đây là một trong những dịch vụ ở Thư viện Quốc hội Mỹ thực hiện rất hiệu quả. Với mọi câu hỏi của người dùng tin khiếm thị đều được người làm thư viện lần lượt trả lời ngay thông qua mục “Ask a Librarian”. Dịch vụ tư vấn hỏi đáp thường được các thư viện trên thế giới chú trọng. Bên cạnh việc tư vấn hỏi đáp trực tiếp tại thư viện, người khiếm thị có thể lên trang web chữ nổi hoặc qua trang web của thư viện dưới sự trợ giúp của các thiết bị đọc để trao đổi, tìm kiếm thông tin hoặc tìm hiểu sâu hơn vốn tài liệu cũng như các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện.

- Dịch vụ vận động người khiếm thị tham gia hệ thống tiếp nhận thông tin: Là dịch vụ trực tiếp người làm thư viện động viên tiếp cận người khiếm thị, hoặc thông qua các hình thức như vận động, tuyên truyền. Dịch vụ này cần sự hợp tác giữa thư viện với các tổ chức xã hội, tổ chức giáo dục, dịch vụ y tế, các cơ quan truyền thông, báo chí...

- Tổ chức các thư viện lưu động, giao tài liệu tại nhà: Do người khiếm thị có tâm lý ngại tiếp xúc, khó khăn khi đi lại, không hiểu hết các sản phẩm và dịch vụ của xã hội dành cho họ, nên việc tổ chức dịch vụ thư viện lưu động để người làm thư viện đến tận nhà phục vụ các tài liệu, sản phẩm thông tin và giới thiệu phương thức sử dụng công cụ thiết bị hỗ trợ đọc cho người khiếm thị là hết sức cần thiết.

- Dịch vụ gửi tài liệu qua bưu điện: Những người khiếm thị thường rất khó khăn trong việc đi lại, vì vậy các thư viện đã ký kết hợp đồng với các bưu điện để gửi miễn phí các tài liệu cho họ. Việc chuyển bưu phẩm miễn phí cho người khiếm thị đã được thoả thuận và giao ước trên toàn cầu. Các tài liệu và sản phẩm phục vụ qua dịch vụ này thường là sách nói, sách chữ Braille, các ấn phẩm in nổi khác.

- Dịch vụ cho mượn trang thiết bị: Dịch vụ được triển khai trên cơ sở có sự kết hợp của các tổ chức dịch vụ xã hội cơ sở/ địa phương. Ngoài việc cho mượn tài liệu chuyển dạng, thư viện còn có thể cho người khiếm thị mượn trang thiết bị hỗ trợ đọc như kính lúp, máy nghe băng cassette, máy đọc chuyên dụng cho sách nói...

- Dịch vụ trang web chữ nổi: Ở một số nước tiên tiến trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh..., người dùng tin khiếm thị muốn truy cập vào trang web chữ nổi phải ký hợp đồng với thư viện, hoặc trả tiền bản quyền để có mật khẩu, hoặc được người làm thư viện giúp đỡ sử dụng các thiết bị chuyên dụng… Trang web chữ nổi là một dịch vụ cung cấp các tập tin điện tử của cuốn sách chữ nổi Braille, tạp chí và âm nhạc cho các cá nhân đăng ký với thư viện để nhận được tài liệu Braille. Trong trang web chữ nổi, tất cả các cơ sở dữ liệu nằm trong một biểu mẫu điện tử. Người dùng tin khiếm thị sau khi đăng ký với thư viện, có thể sử dụng các tập tin điện tử trực tuyến với các thiết bị chuyên dụng.

- Dịch vụ mượn liên thư viện: Không một thư viện nào có thể cung cấp đầy đủ mọi loại hình tài liệu cho người dùng tin, nhất là tài liệu chuyên biệt cho người khiếm thị. Vì vậy, một số thư viện đã triển khai việc liên kết chia sẻ nguồn tài liệu khiếm thị cho nhau và liên kết chia sẻ nguồn tài liệu giữa thư viện với các tổ chức xã hội như Hội người mù, các tổ chức từ thiện...

- Dịch vụ phục vụ tại chỗ: Với dịch vụ này, người khiếm thị có thể đến thư viện đọc tại chỗ hoặc mượn tài liệu về nhà. Tại thư viện có phòng phục vụ riêng cho người khiếm thị với các thiết bị hỗ trợ đọc. Phục vụ tại chỗ có thể kết hợp cả dịch vụ đọc to nghe chung cho người khiếm thị có nhu cầu thông tin giống nhau.

- Dịch vụ phục vụ/ cung cấp thư mục và danh mục tài liệu: người khiếm thị có thể tự tìm tài liệu thông qua các thư mục mà không cần sự hỗ trợ trực tiếp của người làm thư viện. Vì vậy, dịch vụ cung cấp thư mục tài liệu cho người khiếm thị góp phần giúp người dùng tin chủ động trong việc tìm kiếm tài liệu và nguồn cung cấp tài liệu. Thư mục tài liệu có thể là các tài liệu chuyển dạng và tài liệu chưa chuyển dạng để người dùng tin biết, nếu có nhu cầu sẽ đề nghị chuyển dạng tài liệu. Thư mục tài liệu có thể được thông báo dưới dạng điện tử, người khiếm thị có thể truy cập trên mạng.

- Dịch vụ đọc trực tiếp: Đọc trực tiếp là hình thức giao lưu, tương tác thông tin trực tiếp giữa người làm thư viện và người khiếm thị hoặc qua vật truyền tin trung gian. Đây là dịch vụ hữu hiệu giúp thông tin được rõ ràng, người khiếm thị dễ dàng trao đổi thông tin theo nhu cầu. Người làm thư viện có điều kiện tiếp nhận nhu cầu và phản hồi từ người dùng tin trực tiếp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong các thư viện hiện gặp khó khăn với các hình thức phục vụ này. Mặc dù vậy, dịch vụ này được đánh giá là hiệu quả nhất nhờ sự giao lưu trực tiếp giữa người làm thư viện và người khiếm thị. Thông qua đó, người khiếm thị hiểu được nội dung tài liệu một cách rõ ràng hơn. Có thể đến nhà đọc trực tiếp, qua điện thoại, hoặc qua Internet.

Ở Việt Nam, ngay từ năm 1998, Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã đầu tư cho Thư viện Hà Nội và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 1 phòng đọc hiện đại, tiện nghi để phục vụ cho người khiếm thị. Đặc biệt, kể từ năm 2000, được sự giúp đỡ của Quỹ FORCE (Hà Lan), Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh và các thư viện khác thuộc hệ thống thư viện công cộng đã bắt tay triển khai tạo dựng các sản phẩm và tổ chức các dịch vụ thông tin phục vụ người khiếm thị. Sau hơn một thập kỷ, nhiều sản phẩm thông tin đã ra đời và nhiều dịch vụ được triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên để nâng cao hiệu quả phục vụ người khiếm thị, việc không ngừng đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin là điều rất cần thiết.

2. Góc nhìn văn hoá đối với việc phục vụ cho người khuyết tật, người khiếm thị

Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật đối với người khiếm thị. Thông qua đó, bảo đảm cho người khiếm thị tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội; sống độc lập, hoà nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khoẻ, học văn hoá, thể dục, thể thao, giải trí, công nghệ thông tin... Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về người khiếm thị đã góp phần nâng cao nhận thức, cách nhìn nhận của xã hội đối với người khiếm thị. Qua đó, khắc phục một phần khó khăn cho người khiếm thị trong hoà nhập cuộc sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, giảm thiểu dần những rào cản hoà nhập cộng đồng đối với người khiếm thị.

2.1. Tính nhân đạo

Con người sinh ra trong cuộc đời không ai có thể tự lựa chọn cho mình một hình thể như ý. Những người may mắn, từ khi sinh ra cho đến lúc già, thân thể toàn vẹn, mạnh khoẻ. Còn những người kém may mắn, họ vừa ra đời đã phải chấp nhận sự khiếm khuyết của thân thể, hoặc người bị tai nạn trở thành người khuyết tật, người khiếm thị. Sự khiếm khuyết về thân thể đem lại cho họ nhiều đau khổ, buồn phiền như người khiếm thị phải sống trong đêm trường đen tối, không thấy được sự sôi động đầy màu sắc của cuộc đời; thế giới của người khiếm thính là thế giới tĩnh lặng vô tận, không biết được những âm thanh trầm bổng quanh mình.

Nhận thức được sự thiệt thòi của họ, xã hội đã có những hoạt động hỗ trợ, giúp họ bớt đi phần nào sự đau khổ, buồn phiền, như: mở những trường học dành riêng cho người khuyết tật, xuất bản sách cho người khiếm thị; tạo điều kiện để họ được hoà nhập với xã hội... Những hoạt động trên thể hiện tính nhân đạo của xã hội, thể hiện tình cảm giữa người và người.

2.2. Tính công bằng xã hội

Mỗi người sinh ra trong xã hội đều phải được đối xử công bằng, không phân biệt trình độ, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính, đặc điểm bản thân. Xã hội đã tổ chức những hoạt động để phục vụ cho người bình thường thì cũng phải tổ chức những hoạt động để phục vụ cho người khuyết tật, người khiếm thị. Không thể thiếu sự công bằng xã hội, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Công bằng xã hội là ước mơ, là lý tưởng luôn tồn tại và đồng hành cùng với con người. Đó là thước đo của tiến bộ xã hội, của văn minh nhân loại.

Đối với người khuyết tật, người khiếm thị, họ cũng có những nhu cầu vật chất và tinh thần như người bình thường; họ cũng cần được học hành, được đọc sách, tiếp cận thông tin; họ cũng cần được vui chơi, giải trí, giao tiếp và thể hiện bản thân... Do đó, chúng ta phải tạo mọi điều kiện để người khuyết tật, người khiếm thị được thoả mãn những nhu cầu trên. Hơn nữa, tri thức hoặc sáng tác văn học nghệ thuật là tài sản của cả nhân loại, ai cũng có quyền được tiếp cận/ kế thừa những tri thức đó; ai cũng có quyền được thưởng thức những sáng tác do con người sáng tạo ra. Đối với người bình thường, việc hưởng thụ văn hoá này là dễ dàng; nhưng đối với người khuyết tật, người khiếm thị thì rất khó khăn hoặc không thể. Chúng ta tạo ra những sản phẩm đặc thù (như sách chữ nổi, sách nói...) dành riêng cho người khuyết tật, người khiếm thị là đảm bảo tính công bằng xã hội đối với họ.

2.3. Tính văn minh hiện đại

Trong xã hội văn minh hiện đại, chúng ta luôn hướng đến người khuyết tật, người khiếm thị không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xác định sự văn minh, hiện đại của xã hội, của quốc gia. Do đó, chúng ta phải tổ chức những hoạt động dành cho người khuyết tật, người khiếm thị để họ cùng tiến bộ, cùng phát triển như những người bình thường khác. Điều này không chỉ thể hiện tính nhân văn của con người, thể hiện sự công bằng của xã hội đối với người khuyết tật, người khiếm thị mà còn thể hiện tính văn minh hiện đại của xã hội ngày nay. Xã hội văn minh hiện đại là xã hội không có sự bất bình đẳng giữa các nhóm người, ai cũng có cơ hội để phát triển bản thân, ai cũng có quyền đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội và ai cũng được hưởng lợi ích từ xã hội.

3. Dịch vụ thông tin cho người khiếm thị từ góc nhìn văn hoá

3.1. Nâng cao nhận thức cho người khiếm thị

Người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng ở Việt Nam hiện nay chưa có điều kiện để nâng cao nhận thức, nên việc hoà nhập với cộng đồng xã hội của họ còn hạn chế. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người khiếm thị là thực sự cần thiết và cần tập trung thực hiện. Vấn đề này đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, thể hiện trong nhiều văn bản chính sách pháp luật liên quan đến người khiếm thị.

Trong Công ước quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật [5] và Luật Người khuyết tật [3] đều đã có các quy định liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của người khiếm thị. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trên thực tế vẫn chưa thực sự hiệu quả. Thông tin đóng vai trò chủ yếu trong quá trình nhận thức của con người, đặc biệt trong xã hội hiện đại, vai trò của thông tin càng trở nên quan trọng. Nội dung thông tin phong phú, đa dạng về mọi mặt của cuộc sống hiện thực giúp con người mở mang kiến thức về tự nhiên và xã hội, nâng cao sự hiểu biết về mọi phương diện. Tuy nhiên, người khiếm thị thường ít có cơ hội tiếp cận được thông tin nên đã hạn chế sự tham gia của họ vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội nói chung. Chính vì vậy, thông qua việc tổ chức các dịch vụ thông tin cho người khiếm thị sẽ giúp họ có thể hiểu biết nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện thực, nâng cao được trình độ của mình, dễ dàng hoà nhập với xã hội. Chính bản thân người khiếm thị cũng có nguyện vọng được học tập, lao động, có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định để tự nuôi sống bản thân và đóng góp cho xã hội, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”.

Tuy nhiên, muốn hoà nhập cộng đồng, người khiếm thị phải có kiến thức, kỹ năng, trình độ nhất định. Họ phải được tiếp cận thông tin/ tri thức, phải hiểu biết xã hội. Do đó, dịch vụ thông tin cho người khiếm thị là cơ hội để tiếp cận tri thức của nhân loại theo cách của họ.

3.2. Phát huy khả năng sáng tạo của người khiếm thị

Sáng tạo là nhu cầu tất yếu của con người. trong cuộc sống, lao động, sản xuất, kinh doanh... để tồn tại, thích ứng với sự biến đổi của tự nhiên và xã hội. Hơn nữa, chính nhờ vào khả năng sáng tạo mà con người luôn phát triển.

Người khiếm thị sử dụng thông tin với nhiều mục đích khác nhau, như: giải trí, học tập, lao động, nghiên cứu khoa học... Cũng như những người bình thường, người khiếm thị luôn mong muốn được phát triển, muốn tìm tòi khám phá thế giới khách quan, muốn sáng tạo... Do đó, dịch vụ thông tin cho người khiếm thị không chỉ thoả mãn nhu cầu thông tin của họ mà còn phát huy khả năng sáng tạo của người khiếm thị thông qua việc cung cấp những thông tin về các thành tựu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên - công nghệ, lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn.

3.3. Phát triển cá nhân và cộng đồng người khiếm thị

Người khiếm thị cũng như bao người bình thường khác, luôn có hoài bão tự mình nỗ lực vươn lên vượt qua số phận nghiệt ngã để sống có ích cho xã hội. Cộng đồng người khiếm thị mong muốn được phát triển cá nhân, đóng góp cho xã hội, xoá mờ ranh giới cách biệt với người bình thường, không còn tự ti mặc cảm.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, giúp đỡ và tạo điều kiện về mọi mặt đối với người khiếm thị, bảo đảm cho họ thực hiện đầy đủ quyền bình đẳng và cơ hội phát triển vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Cùng với đó, người khiếm thị ngày càng có nhiều cơ hội học văn hoá, học nghề, tìm kiếm việc làm theo khả năng của mình; được tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hoá, thể thao, vui chơi giải trí… qua đó họ có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Để người khiếm thị đóng góp được cho xã hội họ cần có kiến thức, trình độ, kỹ năng, phải được học tập, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Dịch vụ thông tin cho người khiếm thị cung cấp những hình thức thông tin phù hợp (sách chữ nổi, sách nói, sách hình minh hoạ nổi...) để đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao trình độ, kỹ năng của họ.

Ở Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người khiếm thị, nếu ai cũng có điều kiện, cơ hội phát triển bản thân thì cộng đồng người khiếm thị sẽ không còn là gánh nặng của xã hội. Chúng ta luôn mong muốn xây dựng thành công xã hội Việt Nam công bằng, dân chủ, văn minh để không ai bị bỏ lại phía sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. - H.: Nxb Chính trị Quốc gia, 2016. - Tr. 78, 126.

2. Hồ Chí Minh toàn tập. - H.: Nxb Chính trị Quốc gia, 2011. - Tập 3. - Tr. 458.

3. Luật Người khuyết tật của Quốc hội, số 51/2010/QH12.

4. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

5. Nghị quyết 56/168 ngày 19/12/2001 của Liên hợp quốc.

6. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

7. Trần Thị Thanh Vân. Tìm hiểu các loại sản phẩm và dịch vụ thông tin phục vụ người khiếm thị trên thế giới // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2011. - Số 3. - Tr. 29-33.

8. Viện Ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Việt. - Đà Nẵng: Nxb. Đà Nẵng; H: Trung tâm Từ điển học, 2006. - 1221tr.

9. Trần Quốc Vượng. Cơ sở văn hoá Việt Nam. - H.: Giáo dục, 1998. - Tr. 23.

10. http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/tim-hieu-cac-loai-san-pham-va-dich-vu-thong-tin-phuc-vu-nguoi-khiem-thi-tren-the-gioi.html. Truy cập ngày 15/7/2019.

_______________

Hồng Thị Kim Vy

Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 6. - Tr. 10-15.


Đọc thêm cùng chuyên mục: