Khung phân loại thập phân Dewey, ấn bản 23 tiếng Việt với công tác biên mục trên xuất bản phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

E-mail Print

KHUNG PHÂN LOẠI THẬP PHÂN DEWEY, ẤN BẢN 23 TIẾNG VIỆT VỚI CÔNG TÁC BIÊN MỤC TRÊN XUẤT BẢN PHẨM TẠI THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM

Chu Thị Vân Anh

Lê Thị Mai

Phó Trưởng phòng Phân loại, Biên mục

Thư viện Quốc gia Việt Nam

_______________________________

Tóm tắt: Khái quát thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey 23, Ấn bản tiếng Việt trong công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, để chuẩn hoá công tác Biên mục trên xuất bản phẩm (Cataloging in Publication - CIP)1 nói chung và phân loại tài liệu nói riêng, việc lựa chọn áp dụng một khung phân loại chuẩn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phân loại tài liệu giúp chuẩn hóa công tác xử lý kỹ thuật tài liệu, làm tăng hiệu quả kiểm soát thông tin thư mục, góp phần thúc đẩy việc trao đổi dữ liệu thư mục giữa cộng đồng thư viện trong nước và thế giới. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đề cập khái quát thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey 23, Ấn bản tiếng Việt trong công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG).

- (1) Biên mục trên xuất bản phẩm (CIP) còn có tên gọi khác là Biên mục trước xuất bản, hay Biên mục nguồn.

1. Khái quát Khung phân loại thập phân DDC 23 và công tác Biên mục trên xuất bản phẩm

1.1. Khung phân loại thập phân DDC 23

Khung phân loại thập phân Dewey (Dewey Decimal Clasification) gọi tắt là Khung phân loại DDC được sáng tạo vào năm 1873 do nhà cách tân thư viện nổi tiếng người Mỹ Melvil Dewey (1851-1931) tạo lập để phân loại tri thức thuận tiện cho việc sắp xếp tài liệu và mục lục trong thư viện. DDC là lược đồ tổng hợp về xử lý toàn bộ tri thức, phân chia tri thức thành 10 lớp chính được thể hiện bằng chữ số Ả Rập sử dụng các số thập phân. Hiện nay, DDC là công cụ phân loại tài liệu được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới.

DDC là khung phân loại mang đầy đủ ba tính chất: Liệt kê, tổng hợp và phân cấp, trong đó phân cấp là tính chất đặc thù của DDC. Do đó việc xác định chỉ số phân loại DDC có những đặc điểm sau:

- Có thể xác định chỉ số phân loại bằng cách chọn chỉ số phân loại đã được liệt kê tương đối đầy đủ trong bảng chính.

- Vì mang tính tổng hợp nên có thể xác định chỉ số phân loại bằng cách cộng vào chỉ số căn bản đã được liệt kê trong bảng chính với những ký hiệu khác từ các bảng phụ và từ bảng chính để thiết lập một chỉ số phân loại mới.

- Vì mang tính phân cấp theo cấu trúc và phân cấp theo ký hiệu được thể hiện trong toàn bộ bảng chính nên việc chọn chỉ số phân loại trong DDC là dễ dàng.

- Hệ thống hướng dẫn và chú thích của DDC rõ ràng, đầy đủ, chi tiết trong từng mục từ trong bảng chính giúp việc xác định chỉ số phân loại tương đối dễ dàng, thuận tiện và chính xác. Người phân loại thực hiện việc xác định chỉ số phân loại phải tuân thủ những yêu cầu sau:

+ Thực hiện phân loại theo sự chỉ dẫn trong DDC.

+ Dựa vào ưu điểm phân cấp trong DDC để nắm vững cấu trúc và cơ chế của DDC. Tính phân cấp của DDC được tính theo độ dài của chỉ số phân loại và luôn luôn được đặt trong ngữ cảnh chủ đề cấp trên, thể hiện trong các mục từ trong Bảng chính và Bảng Chỉ mục quan hệ nhằm xác định chỉ số phân loại dễ dàng và chính xác.

Cho đến nay, có hơn 140 quốc gia sử dụng DDC và chia sẻ các chỉ số phân loại thông qua nhiều phương tiện khác nhau (bao gồm WorldCat, OCLC Online Union Catalog). DDC đã được dịch sang hơn 30 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt. Đến thời điểm hiện tại TVQG đã sử dụng các khung phân loại tài liệu sau: Khung Phân loại 19 lớp (1961-1982), Khung phân loại BBK của Liên Xô cũ (1983-2007), Khung Phân loại thập phân Dewey 14, Ấn bản rút gọn (7/2007-12/2013) và Khung Phân loại thập phân Dewey 23, Ấn bản đầy đủ (1/2014-nay).

TVQG triển khai ứng dụng phân loại DDC 23 đối với toàn bộ các sách Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…, luận án tiến sỹ, các loại tranh ảnh, bản đồ, đĩa CD, bài trích báo tạp chí và Biên mục trên xuất bản phẩm.

1.2. Công tác Biên mục trên xuất bản phẩm

Trong khoa học xuất bản và thư viện, dữ liệu Biên mục trên xuất bản phẩm (CIP) là dữ liệu biên mục cơ bản cho một cuốn sách, được chuẩn bị trước khi xuất bản bởi thư viện quốc gia nơi cuốn sách được xuất bản chủ yếu hoặc bởi thư viện của một tổ chức xuất bản, đơn cử như cơ quan chính phủ.

Dữ liệu CIP (CIP Data) là hồ sơ thư mục xuất hiện được in trên mặt sau của trang tiêu đề cuốn sách (trang 2 của xuất bản phẩm). Nội dung một bản ghi CIP sẽ thể hiện đầy đủ ba yếu tố: Biên mục mô tả, biên mục đề mục, chỉ số phân loại:

+ Biên mục mô tả: Mô tả một tài liệu, xác định điểm truy cập (dùng Bộ Quy tắc Biên mục khối Anh-Mỹ AACR2 (Anglo - American Cataloguing Rules), Bộ Quy tắc mô tả ISBD (International Standard Bibliographic Description), Quy tắc biên mục Mô tả và truy cập tài nguyên RDA ( Resource Description and Access).

+ Biên mục đề mục: Xác định các tiêu đề đề mục cho một tài liệu, nó tiêu biểu cho đề tài hay những đề tài của một tác phẩm bằng những từ hay những cụm từ (dùng Bộ từ khóa, Đề mục chủ đề (Subject heading)…).

+ Phân loại: Xác định chỉ số phân loại cho một tài liệu, nó tiêu biểu cho đề tài bằng một con số, hoặc một chữ cái La tinh (dùng Khung phân loại DDC 14, DDC 23, BBK, Khung phân loại 19 lớp…).

Công tác Biên mục trên xuất bản phẩm ở TVQG được thực hiện qua các bước:

+ Tiếp nhận thông tin qua Bản khai CIP của các nhà xuất bản, nhà sách gồm: Bìa chính, bìa phụ, nhan đề, thông tin trách nhiệm, đặc trưng số lượng, chủ đề, nội dung, chỉ số ISBN, lời giới thiệu, mục lục…

+ Tiến hành biên mục, mô tả, định chủ đề, phân loại, sau đó xử lý dữ liệu bằng phần mềm CIP của TVQG.

+ Gửi trả bản ghi CIP dưới dạng file word cho các nhà xuất bản, nhà sách.

2024-12-05-ddc-01

Hình ảnh Bản khai CIP

2024-12-05-ddc-02

Hình ảnh bản ghi CIP đã được TVGQ xử lý hoàn thiện

2. Thực trạng ứng dụng Khung phân loại DDC 23, Biên mục trên xuất bản phẩm trong quá trình Thống nhất, chuẩn hoá, chia sẻ và hội nhập

Theo Pháp lệnh Thư viện Việt Nam ban hành năm 2000, TVQG là thư viện trung tâm của cả nước, là đơn vị thu nhận đầy đủ nhất các xuất bản phẩm lưu chiểu trong nước theo Luật Xuất bản; Đồng thời cũng theo Điều 10 Khoản đ của Luật Thư viện ngày 21/11/2019, TVQG có chức năng thực hiện biên mục tập trung; chủ trì, phối hợp với các thư viện để xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số. Căn cứ những văn bản pháp lý cao nhất của Ngành được hình thành từ cách đây 25 năm cùng thực tiễn công tác biên mục tập trung đã được TVQG thực hiện từ giữa thế kỷ 20 với sự phối hợp của hệ thống thư viện công cộng, việc duy trì triển khai công tác biên mục này là tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển. Sau thời gian dài tiến hành, hiệu quả khai thác các sản phẩm, dịch vụ biên mục tập trung trong hệ thống thư viện ở Việt Nam chưa cao, với nhiều nguyên nhân như còn nhiều các thư viện trong hệ thống chưa thống nhất sử dụng chung một khung phân loại, khá nhiều thư viện cấp cơ sở chưa tiến hành phân loại tài liệu khi biên mục, hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, sử dụng các phần mềm xử lý nghiệp vụ không đồng nhất, một số thư viện cấp huyện, cấp xã vẫn hoạt động theo phương thức truyền thống in phích và tra cứu tủ mục lục…

Trên cơ sở nghiên cứu hoạt động biên mục trên xuất bản phẩm của thế giới với nhiều lợi ích mang lại cho công tác thư viện - xuất bản. Năm 2009, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TVQG triển khai Dự án Biên mục trên xuất bản phẩm do Quỹ Atlantic Philathropies tại Việt Nam tài trợ với sự đồng hành của Cục Xuất bản và các nhà xuất bản. Từ năm 2014 - 2023, TVQG phối hợp với 50 nhà xuất bản và 17 nhà sách thực hiện trên 50.000 biểu CIP có sử dụng Khung phân loại DDC 23, giúp các thư viện tận dụng thông tin thư mục đã được xử lý, tạo chuẩn thống nhất trong công tác phân loại - biên mục, có điều kiện giao lưu quốc tế về thông tin thư mục, khắc phục hàng rào ngôn ngữ, rào cản địa lý, phù hợp với xu thế mà TVQG đã và đang hướng tới.

Để phát huy vai trò dẫn dắt chuyên môn nghiệp vụ trong toàn quốc, với thế mạnh về nguồn lực thông tin nhận lưu chiểu đầy đủ nhất, hạ tầng được trang bị đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ, nguồn nhân lực dồi dào có chuyên môn vững vàng, có điều kiện tiếp cận và cập nhật với những chuẩn nghiệp vụ mới, TVQG tiến hành hiệu quả công tác Biên mục trên xuất bản phẩm, đảm bảo chất lượng trong dữ liệu biên mục tập trung trên cơ sở dữ liệu toàn văn, qua đó tạo sự thống nhất trong ứng dụng các chuẩn nghiệp vụ về biên mục, phân loại, biên mục đọc máy, chủ đề, từ khóa. Đến nay sau 15 năm triển khai CIP, 10 năm áp dụng DDC 23, công tác Biên mục trên xuất bản phẩm của TVQG đã mang lại những lợi ích giúp các thư viện tận dụng kết quả thư mục, đặc biệt là tận dụng chỉ số phân loại theo DDC 23. Đây là một mắt xích quan trọng trong quá trình thống nhất, chuẩn hóa, chia sẻ và hội nhập của hệ thống thư viện khi sử dụng chung một khung phân loại mà TVQG đã khuyến nghị.

3. Những thuận lợi và khó khăn, phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng Khung phân loại DDC 23 trong công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

3.1. Thuận lợi và khó khăn

Để đảm bảo tính thống nhất trong công tác xử lý kỹ thuật nghiệp vụ nói chung và công tác phân loại nói riêng, góp phần quan trọng trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện trong nước và trao đổi với thư viện trên thế giới. Sau 10 năm triển khai ứng dụng DDC 23 tại TVQG bên cạnh những thuận lợi khi sử dụng một công cụ phân loại có nhiều ưu điểm nổi trội, chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định. Cụ thể:

3.1.1. Thuận lợi

- Việc sử dụng chung một khung phân loại tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, chia sẻ và khai thác thông tin giữa các thư viện, tiết kiệm được thời gian cho công tác biên mục, phân loại tài liệu. Khung phân loại thập phân DDC 23 thuận tiện cho việc tổ chức sắp xếp kho cũng như giúp tìm kiếm tài liệu dễ dàng và nhanh chóng. DDC 23 đã góp phần quan trọng trong thực hiện chuẩn hoá hoạt động nghiệp vụ thư viện và hỗ trợ đắc lực trong việc chia sẻ thông tin phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển của các thư viện Việt Nam cũng như trên thế giới.

- TVQG là đầu mối triển khai dự án CIP nên thuận lợi trong việc kết nối với các nhà xuất bản hoàn thiện bản khai để tiến hành xử lý CIP.

- TVQG là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và các chuẩn nghiệp vụ thư viện, với đội ngũ cán bộ xử lý CIP có trình độ, giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực biên mục. Trong quá trình phân loại, người xử lý có thể tham khảo và sử dụng chỉ số phân loại của thư viện khác đã thực hiện. Các nguồn TVQG thường tra cứu, tham khảo như: Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ (catalog.loc.gov), Mục lục liên hợp toàn cầu WorldCat (WorldCat.org)… Do đó, chỉ số phân loại mang tính thống nhất cao, tiết kiệm được thời gian, nhân lực thực hiện.

- Ứng dụng Khung phân loại DDC 23 vào công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trao đổi, chia sẻ và khai thác thông tin, tài liệu giữa TVQG với các cơ quan thông tin, thư viện.

- Các thư viện giảm được chi phí sức lao động trong công tác biên mục, rút ngắn thời gian xử lý kỹ thuật tài liệu, tiết kiệm được nguồn kinh phí hoạt động của thư viện.

3.1.2. Khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi trên, công tác xử lý CIP còn tồn tại những khó khăn nhất định, đặc biệt trong phân loại tài liệu.

- Nhân sự làm bản khai của các nhà xuất bản, nhà sách không có kiến thức chuyên môn về xử lý nghiệp vụ thư viện. Bằng trực quan, họ có những hiểu nhầm về thông tin biên mục dẫn đến hiện tượng tự sửa biểu ghi của TVQG.

- Sau 10 năm thực hiện DDC 23, cán bộ biên mục đã không còn bỡ ngỡ, khó khăn như giai đoạn đầu mới áp dụng tìm kiếm, xác định chỉ số phân loại. Tuy nhiên, người làm công tác xử lý CIP vẫn thường xuyên phải đối mặt với một lượng không nhỏ tài liệu khó xác định nội dung, khó xác định chủ đề. Đây cũng là một trong những khó khăn trong quá trình xử lý CIP, vừa phải đáp ứng thời gian cho nhà xuất bản in ấn, vừa phải đảm bảo chỉ số phân loại chính xác, đầy đủ. Mặc dù DDC 23 quy định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, chi tiết cách lựa chọn chỉ số ở các lớp chính, cách ghép tiểu phân mục chung, cách sử dụng bảng thêm... Tuy nhiên có những lý do khách quan khiến người xử lý chưa phân biệt được hoặc không tìm thấy chỉ dẫn, dẫn tới xác định chỉ số phân loại sai, không đúng với quy định của DDC. Cụ thể một số ví dụ dưới đây:

- Chỉ dẫn ghép -089 ở Bảng 1 (tiểu phân mục chung) dễ gây nhầm lẫn khi tạo lập chỉ số:

Ví dụ:

2024-12-05-ddc-03

352.6213 Cán bộ công chức (Bảng chính)

089 Dân tộc thiểu số (–089 ở Bảng 1)

00959749 Thừa Thiên Huế (–089 001-089009 ở Bảng 1)

Người xử lý không ghép –089 (dân tộc thiểu số) từ Bảng 1 (tiểu phân mục chung) vào chỉ số phân loại chính 352.6213. Dẫn đến xác định chỉ số phân loại sai: 352.62130959749 - Cán bộ công chức tỉnh Thừa Thiên Huế

- Về phía các nhà xuất bản, các nhà sách, những thiếu sót trong quá trình gửi bản khai cũng là một khó khăn đối với người làm công tác xử lý CIP. Theo quy định, các đơn vị đối tác sẽ phải gửi bản khai CIP đã điền đầy đủ thông tin kèm theo: Trang bìa chính, trang bìa phụ, lời giới thiệu, một vài trang trong chính văn, mục lục. Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan, các nhà xuất bản gửi thiếu một trong những thông tin trên gây khó khăn cho cán bộ xử lý CIP do không có đủ thông tin để xác định chủ đề cũng như phân loại.

Ví dụ: Nội dung đề cập bên trong sách không phản ánh đúng như tên sách. Nhà xuất bản gửi thiếu thông tin lời giới thiệu, mục lục dẫn đến xác định chỉ số phân loại sai:

Tên sách: Nguyên tắc vàng của nghệ thuật giao tiếp

Nội dung: Gồm 16 nguyên tắc giúp phát triển kỹ năng giao tiếp và chia sẻ thông điệp diễn thuyết trước đám đông một cách rõ ràng, thu hút, súc tích từ đó có thể truyền cảm hứng trước hàng ngàn người như tín nhiệm, quan sát, chuẩn bị, kết nối, biểu đạt bằng hình ảnh…

2024-12-05-ddc-07

Người xử lý không có đầy đủ thông tin nội dung, lời giới thiệu… của tài liệu dẫn đến xác định chỉ số phân loại về: 302.2 - Giao tiếp

- Đối với tác phẩm văn học DDC quy định chỉ số phân loại được xác định bằng ngôn ngữ viết. Không xác định nơi tác giả được sinh ra để tạo lập chỉ số. Bởi vậy 1 tác giả có thể có 2 chỉ số phân loại cho 2 tác phẩm khác nhau. Tuy nhiên, để thống nhất, TVQG đã biên soạn Tài liệu tập huấn DDC 23 (năm 2014) có quy định ở mục “lựa chọn”:

Ví dụ: Tạo lập chỉ số phân loại ở lớp 800:

810-890 Văn học của ngôn ngữ và họ ngôn ngữ cụ thể

Tại đây chứa chỉ dẫn:

Văn học được xếp theo ngôn ngữ viết nguyên bản

(Lựa chọn: Xếp bản dịch sang một ngôn ngữ đòi hỏi nhấn mạnh tính địa phương vào văn học của ngôn ngữ đó)

2024-12-05-ddc-04

Tác phẩm Phòng thủ Luzhin 891.7342 / Vladimir Nabokov được tạo lập theo hướng dẫn của DDC 23 cho Tác phẩm được viết bằng tiếng Nga

2024-12-05-ddc-06

Tác phẩm Những thứ trong suốt / Vladimir Nabokov - được viết bằng tiếng Anh phân loại về 813.54 do không tuân thủ theo hướng dẫn “Lựa chọn” trong Tài liệu tập huấn DDC23 của TVQG.

Người xử lý CIP xác định nhầm dẫn đến kết quả phân loại chưa đúng. Hai người xử lý khác nhau cho cùng một tác phẩm, sẽ có hai chỉ số phân loại khác nhau (891.7432 và 813.54) nếu không theo sự thống nhất của “lựa chọn”: Xếp bản dịch sang một ngôn ngữ đòi hỏi nhấn mạnh tính địa phương vào văn học của ngôn ngữ đó, sẽ xác định chỉ số phân loại sai: 813.54 - Văn học Mỹ

- Chỉ dẫn ở Bảng phụ 3B (Tiểu phân mục cho tác phẩm bởi hoặc về nhiều hơn một tác giả) phức tạp khi tạo lập chỉ số:

Ví dụ: Nghiên cứu văn học Ghép bảng 3B sử dụng bảng thêm –102-107

2024-12-05-ddc-08

895.922 Văn học Việt Nam (Bảng chính)

301 *Truyện ngắn (Bảng 3B)

09032 Thời kỳ hiện đại (*bảng thêm dưới –102-107 ở Bảng 3B)

Người xử lý chưa tìm ra chỉ dẫn sử dụng Bảng 3B đối với tài liệu nghiên cứu văn học dẫn tới xác định chỉ số phân loại sai: 895.92233209

- Chỉ dẫn ghép –093-099 ở Bảng 1 (tiểu phân mục chung) phức tạp khi tạo lập chỉ số:

Ví dụ:

2024-12-05-ddc-10

305.55 Tầng lớp trung lưu (Bảng chính)

09597 Việt Nam (–093-099 ở Bảng 1)

091732 Đô thị (bảng thêm dưới –093-099 ở Bảng 1)

Người xử lý chưa tìm ra cách ghép bảng thêm dưới –093-099 ở Bảng 1. Dẫn đến xác định chỉ số phân loại sai: 305.5509597 - Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam

- Chỉ dẫn ghép –089 (nhóm sắc tộc và dân tộc) ở Bảng 1 (tiểu phân mục chung) phức tạp khi tạo lập chỉ số:

Ví dụ:

2024-12-05-ddc-09

793.319 Múa dân gian-múa xòe (Bảng chính)

0899591 Dân tộc Thái (–0891-0899 ở Bảng 1)

0 Chỉ thị diện

597157 Yên Bái (Chỉ dẫn thêm dưới –0891-0899 ở Bảng 1)

Người xử lý bỏ qua, hoặc chưa tìm ra chỉ dẫn ghép –0891-0899 (Nhóm sắc tộc và dân tộc cụ thể) từ Bảng 1 (tiểu phân mục chung). Dẫn đến xác định chỉ số phân loại sai: 793.31909597157 - Nghệ thuật múa xòe ở Yên Bái

Bảng 5 được sử dụng để liệt kê nhóm người có hệ thống theo nguồn gốc sắc tộc và dân tộc của quốc gia đó. Ký hiệu sắc tộc, dân tộc có thể thêm vào chỉ số phân loại bất kỳ thông qua tiểu phân mục chung –089 ở Bảng 1, hoặc theo một chỉ dẫn thêm được đưa ra ở bảng chính. Khi ký hiệu Bảng 5 được áp dụng, tiểu phân mục chung –089, 089 được dùng như chỉ thị diện. Ký hiệu ở Bảng 5 có thể được mở rộng theo chỉ dẫn ghép với ký hiệu từ Bảng 6. Ký hiệu cho một dân tộc cụ thể được tạo lập bằng cách dùng Bảng 5 + Bảng 6 (nhóm ngôn ngữ) và có thể mở rộng tiếp với Bảng 2 như ở ví dụ trên.*

3.2. Phương hướng và giải pháp

Để nâng cao hiệu quả ứng dụng Khung phân loại DDC 23 trong công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tại TVQG, xin đề xuất một số phương hướng và giải pháp sau đây:

- Một là, TVQG tiếp tục đẩy mạnh công tác Biên mục trên xuất bản phẩm; Duy trì công tác xử lý CIP với các nhà xuất bản, nhà sách; Mở rộng hợp tác với các đơn vị chưa tham gia CIP. Hiện tại, TVQG đang tiến hành triển khai xây dựng phần mềm CIP mới với nhiều tính năng tiện ích đồng thời sẽ có sự liên thông chặt chẽ giữa biểu ghi MARC 21 và biểu ghi CIP.

- Hai là, TVQG tiếp tục duy trì và tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn với nhiều quy mô khác nhau để thảo luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xử lý nghiệp vụ nói chung cũng như công tác phân loại DDC 23 nói riêng.

- Ba là, TVQG tiến tới xây dựng một bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng trực tuyến về DDC 23, Ấn bản tiếng Việt để thuận tiện cho công tác xử lý tài liệu.

- Bốn là, các thư viện trong cả nước từng bước thống nhất và chuẩn hóa sử dụng khung phân loại, biểu ghi MARC 21, quy tắc mô tả tài liệu, bộ từ khóa; Hoàn thiện nâng cao chất lượng biểu ghi biên mục trên toàn hệ thống thư viện.

- Năm là, các thư viện Việt Nam hướng tới sử dụng WebDewey trong phân loại tài liệu. Để thực hiện được điều này cần phải có sự thống nhất cao việc sử dụng Đề mục chủ đề (LCSH), Chỉ mục quan hệ (Relative Index) cũng như những điểm truy cập tới Khung phân loại DDC 23 của các thư viện.

Kết luận

TVQG là Thư viện trung tâm của cả nước, định hướng phát triển của TVQG không nằm ngoài xu thế phát triển chung của khu vực và thế giới. Việc đi đầu tổ chức, triển khai, khuyến nghị và áp dụng DDC 23 tại Việt Nam thời gian qua của TVQG đóng một vai trò hết sức quan trọng, là tiền đề thực hiện công tác biên mục tập trung cũng như công tác biên mục trên xuất bản phẩm. Việc lựa chọn, thống nhất và sử dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện, quy tắc mô tả, biểu mẫu biên mục, bộ từ khóa hay khung phân loại sẽ quyết định rất nhiều tới sự hòa nhập mạng lưới thư viện trong nước cũng như trên thế giới. Điều đó đặt ra nhiệm vụ cho các thư viện Việt Nam phải cùng nhau đồng lòng kết nối, chia sẻ hướng tới mục tiêu “Thống nhất, chuẩn hóa, chia sẻ và hội nhập”./.

______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Melvil Dewey. Khung phân loại thập phân Dewey và Bảng chỉ mục quan hệ: Ấn bản 23, H. : Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2013.

2. Lois Mai Chan, Joan S. Mitchell. Khung phân loại thập phân Dewey: Nguyên tắc và ứng dụng. - X.b. lần thứ 3. - H. : Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2013.

3. Luật Thư viện. - H. : Khoa học và Kỹ thuật, 2021.

4. 100 năm Thư viện Quốc gia Việt Nam. - H. : Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2017.

Thư mục trích dẫn:

Chu Thị Vân Anh. Khung phân loại thập phân Dewey, Ấn bản 23 tiếng Việt với công tác Biên mục trên xuất bản phẩm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị - Hội thảo "Ứng dụng Khung phân loại thập phân Dewey 23 (DDC 23) trong hoạt động nghiệp vụ của các thư viện Việt Nam (2014 - 2023)" (09-2024) / Chu Thị Vân Anh, Lê Thị Mai, tr. 28-44.

PHỤ LỤC: 54 DÂN TỘC VIỆT NAM (BẢNG 5)

2024-12-05-ddc-11

2024-12-05-ddc-12

2024-12-05-ddc-13


Đọc thêm cùng chuyên mục: