Ông già 'cổ quái' và tập thơ bằng đồng khổng lồ

E-mail Print

 Nhiều người cho rằng, Phạm Văn Hạng là "ông già thích chơi nổi" khi bỏ 5 năm gò chữ trên đồng, tạo 4 tập thơ bằng tiếng Việt, Anh, Pháp và Hoa với tổng trọng lượng khoảng 250 kg.

Râu tóc trắng cước dưới chiếc mũ rộng vành, áo cánh dơi tự may, quần Jean bạc màu, tác giả tập thơ bằng đồng nặng nhất Việt Nam này trông có vẻ... cổ quái. Nhưng tác phẩm ông "sinh ra" lại rất hiện đại, giàu sáng tạo.

Phạm Văn Hạng nung nấu ý định thực hiện tập thơ bằng đồng từ năm 1970, với mong muốn lưu lại 29 bài thơ ngắn của mình. Mỗi tập thơ có khổ 50 x 65 cm, dày 27 trang và 5 năm. Khi được hỏi lý do chọn chất liệu, kích thước quá khổ cho tập thơ, ông nói vui: "Lỡ có cháy nhà chẳng sợ mất".

Những tập thơ đồng của kỷ lục gia Phạm Văn Hạng. Ảnh: Từ Lê Tâm.

Trong 5 năm, kỷ lục gia này tự tay gò nổi trên từng tấm đồng. Công đoạn này mất nhiều thời gian, tâm huyết, để không có chi tiết sai và để lại thần thái trên từng nét chữ. Ông có một phụ tá về kỹ thuật và 8 người bạn giúp chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp, Hoa.

Tác phẩm hoàn thành được đặt trong khu Vườn tượng gia đình ông ở Thành phố Đà Nẵng, để du khách tự do chiêm ngưỡng. Khách đến xem thơ thích thú với ý tưởng "quái" của "lão chủ nhân", và thả hồn theo những câu thơ Thiền định: Trầm không khoe sắc thắm -Hương bay vờn khói mây - Ngát mùi xa tục lụy - Lâng lâng hồn vô ưu...

Không phải từ tập thơ đồng Phạm Văn Hạng mới được biết đến. Ông vốn nổi tiếng là điêu khắc gia “máu lửa” với nghề, sau khi hàn 10.000 vỏ đạn đồng 105 ly thành tượng người mẹ anh hùng cao 15 m, được đặt ở cửa ngõ vào Đà Nẵng và biến khu đất nuôi gia súc ở Đà Lạt thành Vườn tượng nghệ thuật đầu tiên ở xứ sở sương mù này. Ông còn tạc tượng Phan Châu Trinh bên sông Hàn và cho ra đời hàng trăm tác phẩm điêu khắc có giá trị, hiện lưu tại hơn 20 tỉnh thành.

Chân dung điêu khắc gia Phạm Văn Hạng. Ảnh: A.V.

Sở hữu kho sản phẩm mỹ thuật đáng nể nhưng điêu khắc gia 65 tuổi này chưa từng kinh qua trường lớp chuyên môn. Phương pháp của ông gói trong bí quyết "suy nghĩ, lao động, nhìn ngắm, đi thư viện". Có thời, gia đình Phạm Văn Hạng khốn khó đến nỗi ông phải lang thang đường phố bán xôi lạp xường kiếm sống, nhưng con người vốn nặng lòng với việc sáng tạo cái đẹp không khi nào có ý định từ bỏ đam mê của mình.

Phạm Văn Hạng có thể nhận làm những hợp đồng tiền tỷ và cả hợp đồng 500.000 đồng, miễn là được thỏa chí phóng tác. Cả đời lao lực với đá, đồng, sắt , thép…, ông chưa bao giờ tiêu xài "quá trớn" cho bản thân song sẵn sàng "vung tay" mua đất, lập vườn tượng.

Có lần, "xót của" quá, vợ ông khuyên nên dành tiền chi dùng cho sinh hoạt và phòng thân, ông nói: "Cứ để tôi làm theo ý. Ngày hai bữa cơm, bà dọn muối với rau cho tôi cũng được".

Đam mê sáng tạo của kỷ lục gia này bất chấp thời gian. Ông vẫn nung nấu ý định dựng một tượng đài thủy tinh tại TP HCM, triển khai công trình giải trí mang tên Bến tình yêu, dành cho mọi lứa tuổi. Những ý tưởng trên từng được cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn ông, rất tâm đắc, ủng hộ.

"Tượng đài ở nước ta chỉ quanh đi quẩn lại là đồng, đá, sắt, thép, trong khi thế giới sử dụng thủy tinh, ánh sáng, quang học, nước từ chục năm trước. Chúng ta rất cần những công trình mang tính văn hóa - triết học - tôn giáo để thưởng lãm”, Phạm Văn Hạng tâm tư. 

----------------------------

Tác giả: Anh Vân - Vũ Lê

Nguồn: Vnexpress.net

URL: http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2007/09/3B9FA018/


Bài liên quan:
Đọc thêm cùng chuyên mục: