Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới lần thứ 86 và Hội nghị Giám đốc Thư viện Quốc gia các nước trên thế giới

E-mail Print

Đại hội Thư viện và Thông tin Thế giới lần thứ 86 của Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện thế giới (IFLA WLIC 86) – lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã diễn ra từ ngày 17-19/8/2021.

2021-08-25-IFLA86-02

IFLA WLIC 86 năm nay có chủ đề “Cùng nhau làm việc vì tương lai” đã thu hút hơn 2.750 người đại diện cho 125 quốc gia tham dựtại 160 phiên họp, với 90 giờ nội dung và nhận được 11.461 ý kiến trực tuyến trên toàn cầu. Các phiên họp tập trungtrao đổi, thảo luận vềcách các thư viện có thể tham gia và đóng góp vào quan hệ đối tác để giải quyết hai vấn đề chính: hội nhập văn hóa vào phát triển chung và hành động vì khí hậu, dựa trên những nỗ lực của thư viện trong việc Truyền cảm hứng - Bao hàm - Cam kết - Đổi mới và Duy trì bền vững.

2021-08-25-IFLA86-03

Tiếp theo thành công của IFLA WLIC 86, ngày 25/8/2021, Hội nghị Đại hội đồng IFLA được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của hàng trăm thành viên IFLA – đại diện các thư viện và hiệp hội thư viện trên khắp thế giới. Đại hội đã tổng kết những kết quả hoạt động của IFLA trong nhiệm kỳ 2019-2021 vừa qua với chủ đề “Chúng ta hãy làm việc cùng nhau”, trong đó nhấn mạnh, mặc dù dịch bệnh COVID-19 mang lại nhiều khó khăn phức tạp, nhưng IFLA đã đạt được những Định hướng chiến lược và nhất là cải cách thành công cấu trúc thông qua đánh giá quản trị, trở nên mạnh mẽ hơn so với lúc ban đầu. Đại hội đã chia tay Chủ tịch sắp mãn nhiệm Christine Mackenzie và chào mừng tân Chủ tịch Barbara Lison (nhiệm kỳ 2021-2023) cùng Hội đồng quản trị mới. Trong bài phát biểu nhậm chức, bà Barbara Lison đã nêu chủ đề của IFLA trong nhiệm kỳ tới: “Các thư viện xây dựng một tương lai bền vững”, tập trung theo ba hướng chính: Nhận thức tiềm năng của thư viện để thúc đẩy sự phát triển bền vững trong cộng đồng; Đảm bảo tính bền vững của các tổ chức, nghề nghiệp và các bộ sưu tập vì lợi ích của người dùng; Đảm bảo IFLA có thể thu được thành quả từ những công việc đã thực hiện trong những năm gần đây.

Trong khuôn khổ IFLA WLIC 86, ngày 08 tháng 9 năm 2021, Hội nghị Giám đốc Thư viện Quốc gia các nước trên thế giới (CDNL) được tổ chức bằng hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của bà Lily Knibbeler, Chủ tịch CDNL. Bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam cùng 43 Giám đốc Thư viện Quốc gia (TVQG) các nước khác và gần 20 quan sát viên đã tham dự Hội nghị.

2021-08-25-IFLA86-04

Toàn cảnh Hội nghị

2021-08-25-IFLA86-05

Chủ tịch CDNL, bà Lily Knibbeler phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị CDNL 2021 diễn ra với chủ đề “Những bất ổn: Làm thế nào để các thư viện quốc gia đối phó với rủi ro và cơ hội”, đưa ra bàn luận dưới nhiều góc độ khác nhau về những bất ổn, rủi ro và cơ hội đối với các thư viện hiện nay.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe một số thuyết trình của Giám đốc TVQG Úc, bà Marie Louise Ayres; Giám đốc TVQG Anh, ông Roly Keating và Giám đốc TVQG Indonesia, ông Muhammad Syarif BANDO chia sẻ những suy nghĩ về rủi ro và quản lý rủi ro, cách vận động tổ chức và những kinh nghiệm trong việc ứng phó với rủi ro trong thời gian qua.

2021-08-25-IFLA86-06

Janne Andresoo - Phó Chủ tịch CDNL, bà Marie Louise Ayres - Giám đốc TVQG Úc và ông Roly Keating - Giám đốc TVQG Anh thảo luận về bài thuyết trình

Hội nghị cũng được nghe diễn giả chủ chốt của CDNL 2021, Giáo sư Martin van Staveren từ Đại học Twente University thuyết trình về “Quản lý bất ổn bằng lãnh đạo rủi ro”, đưa ra cách tiếp cận mới về khái niệm rủi ro xuất phát từ những bất ổn, từ đó cấu trúc được việc lãnh đạo rủi ro bao gồm xác định mục tiêu, đánh giá những rủi ro và cơ hội mà những bất ổn mang lại, từ đó có các cách thức phù hợp để biến cơ hội thành hiện thực, giảm thiểu và đối phó với các rủi ro.

2021-08-25-IFLA86-07

Giáo sư Martin van Staveren thuyết trình về “Quản lý bất ổn bằng lãnh đạo rủi ro”

Trong phần thảo luận, các đại biểu làm việc theo nhóm, chia sẻ ý kiến liên quan đến chủ đề Hội nghị, về những trải nghiệm thực tế, những thách thức, cơ hội đối với thư viện mà họ đang lãnh đạo, những kế hoạch đối phó rủi ro và những kinh nghiệm thành công đưa đơn vị vượt qua khủng hoảng, nhất là trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay. Các ý kiến của đại biểu nhấn mạnh vào các nội dung chính: Áp dụng làm việc từ xa; Phục vụ trực tuyến, phục vụ tài liệu số; Chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại thư viện; Nhìn nhận thời điểm hiện tại như một cơ hội.

2021-08-25-IFLA86-08

Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc TVQG Việt Nam phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Tham gia thảo luận, bà Kiều Thúy Nga chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị và triển khai ứng phó với đại dịch COVID-19 trong 2 năm 2020-2021 tập trung trên hai mảng hoạt động chính: tăng cường phục vụ các bộ sưu tập số do Thư viện xây dựng (hơn 8 triệu trang tài liệu số hoá) và các cơ sở dữ liệu mà Thư viện mua quyền truy cập; tổ chức và phối hợp tổ chức các các hoạt động sự kiện triển lãm và ngày hội sách bằng hình thức trực tuyến như: Triển lãm sách online Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Triển lãm sách trực tuyến Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam, Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 và 2021…

Cũng tại Hội nghị, Giám đốc TVQG các nước tham dự đã bầu trực tuyến gia hạn nhiệm kỳ thêm 1 năm vị trí Chủ tịch CDNL đối với bà Lily Knibbeler - Giám đốc TVQG Hà Lan; đồng thời, bầu hai Phó Chủ tịch là bà Janne Andresoo - Giám đốc TVQG Estonia và bà Marie Louise Ayres - Giám đốc TVQG Úc.

_______

Tin: Hương Giang


Đọc thêm cùng chuyên mục: