Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam - Nhiệm vụ và giải pháp”

E-mail Print

Chào mừng Kỷ niệm 105 năm Ngày thành lập Thư viện Quốc gia Việt Nam; thực hiện quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, ngày 23/11/2022, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam - Nhiệm vụ và giải pháp”. Chủ trì Hội thảo có bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, bà Đoàn Quỳnh Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu khách mời: bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ VHTTDL), ông Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam, bà Mạc Thùy Dương - Giám đốc Thư viện Quân đội, ông Phạm Thế Khang - Nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, TS. Tạ Bá Hưng - Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, TS. Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên hiệp Thư viện Đại học phía Bắc, ThS. Cao Minh Kiểm - Tổng Thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, TS. Chu Ngọc Lâm - Nguyên Giám đốc Thư viện Hà Nội, PGS.TS. Trần Thị Quý - Nguyên Trưởng khoa Thông tin - Thư viện, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Dự Hội thảo còn có Lãnh đạo và viên chức Thư viện Quốc gia, đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương và Hà Nội, các Hội nghề nghiệp, lãnh đạo và các đồng nghiệp thư viện tỉnh/ thành phố, thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện lực lượng vũ trang, các cơ sở đào tạo ngành thông tin - thư viện trong cả nước, công ty cung cấp giải pháp công nghệ về lĩnh vực thư viện.

Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) - trải qua hơn một thế kỷ xây dựng, phấn đấu và phát triển hiện có tổng số tài nguyên thông tin lớn nhất trong cả nước, với hơn 2,5 triệu đơn vị tư liệu và hơn 10 triệu trang tài nguyên số tự tạo lập và thu nhận. Đón bắt kịp thời xu hướng phát triển của công nghệ thông tin, cách mạng số, Thư viện đã đi đầu triển khai công tác tin học hóa hoạt động thư viện từ giữa những năm 1980 và xây dựng thư viện số từ đầu những năm 2000. Đồng thời, cũng là đơn vị tiên phong trong tổ chức nghiệp vụ thư viện trong nước từ khi mới thành lập. Đến nay, với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ người làm công tác thư viện, TVQG tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của thư viện hàng đầu, có nhiều đóng góp cho hệ thống thư viện cả nước. Có đội ngũ thư viện viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm, có năng lực và trình độ chuyên môn cao, Thư viện đã giúp đỡ có hiệu quả các cơ quan thư viện thông tin trong cả nước, tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng ngành nghề về công tác tin học hoá hoạt động thư viện, áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế, công tác biên mục, bảo quản tài liệu,... Đồng thời, với thế mạnh là thành viên chính thức của các tổ chức quốc tế và khu vực về thư viện, TVQG đã có quan hệ hợp tác với các thư viện, cơ quan thông tin của nhiều nước, tạo cơ hội khai thác, tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng nghiệp quốc tế để từng bước chuẩn hoá công tác chuyên môn nghiệp vụ, đưa mọi hoạt động của thư viện Việt Nam nhanh chóng hội nhập với thư viện các nước trong khu vực và thế giới.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Kiều Thúy Nga – Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức cho biết: “Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TVQG được giao thực hiện 02 Dự án quan trọng là: Số hóa tài liệu quốc gia và Xây dựng mục lục liên hợp quốc gia. Đây là những nhiệm vụ lớn, là căn cứ để TVQG tiếp tục được đầu tư cải thiện, bứt phá nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, tạo lập hạ tầng công nghệ, trung tâm dữ liệu dùng chung của ngành thư viện nhằm dễ dàng phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước”.

Hội thảo lần này là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thư viện quan tâm làm rõ các nhiệm vụ, xác định các giải pháp cụ thể để TVQG tiếp tục phát huy vị trí, vai trò trung tâm của mình, cùng các hệ thống thư viện toàn quốc hoàn thành các nội dung của Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam.

Hội thảo đã nghe 11 báo cáo tham luận và các ý kiến trao đổi thảo luận nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết với các vấn đề trọng tâm như: Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam; Nhiệm vụ của TVQG trong chuyển đổi số; Vị trí và vai trò của TVQG trong xây dựng thư viện số quốc gia; Xây dựng mục lục liên hợp; Vai trò của TVQG trong xây dựng thư viện hiện đại; Vấn đề chuẩn hóa (tiêu chuẩn dữ liệu, tiêu chuẩn xử lý...); Hợp tác, liên kết, chia sẻ tài nguyên thông tin trong và ngoài nước; Các công cụ hỗ trợ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ (từ điển từ khóa, chủ đề...); Kinh nghiệm quốc tế; Các mô hình thư viện quốc gia trên thế giới; Chiến lược, kế hoạch, định hướng phát triển và những đề xuất, kiến nghị, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới; Đề xuất mô hình, các thiết bị và giải pháp công nghệ, quản trị và khai thác tài nguyên; Bài học kinh nghiệm, sáng kiến triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong hoạt động thư viện trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Hội thảo đã thống nhất xác định một số định hướng cụ thể để TVQG thực hiện tốt nhiệm vụ trong Chương trình chuyển đổi số thời gian tới và nâng cao vị trí, vai trò của TVQG trong chuyển đổi số ngành thư viện như sau:

- Xây dựng và phát triển thư viện điện tử, thư viện số quốc gia theo hướng hiện đại, tập trung, dùng chung, là đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu số cho các thư viện trong nước và quốc tế. Kết nối, tích hợp được đến các thư viện lớn trong các loại hình thư viện.

- Tạo lập các bộ sưu tập số tập trung, là trung tâm chia sẻ dữ liệu cho các thư viện trong nước và quốc tế thông qua các tiêu chuẩn mở (OAI). Số hóa được 10 triệu trang tài liệu quý, hiếm, tài liệu có giá trị cao, phổ biến rộng rãi trên Internet;

- Biên mục, xử lý dữ liệu tập trung, xây dựng Cơ sở dữ liệu mục lục liên hợp quốc gia, là đầu mối tích hợp, chia sẻ dữ liệu mang tính tập trung cho các thư viện trong nước và quốc tế qua các chuẩn nghiệp vụ phổ biến;

- Xây dựng hệ thống tìm kiếm tài liệu tập trung, nơi có thể tìm kiếm được tất cả các loại hình tài liệu, mọi nguồn tài nguyên thông tin của TVQG trên một giao diện duy nhất.

- Nghiên cứu và tổ chức triển khai các mô hình thư viện hiện đại, thư viện thông minh, ứng dụng các công nghệ mới như RFID, Internet vạn vật, Dữ liệu lớn, Blockchain, Thực tế ảo, Thực tế tăng cường... Tiếp tục xây dựng thư viện theo mô hình tập trung hóa cao (cả hạ tầng và dữ liệu), mở rộng liên thông, tích hợp, hỗ trợ các loại hình thư viện toàn quốc.

- Xây dựng các ứng dụng thông minh, thiết bị đọc, trình diễn, các tiện ích có thể dễ dàng, thuận tiện để truy cập, khai thác tài nguyên thông tin dạng số của Thư viện;

- Thực hiện chương trình Lưu chiểu số, đồng thời số hóa kho tài liệu Lưu chiểu phục vụ bảo quản lâu dài tri thức quốc gia bằng dạng số;

- Xây dựng Trung tâm bảo quản số quốc gia với mục tiêu bảo quản lâu dài tài liệu số của quốc gia theo chuẩn quốc tế.

Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam - Nhiệm vụ và giải pháp” đã diễn ra thành công, thu được nhiều kết quả về mặt khoa học.

Một số hình ảnh cùng sự kiện:

2022-11-24-hoi-thao- 2

Toàn cảnh Hội thảo “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong chuyển đổi số ngành thư viện Việt Nam - Nhiệm vụ và giải pháp”

2022-11-24-hoi-thao- 18

Bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 4

Bà Nguyễn Ngọc Anh – Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam trình bày Báo cáo đề dẫn Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 5

ThS. Đoàn Quỳnh Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 6

ThS. Cao Minh Kiểm - Tổng Thư ký Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam trình bày tham luận “Lưu chiểu số và một vài suy nghĩ đối với Việt Nam”

2022-11-24-hoi-thao- 7

TS. Nguyễn Huy Chương - Chủ tịch Liên hiệp Thư viện Đại học phía Bắc phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 8

ThS. Nguyễn Thị Minh Trung - Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận “Xây dựng thư viện số quốc gia - Một số kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam”

2022-11-24-hoi-thao- 9

Ông Phạm Thế Khang - Nguyên Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 10

ThS. Nguyễn Hữu Giới - Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam trình bày tham luận “Chuyển đổi số và hiện đại hóa Thư viện Quốc gia Việt Nam để giữ vững thương hiệu là thư viện trung tâm của cả nước”

2022-11-24-hoi-thao- 11

PGS.TS. Trần Thị Quý - Nguyên Chủ nhiệm Khoa Thông tin - Thư viện, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận “Mô hình biên mục tập trung - tiếp cận từ lý thuyết hệ thống cho hệ thống thư viện công cộng Việt Nam trước yêu cầu chuyển đổi số”

2022-11-24-hoi-thao- 12

ThS. Đỗ Thu Thơm - Quyền Trưởng phòng Văn hoá Văn nghệ và Thư viện, Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị, Bộ Công an trình bày tham luận “Vị trí, vai trò của Thư viện Quốc gia Việt Nam và đề xuất một số dự án theo kinh nghiệm thư viện số quốc gia Hàn Quốc”

2022-11-24-hoi-thao- 13

ThS. Lê Đức Thắng - Trưởng phòng Tin học, Thư viện Quốc gia Việt Nam trình bày tham luận “Phát triển thư viện số tại Thư viện Quốc gia Việt Nam: Hiện trạng và giải pháp”

2022-11-24-hoi-thao- 14

Ông Mai Thế Mạnh - Giám đốc Thư viện tỉnh Điện Biên phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 15

ThS. Nguyễn Ngọc Mai - Phó Trưởng khoa Thông tin Thư viện, trường Đại học Văn hoá Hà Nội phát biểu, trao đổi tại Hội thảo

2022-11-24-hoi-thao- 16

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

______________

Tin: Thúy Hằng; Ảnh: Thùy Dung


Đọc thêm cùng chuyên mục: