Chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh là thắng lợi vĩ đại nhất, trọn vẹn nhất, thể hiện ý chí và khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân ta. Chiến thắng vĩ đại đó mãi mãi là bản anh hùng ca ngân vang theo dòng chảy lịch sử, được kết tinh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đã làm nên một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), Thư viện Quốc gia Việt Nam xin trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc cuốn sách “Chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân 1975 - Sự hội tụ chín muồi chiến lược quân sự cách mạng”. Cuốn sách ra đời góp phần giúp cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu đúng về lịch sử, đường lối quân sự của Đảng, hiểu được ý nghĩa và giá trị lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nắm được những dấu ấn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, từ đó luôn nêu cao ý chí độc lập tự chủ, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, kế thừa, phát huy xứng đáng truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của các thế hệ cha anh, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, cuốn sách cũng làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, những cống hiến và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.
45 năm sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, một đất nước Việt Nam đã thay da đổi thịt, đang vững bước trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế là minh chứng sinh động nhất cho việc Đảng ta không chỉ đề ra một đường lối chính trị đúng đắn, một đường lối đối ngoại phù hợp, mà còn tiếp tục phát huy và nhân nguồn sức mạnh của ý chí thống nhất và khát vọng hòa bình trên mọi lĩnh vực.
Trân trọng giới thiệu tới Quý bạn đọc!
---------------------------------------------
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là chiến thắng oanh liệt nhất, trọn vẹn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chiến thắng 30/4/1975 là kết quả hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó vấn đề nắm vững thời cơ, sự chín muồi chiến lược quân sự cách mạng là yếu tố đặc biệt làm nên chiến thắng. Với tầm vóc vĩ đại của chiến thắng, chiến dịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trên thế giới và được khai thác, nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau. Để khẳng định chân giá trị của Đại thắng mùa Xuân 1975, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản cuốn sách “Chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân 1975 - Sự hội tụ chín muồi chiến lược quân sự cách mạng” của các tác giả PGS. TS. Vũ Như Khôi, PGS. TS. Văn Đức Thanh và Trần Xuân Phú. Cuốn sách dày 316 trang, khổ 13x19cm, gồm 3 chương: Chương I: Cơ sở khách quan hình thành chiến lược quân sự cách mạng của Đảng ta về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Chương II: Quá trình phát triển chiến lược quân sự cách mạng của Đảng qua các chặng đường của cuộc kháng chiến; Chương III: Đại thắng mùa Xuân 1975 - sự hội tụ chín muồi những thành quả của quá trình phát triển chiến lược quân sự cách mạng của Đảng.
Bằng phương pháp lôgic - lịch sử, với cách luận chứng ngắn gọn, súc tích các sự kiện lịch sử được chắt lọc, các tác giả trình bày khái quát cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sự hội tụ chín muồi chiến lược quân sự Việt Nam.
Chương I: Cơ sở khách quan hình thành chiến lược quân sự cách mạng của Đảng ta về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, lấy vĩ tuyến 17 là giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc. Song điều đó cho thấy, mục tiêu về độc lập dân tộc của ta chưa trọn vẹn. Khả năng phải đối đầu với kẻ thù xâm lược mới đòi hỏi Đảng ta phải sớm hình thành chiến lược cách mạng trong đó có chiến lược quân sự cách mạng về giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Vận hội và những thử thách nặng nề
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đất nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ mới với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, phức tạp. Tình hình cách mạng trên thế giới cũng có nhiều biến động gây trở ngại mới đối với phong trào cách mạng thế giới nói chung, cũng như đối với mỗi quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xây dựng chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, tiếp tục tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng trước mắt phải hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.
Nhân dân miền Nam phải tạm thời sống dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, song ý chí đấu tranh cách mạng không bao giờ tắt. Với ý chí bất khuất, kiên cường của những người yêu nước quả cảm đã thúc đẩy nhân dân ta vùng dậy, đập tan xiềng xích tàn bạo của kẻ thù.
Trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử khác trước, kẻ thù đã thay đổi, tương quan so sánh lực lượng cũng có nhiều biến động, đòi hỏi Đảng ta phải nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự cường, sáng tạo định ra chiến lược, sách lược cách mạng đúng đắn trong giai đoạn mới, bảo đảm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, đánh thắng chủ nghĩa thực dân của Mỹ, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục tiến lên.
Cuồng vọng bạo tàn của những kẻ “chinh phục” mới
Nhận rõ tầm quan trọng, vị trí chiến lược của Việt Nam và Đông Dương trong khu vực Đông Nam Á, cùng với tham vọng vươn lên làm bá chủ thế giới, Mỹ đã nhanh chóng hất cẳng Pháp, với âm mưu thâm độc hòng kéo dài biên giới Hoa Kỳ đến vĩ tuyến 17 và tiến tới biến nước ta thành thuộc địa kiểu mới, biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự của chúng nhằm ngăn chặn phong trào giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở khu vực Đông Nam Á. Để thực hiện được mưu đồ, Mỹ sử dụng quân bài Ngô Đình Diệm lập nên chính quyền Gia đình trị, tập trung đánh phá phong trào cách mạng - một hình thức thực dân giấu mặt, trá hình vô cùng nguy hiểm của đế quốc Mỹ. Đây thực sự là thử thách không nhỏ đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đối với miền Bắc, chúng dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư vào miền Nam tạo ra ảnh hưởng xấu về chế độ chính trị ở miền Bắc, tăng thêm nhân lực, củng cố chế độ ngụy quyền Sài Gòn, ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Việt Nam đối với vùng Đông Nam Á. Đối với miền Nam, một mặt tổ chức thanh lọc nội bộ, mặt khác chúng tiến hành tố cộng, diệt cộng đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh. Mỹ - Diệm đã tiến hành chiến tranh từ một phía, chúng lê máy chém đi khắp nơi để đàn áp phong trào cách mạng, thẳng tay giết hại bất cứ người yêu nước và bất cứ ai đối nghịch với chúng nhằm làm tê liệt ý chí chống lại ngụy quyền Sài Gòn, biến miền Nam thành bàn đạp để tiến tới xâm lược cả nước ta. Song thực tế chứng minh hoàn toàn ngược lại, chúng trượt dài theo vết xe đổ của Pháp. Mỹ sai lầm khi không đánh giá đúng con người Việt Nam, không hiểu rõ lịch sử Việt Nam. Với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, với tinh thần “Miền Nam là máu thịt Việt Nam” nhân dân Việt Nam sẵn sàng đứng lên chiến đấu, dù có phải hy sinh cũng quyết giành được tự do, độc lập. Đó là cơ sở thất bại tất yếu của Mỹ.
Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, đồng bào miền Nam anh dũng đứng lên
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 đã chỉ thị rõ: Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đang mưu tính phá hoại Hiệp định Giơnevơ, vì thế cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Tuy nhiên, trước tình hình mới Đảng ta một lần nữa khẳng định để giành thắng lợi cho cách mạng miền Nam chỉ có thể là con đường cách mạng bạo lực, với chủ trương vừa phải đẩy mạnh đấu tranh, vừa phải chuẩn bị cho khả năng chiến tranh.
Trong không khí sôi sục căm thù, khí thế vùng dậy đấu tranh của đồng bào miền Nam, Trung ương Đảng đã xác định đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam thông qua Hội nghị lần thứ 15. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Trung ương Đảng đã mở ra bước ngoặt mới thúc đẩy cách mạng miền Nam tiến lên, làm xoay chuyển tình thế từ khởi nghĩa chuyển sang chiến tranh cách mạng và dẫn đến cuộc đồng khởi oanh liệt toàn miền Nam năm 1960. Thắng lợi của phong trào đồng khởi đã làm thất bại chiến lược “chiến tranh đơn phương” và âm mưu mở rộng ra miền Bắc của Mỹ - Diệm. Đây là một mốc quan trọng của cách mạng miền Nam, tạo cơ sở vững chắc để nhân dân ta đánh thắng chiến lược chiến tranh tiếp theo của Mỹ.
Hậu phương lớn miền Bắc đồng lòng cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến
Trong sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ và tay sai nhằm giải phóng miền Nam, nhân dân miền Nam có vai trò trong quyết định trực tiếp, nhưng sự chi viện của miền Bắc là nhiệm vụ chiến lược có tầm quan trọng rất lớn. Những chiến công thầm lặng và hy sinh lớn lao của các cán bộ, chiến sỹ hậu phương đã lập nên kỳ tích như một huyền thoại bất diệt về lòng quả cảm của Việt Nam, góp phần đặc biệt quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến.
Chương II: Quá trình phát triển chiến lược quân sự cách mạng của Đảng qua các chặng đường của cuộc kháng chiến
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Đại thắng mùa Xuân 1975 được tạo nên là do sự hy sinh của quân và dân Việt Nam trên cả hai miền đất nước. Và trên thực tế, Mỹ đã xoay đủ cách, từ chiến lược này đến chiến lược khác, từ “chiến tranh đặc biệt” đến “chiến tranh cục bộ” rồi đến “Việt Nam hoá chiến tranh” và cuối cùng Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội. Đây chính là những bước tất yếu đi đến Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, là tiền đề cần thiết tích lũy cho điểm hội tụ chín muồi của chiến lược quân sự cách mạng.
Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của địch, phát triển vững chắc lực lượng vũ trang cách mạng
Trước âm mưu của Mỹ sử dụng ngụy quyền Sài Gòn “dùng người Việt trị người Việt”, với chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, ta nhanh chóng chuyển hướng từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng, từng bước xây dựng lực lượng chiến đấu, bằng "đồng khởi, diệt tề, phá ấp, lập chiến khu" lập”. Những chiến công của ta như chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Giai, Đồng Xoài... đã đẩy chính quyền Sài Gòn lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” bị phá sản. Cách mạng miền Nam vững vàng, lớn mạnh, trưởng thành nhanh chóng giành quyền làm chủ.
Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trong cuộc đối đầu trực tiếp với kẻ thù xâm lược
Với bản chất ngoan cố, có tiềm lực mạnh, Mỹ không dễ dàng chấp nhận thất bại. Năm 1965, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam - một cuộc chiến tranh ăn cướp tàn bạo với đủ loại vũ khí tối tân chỉ trừ bom nguyên tử. Song, ta đã kịp thời chuyển sang chiến lược chống "chiến tranh cục bộ" của địch. Chiến lược quân sự cách mạng phát triển vững chắc với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, giữa đánh thắng ở chiến trường miền Nam và đánh thắng bằng không quân của địch ra miền Bắc. Chiến thắng Núi Thành, Vạn Tường, Plây Me, Đất Cuốc, Bầu Bàng, Dầu Tiếng…, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của cách mạng Việt Nam, đánh sập chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn Hội nghị Pari. Đây được coi như một cuộc tập dượt lớn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đánh thắng chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của địch, tạo bàn đạp chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 1968 cũng đã chứng tỏ rằng, quân và dân ta đã đủ sức tổng công kích - tổng khởi nghĩa, đồng thời chuẩn bị tiền đề cả về thế, thời và lực để chúng ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Tuy nhiên, điều đó cũng không cứu được sự sụp đổ hoàn toàn của chúng trước chiến lược quân sự cách mạng và ý chí quyết tâm của dân tộc Việt Nam.
Trước sức ép của phong trào đấu tranh đòi hoà bình, phản đối chiến tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Việc rút quân ra khỏi miền Nam là bắt buộc, nhưng một mặt Mỹ thực hiện rút quân nhỏ giọt khỏi miền Nam nhằm xoa dịu dư luận nhân dân Mỹ, một mặt tập trung tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam. Chúng xây dựng quân đội Ngụy thành lực lượng "xương sống" cho chiến dịch "Việt Nam hoá chiến tranh". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã tiến hành đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm dành lại thế chủ động trên chiến trường. Sau hàng loạt các thất bại trên chiến trường miền Nam Việt Nam và trên mặt trận Đông Dương, kế hoạch "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ dần đi vào bế tắc và có nguy cơ phá sản hoàn toàn. Đây là thời kỳ làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, tạo bàn đạp chiến lược chuẩn bị toàn diện cho Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời góp phần quyết định buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Đánh thắng cuộc “Chiến tranh phá hoại miền Bắc” của địch, củng cố hậu phương lớn
Càng thất bại nặng nề đế quốc Mỹ càng điên cuồng chống trả, cứu vãn tình thế. Chúng đã đẩy mạnh leo thang chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam hòng “đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá”, vô hiệu hoá vai trò hậu phương, cắt đứt viện trợ cho miền Nam Việt Nam. Mỹ liên tiếp tiến công đánh phá ta với sức mạnh huỷ diệt trên nhiều mặt trận. Với khối lượng bom đạn Mỹ đồn dập trút xuống đã gây ra cho nhân dân ta nhiều tổn thất nặng nề. Vượt lên mất mát, đau thương quân và dân miền Bắc vẫn ý chí bền lòng đánh trả mạnh mẽ. Đặc biệt trận đánh phá Hà Nội, Mỹ điên cuồng sử dụng máy bay B.52 ném bom dữ dội. Đây thực sự là một trận quyết chiến chiến lược, mang tầm cỡ trận Điện Biên Phủ trên không. Với tinh thần cảnh giác cao và sẵn sàng chiến đấu, sau 12 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân và dân ta đã đánh một trận xuất sắc. Thắng lợi của “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” đã giáng một đòn quyết định, buộc đế quốc Mỹ phải ký vào hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân khỏi Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng của toàn dân và toàn quân một mặt buộc Mỹ phải thi hành Hiệp định Pari, mặt khác ra sức chuẩn bị toàn diện cho tổng tiến công và nổi dậy nhằm: "Đánh cho Ngụy nhào".
Chương III: Đại thắng mùa Xuân 1975 - sự hội tụ chín muồi những thành quả của quá trình phát triển chiến lược quân sự cách mạng của Đảng
Chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực. Do đó, chiến lược quân sự của một quốc gia, dân tộc nhất định trở nên có ý nghĩa khi gắn chặt với đường lối chiến lược chính trị tổng thể. Song, đường lối chính trị của Đảng cũng chỉ được thực hiện trọn vẹn trên cơ sở và tiền đề của những thành quả của việc thực thi chiến lược quân sự cách mạng ấy.
Sự hội tụ nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về “tạo thế”, “tranh thời” và “chuyển lực” trong diễn tiến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự hội tụ nghệ thuật chỉ đạo của Đảng về liên tục lập thế trận. Dù đã ký kết Hiệp định Pari nhưng Mỹ - Ngụy vẫn ngoan cố không chịu thực hiện đầy đủ các điều khoản đã quy định và chưa chịu từ bỏ âm mưu nhằm phá hoại Hiệp định Pari. Khi Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” cũng là lúc chúng rơi vào thế bất lợi. Tuy nhiên, với hy vọng dành lại ưu thế chiến lược quân sự, chúng đã tập trung bố trí lực lượng chủ chốt ở những địa bàn cực kỳ quan trọng như Tây Nguyên, Đà Nẵng và cửa ngõ Sài Gòn. Về phía ta, nhạy bén phát hiện thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam phù hợp, so sánh lực lượng trong nước và bối cảnh quốc tế, cùng với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, việc chuẩn bị chu đáo mọi mặt đã làm cho Chiến dịch Hồ Chí Minh ở vào thế chủ động. Việc lựa chọn điểm đột phá Buôn Ma Thuột đã thể hiện sự sáng suốt của Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang miền Nam vì ta đã giáng đòn quân sự chí tử bẻ gãy "xương sống" phòng thủ, làm đảo lộn thế trận của địch ở Tây Nguyên và có điều kiện thuận lợi để phát triển tấn công xuống các tỉnh đồng bằng Trung Bộ, cũng như tiến thẳng vào Đông Nam Bộ. Việc để mất Quân khu Một (Huế, Đà Nẵng) và Quân khu Hai (Tây Nguyên) đã đẩy ngụy quyền Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng không lối thoát. Thời cơ tổng công kích, tổng khởi nghĩa đã chín muồi, ta tập trung toàn bộ lực lượng vũ trang hùng mạnh vào trận quyết chiến tại Xuân Lộc - Cửa ngõ Sài Gòn. Và đến sáng 30/4/1975, năm cánh quân ta từ năm hướng đồng loạt tiến thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch, chiếm Dinh Độc Lập cùng các mục tiêu trọng yếu. Chúng ta đã đập tan sự kháng cự cuối cùng của địch, buộc nội các chính quyền Sài Gòn phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh chiến thắng bằng thắng lợi hoàn toàn. Bộ máy ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ. Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh cho ngụy nhào” đã được thực hiện. Bắc - Nam sum họp một nhà, đất nước trọn niềm vui.
Sự hội tụ quá trình phát triển các nhân tố hợp thành của chiến tranh nhân dân giải phóng trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Đại thắng mùa Xuân 1975 còn là kết quả sự hội tụ hợp quy luật của toàn bộ tiến trình chiến tranh nhân dân giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như kết quả hội tụ quá trình phát triển các nhân tố hợp thành tiến trình đó. Trên cơ sở liên tục tạo lập được thế trận có lợi cùng với sự phát triển của phong trào kháng chiến toàn dân và sự trưởng thành của các lực lượng vũ trang cách mạng, thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đến. Sự sáng suốt của Đảng ta trong nhận định tình hình và xác định thời cơ cùng với sự chỉ đạo nhạy bén của Trung ương Đảng và Bộ Tư lệnh mặt trận đã nổ súng vào thời điểm mà địch hoàn toàn bất ngờ. Điều đó giúp các quân đoàn chủ lực liên tục phá địch với phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" không cho địch có thời gian hồi phục. Từ chủ trương giải phóng miền Nam vào mùa Thu năm 1976, ta đã tận dụng thời cơ chín muồi để chuyển sang quyết tâm kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh vào năm 1975. Đây là sự hội tụ chín muồi của nghệ thuật tác chiến chiến thuật. Thắng lợi vang dội của Chiến dịch là đỉnh cao về vận dụng chiến thuật của chiến tranh nhân dân giải phóng.
Sự hội tụ giá trị lịch sử và hiện thực của chiến lược quân sự cách mạng trong Đại thắng mùa Xuân 1975
Sự hội tụ chín muồi về chuẩn bị lực lượng quân sự và vai trò chỉ đạo của Đảng, sử dụng hợp lý và liên tục chuyển hoá lực lượng đã giúp chúng ta tiêu diệt lực lượng trọng yếu, phá vỡ ý đồ "tử thủ" của địch. Chúng ta đã thực hiện được vừa đánh địch, vừa liên tục bổ sung và phát triển lực lượng, vừa tác chiến, vừa kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghệ thuật quân sự và trình độ mọi mặt. Càng đánh càng mạnh, quân đội càng chiến đấu càng trưởng thành. Đại thắng mùa Xuân 1975 cũng chính là dấu ấn khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh đã tạo tiền đề để tiến lên “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” với yêu cầu ngày càng cao.
Giá trị lịch sử và hiện thực của chiến lược quân sự cách mạng trong Đại thắng mùa Xuân 1975 không chỉ mở ra tiền đồ mới đối với dân tộc Việt Nam - tiền đồ của cả nước thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, mà còn đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới, chứng minh hùng hồn rằng, một dân tộc biết đoàn kết, có chiến lược cách mạng đúng đắn hoàn toàn có thể đánh bại những đế quốc hùng mạnh, đem lại lòng tin và sự cổ vũ cho toàn thể nhân loại trên trái đất đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Có thể nói, Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kết hợp giữa sức mạnh văn hoá và sức mạnh quân sự, là một trong những đỉnh điểm tỏa sáng các giá trị nhân văn mang đậm truyền thống bản sắc dân tộc Việt Nam, kết tinh từ lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Để phát huy được các giá trị ấy ngoài việc phải dự báo chính xác những vấn đề chiến lược trước tình hình có thể đối phó với chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao, chúng ta cũng cần phải kế thừa các giá trị lịch sử, truyền thống nhằm phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới. Sức mạnh ấy đã, đang và sẽ nhân lên không ngừng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
________________
Tin: Thanh Hà; Giới thiệu sách: Đặng Dung
< Prev | Next > |
---|
- Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức hoạt động “Đọc cho con nghe một cuốn sách” chào mừng Ngày Sách Việt Nam
- Triển khai Dự án xây dựng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN: Thông tin và tư liệu - Liên kết hệ thống mở - Xác định dịch vụ ứng dụng mượn liên thư viện
- Đại hội các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Thư viện Quốc gia Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2022
- Khối thi đua các đơn vị sự nghiệp tổ chức Hội nghị Ký kết giao ước thi đua năm 2020
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm Triển lãm sách Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2020)
- Triển lãm sách Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Gặp mặt đầu xuân Canh Tý 2020 và Lễ Ký giao ước thi đua
- Triển lãm tư liệu: “Vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam”
- Hội nghị Tổng kết công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm 2019. Triển khai chương trình công tác năm 2020
- Hội nghị Tổng kết công tác Đảng năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020