1. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 tới các ngành nghề và việc làm
“Nhìn chung đến năm 2020, hơn một phần ba các kỹ năng cốt lõi cần thiết của hầu hết các ngành nghề sẽ là các kỹ năng chưa được coi là quan trọng đối với công việc của ngày hôm nay” [27]. Đây chính là dự đoán trong báo cáo năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về tương lai việc làm trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Tại diễn đàn này lãnh đạo từ các lĩnh vực khoa học và công nghệ, kinh doanh, y tế, giáo dục, chính phủ, truyền thông và nhiều lĩnh vực khác đã chính thức bàn về CMCN 4.0, những ảnh hưởng của nó đối với kinh tế xã hội toàn cầu. Trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển nền kinh tế số bối cảnh CMCN 4.0. Trong nền kinh tế này, robot, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và sự kết hợp giữa các công nghệ tạo ra một cơ hội mới cho việc đổi mới toàn diện và sâu sắc cuộc sống của chúng ta. Nhiều ngành nghề mới ra đời bên cạnh đó nhiều công việcbị ảnh hưởng và thay thế bởi công nghệ và máy móc, nguy cơ thất nghiệp sẽ xảy ra trên diện rộng.
Biểu đồ 1: Lao động bị ảnh hưởng bởi chuyển đổi số và tự động hoá
Báo cáo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2016 về ảnh hưởng của chuyển đổi số và tự động hoá của CMCN 4.0 đối với cơ cấu việc làm tại ASEAN cho thấy khu vực này sẽ bị tác động mạnh. Theo báo cáo này, Việt Nam là quốc gia có nguy cơ cao nhất trong khối ASEAN sẽ bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi số và tự động hoá trong vài thập kỷ tới, với khoảng 70% công việc sẽ được tự động hoá, đồng nghĩa với việc con người bị thay thế bởi máy móc. Báo cáo đưa ra 3 kết luận đáng chú ý: 3/5 các công việc sẽ bị máy tính/ tự động hoá trong vài thập kỷ tới; công nghệ sẽ làm thay đổi căn bản ngành sản xuất và dịch vụ; Phụ nữ, công nhân tay nghề thấp (ít được đào tạo) và những công nhân làm việc ở các ngành nghề có lương thấp sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất.
Đối với Việt Nam, ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống có tỷ lệ được tự động hoá là 68%, ngành may mặc là 85%, ngành liên quan đến máy tính và điện tử 74%, ngành bán lẻ là 68%, trong khi đó khách sạn và ngân hàng lần lượt là 41% và 43%. Nhìn chung toàn ngành sản xuất mức độ tự động hoá là 75%, con số này của lĩnh vực dịch vụ là 33%. Số liệu này cho thấy CMCN 4.0 đã tác động sâu rộng và trực tiếp tất cả các lĩnh vực, ở mặt tích cực nó làm tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng bên cạnh đó các chính phủ phải đối mặt với một thực tế đó là máy móc sẽ lấy mất việc của con người. Do vậy tái cấu trúc, đổi mới và giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh CMCN 4.0.
Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước đi tích cực chuẩn bị cho nền kinh tế số bằng việc bắt tay xây dựng hệ sinh thái số từ chính sách đến hoạt động điều hành của Chính phủ, tới các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Các hoạt động như chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, tri thức số, nông nghiệp thông minh, đào tạo trực tuyến… đang được triển khai tích cực. Đó là quyết tâm xây dựng một Chính phủ điện tử với việc số hoá và triển khai dịch vụ công trực tuyến từ trung ương đến địa phương [5]. Ngày 12/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã chính thức khai trương Trục liên thông văn bản Quốc gia, bước đầu cho quá trình chuyển đổi số và tiền đề cho một Chính phủ không giấy tờ [6]. Trong đó, các văn bản số được ký trực tiếp bằng chữ ký điện tử và được chuyển đến các địa phương và cơ quan ban, ngành chỉ tính bằng phút thay vì bằng ngày hoặc tuần như trước kia. Trong nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái tri thức mở của riêng người Việt, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng Hệ tri thức Việt số hoá, với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”.
Có thể thấy từ dịch vụ công đến các hoạt động sản xuất kinh doanh đang từng bước xây dựng trên nền tảng số. Ví dụ như các dịch vụ cơ bản khai báo thuế, trả tiền điện nước, trả lương, bảo hiểm, giấy khai sinh… đã được triển khai trực tuyến. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng về sử dụng Internet nhanh nhất thế giới, năm 2019 đã đạt 64 triệu người dùng (tương đương 66% dân số) tăng khoảng 25% so với năm 2017 [25]. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 là 25%.
Với việc đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế tri thức (nền kinh tế thông tin) thì giáo dục, đào tạo là vấn đề cần chú trọng hàng đầu. Để đáp ứng nhu cầu về phát triển giáo dục, mô hình đào tạo trực tuyến (E-Learning) là xu thế tất yếu trong môi trường số và vạn vật kết nối (IoT). Các nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER), các khoá học mở (OCW), khoá trực truyến dành cho nhiều người tham gia (MOOC), hay các khoá học tập trung cho một nhóm đối tượng với nhu cầu cụ thể (SPOC), hoặc lấy bằng chính quy trực tuyến đang được triển khai tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang có sự chuyển biến mạnh mẽ sang nền kinh tế số. Trong bối cảnh đó, ngành thư viện Việt Nam không tránh khỏi những tác động tích cực và tiêu cực từ cuộc cách mạng số và tự động hoá. Đặc biệt ngành thư viện là ngành thường sớm được ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trong việc thu thập, xử lý, tổ chức và phân phối thông tin.
Vậy cuộc CMCN 4.0 có những tiến bộ công nghệ nào có thể ảnh hưởng đến ngành thư viện? Thư viện Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?
2. Công nghệ của cách mạng 4.0 và ứng dụng trong ngành thư viện
CMCN 4.0 được coi là kết quả của sự hội tụ những công nghệ nổi bật trong hoạt động sản xuất và dịch vụ. Những công nghệ như robot tự động, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu liên kết, máy in 3D, công nghệ sinh học, vạn vật kết nối... đang làm thay đổi cách con người sống, làm việc và học tập. Máy móc và con người được kết nối với nhau.
Bài toán quản trị thông tin được đặt ra trong bối cảnh của CMCN 4.0 sẽ có 3 yếu tố căn bản: dữ liệu lớn, hệ thống thông tin và trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu phát sinh ngày càng nhiều và trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, cần phải có một hệ thống thông tin tối ưu để thu thập, tổ chức và xử lý chúng, hệ thống này cần ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát huy và khai thác hết tiềm năng của dữ liệu lớn.
Hình 1: Các công nghệ dành cho CMCN 4.0 [20]
Những công nghệ nổi bật của CMCN 4.0 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành thư viện trong tương lai gần. Thực tế nhiều công nghệ đã được các thư viện áp dụng.
2.1. Dữ liệu lớn và nội dung số
Dữ liệu lớn (Big data) là các tập dữ liệu cực lớn (có thể từ hàng terabytes tới nhiều petabytes dữ liệu) và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể thu thập, hiển thị, quản lý và xử lý dữ liệu trong một thời gian có thể chấp nhận được. Dữ liệu lớn được xác định trên 4 đặc trưng đó là Volume (Dung lượng), Variety (Tính đa dạng), Velocity (Tốc độ) và Veracity (Tính xác thực). Dữ liệu lớn có thể được phân tích, tính toán để tiết lộ các mô hình, xu hướng và liên kết, đặc biệt liên quan đến hành vi và tương tác của con người. Trong bối cảnh của tự động hoá và máy học thì dữ liệu đóng vai trò trung tâm, là yếu tố then chốt để phát triển các công nghệ khác. Không có dữ liệu thì máy không thể học, không có dữ liệu thì các hệ thống thông minh không thể phát huy tác dụng vì không có tri thức, tức là thiếu dữ liệu đầu vào tạo ra trí tuệ nhân tạo cho một hệ thống thông minh - máy tự học. Một trong những cơ sở để khai thác và thúc đẩy phát triển dữ liệu lớn đó là truy cập mở đến nguồn tài nguyên (open access) và dữ liệu mở liên kết (linked open data), cả hai vấn đề này đều có thể thúc đẩy bởi sự tham gia của thư viện.
Có thể khẳng định đến thời điểm hiện tại, hầu hết các thông tin/ dữ liệu được sinh ra dưới dạng số (born-digital) và chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ của thông tin với lượng thông tin khổng lồ đang được tạo ra hàng ngày (Hình 2). Mỗi ngày có 2.5 Exabytes dữ liệu được tạo ra, tương đương gấp 250.000 lần độ lớn của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ [13]. Do vậy việc lựa chọn thông tin phù hợp, hay khai thác dữ liệu (data mining) trong biển thông tin này thực sự là thách thức đối với mỗi cá nhân và tổ chức.
Hình 2: Tăng trưởng tài nguyên số và năng lực lưu trữ thông tin toàn cầu [10]
Dữ liệu lớn đang trở thành một vấn đề nổi bật ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau và nhận được sự quan tâm đặc biệt cả trong nghiên cứu và ứng dụng. Các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thư viện và thông tin đều cho rằng dữ liệu lớn đang mang lại cơ hội lớn cho thư viện trong đổi mới sáng tạo. Liu và Shen (2018) cho rằng dữ liệu lớn giúp cho thư viện thông minh hơn và thân thiện hơn với người dùng bằng việc cung cấp các dịch vụ thông minh và cá nhân hoá [15]. Thư viện có thể phân dữ liệu lớn thành 2 nhóm: biên mục và xử lý. Dữ liệu lớn trong thư viện bao gồm tài nguyên thông tin và dữ liệu phái sinh trong quá trình hoạt động của thư viện thông qua việc cung cấp dịch vụ cho người dùng. Nhóm tài nguyên thông tin sẽ bao gồm các biểu ghi thư mục, các dữ liệu do thư viện tạo ra, trong khi đó dữ liệu phái sinh sẽ có từ sự tương tác của người dùng trong quá trình sử dụng các dịch vụ của thư viện.
Hình 3: Mô hình quản trị thư viện và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên dữ liệu lớn [15]
Việc phân tích dữ liệu lớn thư viện sẽ hỗ trợ đổi mới sáng tạo thư viện số. Thông qua phân tích dữ liệu lớn về thói quen hành vi của người dùng, thư viện sẽ tăng cường trải nghiệm và làm thoả mãn nhu cầu thông tin của họ hơn. Trên cơ sở đó giúp các thư viện cung cấp các sản phẩm và dịch vụ có tính cạnh tranh và chi phí thấp nhất.
2.2. Robot, RFID và tự động hoá thư viện
Thư viện là một trong những lĩnh vực được ứng dụng sớm các thành tựu khoa học và công nghệ. Công nghệ kết nối cùng với robot tự động đang được áp dụng vào thư viện với hai mục tiêu: (1) tự động hoá hoạt động chuyên môn của thư viện với việc ứng dụng hệ thống dây chuyền tự động tổ chức kho tài liệu và phục vụ người dùng đến các công nghệ kiểm soát người dùng và tối ưu hoá dịch vụ trong thư viện; (2) biến thư viện thành không gian sáng tạo học tập thông qua việc đưa vào sử dụng những công nghệ mới như robot trí tuệ nhân tạo, máy in 3D.
Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) đang được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực trong đó có ngành thư viện. Công nghệ này được sử dụng để tìm kiếm và chỉ chỗ tài liệu/ thiết bị trong thư viện; đo lường mức độ truy cập và sử dụng tài liệu trong thư viện; xác định các thông tin của bộ sưu tập, các yêu cầu đặc biệt và có liên quan của người dùng, phân tích các vấn đề phát sinh trong quá trình phục vụ và tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho thư viện.
Hình 4: Ứng dụng RFID trong thư viện
Hệ thống RFID được coi là giải pháp quản lý các tài liệu giấy hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Công nghệ này là cơ sở để các thư viện xây dựng hệ thống tự động thông minh trong việc quản lý và tổ chức kho, mượn trả tự động, thống kê báo cáo người dùng, triển khai hệ thống an ninh trong thư viện, hiệu quả công việc tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với sử dụng con người [22].
Đại học Missouri-Kansas City đã sử dụng hệ thống robot thông minh trong việc lưu trữ, tìm kiếm và truy hồi tài liệu trong thư viện. Sử dụng robot thư viện có thể tiết kiệm được 7 lần diện tích kho so với bài trí thông thường. Thư viện tạo ra nhiều không gian sáng tạo, thoải mái và linh hoạt cho sinh viên và giảng viên thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến. Việc lấy sách và trả sách đều do robot tự động thực hiện một cách chính xác, tiết kiệm tối đa thời gian cho người dùng tại thư viện này.
Ở một khía cạnh khác, sử dụng robot để hỗ trợ học tập trong thư viện cũng đã được triển khai. Tháng 9/2014, Thư viện Westport (Hoa Kỳ) lần đầu tiên triển khai 2 robot với trí tuệ nhân tạo là Nancy và Vincent để hỗ trợ sinh viên trong học lập trình máy tính [26]. Các robot này có thể thực hiện các yêu cầu, nhận dạng khuôn mặt, thực hiện các cuộc hội thoại, di chuyển, đá bóng và khiêu vũ. Chúng được sử dụng để thực hành phát triển các ứng dụng phần mềm điều khiển các robot làm việc với con người.
Có thể thấy triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại để tự động hoá thư viện đang là xu thế tất yếu. Điều này đặt ra cho các thư viện Việt Nam trong việc ứng dụng các công nghệ mới cũng như đào tạo con người để áp dụng và kiểm soát được công nghệ này.
2.3. Giao tiếp máy với máy và vạn vật kết nối
Trong môi trường số thì kết nối giữa người và máy cũng như giữa máy với máy (M2M) là yêu cầu bắt buộc. Vạn vật kết nối là một mạng lưới các thiết bị sử dụng hàng ngày được trang bị các vi xử lý và cảm biến kết nối lại với nhau có thể thu thập và truyền dữ liệu thông qua mạng Internet. Nói một cách khác IoT bao gồm: thiết bị được trang bị bộ vi xử lý và cảm biến với dữ liệu trang web được kết nối, có hệ thống thu thập dữ liệu, phân tích cùng giao diện người dùng thân thiện (Hình 5). Công ty Cisco dự đoán sẽ có 50 tỷ thiết bị có kết nối Internet đến cuối năm 2020 [9].
Hình 5: Các thành phần cơ bản của IoT [19]
IoT kết hợp với hệ thống phần mềm thông minh được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp thông minh, định vị và tìm đường, điều khiển giao thông, nhà thông minh, chăm sóc sức khoẻ, đào tạo từ xa, thiết bị đeo thông minh, ô tô lái tự động, thành phố thông minh, bán lẻ với mua sắm thông minh, kiểm soát năng lượng. Điểm quan trọng của IoT đó là các đối tượng có thể được nhận biết và định dạng (identifiable). Nếu mọi đối tượng, kể cả con người, được "đánh dấu" để phân biệt bản thân đối tượng đó với những thứ xung quanh thì chúng ta có thể hoàn toàn quản lý được nó thông qua máy tính có kết nối Internet.
Mặc dù IoT vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, nhưng nó có tiềm năng rất lớn cho các thư viện. Các nghiên cứu chỉ ra rằng IoT đã và đang được ứng dụng vào hoạt động của các thư viện, các dịch vụ thư viện đã tích hợp với IoT [14, 16, 24]. Pujara và Satyanarayanab (2015) cho rằng các thư viện có thể áp dụng IoT để bổ sung giá trị gia tăng cho các dịch vụ và cung cấp những trải nghiệm thực sự cho người dùng của mình [18]. Các ứng dụng của IoT trong thư viện có thể bao gồm:
Xây dựng các toà nhà thư viện thông minh: Điều khiển hệ thống điều hoà, hệ thống ánh sáng, đo độ ồn, đánh giá khu vực bị quá tải… thông qua ứng dụng điện thoại thông minh. Hệ thống kiểm soát và theo dõi an ninh trong toà nhà cũng được điều khiển bởi các ứng dụng trên điện thoại. Bằng việc ứng dụng IoT, thư viện có thể quản trị các trang thiết bị và năng lượng hiệu quả hơn.
Truy cập vào thư viện và các nguồn thông tin: Với việc sử dụng thẻ thư viện ảo, người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh với ứng dụng của thư viện để truy cập và khai thác các nguồn lực trong thư viện. Họ được hướng dẫn trực quan thông qua sơ đồ 3D thư viện, xác định vị trí tài liệu, thậm chí là đọc các thông tin liên quan về tài liệu trên các trang điện tử như Amazon trước khi quyết định mượn tài liệu đó từ thư viện.
Kiểm soát bộ sưu tập: Việc sử dụng các công nghệ như RFID, NFC, mã vạch, mã QR, hình mờ, kỹ thuật số… để đánh dấu (tagging) cho các đối tượng (trang thiết bị, tài liệu, con người) trong thư viện và kết nối chúng thông qua wifi, mạng viễn thông (3G, 4G, 5G), bluetooth, hồng ngoại… sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết nối và tương tác trong thư viện. Thông qua đó có thể kiểm soát và tổ chức khai thác tốt các bộ sưu tập này, chẳng hạn như hạn chế xếp nhầm chỗ của tài liệu, sử dụng tối đa vòng đời của tài liệu.
Nghiên cứu người dùng và cải tiến dịch vụ: IoT cũng cho phép nghiên cứu người dùng thông qua việc đếm số lượng người dùng đến thư viện, những tài liệu mà họ mượn, khu vực nào của thư viện bị quá tải vào thời gian nào, thói quen, sở thích sử dụng thư viện, các từ khoá mà họ gõ vào ô tìm kiếm… thu thập và phân tích những số liệu này cho phép người làm thư viện đưa ra các quyết định chiến lược, tạo ra trải nghiệm hiệu quả và hiệu quả hơn cho người dùng của họ.
Hỗ trợ người dùng khai thác thư viện: Người dùng cần có sự hiểu biết nhất định để khai thác các dịch vụ và tài nguyên thông tin của thư viện được hiệu quả. IoT sẽ giúp cung cấp những hướng dẫn thực tế ảo cho người dùng. Chẳng hạn thư viện sẽ thiết lập các thiết bị thu phát tín hiệu tại nhiều điểm trong thư viện, khi người dùng đến một khu vực cụ thể trong thư viện, điện thoại của họ sẽ chạy đoạn video hoặc audio giới thiệu về khu vực này, hướng dẫn họ sử dụng tiện ích một cách tối đa. Họ có thể khai thác các bộ sưu tập mà bản giấy bị hạn chế tiếp cận thông qua bản điện tử của tài liệu này. IoT cũng có thể dựa trên tìm kiếm của người dùng để gợi ý các tài liệu mà có thể họ quan tâm. Thậm chí khi người dùng đến thư viện lần tiếp theo, IoT có thể chủ động thông báo những tài liệu mới về lĩnh vực đó, hoặc các tài liệu họ yêu cầu mượn lần trước đang bận giờ đã sẵn sàng.
Dịch vụ định vị địa điểm: Người dùng ngồi ở nhà hoặc nơi làm việc sẽ lên danh mục các tài liệu mà họ cần thông qua tài khoản thư viện. Khi đến thư viện với thiết bị điện thoại được kết nối IoT, họ sẽ được hướng dẫn đến các giá sách có tài liệu họ cần, cung cấp tình trạng mượn của tài liệu, tư vấn thêm các tài liệu trong lĩnh vực họ quan tâm. Thông qua ứng dụng của thư viện, người dùng có thể kiểm tra được tình trạng sẵn sàng của các phòng đọc, phòng thảo luận, máy in, máy quét, máy tính… để chủ động đăng ký sử dụng.
2.4. Điện toán đám mây
Chuyển đổi sang môi trường số với định dạng thông tin số, thư viện sẽ gặp áp lực về kho lưu trữ số với yêu cầu là không gian lưu trữ không giới hạn và đảm bảo sự an toàn cho lưu trữ vĩnh viễn. Lúc này nhu cầu về lưu trữ trực tuyến của thư viện xuất hiện, trong đó điện toán đám mây là một trong những lựa chọn của thư viện. Điện toán đám mây là một phương thức mới trong lưu trữ, chia sẻ và sử dụng tài nguyên thông tin. Điện toán đám mây hỗ trợ chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ trên nền tảng Internet thay vì sử dụng nội bộ như trước đây. Sự kết hợp giữa máy chủ, hệ thống mạng, kết nối, ứng dụng và tài nguyên thông tin tạo nên điện toán đám mây [12]. Triết lý điện toán đám mây là thông tin lưu trữ trực tuyến và có thể khai thác mọi lúc, mọi nơi.
Nag và Nikam (2016) đưa ra cấu trúc của điện toán đám mây ứng dụng cho thư viện với 2 phần tách biệt: phần dành cho người dùng và phần đám mây hay còn gọi là phần hệ thống (Hình 6) [16]. Hai phần này kết nối với nhau thông qua hệ thống mạng Internet với kết nối cảm biến không dây (WSN). Trong phần hệ thống sẽ bao gồm máy tính, máy chủ và hệ thống lưu trữ dữ liệu để tạo ra các dịch vụ điện toán đám mây.
Hình 6: Hệ thống điện toán đám mây ứng dụng trong thư viện [16]
Các thư viện thay vì phải đầu tư một hệ thống lưu trữ, máy chủ, đường kết nối Internet tốc độ cao để triển khai cung cấp các dịch vụ và tài nguyên thông tin thì có thể sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây của các nhà cung cấp. Điều này sẽ giúp thư viện tiết kiệm được chi phí khấu hao của thiết bị, tránh lãng phí nguồn tài nguyên của thiết bị không dùng hết, không phải trả lương cho đội ngũ kỹ thuật bảo trì hệ thống. Với triết lý dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu sẽ giúp thư viện tự chủ trong khai thác hệ thống. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tại Việt Nam các thư viện chưa thể tiếp cận được dịch vụ này do chi phí thường niên cao cũng như tâm lý phải có máy chủ tại thư viện thì mới kiểm soát được thông tin.
Ứng dụng điện toán đám mây trong thư viện sẽ bao gồm: (1) Xây dựng thư viện số và các lưu trữ số cho nguồn tài nguyên của mình, đảm bảo truy cập đến nguồn tài nguyên 24/7; (2) Tìm kiếm dữ liệu/ tài nguyên của thư viện. OCLC là một ví dụ điển hình của sử dụng điện toán đám mây trong việc chia sẻ dữ liệu của thư viện, các dịch vụ của họ như bổ sung, biên mục, lưu thông đều triển khai trên nền tảng của hệ thống quản trị chia sẻ tài nguyên trên web; (3) Dịch vụ lưu trữ trang web (website hosting); (4) Tìm kiếm các nội dung học thuật thông qua phương thức tìm kiếm tập trung (Web scale discovery). Hiện nay, trên thế giới có một số dịch vụ tìm kiếm tập trung nổi tiếng có thể kể đến như Summon (của ProQuest), Primo (của Ex Libris), EBSCO Discovery Service (của EBSCO) và WorldCat Discovery Services (của OCLC); (5) Xây dựng cộng đồng mạng lưới các thư viện và chuyên gia; (6) Tự động hoá toàn bộ hoạt động của thư viện thông qua ứng dụng các phần mềm thư viện chuyên dụng.
3. Thách thức và yêu cầu đổi mới đối với thư viện Việt Nam
Có thể thấy CMCN 4.0 đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành thư viện để đổi mới và tiến vào kỷ nguyên số như một thành phần quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, ngành thư viện cũng đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: máy móc sẽ lấy mất việc của người làm thư viện, thói quen hành vi khai thác sử dụng thông tin của người dùng thay đổi do sự phát triển của công nghệ, chuyển đổi mô hình hoạt động của thư viện số 4.0 từ mô hình thư viện truyền thống, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho mô hình thư viện mới, giải quyết vấn đề bản quyền số trong quá trình chuyển đổi số, an ninh thông tin trong môi trường số, vai trò của thư viện trong giáo dục trực tuyến và truy cập mở.
Thách thức về việc làm trong môi trường số: Theo nghiên cứu của Đại học Oxford thì ngành thư viện là ngành nằm trong số các ngành sẽ được tự động hoá, cũng có nghĩa là người làm thư viện sẽ bị mất vị trí việc làm bởi máy tính. Cụ thể vị trí đối với kỹ thuật viên thư viện nguy cơ bị thay thế bởi robot tự động là 99%, còn đối với người làm thư viện thì nguy cơ bị thay thế bởi máy tính là 65%. Điều này đặt ra một thách thức đối với người làm thư viện và bản thân các thư viện trong việc thay đổi và thích ứng cũng như tìm ra được giá trị riêng cho vai trò người làm thư viện và thư viện trong bối cảnh mới.
Biểu đồ 1: Các công việc có thể được thay thế bởi máy tính [21]
Thay đổi thói quen của người dùng - công dân số (digital citizen) đang đặt áp lực lên thư viện. Google đang là một kho tài nguyên vô tận nếu biết khai thác, bên cạnh đó các nguồn tài nguyên mở đang ngày càng phát triển, tài liệu được xuất bản số với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với tài liệu in… Đây chính là những đối trọng trực tiếp của thư viện bởi sự tiện lợi và thân thiện của chúng đối với người dùng. Người dùng với thiết bị đầu cuối thông minh hướng tới sự tiện lợi, trong đó xu thế khai thác tài nguyên số ngày càng gia tăng, họ cần thông tin có tính tổng hợp, ngắn gọn và trong thời gian ngắn. Tất cả những thách thức này đòi hỏi các thư viện phải có cách tiếp cận phù hợp, đặc biệt là ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ để gia tăng giá trị cho các sản phẩm dịch vụ và tăng trải nghiệm cho người dùng.
Chuyển đổi mô hình thư viện số 4.0: Câu hỏi đặt ra là thư viện trong tương lai sẽ trông như thế nào? Đó là Thư viện số thông minh - Thư viện số theo ngữ cảnh - Semamtic Digital Library, kết nối giữa thông tin và xã hội trong môi trường số để cung cấp sản phẩm và dịch vụ giàu tính cá nhân hoá hướng tới người dùng làm trung tâm [7, 11].
Thư viện số 4.0 được coi là thư viện thông minh, kết hợp nhiều công nghệ hiện đại. Đó là mô hình thư viện tích hợp với không gian sáng tạo, công nghệ nhận dạng nội dung, truy cập mở, dữ liệu lớn, dịch vụ điện toán đám mây, công nghệthực tế ảo, công nghệ hiển thị. Điều này chỉ ra vai trò rất quan trọng của người làm thư viện trong việc tích hợp các công nghệ trên vào hoạt động thư viện. Như vậy, có thể thấy nhu cầu cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực thư viện 4.0.
Hình 8: Sự phát triển của thư viện [17]
Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy trong môi trường mới khi sự khác biệt giữa không gian vật lý và không gian mạng đã bị xoá bỏ? Khi mà người dùng không cần đến thư viện cũng có thể khai thác được tài liệu từ thư viện? Ngoài việc đến thư viện để khai thác thông tin, thì thư viện sẽ trở thành không gian văn hoá, không gian sáng tạo, kết nối cộng đồng và chia sẻ tri thức.
Loại hình tài liệu trong thư viện sẽ thay đổi nhiều hơn: dĩ nhiên là ở định dạng số. Tuy nhiên, đó không chỉ đơn thuần là sách, báo - tạp chí mà dữ liệu dạng mô phỏng, dữ liệu nghiên cứu có thể sẽ chiếm tỷ trọng nhiều hơn, các loại hình tài liệu số đa phương tiện cũng sẽ dần phổ biến. Điều này đặt ra thách thức cho các thư viện xử lý, tổ chức, lưu trữ và khai thác các nguồn tài liệu này.
Đào tạo người làm thư viện số 4.0: Người làm thư viện số 4.0 là người am hiểu công nghệ và cấu trúc của thông tin và hệ thống thông tin. Họ chuyển đổi vai trò từ người giữ thông tin sang vai trò người tư vấn và chuyển giao thông tin. Để làm chuyên gia tư vấn họ cần nền tảng tốt về công nghệ thông tin, kiến thức về khoa học thư viện và sự hiểu biết về lĩnh vực hay đối tượng người dùng mà họ sẽ phục vụ. Trên cơ sở tham khảo các khung năng lực dành cho người làm thư viện của Hoa Kỳ (ALA), Canada (CARL), Ôxtrâylia (ALIA) và IFLA kết hợp với khảo sát thực tiễn tại Việt Nam, Đỗ Văn Hùng (2019) đã đề xuất khung năng lực mới dành cho người làm thư viện Việt Nam trong thế kỷ XXI. Trong đó năng lực của người làm thư viện được hình thành bởi 7 nhóm lĩnh vực.
Hình 9: Năng lực cần có của người làm thư viện số trong thế kỷ XXI [1]
Cụ thể, các năng lực này bao gồm: (1) Kiến thức nền tảng về môi trường xã hội, văn hoá, kinh tế, chính trị và đạo đức nghề nghiệp, luật pháp; (2) Kỹ năng mềm như khả năng thích ứng, sự linh hoạt, sự hứng thú với những trải nghiệm và kiến thức mới, khả năng giao tiếp, năng lực đàm phán, khả năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề, có sáng kiến mới và tư duy sáng tạo cùng tư duy đổi mới, khả năng phối hợp và hợp tác trong công việc; (3) Năng lực lãnh đạo và quản lý; (4) Năng lực xây dựng và quản trị tài nguyên thông tin; (5) Năng lực thông tin trong việc tìm kiếm, thẩm định và sử dụng thông tin;
(6) Năng lực nghiên cứu và chuyển giao với khả năng triển khai các nghiên cứu độc lập cũng như hỗ trợ triển khai các nghiên cứu; (7) Kỹ năng công nghệ thông tin. Đào tạo các năng lực này thực sự là một thách thức đối với các cơ sở đào tạo ngành thư viện tại Việt Nam [1].
Bản quyền số trong quá trình chuyển đổi số: Một trong những vấn đề đặt ra đó bản quyền số cho những tài liệu đã xuất bản dưới dạng tài liệu in. Việc số hoá, chia sẻ và phổ biến loại tài liệu được số hoá đang là vấn đề gây tranh cãi và gặp phải rào cản pháp lý đối với pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Chẳng hạn, hành động số hoá một một cuốn sách mà các thư viện đang làm đượccho là hành vi vi phạm bản quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ: sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả [4]. Rõ ràng đây là một rào cản thực sự cho các thư viện trong việc số hoá, chia sẻ và phục vụ người dùng trên môi trường số.
An ninh thông tin trong môi trường số: Trong thư viện, an ninh thông tin được tiếp cận ở hai khía cạnh đó là bảo vệ tài nguyên thông tin của thư viện và thông tin người dùng trên môi trường mạng. Ranh giới về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu sẽ được xác định lại trong bối cảnh hiện nay. Thư viện đang và sẽ triển khai các dịch vụ trực tuyến, kết hợp với các đối tác công nghệ, tài chính và dịch vụ, tham gia mạng xã hội… sẽ cần lưu ý đến vấn đề quyền riêng tư của người dùng cũng như dữ liệu cá nhân mà họ thu thập. Với Luật Tiếp cận thông tin (2016) và Luật An ninh mạng (2018), các thư viện và người làm thư viện cần trang bị cho mình những kiến thức nền tảng về an toàn thông tin và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, đồng thời tạo điều kiện cho mỗi công dân có quyền được tiếp cận thông tin theo nhu cầu và trong khuôn khổ pháp luật cho phép [2, 3].
Truy cập mở và giáo dục trực tuyến: Giáo dục trực tuyến đang phát triển mạnh tại Việt Nam và nó sẽ phá vỡ kết cấu hoạt động học tập của người học. Các khoá học trực tuyến và tài nguyên giáo dục mở miễn phí như MOOC, SPOC, OCW và OER đang là xu thế mới hiện nay. Giá trị của giáo dục mở đó là tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Giáo dục mở là con đường hữu hiệu và khả thi để thoả mãn những ai muốn có được trình độ đại học mà không tạo thêm gánh nặng cho giáo dục ở bậc học này. Các cơ sở đào tạo ứng dụng công nghệ để thay đổi hệ thống giáo dục truyền thống nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của một xã hội học tập trong kỷ nguyên thông tin. Trong bối cảnh này, thư viện đóng vai trò rất quan trọng như là nơi cung cấp tài nguyên cho việc học tập suốt đời của người dân từ các khoá học đến các nguồn học liệu mở và trở thành trung tâm của cộng đồng, nơi kết hợp sức mạnh tổng hợp của đào tạo chính thức và phi chính thức.
4. Kết luận
CMCN 4.0 với những công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, robot tự động, vạn vật kết nối, điện toán đám mây đã và đang tác động trực tiếp làm thay đổi căn bản thư viện trên các khía cạnh như khai thác thông tin số, lưu trữ thông tin số và quản trị dữ liệu, xây dựng các sản phẩm và dịch vụ cá nhân hoá, mô hình thư viện kết hợp không gian vật lý và không gian mạng… tất cả đều nhằm mục tiêu mang lại sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng - những công dân số trong nền kinh tế tri thức.
Thách thức về vai trò và vị trí việc làm của người làm thư viện, sự thay đổi trong thói quen sử dụng thông tin của người dùng, chuyển đổi mô hình hoạt động của thư viện số 4.0 và đào tạo người làm thư viện số 4.0 cho giai đoạn phát triển mới của thư viện, vấn đề bản quyền số đến an ninh thông tin, hỗ trợ thúc đẩy giáo dục mở sẽ là những vấn đề mà ngành thư viện sẽ phải giải quyết trong những thập kỷ tới nếu muốn thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong việc chuyển giao tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Văn Hùng. Khung năng lực cốt lõi dành cho cán bộ thư viện Việt Nam trong thế kỷ XXI // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2019. - Số 1. - Tr. 2- 10.
2. Luật An ninh mạng. Số 24/2018/QH14 của Quốc hội, ban hành ngày 12/6/2018. https:// luatvietnam.vn/an-ninh-quoc-gia/luat-an-ninh- mang-2018-luat-an-ninh-mang-so-24-2018-qh14- 164904-d1.html. Truy cập ngày 22/3/2019.
3. Luật Tiếp cận thông tin. Số 104/2016/QH13, ban hành ngày 06/4/2016. http://vanban.chinh-phu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvan- ban?class_id=1&_page=1&mode=detail&docu-ment_id=184568. Truy cập ngày 22/3/2019.
4. Luật Sở hữu trí tuệ. Số 19/VBHN-VPQH của Quốc hội, ban hành ngày 18/12/2013. https://thu- vienphapluat.vn/van-ban/So-huu-tri-tue/Van-ban- hop-nhat-19-VBHN-VPQH-nam-2013-hop-nhat-Luat- so-huu-tri-tue-220039.aspx. Truy cập ngày 22/3/2019.
5. Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethong- vanban?class_id=2&_page=1&mode=detail&docu-ment_id=190018. Truy cập ngày 22/3/2019.
6. Trục liên thông văn bản quốc gia: Đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ. http://vpcp.chinhphu. vn/Home/Truc-lien-thong-van-ban-quoc-gia-Dot-pha-manh-me-vao-tu-duy-giay-to/20193/25615.vgp. Truy cập ngày 22/3/2019.
7. Alotaibi, S. Semanticweb technologies for digital libraries: Fromlibraries to Social Semantic Digital Libraries (SSDL). Over Semantic Digital Libraries (SDL) // The 4th Saudi International Conference. - UK: University of Manchester, 2010.
8. Ellen Frederick, Donna. Libraries, data and the fourth industrial revolution (Data Deluge Column) // Library Hi Tech News. - 2016. -No. 33. - P. 9-12.
9. Evans, D. The Internet of Things: How the next evolution of the Internet is changing everything // Cisco White Paper. - 2011. https://www.cisco. com/c/dam/en_us/about/ac79/docs/innov/IoT_IBS G_0411FINAL.pdf. Truy cập ngày 20/3/2019.
10. Hilbert, M., López, P. The World’s techno- logical capacity to store, communicate, and compute information // Science. - 2011. - No.332 (6025). - P. 60-65.
11. Kamlesh and Rajoot, L. Semantic Digital Library // International Conference on Advanced Computing (ICAC). - 2016. - P. 198-201.
12. Kaushik, A. and Kumar, A. Application of cloud computing in libraries // International Journal of Information Dissemination and Technology. - 2013. - No. 3 (4). - P. 270-273.
13. Khoso, M. How much data is produced every day? // Northeastern University. - 2016. https://www. northeastern.edu/levelblog/2016/05/13/how-much- data-produced-every-day/. Truy cập ngày 22/3/2019.
14. Liang, X., and Chen, Y. Libraries in Internet of Things (IoT) era // Library Hi Tech. - 2018.
15. Liu, S., and Shen, X.L. Library management and innovation in the Big Data Era // Library Hi Tech. - 2018. - No. 36 (3). - P. 374-377.
16. Nag, A. and Nikam, K. Internet Of Things applications in academic libraries // International Journal of Information Technology and Library Science. - 2016. - Volume 5. - No. 1. - P. 1-7.
17. Noh, Y. Imagining Library 4.0: Creating a Model for Future Libraries // The Journal of Academic Librarianship. - 2015. - No. 41 (6). - P. 786-797.
18. Pujara, M. and Satyanarayanab, K. V. Internet of Things and libraries Shamprasad // Annals of Library and Information Studies. - 2015. - Vol. 62. - P. 186-190.
19. Rajiv. What are the major components of Internet of Things. - 2018. https://www.rfpage.com/ what-are-the-major-components-of-internet-of- things/. Truy cập ngày 22/3/2019.
20. Saturno, M.; Pertel V. M. and Deschamps, F. Proposal of an automation solutions architecture for Industry 4.0 // 24th International Conference on Production Research. - 2017.
21. Scott, P. These are the jobs most at risk of automation according to Oxford University: Is yours one of them?. - 2017. https://www.telegraph.co.uk/ news/2017/09/27/jobs-risk-automation-according- oxford-university-one/. Truy cập ngày 22/3/2019.
22. Shien Chiang Yu. Implementation of an innovative RFID application in libraries // Library Hi Tech. - 2008. - Vol. 26. - P. 398-410.
23. Sreenivasulu, V. The role of a digital librar- ian in the management of digital information sys- tems (DIS) // The Electronic Library. - 2000. - Vol. 18. - P. 12-20.
24. Stefanidis, K. and Tsakonas, G. Integration of Library Services with Internet of Things Technologies // Code4Lib Journal. - 2015. - Issue 30. https://jour- nal.code4lib.org/articles/10897. Truy cập ngày 22/3/2019.
25. WeAreSocial and Hootsuite. Digital Report 2019 - Viet Nam: All the data and trends you need to understand Internet, social media, mobile, and e- commerce behaviours in 2019.
26. Westport. Robots arrive at the Westport Library. - 2014. http://westportlibrary.org/about/ news/robots-arrive-westport-library. Truy cập ngày 22/3/2019.
27. World Economic Forum. The future of jobs: Employment, skills and workforce strategy for the fourth industrial revolution. - 2016. http://www3. wefo- rum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs.pdf. Truy cập ngày 22/3/2019.
_________________
Đỗ Văn Hùng
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 4. - Tr. 3-12,51.
< Prev | Next > |
---|
- Một số mô hình quản lý chất lượng và việc thực hiện quản lý chất lượng trong lĩnh vực thư viện - thông tin
- Giáo dục đại học với công tác đào tạo năng lực thông tin cho sinh viên hiện nay
- Vai trò của các thư viện trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhân văn số
- Giải pháp phần mềm Open Journal Systems trong xây dựng và quản lý xuất bản tạp chí trực tuyến
- Xây dựng Subject guides trong thư viện đại học ở Việt Nam
- Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp
- Mô hình và khung kiến thức số
- Vài nét về hoạt động của hệ thống mượn liên thư viện quốc gia Hàn Quốc Chaekbada
- Mô hình liên thông nguồn học liệu giữa thư viện nhánh và thư viện trung tâm tại các trường đại học
- Xây dựng dịch vụ thư viện - thông tin hỗ trợ hoạt động công bố khoa học của giảng viên trong các trường đại học