I. Giới thiệu
Thư viện số là thư viện mà ở đó các bộ sưu tập được lưu trữ dưới dạng số (tương phản với các định dạng in, vi dạng, hoặc các phương tiện khác) và có thể truy cập bằng máy tính. Nội dung số có thể được lưu trữ cục bộ hoặc truy cập từ xa qua mạng máy tính. Thư viện số là một loại hệ thống tìm kiếm thông tin - Information Retrieval System. (theo wikipedia.org)
II. Kiến trúc dữ liệu cơ bản của một hệ thống thư viện số
Để hiểu hệ thống thư viện số vận hành như thế nào trước hết chúng tôi đưa ra mô hình khái quát cấu trúc dữ liệu của một hệ thống phần mềm thư viện số hiện đại. Các quan niệm về dữ liệu – đối tượng quản lý của phần mềm sẽ quyết định kiến trúc của phần mềm và các vấn đề mà hệ thống đó giải quyết. Theo quan niệm của chúng tôi một hệ thống phần mềm thư viện số phải có cấu trúc dữ liệu cơ bản như sau:
1. Các tệp tin tài liệu: Đây là đối tượng quản lý chính của một hệ thống phần mềm thư viện số. Mỗi một tài liệu có thể là một hoặc nhiều tệp tin nằm trên không gian lưu trữ web của hệ thống máy tính của thư viện và như vậy mỗi tệp tin có địa chỉ web riêng của nó, địa chỉ này chính là đầu mối để liên kết tệp tin trong các siêu dữ liệu đối tượng số. Sử dụng web làm phương tiện xuất bản tài liệu số là cách thức hiệu quả nhất vì tính phổ biến và năng lực web đã hoàn toàn áp đảo các phương thức cá biệt khác.
2. Các biểu ghi thư mục: Tương tự như đối với các tài liệu truyền thống, mỗi tài liệu số cần có một biểu ghi thư mục mô tả làm cơ sở cho việc tìm kiếm qua OPAC và quản lý tài liệu đó. Đối với các hệ thống thư viện số giản đơn biểu ghi thư mục chứa thông tin liên kết trực tiếp tới địa chỉ tệp tin tài liệu số. Ví dụ thông tin địa chỉ tài liệu điện tử được tham chiếu trong trường 856 với tiêu chuẩn MARC21 và DC.Identifier với Dublin Core. Với tham chiếu giản đơn hệ thống thư viện số không cho phép thể hiện tường minh cấu trúc các tài liệu phức tạp kết hợp nhiều tệp tin và các thông tin mô tả như một tạp chí nhiều bài, một bài giảng nhiều thể loại tài liệu kết hợp… ngoài ra còn nhiều những giới hạn về kỹ thuật khác.
3. Các biểu ghi siêu dữ liệu đối tượng số: Lịch sử phát triển thư viện số trên thế giới đã trải qua nhiều dự án với nhiều đề xuất các tiêu chuẩn thư viện số khác nhau mà không được phổ biến rộng rãi cho đến METS (Metadata Encoding and Transmission Standard - tiêu chuẩn mã hóa và trao đổi siêu dữ liệu). METS là tiêu chuẩn để mã hóa siêu dữ liệu mô tả, quản trị, cấu trúc, bản quyền và các dữ liệu cần thiết cho thu thập, bảo trì và cung ứng các nguồn tài nguyên số. Thông tin chi tiết về tiêu chuẩn này có thể tìm thấy ở http://www.lcweb.loc.gov/mets. Số lượng các dự án thư viện số ứng dụng METS ngày càng nhiều cho thấy tính hiệu quả của tiêu chuẩn này, danh mục dự án có thể tìm thấy tại http://www.loc.gov/standards/mets/mets-registry.html. METS là một tiêu chuẩn lớn và phức tạp về mặt kỹ thuật, không tĩnh như tiêu chuẩn MARC hay Dublin Core, việc vận dụng nó cần phải linh hoạt trong thực tế rất phụ thuộc vào nhà cung cấp giải pháp cũng như yêu cầu cụ thể của thư viện.
4. Các biểu ghi bạn đọc: Đối tượng phục vụ của thư viện là các bạn đọc, mỗi bạn đọc cần được phân loại và lưu trữ các thông tin cần thiết liên quan đến họ để thư viện có thể thiết lập lên các chính sách truy cập tới tài liệu số, quản lý truy cập và thu phí.
Ngày nay đa số các nhà cung cấp ở nước ta giới thiệu các giải pháp quản lý thư viện số mà theo chúng tôi là ở mức độ giản đơn, các hệ thống này đều chưa áp dụng tiêu chuẩn METS đến thời điểm hiện tại, phạm vi ứng dụng và hiệu quả sử dụng của các giải pháp này còn nhiều hạn chế.
III. Giải pháp phần mềm thư viện số KIPOS.DIGITAL
3.1. KIPOS - Knowledge Information Portal Solution là dự án phát triển phần mềm lớn nhất của Công ty Hiện Đại cho lĩnh vực quản lý thông tin tư liệu và thư viện. KIPOS được xây dựng để trở thành một giải pháp tổng thể tích hợp hoàn chỉnh, hỗ trợ tối đa công tác quản lý mọi dạng thông tin tư liệu từ truyền thống tới tài liệu số và xuất bản điện tử của thư viện bằng công nghệ và kỹ thuật mới nhất. KIPOS được phân hoạch thành 2 phân khu chức năng:
• KIPOS.AUTOMATION – tự động hóa thư viện với các module chính: Biên mục, Tra cứu, Quản lý lưu thông, Quản lý bổ sung và kiểm soát ấn phẩm định kỳ.
• KIPOS.DIGITAL – Quản lý các bộ sưu tập số với các module chính: Quản lý kho tư liệu số, Biên tập đối tượng số, Tra cứu mục lục tài liệu số, Tra cứu toàn văn, Trình diễn tài liệu số, Quản lý lưu thông tài liệu số, Đóng gói chuyển giao tài liệu số.
Sức mạnh của KIPOS.DIGITAL có được từ sự kết hợp của các tiêu chuẩn công nghiệp phù hợp, kiến trúc công nghệ hiện đại và qui trình nghiệp vụ tiên tiến. Giải pháp được hình thành với một nền tảng kỹ thuật và nghiệp vụ vững chắc sẽ cho phép bổ sung không giới hạn các chức năng phụ trợ để đáp ứng các yêu cầu cá biệt đối với qui trình nghiệp vụ đặc thù hoặc các bộ sưu tập số mới phát sinh.
3.2. Kiến trúc kỹ thuật của KIPOS.DIGITAL:
1. Tầng dữ liệu: Bao gồm một không gian lưu trữ web các tệp tin tài liệu ở mọi định dạng như văn bản, âm thanh, hình ảnh, phim…, các biểu ghi siêu dữ liệu và dữ liệu có cấu trúc được lưu trữ trong một CSDL của hệ quản trị CSDL SQL Server.
2. Tầng nghiệp vụ: Tầng này bao gồm các module chương trình thực hiện các xử lý nghiệp vụ chủ yếu như cập nhật dữ liệu và tìm kiếm thông tin.
3. Tầng dịch vụ web: Là tầng giao diện dịch vụ web cho phép các chức năng xử lý trong tầng nghiệp vụ được khai thác từ tầng giao diện người dùng hoặc từ các hệ thống khác. Với tầng dịch vụ web, KIPOS là một hệ thống hướng dịch vụ hoàn chỉnh cho phép triển khai linh hoạt và dễ dàng tích hợp với các hệ thống khác. Ngoài ra, tầng này cũng là tầng ứng dụng web, cung cấp giao diện tương tác với người sử dụng, tra cứu và trình diễn tài liệu số.
4. Tầng giao diện: Một giao diện windows với vô vàn các tính năng linh động và dễ sử dụng phù hợp với yêu cầu tác nghiệp, một giao diện web cho phép bạn đọc khai thác tài nguyên thư viện một cách dễ dàng mọi nơi mọi lúc.
(1) Thu thập, số hóa, bổ sung: Đây là quá trình bổ sung tài liệu vào thư viện số. Các tệp tin tài liệu có được thông qua mua sắm, nhận tặng biếu hoặc tự thu thập, số hóa. Mỗi tài liệu có thể là 1 tệp hoặc nhiều tệp, nhiều version khác nhau. Ví dụ phim, ảnh có thể có nhiều phiên bản với chất lượng phù hợp với điều kiện kỹ thuật khai thác của độc giả.
(2) Tải lên kho tài liệu số: Kho tài liệu số là một không gian lưu trữ web nhiều phương thức bảo mật và sao lưu dự phòng. Kho này bao gồm các thư mục được đặt tên phù hợp nhu cầu quản lý. Các tài liệu được tải lên theo từng tệp hoặc cả thư mục lớn hết sức dễ dàng với KIPOS. Ngoài ra KIPOS cung cấp nhiều tính năng xem, sửa, xóa tệp tin thư mục, tạo mới trang web…
(3) Biên mục và biên tập đối tượng số: KIPOS cho phép tạo các biểu ghi siêu dữ liệu mô tả tiêu chuẩn MARC cho tài liệu và liên kết nó trong siêu dữ liệu đối tượng số dạng METS. Một đối tượng số có thể có nhiều siêu dữ liệu mô tả và siêu dữ liệu qui định trình diễn phức tạp như đối với 1 tạp chí số.
(4) Tra cứu: KIPOS cung cấp khả năng tra cứu ngang tầm với các giải pháp hàng đầu thế giới. Nhiều phương pháp tìm kiếm ưu việt của OPAC kết hợp với tra cứu toàn văn đem lại cho độc giả sự tiện lợi chưa từng có.
(5) Kiểm soát truy cập: Căn cứ vào các chính sách lưu thông được thiết lập, bạn đọc tự quyết định mức độ truy cập theo thời lượng và chi phí dựa trên chính sách lưu thông do thư viện thiết lập.
(6) Trình diễn: Là sự thể hiện theo đúng qui định về cấu trúc tài liệu của biểu ghi siêu dữ liệu METS. Mối quan hệ phức tạp giữa các thành phần, trang, chương bài, phần đoạn… được giải quyết, đem lại sự tiện lợi cho người sử dụng. Ngoài ra KIPOS còn có tính năng hiển thị thumbnail (ảnh nhỏ đại diện), tích hợp với các tính năng trình diễn ảnh số đặc biệt, cho phép quản lý các ảnh có độ phân giải cực lớn phù hợp với quản lý bản đồ, bảo tàng mỹ thuật.
IV. Kết luận
KIPOS.DIGITAL là một giải pháp phần mềm toàn diện cho việc quản lý tài nguyên số trong thư viện. Với 7 phân hệ chính dựng sẵn, kiến trúc kỹ thuật hiện đại, áp dụng thành công những tiêu chuẩn công nghiệp mới nhất, đây là giải pháp đáp ứng nhu cầu xây dựng thư viện số hiện tại và tương lai của các thư viện Việt Nam. Thiết kế phần mềm của chúng tôi vẫn liên tục tiến hóa theo sát những bước tiến quan trọng của thế giới điều đó đảm bảo hệ thống các thư viện khách hàng liên tục được tăng cường và đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tế. Chất lượng quốc tế, dịch vụ trực tiếp từ nhà phát triển phần mềm và giá cả cạnh tranh là những yếu tố đảm bảo thành công cho thư viện của bạn.
Một số thao tác và giao diện làm việc của KIPOS.DIGITAL
(6) Tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm, khai thác các tài liệu, sách số hóa và đọc full text dễ dàng (phóng to thu nhỏ xoay chiều)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://www.loc.gov/standards/mets/
_______________
Nguyễn Hồng Vinh
Công ty CP phần mềm Hiện đại
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(22) – 2010 (tr.36-40)
< Prev | Next > |
---|
- Những công trình thư mục ở Việt Nam thời thuộc Pháp
- Phác họa mối liên hệ lịch sử giữa chú giải, tóm tắt, tổng quan tài liệu
- Liệu pháp đọc sách trong hoạt động thư viện
- Hiện trạng và một số tính chất phát triển của dịch vụ tại các thư viện
- Giải pháp chuyển đổi dữ liệu từ ISIS sang Greenstone để chia sẻ nguồn lực thông tin trên mạng Internet của Thư viện Viện nghiên cứu Hán - Nôm
- ÁP DỤNG MARC 21 & AACR2 TẠI THƯ VIỆN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
- Về thời kỳ văn học Việt Nam trong khung phân loại DDC 14, ấn bản tiếng Việt
- Phương hướng, giải pháp áp dụng DDC trong 5 năm tới
- Thực trạng việc phổ biến và áp dụng DDC tại các thư viện Việt Nam
- Tổng kết hội nghị - hội thảo sơ kết 3 năm ứng dụng khung phân loại DDC trong ngành Thư viện Việt Nam