Về thời kỳ văn học Việt Nam trong khung phân loại DDC 14, ấn bản tiếng Việt

E-mail Print

1. Nguyên tắc chung

Đề mục văn học Việt Nam trong Khung DDC 14, ấn bản tiếng Việt được mở rộng trên cơ sở ký hiệu 895.922 của DDC 22. Việc phân định thời kỳ văn học Việt Nam trong DDC 14 đã được các chuyên gia Hoa Kỳ xử lý thống nhất với các nền văn học khác trong toàn Khung DDC, nghĩa là khi chia nhỏ thời kỳ 1900- hầu như bao giờ cũng có hai thời kỳ: 1900-1945, 1945-1999 v.v...

Trong tài liệu hướng dẫn sử dụng DDC của tác giả Lois Mai Chan và J. Mitchell (chỉ dành cho DDC 22, với bảng 3A), ở tr. 116 cũng chỉ đề cập đến 4 thành tố: Lớp chính + ngôn ngữ + thể loại + thời kỳ, trong ký hiệu phân loại văn học, chứ không đề cập đến cách xác định thời kỳ văn học cho một tác phẩm cụ thể, mà chỉ nói chung là “thời kỳ trong đó tác giả đã viết… (the period in which an author wrote…). Đáng chú ý nhất là câu: “Có những cái bẫy (pitfalls) như:… tác phẩm có thể đã được viết vào thời gian trước thời kỳ hoặc những thời kỳ trong đó tác giả được biết đến là đã sáng tác những tác phẩm chính yếu của mình”; và phía dưới cũng có nói: dùng số Cutter để tập hợp vào một chỗ các tác phẩm của một tác giả theo vần chữ cái là một sự trợ giúp cho người dùng (chứ không nói rõ là trong từng thời kỳ cụ thể). Trong những thí dụ tiếp theo của cuốn sách này, luôn luôn cung cấp năm sinhnăm mất của tác giả để tiện đối chiếu với bảng thời kỳ, chứ không cung cấp năm viết tác phẩm đang phân loại, để làm căn cứ ghép ký hiệu.

Từ hướng dẫn này, có thể thấy rõ việc xác định một thời kỳ nhất định cho tác giả cá nhân (thời kỳ rực rỡ nhất hay thời kỳ mà tác giả được biết đến là đã sáng tác những tác phẩm chính yếu, và trên thực tế các thư viện Hoa Kỳ đã làm như vậy), chắc chắn là với mục đích nhằm đạt được sự nhất quán trong việc sử dụng ký hiệu thời kỳ cho các tác giả. (Ví dụ: các tác phẩm Ông già và biển cả, Chuông nguyện hồn ai của E. Hemingway đều có ký hiệu đầy đủ 813.52, ký hiệu xếp giá (call-number) là 813. Tác giả này có một ký hiệu thời kỳ duy nhất là 52, thời kỳ 1900- 1945, Văn học Mỹ - DDC 22).

2. Thời kỳ văn học Việt Nam

Chỉ số phân loại dành cho Văn học Việt Nam được mở rộng dựa trên các nguyên tắc của DDC, về thời kỳ văn học cũng cần bám sát tinh thần này, mục đích cao nhất là để thống nhất về ký hiệu phân loại. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là: Căn cứ (cơ sở) để xác định thời kỳ văn học Việt Nam nói chung là gì? Hay nói cách khác, cần xác định chỉ số thời kỳ theo tác phẩm hay theo tác giả? Nhìn chung, khi phân loại tác phẩm văn học, cần ghép ký hiệu thời kỳ văn học cho:

a. Những tác giả sống và sáng tác trước Cách mạng 1945: Có thời kỳ -32 (điều này đã rất rõ, ví dụ Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Khái Hưng, Nhất Linh…)

b. Những người sống và sáng tác trong cả hai thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám như Tố Hữu, Nguyễn Bính, Nguyên Hồng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận v.v…

c. Các tác giả của thời kỳ chống Mỹ và hiện nay, có nghĩa là vẫn tiếp tục sáng tác, như Trần Đăng Khoa, Chu Lai, Vương Trí Nhàn, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, v.v… và rất nhiều người khác.

d. Các tác giả thuộc thế hệ 8x, 9x

Nếu áp dụng cách phân định thời kỳ cho từng tác phẩm văn học theo năm cuốn sách được viết ra, thì những sáng tác của nhà thơ Tố Hữu trước cách mạng tháng Tám có chỉ số thời kỳ là -32, sau cách mạng là -34. Như vậy, các tác phẩm của một tác giả viết trong những thời kỳ khác nhau sẽ được xếp vào những chỗ khác nhau trong kho sách mở. Việc xử lý và sắp xếp như vậy có trái với nguyên tắc chung của DDC hay không? Khi không xác định được thời kỳ, thì mới căn cứ theo thời kỳ sáng tác rực rỡ nhất của tác giả. Vậy cần hiểu thế nào là thời kỳ rực rỡ của một tác giả?

Ở DDC 14 mục Văn học Việt Nam không có hướng dẫn gì cụ thể hơn về vấn đề này. Việc xác định vấn đề này trong văn học Việt Nam hoàn toàn không đơn giản. Cần phải có căn cứ xác đáng, phù hợp với mỗi tác giả, để đạt đến mục đích chung và không xảy ra tranh luận, có ý kiến trái chiều nhau trong quá trình phân loại tài liệu. Có thể có nhiều cách hiểu về thời kỳ rực rỡ khác nhau, mỗi người, mỗi nơi đều có nhận thức và lý lẽ của mình, nhưng điều quan trọng nhất ở đây là sự đồng thuận trong các thư viện. Để đạt được sự nhất quán về sử dụng thời kỳ, cần thống nhất phương án dùng chung cho tất cả các thư viện, không phân biệt là hệ thống nào.

Dựa vào hướng dẫn về DDC 22 của các tác giả Lois Mai Chan và J. Mitchell nêu trên, cơ sở để xác định thời kỳ văn học là thời kỳ mà tác giả sống và đã có những sáng tác chính yếu của mình. Có thể hiểu rằng đây cũng chính là thời kỳ sáng tác rực rỡ nhất của tác giả.

Sau 3 năm áp dụng DDC 14, nhiều thư viện khi phân loại sách văn học Việt Nam đã sử dụng thời kỳ để ghép khi định ký hiệu. Tuy nhiên, chúng ta còn rất ít kinh nghiệm, về thời kỳ văn học vẫn còn cần tiếp tục xem xét. Các thư viện chưa xây dựng được phương án và văn bản thống nhất khi ghép ký hiệu thời kỳ, nên thời gian qua việc này hầu như vẫn làm theo nhận thức và cách tư duy của một vài khung phân loại trước DDC, nghĩa là chủ yếu xác định thời kỳ cho tác phẩm văn học là chính. Trên thực tế, trong CSDL các thư viện vẫn có một số tác giả mà tác phẩm được phân loại và ghép ký hiệu ở một số thời kỳ khác nhau, như vậy chưa tập trung sách của từng tác giả vào một khu vực trong kho sách. Nếu từng thư viện riêng lẻ đều có cách hiểu khác nhau, thì cho dù có áp dụng chung một Khung phân loại cũng sẽ không đạt được sự thống nhất trong cộng đồng thư viện cả nước. Do vậy, rất cần một thư viện làm đầu mối, biên soạn tài liệu hướng dẫn (tạm gọi là Bảng thời kỳ văn học cho tác giả Việt Nam, trên cơ sở có ý kiến tư vấn của chuyên gia chuyên ngành), trong đó quy định mỗi tác giả một ký hiệu thời kỳ nhất định, và thường xuyên được cập nhật, bổ sung khi cần thiết. Thư viện Quốc gia Việt Nam cần tiếp tục duy trì Văn phòng DDC hay một tiểu ban chuyên trách để tư vấn, giải quyết vấn đề này, cũng như giải đáp những thắc mắc trong quá trình áp dụng DDC nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Khung phân loại thập phân Dewey rút gọn, ấn bản 14. – H. : Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2006. - 1067 tr.

2. Nguyễn Thanh Vân. Một số quy định cụ thể của Thư viện Quốc gia Việt Nam trong việc áp dụng Khung phân loại DDC//Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 3(19), 7 - 2009. – tr. 38-45.

3. Dewey Decimal Classification: a practical guide/Lois Mai Chan... [et al.]. 2nd ed. - 1996. - xvi, 246 p.

4. Chan, lois Mai. Dewey Decimal Classification: principles and application/ Lois Mai Chan, Joan S. Mitchell. - Dublin, Ohio: OCLC, 2003. - xi, 216 p.

 

______________

ThS. Hoàng Thị Hòa

Trung tâm TT-TV, ĐHQGHN

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(22) – 2010 (tr.3-4)


Đọc thêm cùng chuyên mục: