ÁP DỤNG MARC 21 & AACR2 TẠI THƯ VIỆN TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

E-mail Print

ARC21 và AACR2 là các chuẩn nghiệp vụ mà Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khuyến nghị áp dụng từ năm 2007. Việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ sẽ tạo tính thống nhất về mặt chuyên môn xuyên suốt trong hệ thống thư viện Việt Nam. MARC21 là khổ mẫu định dạng cho phép máy tính trình bày, lưu trữ, truy xuất và trao đổi thông tin thư mục kể cả những thông tin liên quan dưới dạng máy tính có thể đọc được. MARC21 là khổ mẫu trao đổi được thiết kế để cung cấp các đặc tả kỹ thuật cho việc trao đổi thông tin thư mục, thông tin liên quan giữa các hệ thống với tư cách là một khổ mẫu trao đổi, MARC21 không áp dụng những chuẩn lưu trữ dữ liệu bên trong hệ thống và chuẩn trình bày dữ liệu. Việc trình bày dữ liệu là quy định riêng của từng hệ thống riêng biệt sử dụng khổ mẫu MARC21.

Bên cạnh đó, trong công tác biên mục, Quy tắc biên mục AACR2 đã được đa số các nước trên thế giới coi là một trong những tiêu chuẩn căn bản trong vấn đề kiểm soát thư mục cũng như chia sẻ thông tin giữa các thư viện trong một quốc gia, hay giữa các quốc gia với nhau trong ngành thư viện và thông tin. AACR2 là bộ quy tắc chính được dùng trong biên mục theo khổ mẫu MARC21. Vai trò quan trọng của AACR2 là kiểm soát thư mục toàn cầu, trong khi đó MARC21 là phương tiện để đẩy nhanh mục tiêu kiểm soát thư mục toàn cầu của AACR2.

1. Quan điểm chỉ đạo của Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG)

Để đưa các chuẩn nghiệp vụ vào hoạt động của các thư viện, TVQG đã phối hợp với các cơ quan ban ngành tiến hành dịch thuật, in ấn và cho ra đời bản dịch tiếng Việt của khung phân loại DDC, Quy tắc biên mục AACR2. TVQG đã tổ chức những đợt tập huấn, hội thảo cho giảng viên, lãnh đạo, cán bộ thư viện trong cả nước để có thể truyền đạt lại kiến thức cho cộng đồng những người làm công tác thư viện tại địa phương. Bên cạnh đó, TVQG đã đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành nhiều văn bản chỉ đạo áp dụng chuẩn nghiệp vụ, từ đó đã tạo một hành lang pháp lý vững chắc và mang tính thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống thư viện Việt Nam. Quan trọng nhất là văn bản số 1598/BVHTT-TV về hướng dẫn việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trên phạm vi cả nước và công văn số 2667/BVHTT-TV về triển khai áp dụng DDC, MARC21, AACR2 trong các thư viện.

Có thể nói, văn bản 1598 và 2667 là kết quả cả một quá trình vận động, giải trình, thuyết phục lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin bằng những cứ liệu khoa học và thực tiễn. Tuy văn bản ra đời có phần chậm trễ, nhưng có thể coi đây là bước tiến bộ quan trọng bậc nhất về nhận thức, mở đường cho các hoạt động nghiệp vụ trên phạm vi cả nước trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quyết định cũng thể hiện sự dung hòa giữa một bên là mong muốn đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa và thống nhất các chuẩn nghiệp vụ nhằm chia sẻ hiệu quả hơn thông tin cũng như nguồn lực giữa các thư viện Việt Nam với nhau và với các thư viện trên thế giới với một bên là tâm lý e ngại trước những cái mới. Quyết định tỏ ra chưa đủ mạnh khi chỉ đặt vấn đề khuyến khích áp dụng ở những thư viện có đủ điều kiện thay vì đặt ra nhiệm vụ phải áp dụng để vượt qua sức ỳ về tâm lý thường thấy ở các thư viện.

2. Áp dụng MARC21 và AACR2 tại Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT)

Tháng 7 năm 2007 Thư viện tỉnh BRVT bắt tay vào việc tiến hành áp dụng chuẩn nghiệp vụ vào hoạt động thư viện theo đúng yêu cầu của TVQG. Để triển khai vấn đề này, Thư viện tỉnh BRVT đã áp dụng các chuẩn nghiệp vụ về MARC21, DDC14, AACR2… trong quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thư viện như:   phân loại, biên mục, tổ chức kho sách đối với tài liệu mới bổ sung; tổ chức xử lý hồi cố tài liệu, bao gồm chỉnh sửa biểu ghi trong cơ sở dữ liệu theo MARC21, phân loại tài liệu theo DDC14, thay nhãn sách, xếp kho sách theo môn loại của khung phân loại DDC…

2010-2b-images-01

Sau khi cử cán bộ tham gia lớp tập huấn do Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức tại Phan Thiết – Bình Thuận vào cuối năm 2006, Thư viện tỉnh BRVT đã tổ chức 02 lớp tập huấn vào tháng 4/2007 và tháng 9/2007 về các chuẩn nghiệp vụ cho cán bộ thư viện tỉnh, thư viện cơ sở và các thư viện khác trên địa bàn tỉnh. Qua các lớp tập huấn này, đội ngũ những người làm công tác thư viện trên địa bàn tỉnh đã nắm vững, thực hiện tương đối tốt các quy định trong Quy tắc biên mục AACR2. Trong thời gian đó các thư viện huyện thị cũng đã mở các lớp tập huấn cho cán bộ thư viện xã phường, trường học trên địa bàn.

Tính đến nay, cơ sở dữ liệu của Thư viện tỉnh BRVT có 69.669 biểu ghi, trong đó 44.996 biểu ghi sách, 19.776 biểu ghi bộ sưu tập (bài trích báo – tạp chí), 1.810 biểu ghi ấn phẩm định kỳ, 3.023 biểu ghi Media, 56 biểu ghi bản đồ, 8 biểu ghi ảnh.

Biên mục các loại hình tài liệu đã trở thành công việc hàng ngày ở Thư viện tỉnh BR-VT. Từ khi áp dụng chuẩn nghiệp vụ vào hoạt động thư viện cho đến nay, các bộ phận nghiệp vụ đã biên mục 10.661 biểu ghi, trong đó 5.338 biểu ghi sách, 4.213 biểu ghi bộ sưu tập, 848 biểu ghi ấn phẩm định kỳ, 206 biểu ghi Media, 56 biểu ghi bản đồ.

Khi tiến hành sử dụng MARC21 với phần mềm ILib, thư viện vẫn tuân thủ đúng dây chuyền quy trình nghiệp vụ. Ở khâu xử lý hình thức, thư viện nhập tin trực tiếp vào máy không qua tờ khai kể cả sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài đầy đủ các trường dữ liệu từ 0XX đến 8XX theo các quy định của MARC21.

Trong quá trình biên mục theo khổ mẫu MARC21 và Quy tắc biên mục AACR2 tại Thư viện tỉnh BRVT cũng gặp không ít những khó khăn do tài liệu hướng dẫn về MARC21 theo AACR2 còn quá ít, không thật thích hợp với thư viện Việt Nam. Cán bộ biên mục thường phải truy cập mạng internet để copy biểu ghi của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, tham khảo CSDL thư mục của các thư viện khác trong và ngoài nước. Vì vậy để thống nhất cần có một tài liệu hướng dẫn phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi loại tài liệu là một cán bộ biên mục khác nhau, vì thế còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, chưa có sự thống nhất. Về lâu về dài, thư viện tỉnh BRVT, cụ thể là Phòng Nghiệp vụ cần phân công một cán bộ kiểm tra toàn bộ các biểu ghi biên mục cho tài liệu mới bổ sung trước khi đưa đến tay người sử dụng hoặc đưa lên trang web. Nếu làm tốt điều này thư viện sẽ giúp cho bạn đọc hoặc những thư viện khác tin tưởng vào biểu ghi biên mục của thư viện là chính xác và họ có thể yên tâm sử dụng.

Nhìn chung trong quá trình triển khai MARC21 và AACR2 thư viện tỉnh, thư viện cấp huyện và các thư viện khác trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết tâm áp dụng các chuẩn nghiệp vụ. Nhiều thư viện trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ như: Thư viện Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô, Thư viện thành phố Vũng Tàu… Hầu hết các thư viện trên địa bàn đã áp dụng các chuẩn nghiệp vụ theo chỉ đạo của Vụ Thư viện và hướng dẫn của Thư viện Quốc gia Việt Nam; thực hiện tương đối tốt kế hoạch của Thư viện tỉnh về triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ…

2010-2b-images-02

3. Nhận xét, kiến nghị

- Khối trường dữ liệu có độ dài biến động: Ngoài các trường chứa thông tin chính, mới sử dụng 1 trường ở vùng phụ chú là trường 520 - Tóm tắt.

Ở vùng 6XX Các tiêu đề bổ sung là chủ đề, thì chỉ mới sử dụng 1 trường 653 - Thuật ngữ chủ đề không kiểm soát. Hiện nay Thư viện tỉnh BRVT chưa triển khai áp dụng mô tả tiêu đề chủ đề Việt Nam (Subject Headings) ở trường 650.

Vùng các tiêu đề bổ sung, mới sử dụng trường 700 - Tiêu đề bổ sung tác giả cá nhân. Vùng các trường liên kết, không thấy sử dụng trường 773

- Tài liệu chủ cho mô tả bài trích, trong khi đó cán bộ biên mục lại dùng để mô tả sách bộ (theo hướng dẫn của AACR2 thì sách bộ được mô tả tại trường 505).

- Khi tạo điểm truy cập chính (tên tác giả cá nhân) ở các trường 100, 600, 700 khi được áp dụng Thư viện tỉnh BRVT chưa triển khai các trường con $b: thứ bậc của vua chúa; $c: danh hiệu; $d: năm sinh năm mất. Đây là điểm quan trọng giúp cho người sử dụng có thể phân biệt được tác giả của tài liệu họ cần khi gặp những tác giả trùng họ và tên. Trong trường hợp này Thư viện Bà Rịa - Vũng Tàu đã sử dụng Hồ sơ Tiêu đề chuẩn (có cả tác giả người Việt Nam) tại http:// authotities.loc.gov của Thư viện Quốc hội Mỹ.

Qua những nhận xét trên, công tác triển khai ứng dụng các chuẩn MARC21 và AACR2 tại Thư viện BRVT có những thuận lợi và tồn tại như sau:

Thuận lợi

- MARC21 là một khổ mẫu tích hợp có thể dùng chung cho các loại hình tài liệu thư viện không phải thiết kế các mẫu nhập tin khác nhau, mà chỉ cần thêm bớt các trường dữ liệu đặc thù cho phù hợp; Khả năng chia sẻ và sử dụng các biểu ghi thư mục giữa các thư viện với nhau được dễ dàng không chỉ giữa các thư viện trong nước mà cả với thư viện nước ngoài;

- Đã có bản dịch bằng tiếng Việt của bộ Quy tắc biên mục Anh - Mỹ (AACR2) tóm lược, hướng dẫn cụ thể việc mô tả các loại hình tài liệu. Lần đầu tiên Việt Nam có bộ quy tắc mô tả khá hoàn chỉnh về biên mục, đây là một thuận lợi rất lớn cho việc thống nhất công tác xử lí tài liệu trong cả hệ thống thư viện;

- So với ISBD thì AACR2 không có nhiều khác biệt nên không phức tạp và mới mẻ nhiều đối với cán bộ biên mục vì họ đã thông thạo với việc biên mục theo tiêu chuẩn ISBD;

- Thư viện tỉnh BRVT đã có 2 đợt tập huấn về công tác biên mục cho cán bộ thư viện đóng trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để những người làm công tác biên mục bày tỏ quan điểm cũng như những thắc mắc của mình trong quá trình công tác gặp phải;

- MACR21 chịu nhiều ảnh hưởng của AACR2, vì vậy trong quá trình chuyển đổi nhiều quy định của AACR2 đã được áp dụng, nhất là trong việc lập điểm truy cập bổ sung. Đặc biệt là Thư viện tỉnh BRVT đã copy và tham khảo một số biểu ghi trên mạng và biên mục theo AACR2.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc biên mục mô tả theo MARC21 và AACR2 không gặp trở ngại gì. Qua thực tế người viết nhận thấy một số tồn tại như sau:

Khó khăn

- Bản dịch tiếng việt AACR2 đầy đủ thiếu nhiều chỉ dẫn cần thiết cho biên mục tài liệu Việt Nam;

- Hiện tại việc mô tả tác giả cá nhân người Việt Nam của Thư viện tỉnh BRVT chưa thống nhất, còn lúng túng trong việc đánh chỉ thị mô tả thuận, mô tả đảo. Để có sự nhất quán cần phải hiệu đính lại tài liệu hướng dẫn này theo quy tắc AACR2;

- Vẫn còn nhiều tranh cãi về việc có nên thêm dấu phẩy (,) phía sau thành phần họ hay không và đối với người mang họ kép thì việc lấy dấu phẩy sẽ như thế nào?

Chẳng hạn: CD ca nhạc của ca sĩ Jimmy Nguyễn thì mô tả theo bút danh hay theo họ. Vì Nguyễn là họ của người Việt Nam.

- Ở trường 245, $c chưa thống nhất về cách mô tả cho những tài liệu của 3 tác giả trở lên.

- Tài liệu hướng dẫn MARC21 đang theo quy tắc ISBD, nên quá trình biên mục mô tả dễ nhầm lẫn giữa ISBD với AACR2, để có sự nhất quán cần phải hiệu đính tài liệu này theo AACR2.

- Phương pháp mô tả sách nhiều tập còn nhiều tranh cãi.

Tóm lại, tuy không có sự khác biệt nhiều giữa AACR2 và ISBD vì trên thực tế việc biên mục vốn đã không thống nhất nếu không có tài liệu hướng dẫn cụ thể thì mỗi thư viện sẽ mô tả một kiểu.

Kiến nghị

Trong thực tế tài liệu hướng dẫn về MARC21 đang dựa theo Quy tắc biên mục ISBD, nhưng hiện tại thư viện lại biên mục theo Quy tắc AACR2. TVQG chưa ấn hành một tài liệu cụ thể nào hướng dẫn MARC21 dựa trên Quy tắc biên mục AACR2 cho phù hợp với các thư viện Việt Nam. Bên cạnh đó, tài liệu hướng dẫn về AACR2 chủ yếu bằng tiếng Anh, trong khi đó trình độ ngoại ngữ của cán bộ thư viện còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian tới TVQG cần biên soạn tài liệu hướng dẫn biên mục theo khổ mẫu MARC21 dựa trên Quy tắc biên mục AACR2 một cách thật chi tiết, cụ thể. Ngoài ra, việc tạo lập hồ sơ tiêu đề chuẩn cho tác giả người Việt Nam là điều rất cần thiết, “vì không ai hiểu người Việt Nam bằng chính người Việt Nam”.

Để tiếp tục triển khai áp dụng chuẩn biên mục theo khổ mẫu MARC21 và Quy tắc biên mục AACR2 cần tiếp tục nhân rộng mô hình, cách nghĩ, cách làm và tăng cường hơn nữa về nhiều phương diện:

- Ứng dụng công nghệ thông tin: Việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại rất nhiều lợi thế cho hoạt động thư viện, trong đó có công tác biên mục mô tả. Nhờ đó, cán bộ biên mục có thể tải các biểu ghi biên mục sẵn có từ trang web của các thư viện lớn trong nước và quốc tế, các nhà xuất bản hoặc nhà cung cấp tài liệu tiết kiệm thời gian, công sức cho thư viện. Thông qua mạng internet cán bộ biên mục có thể truy cập và nắm bắt thông tin, kiến thức về công tác biên mục một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ CSDL biên mục với các thư viện khác. Vì vậy thư viện tỉnh BRVT cần phát huy những lợi thế sẵn có của mình, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động một cách có hiệu quả. Cụ thể: nâng cấp phần mềm, nâng cấp máy chủ, bổ sung các trang thiết bị đồng bộ. Hướng chính của việc hoàn thiện mạng là đảm bảo việc hòa mạng dễ dàng và tăng tốc độ cũng như tính ổn định của ứng dụng truyền tệp.

- Hoàn thiện CSDl: Thư viện cần lập kế hoạch cụ thể cho việc hồi cố tài liệu, hiệu đính, chỉnh sửa CSDL cho các biểu ghi được biên mục mô tả từ tháng 7/2007 trở về trước. Bao gồm CSDL sách: 36.658 biểu ghi, CSDL bộ sưu tập:

15.563 biểu ghi, CSDL ấn phẩm định kỳ: 962 biểu ghi, CSDL Media: 2.817 biểu ghi, CSDL ảnh: 8 biểu ghi.

Trước hết cần xây dựng kế hoạch, quy trình thật cụ thể, chi tiết, phân công cán bộ biên mục phụ trách việc chỉnh sửa CSDL theo AACR2, MARC21. Để đảm bảo chất lượng biểu ghi cán bộ biên mục cần chú ý nội dung các trường đã triển khai nhưng chưa thống nhất; đồng thời triển khai các trường mới, thể hiện đặc trưng riêng, tức vùng đặc biệt của từng loại tài liệu, ví dụ: Trường 255 cho tài liệu bản đồ, trường 256 cho tài liệu điện tử… nhằm thể hiện sự hoàn thiện mọi CSDL của thư viện.

Tiếp tục nâng cao chất lượng biểu ghi và CSDL thư mục hiện có thông qua kiểm soát tính nhất quán trong biên mục. Áp dụng các bộ từ khoá có kiểm soát.

MARC21 gắn chặt chẽ với AACR2, do vậy việc tạo lập các điểm truy nhập được quan tâm hàng đầu. Ngoài các CSDL đã có (nêu trên), Thư viện cần xây dựng các loại CSDL mới. Bao gồm:

+ CSDL luận văn, luận án: Là trung tâm nhận ấn phẩm lưu chiểu trên địa bàn tỉnh, thành phố; Thư viện Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần xây dựng CSDL luận văn, nhằm tập hợp các xuất bản phẩm địa phương, tổ chức tốt công tác địa chí của tỉnh nhà, là cơ sở tra cứu, tham khảo quan trọng đối với các nhà nghiên cứu địa phương, các nhà lãnh đạo cấp tỉnh, huyện…

+ CSDL Hồ sơ tiêu đề chuẩn: Thư viện cần từng bước triển khai xây dựng hồ sơ kiểm soát tính thống nhất về biên mục, trước mắt cần đặc biệt quan tâm xây dựng CSDL đặc thù tên cá nhân, tên cơ quan tổ chức, có liên kết tìm kiếm đến biểu ghi thư mục. Năm sinh (năm mất) của tác giả đi kèm với tên, vừa đảm bảo tuân thủ AACR2, vừa phục vụ tra tìm thông tin chính xác, là yếu tố loại bỏ trùng lặp tên cá nhân trong tiêu đề của biểu ghi thư mục.

Việc biên mục qua mạng nên triệt để tận dụng lợi thế của Ilib để tải biểu ghi về, tiết kiệm chi phí biên mục, đảm bảo tính chính xác của biểu ghi gốc.

+ CSDL các đề mục chủ đề và từ khoá: Nhằm thu thập các chủ đề và từ khoá được tạo lập từ các CSDL của Thư viện, đồng thời thu thập, có chủ động kiểm soát đối với các cơ sở, đơn vị thư viện thông tin khác trên địa bàn Tỉnh, từ các CSDL ở TVQG và các thư viện quốc tế.

- Đào tạo nguồn nhân lực: Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực bằng cách cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, hội thảo hội nghị về công tác biên mục mô tả.

Thường xuyên đào tạo và đào tạo lại đội ngũ những người làm công tác thư viện tại thư viện tỉnh và địa phương.

Tạo điều kiện cho cán bộ biên mục nâng cao trình độ biên mục, trình độ tiếng Anh, kỹ năng truy cập mạng vì AACR2, MACR21 rất phức tạp và tài liệu hướng dẫn chủ yếu bằng tiếng Anh.

Tin học hóa là xu hướng phát triển tất yếu của sự nghiệp thư viện, vì vậy, phải có kế hoạch đào tạo về tin học cho toàn bộ đội ngũ cán bộ. Việc đào tạo này bao gồm hai phần: tin học cơ bản và tin học chuyên ngành.

Thư viện có thể sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để hồi cố tài liệu, chuẩn hóa biên mục bằng việc tổ chức biên mục tập trung.

Việt Nam đang tiến nhanh trên con đường hội nhập, cũng giống như các ngành và các lĩnh vực khác, các sản phẩm của ngành thông tin - thư viện cũng phải được chuẩn hoá để có thể trao đổi và chia sẻ nguồn lực thông tin trên phạm vi toàn cầu. Thư viện tỉnh BRVT cũng đang vận hành theo nguyên lí đó. Vì vậy, để thực hiện được điều đó cần phải triển khai áp dụng các chuẩn nghiệp vụ trong việc xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin mà trước hết là 3 chuẩn MARC21, AACR2 và DDC một cách thật chính xác.

Phát huy những kết quả đạt được trong quá trình áp dụng chuẩn nghiệp vụ vào hoạt động của mình, chúng ta hy vọng rằng trong tương lai không xa, Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ hoàn thiện CSDL, đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng, từng bước hội nhập cùng các thư viện trong nước và quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Thị Ngọc Chi, Nguyễn Quang Hồng Phúc (2007), Chuẩn hóa biên mục mô tả trong hoạt động thông tin thư viện ở Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Tp. Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Văn Hành (2006), “Vấn đề lập tiêu đề mô tả cho tên tác giả cá nhân người Việt Nam”, Tập san Thư viện, (4), tr. 27–31.

3. Hoàng Thị Hòa (2007), Tình hình áp dụng MARC 21 tại Trung tâm Thông tin Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học và thực tiễn Thông tin - Thư viện lần thứ 2, Trung tâm Thông tin - Thư viện, ĐHQGHN.

4. Phạm Thế khang (2008), “Áp dụng các chuẩn nghiệp vụ quốc tế ở Việt Nam” , Tập san Thư viện, (7), tr.24–31.

5. Michael Gorman ; lâm Vĩnh Thế, Phạm Thị lệ Hương (2002), Bộ quy tắc Anh - Mỹ rút gọn, 1988: Ấn bản Việt ngữ lần thứ nhất, LEAF – VN, California.

6. Phạm Thị Minh Tâm (2009), Một số vấn đề giảng dạy AACR2: Hội thảo biên dịch AACR2, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hà Nội.

7. Hoàng Thị Yến Thanh (2009), Chuẩn hóa biên mục mô tả tại Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Khóa luận tốt nghiệp Đại học, Tp. Hồ Chí Minh.

8.Nguyễn Thị Thanh Vân, Ứng dụng MARC 21 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, có thể truy cập trực tuyến tại URL sau: http://www.nlv.gov.vn

9. http://authorities.loc.gov

10. http://catalog.loc.gov/marc

 

 

_________________

Yến Thanh

Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 2(22) – 2010 (tr.5-8)


Đọc thêm cùng chuyên mục: