Nặng tình với câu ca dao mới:
"Làm trai cho đáng nên trai
Cà Mau đã trải, Lào Cai cũng từng"
Từ ngày 22-23/9/2009, đông đảo đại biểu đại diện các hệ thống và mạng lưới thư viện toàn quốc đã hội tụ tại Sapa - Lào Cai, dưới chân núi Phan-si-phăng, để tham dự hội nghị-hội thảo "Sơ kết 3 năm ứng dụng khung phân loại DDC trong ngành thư viện Việt Nam”.
Với những gì đã diễn ra trong 2 ngày 22- 23/9/2009, Chủ tọa đoàn đánh giá rằng: Hội nghị - Hội thảo sơ kết 3 năm ứng dụng khung phân loại DDC của thư viện toàn quốc đã thành công tốt đẹp! Sự thành công đó được thể hiện sinh động trên các mặt sau đây:
1. Trước hết, hội nghị đã hội tụ được 249 thành viên tham dự, trong đó có tới hơn 100 đồng chí là chánh, phó giám đốc các thư viện lớn, các thư viện hoạt động mạnh, đã triển khai tốt DDC trong những năm qua. Có thể coi đó là những đơn vị đại diện của hệ thống Thư viện Công cộng, trường Đại học, Quân đội và mạng lưới Thư viện chuyên ngành. Hệ thống Thư viện Công cộng về tham dự đông nhất, với gần 200 đại biểu, đại diện của 61 Thư viện tỉnh, thành phố và 15 Thư viện huyện, thị. Thư viện đại học có 34 đại biểu, thư viện chuyên ngành có 8 đại biểu và ít nhất là đại biểu hệ thống thư viện quân đội chỉ có 6 đồng chí. Rất tiếc, hệ thống thư viện trường học không có đại biểu nào tham dự.
Những con số trên là tiếng nói sinh động về sức hút của vấn đề chuẩn hóa, là ý thức tổ chức và tinh thần trách nhiệm đối với sự phát triển của sự nghiệp Thư viện nước nhà. Chúng tôi biết, nhiều đồng chí lãnh đạo đã phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định đi dự hội nghị và đành gác lại nhiều công việc không kém phần quan trọng. Với sự có mặt của đông đảo đại biểu đến từ các hệ thống và mạng lưới thư viện, hội nghị mang đầy đủ tính chất của một Hội nghị Thư viện toàn quốc. Những quyết nghị của hội nghị sẽ có giá trị cao đối với sự phát triển của thư viện cả nước.
2. Qua 37 báo cáo và tham luận đã in trong kỷ yếu, tại hội trường đã có 21 tham luận trình bày và 14 ý kiến phát biểu. Toàn bộ các bài viết và ý kiến phát biểu đều thống nhất những quan điểm cơ bản sau:
- Hoàn toàn nhất trí với báo cáo do Thư viện Quốc gia Việt Nam trình bày về Sơ kết 3 năm ứng dụng DDC trong thư viện cả nước và phương hướng những năm sắp tới. Hội nghị nhấn mạnh một số điểm sau:
- Chuẩn hóa là yêu cầu khách quan và tất yếu của thư viện Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Chúng ta đã đi chậm hơn thư viện thế giới hàng chục năm, nhưng chậm còn hơn không. Sự lựa chọn các chuẩn quốc tế: MARC21, AACR2 và DDC để áp dụng cho các thư viện Việt Nam là sự lựa chọn chính xác, trên cơ sở khoa học, hoàn toàn không mang màu sắc chính trị.
- Khung phân loại DDC bản rút gọn 14 đã đáp ứng cơ bản yêu cầu phân loại của hầu hết các thư viện. Đại đa số các Thư viện Công cộng, Đại học đã áp dụng DDC. Các thư viện đã có nhiều cách làm hay, nhiều bài học tốt trong quá trình chuyển đổi sang khung phân loại mới và những bổ khuyết quý giá cho việc vận dụng khung phân loại DDC14. Hai hệ thống, Thư viện Công cộng và Thư viện các trường Đại học triển khai áp dụng DDC rất tích cực, đã thu được hiệu quả tốt. Thư viện các tỉnh phía Nam (cả Thư viện Công cộng và Đại học) đã năng động, sáng tạo, triển khai sớm DDC. Để có được điều đó, hội nghị ghi nhận ý thức tiếp cận những yêu cầu mới, sự mạnh dạn, chủ động, sáng tạo của các thư viện đứng đầu hệ thống, trước hết của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị.
- Hệ thống Thư viện Quân đội và mạng lưới Thư viện chuyên ngành chưa quyết liệt triển khai áp dụng DDC. Qua theo dõi, theo chúng tôi, các đồng chí lãnh đạo các Thư viện đầu hệ thống và mạng lưới còn chần chừ do nhận thức hạn chế hoặc chưa coi việc chuẩn hóa là một yêu cầu chung của Thư viện cả nước trên bước đường hội nhập. Mạng lưới thư viện chuyên ngành thiếu mô hình tổ chức như các liên hiệp hoặc liên chi hội các hệ thống thư viện khác nên công tác triển khai, đôn đốc, kiểm tra khó khăn. Hệ thống thư viện trường học cho rằng, thư viện trường học quá nhỏ nên không cần áp dụng DDC và đã xây dựng khung phân loại riêng cho thư viện các trường học dựa trên cấu trúc của khung phân loại 19 dãy do Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng trước đây.
- Hội nghị ghi nhận những tác động tích cực của Vụ Thư viện trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành tương đối kịp thời các văn bản về định hướng chuẩn hóa. Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thực hiện tốt vị trí “Thư viện trung tâm của cả nước”, đi đầu trong việc dịch và áp dụng DDC. Đây là một thái độ gương mẫu và có trách nhiệm đối với sự nghiệp Thư viện cả nước. Qua thực tế triển khai, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã kịp thời có những đề xuất tương đối hợp lý để xử lý những trường hợp khung phân loại còn có những hạn chế.
3. Từ những kết quả đã đạt được và trước những hạn chế của việc áp dụng, hội nghị đã nhất trí phương hướng tới là:
- Mở rộng và đẩy mạnh tiến độ áp dụng DDC; Mục tiêu đến năm 2010, tất cả các thư viện tỉnh, thành phố, trường Đại học, Học viện và Cao đẳng, thư viện các cấp Binh chủng, quân khu, quân đoàn, thư viện các Bộ, ngành, các Viện… đều thực hiện áp dụng DDC. Đối với các thư viện hiện đang sử dụng bảng phân loại khác như khung phân loại Nông nghiệp (Hoa Kỳ) hoặc Y học (Hoa Kỳ) thì cần có thêm ký hiệu phân loại theo DDC14 hoặc DDC22; Để khắc phục sự hạn hẹp của khung DDC 14, các thư viện chuyên ngành có thể kết hợp sử dụng DDC 14 với phần toàn văn của DDC 22 về lĩnh vực Thư viện quan tâm.
- Đến năm 2011, toàn thể các thư viện huyện hoàn thành việc chuyển sang áp dụng DDC.
- Tuyên truyền, vận động hệ thống thư viện trường học chuyển sang áp dụng DDC.
- Các thư viện xây dựng lộ trình hoàn thành việc hồi cố và chuyển đổi CSDL sang khung phân loại DDC. Mục tiêu hoàn thành công tác hồi cố vào năm 2011, làm cơ sở tiến tới xây dựng Mục lục Liên hợp Quốc gia.
4. Để đạt được được mục tiêu trên, hội nghị nhất trí một số biện pháp lớn và một số kiến nghị như sau:
a. Kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước:
- Tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, dứt khoát cho con đường chuẩn hóa, có định tính, định lượng rõ ràng. Với tính chất quan trọng của chuẩn hóa và thực tế 3 năm qua, hội nghị đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành 1 Quyết định về vấn đề này thay cho công văn chỉ có tính trao đổi.Các văn bản cần có nội dung tác động tới nhận thức của các cấp quản lý thư viện để sự đầu tư cho Thư viện được tốt hơn.
- Phối hợp với Hội Thư viện để tổ chức hình thức quy tụ các Thư viện trong mạng lưới Thư viện chuyên ngành ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
- Làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để yêu cầu các thư viện nhà trường áp dụng chuẩn chung mà Thư viện cả nước đã lựa chọn.
- Kiểm tra, đánh giá, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt.
b. Đối với Thư viện Quốc gia Việt Nam: Yêu cầu Thư viện Quốc gia Việt Nam tiếp tục hỗ trợ việc triển khai ứng dụng DDC trong cả nước. Tập trung các biện pháp lớn là:
- Tiếp tục duy trì văn phòng DDC và Web DDC, thành lập một tổ chuyên trách về DDC nhằm cập nhật, trao đổi kịp thời các vấn đề về DDC.
- Ban hành văn bản hướng dẫn ứng dụng DDC phân loại những sách về xã hội – chính trị và khoa học – xã hội của Việt Nam.
- Mỗi năm tổ chức ít nhất là 3 lớp đào tạo mới hoặc bồi dưỡng nâng cao ở 3 vùng của đất nước.
- Sẵn sàng hỗ trợ giáo viên về DDC cho các Liên hiệp, các Liên Chi hội, các địa phương và các cơ sở.
- Đăng ký nhu cầu của các Thư viện và in thêm DDC 14.
- Điện tử hóa khung phân loại DDC 14.
- Triển khai sớm việc dịch khung phân loại DDC 22. Phấn đấu đến năm 2011 sẽ hoàn thành bản dịch DDC 22.
- Kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và hàng năm tổ chức những cuộc hội thảo với quy mô phù hợp.
c. Đối với các Liên chi hội, Liện hiệp thư viện và các Thư viện:
- Chủ động triển khai theo thời gian đã được hội nghị nhất trí.
- Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay cho nhau trong các Liệp hiệp, Liên Chi hội.
- Tổ chức các lớp nâng cao theo khu vực.
- Tiến hành tổ chức mô hình thích hợp đối với mạng lưới thư viện chuyên ngành ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Chúng ta rất vui mừng về sự thành công của Hội nghị. Để có được niềm vui này, Hội nghị ghi nhận sự nỗ lực tham gia của đông đảo đại biểu đến từ khắp mọi miền trong cả nước. Với sự đồng tâm, nhất trí vì mục tiêu chuẩn hóa, các Thư viện đã mạnh dạn ứng dụng, năng động, sáng tạo và thẳng thắn chia sẻ những băn khoăn cũng như những bài học tốt của mình với đồng nghiệp. Không khí làm việc khoa học chính xác, trung thực, thẳng thắn đã bao trùm suốt thời gian hội nghị - hội thảo. Hội nghị - hội thảo đã đạt và vượt mức cácmục tiêu đề ra. Lần đầu tiên, chúng ta tổ chức hội nghị chuyên đề với quy mô Thư viện toàn quốc. Hội nghị đã thành công tốt đẹp đúng với nghĩa thực của từ này.
Cùng với những thành tựu về phát triển số lượng, quy mô đầu tư, thì ứng dụng CNTT và chuẩn hóa nghiệp vụ Thư viện đã và đang là 2 thành tựu tiêu biểu về chất lượng của công tác thư viện Việt Nam trong thập kỷ qua. Nhưng, để đi tới mục tiêu “Thống nhất, chuẩn hóa và hội nhập”, các Thư viện chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm. Vì sự phát triển của sự nghiệp thư viện, mong các đồng chí lãnh đạo và chuyên viên Thư viện hãy nỗ lực nhiều hơn nữa vì hôm nay và mai sau.
_______________
Phạm Thế Khang
Nguyên Giám đốc TVQG
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 1(21) – 2010 (tr.27-29)
< Prev | Next > |
---|
- Trong hoạt động thông tin – thư viện
- Bàn về phí đối với các dịch vụ thư viện
- Khảo cứu và đánh giá về các bộ từ khóa và từ điển từ khóa được sử dụng trong định từ khóa tài liệu ở Việt Nam hiện nay
- Vai trò của quản lý chất lượng trong Vai trò của quản lý chất lượng trong thư viện đại học Việt Nam
- Để hướng tới sự chuẩn hoá trong công tác định từ khoá và định chủ đề tài liệu ở Việt Nam
- Hành vi thông tin trong tổ chức
- Sử dụng blog để phổ biến dịch vụ thông tin thư viện
- Nâng cao chất lượng công tác phục vụ người đọc
- Xu hướng phát triển của OPAC thư viện
- Bàn về khái niệm “Tài liệu quý hiếm”