Sử dụng blog để phổ biến dịch vụ thông tin thư viện

E-mail Print
  1. Giới thiệu

Ngày nay các nguồn tin số hoá đang trở phương tiện phổ biến đáp ứng được nhu cầu tin của cán bộ thư viện cũng như bạn đọc. Sự phát triển của các nguồn tin số hoá cũng như các phương tiện truyền thông hiện đại đã và đang tác động đến các hình thức và phương pháp phổ biến dịch vụ và sản phẩm thông tin trong thư viện. Trong nhiều năm qua, các thư viện Việt Nam đã và đang sử dụng nhiều hình thức khác nhau như thư mục thông báo sách mới, thi kể chuyện theo sách, triển lãm và điểm sách để phổ biến thông tin đến bạn đọc. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông gần đây đã khiến các hình thức này dần trở lên lạc hậu. Thay vào đó là việc thư viện sử dụng một số phương tiện truyền thông hiện đại như websites, blog, RSS hoặc email để giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ của mình. Bài này sẽ khảo sát việc thư viện sử dụng blog để phổ biến dịch vụ thông tin thư viện.

2. Blog là gì?

Thuật ngữ “web log” được sử dụng lần đầu bởi Jorn Barger năm 1999 khi ông ta nói về những người sử dụng internet và họ được biết như blogger hoặc pre-surfers, những người tạo ra “log” hoặc đường “links” về một chủ đề được quan tâm bởi một cá nhân (Williams, J. B., 2004).

Scott (2003) đã đưa ra một định nghĩa về blog và nó được chấp nhận rộng rãi. Ông cho rằng “Blog là một trang web được cập nhật thường xuyên, bao gồm những bài viết ngắn gọn, được sắp xếp theo trình tự thời gian và những bài viết mới xuất hiện ở phần đầu trang”. Một blog có thể ở dạng một cuốn nhật ký, một dịch vụ tin tức (hoặc bao gồm tóm tắt các đường links tới các bài viết mới nhất về một chủ đề), hoặc một bộ sưu tập các đường links tới các website khác, hoặc bao gồm các bài đánh giá sách, các thông báo về hoạt động của một dự án, một tạp chí, hay ghi lại các sự kiện. Một số blog chứa các đường links tới các blog có nội dung tương tự, hoặc các đường links tới các nguồn tin hữu ích trên internet trong phạm vi đề tài mà blog đó quan tâm.

3. Thuận lợi của việc sử dụng blog trong thư viện

Phần mềm

Để tạo ra blog, thư viện cần sử dụng phần mềm riêng hoặc dịch vụ blog, họ có thể thiết kế trang web có các đặc trưng và chức năng tương tự những chức năng của một blog. Giá chi phí kỹ thuật ban đầu cho việc xây dựng một blog có thể ở mức tối thiểu nếu thư viện đã có website. Ngày nay, thư viện cũng có thể sử dụng nhiều sản phẩm blog thương mại tốt như Blogger, Blog-city, hoặc Blosxom. Những sản phẩm này có những phiên bản miễn phí mà chúng có thể đáp ứng hầu hết các chức năng của blog thương mại. Với những phần mềm này, thường có các mục quảng cáo trên phần đầu của mỗi trang nhưng chúng cũng có thể được xoá đi nếu thư viện trả lệ phí khoảng 10 đô một năm (Stone, S. A., 2003).

Một khảo sát dựa trên web về việc sử dụng phần mềm blog trong thư viện được thực hiện năm 2005 cho biết. Có 238 thư viện tham gia trả lời và kết quả được tìm thấy như sau:

weblogs49% các thư viện sử dụng phần mềm Blogger, và hầu hết trong số các thư viện này sử dụng phiên bản miễn phí. Phần mềm blog được sử dụng phổ biến thứ hai là WordPress với 21%. Movable Type and LiveJournal có phần trăm tương tự ở mức 6 và 8%. Các phần mềm còn lại chỉ chiếm 16% (Stephens, 2006).

Cán bộ thư viện

Chi phí cho việc xây dựng một blog chính là thời gian của cán bộ thư viện. Nếu thông tin đã có sẵn trên website của thư viện hoặc ở dạng khác, việc sử dụng dễ dàng phần mềm blog có thể giảm một lượng thời gian đáng kể của cán bộ thư viện.

Hơn nữa, các phần mềm blog cũng rất đơn giản để sử dụng. Chỉ sau một vài giờ hướng dẫn cán bộ thư viện có thể tạo được một blog cho thư viện mình. Các phần mềm blog cho phép một người có thể tạo ra và thay đổi một trang web nhanh chóng và dễ dàng mà không cần biết đến HTML hay mạng máy tính (Bhatt, 2005; Stone, S. A., 2003) bởi vì hầu hết các tính năng đã được thiết kế sẵn. Tuy nhiên, một số kiến thức cơ bản về HTML cũng cần để đảm bảo để cán bộ thư viện có thể định dạng lại cấu trúc, các bài viết, đoạn văn và đường links theo ý muốn.

Mỗi thư viện có thể sử dụng một blog cho phép nhiều cán bộ thư viện ở các phòng ban khác nhau sử dụng để chia sẻ và phổ biến thông tin đến bạn đọc. Nếu cần thiết một thư viện cũng có thể sở hữu một vài blog bởi các nhóm cán bộ để họ phổ biến thông tin đến cho những nhóm người sử dụng khác nhau.

4. Sự phát triển của blog trong thư viện.

Người đứng đầu nhà xuất bản blog Gawker Media cho rằng có trên 3 triệu blog được sử dụng năm 2003 (St. John, 2003). Blogger có số lượng người sử dụng lên tới trên 1 triệu. Perseus Development Corporation ước tính có khoảng trên 5 triệu blog tính đến cuối năm 2003 và số này sẽ tăng lên gấp đôi vào cuối năm 2004. Công ty Technorati Inc. cũng cho biết có 26,7 triệu trang blog tính đến tháng 2 năm 2006, và tăng khoảng 12,5 triệu trang mỗi năm (Stephens, 2006). Gần đây nhất, máy tìm blog Technorati ước tính có trên 75 triệu blog vào tháng Tư năm 2007 và con số này tiếp tục tăng (Thielst, C. B., 2007).

Gần đây việc sử dụng blog trong các thư viện cũng tăng lên đáng kể. Nhiều thư viện ở các nước phát triển đã sử dụng blog để phổ biến sản phẩm và dịch vụ thông tin đến bạn đọc. Ví dụ, Thư viện Quốc hội Mỹ, Thư viện Quốc gia New Zealand, và Thư viện đại học North Carolina.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Michael Gorman chỉ ra số lượng các thư viện sử dụng blog tính đến năm 2005 (Stephens, 2006):

Loại hình thư viện

2003

2004

2005

Thư viện công cộng

25

82

138

Thư viện đại học

23

83

156

Thư viện chuyên ngành

5

17

55

Mạng thư viện tổng hợp

2

6

19

Thư viện quốc gia

1

3

4

Thư viện trường học

1

7

20

Tổng cộng

57

198

398

Số lượng weblogs thư viện từ năm 2003 đến 2005

Bảng thống kê chỉ ra rằng số lượng blog thư viện tăng lên nhanh chóng trong khoảng từ năm 2003 đến 2006 từ 57 blog tới 398 blog (Wolff, 2003; Greenspan, 2003). Đặc biệt, số lượng blog trong các thư viện đại học tăng rất nhanh từ 23 blog trong năm 2003 lên tới 156 blog năm 2005. Hơn nữa, số lượng blog trong các thư viện công cộng cũng tăng từ 25 lên 138 năm 2005.

5. ứng dụng của blog trong thư viện

Blog là phương tiện phổ biến thông tin tốt, nó giúp thư viện cải thiện dịch vụ và cho phép người sử dụng truy cập nhanh chóng đến các nguồn tin đã được thư viện lựa chọn. Hơn nữa, nếu thư viện sử dụng blog, càng ngày càng nhiều người biết đến thư viện cũng như các dịch vụ mà họ cung cấp.

Thư viện có thể sử dụng blog cho các mục đích khác nhau để thúc đẩy và marketing các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện và nguồn tin của họ đến với bạn đọc. Khảo sát năm 2003 đwocj thực hiện bởi Laurel A. Clyde (2004) chỉ ra rằng hầu hết các thư viện sử dụng blog để cung cấp thông tin, tin tức, sự kiện cho bạn đọc. 44% thư viện được khảo sát sử dụng blog để cung cấp thông tin về chức năng, các hoạt động và sự kiện của thư viện như các buổi triển lãm và trưng bày sách, tuyên truyền giới thiệu sách, các hoạt động khác của thư viện, giới thiệu các dịch vụ mới của thư viện, giờ giấc phục vụ bạn đọc, các quy định của thư viện đối với các đối tượng bạn đọc khác nhau, chính sách đối với bạn đọc, thủ tục cấp thẻ của thư viện. Hơn nữa, họ cũng sử dụng cho các mục đích khác bao gồm:

Tuyên truyền, giới thiệu sách mới, thúc đẩy (marketing) nguồn lực, dich vụ và sản phẩm thư viện.

Thảo luận sách. Thư viện có thể nêu vấn đề, giới thiệu một vài tác phẩm tiêu biểu và mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận về sách bằng cách cho phép bạn đọc sử dụng chức năng comment của blog

Sử dụng blogs làm phương tiện chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức giữa các cán bộ thư viện.

Một số thư viện sử dụng blog trong việc phổ biến dịch vụ tham khảo để ghi lại các câu trả lời cho các yêu cầu mà thường được người sử dụng đưa ra dưới dạng cuốn nhật ký. Cán bộ thư viện có thể sử dụng lại những câu trả lời này cho lần sau nếu cần thiết.

Các thư viện có thể sử dụng blog để cung cấp các đường links tới các website đã được họ lựa chọn, các bài báo hữu ích và các dịch vụ khác của mình cho bạn đọc.

Thư viện có thể cung cấp các chương trình đào tạo người dùng tin hay hướng dẫn sử dụng các dịch vụ của thư viện trên blog của họ.

Một số bài báo gần đây đã đề nghị thư viện và các cơ quan thông tin có thể sử dụng blog cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm liên hệ với bạn đọc, cung cấp thông tin cho bạn đọc, marketing dịch vụ thông tin và ứng dụng trong quản lý tri thức. Với những mục đích này blog thực sự được xem là phương tiện truyền thông tốt đối với thư viện. (Clyde, L. A., 2004)

6. Kết luận

Nhìn chung công nghệ blog có rất nhiều ưu điểm mà chúng có thể được ứng dụng rộng rãi và hiệu quả trong các thư viện để thúc đẩy các dịch vụ và sản phẩm thông tin thư viện. Blog được tạo ra và duy trì bởi các cán bộ thư viện mà không đòi hỏi họ có trình độ công nghệ tin học cao. Chi phí  cho việc  xây dựng và duy trì một blog có thể tiết kiệm tối đa cho thư viện trong việc phổ biến thông tin đến bạn đọc. Ngoài ra, nó cũng mang lại nhiều thuận tiện cho khách hàng để tiếp cận, truy cập và sử dụng nguồn lực thông tin của thư viện một cách nhanh chóng. Blog còn là phương tiện giao tiếp tốt cho phép cán bộ thư viện chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Vì vậy việc xây dựng và sử dụng blog để phổ biến thông tin sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện trong các thư viện hiện nay là cần thiết.

Tài liệu tham khảo

Bhatt, J. (2005). Blogging as a Tool: Innovative approaches to information access. Library Hi Tech News, 9, pp.28-32.

Blog của Thư viện Đại học North Carolina. Tra cứu ngày 21 tháng 2 năm 2008 tại địa chỉ: www.lib.unc.edu/house/ul_blog.html

Clyde, L. A. (2004). Weblogs and libraries: the potential and the reality. Online Information,  p207-213.

Greenspan, R. (2003). Blogging by the number. CyberAtlas, 23. Retrieval 21 February, 2008 from www.cyberatlas.internet.com/big_picture/applications /article/0,1323,1301_2238831,00.html

Scott, P. (2003). Weblogs compendium. Retrieval 21 February, 2008 from: www.lights.com/weblogs/

St.John, W. (2003). Dating a blogger, reading all about it. New York Times, May 18, 2003.

Stephens, M. (2006). Weblogs & libraries: Communication, conversation and the blog people. University of North Texas.

Stone, S. A. (2003). The library blog: A new communication tool. Kentucky library association, no 4

Thielst, C. B. (2007). A communication tool. Journal of Healthcare Management, 52(5), pp. 287-289.

Williams, J. B. (2004). Exploring the use of blogs as learning spaces in the higher education sector. Australasian Journal of Educational Technology, 20(2), 232-247.

Wolff, P. (2003). The blogcount estimate: 2.4 to 2.9 million blogs. Blogcount: How many blogs and bloggers? How big the blogsphere?. Retrieval 21 February, 2008 from www.dijest.com/bc/

___________________

Trương Đại Lượng: Trường Đại học Văn hoá Hà Nội

(Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam)