Đào tạo ngành thư viện - thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

E-mail Print

Giới thiệu

Hoạt động xây dựng và phát triển chương trình đào tạo luôn luôn bị thách thức bởi sự xuất hiện của những ý tưởng và quan điểm mới về việc làm thế nào để đào tạo sinh viên tốt nhất. Những quan điểm mới không chỉ được hình thành bởi sự phát triển trong công nghệ giao tiếp và thông tin mà còn xuất phát từ những thay đổi trong nội dung đào tạo. Đào tạo ngành Thư viện - Thông tin (TVTT) cũng không nằm ngoài nguyên lý này. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, chúng ta đang nhận được sự quan tâm của các cá nhân và tổ chức trên thế giới, của các nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn. Điều này được chứng minh bằng sự gia tăng của các công bố khoa học và các hội thảo khoa học liên quan đến chủ đề này, tăng từ 12,6 lần lên 24,2 lần từ năm 2013 đến 2015 [1]. Cuộc cách mạng này không giống như những gì mà con người đã trải nghiệm trước đây. Chúng ta đang chứng kiến một xã hội mà trong đó hàng tỷ con người được kết nối với nhau thông qua các thiết bị di động một cách không giới hạn, khả năng xử lý thông tin nhanh vượt bậc, khả năng lưu trữ và truy cập kiến thức lớn chưa từng thấy. Thành tựu công nghệ xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, ví dụ như: trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI), người máy, mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things - IoT), động cơ tự động, in 3D, công nghệ nano và công nghệ sinh học. Các công nghệ này đã tạo ra những thay đổi trong phương thức giao tiếp và truyền tải thông tin trong xã hội cũng như trong môi trường làm việc. Một câu hỏi đặt ra là các cơ sở đào tạo ngành TVTT cần phải làm gì để phản hồi cho những thay đổi mà CMCN 4.0 mang lại. Trong bối cảnh đó, nhu cầu xem xét lại hoạt động đào tạo ngành TVTT và nhận diện được những định hướng phát triển trong tương lai trở nên hết sức cần thiết. Dựa trên những đặc điểm của CMCN 4.0 và tác động của nó lên giáo dục, bài viết trình bày quan điểm của tác giả về một số vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo ngành TVTT trong tương lai.

1. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục

Sự kết nối giữa giáo dục với xã hội thường thể hiện ở mối quan hệ một chiều, trong đó giáo dục cần phải đi theo những khuynh hướng kinh tế và chính trị của xã hội thay vì ngược lại hoặc đưa ra điều gì khác biệt. Tác giả Liao và cộng sự (2017) [1] đã liệt kê ra 10 lĩnh vực hành động cần thiết cho những tác động của CMCN 4.0 bao gồm:

- Nghiên cứu và cải tiến: Nhằm phát triển những công nghệ tiên tiến nhất, cho phép sự hợp tác liên ngành và tạo ra những môi trường thử nghiệm sản xuất công nghiệp mới;

- Công việc, giáo dục và đào tạo: Nhằm tổ chức và thiết kế công việc, hướng dẫn sinh viên và chuẩn bị nguồn nhân lực làm việc có kỹ năng cho thị trường lao động;

- Hiện đại hoá cơ sở hạ tầng: Hỗ trợ cho việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất chất lượng cao;

- Môi trường kinh doanh: Để phát triển các chính sách và cung cấp các chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các tổ chức chịu tác động mạnh mẽ nhất bởi CMCN 4.0;

- Kiến trúc, tiêu chuẩn và quy phạm tham khảo: Tiêu chuẩn hoá sự giao tiếp giữa máy móc với nhau, cũng như tạo ra cơ sở hạ tầng mới cho các lĩnh vực sản xuất;

- Sản xuất xanh: Tạo ra các mạng lưới giá trị bền vững và làm tăng hiệu quả của việc sử dụng năng lượng;

- Khung pháp lý: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và dữ liệu;

- Bảo đảm an ninh cho các hệ thống được kết nối: Nhằm bảo đảm an toàn cho dữ liệu sản xuất và an ninh mạng;

- Quốc tế hoá: Nhằm thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và tạo ra các nhãn hàng sản xuất quốc gia;

- Hiển thị chỉ số công nghiệp: Thúc đẩy những ưu thế vượt trội của công nghiệp quốc gia ra nước ngoài.

Có thể thấy rằng, giáo dục là một trong những lĩnh vực cần phải thay đổi để phù hợp với CMCN 4.0. Phân tích những tác động của CMCN 4.0 lên giáo dục sẽ giúp nhìn nhận được những định hướng phát triển của lĩnh vực này.

CMCN 4.0 giới thiệu nhiều khái niệm, công nghệ, công cụ và ứng dụng mà sinh viên cần phải biết như: MapReduce/ Hadoop, Spark, NoSQL, NewSQL, công nghệ điện toán bộ nhớ đệm (in- memory computing), ảo hoá dữ liệu (data virtu- alizations), kho dữ liệu lớn (big data warehous- ing), công nghệ điện toán đám mây (cloud com- puting), mạng lưới vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo (virtual reality), máy học (machine learning), học sâu (deep learning), công nghệ điện toán biết nhận thức (cognitive computing) và phân tích dữ liệu lớn (big data analytics). Những công nghệ này đóng góp vào sự thay đổi mang tính ứng dụng của nhiều lĩnh vực trong xã hội [5]. Những công nghệ mới sẽ làm thay đổi bản chất của công việc thuộc các ngành nghề và lĩnh vực công nghiệp khác nhau. Tác giả Schwab (2017) [4] đã chỉ ra hai ảnh hưởng lớn mà CMCN 4.0 mang lại đối với thị trường lao động. Thứ nhất, các công nghệ tự động mới sẽ dần chiếm ưu thế và thay thế các công nghệ trước đây, ví dụ công nghệ dựa trên chất đốt. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt của đội ngũ lao động cũ hoặc những kỹ năng làm việc trước đây sẽ được xem xét lại để phân phối vào những lĩnh vực khác phù hợp hơn. Thứ hai, một cách tích cực, cuộc cách mạng này cũng tạo ra nhu cầu về các loại hình hàng hoá và dịch vụ mới. Từ đó mang lại cơ hội cho sự xuất hiện của nhiều công việc, hoạt động kinh doanh và thậm chí là các ngành công nghiệp mới. Nhìn chung, những công nghệ mới nâng cao vị thế của CMCN 4.0 vì nó sẽ thay đổi môi trường làm việc từ những đặc điểm dựa trên nhiệm vụ sang những đặc điểm lấy con người làm trung tâm. Chính vì vậy, về khía cạnh “con người”, CMCN 4.0 đòi hỏi một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn để cải thiện hoạt động sản xuất của họ thông qua việc áp dụng các khuynh hướng công nghệ sản xuất tự động. Thời kỳ này đòi hỏi những kỹ năng khác biệt so với những gì mà cuộc CMCN lần thứ ba đặt ra, thời kỳ mà công nghệ thông tin được xem là kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Những kỹ năng cần thiết đó là tư duy phản biện, quản lý con người, trí tuệ xúc cảm, phán đoán, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức cũng như sản xuất và quản lý tri thức. CMCN 4.0 sẽ cách mạng hoá các ngành công nghiệp một cách căn bản khiến cho rất nhiều công việc hiện nay sẽ không còn tồn tại trong 50 năm nữa [3], ví dụ như những công việc sử dụng kỹ năng thấp hoặc trung bình. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục cần phải chuẩn bị cho những yêu cầu trên.

Tác giả Schwab (2017) [4] chỉ ra rằng CMCN 4.0 rút ngắn khoảng cách giữa khoa học xã hội và nhân văn với khoa học tự nhiên và ngược lại, cũng như giữa khoa học và công nghệ. Sự giao thoa giữa các ngành khoa học sẽ được chú trọng. Do đó, môi trường làm việc cũng sẽ có nhiều thay đổi vì đó là sự tổng hoà và liên kết của nhiều lĩnh vực. Đội ngũ lao động sẽ có khuynh hướng phải giải quyết những vấn đề mang tính liên ngành, đa ngành. Điều này đòi hỏi nội dung giảng dạy mang tính liên ngành nhiều hơn trước đây.

CMCN 4.0 mang lại nhiều cơ hội cho giáo dục đại học. Giảng viên và sinh viên được tiếp cận với những thay đổi về công nghệ, trong đó Internet, công nghệ điện toán đám mây và truyền thông xã hội tác động mạnh mẽ đến phương thức giao tiếp và truyền thụ tri thức. Các công cụ truyền thông xã hội (Youtube, Twitter, Facebook) trở thành phương tiện trao đổi thông tin phổ biến. Thay vì chỉ sử dụng phương thức giao tiếp trực tiếp truyền thống, giảng viên và sinh viên có thể sử dụng các thiết bị không dây có kết nối Internet để giao tiếp với nhau. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) (2015) [7], vào năm 2022, 10% dân số thế giới được trông đợi là sử dụng các thiết bị đeo được (wearable device) có kết nối Internet. Tác giả Marr (2016) [2] tiên đoán đến năm 2019, hơn 125 triệu thiết bị đeo được sẽ bán ra. Đây là loại công nghệ máy tính được kết hợp trên các phụ kiện cho phép người sử dụng có thể đeo trên người, ví dụ sản phẩm của Công ty Fitbit như: đồng hồ thông minh, vòng đeo tay... Các thiết bị này cho phép thực hiện các tác vụ điện toán giống như điện thoại di động hay máy tính xách tay. Giảng viên và sinh viên cũng không nằm ngoài xu hướng đó khi các thiết bị đeo được trở thành một công cụ phổ biến được sử dụng trong hoạt động dạy và học. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến hình thức giảng dạy và học tập cũng như cách thiết kế và cung cấp các khoá học của các cơ sở đào tạo. Hoạt động giảng dạy và học tập trực tuyến sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng trở nên phổ biến hơn.

Nhìn chung, các trường đại học cần có những thay đổi về nội dung đào tạo nhằm hỗ trợ sinh viên xác định con đường đi của mình sau khi tốt nghiệp vì những thành tựu của CMCN 4.0 đang dần thay đổi môi trường làm việc với những đòi hỏi mang tính liên ngành và nhiều kỹ năng bậc cao hơn trước đây. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy và hình thức cung cấp các khoá học cũng có nhiều thay đổi theo hướng trực tuyến và đại chúng hơn.

2. Đào tạo ngành Thư viện - Thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Như đã thảo luận ở trên, CMCN 4.0 tác động mạnh mẽ đến giáo dục ở hai khía cạnh: Nội dung đào tạo; Phương pháp giảng dạy, hình thức cung cấp các khoá học. Là một bộ phận của hệ thống giáo dục, đào tạo ngành TVTT cũng chịu những tác động chung của cả hệ thống. Dựa trên hai khía cạnh chịu nhiều ảnh hưởng của CMCN 4.0, tác giả đưa ra quan điểm về một số vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo ngành TVTT trong tương lai, nhằm giúp sinh viên tiếp cận được với tri thức mới nhất và toàn diện nhất về lĩnh vực TVTT để đảm bảo những đóng góp bền vững của cộng đồng TVTT đối với xã hội.

Các thiết bị đeo hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập

Thiết bị đeo được là công nghệ được đeo trên cơ thể người. Loại thiết bị này đã trở nên phổ biến với thế giới công nghệ khi các công ty đã bắt đầu phát triển nhiều loại thiết bị đủ nhỏ để đeo và bao gồm công nghệ cảm biến mạnh mẽ có thể thu thập và cung cấp thông tin về môi trường xung quanh mà không cần sự can thiệp của con người.

Những tác động tiềm năng tích cực của các thiết bị đeo được hỗ trợ giảng viên cải cách phương pháp giảng dạy cũng như cách thức học tập của chính sinh viên. CMCN 4.0 với sự phát triển của các hệ thống thực ảo, mô phỏng số đóng một vai trò quan trọng trong các ứng dụng thực tập và giáo dục. Cùng với các thiết bị đeo được, tương tác của giảng viên và sinh viên với thế giới vật lý có thể thực hiện thông qua các phòng thí nghiệm ảo.

Số lượng và loại thiết bị có thể đeo được ngày càng tăng. Đồng thời khả năng sở hữu những thiết bị này ngày một dễ dàng hơn. Giáo dục kết nối thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau và vượt ra khỏi phòng học. Trong đào tạo TVTT, công nghệ đeo được có thể sử dụng để huấn luyện công việc nghiệp vụ, theo dõi và đánh giá các hoạt động thực hành thông qua các dữ liệu lưu trữ trên thiết bị. Bên cạnh đó, các thiết bị đeo được có thể sử dụng cho việc học tập ngoại ngữ. Để công nghệ đeo được phát huy hết tác dụng, đội ngũ giảng dạy và sinh viên cần được đào tạo về kiến thức số (digital literacy) giúp họ truy cập, tìm kiếm, đánh giá và sử dụng dữ liệu và thông tin số thông qua các thiết bị đeo một cách hiệu quả.

Xây dựng các khoá học trực tuyến mở đại chúng (Massive open online courses - MOOCs)

Phương pháp giảng dạy truyền thống cần sự tham gia trực tiếp của sinh viên vào các bài giảng và thảo luận cùng nhau. Tuy nhiên, những ứng dụng công nghệ đã làm thay đổi phương thức này, điển hình là sự xuất hiện của khoá học trực tuyến mở đại chúng (MOOCs), là hình thức giáo dục cung cấp những hướng dẫn độc lập trực tuyến [8]. MOOCs là một mô hình cung cấp nội dung học tập trực tuyến cho bất kỳ người nào muốn tham gia một khoá học mà không có giới hạn về số lượng người tham dự. Không phải MOOCs nào cũng cung cấp cho sinh viên các bằng cấp chính thức, nhưng nó giúp họ tiếp nhận được kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau để phục vụ cho công việc của mình. Nhưng đôi khi nó cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ một sở thích riêng của mỗi cá nhân. Khi tham gia MOOCs, sinh viên sẽ sử dụng nhiều phương tiện và công cụ tương tác trực tuyến để kết nối với giảng viên và các sinh viên khác như bài giảng video, mạng xã hội. Kết quả của khoá học sẽ không được đánh giá bởi giảng viên. Thay vào đó, kết quả học tập của sinh viên sẽ được đánh giá thông qua các bài tập hoặc bài luận được đánh giá chéo bởi những sinh viên khác và/ hoặc các bài kiểm tra chấm điểm bằng máy tính. MOOCs giúp làm giảm chi phí học tập thông qua việc hạn chế cung cấp cơ sở vật chất cho các lớp học truyền thống. Đồng thời nó cũng tạo điều kiện cho việc tham gia vào các hoạt động học tập dễ dàng, vượt qua được những trở ngại về khoảng cách địa lý cũng như thời gian. MOOCs cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của các chương trình liên kết quốc tế. Chính vì vậy, các cơ sở đào tạo TVTT có thể sử dụng MOOCs để thu hút thêm nhiều sinh viên, đặc biệt là những sinh viên gặp phải trở ngại về không gian và thời gian, không có điều kiện tham gia các khoá học trực tiếp. Bên cạnh đó, MOOCs cũng là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ngành TVTT khi sinh viên được tiếp cận với nguồn tri thức đến từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Áp dụng phương pháp dạy và học hỗn hợp (blended learning)

Phương pháp dạy và học hỗn hợp được dùng để mô tả cách học trực tuyến kết hợp với phương pháp lớp học truyền thống và nghiên cứu độc lập. Việc cân đối giữa các yếu tố tương tác trên lớp với các hoạt động trực tuyến phụ thuộc vào cách thiết kế và triển khai hoạt động học tập. Phương pháp này là sự thay đổi mang tính cơ bản về kỹ thuật giảng dạy thay vì chỉ đơn giản là cộng thêm các yếu tố “máy tính” vào trong lớp học. Phương pháp này cho phép sinh viên phát triển kỹ năng học tự định hướng và kiến thức số. “Lớp học đảo ngược” (flipped classroom) chính là một cách tiếp cận riêng biệt của phương pháp này. Với lớp học đảo ngược, sinh viên được yêu cầu xem bài giảng trực tuyến ở nhà qua mạng. Sau đó họ sẽ dành thời gian trên lớp cho việc làm bài tập và các hoạt động tương tác, giúp củng cố thêm các kiến thức đã tìm hiểu trước ở nhà.

Phương pháp dạy và học hỗn hợp có ba thành phần chính: Các hoạt động trong lớp học được điều phối bởi giảng viên; Tài liệu học tập trực tuyến, thường bao gồm các bài giảng được thu âm/ ghi hình trước; Thời gian nghiên cứu độc lập có định hướng.

Phương pháp học hỗn hợp cần được áp dụng trong đào tạo TVTT để giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về một vấn đề, cũng như giúp giảng viên đánh giá về hoạt động giảng dạy tốt hơn. Trong môi trường ảo, khả năng tiếp nhận thông tin và tham gia tương tác của sinh viên được hỗ trợ một cách tích cực, ví dụ như hội thảo thông qua các video hay các diễn đàn trực tuyến. Trong khi đó, môi trường trực tiếp giúp sinh viên phát triển khả năng giải quyết vấn đề và phân tích liên quan đến những vấn đề có thực. Giảng viên có thể đánh giá về quá trình chuyển giao kiến thức cho sinh viên thông qua việc tiếp nhận các ý kiến trực tiếp và các miêu tả đồ hoạ trực tuyến về lớp học.

Đào tạo nguồn nhân lực có khả năng làm việc trong môi trường đa lĩnh vực

Trong môi trường làm việc mà các ngành/ lĩnh vực có sự giao thoa với nhau, đào tạo ngành TVTT không chỉ tập trung vào đào tạo sinh viên trở thành những người có kỹ năng và kiến thức đơn ngành về lĩnh vực TVTT. Thay vào đó, các cơ sở đào tạo ngành TVTT cần đào tạo nguồn nhân lực bậc cao có khả năng làm việc trong môi trường đa ngành, phải có sự hiểu biết không chỉ về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hoặc tự nhiên, mà phải có sự hiểu biết về mối liên hệ giữa các lĩnh vực này với nhau.

Môi trường làm việc hiện đại hình thành những nhóm làm việc đa ngành hướng đến một mục tiêu chung, trong đó mỗi thành viên có kiến thức và kỹ năng nền tảng về một lĩnh vực cụ thể, nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, người sử dụng. Làm việc trong những nhóm làm việc đa ngành, các chuyên gia thông tin cần có sự hiểu biết về sự giao thoa và bổ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực tri thức nhằm sử dụng tối đa giá trị của thông tin, nâng cao hiệu quả của bộ phận cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Phát triển chương trình đào tạo tập trung vào khoa học dữ liệu

Những thay đổi mang tính cách mạng về khoa học và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 dẫn tới những thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu, mô hình kinh tế, hệ thống quản lý, cũng như phương thức hoạt động của các cơ quan/ tổ chức nhà nước và tư nhân. CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan, tổ chức như: Đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin; Đẩy mạnh khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định và tạo lợi thế cạnh tranh; Đổi mới mô hình quản lý; Yêu cầu về hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới; Yêu cầu cao hơn về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Với những yêu cầu mới từ các cơ quan, tổ chức cũng như phát triển mới về công nghệ số hoá và khoa học dữ liệu, sinh viên ngành TVTT cần được dạy những chương trình về khoa học dữ liệu mới. Khoa học dữ liệu là một trong những lĩnh vực thách thức nhất, đòi hỏi nguồn nhân lực chuyên về dữ liệu chất lượng cao. Các ngành công nghiệp đang tìm kiếm nguồn nhân lực có kỹ năng làm việc với các công nghệ về dữ liệu lớn và có khả năng áp dụng các lĩnh vực khoa học dữ liệu để xây dựng những ứng dụng sử dụng các công cụ giải quyết vấn đề phù hợp [4]. Theo như nghiên cứu được thực hiện bởi các tác giả Song và Zhu (2016) [6], hầu hết các kỹ năng liên quan đến dữ liệu lớn đều được sinh viên bổ sung từ những chương trình bên ngoài trường đại học vì những khó khăn trong việc tích hợp chúng vào chương trình giáo dục truyền thống. Đào tạo về khoa học dữ liệu đang nhận được sự quan tâm của nhiều trường đại học và lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Các cơ sở đào tạo ngành TVTT cần trở thành một trong những cộng đồng tiên phong trong việc thúc đẩy giáo dục khoa học dữ liệu liên ngành. Sinh viên ngành TVTT không nhất thiết phải học các khía cạnh mang tính kỹ thuật của những công nghệ này nhưng họ cần hiểu các khái niệm, vai trò, ưu điểm và giới hạn của chúng cũng như biết cách tạo ra những ứng dụng mới dựa trên những công cụ và phương pháp vốn có.

Phát triển nghề nghiệp tiếp tục

Phát triển nghề nghiệp tiếp tục là quá trình phát triển các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm một cách chính thức và không chính thức trong quá trình làm việc nằm ngoài những đào tạo ban đầu. Kỷ nguyên 4.0 chứng kiến sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của các công nghệ, cũng như sự kết nối giữa các lĩnh vực ngành nghề với nhau. Chính vì thế, sinh viên cần được trang bị những kỹ năng về học cách để học (learn to learn). Hay nói cách khác, họ cần được trang bị khả năng học tập suốt đời để có thể tự phát hiện và giải quyết vấn đề một cách độc lập. Từ đó tạo ra sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân trong xã hội có nhiều thay đổi. Tầm quan trọng của phát triển tiếp tục không nên bị đánh giá thấp. Trách nhiệm của người làm việc chuyên nghiệp là giữ cho kiến thức và kỹ năng của mình luôn được cập nhật và phù hợp với sự thay đổi của môi trường làm việc. Những gì học được từ nhà trường rồi cũng sẽ trở nên cũ và lạc hậu. Phát triển kiến thức và kỹ năng phù hợp giúp cho đội ngũ lao động ngành TVTT có thể cung cấp những dịch vụ chất lượng cao, tạo ra những ứng dụng phù hợp trong môi trường tự động hoá.

Kết luận

Có thể thấy rằng CMCN 4.0 đã làm thay đổi môi trường làm việc cũng như cách thức giao tiếp và truyền tải thông tin trong xã hội. Sự thay đổi này đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động giáo dục ở hai khía cạnh: nội dung đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy và hình thức cung cấp các khoá học. Hoạt động đào tạo TVTT cũng không nằm ngoài xu hướng chung của xã hội. Nó cũng chịu sự tác động của CMCN 4.0 và cần có những thay đổi phù hợp để chuẩn bị cho những yêu cầu của CMCN 4.0. Về mặt nội dung đào tạo, các cơ sở đào tạo TVTT nên tập trung vào tính đa ngành, liên ngành, khoa học dữ liệu và kỹ năng phát triển nghề nghiệp tiếp tục cho sinh viên. Về phương pháp giảng dạy và hình thức cung cấp các khoá học, các cơ sở đào tạo TVTT cần khuyến khích việc sử dụng công nghệ đeo được trong hoạt động dạy và học, xây dựng và phát triển các khoá học trực tuyến mở đại chúng, thúc đẩy phương pháp dạy và học hỗn hợp.

Bài viết chủ yếu thể hiện quan điểm của tác giả về định hướng phát triển của hoạt động đào tạo TVTT thay vì đưa ra các dữ liệu nghiên cứu cụ thể. Những nghiên cứu về hoạt động đào tạo TVTT trong kỷ nguyên 4.0 là cần thiết để giúp các cơ sở giáo dục xây dựng được chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động ngày càng có nhiều thay đổi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Liao, Y., Loures, E., Deschamps, F., Brezinski, G. and Venâncio, A. The impact of the fourth industrial revolution: A cross-country/region comparison. http://www.prod.org.br/files/v28nx/ prod20170061.pdf. Truy cập ngày 15/7/2018.

2. Marr, B. Forbes Welcome. Forbes.com. https:// www.forbes.com/sites/bernardmarr/2016/03/18/ 15-mind-boggling-facts-about-wearables-in-2016/#3eeab4d12732. Truy cập ngày 01/8/2018.

3. Marwala, T., Mahola, U. and Nelwamondo, F. Hidden Markov models and Gaussian mixture models for bearing fault detection using fractals // Proceedings of the International Joint Conference on Neural Networks. - Canada, 2006. - P. 5876-5881.

4. Schwab, K. The fourth industrial revolution. - New York: Crown Business, 2017.

5. Song, I. and Zhu, Y. Big data and data sci- ence: Opportunities and challenges of iSchools // Journal of Data and Information Science. - 2017. - No. 2(3). - P. 1-18.

6. Song, I. and Zhu, Y. Big data and data sci- ence: What should we teach? // Expert Systems. - 2016. - No. 33(4). - P. 364-373.

7. World Economic Forum. Deep shift: Technology tipping points and societal impact. - Geneva: World Economic Forum, 2015.

8. Xing, B. Massive online open course assisted mechatronics learning: A hybrid approach // A. Mesquita and P. Peres (Eds), Furthering higher education pos- sibilities through massive open online courses. - Hershey: IGI Global, 2015. - P. 245-268.

____________

TS. Ngô Thị Huyền

Khoa Thư viện - Thông tin học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 2. - Tr. 13-18.


Đọc thêm cùng chuyên mục: