Nói chuyện: "Thăng Long – Hà Nội: nghìn năm nhìn lại”

E-mail Print

Sáng 21/9/2010, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Thăng Long – Hà Nội :nghìn năm nhìn lại”. Đây là một sự kiện nằm trong rất nhiều hoạt động hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội của Thư viện Quốc gia Việt Nam.

dtq-tlhn-3.jpg
Nhà  sử học Dương Trung Quốc tại buổi nói chuyện

Với chủ đề về Thăng Long – Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã cung cấp tới người nghe nhiều thông tin liên quan đến sự ra đời cũng như tiến trình xây dựng, phát triển của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Sau kháng chiến chống Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí – Lý  Nam Đế đã chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay để đặt thủ phủ, dựng thành luỹ, mở chùa Khai Quốc - tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Có thể coi Lý Bí là người Việt đầu tiên đã nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Thăng Long - Hà Nội, việc Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức đó. Nó phản ánh một tư duy khoa học của Lý Công Uẩn về Thăng Long – Hà Nội qua Chiếu dời đô: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời…”.

dtq-tlhn-5.jpg
Đông đảo bạn đọc quan tâm đến dự

Từ cảm nhận tự nhiên của Lý Bí đến nhận thức khoa học của Lý Công Uẩn là một bước tiến, bước trưởng thành quan trọng của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long- Hà Nội.

Qua buổi nói chuyện, các nhà nghiên cứu, bạn đọc quan tâm đã có cái nhìn sâu sắc hơn về một quá trình lịch sử các thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ... và đặc biệt là sự kiện dời đô của Vua Lý Công Uẩn. Nhà Lý ra đời và dời đô ra Đại La, đổi tên là Thăng Long đã khép lại một thế kỷ với dồn dập những sự kiện quân sự; với sự thay đổi liên tục các dòng họ - triều đại cầm quyền; với sự tiếp nối của cha ông ta trong dựng đặt kinh thành - để mở đầu một thời kỳ mới phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - của kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long.

----------

Tin: Hồng Vân; Ảnh: Quang Việt


Bài liên quan:
Đọc thêm cùng chuyên mục: