Ngày 18/8/2013, Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới lần thứ 79 (IFLA WILIC 2013) chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc gia Suntec, Singapore. Đối với khu vực Đông Nam Á, đây là lần thứ hai trong lịch sử 85 năm của IFLA, được trao quyền đăng cai kể từ sau Đại hội IFLA WILIC 1999 tại Bangkok.
Đại hội IFLA 2013 diễn ra từ ngày 18-22/8/2013 với chủ đề “Future Libraries: Infinite Possibilities” (tạm dịch là: Thư viện tương lai: Những tiềm năng vô tận) đã thu hút được 3.750 cán bộ thư viện và chuyên gia thông tin từ 120 nước trên toàn thế giới đến tham dự. Đoàn Việt Nam do Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG), với tư cách là thành viên chính thức của IFLA, dẫn đầu đã cử 18 thành viên tham dự đại hội.
Đoàn cán bộ các thư viện Việt Nam tham dự IFLA-2013
Là một diễn đàn khoa học hàng đầu của lĩnh vực thư viện và dịch vụ thông tin trên thế giới, IFLA WILIC 2013 đã tổ chức 223 phiên họp với gần 400 báo cáo khoa học để các chuyên gia thư viện và thông tin có cơ hội chia sẻ những hiểu biết và hình thành những chính sách nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu đang ảnh hưởng đến mỗi cộng đồng địa phương. Trong bối cảnh sự tăng trưởng thông tin theo cấp số nhân, thư viện đang ở đỉnh của phát triển công nghệ trong truy cập và sử dụng thông tin, các tham luận tại Đại hội đã nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác quốc tế để đảm bảo sự tiếp cận công bằng các cơ hội thông tin và học tập cho mọi người dân, nhấn mạnh vai trò sống còn của các thư viện và chuyên gia thông tin trong việc khai thác các khả năng vô hạn mà công nghệ hiện nay cung cấp để truy cập thông tin và cung cấp dịch vụ. Một số tiêu điểm tại IFLA WILIC 2013 là:
1. Báo cáo xu hướng của IFLA xác định 5 xu hướng chính hình thành xã hội thông tin, mở rộng tiếp cận giáo dục, sự riêng tư, sự tham gia của công dân và sự chuyển đổi:
- Xu hướng 1: Công nghệ mới sẽ vừa mở rộng và vừa hạn chế người có quyền truy cập thông tin.
- Xu hướng 2: Giáo dục trực tuyến sẽ dân chủ hóa và làm xáo trộn việc học tập toàn cầu.
- Xu hướng 3: Ranh giới của sự riêng tư và bảo vệ dữ liệu sẽ được xác định lại.
- Xu hướng 4: Các xã hội được kết nối quá mức sẽ lắng nghe và trao quyền cho các tiếng nói mới và các nhóm mới.
- Xu hướng 5: Công nghệ mới sẽ làm thay đổi môi trường thông tin toàn cầu.
2. Phiên họp của UNESCO với chủ đề Gìn giữ quá khứ cho tương lai nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo tồn lâu dài cho khu vực di sản văn hóa.
3. Phiên họp của Chủ tịch IFLA thảo luận hướng triển khai chủ đề của nhiệm kỳ 2013 – 2015 “Strong libraries, strong societies: Libraries promoting development” đã tập trung làm rõ khái niệm thư viện vững mạnh tạo nên một nền tảng cho xã hội vững mạnh nhằm thúc đẩy sự phát triển. Phiên họp nhất trí thông qua 6 lĩnh vực căn bản thư viện cần hỗ trợ tích cực để thúc đẩy sự phát triển xã hội:
- Giáo dục và học tập
- Phát triển kinh tế
- Văn hóa và sáng tạo
- Dân chủ và truy cập thông tin
- Sức khỏe và hạnh phúc
- Xã hội có sự tham gia toàn diện và bao dung
4. Thông qua tuyên bố của IFLA về Thư viện và sự phát triển, trong đó nhấn mạnh tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản mà con người có thể phá vỡ vòng nghèo đói và hỗ trợ phát triển bền vững. Thư viện là nơi duy nhất trong nhiều cộng đồng, nơi mọi người có thể truy cập thông tin để cải thiện giáo dục, phát triển kỹ năng mới, tìm kiếm việc làm, xây dựng doanh nghiệp, ra các quyết định về nông nghiệp và y tế, hoặc có được hiểu biết sâu sắc về các vấn đề môi trường. Vai trò duy nhất đó khiến thư viện trở thành những đối tác phát triển quan trọng, vừa cung cấp truy cập thông tin ở tất cả các định dạng vừa cung cấp các dịch vụ và chương trình đáp ứng nhu cầu thông tin trong một xã hội thay đổi và ngày càng phức tạp.
5. Hội nghị Giám đốc Thư viện quốc gia các nước trên toàn thế giới (CDNL) với sự tham gia của Giám đốc TVQG từ hơn 100 nước đã tập trung thảo luận 3 chủ đề cơ bản được các nước quan tâm hiện nay: Các thư viện quốc gia trong tương lai, Số hóa các bộ sưu tập tài liệu thư viện và bản quyền số, Thư viện quốc gia và Báo cáo phương hướng của IFLA. TVQG Việt Nam với tham luận “Tăng cường nguồn tài nguyên và nâng cao vai trò của thư viện” đã đưa ra một bức tranh tổng quát, ấn tượng về sự phát triển của TVQG Việt Nam những năm gần đây. Báo cáo được đồng nghiệp thư viện thế giới đánh giá cao vì đã cung cấp những thông tin thú vị về lĩnh vực chia sẻ nguồn lực thông tin.
Các đại biểu tham dự Hội nghị Giám đốc Thư viện quốc gia các nước trên toàn thế giới (CDNL)
Bà Kiều Thúy Nga, Phó Giám đốc TVQG trình bày tham luận tại Hội nghị Giám đốc Thư viện quốc gia (CDNL)
Bên cạnh phần Đại hội chính thức, các hội nghị vệ tinh của các tiểu ban IFLA về Tài liệu quý hiếm và viết tay, Tiểu Ban Báo chí, Địa chí và Phả hệ, Tiểu ban về Kiến thức thông tin,.. cũng đã được tổ chức thành công, thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu từ ngày 14 - 17/8/2013. Đoàn Việt Nam tham gia tích cực trong Phiên họp nhóm Thư viện các nước ASEAN, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ đại hội IFLA.
Ngoài ra, Đại hội IFLA 2013 cũng thu hút được gần 100 đơn vị và tổ chức tham gia triển lãm các sản phẩm thư viện mới, công nghệ mới, sách và các dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, triển lãm hơn 100 poster tiêu biểu với tên gọi “Library Boulevard” (tạm dịch là: Đại lộ thư viện) đã giúp các đại biểu có một cái nhìn tổng quan về các sáng kiến và dự án thư viện thông tin trên toàn thế giới. Đoàn Việt Nam tham dự với 02 poster quảng bá về TVQG và các thư viện Việt Nam.
Tham dự Đại hội IFLA lần này, bên cạnh việc dự các phiên họp, lắng nghe các thuyết trình khoa học để học hỏi kiến thức mới và chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn nghề nghiệp, đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực tại các cuộc họp Ban chỉ đạo của một số Tiểu Ban IFLA như: Cuộc họp Ban chỉ đạo Tiểu Ban IFLA khu vực Châu Á – Châu Đại Dương (RSCAO) với sự tham gia của bà Kiều Thúy Nga, Phó Giám đốc TVQG, là thành viên; Cuộc họp Ban chỉ đạo Tiểu Ban Báo chí – IFLA với sự tham gia của ông Lê Đức Thắng, Trưởng Phòng Tin học TVQG, là thành viên. TVQG cũng được mời tham dự một số phiên họp nhóm như Hội nghị cán bộ Thư viện quốc gia các nước trên thế giới (CDNL 2013), Họp các đơn vị dịch và sử dụng khung DDC, họp nhóm Thư viện ASEAN, Họp nhóm Thư viện Quốc gia về các giải pháp số hóa, phiên hoạch định kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ 2013-2015 của Chủ tịch IFLA, bà Silika Sipila… Ngoài ra, ThS. Lê Thị Hạnh, Giám đốc Thư viện Đại học Luật Hà Nội của Đoàn Việt Nam đã được mời trình bày tại Đại hội bài thuyết trình về chủ đề "Tiếp cận thông tin pháp lý chính thống và xác thực tại Việt Nam".
Đặc biệt, bên lề Đại hội, bà Kiều Thúy Nga, Phó Giám đốc TVQG đã có hàng chục cuộc tiếp xúc và làm việc hiệu quả và có ý nghĩa với các đối tác quốc tế mở ra nhiều hướng hợp tác mới trong hoạt động chuyên môn thư viện, tiêu biểu là Diễn đàn Thư viện kỹ thuật số thế giới (WDL), Trung tâm thư viện máy tính trực tuyến (OCLC), Hội Thư viện chuyên ngành khu vực Châu Á, Giám đốc các Thư viện Viện Goethe khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Thư viện Đức, Pháp, Singapore, Malaysia, Iran,…
Bà Kiều Thúy Nga, Phó Giám đốc TVQG trao đổi với Giám đốc Thư viện số Thế giới
Bà Kiều Thúy Nga làm việc với đối tác OCLC liên quan đến dịch và sử dụng DDC23 phiên bản tiếng Việt
Song song với các hoạt động hội nghị, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các chuyến tham quan thực tế thư viện và các hoạt động mang tính chất tạo điểm kết nối cho cộng đồng cán bộ thư viện trong suốt thời gian diễn ra đại hội IFLA 2013 như ASEAN Caucus, Đêm giao lưu văn hóa IFLA WILIC 2013, lễ vinh danh cán bộ thư viện tiêu biểu của Singapore, thăm quan Thư viện Singapore,…
Tổng thống Singapore Tony Tan tham dự Lễ vinh danh cán bộ thư viện tiêu biểu của Singapore
Có thể nói, trong một khoảng thời gian chuẩn bị Đại hội không dài (18 tháng), Ban tổ chức IFLA 2013 bao gồm Liên đoàn quốc tế các Thư viện và Hiệp hội thư viện (IFLA) và Hiệp hội Thư viện Singapore đã tổ chức một Đại hội rất chuyên nghiệp và hiệu quả. Với sự chuẩn bị công phu về mặt nội dung và sự chu đáo, hiếu khách của nước chủ nhà, có thể khẳng định Đại hội IFLA 2013 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra và gặt hái thành công rực rỡ.
Đại hội IFLA 2014 sẽ diễn ra từ ngày 16-22/8/2014 tại Lyon, Pháp với chủ đề “Libraries, Citizens, Societies: Confluence for Knowledge” (tạm dịch là: Thư viện, công dân, xã hội: ngã ba của kiến thức).
_______________
Tin Bùi Thị Thủy; Ảnh: Lê Đức Thắng
< Prev | Next > |
---|
- Đoàn cán bộ Hội Thư viện Hàn Quốc tới thăm quan và làm việc với Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách với chủ đề "Âm vang Điện Biên" của Liên Hiệp Thư viện Đồng bằng Sông Hồng
- Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ thành phố Hà Nội tổ chức "Lễ kỷ niệm 66 năm ngày độc lập của nước Cộng hoà Ấn Độ”
- Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách với chủ đề “Âm vang Điện Biên” tại Đắk Lắk
- Đại hội Đoàn cơ sở Thư viện Quốc gia Việt Nam nhiệm kỳ 2013-2016
- Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách khu vực miền Đông Nam bộ và cực Nam Trung bộ
- Chung khảo Liên hoan Thiếu nhi Tuyên truyền giới thiệu sách – hè 2013 Thành phố Hà Nội
- Đoàn cán bộ Thư viện Quân đội Lào thăm quan và trao đổi kinh nghiệm tại Thư viện Quốc gia Việt Nam
- Liên hoan tuyên truyền, giới thiệu sách tỉnh Bắc Ninh năm 2013 với chủ đề "Âm vang Điện Biên"
- Gặp mặt thân mật nhân Kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7