Nâng cao chất lượng nguồn tài liệu đáp ứng nhu cầu cho người dân nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội

E-mail Print

Đặt vấn đề

Trong hoạt động của các cơ quan thông tin - thư viện (TTTV) nói chung, thư viện cơ sở nói riêng, vốn tài liệu hay nguồn lực thông tin là một trong 4 yếu tố quan trọng cấu thành hoạt động của mỗi cơ quan TTTV. Nó là đối tượng làm việc chính của người làm thư viện và người dùng tin/ bạn đọc trong mọi quy trình hoạt động của cơ quan TTTV (hoạt động bổ sung, biên mục, lưu giữ, bảo quản, tra cứu, phục vụ…). Thư viện nào xây dựng được vốn tài liệu đảm bảo về số lượng, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung sẽ thu hút được nhiều người dùng tin/ bạn đọc tới sử dụng thư viện, bởi thư viện đó đã đáp ứng và thoả mãn được nhu cầu của người dùng tin. Và ngược lại, thư viện nào có vốn tài liệu nghèo nàn, ít về số lượng, sơ sài về hình thức, nội dung sẽ không thể thu hút được người dùng tin/ bạn đọc đến sử dụng thư viện. Lâu dần những thư viện đó sẽ trở thành “nấm mồ” chôn sách, vốn tài liệu sẽ bị lỗi thời theo thời gian, lãng phí diện tích, giá kệ, nhân lực để lưu trữ, trông coi, bảo quản tài liệu… Thực tiễn kết quả khảo sát một số thư viện cơ sở cấp xã, thôn tại các huyện ngoại thành Hà Nội (Ba Vì, Ứng Hoà, Sóc Sơn) đã chỉ ra rằng, các thư viện nơi đây đang hoạt động không hiệu quả, bởi rất nhiều nguyên nhân: thư viện không có bạn đọc, không có cán bộ chuyên trách, thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị… và đặc biệt là vốn tài liệu chưa đáp ứng được nhu cầu tin cho người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn xã, thôn của huyện.

1. Vị trí, vai trò của thư viện cơ sở trong đời sống người dân nông thôn

Theo Điều 16 Pháp lệnh Thư viện quy định các loại hình thư viện bao gồm: thư viện công cộng và thư viện chuyên ngành, đa ngành [3]. Thư viện, tủ sách cơ sở là một loại hình thư viện công cộng do Uỷ ban nhân dân cấp cơ sở thành lập. Đối tượng phục vụ bao gồm mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội như nông dân, công nhân, bác sỹ, kỹ sư, học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, thuộc nhiều trình độ, ngành, nghề, lứa tuổi khác nhau. Nhiệm vụ chủ yếu của thư viện công cộng cơ sở là đưa thông tin, tri thức đến với người dân bằng mọi hình thức, mọi phương tiện, đảm bảo việc thực hiện chức năng văn hoá, giáo dục, giải trí, thông tin.

Thư viện công cộng cơ sở là công cụ có hiệu quả trong việc giúp đỡ người dân đọc sách, tự học có hệ thống, hỗ trợ việc học tập trong nhà trường và tự học ở các cấp học khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính sáng tạo cá nhân của bạn đọc.

Thư viện công cộng cơ sở là những trung tâm sinh hoạt văn hoá giàu sức sống, nơi tổ chức, giao lưu các hoạt động văn hoá, tuyên truyền phổ biến các kiến thức về các loại hình nghệ thuật khác nhau. Tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về khoa học kỹ thuật thường thức, góp phần nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật cho đông đảo nhân dân lao động.

Thư viện công cộng cơ sở góp phần đưa ánh sáng của khoa học và công nghệ vào cuộc sống của từng người dân, phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn, lạc hậu về tri thức, thông tin, thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trên thế giới và trong nước, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong mọi lĩnh vực [1].

Thư viện công cộng cơ sở góp phần giáo dục thẩm mỹ và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Nguồn tài liệu và khả năng đáp ứng nhu cầu tin cho người dùng tin/ bạn đọc tại các thư viện cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội

Để phản ánh một cách khách quan về đối tượng nghiên cứu trong bài viết, chúng tôi đã tiến hành hoạt động khảo sát thực tiễn nguồn tài liệu và khả năng đáp ứng nhu cầu tin cho người dùng tin/ bạn đọc tại các thư viện, tủ sách cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội, thông qua việc khảo sát thực tế, điều tra bằng bảng hỏi với các nhóm đối tượng người dùng tin khác nhau, kết hợp với phỏng vấn trực tiếp cán bộ quản lý, phụ trách thư viện, cán bộ văn hoá, đồng thời nghiên cứu báo cáo hoạt động hàng năm của thư viện cấp quận, huyện gửi Thư viện Hà Nội dựa trên 2 vấn đề sau:

- Thực trạng vốn tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở tại 3 huyện ngoại thành Hà Nội (Ba Vì, Sóc Sơn, Ứng Hoà): tổng số vốn tài liệu, loại hình tài liệu, lĩnh vực tri thức của tài liệu?

- Vốn tài liệu hiện tại có đáp ứng nhu cầu tin của người dân vùng nông thôn trong hoạt động nghiên cứu, học tập, lao động sản xuất, giải trí?

Theo số liệu khảo sát thì tổng số vốn tài liệu của toàn mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn của 3 huyện hiện có: Ba Vì 1.200 bản tài liệu; Sóc Sơn 13.500 bản; Ứng Hoà 12.500 bản [4, 5]. Trung bình mỗi thư viện, tủ sách có khoảng trên dưới 200 bản tài liệu, đã bao gồm cả tài liệu luân chuyển của thư viện huyện và Thư viện Hà Nội. Một số thư viện, tủ sách cơ sở có số lượng tài liệu lớn hơn, như: Thư viện tư nhân của dòng họ Nguyễn Bá xã Cổ Đô, huyện Ba Vì có gần 800 tài liệu, sách luân chuyển chiếm khoảng 150 bản; Tủ sách thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hoà có trên 2.000 tài liệu, trong đó sách luân chuyển là 400 bản. Tủ sách thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn có trên 3.000 bản và không có sách luân chuyển… [2].

Loại hình tài liệu của các thư viện, tủ sách cơ sở trên 95% tài liệu là sách in, một số rất ít (khoảng 5%) thư viện, tủ sách cơ sở có thêm báo in. Vì là loại hình thư viện công cộng nên vốn tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở bao gồm tất cả các lĩnh vực tri thức: nông nghiệp, công nghiệp, y tế - sức khoẻ, luật pháp, kinh tế, văn học, lịch sử, âm nhạc, thể thao…

Để biết được chất lượng nguồn tài liệu, cũng như khả năng đáp ứng, thoả mãn nhu cầu của người dùng tin/ bạn đọc khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội. Tác giả đã tiến hành khảo sát về:

- Vốn tài liệu hiện tại của thư viện, tủ sách cơ sở có đáp ứng nhu cầu không?

- Tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở đáp ứng được bao nhiêu % nhu cầu người dùng tin?

Với câu hỏi thứ nhất, người dùng tin/ bạn đọc có 5 mức đánh giá: Rất tốt, tốt, trung bình, không tốt và rất kém. Kết quả thu được từ 3 huyện như sau (Bảng 1):

2019-03-06-1

Bảng 1. Người dùng tin đánh giá mức độ đáp ứng của tài liệu tại thư viện, tủ sách cơ sở (Nguồn: Đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội mã số QG.16.51).

Nhìn vào bảng số liệu, chúng ta dễ dàng nhận thấy các nhóm đối tượng người dùng tin/ bạn đọc ở cả 3 huyện đã có sự đánh giá khá giống nhau về mức độ đáp ứng nhu cầu tin từ nguồn tài liệu của thư viện cơ sở.

Nhóm người dùng tin là học sinh, sinh viên của huyện Ba Vì chỉ đánh giá ở hai mức: rất tốt và không tốt, 2 huyện còn lại đánh giá ở 4 mức: Rất tốt, tốt, trung bình, không tốt. Mức “rất tốt” và “tốt” chiếm tỷ lệ cao nhất ở học sinh, sinh viên Ba Vì với 24,5% “rất tốt”; 75,5% “tốt”. Mức “trung bình” chiếm tỷ lệ cao nhất ở huyện Ứng Hoà 53,1%, huyện Sóc Sơn 27,1%. Mức “không tốt“ chiếm 2% ở cả hai huyện Ứng Hoà và Sóc Sơn.

Nhóm người dùng tin là người lao động, công nhân cho rằng tài liệu chỉ đáp ứng nhu cầu của họ ở mức “trung bình”, huyện Ba Vì 75%, huyện Sóc Sơn 52%, Ứng Hoà 69,2%. Đánh giá ở mức “tốt” Sóc Sơn chiếm tỷ lệ cao hơn hẳn 48%, mức “rất tốt” chỉ có 7,7% người dùng tin Ứng Hoà lựa chọn, 2 huyện còn lại không lựa chọn. Không có người dùng tin nào của cả 3 huyện đánh giá ở mức “không tốt” và “kém”.

Người dùng tin là công chức, viên chức có 2 huyện đánh giá ở mức “rất tốt” là Sóc Sơn 15,8%, Ứng Hoà 12,5%. Mức “trung bình” có huyện Ba Vì 58,1% và huyện Ứng Hoà 62,5%. Mức “tốt” chiếm tỷ lệ cao nhất ở huyện Sóc Sơn 52,6% và “không tốt” có 16,3% người dùng tin của huyện Ba Vì.

Với nhóm người dùng tin là nông dân, 95,3% người dùng tin ở huyện Ba Vì, 76,1% người dùng tin ở huyện Ứng Hoà đánh giá tài liệu đáp ứng nhu cầu của họ ở mức “trung bình” trong khi Sóc Sơn cũng xấp xỉ 43%. Mức đáp ứng “rất tốt” ở huyện Sóc Sơn 13,1% và huyện Ứng Hoà là 8,9%. Mức “tốt” ở huyện Ba Vì là 4,7%, Ứng Hoà là 10,4%. Mức “không tốt” chỉ có ở huyện Ứng Hoà là 4,5% và mức “kém” đã có ở huyện Sóc Sơn với 2,4%.

Những đối tượng khác thì việc đánh giá khả năng đáp ứng nhu cầu từ nguồn tài liệu của các thư viện cơ sở có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể: huyện Sóc Sơn đánh giá ở mức “tốt” và “trung bình”, huyện Ứng Hoà đánh giá ở mức “trung bình” và “không tốt”, 100% người dùng tin ở Ba Vì đánh giá là “trung bình”, mức độ này ở huyện Ứng Hoà là 87,1%, Sóc Sơn là 50%. Mức “không tốt” có tới 12,9% người dùng tin ở huyện Ứng Hoà đánh giá. Mức “tốt” là 50% ở huyện Sóc Sơn.

Qua việc phân tích số liệu trên, có thể kết luận rẳng: tài liệu của các thư viện cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội về cơ bản mới đáp ứng được một phần nhu cầu của người dùng tin/ bạn đọc, bởi số lượng người dùng tin đánh giá việc đáp ứng nhu cầu tin ở mức “trung bình” là khá cao, tiếp đến là “tốt”, “rất tốt” và “không tốt”. Số người đánh giá việc đáp ứng “không tốt” chiếm tỷ lệ không nhiều, tính trung bình của cả 3 huyện là 6,5%, nhưng vẫn có 2,4% người dùng tin đánh giá là “kém”. Mặc dù số người đánh giá “không tốt” và “kém” chiếm tỷ lệ không cao nhưng vẫn cần phải xem xét đến sự đánh giá của họ.

Với câu hỏi thứ hai, chúng tôi có được bảng số liệu dưới đây:

2019-03-06-2

Bảng 2: Tỷ lệ % về mức độ đáp ứng nhu cầu của tài liệu ở thư viện, tủ sách cơ sở

Từ các số liệu này, chúng ta dễ dàng nhận thấy cả 5 nhóm người dùng tin được khảo sát ở 2 huyện Ba Vì và Ứng Hoà có trung bình trên 70% người dùng tin đánh giá tài liệu chỉ đáp ứng được nhu cầu của họ trong khoảng 31 - 50% (tương đương mức trung bình); đáp ứng từ 51 - 80% có trên 12%. Huyện Ứng Hoà và Sóc Sơn có 11,1% người dùng tin hài lòng về nhu cầu được đáp ứng ở mức cao nhất 81-100%, trong khi huyện Ba Vì không có lựa chọn. Huyện Sóc Sơn có 1,2% và Ứng Hoà có 8,3% người dùng tin cho rằng tài liệu chỉ đáp ứng từ 11 - 30%. Riêng với huyện Sóc Sơn 45,2% người dùng tin cho rằng tài liệu đáp ứng nhu cầu của họ ở mức 51 - 80%, 43% đáp ứng trong khoảng 31 - 50% và 2,4% đáp ứng ở mức thấp nhất dưới 10%.

Kết quả này cho thấy, 62% người dùng tin/ bạn đọc của cả 3 huyện đều cho rằng tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở chỉ đáp ứng được nhu cầu của họ ở mức “trung bình” từ 31 - 50%, mức tiếp theo có 26,4% người dùng tin/ bạn đọc ở 3 huyện lựa chọn từ 51 - 80%, nếu không tính tỷ lệ trung bình ở 3 huyện thì mức lựa chọn này chiếm tỷ lệ cao nhất 43,95% là của người dùng tin huyện Sóc Sơn, trong khi huyện Ba Vì là 20%, Ứng Hoà là 15,4%. Các mức còn lại chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Câu hỏi được đặt ra ở đây “Tại sao tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở lại chỉ đáp ứng người dùng tin/ bạn đọc ở mức trung bình?”. Lý giải cho vấn đề này chính là vốn tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội còn nghèo nàn về số lượng và chất lượng nên chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu tin của người dùng tin/ bạn đọc nơi đây.

Thực tế công tác thu thập, phát triển vốn tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở được xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau: ngân sách của địa phương, quyên góp, tặng biếu, xã hội hoá, nguồn lưu động của thư viện huyện, Thư viện Hà Nội… Trước năm 2010, một số xã ở các huyện đã trích một phần nhỏ kinh phí trong ngân sách hoạt động của mình để dành cho việc mua tài liệu, xây dựng thư viện, tủ sách cơ sở, đó là: Thư viện xã Phú Đông và Thư viện xã Cổ Đô, huyện Ba Vì; Thư viện thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn; Tủ sách thôn Hoàng Xá, xã Liên Bạt, Thị trấn Vân Đồn, huyện Ứng Hoà. Sau năm 2010, hoạt động này không được thực hiện nữa, vì thế theo báo cáo thống kê 2 năm 2016, 2017 vốn tài liệu của thư viện cơ sở không thay đổi. Thêm vào đó, vốn tài liệu của thư viện, tủ sách cơ sở hiện có chủ yếu là tài liệu phổ thông, khoa học thường thức, mang tính chất tìm hiểu, không chuyên sâu về lĩnh vực nào, nhằm phục vụ nhu cầu giải trí, mở mang kiến thức, sự hiểu biết cho đông đảo bà con nông dân. Việc phục vụ cho hoạt động lao động sản xuất, học tập, nghiên cứu chưa được đáp ứng, nên cần phải tăng cường thêm cả số lượng và chất lượng vốn tài liệu ở thư viện cơ sở.

Ngoài số tài liệu ít ỏi được mua bằng nguồn ngân sách của xã trước đây, chính quyền xã, thôn đã vận động bà con quyên góp sách để xây dựng thư viện, tủ sách cơ sở. Hoạt động này không thu được nhiều tài liệu cho thư viện, tủ sách và nguồn tài liệu thu được chưa thực sự có chất lượng cao. Bên cạnh đó, chính quyền xã, thôn cũng chủ động kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ con cháu trong làng, dòng họ, những người sinh ra và lớn lên tại địa phương ủng hộ sách, báo, tài liệu để xây dựng thư viện, tủ sách cơ sở. Thôn Khả Lạc, xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà đã làm tốt công tác xã hội hoá, nhà văn hoá thôn được đầu tư cơ sở vật chất như loa đài, bàn ghế… để phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng và phục vụ bà con trong thôn có bàn ghế ngồi khi đến đọc sách.

Chiếm phần lớn trong tổng số vốn tài liệu của các thư viện, tủ sách cơ sở tại 3 huyện được khảo sát hiện nay là nguồn tài liệu được luân chuyển từ các thư viện huyện, Thư viện Hà Nội. Trung bình mỗi thư viện, tủ sách cơ sở sẽ có từ 200 - 300 cuốn sách, tuỳ vào quy mô của thư viện, tủ sách cơ sở lớn hay nhỏ mà các thư viện cấp trên tính đến vốn tài liệu luân chuyển cho tủ sách, thư viện cơ sở trong mỗi lần đi lưu động. Định kỳ từ 3 - 6 tháng, thư viện cấp trên lại tổ chức đưa sách, báo, tài liệu đi lưu động. Cơ sở nào có thư viện, tủ sách hoạt động tốt, lượng bạn đọc đông, được nhận tài liệu luân chuyển khoảng 2 - 3 lần/ năm. Thư viện, tủ sách cơ sở nào có lượng bạn đọc ít, không ổn định, thư viện cấp trên chỉ luân chuyển tài liệu 1 - 2 lần/ năm. Và đặc biệt, hàng năm khi thư viện tuyến trên tiến hành thống kê hoạt động phục vụ của thư viện cấp dưới, nếu số lượng bạn đọc ở thư viện, tủ sách cơ sở nào quá ít, lượt luân chuyển tài liệu không nhiều, hiệu quả hoạt động không cao, thư viện cấp trên sẽ ngừng đi lưu động tại các điểm đó. Thư viện sẽ chuyển sang các địa điểm mới, nơi thư viện, tủ sách cơ sở, hoặc trường học mà người dùng tin/ bạn đọc có nhu cầu về thông tin, tài liệu, sách, báo nhiều hơn nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động của thư viện.

4. Nhận xét và kiến nghị

Qua việc phân tích về thực trạng nguồn tài liệu cùng khả năng đáp ứng tài liệu thoả mãn nhu cầu tin cho người dùng tin/ bạn đọc tại các thư viện, tủ sách cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội nói trên, tác giả rút ra một số nhận xét sau:

Ưu điểm

- Thư viện cơ sở đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người dân nông thôn, giúp họ nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần, đáp ứng tiêu chí về “cơ sở vật chất văn hoá” trong việc xây dựng nông thôn mới.

- Thư viện cơ sở đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của địa phương, nơi diễn ra các buổi giao lưu, trao đổi, mạn đàm, chia sẻ… về những kiến thức, thông tin mà người dùng tin thu nhận được từ tài liệu, sách, báo… [2].

- Đối tượng người dùng tin/ bạn đọc tại thư viện, tủ sách cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội khá đa dạng. Họ là học sinh, nông dân, công nhân, thanh niên, sinh viên, viên chức, cán bộ hưu trí, người cao tuổi… nên nhu cầu tin của họ trải rộng ở tất cả các lĩnh vực.

- Các thư viện, tủ sách cơ sở đã xây dựng được một vốn tài liệu nhỏ cùng với nguồn tài liệu luân chuyển của thư viện huyện và Thư viện Hà Nội để phục vụ cho nhu cầu của người dân đang sinh sống, làm việc tại khu vực nông thôn huyện ngoại thành, đáp ứng được một phần nhu cầu tin của các nhóm đối tượng người dùng tin khác nhau. Nó cung cấp cho người dân có thêm kiến thức về luật pháp, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… đặc biệt là các tài liệu phục vụ cho việc chăn nuôi, trồng trọt, canh tác, chăm sóc sức khoẻ, các tài liệu khoa học thường thức…

Hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm kể trên, các thư viện cơ sở huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn có một số tồn tại cần trao đổi và khắc phục. Cụ thể:

- Phần lớn các thư viện cơ sở chưa nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Địa phương chưa có sự đầu tư đúng đắn cho hoạt động thư viện.

- Thư viện cơ sở không được cấp kinh phí để bổ sung tài liệu, chỉ phục vụ những tài liệu đã có và chủ yếu là tài liệu được luân chuyển từ Thư viện Hà Nội, nên vốn tài liệu hết sức nghèo nàn và cũ, không đủ để đáp ứng nhu cầu tin của người dân nông thôn.

- Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng tất cả những người làm thư viện là những người phải kiêm nhiệm, thường thì họ là cán bộ phụ nữ, kế toán, hành chính… của thôn, xã. Họ là những người không có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về thư viện - thông tin, vì thế họ không thể hướng dẫn người dùng tin/ bạn đọc cách tìm tin, tìm tài liệu theo nhu cầu, không có phương pháp hướng dẫn đọc sách, không thể tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tài liệu nhằm thu hút người dùng tin đến với thư viện. Bởi vậy có một số người dùng tin/ bạn đọc khi được hỏi, họ nói “không biết nơi mình sinh sống đang tồn tại thư viện, tủ sách cơ sở”. Thêm vào đó, người phụ trách thư viện không có và không biết thực hiện các phương pháp bảo quản, gìn giữ tài liệu, dẫn tới nhiều tài liệu bị ẩm mốc, mất mát, nhiều tài liệu bị hư hỏng không được phục chế. Phần lớn họ làm việc không có lương và không nhận được bất kể một khoản phụ cấp nào khác.

- Thời gian mở cửa phục vụ của thư viện chưa thực sự gắn với điều kiện công việc thực tiễn của người dân, bởi phụ trách thư viện là người kiêm nhiệm, họ phải làm các công việc chính để đảm bảo thu nhập của mình, vì thế thời gian mở cửa thư viện để phục vụ người dùng tin thường là 3 buổi/ tuần.

- Thư viện cơ sở hoạt động không xây dựng nội quy để quy định việc mượn, trả tài liệu, nên người dùng tin/ bạn đọc có thể mượn nhiều tài liệu cùng một lúc và mượn bao lâu cũng được. Điều này đã làm hạn chế sự chia sẻ thông tin và hạn chế nhu cầu tin của người dùng tin.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho thư viện cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn tài liệu, đảm bảo nguồn lực thông tin, đáp ứng tốt nhu cầu tin cho người dân nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội.

- Thứ nhất, lãnh đạo các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động của thư viện cơ sở. Cụ thể: hàng năm huyện, xã nên trích một khoản kinh phí nhỏ để mua tài liệu sách, báo bổ sung vào thư viện. Các tài liệu lựa chọn đưa vào thư viện phải đảm bảo về chất lượng nội dung. Theo kết quả khảo sát, trên 50% người dùng tin ở cả 3 huyện ngoại thành đều đề nghị thư viện cơ sở cần nâng cao chất lượng nguồn tài liệu, thường xuyên cập nhật thông tin mới, bổ sung thêm nhiều loại hình tài liệu, sách, báo mới, đặc biệt là nguồn tài liệu về nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật, y học, pháp luật… phục vụ cho hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, chăm sóc sức khoẻ, y tế… của người dân. Bên cạnh đó, mỗi thư viện cơ sở cần được bổ sung 2 - 3 tên báo in, như báo Nông thôn ngày nay, Sức khoẻ đời sống, Nhân dân, Lao động… vì với người dùng tin/ bạn đọc là người cao tuổi và cán bộ hưu trí, nhu cầu đọc báo in của họ rất lớn, họ ít khi đọc báo điện tử.

- Thứ hai, các địa phương cần chủ động và tích cực đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động thư viện để vận động nhân dân, các nhà hảo tâm, các tổ chức… đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, quyên góp, biếu tặng tài liệu cho việc mở rộng, phát triển thư viện cơ sở.

- Thứ ba, Thư viện Hà Nội, thư viện huyện cần tăng cường lượt luân chuyển tài liệu xuống thư viện cơ sở từ 2 - 3 lần/ năm như hiện nay, thành 4 - 5 lần/ năm. Tăng số lượng tài liệu luân chuyển từ 200 bản lên 300 bản/ 1 đợt. Điều chỉnh nội dung nguồn tài liệu luân chuyển để đưa xuống cơ sở những tài liệu có nội dung phù hợp với nhu cầu lao động, sản xuất, học tập, giải trí… giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dùng tin, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, phục vụ tích cực mọi hoạt động trong đời sống của họ.

- Thứ tư, các thư viện huyện cần phối hợp với Thư viện Hà Nội định kỳ 1 - 2 năm tiến hành nghiên cứu nhu cầu tin, nghiên cứu người dùng tin/ bạn đọc tại các thư viện cơ sở, để kịp thời nắm bắt nhu cầu tin của họ, điều chỉnh nguồn lực thông tin trong công tác bổ sung, điều chỉnh quá trình phục vụ người dùng tin sao cho phù hợp.

- Thứ năm, thư viện huyện cần phối hợp thường xuyên với Thư viện Hà Nội tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ cho người phụ trách thư viện cơ sở, giúp họ có thêm kiến thức chuyên môn về thư viện - thông tin, để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho thư viện.

- Thứ sáu, các thư viện cơ sở cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tài liệu trên loa, đài phát thanh của xã, thôn nhằm thu hút người dùng tin đến với thư viện.

- Thứ bảy, Thư viện Hà Nội, thư viện huyện sớm giúp đỡ các thư viện cơ sở trong việc xây dựng Nội quy thư viện để quản lý việc đọc, mượn - trả tài liệu của người dùng tin, tránh tình trạng tài liệu bị hư hỏng, mất mát.

Kết luận

Hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan thông tin thư viện nói chung, thư viện cơ sở nói riêng được đánh giá thông qua công tác phục vụ người dùng tin/ bạn đọc, nó thể hiện hiệu quả bằng số lượt tài liệu luân chuyển nhiều, tần suất sử dụng thư viện của bạn đọc lớn. Nhưng để đạt được kết quả đó, các thư viện phải xây dựng được một nguồn tài liệu phong phú về nội dung, đa dạng về loại hình, đảm bảo về số lượng mới có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng tin.

Để các thư viện cơ sở thực sự trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá của địa phương, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân về nghiên cứu, lao động, sản xuất, học tập, giải trí, thư viện cơ sở rất cần sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo thành phố, quận, huyện, địa phương, Thư viện Hà Nội, Trung tâm văn hoá, nhà văn hoá - thông tin… và đặc biệt là sự nỗ lực của những người phụ trách thư viện, sự ủng hộ của cá nhân, tổ chức, những người tích cực tham gia vào hoạt động xã hội hoá để xây dựng thư viện cơ sở. Nếu nhận được sự quan tâm kịp thời, chúng tôi tin tưởng rằng, trong tương lai gần các thư viện cơ sở sẽ phát huy được tác dụng và vai trò của mình trong đời sống của người dân nông thôn, đáp ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc giai đoạn 2010 - 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Kim Dung. Hoạt động của thư viện - tủ sách cơ sở trong việc xây dựng nông thôn mới tại huyện Ba Vì, Hà Nội // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 2 (64). - Tr. 50-54.

2. Nguyễn Thị Kim Dung. Tối ưu hoá công tác tổ chức và quản lý hoạt động của các thư viện xã, phường, tủ sách cơ sở khu vực nông thôn huyện ngoại thành Hà Nội // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2017. - Số 5 (67). - Tr. 48-51, 29.

3. Pháp lệnh Thư viện. - H.: Chính trị Quốc gia, 2001.

4. Thư viện Hà Nội. Báo cáo Tổng kết Thư viện quận, huyện, thị xã năm 2016 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2017. - 18tr.

5. Thư viện Hà Nội. Báo cáo Tổng kết Thư viện quận, huyện, thị xã năm 2017. - 8tr.

6. Lê Văn Viết. Mô hình tổ chức và hoạt động của thư viện tỉnh, huyện và cơ sở ở Việt Nam: Đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng cấp Bộ / Lê Văn Viết chủ trì. - H.: Bộ Văn hoá Thông tin, 2007. - 254tr.

_____________

TS. Nguyễn Thị Kim Dung

Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 3. - Tr. 37-42,66.


Đọc thêm cùng chuyên mục: