Bàn về hệ thống phân loại bài tóm tắt

E-mail Print

Trong hoạt động thông tin thư viện hiện nay thông thường bài tóm tắt được phân loại theo hai tiêu chí. Theo đối tượng xử lý và theo đặc điểm nội dung của bài tóm tắt. Bài viết này chúng tôi chỉ bàn đến việc phân loại bài tóm tắt theo tiêu chí thứ hai, theo đặc điểm nội dung của bài tóm tắt.

Phân loại bài tóm tắt theo đặc điểm nội dung, hiện nay có một số quan niệm khác nhau. Tác giả Phan Huy Quế trong giáo trình của mình đã chia bài tóm tắt thành ba loại đó là tóm tắt mô tả, tóm tắt thông tin và tóm tắt hỗn hợp [8]. Tác giả Lancaster cũng chia bài tóm tắt thành 3 loại nhưng đó là: Tóm tắt mô tả, tóm tắt thông tin và tóm tắt phê phán. [1]

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng, thực tế hiện nay theo đặc điểm nội dung tóm tắt có bốn loại chính: tóm tắt mô tả, tóm tắt thông tin, tóm tắt phê phán và tóm tắt hỗn hợp. Sau đây xin phân tích đặc điểm từng loại tóm tắt đó.

1. Tóm tắt mô tả

Là loại tóm tắt trình bày đầy đủ các chủ đề nội dung mà tài liệu đề cập tới, song không quan tâm tới kết quả nghiên cứu hoặc kết luận cụ thể có trong tài liệu. Vì vậy nó thường được sử dụng cho mục đích giới thiệu sâu hơn đặc trưng của tài liệu, giúp bạn đọc lựa chọn tài liệu cho phù hợp với nhu cầu.

Loại tóm tắt này chủ yếu mô tả lại cấu trúc nội dung của tài liệu, những chủ đề chính mà tài liệu nghiên cứu, khía cạnh tiếp cận đối với chủ đề nội dung.

Tóm tắt mô tả có nhiều đặc điểm tương đồng với chú giải chỉ dẫn. Tuy nhiên, nó khác với chú giải chỉ dẫn ở chỗ nó mô tả chủ đề nội dung sâu hơn bài chú giải, và không hề quan tâm đến đặc điểm hình thức của tài liệu, một đặc điểm mà bài chú giải chỉ dẫn rất quan tâm.

Tóm tắt mô tả thường được áp dụng cho việc xử lý một đơn vị tài liệu có khối lượng thông tin lớn như: Các chuyên khảo, chuyên luận, các tuyển tập có cấu trúc nội dung rõ ràng, các băng, phim... Tóm tắt mô tả đặc biệt phù hợp cho các dạng tài liệu có nhiều số liệu, nhiều kết luận cụ thể, hoặc kết luận quá dài không thể phản ánh cụ thể và đầy đủ trong một bản tin ngắn gọn. Bởi vì, về nguyên tắc, tóm tắt mô tả chỉ mô tả lại những gì tác giả nghiên cứu, đề cập đến trong tài liệu mà không trình bày rõ tác giả nghiên cứu chúng như thế nào, và đi đến những kết quả, kết luận gì, vì thế hoàn toàn có thể áp dụng để xử lý các tài liệu có dung lượng lớn, nhưng có cấu trúc nội dung rõ ràng.

Một bài tóm tắt mô tả thường có độ dài phổ biến là từ 50 đến 150 từ. Chính vì khả năng nén tin của chúng mà loại tóm tắt này được ứng dụng rộng rãi trong các cơ sở dữ liệu thư mục, các bản thư mục và cả mục lục thư viện. Hiện nay trong CSDL của Thư viện Quốc gia Việt Nam, của Trung tâm Khoa học Công nghệ Quốc gia, của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn, của các Trung tâm Thông tin thư viện của các trường đại học đều phổ biến loại bản tin này.

Ví dụ:

- Thi ca bình dân Việt Nam: Tòa lâu đài văn hoá dân tộc/Nguyễn Tấn Long, Phan Canh . - H: Nxb. Hội Nhà văn, 1998. - T.2: Xã hội quan.

Tóm tắt: Phân tích những quan điểm về xã hội người Việt Bình dân được thể hiện qua ca dao. Các phong tục tập quán, ứng xử trong gia đình, biến thái tình cảm trong lao động và sinh hoạt xã hội, tình yêu quê hương dân tộc và ý thức đấu tranh của người dân qua tục ngữ, ca dao.

- Kết quả khảo nghiệm và kiểm nghiệm giống cây trồng. - H: Nông nghiệp, 1999

Tóm tắt: Tuyển tập các báo cáo về kết quả nghiên cứu, thí nghiệm các giống lúa, ngô, khoai lang, đậu tương, lạc, cà chua, cải bắp mới được trồng thử nghiệm vụ đông xuân tại Miền Bắc Việt Nam.

2. Tóm tắt thông tin

Là một bản tin ngắn gọn và đầy đủ của tài liệu, cung cấp cho bạn đọc những thông tin, số liệu, kết luận chính mà tác giả trình bày trong tài liệu, giúp bạn đọc trong một chừng mực nào đó có thể sử dụng ngay bản tin mà không cần đọc tài liệu gốc.

Khác với loại tóm tắt mô tả, tóm tắt thông tin không chỉ phản ánh những gì mà tác giả tài liệu gốc đề cập đến trong tài liệu mà còn phản ánh rõ các vấn đề đó được nghiên cứu như thế nào, có những kết quả, kết luận cụ thể gì.

Với yêu cầu phản ánh cụ thể và chính xác các số liệu, kết luận cụ thể nên tóm tắt thông tin thường áp dụng cho việc xử lý các tài liệu có dung lượng thông tin không lớn như một bài báo, một chương sách, hay một đoạn trong tài liệu, hoặc xử lý các tài liệu có những kết luận, số liệu cụ thể, dễ dàng chắt lọc và phản ánh đầy đủ trong một bản tin ngắn gọn.

Bài tóm tắt thông tin có dung lượng lớn hơn so với bản tóm tắt mô tả. Độ dài phổ biến nhất của loại tóm tắt này là từ 150 đến 250 từ. Có một số bài tóm tắt thông tin có độ dài đến 500 từ.

Khác với tóm tắt mô tả, tóm tắt thông tin không được dùng trong các bản thư mục, cơ sở dữ liệu có nội dung tổng hợp. Chúng chỉ dùng cho các cơ sở dữ liệu hay thư mục chuyên ngành. Đặc biệt phổ biến đối với các CSDL chuyên ngành khoa học kỹ thuật và tự nhiên, khoa học ứng dụng. Tóm tắt thông tin cũng rất phổ biến trong các tạp chí nghiên cứu khoa học và các tuyển tập công trình nghiên cứu khoa học.

Hiện nay, loại tóm tắt thông tin này được sử dụng trong CSDL Tài nguyên thực vật Đông Nam Á của Viện Tài nguyên Thực vật Việt Nam, trong các tuyển tập công trình nghiên cứu Y học, nông nghiệp, trong các bản tin giới thiệu tài liệu mới của Trung tâm Thông tin - Thư viện Đại sứ quán Hoa Kỳ,... và nhiều sản phẩm thông tin khác.

Ví dụ:

- Kết quả khảo nghiệm các giống bắp cải vụ đông xuân 1998//Kết quả khảo nghiệm và kiểm nghiệm giống cây trồng/Nguyễn Thanh Minh... - H: Nông nghiệp, 1999. H. - tr.101-106

Tóm tắt: 5 giống cải bắp mới là KK cross-đ/c, K60, Trung Quốc, AK Cross, Tropica được đưa vào khảo nghiệm tại ba điểm Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang. Kết quả cho thấy K60 và AK cross là giống có năng suất vượt trội, khả năng sinh trưởng tốt, có thể sản xuất trên diện rộng. Giống Trung Quốc dễ trồng có thể sản xuất tại những vùng thâm canh thấp vẫn cho thu hoạch.

- Chương IV Bản chất của quá trình giảng dạy đại học//Tổ chức quá trình dạy học ở đại học/Lê Khánh Bằng . - H: Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục, 1996. - tr.9-30

Tóm tắt: Với nhiều cách tiếp cận, nhiều tác giả đã đưa ra các định nghĩa khác nhau về quá trình dạy học đại học. Ở đây, quá trình dạy học đại học được coi là quá trình tác động qua lại giữa người dạy và người học trong một môi trường kinh tế-xã hội nhất định nhằm tạo ra những biến đổi và phát triển về phía người dạy cũng như người học theo hướng các nhiệm vụ dạy học, đáp ứng tổ chức nhận thức có tính chất nghiêm túc của người học dưới sự chỉ đạo của người dạy và đồng thời là nhà khoa học. Tóm lại là một quá trình thống nhất biện chứng giữa người dạy và người học mà trong đó người học đóng vai trò chủ động, người dạy đóng vai trò chỉ đạo, định hướng.

Để phân biệt rõ hai loại tóm tắt mô tả và tóm tắt thông tin có thể xem bảng so sánh, nhận diện dưới đây.

2010-3e-images-013. Tóm tắt phê phán

Là bản tóm tắt có đủ thông tin ngắn gọn như bản tóm tắt thông tin, hay bản tóm tắt mô tả song còn kèm thêm lời bình luận phê phán của người làm tin, đánh giá ưu, nhược của tài liệu. Do đó để biên soạn loại tóm tắt này thường là các chuyên gia chuyên ngành.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, không có loại tóm tắt phê phán, vì theo họ, tóm tắt, khác với bài chú giải chính ở tính khách quan của nó, nghĩa là người biên soạn bài tóm tắt không được phép đưa vào bản tóm tắt bất cứ một nhận định nào. Tất cả mọi thông tin trong bài tóm tắt đều được lấy từ chính tài liệu, không tham khảo một nguồn tin nào khác. Trong giáo trình “Biên soạn bài tóm tắt, chú giải” của tác giả Lê Huy Quế, khi phân loại bài tóm tắt ông cũng không đưa loại tóm tắt này vào hệ thống phân loại của mình.

Tuy nhiên một số tác giả khác lại có quan điểm khác hắn, ví dụ trong cuốn “Abstract and abstracting” của Nhà thư viện học người Mỹ Lancaster thì tóm tắt phê phán là một trong loại tóm tắt được sử dụng khá phổ biến khi xử lý tài liệu cho các sản phẩm thông tin. [1; tr.46]

Thật ra, việc khác nhau giữa bài chú giải và tóm tắt, nếu nghiên cứu kỹ từ hoạt động thông tin thư mục thực tiễn, thì không phải chúng khác nhau bởi tính khách/chủ quan mà cái chính là khác nhau bởi cách tiếp cận với tài liệu. Tóm tắt chỉ nhằm mô tả, phân tích, phản ánh sâu đặc trưng nội dung của tài liệu, còn chú giải lại kết hợp với việc mô tả các đặc điểm hình thức và đặc điểm nội dung chính của các tài liệu đó, vì thế chú giải không cung cấp các thông tin, kết luận cụ thể trong khi đó lại là đặc trưng của tóm tắt.

Như vậy, ta sẽ thấy tóm tắt phê phán có những nét tương đồng với chú giải giới thiệu vì trong đó có chứa những đánh giá, những nhận định về giá trị của tài liệu gốc. Đó là lý do mà nhiều nhà thư viện học xếp chung loại tóm tắt này với chú giải giới thiệu. Tuy nhiên, tóm tắt phê phán có những đặc điểm khác biệt rõ ràng để phân biệt chúng với chú giải giới thiệu. Nếu những nhận định, đánh giá của người biên soạn bài tóm tắt phê phán đều xuất phát từ những phân tích, nghiên cứu các số liệu, kết luận cụ thể của tài liệu gốc và so sánh chúng với thực trạng nghiên cứu của đề tài đó một cách chính xác, cụ thể và khách quan, thì những nhận định, đánh giá của tác giả bài chú giải giới thiệu lại có thể xuất phát từ cảm nhận, từ ấn tượng của người biên soạn bài chú giải đối với tài liệu đó; Nếu bài chú giải giới thiệu có thể thông qua tác giả, thông qua đặc điểm hình thức của tài liệu để khẳng định giá trị tài liệu gốc, thì tóm tắt phê phán chỉ khẳng định điều đó bằng những thông tin cụ thể phân tích từ nội dung của tài liệu gốc; Mục đích của hai loại bản tin này đều có tính định hướng đối với người đọc, Nhưng chú giải giới thiệu chỉ tác động lên sự lựa chọn tài liệu của người đọc, trong khi tóm tắt phê phán không chỉ tác động lên quá trình lựa chọn tài liệu mà còn tác động cả lên quá trình giải mã thông tin của người dùng tin khi tiếp xúc, nghiên cứu tài liệu gốc đó nữa; Nếu tùy thuộc vào đối tượng phục vụ mà một tài liệu gốc có thể biên soạn nhiều bài chú giải giới thiệu khác nhau thì một tài liệu gốc chỉ có một bản tóm tắt phê phán duy nhất, đảm bảo tính khách quan cao nhất và chính xác nhất. Bảng so sánh, nhận diện dưới đây sẽ cho ta thấy rõ các nét tương đồng và khác biệt của hai loại bản tin này.

2010-3e-images-02

Tóm tắt phê phán thường được áp dụng cho việc xử lý các tài liệu có dung lượng khác nhau phù hợp với một bản thư mục chuyên đề hoặc cơ sở dữ liệu chuyên đề. Đối tượng chủ yếu của loại bản tin này là các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cần có thông tin nhanh và ngắn gọn, để, hoặc là sử dụng luôn phần thông tin chính, hoặc lựa chọn tham khảo một tài liệu gốc nào đó phù hợp nhất.

Ví dụ:

-  Các quy luật và nguyên tắc của quá trình dạy học đại học/Nguyễn Tiến Đạt. - H: Viện nghiên cứu Phát triển Giáo dục, 1994. - 18 tr.

Tóm tắt: Với các sự phân tích các hệ thống nguyên tắc dạy học của nhiều nước trên thế giới như Canada, CHDC Đức, Liên Xô cũ, Việt Nam tác giả đã đưa ra một hệ thống nguyên tắc dạy học đại học được sắp xếp theo trình tự logich từ chung đến riêng đó là: Nguyên tắc thống nhất giữa tính khoa học và tư tưởng; nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn; nguyên tắc thống nhất giữa cá nhân và tập thể; nguyên tắc thống nhất giữa sự vững chắc của tri thức và sự mềm dẻo tư duy; nguyên tắc thống nhất giữa cái cụ thể và cái trừu tượng và nguyên tắc thống nhất giữa vai trò chủ động của học viên và sự chỉ đạo của giáo viên; Hệ thống nguyên tắc này tỏ ra ưu điểm trong việc đưa các nguyên tắc nhận thức chung vào quá trình dạy học đại học. Tuy nhiên một số nguyên tắc mang tính đặc thù riêng của quá trình dạy học này lại không được tác giả thực sự quan tâm.

4. Tóm tắt hỗn hợp

Là loại tóm tắt pha tạp giữa tóm tắt mô tả và tóm tắt thông tin. Trong đó một phần được xử lý như một bản tóm tắt mô tả, phần khác lại được xử lý theo kiểu tóm tắt thông tin.

Tóm tắt hỗn hợp thường được dùng để xử lý những tài liệu có dung lượng thông tin lớn, song chỉ có một phần là phù hợp với chủ đề của sản phẩm thông tin có chứa bài tóm tắt như các CSDL chuyên đề, các thư mục chuyên đề. Trong trường hợp đó phần thông tin không phù hợp với chủ đề của sản phẩm thông tin có chứa bài tóm tắt sẽ được xử lý theo kiểu tóm tắt mô tả, còn phần thông tin phù hợp với chủ đề của sản phẩm thông tin sẽ được xử lý theo kiểu tóm tắt thông tin.

Ví dụ: Cuốn “Tổng quan về kinh tế xã hội Việt Nam năm 2008”, trong đó có phần tổng quan về kinh tế xã hội của Hà Nội. Đối với sản phẩm thông tin là Thư mục kinh tế Hà Nội thì phần tổng quan về các tình hình kinh tế, xã hội của các tỉnh thành phố khác ta chỉ làm tóm tắt mô tả, trong khi phần về kinh tế Hà Nội ta sẽ làm tóm tắt thông tin. Cụ thể:

Tóm tắt: Năm 2008 Hà Nội đã có một bước phát triển mạnh và vững chắc về kinh tế, tăng trưởng đạt mức cao so với cả nước là 7,1%; thu nhập trung bình đầu người tăng 1.000.000đ so với năm 2007. Triển khai mới 200 dự án kinh tế trên địa bàn toàn thành phố và hoàn thiện gần 300 dự án cũ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ ràng theo xu hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Ngoài ra sách còn đánh giá khái quát và thống kê những số liệu cụ thể về tình hình văn hóa, giáo dục, tăng trưởng kinh tế của 63 tỉnh thành phố khác của Việt Nam năm 2008.

Bài tóm tắt hỗn hợp cũng có thể được áp dụng để xử lý các tài liệu có dung lượng lớn, với mục đích tăng nguồn tin cho người dùng tin hay bạn đọc, người ta có thể xử lý phần không quan trọng theo kiểu tóm tắt mô tả, phần quan trọng theo kiểu tóm tắt thông tin.

Loại bài tóm tắt này rất phổ biến ở một số sản phẩm thông tin hiện nay, như Bản tin điện tử của Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, các bản tin tóm tắt của Trung tâm Thông tin – Thư viện của Đại sứ quán Hoa Kỳ, các tạp chí nghiên cứu khoa học.

Độ dài của bản tóm tắt hỗn hợp cũng dao động từ 100 từ đến 250 từ. Cũng có trường hợp dài đến 500 từ.

Tóm lại, hiện nay trong các sản phẩm thông tin tồn tại và phát triển 4 loại tóm tắt, đó là, tóm tắt mô tả, tóm tắt thông tin, tóm tắt hỗn hợp, tóm tắt phê phán. Tuỳ từng mục đích của sản phẩm hay dịch vụ thông tin mà ta có thể sử dụng dạng bài tóm tắt nào cho phù hợp để có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ thông tin.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Abstract and abtracting / Lancaster ed. – London, 1998.

2. Giuk, I.P. Annotasia v kataloge massovoj biblite- ki. - M., 1929.

3. Introduction to the Techniques of Information and Documentation. - Paris : UNESCO, 1983.

4. King, Lester S. The book review. - Jama, Vol 205.- 1968.

5. Lê Văn Viết. Cẩm nang nghề thư viện. - H. : Văn hoá Thông tin, 2000. - 630 tr.

6. Nguyễn Như Ý. Đại từ điển tiếng Việt. - H. : Khoa học xã hội, 2003.

7. Nguyễn Thị Kim Loan. Quy tắc mô tả nội dung tài liệu bằng bài chú giải, tóm tắt / Nguyễn Thị Kim Loan. - H.: Thư viện Quốc gia, 1998. - Lưu hành nội bộ.

8. Phan Huy Quế. Biên soạn bài chú giải và bài tóm tắt tài liệu : Giáo trình. - H. : Trung tâm Thông tin Tư liệu Khoa học và Công nghệ Quốc gia, 1998. - Lưu hành nội bộ.

9. Sumarin. Metodika sostavlenja annotasii. - M., 1997.

10. TCVN 4524-88. Xử lý thông tin : Bài tóm tắt và bài chú giải. - có hiệu lực từ 01-01-1989.

 

___________________

Th.S. Nguyễn Thị Kim Loan

Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội

Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(23) – 2010 (tr.23-27)


Đọc thêm cùng chuyên mục: