Hội thảo “Bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học” - Một số nội dung tham luận về việc khai thác, sao chép tài liệu trong hoạt động thư viện

E-mail Print

Thực hiện Quyết định số 2584/QĐ-BVHTTDL ngày 05/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội thảo về bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học đã được Cục Bản quyền tác giả tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10/2024 dưới 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp và 40 đại biểu tại các điểm cầu đến từ các cơ quan liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học, cơ sở giáo dục, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, một số công ty luật và cơ quan truyền thông báo chí.

2024-10-21-hoi-thao- 1

Toàn cảnh Hội thảo

Hiện nay, công tác xây dựng pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại nước ta đang ngày càng hoàn thiện. Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023. Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan.

Thực thi Luật SHTT đối với vấn đề bản quyền trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng như việc sao chép sử dụng tài liệu phục vụ hoạt động này tại các cơ quan thông tin, thư viện là một nội dung quan trọng với nhiều điều luật quy định liên quan. Thảo luận cho các nội dung này được tập trung vào Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Chương III - Giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan, Mục 1 - Ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan gồm các quy định về sao chép một phần tác phẩm, sử dụng hợp lý tác phẩm, sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ, trích dẫn hợp lý tác phẩm (từ Điều 25 đến Điều 28); Sử dụng tác phẩm thư viện không nhằm mục đích thương mại và ngoại lệ không xâm phạm (Điều 29, Điều 30)... Các tham luận đã làm nổi bật những nội dung chính là xác định quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, các chủ thể có quyền sao chép, khai thác tác phẩm; thực tiễn sao chép, khai thác; các quy định đối với việc khai thác: sao chép, sử dụng trích dẫn tài liệu.

Tại Hội thảo, ThS Trần Quang Trung - Phó Trưởng khoa Luật, Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), đã phân tích và trình bày về chủ thể quyền sao chép và giới hạn sao chép. Cụ thể như:

Về tính chất pháp lý: Khoản 3 Điều 20 Luật SHTT quy định sao chép tác phẩm là quyền tài sản của tác giả hoặc người được tác giả cho phép. Điều này cũng có nghĩa là các cá nhân, tổ chức không được pháp luật trao quyền này có nghĩa vụ tôn trọng quyền sao chép của tác giả, tức không được tùy tiện sao chép. Nói cách khác, quyền sao chép được bảo đảm và hiện thực hóa bằng hai cách: chủ thể có quyền tiến hành sao chép và nghĩa vụ tuân thủ không sao chép của cá nhân, tổ chức khác.

Về chủ thể quyền sao chép và giới hạn sao chép: Khoản 2 Điều 20 Luật SHTT quy định, quyền sao chép do tác giả/ chủ sở hữu quyền tác giả (QTG) độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Ngoài ra, Khoản 1 Điều 25 Luật SHTT và Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định hai trường hợp được sao chép không quá một bản tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm: (i) cá nhân tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy và (ii) thư viện được sao chép tác phẩm để lưu trữ với mục đích nghiên cứu. Như vậy, về mặt pháp lý, có bốn chủ thể được sao chép hợp pháp, gồm: tác giả/ chủ sở hữu QTG, người được tác giả cho phép, cá nhân giảng dạy, nghiên cứu và thư viện.

Điểm c Khoản 1 Điều 20 Luật SHTT quy định sao chép tác phẩm là quyền tài sản của tác giả/ chủ sở hữu QTG. Khoản 2 Điều 20 nêu rõ các quyền này do tác giả/ chủ sở hữu QTG độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Bên cạnh đó, Khoản 10 Điều 28 quy định hành vi nhân bản, sản xuất bản sao mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là xâm phạm QTG. Do vậy, trong các trường đại học, tuy Luật SHTT không có quy định cấm nhưng mặc nhiên hiểu rằng, sinh viên/ học viên không thuộc nhóm chủ thể có quyền sao chép nên không được sao chép.

ThS Ngô Kim Hoàng Nguyên - Giám đốc Trung tâm thông tin thư viện Trường Đại học Luật Tp. HCM đã phân tích chi tiết về các quy định của Điều 25 Luật SHTT và các quy định chi tiết của điều này trong Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 25 Luật SHTT quy định các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt liên quan đến hoạt động thư viện. Trường hợp ngoại lệ trong hoạt động thư viện:

Thứ nhất, tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập (Điểm a, Khoản 1, Điều 25 Luật SHTT). Theo quy định, cá nhân có quyền tự sao chép một bản của tác phẩm đã công bố để phục vụ cho việc học tập hoặc nghiên cứu khoa học mà không cần xin phép hay trả tiền bản quyền, với điều kiện không sử dụng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng đối với việc sao chép bằng các thiết bị sao chép như máy photocopy hay máy scan. Điều này có nghĩa là người dùng thư viện được phép sao chép một bản của tác phẩm, nhưng chỉ trong phạm vi tự sao chép, ví dụ như ghi chép tay hoặc sử dụng các phương tiện cá nhân tự sao chép khác, nhằm khuyến khích việc tiếp cận tài liệu nhưng đồng thời ngăn chặn hành vi sao chép hàng loạt bằng thiết bị.

Thứ hai, sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép (Điểm b, Khoản 1, Điều 25 Luật SHTT). Việc sao chép một phần hợp lý của tác phẩm (không quá một bản của một phần tác phẩm - Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Điều 25) bằng thiết bị sao chép được phép nếu phục vụ cho mục đích học tập hoặc nghiên cứu, không sử dụng cho mục đích thương mại và phải bao gồm thông tin về quyền tác giả xuất hiện trên bản sao được sao chép theo quy định của pháp luật hoặc bao gồm chú thích rõ ràng về việc tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả nếu không có thông tin nào về quyền tác giả được tìm thấy trên bản sao được sao chép. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho việc sao chép một phần của tác phẩm, nhằm tránh lạm dụng bằng cách sao chép toàn bộ nội dung. Điều này vừa giúp bảo vệ quyền tác giả, vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của cá nhân mà không vi phạm quyền SHTT. Mặt khác, đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết, hành vi sao chép hợp lý là hành vi sao chép bằng cách photocopy, chụp ảnh hoặc hình thức tương tự khác tối đa không quá 10% tổng số trang hoặc tổng đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài nội dung của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang (Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Khoản 3 Điều 25). Nếu sao chép tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết với tỷ lệ phần trăm nhiều hơn mức quy định thư viện phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả (Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Khoản 4 Điều 25). Bên cạnh đó, hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm. Đối với thư viện khi tiến hành sao chép hợp lý tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu thì các thiết bị sao chép phải đặt trong khuôn viên thư viện đồng thời kèm theo thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Thứ ba, sao chép tác phẩm lưu trữ để bảo quản và phục vụ nghiên cứu (Điểm e Khoản 1 Điều 25, Luật SHTT). Theo quy định, thư viện có thể sao chép các tác phẩm lưu trữ nhằm mục đích bảo quản, với điều kiện số lượng bản sao lưu trữ không quá ba bản và bản sao đó phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và chỉ cho phép những đối tượng được tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện và lưu trữ (Nghị định 17/2023/NĐ-CP. Khoản 1 Điều 25), tuy nhiên việc sao chép này không nhằm mục đích thương mại. Mặt khác khi truyền tải tác phẩm qua mạng máy tính, số lượng người đọc đồng thời không được vượt quá số lượng bản sao mà thư viện sở hữu trừ trường hợp được chủ sở hữu quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên thị trường dưới dạng kỹ thuật số. Đồng thời thư viện phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả và không được cung cấp cho công chúng bản sao tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số bên ngoài khuôn viên của thư viện sử dụng hợp pháp bản sao đó (Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Khoản 3 Điều 29). Điều này giúp các thư viện bảo tồn tài liệu và hỗ trợ chia sẻ thông tin trong các hệ thống thư viện liên kết, đồng thời bảo đảm không vi phạm quyền tác giả và kiểm soát số lượng truy cập phù hợp với số lượng bản sao hợp pháp mà thư viện nắm giữ.

Thứ tư, sử dụng hợp lý tác phẩm để trích dẫn để bình luận, giới thiệu hoặc để minh họa trong giảng dạy (Điểm c Khoản 1 Điều 25, Luật SHTT). Quy định cho phép thư viện hoặc cá nhân trích dẫn tác phẩm một cách hợp lý để bình luận, giới thiệu, hoặc minh họa trong tác phẩm của mình mà không cần xin phép, với điều kiện không làm sai ý tác giả... Theo quy định Điểm đ Khoản 1 Điều 25 Luật SHTT hiện hành, việc trích dẫn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi của tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả. Mục đích của việc trích dẫn phải là để giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong tác phẩm của người trích dẫn. Điều này đồng nghĩa với việc người trích dẫn chỉ được phép sử dụng nội dung tác phẩm nhằm phục vụ mục đích như cung cấp thông tin hoặc phân tích vấn đề, đồng thời phải đảm bảo không làm sai lệch ý tưởng ban đầu của tác giả. Bên cạnh đó, việc trích dẫn không được gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. Mức độ trích dẫn phải hợp lý và không làm tổn hại đến giá trị thương mại của tác phẩm, đồng thời phải phù hợp với loại hình tác phẩm được trích dẫn, chẳng hạn như văn học, âm nhạc hay phim ảnh. Cuối cùng, việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc của tác phẩm và tên tác giả nếu có, nhằm tôn trọng quyền nhân thân của tác giả và khách quan trong việc sử dụng tác phẩm. Như vậy, tác phẩm có thể được trích dẫn (sử dụng hợp lý) để bình luận, giới thiệu hoặc để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn hoặc chương trình phát sóng với mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có thể bao gồm việc cung cấp tài liệu qua mạng nội bộ, tuy nhiên, cần phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo rằng chỉ người học và người dạy trong buổi học mới có thể tiếp cận tài liệu. Quy định này hỗ trợ quá trình giáo dục bằng cách cho phép giảng viên và người học sử dụng một phần tác phẩm mà không vi phạm quyền tác giả, đồng thời yêu cầu các biện pháp bảo mật để tránh việc sử dụng tài liệu trái phép.

Thứ năm, sao chép tác phẩm cho người khuyết tật (Điểm m Khoản 1 Điều 25, Luật SHTT). Quy định cho phép người khuyết tật và những người hỗ trợ họ sử dụng tác phẩm một cách hợp lý để tạo điều kiện tiếp cận với học liệu. Quy định này đặc biệt quan trọng đối với các thư viện, giúp đảm bảo rằng người khuyết tật có thể tiếp cận tài liệu học tập thông qua các phương tiện hỗ trợ như sao chép, chuyển đổi định dạng tác phẩm sang sách nói hoặc chữ nổi. Đây là một phần của quy định nhân văn, nhằm bảo đảm quyền tiếp cận học liệu của mọi người, bao gồm cả những người khuyết tật, đồng thời thúc đẩy sự công bằng và hòa nhập trong môi trường học tập. Những quy định ngoại lệ trong Điều 25 của Luật SHTT cho phép hoạt động sao chép và sử dụng tác phẩm tại các thư viện với mục đích không thương mại, 7 học tập và nghiên cứu, nhưng vẫn bảo đảm việc không vi phạm quyền tác giả. Những ngoại lệ này được quy định để cân bằng giữa lợi ích của tác giả và nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng, đặc biệt là trong các môi trường giáo dục và nghiên cứu.

ThS Phạm Thị Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện Trường Đại học Luật Hà Nội đã trình bày chi tiết và nhận định một số quy định chưa thực sự phù hợp về một số văn bản quy định về tài nguyên số cho thư viện cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và các văn bản của Nhà trường cho các nội dung liên quan. Cụ thể:

- Thông tư số 14/2023/TT-BGDĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn thư viện cơ sở giáo dục đại học trong đó quy định về tài nguyên thông tin như sau: Khoản 1 Điều 4 Thông tư quy định “Có đủ tài nguyên thông tin phù hợp với mỗi chuyên ngành đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, gồm: Giáo trình, tài liệu tham khảo và tài liệu nội sinh”. Về tài nguyên thông tin, một số thông tư quy định “Giáo trình, tài liệu tham khảo bảo đảm các quy định về SHTT, được số hóa theo thỏa thuận của cơ sở giáo dục đại học với tác giả. Với các giáo trình, tài liệu tham khảo đã được số hóa thì số bản sách bảo đảm tối thiểu 50% định mức quy định tại Điểm b, c Khoản 2 Điều này. Thông tư 14/2023 quy định đối với xuất bản phẩm là tài liệu in thư viện phải có ít nhất 50 bản/tên giáo trình/1.000 người học, tài liệu tham khảo khác 20 bản/tên/1000 người học của chương trình đào tạo và đối với giáo trình, tài liệu tham khảo được số hóa, Thư viện phải có 50% của bản in tức là thư viện phải có 25 bản/1000 người học đối với giáo trình và 10 bản đối với tài liệu tham khảo. ThS Mai cho rằng quy định này chưa phù hợp và khó khả thi bởi những lý do sau: Thứ nhất: Nếu giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo không phát hành trên thị trường thì thư viện không thể bổ sung ngay cả khi trường sẵn sàng đầu tư kinh phí; Thứ hai: Đối với các giáo trình, sách tham khảo, chuyên khảo là các tài liệu tham khảo bắt buộc hoặc tự chọn trong danh mục đề cương môn học đã được thư viện bổ sung trước đó thì các thư viện phải bổ sung hồi cố toàn bộ học liệu liệu có khả thi?; Thứ ba: Nếu thư viện đã bổ sung sách điện tử thì vẫn phải bổ sung thêm 10 bản/1000 người học/chương trình đào tạo trong khi kinh phí cho việc mua tài liệu ngoại văn rất đắt. Thực tiễn, người học có thể đến trực tiếp tại thư viện để đọc, nghiên cứu hoặc tải về thông qua hệ thống máy tính của trường…

Các ý kiến kiến nghị có sự thống nhất với nhiều điểm chung như: Kiến nghị sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật: Đề xuất điều chỉnh Luật SHTT để tạo thuận lợi cho việc sử dụng tài liệu số trong giáo dục và nghiên cứu. Trong đó đặc biệt lưu ý tiếp thu các quy định ngoại lệ mang tính mở về bản quyền tác phẩm số trong hoạt động giáo dục và nghiên cứu của các quốc gia trên thế giới; Xây dựng cơ chế cấp phép linh hoạt: Khuyến khích các cơ chế cấp phép mở (open licensing) và việc sử dụng tài liệu giáo dục công cộng (OER); Nâng cao nhận thức về bản quyền trong môi trường giáo dục: Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tuyên truyền rộng rãi cho giảng viên, người học về tầm quan trọng của bản quyền; Khuyến khích hợp tác quốc tế: Học hỏi và áp dụng các mô hình quốc tế thành công trong quản lý và bảo vệ bản quyền.

Đối với các thư viện: Cần triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, chẳng hạn như thiết lập quy định nội bộ về giới hạn sao chép và sử dụng công nghệ giám sát để ngăn chặn lạm dụng quyền sao chép; Bảo quản và sao chép tài liệu lưu trữ tại thư viện cần được thực hiện theo quy định, pháp luật…

Thông qua các tham luận, ý kiến trao đổi và kiến nghị tại Hội thảo, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có những giải đáp và ghi nhận nhằm góp phần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

__________

Tin bài: Thu Trang


Đọc thêm cùng chuyên mục: