Khi cầm trên tay “Nhật ký nhà giáo vượt Trường Sơn”, tôi vẫn còn chưa hết cảm giác băn khoăn về tựa đề của nó bởi chữ “Nhà giáo”. Tôi luôn tưởng tưởng ra nhà giáo là người mảnh khảnh, khoan hoà, chỉ quen với bảng đen và phấn trắng, sao lại là “vượt Trường Sơn”? Tôi hối hả đọc, rất muốn xem cuốn nhật ký này khác với những cuốn nhật ký mình đã từng đọc ra sao mà bạn tôi lại đưa cho tôi với một thái độ nâng niu, trân trọng như thế!
Nhật ký chiến trường của Nhà giáo Liệt sĩ Võ Tề do NXB Giáo dục ấn hành vào những ngày thu tháng 8 năm 2006, gồm 3 phần:
Phần I: Vượt Trường Sơn ra tiền tuyến;
Phần II: Hoạt động trên chiến trường khu 6;
Phần III: Thư của Nhà giáo, Liệt sĩ Võ Tề gửi về gia đình.
Ngoài ra phần phụ lục cũng đem lại cho người đọc sự xúc động bởi những dòng tâm sự từ người thân của Nhà giáo, Liệt sĩ Võ Tề đầy yêu thương và tiếc nhớ. Những bức ảnh còn đậm nét như bóng dáng anh vẫn còn đây, không phai nhạt trong tâm trí những người đã từng sống và làm việc với anh, khắc thêm trong trái tim tuổi trẻ hôm nay một nét son về một tấm lòng và nhân cách đáng để chúng ta học tập.
Nhà giáo Liệt sĩ Võ Tề tham gia thiếu sinh quân từ năm 15 tuổi, rồi được đào tạo sư phạm trở thành thầy giáo. Mười lăm năm miệt mài đưa đón những con thuyền học trò cập bến bờ trên đất Bắc cũng không cản được bước chân anh ra với chiến trường khi tổ quốc lâm nguy. Dù con tim đau nhói khi phải xa nơi mình đã gắn bó với gia đình thân yêu, với những trò nhỏ ngoan hiền, nhưng cùng chung một nhịp đập trong trái tim lớn của dân tộc, anh đã thực sự thấm nhuần câu thơ nổi tiếng: “Khi tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.
Chính anh đã tâm sự: “Từ một giáo viên, bây giờ anh lại trở thành một cán bộ có tính cách đe-giê-năng”. Anh tham gia vào nhóm biên soạn tờ báo Vượt Trường Sơn. Lại thêm nhiệm vụ “đập tan những luận điệu xuyên tạc, truy lùng và bắt đi cải tạo những tên điệp ngầm”. Anh còn “được phân công tổ chức học tập cho số nghĩa quân cầm súng chạy về”. Rồi lại còn kiêm luôn cả chức y tá. Anh cũng chính là tác giả bài thơ gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Xuân Hồng phổ nhạc thành bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã hát say sưa.
Những tháng ngày nơi rừng thiêng nước độc, đối diện với bao hiểm nguy, anh vẫn luôn lạc quan, hăng say trong công tác, và bên anh bao giờ cũng có cuốn sổ nhỏ để ghi những dòng tâm tư, chia sẻ cùng anh nỗi nhớ nhà, thắp lên cho anh ước mơ, niềm tin vào ngày mai tươi sáng.
Dù mỗi người có những dòng cảm xúc khác nhau về cuộc chiến, nhưng khi đọc những cuốn nhật ký chiến trường, tôi đều thấy cháy lên một niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng của cách mạng ta, đều cảm nhận được những tâm hồn chiến sĩ nồng nàn, yêu cuộc sống, đều nhận ra sự nghiêm khắc của các chiến sĩ với bản thân mình để phấn đấu cho sự nghiệp chung. Và cao hơn hết là ý thức của họ, họ ý thức được mình là một ngọn lửa góp vào muôn nghìn ngọn lửa cùng nhau thắp sáng con đường tiến lên độc lập tự do của dân tộc. Nhà giáo Liệt sĩ Võ Tề cũng thế, anh “biết chắc chắn một điều: Mình cũng sẽ làm việc như những chiến sĩ mình đã gặp trên các nẻo đường ở đây. Họ gầy gầy, có người xanh vì sốt nữa, nhưng họ cháy một niềm tin cách mạng miền Nam nhất định thắng. Rồi đây, từ bên ngoài đến bên trong tâm hồn, mình cũng sẽ thế”.
Mà lạ quá, trong chiến tranh ác liệt, trong cái khắc nghiệt của vùng rừng núi, anh vẫn không thôi làm thơ, những lời thơ giản dị, thắm đượm tình cha con, tình vợ chồng, tình đồng chí, tình quê hương, cách mạng. Phải chăng nhờ có những vần thơ đó mà biết bao tâm hồn đã chiến đấu và chiến thắng. Nhờ có những lời thơ an ủi tâm hồn khi tuyệt vọng, vực dậy lý trí khi quỵ ngã, xoa dịu vết thương trong trái tim rướm máu... mà những người đang lấy thân mình làm bia đỡ đạn mới có thể vượt qua cái chết đang cận kề. Niềm hy vọng luôn bừng lên trong thơ: “Năm nay vui Tết rừng xanh. Tết sau về giữa đô thành đóng xuân”. Đường xa trắc trở cũng nhờ thơ mà bớt xa xôi: “Miễn sao giữ vững đôi giò. Tinh thần thật vững, chẳng lo đường dài”. Ý chí chiến đấu nhờ thơ mà càng thêm quyết tâm: “Bác dạy: Quyết chí làm nên. Ghi tạc lời Bác, nuôi thêm chí bền”. Nhớ vợ, thương con cũng nhờ thơ an ủi cho dịu đi niềm thương, nỗi nhớ: “Con ơi con ngủ cho ngoan. Cha con vững dạ về Nam diệt thù”. Rồi chính anh còn tưởng tượng ra “vợ ta bật đèn sáng lên” và ghi nhật kí: “Anh ơi từ ngày anh đi đến giờ em luôn nhớ anh. Nhiều lúc em nằm mơ thấy em cùng anh đi lên dưới ánh sáng rực rỡ. Chúng ta không phải như sao Hôm sao Mai. Em với anh là ngôi sao chiến sĩ nằm trong bầu trời Việt Nam đầy sao”. Sao tâm hồn những người ra trận lại mênh mông và đẹp đẽ đến thế!
Trong những bức thư Võ Tề gửi người thân, anh cũng chia sẻ với mọi người về đời sống thường ngày cũng như những suy nghĩ về cuộc chiến, về những người xung quanh. Viết thư cho vợ, anh tâm sự: “Cuộc hành quân trên con đường thiên lý này của bọn anh quả là có một không hai trên đời... Anh ghi lại đây bài thơ, anh nghĩ ra trên một ngày đường hành quân: Ôi vĩ đại thay/ Đường Hồ Chí Minh/ Đường nối đất nước mình/ Một kỳ công sáng tạo/ Đổ hàng triệu lít mồ hôi/ Rơi rơi hàng bao nhiêu giọt máu...”. Viết thư cho cha mẹ, anh nói: “Công việc đang dồn dập, làm tuy nhiều nhưng con không cảm thấy mệt”. Viết thư cho anh chị, anh chia sẻ niềm hăng say trong chiến trường: “Nhân dân căm thù giặc Mỹ và tay sai cao độ. Họ đã dần dần thấy rõ không thể ngồi kêu khóc, mà phải tham gia hăng hái vào việc chống Mỹ cứu nước, cứu nhà. Vì vậy, việc đi dân công, đi học tập, đi tòng quân... ngày một sôi nổi, đông đảo”... Có thể thấy, trong những bức thư viết vội trên những mảnh giấy ít ỏi của Nhà giáo, Liệt sĩ Võ Tề gửi cho người thân ngoài Bắc bao giờ cũng toát lên tình yêu thương, nỗi niềm thương nhớ và trên hết là thái độ lạc quan, ý chí chiến đấu mạnh mẽ, lòng yêu nước nồng nàn. Anh chính là biểu tượng của một thế hệ giàu lòng nhân ái, giàu đức hy sinh và tâm hồn luôn phơi phới niềm tin cách mạng, luôn vun đắp cho lý tưởng mình đã trọn ngày càng nở hoa rực rỡ. Nhất là lá thư cuối cùng, người đọc biết là lá thư cuối cùng nên đọc đến sao mà nghẹn ngào, tiếc thương, trong khi những lời lẽ của anh thì vẫn mê say và lạc quan nghĩ đến ngày trở về, mong chờ được tắm trong niềm vui chiến thắng, xem việc mình đang làm sẽ còn làm dài lâu: “Chủ nghĩa anh hùng cách mạng lòng tự hào dân tộc và lòng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ đã là chuyện của mọi ngày và mọi người”.
Những dòng hồi ức mọi người viết về anh cũng khiến người đọc thực sự xúc động. Chị dâu của anh là họa sĩ Vũ Giáng Hương đã kết thúc hồi ức rằng: “Bốn mươi năm đã trôi qua, từ ngày Tề ra đi và hy sinh như một người chiến sĩ. Chỉ tiếc rằng em đã mất đi giữa lúc còn thanh niên mang theo cả khả năng và hoài bão của tuổi trẻ... Người trí thức đã đem cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, để lại nỗi tiếc thương cho gia đình và bè bạn”. Còn con gái của anh, nay cũng đã thành nhà giáo như cha thì không nén nổi xúc động: “Khi đánh máy lại những dòng tâm sự của cha đối với tôi, mắt tôi đã nhoà đi và thổn thức không sao đánh tiếp được. Tôi cảm thấy quý giá cuộc sống cha đã cho tôi, trân trọng những gì tôi đã có và biết ơn những người như cha tôi đã hy sinh cuộc sống của mình để dành cuộc sống hạnh phúc cho những đứa con yêu thương của họ”. Vợ anh, người nhiều tâm sự nhất đã kể về anh, về cuộc sống của chị khi vắng anh tường tận và nhiều xúc động rồi cũng tự dặn mình yên lòng vì “Anh đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu thương của anh vẫn ở lại: anh ủi, động viên vợ con. Anh sống mãi bên cạnh mẹ con tôi”.
-----------------
Thùy Dung - TVQG
< Prev | Next > |
---|