Huế qua miền di sản

E-mail Print

Huế là mảnh đất thơ, mảnh đất của đền đài, lăng tẩm chất chứa bao câu chuyện lịch sử, là quần thể di tích cố đô vinh dự được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1993. Phạm Thị Dung là một cử nhân Sư phạm Ngữ văn sinh ra và lớn lên ở Huế. Dòng máu quê hương đã đem lại cho con người chị nguồn cảm hứng vô tận về miền đất thần kinh này. Với mong muốn đưa Huế đến với những ai yêu Huế, muốn khám phá Huế, chị đã cho ra đời tác phẩm “Huế - qua miền di sản” dày 331 trang, khổ 14,5 x 20,5 cm do NXB Thuận Hóa ấn hành.

Cuốn sách nhỏ này là những trang giấy ghi lại ký ức gắn bó với Huế, những suy nghĩ về những di tích, danh thắng cố đô, những tư liệu sưu tầm cho công tác hướng dẫn trong gần 20 năm qua của tác giả tại Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Sách gồm 7 phần:

Phần 1: Di tích - Danh thắng xưa và nay đưa người đọc chìm đắm vào dòng Hương Giang thơ mộng, về với “Ngự Bình thông reo”, “lên đồi Vọng Cảnh”, “đến với Chín Hầm”, rồi sang thăm đền cổ Hòn Chén.

Phần 2: Địa danh văn hóa đưa chúng ta về với “Quốc Học ngôi trường thế kỷ”, nhớ lại “một thời Đồng Khánh - Hai Bà Trưng”, bước chân trên “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp”, rẽ qua chợ Đông Ba rồi qua thăm ga Huế.

Phần 3: Làng quê nổi tiếng có “Kim Long con gái mỹ miều”, rồi qua thăm Phường Đúc, Vĩ Dạ, Thuận An, “ngơ ngẩn bâng khuâng” cùng Châu Hóa - “mảnh đất đứng giữa ngã ba sông”.

Phần 4: Kiến trúc tôn giáo tiêu biểu với những ngôi chùa Huế như Từ Đàm, Từ Hiếu, Thiên Mụ, Huyền Không. Thăm hai nhà thờ Phù Cam và Đức Mẹ có “kiến trúc độc đáo, ấn tượng nổi bật trên không gian phía Nam thành phố, lặng lẽ như dòng chảy của sông An Cựu”. Vào đan viện Thiên An với “đường dốc ngoằn ngoèo in bao dấu chân qua những rặng thông già ngút ngàn xanh, vi vu gió, miên man nỗi buồn hoài niệm”.

Phần 5: Một phần di sản có Đàn Nam Giao với lễ Tế Giao, “lên Văn Miếu” thời Gia Long với hai hàng bia đá trạm trổ nghệ thuật mang đậm dấu ấn đặc trưng thời nhà Nguyễn. Di Luân Đường và điện Long An là những kiến trúc đẹp còn bảo lưu khá nguyên vẹn qua dặm dài lịch sử. Hồ Quyền và điện Voi Ré cũng là di tích độc đáo trong quần thể kiến trúc lịch sử, văn hóa cố đô.

Phần 6: Kinh thành cổ kính với: Đại Nội - trung tâm chính trị và hành chính của triều Nguyễn; Ngọ Môn - cửa chính của hoàng thành nhìn về hướng Nam thời Minh Mạng; Điện Thái Hòa - ngôi điện lớn và quan trọng nhất trong hoàng thành. Ngoài ra là Thế Miếu, Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh với những chi tiết lịch sử nổi bật.

Phần 7: Lăng tẩm các triều vua. Vào thời các vua nhà Nguyễn có Lăng Gia Long nằm giữa vùng núi đồi hùng vĩ bên dòng Tả Trạch Hương Giang; Lăng Minh Mạng với sự hoàn chỉnh, ngăn nắp uy nghi; Lăng Thiệu Trị hài hòa, giản dị nằm giữa vùng đất bằng gần gũi với đồng quê; Lăng Tự Đức là bức tranh hoàn mỹ về phong cảnh thơ mộng, trữ tình, hài hòa các yếu tố âm dương; Lăng Dục Đức phản ánh một giai đoạn bi thương của lịch sử triều Nguyễn; Lăng Đồng Khánh là sự hỗn hợp, pha trộn của kiến trúc và hiện vật trưng bày trong nội thất; lăng Khải Định với nghệ thuật ghép mảnh sành sứ đạt đến đỉnh cao.

Phần 8: Nét riêng xứ Huế viết về ký ức màu áo tím, hoàng mai mang sắc vàng tơ lụa, những món ăn đời thường của Huế với hương vị đậm đà khó phai cùng “dạ thưa tiếng Huế bây giờ”… khiến cho người đọc khép sách lại vẫn còn âm ba.

---------------- 

Thùy Dung - TVQG