Chẳng khó gì để mỗi ngày chỉ tiêu tốn cho văn hóa đọc chừng 15-30 phút, và một tác phẩm văn học hay không thể cho rằng quá đắt nếu nhìn vào những cuộc chơi bạc triệu của không ít “cô chiêu, cậu ấm", của những “quý ông, quý bà”. Nhưng...
Nói đến văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, một nhà phê bình văn học từng ta thán: ”Sự thực là những người đọc trẻ hiện nay chẳng mấy thiết tha với văn hóa đọc, nhất là đọc những tác phẩm văn chương... Nói rõ hơn và cũng xót xa hơn, vì không quan tâm đến chuyện đọc văn học trong nước và kể cả văn học dịch, nên những người đọc trẻ đã tự chuốc lấy một hệ lụy nhãn tiền là nhiều người trong số họ đã không thể viết tiếng Việt một cách trong sáng nữa, nghĩa là không thể sử dụng tiếng mẹ đẻ thật thành thục như đúng ra, phải thế một cách mặc nhiên...”.
Những ngườiđọc trẻ vẫn không thiếu sự đam mê với sách
Cùng lúc, văn hóa nghe - nhìn lại bị “kết án” đã “lấn át văn hóa đọc” dẫu rằng, đó vẫn là một “kênh thông tin” cực kỳ quan trọng trong thời đại ngày nay.
Nhận xét về “văn hóa đọc” và “văn hóa nghe nhìn”, Hồng Dương (lớp A4, K40, tiếng Anh thương mại, Đại học Ngoại thương Hà Nội) khẳng định, nhiều loại sách báo giải trí dễ khiến lớp trẻ đọc theo kiểu hưởng thụ hơn là suy ngẫm. Vì thế, tiếp cận với tác phẩm kinh điển, họ thường thấy khó hiểu và ngại đọc. Với Hồng Dương, “...đọc trên mạng hay đọc kiểu truyền thống không quan trọng. Quan trọng là có biết tìm đúng sách để đọc hay không mà thôi !”.
Phó giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Xuân cũng thừa nhận: ”Thực ra, có nhiều cách để đọc, dù trên mạng hay trên sách và dù cuộc sống có hiện đại, văn hóa đọc vẫn tồn tại”. Theo người cán bộ ngành thư viện đã có đến 30 năm gắn bó với nghề này thì, “khi đọc những trang sách in, sự cảm nhận sẽ tốt hơn và ấn tượng sẽ sâu hơn". Song, cũng theo chị, "vẫn đáng lo ngại khi giới trẻ đang ít đọc hơn”.
Thế nhưng, cũng thật khó để chỉ “báo động” một chiều dù số liệu thống kê của Cục Xuất bản cho thấy, bình quân mỗi năm, một người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo. Nhưng giới trẻ đọc gì ? Theo một cuộc thăm dò do Báo Lao động tiến hành, loại sách được đọc nhiều nhất là... truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%).
Trao đổi với Giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam (chi nhánh Đà Nẵng - Hội An) Lưu Văn Tuyến về vấn đề văn hóa đọc, anh vẫn không giấu sự lạc quan: ”Chỉ so sánh doanh thu về sách của chúng tôi - không tính đến sách giáo khoa - trong 6 tháng đầu năm 2006 và 2007 thì mức độ tăng đến hơn 30%. Điều này đồng nghĩa, văn hóa đọc vẫn không bị mai một như chúng ta lo ngại. Có chăng, sự suy giảm văn hóa đọc ở các tỉnh lẻ là đáng quan ngại”.
Dẫu những người làm công tác liên quan đến văn hóa đọc như chị Xuân hay anh Tuyến nhìn nhận vấn đề với một cái nhìn rộng mở, vẫn không thể không giấu được sự lo ngại khi một thí sinh thi đại học khẳng định, "do bị áp bức, Thúy Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Giang để tự tử. Sau đó, Kiều được cứu và tham gia cách mạng để trở thành anh hùng...Tạ Thị Kiều (!)". Hay nói như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: ”Không có văn hóa đọc văn chương tiếng Việt một cách tử tế thì không thể có sự tiếp nhận văn chương tiếng Việt tử tế và đương nhiên, sẽ không có một lối viết tử tế đối với tiếng Việt. Sự khiếm khuyết về tâm hồn của một bộ phận người đọc trẻ hôm nay đã và đang bộc lộ khá rõ”.
Lý giải về việc “ít đọc hơn trước”, hẳn nhiều người sẽ viện ra rất nhiều lý do “thời gian, tiền bạc và áp lực của công việc”. Nhưng, có khó khăn lắm không khi mỗi ngày dành cho văn hóa đọc chừng 15-30 phút. Và một tác phẩm văn học hay không thể cho rằng quá đắt nếu nhìn vào những cuộc chơi bạc triệu của không ít “cô chiêu, cậu ấm", của những “quý ông, quý bà”...
------------------------------------------------
Tác giả: Vũ Bảo Nguyên
Nguồn: www.thanhnien.com.vn
URL: http://www1.thanhnien.com.vn/Vanhoa/2007/8/18/205402.tno
< Prev |
---|