Văn bia tiến sĩ biểu tượng và niềm tự hào của Hà Nội

E-mail Print

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quan trọng, nằm giữa Thủ đô Hà Nội, là biểu tượng muôn đời của văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày gần 1000 năm, trường đại học đầu tiên này đã đào tạo hàng ngàn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước. Với vai trò là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, nơi đây đã hun đúc nên bao truyền thống văn hóa, giáo dục quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Nói đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám chúng ta không thể không nhắc đến những tấm Bia tiến sĩ từ lâu đã được xem là một trong những di sản văn hóa vô giá – những trang sử bằng đá của cha ông ta để lại. Hơn nữa, những tấm bia này còn là một biểu trưng, là lời khuyến học hùng hồn nhất cho những kẻ sĩ, sĩ tử thời xưa và những học sinh, sinh viên hôm nay. Bia tiến sĩ được vinh dự đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một vị trí nằm ở Trung tâm Thăng Long – Hà Nội. Thăng Long – Hà Nội vốn là nơi hội tụ tinh hoa, trí tuệ của Việt Nam, từ 1000 năm nay luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Đây cũng là nơi phản ánh những đặc trưng rõ nét nhất nền văn hóa Việt Nam. Dựng bia tại Thăng Long là góp phần làm phong phú, tạo bản sắc cho văn hóa Việt.

Bia Tiến sĩ Văn Miếu được công nhận là Di sản tư liệu ngày 09/03/2010. Đây là Di sản tư liệu thứ 2 của Việt Nam sau Mộc bản triều Nguyễn được đưa vào danh mục Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World) của UNESCO. Sự kiện này vô cùng ý nghĩa với Thủ đô trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bia đá đặt tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi những người đỗ trong các kỳ thi tuyển Tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến 1779. Có 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi được dựng. Tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779.

Theo ông Đặng Kim Ngọc – Giám đốc Trung tâm Văn Miếu: 82 bia đá các khoa thi Tiến sĩ là những bản tư liệu gốc duy nhất hiện còn ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Đây là những pho sử đá về lịch sử văn hóa giáo dục Việt Nam mang tính độc đáo và duy nhất, bởi trải dài gần 300 năm với 82 khoa thi Nho học, còn bia đá ở Văn Miếu - Huế có niên đại từ 1822 đến 1919 với 43 khoa thi. Mỗi bia Tiến sĩ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo; trán bia, diềm bia, chân bia đều có những hình ảnh điêu khắc tinh xảo, phản ánh sinh động cảnh sinh hoạt của người dân; hình ảnh quan văn, quan võ; các đề tài trang trí “lưỡng long chầu nguyệt”, “lưỡng long tranh châu”. Trong khi đó, các bia đá khác trang trí đơn giản, ít tính thẩm mĩ. Vật liệu dựng bia là đá xanh được tuyển chọn rất kỹ, việc tạo dáng và khắc bia cũng rất công phu, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và kỹ năng chế tác. Bên cạnh đó, nội dung bia đá Văn Miếu - Hà Nội cũng phong phú hơn. Nội dung mỗi tấm bia như là một câu chuyện có mở đầu có kết thúc với 3 phần: tiêu đề, bài ký, họ tên các Tiến sĩ và quê quán. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực thể hiện rõ quan điểm tư tưởng về triết học, sử học, về giáo dục đào tạo và sử dụng nhân tài. Những điều này đã tạo nên tính duy nhất, độc đáo của bia đá Tiến sĩ Văn miếu - Quốc Tử Giám.

Tham quan khu bia đá, chúng ta có thể tìm thấy tên tuổi của nhiều danh nhân từng được nhắc đến trong các sách sử Việt Nam như: Nhà sử học Ngô Sĩ Liên - Tiến sĩ năm 1442 đã soạn bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư; nhà bác học Lê Quý Đôn - tác giả của Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ…; nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc Ngô Thì Nhậm đỗ Tiến sĩ khoa 1775, đã giúp vua Quang Trung chiến thắng quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử… Điều đặc biệt, qua các tấm bia đá này, chúng ta không chỉ biết đến thân thế sự nghiệp của các sử thần Việt Nam mà chúng ta còn được hiểu hơn về mối quan hệ bang giao giữa các nước vùng Đông Nam Á.

Trong số 1.304 tiến sĩ được khắc tên trên 82 bia đá, Hà Nội có 225 vị từng được cử đi sứ sang Trung Quốc vào các triều Minh (1368-1644), triều Thanh (1644-1911). Lê Quý Đôn (1726-1784) đỗ tiến sĩ năm 1752, đã để lại nhiều ấn tượng khi đi sứ sang Trung Quốc. Ông đã tiếp xúc, giao lưu, trao đổi về văn chương, học thuật với các học giả, nhà thơ Trung Quốc và Triều Tiên. Tri thức và tài văn chương của Lê Quý Đôn được các sứ thần Triều Tiên và Trung Quốc ca ngợi.

Không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê - Mạc, Bia Tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam được thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài của cha ông ta. Chế độ quân chủ tập quyền Việt Nam thời Lê rất trọng dụng nhân tài, coi “nhân tài là nguyên khí quốc gia”, là nguồn gốc sự hưng thịnh của đất nước. Điều này đã được thể hiện rõ ngay ở tấm bia đầu tiên (khoa 1442): “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Tấm bia năm 1448 lại nhắc “Nhân tài đối với quốc gia quan hệ rất lớn”“Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”. Nhiều tấm bia sau cũng nhắc đi nhắc lại ý “nhân tài là nguyên khí quốc gia”. Các vị vua nhà Lê, nhà Mạc đã dựa vào Nho giáo, sử dụng tri thức Nho giáo để đào tạo và tuyển chọn nhân tài. Tiêu chuẩn “Hiền”, “Tài” để tuyển chọn cũng theo quan niệm của Nho giáo. Nhà nước lấy thi cử làm cách thức chủ yếu để tuyển chọn nhân tài. Năm 1484, vua Thái Tông nhà Lê xuống chiếu: “Muốn có nhân tài trước hết phải chọn người có học, phép chọn người có học thì thi cử làm đầu”. Năm 1499, vua Lê Hiến Tông cũng có sắc dụ rằng: “Nhân tài là nguyên khí của Nhà nước, nguyên khí mạnh thì trị đạo mới thịnh, khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thẳng mở thì chân nho mới có”... Bia các năm 1556, 1604, 1703, 1763, 1772 nhấn thêm ý “phải vun trồng, bồi dưỡng nhân tài”. Những điều trên đây cho thấy rằng, chủ trương phát triển giáo dục, trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước là một chủ trương được coi trọng hàng đầu, cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ thời đại nào trong quá trình xây dựng và phát triển quốc gia cường thịnh.

Giá trị và nét độc đáo của 82 bia Tiến sĩ chính là những bài văn khắc trên bia. Trên thế giới nhiều nước dựng bia, nhưng chỉ duy nhất Bia Tiến sĩ Văn Miếu có bài ký ghi lịch sử các khoa thi và triết lý của triều đại về nền giáo dục và đào tạo, sử dụng nhân tài. Những bài ký trên bia Tiến sĩ được viết bằng chữ Hán với những cách viết khác nhau, khiến cho mỗi tấm bia như một tác phẩm thư pháp. Những bài văn bia này phần lớn đều do những danh nhân văn hóa, trí thức lớn của đất nước soạn, nên về cơ bản là những tác phẩm vô giá, góp phần làm nên truyền thống văn hóa, giáo dục của Việt Nam.

Cho đến nay, phần lớn các hoa văn và văn tự trên mỗi bia đá còn rõ, có khả năng đọc được. Các bài văn bia cho biết rõ ngày tháng dựng bia, tên của người soạn văn bia, người dựng bia. Chữ viết trên bia, các hoa văn trang trí cùng phong cách tạo dáng bia, rùa đều mang dấu ấn của thời đại sản sinh ra chúng.

Bia Tiến sĩ có tác động xã hội to lớn đối với người đương thời và hậu thế. Được ghi tên trên bia đá đó là niềm khích lệ lớn đối với việc học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho đất nước và xã hội. Bia Tiến sĩ cũng là biểu tượng và niềm tự hào của sự thành đạt và trí tuệ. Có thể thấy việc tổ chức UNESCO thế giới công nhận bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di sản tư liệu của quốc tế là một trong những sự kiện lớn và niềm tự hào của toàn thể nhân dân thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Không phải ngẫu nhiên mà trong buổi lễ đón bằng công nhận 82 bia tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám là di sản tư liệu thế giới, Phó Thủ tướng Chính Phủ - Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá: Bia tiến sĩ bằng đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một tài sản văn hóa vô giá của dân tộc Việt Nam, một biểu tượng tôn vinh đạo hiếu học, truyền thống đào tạo nhân tài bổ sung nguyên khí cho đất nước của nhân dân ta… Bởi vậy, việc bia đá được công nhận là di sản tư liệu thế giới là niềm tự hào, tự tôn của hào khí dân tộc.

Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442-1779) được công nhận Di sản tư liệu thế giới là một món quà ý nghĩa đối với Thủ đô Hà Nội. Đó không chỉ là việc công nhận một di sản quý của cha ông để lại cho Hà Nội, mà còn là một phần của bức tranh đẹp về Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng trong dịp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bia Văn Miếu Hà Nội / Hoàng Văn Lâu, Phạm Văn Thắm, Phạm Thị Thoa... ; Dịch sang tiếng Pháp: Lãnh Tùng, Hoàng Minh Thái. – H.: Thế giới, 1997.– 154tr.; 21cm.

2. Đặng Kim Ngọc. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu thế giới “Bia đá các khoa thi tiến sĩ 1442-1779” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám // Kỷ yếu hội thảo – Tập huấn quốc tế “Bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu” ngày 18/08/2010 tại Hà Nội.

3. Đỗ Văn Ninh. Quốc Tử Giám và trí tuệ Việt / Đỗ Văn Ninh. – H.: Thanh niên, 1999. – 255tr.; 19cm.

4. Trần mạnh Thường. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám / Trần Mạnh Thường b.s. – H.: Lao động xã hội, 2007. – 74tr., 12tr. ảnh; 19cm.

5. Văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam / Trịnh Mạnh giới thiệu, biên dịch, chú thích. – Tái bản lần thứ 1. – H.: Giáo dục, 2008. – 999tr.; 24cm.

6. http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/03/3BA1992E

7.http://baomoi.com/Info/82-bia-tien-si-Van-mieu-duoc-cong-nhan-di-san-tu-lieu-the- gioi/54/4097439.epi.

 

_______________

Hoàng Nguyễn tổng hợp

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 5(25) – 2010 (tr.16-19)


Đọc thêm cùng chuyên mục: