Theo từ điển trực tuyến Wikipedia – Bách khoa toàn thư mở, khái niệm Web 2.0 đầu tiên được Dale Dougherty, Phó Chủ tịch của O’Reilly Media đưa ra tại hội thảo Web 2.0 lần thứ nhất vào tháng 10 năm 2004. Dougherty không đưa ra định nghĩa mà chỉ dùng các ví dụ so sánh phân biệt Web 1.0 và Web 2.0: DoubleClick là Web 1.0; Google AdSense là Web 2.0. Ofoto là Web 1.0; Flickr là Web 2.0. Britannica online là Web 1.0; Wikipedia là Web 2.0. v.v... Ban đầu, Web 2.0 được chú trọng tới yếu tố công nghệ, nhấn mạnh tới vai trò nền tảng ứng dụng. Nhưng đến hội thảo Web 2.0 lần 2 tổ chức vào tháng 10 năm 2005, Web 2.0 được nhấn mạnh đến tính chất sâu xa hơn - yếu tố cộng đồng.
Quả đúng như vậy, theo một chuyên gia của O’Reilly tổng kết ngắn gọn: Web 2.0 là một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp máy tính. Nó xảy ra khi người ta chuyển sang dùng Internet như một nền tảng và cố gắng tìm hiểu cách thức thành công trên nền tảng mới này. Quy tắc chính là: Xây dựng các ứng dụng có thể tận dụng các “hiệu ứng mạng” để tạo ra các giá trị tốt hơn và (vì thế) có nhiều người dùng hơn (nói cách khác là “trí tuệ tập thể”).
Tại Đại hội CONSAL 14 (Đại hội cán bộ thư viện các nước Đông Nam Á) tổ chức tại Việt Nam năm 2009, có nhiều tham luận của đại diện đến từ nhiều quốc gia như: Barbro Thomas (Thụy Điển) – Các thư viện địa phương trong triển vọng toàn cầu hoá. Liên kết các thư viện địa phương vào mạng lưới quốc gia và quốc tế; Mila Medina Ramos (Philippines) – Thư viện ảo GGIAR: Khai thác công nghệ mới cho việc truy nhập thông tin nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp; Wiratna Tritawirasta (Indonesia) – Pusteling: Thư viện điện tử lưu động ở In-đô-nê-xi-a; Zulkefli Mohd Yusop (Malaysia) – Các ứng dụng Web 2.0 nhằm nâng cao dịch vụ tra cứu ở thư viện đại học... đã nhấn mạnh vào vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng Internet trong việc chủ động tiếp cận người sử dụng thông tin. Đồng thời, các diễn giả cũng nhấn mạnh vào việc ứng dụng công nghệ Web 2.0 trong thư viện nhằm hướng tới việc cung cấp dịch vụ thư viện thân thiện, cũng như tăng khả năng tương tác giữa người sử dụng và thư viện – người dùng quyết định nội dung website: Người dùng vừa tiếp nhận thông tin, vừa cung cấp thông tin và có thể hiệu chỉnh nội dung.
Vậy, để hướng đến người sử dụng thông tin và marketing hoạt động thư viện, các thư viện sẽ ứng dụng được những gì khi áp dụng cộng nghệ Web 2.0?
+ Tự do về thông tin với RSS
Thuật ngữ RSS không còn xa lạ trong những năm gần đây, đó là một tiêu chuẩn định dạng tài liệu dựa trên XML nhằm giúp người sử dụng dễ dàng cập nhật, tra cứu thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất bằng cách tóm lược thông tin vào trong một đoạn dữ liệu ngắn gọn, hợp chuẩn. Có rất nhiều phần mềm miễn phí cho phép hỗ trợ “đóng gói” những chuyên đề, chủ đề mà người dùng tin thường xuyên sử dụng – có thể từ nhiều trang web khác nhau. Phần mềm giúp họ truy cập dữ liệu mà không cần trực tiếp vào trang web với những tin chính mới nhất được hiển thị như: tiêu đề, tóm tắt và cả đường kết nối để xem toàn bộ tin.
Phần mềm miễn phí GreatNews cho phép người sử
dụng tạo nhiều mục chuyên đề RSS linh hoạt
Với nhiều tính năng linh hoạt của phần mềm, cho dù dữ liệu trên trang web của các thư viện là rất nhiều, người sử dụng vẫn có thể nhanh chóng cập nhật thông tin một cách tự động, tiện lợi với sự hỗ trợ RSS của các trang web. Đặc biệt các phần mềm tạo thư mục liên kết RSS của các trang web miễn phí cho phép các thư viện cập nhật lên và sử dụng trên trang web của mình nhằm hỗ trợ người dùng tin tạo ra nhiều mục chuyên đề cho riêng mình để truy cập nhanh chóng đến các nguồn thông tin, tải bài viết mới về lĩnh vực người dùng tin đã đăng ký mà không phải xem (duyệt web) lần lượt toàn bộ thông tin của trang web.
+ Tự do về dữ liệu
Có rất nhiều người sử dụng internet hiện nay nói rằng họ không hiểu rõ về web API, RSS, mashup, tag… Đó chính là những công cụ giúp người dùng internet truy cập và tải dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau trên web mà không cần phải truy cập trực tiếp vào trang web đó. Dùng API của Flickr, người sử dụng internet có thể xem các hình ảnh trên trang web này mà không cần phải vào Flickr. Flickr là một trang web và các dịch vụ web dùng để chia sẻ hình ảnh, và là một diễn đàn cộng đồng trực tuyến. Flickr được xem như một kiểu mẫu sớm nhất cho ứng dụng Web 2.0. Ngoài là một trang web phổ biến để người dùng chia sẻ ảnh cá nhân, dịch vụ còn được các blogger biết tới rộng rãi như một kho hình ảnh phong phú. Sự phổ biến của Flickr được kích thích nhờ những công cụ cộng đồng trực tuyến sáng tạo của nó cho phép hình ảnh được ghi thẻ và duyệt qua bằng các hình thức folksonomy (một tiện ích trang web). Tính đến tháng 8 năm 2007, Flickr có một kho hình có đến 1 tỷ hình ảnh, và đến tháng 11 năm 2008 là 3 tỷ hình.
Flickr, một kho hình ảnh trực tuyến
Những thông tin, dữ liệu ở trên web luôn có rất nhiều và trước kia người dùng ineternet không thể tải về dùng một cách tự động và tiện lợi. Tuy nhiên, Web 2.0 đã cho phép thực hiện được việc này.
+ Băng thông rộng
Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ đường truyền internet tại Việt Nam như Viettel, VNN, FPT liên tục mở những chiến dịch tiếp thị, khuyến mại, giảm giá cho các cơ quan, tổ chức trong nước, đặc biệt là đối với các cơ quan thư viện, các trường đại học, cao đẳng sử dụng các gói dịch vụ internet tốc độ cao với đường truyền ADSL, cáp quang (tín hiệu đạt ổn định là 12 Mb đến 24 Mb/giây). Web 2.0 tận dụng việc phổ biến của đường truyền băng thông rộng như ADSL, cáp quang… khi ấy, các cơ quan thư viện có thể giúp bạn đọc truy cập, tải một đoạn video được biên tập và đưa lên trang web thư viện từ đường link đến YouTube thật dễ dàng. Nếu không có băng thông rộng như hiện nay thì hầu hết các ứng dụng Web 2.0 chắc chắn sẽ không thực hiện được.
+ Đa liên kết
Web 2.0 là sự liên kết giữa người với người (MySpace), giữa các từ khóa, khái niệm với nhau (Wikipedia), giữa các trang web với nhau… Web 2.0 đã thay đổi cách liên kết từ quan hệ một- nhiều, tức là từ một trang web tới những người truy cập sang quan hệ nhiều-nhiều bằng các mối liên kết mới, đa chiều. Khi ấy, mỗi người dùng tin là khách hay thành viên của thư viện (có tài khoản riêng), khi tham gia vào Web 2.0 của các thư viện sẽ dễ dàng trao đổi, tham khảo và chia sẻ thông tin, cùng chung tay với cán bộ thư viện xây dựng nội dung trang web thư viện ngày một phong phú, đa dạng, sinh động và tích cực hơn. Việc làm này làm thay đổi nhận thức của cán bộ thư viện và người sử dụng đó chính là việc biến người cán bộ thư viện là người tổ chức – quản lý thông tin, người dùng thư viện thành người sử dụng thông tin chứ không chỉ đơn thuần là “lấy” (đọc thông tin) thông tin một chiều.
+ Đặt con người lên trên công nghệ
Vào năm 2006, tuần báo Time đã bầu “person of the year” là YOU. Tại sao lại có điều đó? Bởi vì con người chính là trung tâm của web 2.0. Theo báo Time, cuộc cách mạng Web 2.0 là tâm điểm của năm 2006! Đó cũng chính là đặc điểm dễ thấy nhất của Web 2.0, và người cán bộ thư viện cần hiểu rõ người dùng thư viện cần gì trên web và thỏa mãn nhu cầu tin của họ bằng những ứng dụng linh hoạt của Web 2.0, đồng thời có “mảng trời riêng” (diễn đàn/blog) dành cho mọi đối tượng người dùng tin của thư viện.
+ Thay đổi suy nghĩ Web chỉ là một dạng báo/tạp chí điện tử
Sự ra đời của nhiều trang tin điện tử với tin tức cập nhật thường xuyên, đã có lúc người ta coi Web là một dạng truyền thông như báo chí vì tính một chiều của nó. Nhưng điều đó sẽ hoàn toàn khác với Web 2.0 vì thực tế cho thấy có những việc chúng ta chỉ có thể làm thông qua Web chứ không thể qua báo chí hay truyền hình. Đó chính là tính tương tác mà Web 2.0 đem lại làm cho Web vượt qua khái niệm một trang báo điện tử: nó sẽ trở thành một phương tiện giao tiếp hơn là một công cụ chỉ mang tính chất thông tin tuyên truyền. Đến nay, phần lớn trang web của các cơ quan thư viện trong nước mới chỉ dừng lại như một trang tin tức, cập nhật dưới dạng báo điện tử. Chính vì lẽ đó mà người cán bộ thư viện cần nhanh chóng tiếp cận và vận dụng linh hoạt những ứng dụng mà Web 2.0 mang lại.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động phục vụ, thỏa mãn nhu cầu thông tin, cung cấp dịch vụ trực tiếp tại thư viện cho người dùng thư viện… các thư viện Việt Nam cần hướng tới một thư viện thân thiện với người dùng, tiếp thị thư viện, xây dựng hình ảnh thư viện thông qua việc vận dụng linh hoạt tiện ích của Web 2.0 nhằm hướng tới cộng đồng người dùng thư viện trên khắp thế giới thông qua website thư viện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Duane Forrester (2009). Blog - con gà đẻ trứng vàng: Sách hướng dẫn phương pháp thiết kế, tối ưu và kiếm lợi nhuận với blog, Văn hoá Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh.
2. Lê Minh Hoàng (2007). Blog cho mọi người (tập 1, 2), Lao động Xã hội, Hà Nội.
3. Nancy Flynn (2008). Quy tắc vàng sử dụng blog: Cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách quản lý, quan hệ công chúng và các vấn đề pháp lý liên quan đến blog, Tri thức, Hà Nội.
4. Nhóm tác giả Elicom (2001). Xây dựng trang Web động với ASP, Thống kê, Hà Nội.
5. Phạm Hữu Khang (2004). Xây dựng ứng dụng Web bằng PHP & MySQL, Nxb. Cà Mau, Cà Mau.
6. Thạc Bình Cường (2009). Giáo trình thiết kế Web: Dùng cho các trường đào tạo hệ Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp, Giáo dục, Hà Nội.
8. http://www.web2vietnam.com/
_________________
Ths. Nguyễn Hữu Nghĩa
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(26) – 2010 (tr.33-36)
< Prev | Next > |
---|
- Đào tạo cán bộ thư viện thực trang và giải pháp
- Xây dựng định mức lao động - hạt nhân của đổi mới tổ chức lao động khoa học trong các thư viện đại học Việt Nam
- Củng cố vững mạnh mạng lưới thư viện huyện, thị
- Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác thư viện
- Một vài suy nghĩ về khả năng và lộ trình áp dụng RDA vào Việt Nam
- Làm thế nào để phát triiển văn hóa đọc ở Thủ đô Hà Nội
- Di sản văn hóa thành văn và văn hóa đọc Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
- Sức sống ngàn năm của sản phẩm văn hóa đọc Thăng Long - Hà Nội
- Văn bia tiến sĩ biểu tượng và niềm tự hào của Hà Nội
- Đi tìm các bậc tiền bối ngành thư viện Việt Nam