Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới”

E-mail Print

Ngày 5/12/2018, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” nhằm đánh giá thực trạng và kết quả hoạt động của ngành Thư viện trong thời gian qua; xác định các yêu cầu, phương hướng đặt ra với các thư viện Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tới dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; các nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, các Cục, Vụ thuộc Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an…; đại diện Lãnh đạo Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hội Thư viện Việt Nam, một số Sở VHTTDL, các thư viện công cộng, thư viện đa ngành, chuyên ngành, thư viện trong lực lượng vũ trang; thư viện đại học; thư viện trường học, cơ sở giáo dục ngành thư viện...

alt

Quang cảnh Hội thảo

Trong những năm gần đây, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, thói quen của người sử dụng thư viện có nhiều thay đổi, nhưng dịch vụ thư viện chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Vấn đề bản quyền, vấn đề tự chủ hoạt động cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống thư viện.

Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu tham luận tập trung vào một số nội dung: Đánh giá thực trạng hoạt động của các loại hình thư viện và đóng góp trong việc phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương, các ngành, các lĩnh vực; Xác định những yêu cầu của xã hội đặt ra với thư viện và mô hình hoạt động thư viện trong thời kỳ mới; Đào tạo và nâng cao trình độ nguồn nhân lực thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thư viện; Làm rõ vai vai trò của thư viện trong cuộc sống hiện đại, mô hình thư viện tương lai, phương thức quản lý, vận hành để đổi mới hoạt động, đáp ứng được sứ mệnh đối với sự phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế - xã hội, góp phần hình thành con người Việt Nam toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn, các mô hình hoạt động hiệu quả và đề xuất sáng kiến, tham mưu để Chính phủ cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chỉ đạo, nhằm định hướng phát triển ngành Thư viện trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

alt

Đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của ngành Thư viện trong thời gian qua, nhất là các cách làm hay của một số thư viện như: Thư viện học đường thân thiện ở Lào Cai, huy động nguồn lực xã hội hóa lập nhiều thư viện ở Nam Định, thư viện tư nhân của nhóm bạn trẻ ở Thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội)… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Thư viện cần thay đổi nhận thức để thư viện không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản tài liệu mà còn phải là nơi trao truyền tri thức, thu hút người dân đến với thư viện bằng nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo. Chỉ có đổi mới, thư viện mới thu hút được bạn đọc, nâng cao được vị trí, vai trò của mình, tránh tình trạng sáp nhập vào các thiết chế văn hóa khác. Trong tình hình hiện nay, công nghệ thông tin phát triển đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động thư viện, làm sao để phục vụ bạn đọc mọi lúc, mọi nơi, chứ không chỉ trong thư viện. Vì vậy, ngành Thư viện cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu đọc của người dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường liên kết để chia sẻ nguồn dữ liệu số.  Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, hệ thống thư viện của nước ta có thể biến thách thức thành cơ hội để hoạt động hiệu quả hơn trong thời gian tới, đem nguồn tri thức to lớn phục vụ hữu ích cho cộng đồng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp các ý kiến của đại biểu, lập đề án phát triển, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện trong tình hình mới một cách khoa học, hợp lý, thuyết phục để trình Chính phủ, nhằm có những cơ chế, chính sách tốt nhất cho sự phát triển của hệ thống thư viện Việt Nam.

___________

Tin và ảnh: Thanh Hà


Đọc thêm cùng chuyên mục: