Tôi xin được thay mặt anh em hội cựu chiến
binh Thư viện Quốc gia Việt
Như đã thành thông lệ, năm nào cũng thế, bắt
đầu từ tháng mười hai, không những chúng tôi mà rất nhiều đoàn cán bộ, cựu
chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc
lại hành hương về thăm lại chiến trường xưa. Nhưng cuộc hành trình thăm lại
chiến trường xưa của hội cựu chiến binh Thư viện Quốc gia Việt







Chuyến đi nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập
Quân đội nhân dân Việt Nam và 20 năm ngày quốc phòng toàn dân đã đưa chúng tôi
đến giữa mênh mông đại ngàn,vi vu tiếng gió. Đó là Nghĩa trang Trường Sơn - nơi
an nghỉ của 10.363 liệt sĩ. Phần lớn trong số đó là những chiến sĩ Đoàn 559 anh
hùng - những chàng trai đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, cái tuổi mà các cụ ta
thường nói "mười bẩy bẻ gãy sừng trâu”. Họ đã chiến đấu và hy sinh vì sự
nghiệp thống nhất đất nước.
Quả thật, để có một cuộc hành trình như thế thật khó, nên anh em trong đoàn luôn chuẩn bị rất là chu đáo mọi việc. Đoàn đã chuẩn bị đặt sẵn các vòng hoa ở những nơi sẽ đến. Khi chúng tôi làm lễ, cả cánh rừng đại ngàn dường như lặng gió để lắng nghe những lời tâm sự của những người đồng đội về thăm lại đồng đội xưa. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mỗi người một tâm trạng, có người tự dưng nước mắt cứ trào ra, rồi nấc lên từng tiếng, có người âm thầm khóc, có người trầm ngâm nhớ lại cả một vùng ký ức đầy bi thương và hùng tráng.
Chuyến đi của chúng tôi rất suôn sẻ. Anh lái xe rất vui tính khá am hiểu về địa lý nên trên đường đi nên chúng tôi không gặp vấn đề gì khó khăn.. Có hôm cả đoàn đói nhừ cả bụng mà chẳng ai thấy ai than thở mệt mỏi chút nào.
Quảng Trị, nơi có Nghĩa trang Quốc gia lớn nhất nước, những ngày này tấp nập những dòng người đổ về từ mọi miền đất nước, thắp hương tưởng nhớ những đồng bào, đồng đội đã hy sinh xương máu cho hòa bình hôm nay....
Bao nhiêu năm đã đi qua, từ trận đánh khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (kể từ 30-3-1972), cuộc sống trên mảnh đất Quảng Trị đã dần hồi sinh. Nhưng ký ức về một cuộc chiến khốc liệt với sự hy sinh của hàng nghìn người lính trong đó có rất nhiều những người lính tuổi đời còn rất trẻ như anh Nguyễn Xuất Hiện 14 tuổi vẫn in sâu trong tâm tưởng từng người dân Quảng Trị .



Trở lại chiến trường xưa sau nhiều năm xa cách, ông Phạm Hoa Lá bùi ngùi nhớ lại: “Quảng Trị thời máu lửa chưa có cầu bắc qua sông Thạch Hãn như bây giờ, chúng tôi đã phải bơi qua sông giữa làn mưa bom của kẻ thù. Nhiều khi, cả đoàn 10 người cùng sang sông thì chỉ có 1 hoặc 2 người sang được bờ bên kia”. Thắp nén nhang cho những người đồng đội đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng, điều mà người cựu chiến binh già trăn trở chính là những nấm mồ vô danh. “Tôi không thể hình dung và tả hết, chiến tranh quá khốc liệt. Đứng trước hàng nghìn ngôi mộ đồng đội, tôi nhớ đến những người cùng ăn cùng ngủ với mình đêm trước, sớm hôm sau đã hy sinh. Giờ người thì nằm đây, người thì không biết nằm đâu trong hàng nghìn nấm mộ vô danh”. Có ai biết rằng trong số đó có cả người bạn hàng xóm thân nhất của đồng chí. Trong 81 ngày đêm ấy, có những điểm chốt ngày đêm phải thay nhau bảo vệ có nhưng tiểu đoàn vừa vào đã phải thay bằng tiểu đoàn khác. Những ngày đêm không ngủ, chỉ ăn lương khô và uống nước lã, người nào hy sinh thì sẽ bổ sung người khác vào thay vị trí ngay. Có đồng chí vừa được bổ sung vào, chưa kịp biết tên, quê quán của nhau đã hy sinh. Có khi chỉ huy cũng chưa kịp biết tên, nhớ mặt chiến sĩ… Chúng tôi được một chị hướng dẫn viên với giọng nói truyền cảm, xúc động đã kể lại về thành cổ Quảng Trị sau 81 ngày đêm còn sót lại chúng tôi không ai kìm được những giọt nước mắt lăn dài trên gò má. Đứng bên tượng đài chạm khắc 81 phù điêu tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu chống quân thù, ai đã đến nơi đây có lẽ không thể nào không thắp một nén nhang để cầu mong cho những người đồng đội của mình được siêu thoát. Mỗi một lá cây ngọn cỏ tại thành cổ Quảng Trị này là tượng trưng cho tâm hồn của mỗi người lính, họ đã không tiếc máu xương của mình để cho dòng sông Thạch Hãn hôm nay chảy êm đềm. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một công viên văn hoá cho thế hệ trẻ Quảng Trị và cả nước. Là nghĩa trang nhưng không có một nấm mồ mà chỉ có một nấm mồ chung, đó là đài tưởng niệm chung cho các liệt sĩ... Trên chặng đường đi, chúng tôi còn được nghe rất nhiều những câu chuyện cảm động của những người lính. Nhưng sẽ chẳng có giấy bút nào kể hết được những câu chuyện cảm động, đau thương và anh dũng của họ.
Nếu ai đã từng đến Phong Nha, đều phải đi qua con đường quốc lộ 20, là đường nối Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Đường 20 chạy ra cửa khẩu Cà Roòng sang Savanakhet của Lào. Hiện nay trên bản đồ là đường 565. Đường chạy xuyên qua cánh rừng Kẻ Bàng nguyên sinh theo con đường lên dốc xuống dốc, qua ngã tư cắt với đường Trường Sơn Tây khoảng 2km, cách Lào 36km là hang Tám Cô, một địa danh có lẽ còn ít người biết đến. Câu chuyện về hang Tám Cô có lẽ còn đau thương hơn cả câu chuyện Ngã ba Đồng Lộc. Ngày 14 tháng 11 năm 1972, bom Mỹ đánh vào đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng. Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Người lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú. Không ngờ một khối đá lớn phía trên bị chấn động đã sập xuống che lấp cửa hang. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào. Khối đá quá lớn. Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị mắc trong đó. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách, kể cả dùng mìn phá đá, nhưng vô vọng. Sau 9 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu khóc bên trong nữa...


Nơi đó từ đó gọi là hang Tám Cô (dù chỉ thực sự chỉ có 4 cô). Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi cái hang oan nghiệt, và cùng được chôn cất với 5 chiến sĩ pháo cao xạ hy sinh cùng trận bom ngày 14/11/1972 đó.
Ngã ba Đồng Lộc
Có lẽ không ai trong chúng ta đã ít nhất một lần được nghe đến địa danh "Ngã ba Ðồng Lộc", một cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với những chiến công của các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng không phải tất cả chúng ta đều đã có dịp đến Ngã ba Ðồng Lộc, đã nhìn thấy những gì còn lại trên mảnh đất này và đã nghe câu chuyện về những con người ở đây trong thời kỳ máu lửa. Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi đã chọn Ngã Ba Ðồng Lộc làm điểm dừng chân cho chặng đường cuối cùng của mình. Mười cô gái đó là những chiến sĩ thuộc Tiểu đội 4, Ðại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh do tiểu đội trưởng Võ Thị Tần chỉ huy. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Người trẻ nhất tiểu đội là Võ Thị Hà, lúc đôi mắt khép lại Hà mới tròn 17 tuổi. Các cô gái TNXP này đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Những câu chuyện chúng tôi được nghe kể lại khiến cả đoàn bật khóc.
Khu di tích Đồng Lộc đã được xây dựng khang trang và trở thành điểm đến tham quan - tưởng vọng của hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước. Ngôi mộ của 10 cô gái xếp hàng ngay ngắn như đang tập hợp . Mộ các cô không giống như mộ các liệt sĩ ở các nghĩa trang trên khắp cả nước. Trên mỗi ngôi mộ là một bình hoa tươi toàn hoa cúc trắng, là nón lá, gương soi, lược chải đầu và một nắm trái bồ kết .
Qua đây ta thấy rằng để có ngày đất nước được hoà bình như hôm nay dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng một cái giá quá đắt, đó là sinh mạng của hàng triệu triệu thanh niên ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi như mười nữ liệt sĩ ở ngã ba Đồng Lộc. Họ đã chết cho chúng ta được sống. Bởi vậy chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Đó cũng chính là thông điệp mà tôi muốn gửi đến các bạn trẻ qua câu chuyện này .
---------------
Hoàng Việt - kể, Thùy Dung biên tập
< Prev | Next > |
---|