Hướng tới ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, Thư viện Quốc gia Việt Nam phối kết hợp với một số cơ quan, Ban ngành Trung ương, Hà Nội và một số thư viện tỉnh, thành phố tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2012 với chủ đề: “Sách - Tri thức: Khởi nguồn thành công”. Với những đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, Ngày hội đọc sách năm 2012 tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của việc đọc sách, tôn vinh tác giả, tác phẩm, ngành xuất bản, in, phát hành và thư viện Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của việc đọc sách, thực thi và bảo hộ quyền tác giả, vai trò của thư viện – môi trường đọc và học tập suốt đời của công chúng trong và ngoài nước.
Một trong những sự kiện đặc biệt năm nay là hoạt động triển lãm Giới thiệu những tác phẩm đạt giải thưởng "sách hay, sách đẹp" từ năm 2005 đến năm 2011; sách quí, sách cổ; sách trên những chất liệu đặc biệt và sách có kích thước to nhất, nhỏ nhất.
Theo tiêu chí này, ngay trong hoạt động quý I /2012, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chủ động gửi công văn tới các UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, các cơ quan ban ngành, các cá nhân, những nhà nghiên cứu, sưu tầm... để đặt vấn đề mượn các loại sách đặc biệt theo nội dung Triển lãm, nhằm giới thiệu tới mọi người dân về sự đa dạng, phong phú cũng như quý, hiếm của sách Việt Nam. Các loại tài liệu từ cổ đến kim, tài liệu lạ, độc bản, các sách hay đạt giải... đều đã được lựa chọn, trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm " Sách hay, Sách đẹp, Sách quí" năm nay.
Dưới đây, xin giới thiệu một số sách đặc biệt được trưng bày tại Triển lãm:
- Sách đồng: Các bài thơ được làm trên chất liệu giấy, lá, lụa, gỗ, đá... thì đã xuất hiện nhiều rồi, tuy nhiên làm thơ trên chất liệu đồng, vàng quả là hiếm gặp. Xuất phát từ ý tưởng mới, lạ, độc, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cùng người học trò của mình đã gò hàn trong vòng 5 năm để cho ra mắt 4 cuốn thơ bằng đồng với chủ đề: 30 năm tập tễnh làm thơ. 04 cuốn thơ này được gò bằng 4 thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp và Trung Quốc, khổ 45x65cm (tổng nặng 204kg). Tập thơ đồng này cũng đã được ghi vào cuốn Kỷ lục guinness Việt Nam năm 2007. Để sách có mặt tại cuộc triển lãm của Thư viện Quốc gia Việt Nam, chủ nhân của cuốn sách đã thuê xe chở từ Đà Lạt ra Hà Nội.
- Sách lá Buông: Khổ rộng 5x23cm được xem như một cổ vật chứa nhiều tư liệu bí ẩn. Cuốn sách này do họa sĩ Nguyễn Thành Đàm sưu tập. Nó có thể mở ra như quạt, gồm nhiều mảnh lá (trông giống lá cọ, đã được luộc, phơi khô, ép) xâu lại thành tập dày, có thể lật từng mảnh ra đọc, cả hai mặt lá đều có chữ khắc và những chữ đó theo giới khoa học nghiên cứu là chữ Thái cổ. Bìa sách là hai thanh gỗ khắc hoa văn hình quả trám. Sự độc đáo của cuốn sách ở chỗ khi viết cổ nhân đã dùng kim gai châm lên mặt lá biểu thị những ký tự cổ, sau đó dùng mực tàu pha mật cá chà lên chữ rồi rửa sạch. Mật cá hằn vào nét châm kim, “bây giờ không có gì lau được”.
Một số cuốn sách bằng lá Buông khác do Thư viện tỉnh Sóc Trăng (sưu tầm từ các chùa Khmer Nam bộ), Thư viện KHTH tỉnh Nghệ An cung cấp, được trưng bày tại triển lãm. Theo giới nghiên cứu văn hóa, đây có thể là những bản trường ca văn xuôi của các nhà sư, thầy mo hàng tổng, được đưa ra đọc trong ngày mừng nhà mới, uống rượu cần, hội xăngkhan, hội êngăn…Đặc biệt là có một số bộ sách Nôm-Dao (bản gốc) do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cung cấp đã được trưng bày, giới thiệu tại Triển lãm lần này.
- Mộc bản: Gồm 4 trong số 1000 mộc bản kinh Phật đang được lưu giữ tại chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) hiện đang trên hành trình để trở thành di sản của thế giới, khi được UNESCO đề cử và đã vượt qua vòng sơ thẩm. 04 bản này được Lãnh đạo Sở VHTTDL Bắc Giang và vị sư trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam mượn để giới thiệu bước đầu tới công chúng. Kích thước các mộc bản không đồng đều tùy theo từng kinh sách, bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40 - 50 cm, bản nhỏ nhất khoảng 15 x 20 cm..., một số ván in có những hoa văn và hình chạm khắc đặc biệt nhằm thể hiện những ý nghĩa triết lý riêng của đạo Phật. Kho tư liệu này được xem như một báu vật quốc gia, phản ánh những tư tưởng quan trọng trong triết lý Phật giáo Việt Nam.
- Sách đá: Thực chất là các cột kinh Phật bằng đá. Đây là các cột kinh bằng chữ Hán do Đinh Liễn – Hoàng tử nhà Đinh, con trai Đinh Bộ Lĩnh (tức Đinh Tiên Hoàng), người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) dựng năm 973. Trong số 100 cột kinh được dựng, hiện nay các nhà nghiên cứu phát hiện được di tích của gần 20 cột kinh tại Hoa Lư. Trưng bày tại triển lãm lần này là cột Kinh mô phỏng được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình. Nội dung của cột kinh đá là những lời sám hối của Đinh Liễn sau khi giết em trai là Hạng Lang, trong đó có đoạn:”... cơ sự đã đến nông nỗi chém giết nhau này, thật hối hận, bèn xin dựng một trăm tòa kinh báu dâng Phật cầu cho vong hồn em trai đã mất và các vong linh gia tiên được giải thoát khỏi sự bắt bớ tra hỏi nơi địa ngục...”.
- Sách được sản xuất từ chất liệu giấy Dó: Gồm 11 cuốn sách của người Dao (được viết dưới dạng chữ: Nôm-Dao cổ (tuổi thọ trên 200 năm), chữ Dao dịch ra chữ Việt và chữ Trung Quốc). Sách này được sưu tầm từ các bản dân tộc người Dao, sau đó tập trung lưu giữ và bảo quản tại UBND tỉnh Lào Cai. Tài liệu này chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu, không phục vụ rộng rãi quần chúng nhân dân. Nội dung của những tập sách này chủ yếu đề cập tới phong tục thờ cúng, thơ ca và truyện cổ tích. Hưởng ứng Ngày sách và bản quyền thế giới năm 2012, Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện để Thư viện Quốc gia Việt Nam giới thiệu với công chúng những bản sách đặc biệt này.
- Sách khổ nhỏ (được gọi là sách mini): gồm trên 100 cuốn, trong số đó có nhiều cuốn sách với xuất sứ đặc biệt do họa sĩ Nguyễn Thành Đàm sưu tập hoặc sản xuất cũng được trưng bày tại triển lãm. Điển hình như:
+ Cuốn sách độc nhất gắn với Hồ Chủ tịch - cuốn Lịch sử nước ta (in bằng thạch bản tháng 2-1942- còn lưu nguyên vân tay của Bác Hồ): Chỉ với một tập giấy mỏng, khổ 9x15cm (nhỉnh hơn bao thuốc lá), bằng giấy Dó, Bác đã tường thuật cả tiến trình hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thời “Hồng Bàng là tổ nước ta. Nước ta khi ấy gọi là Văn Lang” cho đến đầu thế kỷ 20. Tất cả chỉ 14 trang (hai trang mục lục) với 210 câu thơ lục bát mà nhắc đủ các triều đại, nhân vật lịch sử Việt Nam như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Đề Thám… Mỗi triều đại chỉ một đến ba, bốn câu thơ.
+ Cuốn Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh (khổ 9x11cm) được Họa sĩ Nguyễn Thành Đàm sản xuất riêng, in trên nền giấy Dó để anh hùng Phạm Tuân đem theo trong chuyến bay vào vũ trụ cùng nhà du hành vũ trụ Gorbatkô (Liên Xô). Đây là bản còn lại duy nhất trong số 10 bản được đặt sản xuất cho mục đích trên.
+ Nhỏ nhất trong tủ sách này là cuốn Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản công nhân của Marx-Engels (3x4cm), in năm 1978 bằng tiếng Đức. Cuốn sách mini mà bìa chữ vẫn có thể in chìm mạ vàng, gáy nổi. Cuốn sách nhỏ dày tới 340 trang mà từ trang đầu tới cuối mực vẫn đậm nét như nhau. Cuốn sách đã sử dụng phương thức in với kỹ thuật tinh xảo.
+ Cuốn Lê-nin của chúng tôi (Unser Lenin; 4x4.6cm), được in năm 1970 tại Liên Xô với số lượng 100 cuốn. Xung quanh bề dày của cuốn sách được phủ vàng để bảo vệ và có hộp bảo quản. Cuốn sách in nhân dịp ngày sinh lần thứ 100 của V.I. Lênin và dùng làm quà tặng cho đại diện các phái đoàn nguyên thủ quốc gia các nước tham dự Lễ kỷ niệm sinh nhật Người. Trong một dịp tham gia giảng dạy lớp tập huấn xuất bản sách mini, chủ nhân của tủ sách này đã được một cá nhân tặng với mong muốn cuốn sách được giới thiệu rộng rãi hơn nữa tới những người quan tâm, đặc biệt trong ngành in, xuất bản.
Ngoài các loại sách đã được giới thiệu trên, triển lãm còn giới thiệu nhiều loại tài liệu khác như: sắc phong được viết trên giấy lụa (bản gốc); sách khổ lớn; sách khổ lớn dành cho người khiếm thị; sách Hán – Nôm; sách được xuất bản từ thời Pháp thuộc (còn gọi là sách Đông Dương)...
Để có được sự đa dạng và phong phú của các thể loại tài liệu trưng bày trong Triển lãm nhân Ngày sách và Bản quyền thế giới năm nay, Ban tổ chức đã rất kỳ công liên hệ, mượn, sưu tầm, nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng và những người yêu sách, ham đọc sách những thông tin, những hiểu biết sâu hơn về một nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.
______________
Tin, ảnh: Hoàng Long
< Prev | Next > |
---|
- TVQG tặng sách thư viện danh nhân cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
- Hội nghị khoa học sinh viên khoa Thông tin – Thư viện trường ĐHKHXHNV Hà Nội lần thứ XVI
- Trưng bày sách, báo “Bắc Ninh - 15 năm qua những trang sách”
- Thư viện Quốc gia Việt Nam góp phần xây dựng Tủ sách Khu phố Bần Yên Nhân
- Khai giảng khóa tập huấn: “Nâng cao kỹ năng phục vụ bạn đọc cho cán bộ thư viện”
- Nói chuyện chuyên đề: "Chế độ chính sách đối với người lao động"
- Hội diễn văn nghệ: “95 mùa hoa bên trang sách”
- Đại sứ nước cộng hòa Venezuala tại Việt Nam đã trao tặng sách cho các thư viện Việt Nam
- Khai trương phòng Đọc sách thành phố Thái Nguyên
- Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập (14/2/1997-2012)