Hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp

Print

1. Chia sẻ tài nguyên thông tin

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực thư viện - thông tin. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 với nền tảng cốt lõi là công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và mạng lưới vạn vật kết nối Internet làm thay đổi phương thức hoạt động của thư viện. Các thế hệ thư viện thông minh ra đời, đem lại nhiều lợi ích cho người sử dụng (NSD) và các thư viện. Sự phát triển nhanh chóng của thư viện số và nguồn tài nguyên truy cập mở tạo cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin và tài liệu một cách dễ dàng, thuận lợi, không bị cản trở bởi thời gian, không gian và khoảng cách địa lý. Trong bối cảnh của sự bùng nổ thông tin, nhu cầu tin của NSD ngày một cao trong khi nguồn tài chính của các thư viện còn hạn hẹp, thư viện không thể đáp ứng nhu cầu của NSD. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu cho các thư viện là hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin để phát huy tối đa những lợi thế và lấp đầy khoảng trống về tài nguyên thông tin của mỗi thư viện.

Tài nguyên thông tin là khái niệm rất rộng của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ góc độ tiếp cận của từng ngành, từng lĩnh vực, “tài nguyên thông tin” được định nghĩa cũng khác nhau.

Theo Your Dictionary: “Tài nguyên thông tin là dữ liệu và thông tin được sử dụng bởi một tổ chức” [8].

M.P. Komarov (2000), tác giả cuốn sách “Infrastruktura regionov mira: Uchebnik” sử dụng khái niệm tri thức để định nghĩa tài nguyên thông tin như sau: “Tài nguyên thông tin là tri thức của một quốc gia, là phương tiện cho sự phát triển và ra đời của các giải pháp hiệu quả” [6].

B.Odintsov (2012) định nghĩa: “Tài nguyên thông tin là toàn bộ thông tin thu được và tích luỹ trong quá trình phát triển khoa học và hoạt động thực tiễn của con người được sử dụng trong sản xuất, quản lý và đời sống hàng ngày” [6].

Theo quan điểm của tác giả, từ góc độ tiếp cận của khoa học thư viện - thông tin: Tài nguyên thông tin là thông tin, tài liệu được lựa chọn, thu thập, xử lý, tổ chức và quản lý theo những quy tắc nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu của NSD và mục tiêu của tổ chức.

Chia sẻ tài nguyên thông tin: là việc thư viện hợp tác với một hoặc nhiều thư viện khác để tối đa hoá quyền truy cập tới nguồn tài nguyên lớn hơn bằng cách chia sẻ tài nguyên thông tin của các thư viện cùng hợp tác hoặc đóng góp kinh phí để mua tài nguyên số dùng chung [7].

1.1. Mục đích của việc hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin

- Tăng khả năng truy cập tới các nguồn thông tin, tài liệu và dịch vụ của thư viện;

- NSD dễ dàng tiếp cận tới các nguồn tài nguyên không sẵn có trong các thư viện nơi họ đang học tập, làm việc;

- Tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện;

- Tiết kiệm kinh phí cho việc bổ sung tài liệu và chi phí cho việc cung cấp dịch vụ thư viện;

- Tránh trùng lặp trong việc bổ sung tài liệu và xử lý thông tin;

- Cung cấp quyền truy cập rộng rãi hơn cho đông đảo NSD có nhu cầu;

- Phát triển các lĩnh vực chuyên biệt trong việc xây dựng bộ sưu tập tài liệu, mỗi thư viện tập trung vào lĩnh vực quan tâm của mình.

1.2. Nội dung hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin

- Mượn liên thư viện;

- Phối hợp bổ sung;

- Xử lý thông tin tập trung;

- Chia sẻ mục lục;

- Chia sẻ dữ liệu thư mục;

- Hợp tác vi phim tài liệu thư viện;

- Phối hợp xây dựng mục lục liên hợp;

- Trao đổi tài liệu;

- Trao đổi chuyên môn và nhân sự [5].

1.3. Mô hình hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin

Trên thế giới, tồn tại 2 mô hình hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin phổ biến là mô hình tập trung và mô hình phân tán:

- Mô hình tập trung: Mô hình khai thác tập trung là mô hình hướng tới NSD. Điểm mấu chốt của mô hình phối hợp này là tạo lập cổng thông tin dùng chung cho cộng đồng NSD của các thư viện tham gia hợp tác. Các thư viện cùng xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung và cung cấp các dịch vụ thư viện thông qua một cổng thông tin.

- Mô hình phân tán: Trong mô hình phân tán, không có cổng thông tin và CSDL dùng chung. Mỗi thư viện là một đơn vị cung cấp thông tin độc lập khi có yêu cầu từ phía thư viện hoặc từ NSD [2].

Việc hợp tác giữa các thư viện trong mô hình phân tán dựa trên cơ sở thoả thuận, cam kết của các thư viện, thông qua bản ghi nhớ hoặc thoả thuận song phương hoặc đa phương của lãnh đạo cơ quan chủ quản thư viện hoặc được phân cấp cho lãnh đạo các thư viện.

2. Thư viện luật ở Việt Nam

2.1. Tổng quan về thư viện luật ở Việt Nam

Ở Việt Nam, số lượng các thư viện chuyên ngành luật không nhiều, hiện có 10 thư viện, gồm:

- Thư viện của các cơ quan Nhà nước, Chính phủ: Thư viện Quốc hội, Thư viện Bộ Tư pháp, Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hệ thống Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân từ trung ương tới địa phương không có thư viện độc lập mà chỉ tồn tại phòng tư liệu thực hiện chức năng lưu trữ hồ sơ vụ án là chủ yếu.

- Thư viện của các cơ sở đào tạo ngành luật: Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội, Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện trường Đại học Luật - Đại học Huế, Thư viện Học viện Tư pháp, Thư viện Học viện Toà án, Thư viện trường Đại học Kiểm sát Hà Nội [3].

Ngoài ra, tại Thư viện của 64 trường đại học có khoa luật hoặc đào tạo mã ngành luật học, vốn tài liệu chuyên ngành luật chiếm số lượng nhất định [4].

Về quy mô, hầu hết các thư viện luật ở Việt Nam có quy mô trung bình và nhỏ. Tổng số người làm thư viện hiện có là 72 người. Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, 4/10 thư viện có cơ cấu tổ chức gồm: Ban Giám đốc (2 người), từ 2-4 tổ, phòng chuyên môn, người làm thư viện từ 9-15 người; 6 thư viện còn lại không phân chia thành các tổ, phòng chuyên môn, số người làm thư viện chỉ từ 2-7 người.

2.2. Tài nguyên thông tin

Để thực hiện bài viết này, tác giả đã tiến hành khảo sát 9/10 thư viện chuyên ngành luật, kết quả thu được như sau:

Theo số liệu thống kê tính đến tháng 8/2019, tổng số vốn tài liệu của 9 thư viện được khảo sát là 110.323 tên tài liệu (520.317 cuốn), 44.019 tên tài liệu số, 11 CSDL luật nước ngoài được các thư viện mua quyền truy cập.

* Về số lượng:

- Tài liệu in:

+ Thư viện Quốc hội có số tài liệu lớn nhất với 23.032 tên, chiếm tỷ lệ 20,88% tổng số tên sách hiện có của các thư viện luật. Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội có 19.248 tên tài liệu, chiếm tỷ lệ 17,45%. Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật

+ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có 17.772 tên tài liệu, chiếm tỷ lệ 16,11%. Trong khi đó, các thư viện có tài liệu ít nhất là Thư viện trường Đại học Luật - Đại học Huế là 2.527 tên tài liệu, chiếm tỷ lệ 2,27% và Thư viện Học viện Tư pháp có 2.500 tên tài liệu, chiếm tỷ lệ 2,29% tổng số vốn tài liệu của các thư viện.

2019 06 01 01

Hình 1: Biểu đồ cơ cấu tài liệu in - Số tên tài liệu

+ Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội có số lượng bản tài liệu lớn nhất với 191.562 bản, chiếm tỷ lệ 36,82% tổng số vốn tài liệu của các thư viện luật. Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh với 73.109 bản, chiếm tỷ lệ 14%... Trong khi đó, Thư viện Học viện Tư pháp và Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có số bản tài liệu ít nhất với 22.800 bản và 23.623 bản, chiếm tỷ lệ 4,38% và 4,54% tổng số vốn tài liệu của các thư viện.

2019 06 01 02

Hình 2: Biểu đồ cơ cấu tài liệu in - Số bản

- Tài liệu điện tử:

+ Tài liệu số: có 8/9 thư viện xây dựng được thư viện số trên cơ sở số hoá nguồn tài liệu nội sinh, gồm: giáo trình, tạp chí khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học, các tài liệu đặc thù của từng cơ quan, đơn vị như hồ sơ các vụ án, bài giảng điện tử… Tổng số tài liệu số hoá của các thư viện đã đưa ra khai thác, sử dụng là 44.019 tài liệu.

Thư viện Quốc hội có bộ sưu tập tài liệu số lớn nhất với 32.000 tài liệu, chiếm tỷ lệ 72,70%. Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội với 5.274 tài liệu, chiếm tỷ lệ 11,98%; Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 3.000 tài liệu, chiếm tỷ lệ 6,82%.

Thư viện trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang trong quá trình xây dựng thư viện số, hiện chưa hoàn thành. Các thư viện còn lại có số lượng tài liệu số rất hạn chế, gồm: Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 280 tài liệu, chiếm tỷ lệ 0,64%; Học viện Tư pháp có 383 tài liệu, chiếm tỷ lệ 0,87%; Thư viện Bộ Tư pháp có 685 tài liệu, chiếm tỷ lệ 1,56%.

2019 06 01 03

Hình 3: Biểu đồ cơ cấu tài liệu số hoá

+ Cơ sở dữ liệu:

Có 5/9 thư viện mua quyền truy cập 11 CSDL của nước ngoài như: Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (Westlaw, HeinOnline, sách điện tử Ig Publishing); Thư viện Quốc hội (OECD, JSTOR, ProQuest Central); Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội (HeinOnline, sách điện tử của Nhà xuất bản Đại học Oxford); Thư viện trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (sách điện tử, CSDL truy cập mở, chia sẻ CSDL dùng chung trong hệ thống Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); Thư viện trường Đại học Luật - Đại học Huế (ProQuest Central).

* Đặc điểm tài nguyên thông tin

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và đối tượng phục vụ, các thư viện ngành luật đã xây dựng các bộ sưu tập tài liệu phong phú, đa dạng. Ngoài những tài liệu mang tính phổ biến được sử dụng chung cho tất cả các thư viện chuyên ngành luật như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, sách tham khảo, chuyên khảo về luật, mỗi thư viện đã xây dựng được những bộ sưu tập mang tính đặc thù riêng, là thế mạnh của từng thư viện:

- Thư viện Quốc hội: là thư viện của cơ quan lập pháp, lưu trữ toàn bộ các tài liệu, thông tin về hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội: chuyên đề nghiên cứu, báo cáo điều tra xã hội học, báo cáo nghiên cứu, tài liệu hội thảo, toạ đàm, sách tham khảo phục vụ đại biểu Quốc hội.

- Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Thư viện Bộ Tư pháp có bộ sưu tập giá trị là các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước; tài liệu hội thảo, toạ đàm.

- Thư viện của các cơ sở đào tạo ngành luật có thế mạnh ở bộ sưu tập tài liệu nội sinh phong phú, là sản phẩm của hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường, gồm: giáo trình, tập bài giảng, luận án, luận văn, tạp chí khoa học và các ấn phẩm khác do trường chủ trì thực hiện.

2.3. Sản phẩm và dịch vụ thư viện - thông tin

- Sản phẩm thông tin chủ yếu gồm: Mục lục truy cập công cộng trực tuyến (OPAC), thông báo sách mới, thư mục chuyên đề. Ngoài ra, một số thư viện có những sản phẩm thông tin đặc thù như: Chuyên đề nghiên cứu, Báo cáo điều tra xã hội học, Tài liệu hội thảo, toạ đàm, Báo cáo nghiên cứu, Thư mục chuyên đề, Điểm báo, Danh mục tài liệu tham khảo của Thư viện Quốc hội; Bản tin Thư viện của Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội, Thư mục bài trích tạp chí của Thư viện Bộ Tư pháp.

- Dịch vụ thông tin: Ngoài các dịch vụ thông tin truyền thống như đọc tại chỗ, mượn về nhà, sao chụp, tư vấn hỗ trợ NSD, 4 thư viện đã triển khai dịch vụ mượn liên thư viện, gồm Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội, Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Thư viện Học viện Tư pháp. Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cung cấp các dịch vụ có thu phí như: dịch vụ ngắn hạn, dài hạn phục vụ NSD ngoài trường, dịch vụ tra soát luận án, luận văn.

3. Thực trạng việc hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam

Việc hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện luật ở Việt Nam được triển khai thực hiện ở thư viện của các cơ sở đào tạo ngành luật, gồm 06 trường: Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp.

Về mô hình hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ thư viện giữa 6 cơ sở đào tạo ngành luật áp dụng mô hình phân tán. Cơ sở pháp lý cho việc hợp tác chia sẻ thông tin giữa các thư viện luật là Biên bản ghi nhớ về việc trao đổi, chia sẻ tài liệu. Đây là thoả thuận hợp tác song phương giữa các trường, với các nội dung:

- Trao đổi tài liệu: Trao đổi tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, gồm giáo trình, tạp chí khoa học, các ấn phẩm khác thuộc sở hữu của mỗi trường.

- Chia sẻ tài liệu nội sinh: Tài liệu chia sẻ gồm: khoá luận, luận văn, luận án lưu trữ tại thư viện được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công trình nghiên cứu, giảng dạy. Hình thức cung cấp là bản sao.

- Chia sẻ tài liệu số: Thư viện cấp quyền truy cập thư viện số cho người làm thư viện, giảng viên, nhà nghiên cứu của mỗi trường có nhu cầu sử dụng tài liệu số [1].

Kết quả đạt được:

- Hoạt động trao đổi tài liệu, từ năm 2017 đến tháng 6/2019:

+ Giáo trình: Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội đã gửi đi 180 tên tài liệu (1.787 cuốn), trị giá 109.979.000đ; nhận về 217 tên tài liệu (2.170 cuốn), trị giá 172.769.000đ.

+ Tạp chí: Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội đã gửi đi 1.090 cuốn Tạp chí Luật học, nhận về 539 cuốn tạp chí khoa học của các trường.

2019 06 01 04

Hình 4: Bảng thống kê số lượng giáo trình trao đổi năm 2017-2019

- Chia sẻ dịch vụ thư viện - thông tin:

+ Chia sẻ tài liệu số: Việc chia sẻ tài liệu số được thực hiện thông qua đầu mối là người làm thư viện. Người làm thư viện mỗi trường được cấp tài khoản thư viện số theo danh sách đăng ký, không cấp tài khoản trực tiếp cho NSD. NSD có nhu cầu truy cập thư viện số, sử dụng thông qua tài khoản của người làm thư viện. Kết quả đạt được như sau:

Tổng số lượt truy cập tài liệu số của NSD các thư viện là 180 lượt, trong đó:

Số lượt sử dụng của các thư viện truy cập thư viện số của trường Đại học Luật Hà Nội: NSD Thư viện trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 22/3/2018 đến ngày 30/6/2019 là 116 lượt; NSD Thư viện Học viện Tư pháp từ ngày 30/10/2018 đến ngày 20/6/2019 là 25 lượt.

Số lượt truy cập thư viện số của NSD Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội truy cập thư viện số của Thư viện Học viện Tư pháp là 39 lượt.

+ Dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu: Trường Đại học Luật Hà Nội cung cấp thông tin trong CSDL HeinOnline cho NSD ngoài trường: Đại học Kiểm sát Hà Nội (4 lượt), Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2 lượt).

+ Dịch vụ mượn liên thư viện triển khai giữa trường Đại học Luật Hà Nội và Thư viện Học viện Tư pháp từ tháng 8/2018 đến nay chưa có NSD.

* Đánh giá:

- Điểm mạnh:

+ Việc hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ giữa các thư viện luật bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Trong các nội dung hợp tác, hoạt động trao đổi tài liệu mang lại kết quả thiết thực nhất. Sau hơn 2 năm thực hiện, Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội đã có đầy đủ bộ giáo trình, tạp chí khoa học và các xuất bản phẩm của 05 cơ sở đào tạo luật. Đây là nguồn học liệu, tài liệu tham khảo có giá trị, bắt buộc phải có trong thư viện của mỗi trường đại học. Việc trao đổi tài liệu giúp các thư viện tăng cường tài nguyên thông tin, tiết kiệm kinh phí bổ sung tài liệu.

+ Thông qua việc hợp tác, hình thành mối quan hệ khăng khít giữa các thư viện luật, người làm thư viện và NSD. NSD của mỗi thư viện được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận tài nguyên thông tin và dịch vụ của các thư viện luật khác. Người làm thư viện có cơ hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển các thư viện luật nói chung và mỗi thư viện nói riêng.

- Hạn chế:

+ Kết quả của việc chia sẻ dịch vụ thư viện còn hạn chế: số lượt truy cập tài liệu số, số lượt sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu ở mức thấp; dịch vụ mượn liên thư viện giữa Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội và Thư viện Học viện Tư pháp không có NSD.

- Nguyên nhân:

+ Do những vướng mắc về vấn đề bản quyền và bảo mật tài khoản NSD nên việc chia sẻ tài liệu số được thực hiện thông qua đầu mối là người làm thư viện. Thư viện chỉ cấp tài khoản thư viện số cho người làm thư viện của mỗi trường theo danh sách đăng ký, không cấp tài khoản trực tiếp cho NSD. Mặc dù nhu cầu sử dụng tài liệu số của NSD ở các trường rất lớn nhưng do quy định trên buộc NSD phải trực tiếp đến thư viện để được phục vụ. Điều này là trở ngại, bất tiện đối với NSD trong khi hoàn toàn có thể truy cập thư viện số ở mọi lúc, mọi nơi.

+ Công tác truyền thông, marketing về chia sẻ tài liệu và dịch vụ của các thư viện còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa giới thiệu rộng rãi đến các đối tượng NSD để biết và được hướng dẫn sử dụng.

4. Giải pháp tăng cường hợp tác chia sẻ tài nguyên thông tin và dịch vụ giữa các thư viện luật ở Việt Nam

4.1. Các giải pháp về xây dựng tổ chức, chính sách

- Thiết lập kết nối, hợp tác giữa thư viện các cơ quan Nhà nước, Chính phủ (Thư viện Quốc hội, Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Thư viện Bộ Tư pháp) với thư viện của các cơ sở đào tạo ngành luật và thư viện của các trường đại học có đào tạo ngành luật, hình thành mạng lưới các thư viện luật ở Việt Nam.

- Đề xuất thành lập Chi hội Thư viện Luật trực thuộc Hội Thư viện Việt Nam. Đây là diễn đàn của người làm thư viện luật trong cả nước, là cơ sở pháp lý cho việc giao lưu, hợp tác với cộng đồng thư viện luật quốc tế. Hàng năm, Hiệp hội Thư viện Luật quốc tế (International Association of Law Libraries - IALL) và Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện (International Federation of Libraries Associations and Institutions - IFLA) cấp tài trợ, học bổng cho người làm thư viện luật trên toàn thế giới, đặc biệt ưu tiên các quốc gia đang phát triển để tham dự hội nghị thường niên, hội thảo, diễn đàn khoa học, các khoá đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Tham gia các sự kiện này là cơ hội tốt để người làm thư viện luật giao lưu, học hỏi, cập nhật kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với cộng đồng thư viện thế giới.

- Phối hợp bổ sung: đóng góp kinh phí mua CSDL dùng chung. Xem xét lựa chọn CSDL Westlaw, LexisNexis là những CSDL được sử dụng phổ biến trong các thư viện luật trên thế giới. Các thư viện có thể truy cập các CSDL pháp luật của nước ngoài với chi phí hợp lý, phù hợp với điều kiện tài chính của từng thư viện, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

4.2. Các giải pháp kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ

- Mở rộng điểm truy cập thư viện số: cấp tài khoản cho NSD có nhu cầu. Các thư viện có thể thu phí, có chính sách ưu đãi đối với NSD thuộc các thư viện tham gia chia sẻ tài nguyên thông tin.

- Cấp thẻ thư viện, tổ chức phục vụ NSD có nhu cầu sử dụng thư viện đối với các thư viện trên cùng địa bàn, cung cấp dịch vụ mượn liên thư viện, dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu đối với NSD của các thư viện có khoảng cách xa về địa lý.

- Chia sẻ mục lục thư viện: Kết nối mục lục truy cập công cộng trực tuyến (OPAC) thông qua việc ứng dụng giao thức Z39.50, tích hợp trên cổng thông tin của mỗi thư viện giúp NSD có thể tra cứu tài liệu một cách dễ dàng thuận tiện. Chỉ cần sử dụng một lệnh tìm duy nhất, NSD có thể tra cứu tài liệu của tất cả các thư viện đã kết nối thay vì phải truy cập vào trang web của từng thư viện để tìm tài liệu.

- Chia sẻ dữ liệu thư mục: Sử dụng biên mục sao chép giữa các thư viện luật nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho việc xử lý tài liệu, chuẩn hoá công tác biên mục.

- Phối hợp tổ chức các hội thảo, toạ đàm khoa học để trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm công tác và các vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ người làm thư viện luật.

- Tăng cường công tác truyền thông market­ing để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm và dịch vụ liên kết, chia sẻ giữa các thư viện tới đông đảo NSD tại mỗi thư viện.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Biên bản ghi nhớ về việc trao đổi, chia sẻ tài liệu giữa trường Đại học Luật Hà Nội với 05 cơ sở đào tạo luật (Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tư pháp).

2. Đỗ Văn Hùng. Chia sẻ tài nguyên thông tin giữa các thư viện đại học: nhận diện các yếu tố tác động và đề xuất mô hình hợp tác // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2017. - Số 1. - Tr. 4-14.

3. Le Thi Hanh. Law Librarianship in Vietnam // The IALL International Handbook of Legal Information Management. - 2011. - Farnham: Asgate. - P. 175-179.

4. https://diemthi.tuyensinh247.com/tu-van-chon-truong/tinh0-loaidaotao0-bacdaotao0-tongdiem0-khoiall-nhomnganh10.html?&page=3. Truy cập ngày 30/7/2019.

5. Mohamad Ashikuzzman. Resources Sharing in Library: A brief Information. http://www.lisbd­net.com/resource-sharing-in-library-brief/. Truy cập ngày 30/7/2019.

6. T. F. Berestova. The Concept of Resources and Other Components of the Theory of Information-Resources Science // Scientific and Technical Information Processing. - 2016. - Volume 43. - Issue 2. - P. 83-87.

7. Annette Lamb. Acquisition and Management of Knowledge and Information (Course Materials). https://www.eduscapes.com/collection/12.htm. Truy cập ngày 30/7/2019.

8. https://www.yourdictionary.com/information-resources. Truy cập ngày 13/8/2019.

________________

ThS. Lê Thị Hạnh

Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện trường Đại học Luật Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 6. - Tr. 3-9.


Đọc thêm cùng chuyên mục: