Phân tích các kỹ năng cốt lõi nhằm sử dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở

Print

1. Dẫn nhập

Tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources - OER) hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến lớn trong giáo dục, đặc biệt là giáo dục mở. OER là công cụ hiệu quả giúp đạt mục tiêu thứ tư về phát triển bền vững của nước ta đến năm 2030: "bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được tiếp cận bình đẳng với một nền giáo dục chất lượng, đồng thời tạo dựng, thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời" [5]. Trong bối cảnh hoạt động truyền thông về OER ngày càng phổ biến, việc cung cấp cho mọi người các công cụ phù hợp để thay đổi thói quen học tập một cách cơ bản và lâu dài là việc cần thiết [2].

Việc tiếp cận nhiều nguồn OER khác nhau là một lợi thế lớn không chỉ của người học mà còn là lợi thế của các quốc gia trên thế giới. Ưu thế mở rộng không giới hạn đã đưa OER trở thành một trong những kho tri thức mạnh và phong phú nhất. Để tận dụng một cách có hiệu quả nguồn OER, người sử dụng (NSD) cần có những kỹ năng cốt lõi, không chỉ giúp họ sử dụng mà còn tạo cơ hội học tập, nghiên cứu và tham gia xây dựng các OER ngày càng chất lượng hơn.

Bộ chuẩn kỹ năng cốt lõi này đã thể hiện cam kết của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), trên cơ sở quan hệ đối tác với UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Văn hoá và Khoa học Liên đoàn Ả Rập (ALECSO), Hiệp hội Giáo dục mở (OEC) và Trường Đại học ảo Tunis cùng xây dựng nền tảng cho các giá trị nhân văn chung, đồng thời phát huy tính phong phú của đa dạng văn hoá và ngôn ngữ nhằm hỗ trợ, ủng hộ phong trào sử dụng OER trên khắp thế giới [2]. Việc phổ biến rộng rãi các kỹ năng cốt lõi này như một chuẩn thống nhất là việc cần làm với bất kỳ quốc gia hay tổ chức nào trên con đường tham gia mạng lưới giáo dục mở rộng lớn.

Bốn kỹ năng cơ bản là tìm kiếm, sử dụng lại, thiết kế và phổ biến đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiếp cận và sử dụng OER. Bốn kỹ năng này tạo nên một phương pháp tiếp cận nhất quán được xây dựng trên cơ sở tính đến các yêu cầu về sư phạm và công nghệ. Thành thạo các kỹ năng trên sẽ tạo điều kiện cho mỗi người trở thành chủ thể của đổi mới sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng và tính công bằng của giáo dục cũng như tham gia vào một cộng đồng năng động, có sức lan toả toàn cầu song vẫn bám sát thực tế và nhu cầu của địa phương [2]. Từ đó sẽ giúp phát triển các loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng NSD đa dạng, thực hiện mục tiêu giáo dục rộng rãi đến toàn thể mọi người ở khắp nơi trên thế giới.

2. Phân tích các kỹ năng cốt lõi nhằm sử dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở

OER rất đa dạng và luôn được phát triển không ngừng. Do vậy, quá trình tiếp cận các OER cũng đòi hỏi NSD có khả năng thích ứng linh hoạt và những kỹ năng tương tác tốt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Đối tượng NSD của OER cũng vì thế mà rất đa dạng, từ những người chỉ sử dụng tài nguyên giáo dục cho đến các nhà nghiên cứu, nhà tài trợ, người đóng góp, các tổ chức, cơ quan thông tin... Một bộ kỹ năng cốt lõi cho OER đã được xây dựng và cung cấp đến NSD như một chìa khoá quan trọng trong việc tiếp cận và tương tác với OER.

alt

Hình 1. Các chuẩn kỹ năng OER [2]

2.1. Kỹ năng làm quen với tài nguyên giáo dục mở

Nhóm kỹ năng cốt lõi đầu tiên được kể đến đó là kỹ năng làm quen với các nguồn OER. Điều này giúp cho NSD phân biệt OER với một nguồn tài nguyên khác. NSD sẽ có khả năng định nghĩa OER theo cách của mình, phản ánh được nhận thức của họ về OER. Bên cạnh đó, họ cũng cần nắm được các đặc điểm chính của một OER, để giúp cho việc định hướng sử dụng và phát triển OER sau này được thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ngoài việc định nghĩa và xác định đặc trưng của OER, NSD cũng cần nắm được một số nhân tố dẫn tới sự nổi lên của OER. Để làm được việc này, NSD cần phải mô tả được vị trí của giáo dục trong các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia cũng như của Liên Hiệp Quốc. Cụ thể hơn, họ cần nhận biết được những người khởi xướng, các tác giả đã và đang tham gia xây dựng và phổ biến các nguồn OER.

Về bản thân NSD, họ cần xác định vai trò cụ thể của mình trong phong trào OER. Họ cần nắm được các yếu tố làm nên đặc tính của một tài nguyên mở phi bản quyền. Vì cốt lõi của OER là ở yếu tố mở và tuân thủ các điều khoản của việc chia sẻ. Đặc tính của một tài nguyên mở phi bản quyền có thể được tóm tắt trong 5R bao gồm: reuse (sử dụng lại), revise (làm lại), remix (pha trộn), redistribute (phân phối lại) và retain (giữ lại). Ngoài ra, khi đã tham gia vào mạng lưới giáo dục mở, NSD cũng cần phải xác định là họ có thể đóng góp được những gì cho phong trào OER trong hiện tại và tương lai. Xác định rõ mục tiêu là điều quan trọng trong bất cứ việc gì chứ không chỉ việc xây dựng các OER.

Nhóm kỹ năng làm quen OER này rất quan trọng. Nó tạo nên nền tảng ban đầu để tiến xa hơn trong việc sử dụng và phát triển các nguồn OER trong tương lai. Hầu như tất cả đối tượng NSD đều cần phải có kỹ năng này khi tiếp cận các nguồn OER trong giai đoạn đầu.

2.2. Kỹ năng tìm kiếm tài nguyên giáo dục mở

Một kỹ năng khác quan trọng không kém đó là kỹ năng tìm kiếm các OER. Nhóm kỹ năng này bao gồm: kỹ năng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm OER, kỹ năng chọn lựa các OER phù hợp dựa trên kết quả tìm được.

 Đối với kỹ năng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm OER, NSD cần hiểu rõ ngữ nghĩa của một số thuật ngữ như ngân hàng, đăng, danh mục, chuẩn tài nguyên và có khả năng nhận biết các thuật ngữ trên với tư cách là đặc tính nguồn của một OER. Sau đó, họ sẽ thực hiện việc tìm kiếm OER trên Internet thông qua tìm kiếm đơn giản và nâng cao bằng cách kết hợp các thông số tìm kiếm để tìm OER theo nhu cầu [2].

Ngoài ra, NSD cũng cần biết các danh mục lớn về OER và có khả năng xác định rõ các danh mục phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân của mình. Nếu không thể nhớ rõ, NSD có thể tra cứu danh mục trên các bảng tra cứu hoặc tư liệu lưu trữ. Việc xác định danh mục phù hợp là quan trọng vì nếu xác định sai danh mục, NSD có thể sẽ mất nhiều thời gian nhưng kết quả tìm kiếm lại không được như mong đợi. NSD cũng cần nắm rõ vai trò của chuẩn hoá siêu dữ liệu (metadata) nhằm bảo đảm tính liên thông giữa các hệ thống với nhau. Có như vậy thì việc tìm kiếm sẽ đỡ mất thời gian hơn nhờ khả năng liên thông và theo chuẩn.

Về kỹ năng lựa chọn các OER phù hợp dựa trên kết quả tìm, NSD cần nắm vững các tiêu chí chất lượng của một OER và các cơ chế chứng nhận chất lượng OER. Bên cạnh đó, NSD cũng cần nêu lên được một số thông tin chính cần lưu ý để xác định đúng tác giả của OER, cũng như nhận biết được một giấy phép và có khả năng xác định xem tài nguyên đó có giấy phép hay không. Những yếu tố này nhằm xác định một OER là phù hợp với mục tiêu tìm kiếm hay chỉ là một kết quả gần đúng, hoặc là một kết quả không phù hợp cần loại bỏ trong quá trình tìm kiếm.

Nhóm kỹ năng tìm kiếm OER chiếm một vị trí quan trọng. Tuy nhiên, nhóm kỹ năng này sử dụng không thường xuyên, chủ yếu khi có nhu cầu tra cứu, truy tìm thông tin các OER.

2.3. Kỹ năng sử dụng tài nguyên giáo dục mở

Đây là nhóm kỹ năng quan trọng nhất trong việc sử dụng và phát triển các OER. Nhóm kỹ năng này bao gồm: kỹ năng phân biệt các loại giấy phép Creative Commons, kỹ năng tôn trọng điều khoản của giấy phép Creative Commons. Những hiểu biết về việc chia sẻ và quy trình cấp phép với OER là một đòi hỏi thiết yếu nếu NSD muốn sử dụng đúng và hiệu quả OER.

Giấy phép Creative Commons bao gồm một số giấy phép bản quyền ra đời vào ngày 16/12/2002 bởi Creative Commons (CC). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ có thẩm quyền cấp phép cho việc sử dụng, chia sẻ kiến thức và sự sáng tạo thông qua các công cụ pháp lý miễn phí [3].

Giấy phép theo dạng Copyrights sẽ nằm bên hữu, bảo vệ các quyền lợi của tác giả, trong khi giấy phép Copyleft nằm bên tả, bảo vệ quyền thân nhân nhưng không cho phép kinh doanh. Nằm ở giữa hai thái cực này là Creative Commons (sáng tạo chung). Creative Commons có nhiều loại giấy phép, cho phép người nắm giữ bản quyền lựa chọn những quyền gì sẽ được gửi cộng đồng, những quyền gì sẽ được giữ lại. Một giấy phép Creative Commons cơ bản sẽ gồm 3 loại: giấy phép được viết dưới ngôn ngữ máy, giấy phép được viết dưới ngôn ngữ thông thường và giấy phép được viết dưới ngôn ngữ luật [1].

NSD cần nắm được một cách ngắn gọn lợi thế so sánh của giấy phép Creative Commons. Điều này là quan trọng để lựa chọn giấy phép cho OER. Ngoài ra, NSD cần hiểu các trường hợp ngoại lệ không áp dụng luật sở hữu trí tuệ và nêu được ít nhất hai trường hợp ngoại lệ áp dụng trong giảng dạy.

Bên cạnh đó, bốn sự lựa chọn cơ bản về giấy phép Creative Commons cũng rất quan trọng, bao Ghi nhận công của tác giả (CC By), Ghi nhận công của tác giả - Phi thương mại (CC By-NC), Ghi nhận công của tác giả - Không phái sinh (CC By- ND), Ghi nhận công của tác giả - Chia sẻ tương tự (CC By- SA). Để thuận lợi cho việc cấp phép các OER, NSD cũng phải biết các ký tự viết tắt và giải thích được ý nghĩa của các loại giấy phép này.

Trong việc sử dụng OER, NSD cũng cần tôn trọng các điều khoản của giấy phép Creative Commons. Việc này bao gồm cách thức sử dụng và chia sẻ một tài nguyên theo giấy phép Creative Commons, tuỳ thuộc các ngữ cảnh khác nhau. Thông qua đó, NSD có thể hiểu hơn về hệ thống giấy phép Creative Commons trên thực tiễn.

2.4. Kỹ năng tạo ra tài nguyên giáo dục mở

Ngoài việc sử dụng các OER, NSD cũng có khả năng tạo ra OER. Quá trình xây dựng và phát triển các OER dựa trên việc đóng góp của cộng đồng là một yếu tố then chốt. Nhóm kỹ năng tạo ra OER này bao gồm: kỹ năng thiết kế một OER, kỹ năng thay đổi một OER, kỹ năng kết hợp các OER và kỹ năng hợp tác để cùng tạo ra các OER.

Đối với kỹ năng thiết kế OER, NSD có thể tạo ra các nội dung nguyên bản hoặc có thể sử dụng lại, tập hợp được thành một tác phẩm có thể được cấp phép để trở thành một OER. Thông qua đó, NSD sẽ có thêm kỹ năng về thiết kế trong đó tính đến khía cạnh sư phạm và văn hoá của tài nguyên, chất lượng kỹ thuật, cũng như các khái niệm cơ bản bảo đảm cho tài nguyên được phát hiện và có thể tiếp cận được. Điều này rất quan trọng vì nếu NSD thiết kế một nguồn tài nguyên giáo dục ít giá trị và khó tiếp cận thì mục tiêu giáo dục của OER sẽ đạt kết quả không cao. Tuy nhiên, để thiết kế một OER tốt cũng không phải là điều đơn giản, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn và xem xét nhiều khía cạnh khác nhau của nguồn tài nguyên sắp xây dựng.

Sau khi thiết kế OER, NSD có thể thay đổi OER cho phù hợp với ngữ cảnh. Kỹ năng thay đổi OER cho phù hợp với yêu cầu đặt ra hiện tại là khá quan trọng. NSD cần có đủ năng lực xác định và phân biệt một tài nguyên có khả năng tuỳ chỉnh với định dạng mở (đặc biệt trên cơ sở chắc chắn có định dạng thiết kế gốc). Bên cạnh đó, họ cũng cần nắm được các khả năng chuyển thể một OER (dịch thuật, xử lý âm thanh, minh hoạ, khả năng tiếp cận, điều chỉnh phù hợp với bối cảnh sử dụng…) để giúp cho việc thay đổi được thuận lợi và dễ dàng hơn.

NSD cũng cần trang bị cho mình kỹ năng kết hợp các OER. Để kết hợp được các OER, NSD cần biết tạo ra một OER từ nhiều OER khác nhau đồng thời tính đến đặc tính của các giấy phép và tiềm năng phổ biến chúng. Nắm vững giấy phép và tiềm năng phổ biến sẽ giúp họ kết hợp tốt các OER phù hợp với nhau tạo nên một mạng lưới tài nguyên giáo dục chất lượng và phong phú hơn. Ngoài ra, NSD cũng có thể tạo ra một OER từ nhiều OER khác nhau và từ các nội dung không mở trên cơ sở tôn trọng quy định áp dụng với các tác phẩm hỗn hợp đi đôi với quy định quyền gắn liền với từng nội dung khác nhau. OER không nhất thiết được tạo ra từ các OER, mà nó còn được tạo ra thông qua quá trình kết hợp nhiều phần nội dung và tài nguyên có liên quan, theo đúng quy định áp dụng cho tài nguyên đó.

Để có được các OER ngày càng chất lượng và phong phú hơn, NSD cũng cần có kỹ năng hợp tác để cùng tạo ra các OER. Trước tiên, NSD cần phân biệt các phương thức khác nhau cùng tạo ra OER nhằm lĩnh hội đúng đắn các phương thức này phục vụ việc xây dựng các OER. Nắm được các phương thức này sẽ giúp NSD có cái nhìn rõ hơn và từ đó biết được cách thức nào là phù hợp để tạo nên OER. Bên cạnh đó, cũng cần xác định những người đóng góp tham gia thực hiện OER thông qua quá trình lập và nêu rõ mức độ đóng góp và sở hữu trí tuệ của từng người. Trong một nhóm phát triển OER, việc nắm được khả năng đóng góp của từng thành viên là một yếu tố then chốt để phát huy tối đa hiệu quả làm việc và định hướng tốt hơn.

2.5. Kỹ năng chia sẻ tài nguyên giáo dục mở

Để mạng lưới OER phát triển rộng lớn và đến được với nhiều NSD hơn, nhóm kỹ năng chia sẻ OER là cần thiết và quan trọng. Từ việc chọn giấy phép cho OER để xác định rõ phạm vi chia sẻ cho đến việc thúc đẩy NSD sử dụng OER là cả một quá trình đòi hỏi nhiều công sức cũng như sự kiên nhẫn lớn.  

Để chọn được một giấy phép phù hợp cho OER, NSD cần am hiểu nhiều loại giấy phép chia sẻ khác nhau, họ cần có năng lực chọn giấy phép phù hợp cho OER của mình. Điều này giúp họ xác định rõ giấy phép nào phù hợp hơn và nên kết hợp những loại giấy phép nào khi cần thiết. Nắm vững về cấp phép cũng là nắm vững về OER do mình tạo ra, từ đó phát huy tối đa thế mạnh giáo dục của OER.

Kỹ năng phân bổ đúng giấy phép cho OER cũng là một kỹ năng quan trọng khác phục vụ việc chia sẻ OER. NSD cần nắm vững việc phân bổ giấy phép Creative Commons cho tài nguyên và chứng minh các cách làm mẫu mực về xác định cha đẻ của sản phẩm đối với các tác giả của OER được sử dụng lại cũng như đối với các sản phẩm riêng của họ. Khi được phân bổ đúng giấy phép, OER sẽ được phổ biến rõ ràng và đúng đắn hơn, tránh những nhập nhằng về quyền sở hữu, quyền tác giả cũng như các vấn đề pháp lý khác.

 Sau khi chọn được giấy phép phù hợp, việc công bố OER là khâu quan trọng tiếp theo. Kỹ năng công bố OER liên quan đến việc sử dụng một OER trên cơ sở tôn trọng thông tin ghi ngoài của sản phẩm và giấy phép nhằm bảo đảm khả năng hữu dụng. Từ đó sẽ cung cấp tài nguyên thông qua tất cả các phương tiện và giúp cho việc xác định các danh mục lớn OER trong đó các nhà sáng tạo OER có thể công bố công trình của mình một cách minh bạch và công khai theo đúng các điều khoản.

Kỹ năng cốt lõi quan trọng cuối cùng liên quan đến sự phát triển của OER, đó là kỹ năng thúc đẩy việc sử dụng OER. Mục tiêu sau cùng của việc xây dựng OER chính là phục vụ mọi người tham gia học tập, nghiên cứu, trao đổi và đóng góp xây dựng tài nguyên giáo dục mở ngày càng chất lượng và phong phú hơn. Để làm được như vậy, NSD cần hiểu rõ vòng đời của một tài nguyên nói chung và OER nói riêng, họ cần trang bị kỹ năng sử dụng mạng xã hội như công cụ hữu ích để quảng bá OER. Ngoài ra, NSD cũng cần xác định các cộng đồng sử dụng để khám phá và phân tích cách dùng OER. Việc xác định này cũng giúp định hướng sự phát triển trong tương lai của các OER, giúp đưa ra các phương án xây dựng OER phù hợp và bền vững hơn.

3. Kết luận

Xây dựng các OER chất lượng là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển một nền giáo dục mở chất lượng cao theo hướng hiện đại. Đối tượng NSD rất đa dạng và ở nhiều cấp độ khác nhau, nên sẽ đòi hỏi nhiều sự khác biệt về kỹ năng. Bốn kỹ năng cốt lõi là tìm kiếm, sử dụng lại, thiết kế và phổ biến đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tiếp cận và sử dụng OER. Theo đó, những kỹ năng cốt lõi để tương tác với OER là cần thiết và cần được quan tâm chú trọng hơn nữa trong tương lai. Việc áp dụng các kỹ năng để sử dụng hiệu quả các OER không chỉ là mục tiêu của cá nhân mà còn là mục tiêu của các quốc gia và cả thế giới, không chỉ riêng giáo dục mở mà còn là của cả nền giáo dục nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bản quyền, nguồn mở và creative commons - Phần 1. https://concuamaixanh.com/2013/04/04/ban- quyen-nguon-mo-va-creative-common-phan-1-gioi-thieu-so-qua-ve-cac-khai-niem/.

2. Chuẩn kỹ năng tài nguyên giáo dục mở. https:// www.francophonie.org/IMG/pdf/chuan-ky-nang-tai-nguyen_giao-duc-mo.pdf.

3. Giấy phép Creative Commons. https://vi.wikipedia. org/wiki/Giấy_phép_Creative_Commons.

4. Hội thảo Quốc tế Triển khai tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục Đại học. https://www.vnu. edu.vn/ttsk/?C1654/N21314/Hoi-thao-Quoc-te-Trien-khai-tai-nguyen-giao-duc-mo-trong-giao-duc-dai-hoc.htm. 

5. 17 mục tiêu phát triển bền vững quốc gia đến năm 2030. http://vard.org.vn/vn/17-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-cua-lien-hiep-quoc-den-nam-2030-dc171.

6. Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (VOER). http:// voer.edu.vn/.

7. Tính mở của các nguồn tài nguyên giáo dục. http://voer.edu.vn/m/tinh-mo-cua-cac-nguon-tai-nguyen-giao-duc/1c17da0f.

8. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở - OER (Open Educational Resources) và một kịch bản giả tưởng về tương lai của giáo dục Việt Nam - Phần 1. https://letrungnghia.mangvn.org/Education/tong-quan-ve-tai-nguyen-giao-duc-mo-oer-open-educational-resources-va-mot-kich-ban-gia-tuong-ve-tuong-lai-cua-giao-duc-viet-nam-phan-1-5393.html.

9. Butcher, N. A Basic Guide to Open  Educational Resources (OER), Commonwealth of Learning Publisher, 2011.

10. Center for Educational Research and Innovation, Giving Knowledge for Free: The   emergence of open educational resources, OECD, 2007.  http://www.oecd. org/edu/ceri/38654317.pdf.

 _________________________

 
   

ThS. Nguyễn Danh Minh Trí

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 4. - Tr. 8-12.


Đọc thêm cùng chuyên mục: