Giới thiệu trữ lượng tài liệu và các hoạt động tại Thư viện Viện Khảo cổ học

Print

Thư viện Viện Khảo cổ học là một trong nhiều thư viện chuyên ngành khác thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trên cơ sở tiếp nhận khối tài liệu ít ỏi từ Đội Khảo cổ thành lập từ năm 1959, năm 1968 Viện Khảo cổ học được thành lập và cũng là năm ra đời của Thư viện Viện Khảo cổ học Việt Nam. Đây là trung tâm nghiên cứu khảo cổ học lớn nhất trong cả nước, lưu giữ các tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực khảo cổ học mà bất cứ ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong quá khứ cần đến. Cùng với sự hình thành và phát triển của Viện Khảo cổ học,  đến nay Thư viện Viện Khảo cổ học đã có bề dày gần 50 năm xây dựng và phát triển (1968-2016), đặc biệt trong những năm gần đây Thư viện đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng gặp không ít khó khăn.

1. Trữ lượng tài liệu khảo cổ học

Thư viện Viện Khảo cổ học là thư viện chuyên ngành nên số lượng tài liệu không nhiều như các thư viện tổng hợp khác, song số lượng tài liệu khảo cổ học thì phong phú và đa dạng, mang tính phổ biến và đặc thù khác nhau. Hiện nay, Thư viện đã có một trữ lượng lớn tài liệu khoảng trên 20.000 tên tài liệu chuyên ngành và liên ngành các loại với nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Việt, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trong đó, có hơn 11.000 tên sách các loại, 209 tên tạp chí chuyên ngành và liên ngành với khoảng 4.000 số (tiếng Việt: 43, tiếng Latinh: 83, Trung Quốc: 45, Nga: 30, Nhật: 8). Thư viện cũng lưu giữ hơn 800 tài liệu quý bằng nhiều thứ tiếng khác nhau như Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp… Hơn 1.000 tư liệu là kết quả các đề tài nghiên cứu, các bài tham luận của các hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước, các khoá luận, luận văn, luận án chuyên ngành khảo cổ học cũng lưu giữ tại Thư viện Viện Khảo cổ học. Ngoài ra, Thư viện còn có 30 bộ bản đồ các loại với gần 2.000 mảnh.

Đặc biệt, Viện Khảo cổ học là Viện nghiên cứu khảo cổ học đầu ngành trong cả nước, nơi thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, điều tra và khai quật khảo cổ học. Thư viện của Viện cũng là nơi lưu giữ một khối lượng lớn hồ sơ khảo cổ học là các kết quả nghiên cứu điều tra và khai quật. Đây chính là loại tài liệu đặc thù của khảo cổ học, thể hiện kết quả nghiên cứu, thành quả lao động của các nhà khảo cổ học - những người từng in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước. Loại hình tài liệu chuyên biệt này được gọi là Hồ sơ khảo cổ học. Mỗi bộ hồ sơ là kết quả nghiên cứu của một di chỉ, di tích hoặc nhiều di chỉ hoặc di tích khác nhau. Trong mỗi bộ hồ sơ bao gồm các loại hình tài liệu: báo cáo bằng chữ viết, bản vẽ (bản vẽ chì, bản vẽ mực), ảnh (ảnh màu và ảnh đen trắng), bản dập trên giấy dó, các loại bảng thống kê, phiếu đăng ký hiện vật, bản đồ, sơ đồ và nhiều loại hình khác... Hiện nay, Thư viện Viện Khảo cổ học đang lưu giữ khoảng gần 700 bộ hồ sơ các loại với khoảng trên 4.000 tài liệu và hàng nghìn bộ ảnh, khiến cho nguồn tư liệu này trở thành tài liệu có giá trị nhất so với các cơ quan, đơn vị làm công tác khảo cổ học khác trong nước. Khối tư liệu này được bổ sung hàng năm và phụ thuộc vào hoạt động nghiên cứu của Viện. Trung bình mỗi năm Thư viện bổ sung khoảng 15-20 bộ hồ sơ.

Số lượng tài liệu trên ở Thư viện Viện Khảo cổ học tuy còn khiêm tốn về số lượng nhưng phong phú, đa dạng về loại hình và mang tính đặc thù của một thư viện chuyên ngành khảo cổ học.

2. Các hoạt động của Thư viện Viện Khảo cổ học

- Phục vụ bạn đọc: Thư viện Viện Khảo cổ học được biết đến như là một thư viện chuyên ngành trong cả nước về lĩnh vực khảo cổ học. Chính vì vậy, đã thu hút được nhiều bạn đọc trong và ngoài nước đến nghiên cứu. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây các nhà nghiên cứu tập trung đi điều tra, khai quật để thu thập tư liệu mới ít có thời gian đọc tài liệu nên công tác phục vụ bạn đọc có phần chững lại. Thư viện phục vụ cán bộ viết các đề tài, nghiên cứu sinh và sinh viên, các học giả… Số lượng phục vụ còn khá khiêm tốn, trung bình khoảng trên 500 lượt bạn đọc/ năm.

- Sưu tầm, trao đổi và bổ sung tư liệu, sách, báo, tạp chí: Đây là nhiệm vụ quan trọng của Thư viện. Kết quả của công việc này phản ánh chất lượng cũng như đặc thù riêng của Thư viện Viện Khảo cổ học so với các thư viện khác. Các tư liệu, sách, báo, tạp chí đều được lựa chọn, bổ sung tài liệu đã được tiến hành đều đặn hàng năm. Nhất là trong những năm gần đây, Thư viện đã rất chú trọng sưu tầm, trao đổi với các cơ quan trong và ngoài nước.

- Tin học hoá: Cho đến nay, hơn nửa số tài liệu hiện có trong kho đã được tin học hoá với 22.300 biểu ghi. Các loại tài liệu được tin học hoá như sách, hồ sơ khảo cổ, ảnh khảo cổ, luận án, luận văn, khoá luận, tạp chí các loại và bản đồ. Hiện nay còn lại một số tài liệu bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản… chưa thực hiện tin học hoá. Nguyên nhân chủ yếu là do người làm thư viện chưa đủ trình độ ngoại ngữ để xử lý các tài liệu đó.

- Bảo quản tài liệu: Công tác bảo quản được chú trọng. Các công việc bảo quản như chống mối mọt, vệ sinh kho sách... được thực hiện định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Thư viện cũng đã hệ thống và đánh máy lại các tư liệu cũ (trước đây là bản viết tay hoặc đánh máy chữ...), đóng bìa cứng sách hỏng, cũ nát... để duy trì và bảo quản các tài liệu được tốt hơn. Ngoài ra, nhằm thống nhất mẫu chuẩn về Hồ sơ khảo cổ học, Thư viện đã tiến hành đặt mua các mẫu bìa cứng, bìa dán ảnh... phục vụ các nhà nghiên cứu. Nhờ công tác tin học hoá nên hiện nay Thư viện phục vụ tra cứu toàn bộ bằng máy tính. Tuy nhiên, việc khai thác thông tin chỉ dừng lại ở mức độ tra cứu đơn thuần như tên tài liệu, tác giả…

- Thông tin tư liệu: Thư viện Viện Khảo cổ học thường xuyên giới thiệu tư liệu, sách mới liên quan đến khảo cổ học trên chuyên mục Thông báo sách mới của Tạp chí Khảo cổ học. Danh mục các tài liệu mới bổ sung cũng thường xuyên được cập nhật và thông báo đến bạn đọc. Tuy nhiên công tác thông tin còn nhiều hạn chế. Việc thông tin mới chỉ dừng ở mức đăng tải các thông tin sách mới trên các số tạp chí hàng năm chứ chưa có hoạt động nào đáng kể.

- Hợp tác với nước ngoài: Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và khai thác thông tin phục vụ các nhà nghiên cứu như đã đề cập ở trên, Thư viện Viện Khảo cổ học nằm trong sự quản lý chung của Viện Khảo cổ học, trong những năm gần đây Thư viện đã có một số hoạt động hợp tác quốc tế trên lĩnh vực xây dựng thư mục khảo cổ học Việt Nam với Đại học Boston và trao đổi tài liệu với Đại học Michigan (Mỹ). Hoạt động hợp tác này mới triển khai được ở những bước đi ban đầu. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, hiện nay các chương trình hợp tác chưa phát triển liên tục. Hy vọng trong tương lai không xa sẽ kết nối lại những dự án hợp tác đang còn dang dở này.

3. Một số vấn đề đặt ra

Những thực trạng trên đã đặt ra một số vấn đề đối với Thư viện Viện Khảo cổ học hiện nay về công tác bảo quản tài liệu, phục vụ bạn đọc, ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác tài liệu và xử lý tài liệu.

Bảo quản tài liệu: Thư viện Viện Khảo cổ học lưu giữ một khối lượng lớn các tư liệu Hồ sơ khảo cổ học, ảnh khảo cổ học… đã đề cập ở trên. Đây là những hồ sơ điều tra, điền dã, khai quật khảo cổ học từ năm 1956 đến nay và là loại tài liệu đặc thù riêng của khảo cổ học mà không có ở những thư viện khác. Những bộ hồ sơ này bước đầu đã được tiến hành đánh máy lại một phần và lưu vào đĩa CD. Tuy nhiên, công việc này mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh máy lại phần báo cáo, còn toàn bộ phần bản ảnh, bản vẽ, bản dập chưa được đưa vào máy tính để lưu trữ cũng như khai thác thuận tiện hơn. Những bộ hồ sơ đã đưa vào máy tính cũng mới chỉ giúp tra cứu đơn thuần theo chức năng của Thư viện. Thư viện cần có một phần mềm ổn định để có thể không chỉ tra cứu thông thường mà còn có thể quản lý trên máy, đưa vào đĩa CD, đưa bản ảnh, bản vẽ, bản dập quản lý trên máy theo hệ thống… tiến tới bảo quản và xây dựng “Ngân hàng dữ liệu” các di tích và di vật khảo cổ học đã khai quật được.

Các tài liệu dịch cũng trong tình trạng như vậy. Nhiều bản dịch không đề rõ nguồn trích dịch hoặc có nguồn trích dịch thì lại không kèm theo bản vẽ, ảnh minh hoạ có từ bản gốc (do điều kiện trước đây không có máy sao chụp, nhân bản) nên việc nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu gặp nhiều khó khăn.

Bổ sung, khai thác và xử lý tài liệu:

- Tăng cường trao đổi, sưu tầm và bổ sung sách, báo, tư liệu, tạp chí trong và ngoài nước… Đặc biệt, người làm thư viện có chuyên môn khảo cổ cũng nên thường xuyên tiến hành thu thập tư liệu tại các tỉnh, các cơ quan liên ngành để bổ sung vào các khối tư liệu thất lạc, hoặc không có ở Thư viện. Mặt khác, trao đổi và học tập về chuyên môn nghiệp vụ đối với các cơ quan khác nhằm tạo điều kiện để người làm thư viện có điều kiện giao lưu học hỏi.

- Xây dựng thư mục về khảo cổ học: Hiện nay Thư viện đã thực hiện tin học hoá hơn nửa tư liệu trong Thư viện. Nhằm nâng cao công tác phục vụ bạn đọc, Thư viện cần làm thư mục theo từng chuyên đề, từng vấn đề sau đó dần tiến tới làm tổng mục lục thư mục về khảo cổ học Việt Nam.

- Cần chú trọng hơn đối với công tác dịch thuật, tăng cường các nguồn tư liệu dịch, tìm tư liệu trên mạng cũng như các tư liệu quý đã có ở Thư viện.

Phục vụ bạn đọc

Cần theo một quy chuẩn, đưa ra nội quy sao chụp tài liệu để thuận lợi cho việc phục vụ bạn đọc. Cần thiết phải có phần mềm quản lý bạn đọc…

Tin học hoá

Thư viện Viện Khảo cổ học nằm trong khối chung của hệ thống các thư viện Khoa học xã hội Việt Nam, đã đến lúc chúng ta cần tích hợp cơ sở dữ liệu để tra cứu trên toàn bộ hệ thống. Trong những năm tới, cần đẩy mạnh tin học hoá, tiến tới phục vụ tra cứu toàn bộ dữ liệu trên máy tính, tạo cơ sở thống nhất cho việc nối mạng và xây dựng “Ngân hàng dữ liệu” toàn bộ các Viện trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Khai thác tối đa các thông tin trên mạng bổ sung vào nguồn tư liệu thêm phong phú. Tiến tới thực hiện phần mềm quản lý thư viện điện tử (phân hệ biên mục, tra cứu, phục vụ bạn đọc, thống kê…).

Nguồn nhân lực

Hiện tại, Thư viện có 3 viên chức được đào tạo về khảo cổ học, bảo tàng học và không có viên chức nào được đào tạo về chuyên ngành thư viện. Thực tế là chính những người được đào tạo về công tác thư viện, thi tuyển về làm thư viện, nhưng sau nhiều năm làm thư viện lại chuyển sang bộ phận khác trong Viện. Sau đó Viện lại tuyển người mới hoặc luân chuyển viên chức được đào tạo chuyên ngành khác về làm việc tại Thư viện. Thư viện dường như chỉ là nơi trung chuyển cán bộ, không có sự ổn định về nhân lực để làm việc. Vì vậy, đây là một điểm yếu kém trong công tác phát triển Thư viện và cũng là thực trạng hiện nay ở Thư viện Viện Khảo cổ học.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Thư viện Viện Khảo cổ học đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Với trữ lượng tài liệu đặc thù của thư viện chuyên ngành là lợi thế lớn, song các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thư viện còn dừng ở những bước cơ bản ban đầu. Để phát triển và hoạt động hiệu quả hơn, Thư viện Viện Khảo cổ học cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt của Lãnh đạo Viện và sự tâm huyết, yêu nghề và gắn bó với nghề của những người làm thư viện tại Thư viện Viện Khảo cổ học.

____________

Ngô Thị Lan

Phòng Thông tin - Thư viện, Viện Khảo cổ học

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2016. - Số 3. - Tr. 44-46.


Đọc thêm cùng chuyên mục: