Thông thạo thông tin

Print

1. Khái niệm thông thạo thông tin

Cụm từ Information Literacy (thông thạo thông tin) được hình thành và đưa ra thảo luận lần đầu tiên trên thế giới từ năm 1974. Thời kỳ người ta đang bàn nhiều đến sự bùng nổ tài liệu in, chưa ra đời máy tính điện tử để bàn (PC) cũng như Internet, mạng toàn cầu.

Cho đến nay, sau hơn 40 năm, thế giới đã bước vào thời kỳ bùng nổ tri thức, Internet đã phổ cập trên toàn thế giới với khoảng trên 2,5 tỷ người truy nhập khai thác, sử dụng thông tin, tri thức hàng ngày. Điều đó cũng có nghĩa là trên 2,5 tỷ người có khả năng đưa thông tin và tri thức lên mạng toàn cầu, làm cho khối lượng thông tin, tri thức trên mạng tăng đột biến và nhịp độ gia tăng ngày càng lớn.

Việc theo dõi, kiểm soát, thu nhận, chọn lựa thông tin, tri thức hữu ích trên mạng cho mỗi cá nhân đã trở thành một khó khăn, một vấn đề, một thách thức nghiêm trọng không chỉ cho mỗi cá nhân, mỗi quốc gia mà mang tính toàn cầu.

Cụm từ TTTT đã trở thành một thuật ngữ khoa học, vẫn được giới thư viện và thông tin quan tâm ngày càng sâu sắc hơn, cả ở bề rộng lẫn bề sâu, đang lan sang ngành giáo dục, nghiên cứu khoa học và toàn xã hội hiện đại.

Trong thời gian qua, người ta xác định ngày càng rõ hơn tầm quan trọng và vai trò không thể thiếu của TTTT trong xã hội hiện đại. Nhất là khi loài người bước vào thế kỷ XXI được xem là đã bước vào Thời đại thông tin (Information Age).

Trước khi đi sâu vào nội dung bài viết, chúng tôi xin nói qua về chuyển cụm từ Anh ngữ Information Literacy sang Việt ngữ.

Hiện nay trong các bài viết ở nước ta về Information Literacy, thường được nhiều người chuyển ngữ thành Kiến thức thông tin (Trương Đại Lượng, Trần Mạnh Tuấn, Lê Văn Viết, Nghiêm Xuân Huy...), đôi khi cũng được chuyển ngữ thành Hiểu biết thông tin (Cao Minh Kiểm), Kỹ năng thông tin (Huỳnh Thị Trúc Phương...) và Thoát mù thông tin (Nguyễn Hữu Viêm).

Có thể nói hiện nay có hai xu hướng chính, đa số thư viện phía Bắc sử dụng cụm từ Kiến thức thông tin. Còn các thư viện như Trung tâm Học liệu Huế, Cần Thơ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh... đều sử dụng cụm từ Kỹ năng thông tin trong trao đổi trên báo, giảng dạy cho sinh viên, hướng dẫn người đọc.

Nếu dịch là Kiến thức thông tin sẽ gặp khó khăn, lúng túng, bế tắc khi tác giả nước ngoài đề cập tới Information Literate Knowledge, hoặc Knowledge Literacy.

Nếu dịch là Kỹ năng thông tin cũng sẽ gặp khó khăn, lúng túng, bế tắc khi tác giả nước ngoài đề cập tới Information Literate Skill.

Hơn nữa chữ Literacy trong từ điển tiếng Anh không có nghĩa nào là kiến thức hoặc kỹ năng. Nên chuyển ngữ là Thông thạo thông tin có lẽ hợp lý hơn, bám sát chữ và nghĩa trong chữ Anh gốc. Đặc biệt là không tạo ra sự nhầm lẫn khái niệm với các từ nêu trên, gây khó khăn, tự tạo ra rối loạn, mơ hồ, khó hiểu khi giải trình nội dung về TTTT người học, cho công chúng rộng rãi.

Trong cuốn Danh từ Thư viện - Thông tin Anh - Việt xuất bản năm 2000, khi viết về Information Literacy trong Lời nói đầu, chúng tôi đã viết như sau “Trước mắt, họ đang dấy lên một phong trào xoá mù thông tin, huấn luyện mọi người dân biết cách sử dụng máy tính để tiếp cận và khai thác thông tin trên mạng địa phương cũng như trên mạng toàn cầu như phong trào xoá mù chữ trong các thế kỷ trước. Nhiều Trung tâm xoá mù thông tin, thậm chí Viện xoá mù thông tin đã ra đời ngày càng nhiều trong một vài năm qua, hoạt động khá nhộn nhịp và có hiệu quả ở Mỹ và Tây Âu. Đặc biệt khái niệm xoá mù thông tin ngày càng được xác định rõ nội dung cũng như cách thức thực hiện, trở thành một trong các chức danh trong nghề thư viện - thông tin, trong các thư viện hiện đại” [3, tr. 13].

Nội dung và các chương trình hướng dẫn TTTT ngày càng được hoàn thiện và thiết thực hơn. Sự khác biệt và quá trình hoàn thiện không chỉ xảy ra giữa các nước mà còn diễn ra trong từng nước. Nước Mỹ, Ôxtrâylia và nhiều nước châu Âu đã đi đầu trong vấn đề này, nhất là họ đã xây dựng được khá nhiều chương trình, sáng kiến hướng dẫn TTTT cho các trình độ khác nhau, cho nhiều loại người khác nhau.

Ví dụ, ở Mỹ năm 2000, Hội Thư viện Mỹ đã ban hành Tiêu chuẩn Năng lực thông thạo thông tin cho giáo dục cao cấp (Information Literacy Competency Standards for Higher Education), gồm 6 tiêu chuẩn cho 6 mức độ TTTT khác nhau của sinh viên. Đồng thời, Tiêu chuẩn cũng đưa ra các công cụ để nhận biết 6 mức độ TTTT khác nhau này. Trong Tiêu chuẩn, những người biên soạn xác định rõ ràng phát triển những học viên suốt đời là sứ mệnh trung tâm của các cơ quan giáo dục cao cấp Mỹ [6].

Một vấn đề đang đặt ra trong xã hội hiện đại, cho mỗi người và mỗi tổ chức là phải làm sao thu thập được đầy đủ những thông tin, tri thức cần thiết cho bản thân, đảm bảo cho họ hoạt động có hiệu quả trong xã hội. Khi mà thông tin, tri thức đang tràn ngập trên sách, báo và trên mạng toàn cầu, mạng cục bộ, mỗi người đang phải đối mặt với nghịch lý: dư thừa thông tin nhưng thiếu hụt thời gian và những kỹ năng thu thập, thẩm định, đánh giá tính xác thực và độ tin cậy của thông tin, tri thức...

Vậy một người TTTT phải có những đặc điểm gì?

Theo các chuyên gia nước ngoài, họ phải có những khả năng sau đây: Khả năng nhận biết được những thông tin cần thiết cho bản thân (xác định nhu cầu thông tin), khả năng định vị, thu thập, đánh giásử dụng có hiệu quả thông tin thu thập được. Ở mức độ cao hơn, họ biết tổ chức tri thức và truyền thông tin mà họ thu thập được và sáng tạo ra cho các khu vực quan tâm/ lân cận. Và như vậy họ đã trở thành người học suốt đời, một yêu cầu bắt buộc của xã hội thông tin hiện đại. Vì TTTT được xem là nền tảng vững chắc cho quá trình học tập suốt đời cho mỗi người.

2. Kỹ năng thông thạo thông tin (Information Literacy Skills)

Ở đây chúng ta cần phân biệt trong tiếng Anh hai khái niệm Information Skill/ Kỹ năng thông tin và Information Literacy Skill/ Kỹ năng TTTT.

Khái niệm Kỹ năng thông tin trong các trường đại học ở Mỹ cũng xác định nội dung không giống nhau hoàn toàn về diễn đạt. Nhưng có thể thâu tóm thành ba nội dung chính là:

1- Tìm thông tin chất lượng: tìm độc lập các bài báo, sách chất lượng, không dựa vào danh mục tài liệu đã được giới thiệu.

2- Ngăn ngừa đạo văn: hiểu rõ nguyên tắc trích dẫn, tham chiếu thông tin được sử dụng và đạo đức khoa học.

3- Ghi sâu trình tự tìm, đánh giá và tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau như là một kỹ năng cần thiết sau này vận dụng trong thực tế làm việc.

Còn Kỹ năng TTTT do Chartered Institure of Library and Information Professionals (CILIP), một Viện hàng đầu của Anh chuyên đào tạo chuyên viên thư viện và thông tin của Hội Thư viện Anh đã đưa ra nhiều nội dung như sau:

1- Có nhu cầu thông tin.

2- Có khả năng tiếp cận được các nguồn tin khác nhau.

3- Cách tìm thông tin.

4- Có nhu cầu đánh giá kết quả tìm tin.

5- Cách sử dụng hoặc khai thác kết quả tìm tin.

6- Đạo đức, trách nhiệm và nguyên tắc sử dụng thông tin tìm được.

7- Truyền thông hoặc chia sẻ các phát hiện (thông tin, tri thức).

8- Cách quản lý các phát hiện (thông tin, tri thức) [8].

Như vậy, chúng ta thấy rất rõ sự khác biệt lớn giữa hai khái niệm. Kỹ năng TTTT phức tạp hơn, rộng hơn và phản ánh/ tương thích với khái niệm TTTT. Để tránh nhầm lẫn, gây khó cho người học, chúng ta không nên chuyển ngữ Information Literacy thành Kỹ năng thông tin, vì trùng với khái niệm Information Skill, nhưng khác hoàn toàn về nội dung. Kỹ năng thông tin chỉ là một phần nội dung khái niệm TTTT và Kỹ năng TTTT trong nguyên bản chữ Anh, đang được sử dụng trong tài liệu Anh, Mỹ hiện nay.

3. Tuyên ngôn Praha: Hướng tới một xã hội thông thạo thông tin

Vào tháng 9/2003, một cuộc họp của các chuyên gia về TTTT tại Praha với sự giúp đỡ của UNESCO đã ra Tuyên ngôn Praha (The Prague Declaration) với tiêu đề Hướng tới một xã hội thông thạo thông tin (Towards an Information Literate Society).

Cuộc họp có sự tham gia của 40 chuyên gia thuộc 23 nước đại diện cho tất cả các châu lục trên thế giới, đã chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm về phát triển quan niệm TTTT ở những nơi họ đại diện. Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề TTTT trên toàn thế giới, trong toàn bộ các bộ phận của xã hội, trong từng cá nhân, cơ quan, tổ chức, nền kinh tế, chính phủ và quốc gia.

Tuyên ngônđưa ra 6 nguyên tắc TTTT cơ bản:

Nguyên tắc thứ nhất: Tạo dựng một xã hội thông tin là chìa khoá phát triển xã hội, văn hoá, kinh tế trong các quốc gia, trong các cộng đồng, các thể chế và các cá nhân trong suốt thế kỷ 21 và sau đó.

Nguyên tắc thứ hai: TTTT bao gồm tri thức về các mối quan tâm và các nhu cầu thông tin của chủ thể và khả năng nhận biết, định vị, đánh giá, tổ chức và sáng tạo hiệu quả, sử dụng và truyền thông tin cho các vấn đề lân cận của chủ thể. Nó là một điều kiện tiên quyết tham gia có hiệu quả trong xã hội thông tin hiện nay. Đồng thời là một phần của quyền con người cơ bản của quá trình học tập suốt đời.

Nguyên tắc thứ ba: TTTT khi kết hợp với truy nhập thông tin cơ bản và sử dụng thông tin có hiệu quả và công nghệ truyền thông, giữ một vai trò chủ đạo làm giảm bớt bất bình đẳng trong và giữa các nước và các dân tộc, tăng cường sự hoà hợp và hiểu biết lẫn nhau thông qua sử dụng thông tin trong các khung cảnh đa văn hoá và đa ngôn ngữ.

Nguyên tắc thứ tư: Các chính phủ phải phát triển các chương trình liên ngành mạnh để quảng bá TTTT trên khắp đất nước như là một bước cần thiết thu hẹp khoảng cách số (giữa những người tiếp cận được công nghệ thông tin và những người không tiếp cận được công nghệ thông tin), thông qua tạo dựng một thế hệ công dân TTTT, một xã hội dân sự có hiệu quả và một lực lượng lao động cạnh tranh.

Nguyên tắc thứ năm: TTTT là một vấn đề quan trọng cho tất cả các bộ phận trong xã hội và phải đáp ứng được các nhu cầu và điều kiện riêng của mỗi bộ phận.

Nguyên tắc thứ sáu: TTTT phải là một phần không thể thiếu của chương trình Giáo dục cho mọi người (Education of All), nhằm đóng góp chắc chắn để đạt được Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (The United Nationas Millennium Development Goals) và tôn trọng Tuyên ngôn phổ quát về Quyền con người (The Universal Declaration of Human Rights).

4. Kinh nghiệm giáo dục thông thạo thông tin của Malaixia

Đi sau các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… cũng đã phát triển các chương trình TTTT. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu mô hình của Malaysia, một kinh nghiệm cũng được nhiều nước quan tâm, nghiên cứu, khảo sát, vận dụng.

Tháng 10/1996, cơ quan Công nghệ thông tin Quốc gia được thành lập do Thủ tướng Malaysia lãnh đạo trực tiếp. Cơ quan đã đưa ra một chiến lược tới năm 2020, tất cả người dân Malaysia sẽ được truy nhập thông tin và học tập thông qua một sơ đồ cấu trúc thông tin cho phát triển cá nhân, phát triển tổ chức và phát triển quốc gia.

Ứng dụng thông tin và ứng dụng tri thức sẽ cung cấp nền tảng cho quá trình nâng cao hơn nữa chất lượng lao động và chất lượng cuộc sống cho mọi công dân Malaysia.

Viện trưởng Viện Hệ thống Vi điện tử Malaysia, khi trả lời một tờ báo năm 1997, đã đưa ra tham khảo một quan niệm về xã hội thông thạo công nghệ thông tin (IT-Literate Society). Ông cho rằng một xã hội thông thạo công nghệ thông tin phải đạt được ở mức cao của TTTT, mọi người dân có thể nhận biết, sử dụng và tác động đến thông tin.

Ông cũng nhấn mạnh xã hội thông thạo công nghệ thông tin không chỉ dừng ở TTTT mà còn phải mở rộng lên thông thạo tri thức (Knowledge Literacy).

Ở cấp quốc gia, Malaysia thành lập Chương trình nghị sự TTTT Quốc gia (National Information Literacy Agende – NILA), chương trình này hướng tới:

1- Một tiêu chuẩn TTTT quốc gia cùng với những chỉ tiêu thực hiện và kết quả học tập phù hợp. Tiêu chuẩn phải xác định rõ các chỉ tiêu thực hiện cho mỗi trình độ thành thạo. Nó cũng phải xác định rõ sự khác nhau và gần gũi giữa các khái niệm kỹ năng công nghệ thông tin (IT Skill) và kỹ năng TTTT.

2- Một chương trình TTTT bắt buộc cho tất cả các trường phổ thông và các trường đại học, nội dung được chuẩn hoá.

3- Các chương trình TTTT cho Thư viện Quốc gia và cho tất cả các thư viện công cộng.

4- Một nhóm quan tâm TTTT kết hợp với Hội Thư viện Malaysia xây dựng một diễn đàn thảo luận những vấn đề liên quan tới TTTT.

5- Một Viện TTTT Quốc gia hoạt động như là một trung tâm tham khảo, nghiên cứu, đào tạo và quảng bá, cũng như phối hợp các hoạt động của NILA. Đồng thời, Viện cũng có trách nhiệm tổ chức các hội nghị về TTTT ở cấp quốc gia và khu vực.

Thư viện Quốc gia Malaysia đã giữ một vai trò quan trọng trong hướng dẫn TTTT ở Malaysia. Thư viện đã xây dựng các chương trình sơ cấp, trung cấp và cao cấp về TTTT.

Đồng thời, Thư viện cũng tổ chức các hội thảo về TTTT trong Tháng đọc Quốc gia (National Reading Month) tổ chức hàng năm ở Malaysia. Kết hợp với Chính sách khuyến đọc (Reading Promotion Policy) của Malaysia bao gồm 9 chương trình và rất nhiều hoạt động riêng lẻ, Thư viện Quốc gia Malaysia đã đưa ra 6 hoạt động riêng tập trung vào vấn đề TTTT:

1- Phát triển một mạng lưới các đối tác quảng bá TTTT.

2- Tạo dựng và phát triển các chương trình TTTT trực tuyến với quan điểm đảm bảo và phát triển một xã hội, một nền văn hoá giàu tri thức và thông tin.

3- Tổ chức các chương trình TTTT tại các thư viện và các cơ quan phù hợp.

4- Thực hiện các chương trình TTTT trực tuyến nhằm đảm bảo và phát triển một xã hội, một nền văn hoá giàu thông tin, tri thức.

5- Tạo lập một cơ sở dữ liệu về TTTT Malaysia, bao gồm các chương trình đọc, các công trình nghiên cứu, các chuyên gia và các hoạt động đọc được thực hiện ở cấp quốc gia.

6- Thực hiện nghiên cứu trực tuyến và các hội thảo và giáo trình kỹ năng thông tin.

Thư viện Quốc gia Malaysia cũng giữ vai trò hàng đầu trong toàn bộ hệ thống thư viện công cộng Malaysia, hướng dẫn kỹ năng thông tin trong công chúng rộng rãi.

TTTT cũng được hướng dẫn trong toàn bộ hệ thống giáo dục từ các trường phổ thông tới các trường cao đẳng, đại học.

Một điểm nổi bật trong các trường học phổ thông Malaysia là kết hợp hướng dẫn đọc và hướng dẫn TTTT hoặc kỹ năng thông tin. Những trường biết kết hợp giáo dục kỹ năng đọc và hướng dẫn TTTT cho học sinh được gọi là Nhà trường thông minh (Smart school).

Một trong những nguyên tắc chỉ đạo Nhà trường thông minh là học sinh sẽ được học xử lý (process) và tác động (manipulate) đến thông tin. Học sinh cũng được hướng dẫn suy nghĩ có phê phán và đào sâu suy nghĩ về những điều các em đã học được, cũng như  di chuyển và áp dụng tri thức từ một ngành này sang một ngành khác và vào đời sống hàng ngày.

Trong các trường đại học ở Malaysia đã thực hiện giảng dạy các sáng kiến TTTT (Information Literacy Initiatives) khác nhau, nhưng có thể quy về 4 loại cơ bản như sau:

1- Hướng tới tất cả các sinh viên mới/ đã tốt nghiệp.

2- Chương trình kỹ năng thông tin cho sinh viên năm cuối, nhưng không bắt buộc.

3- Chương trình kỹ năng thông tin chuyên sâu như sử dụng các cơ sở dữ liệu hoặc kỹ năng tìm tin trên Internet.

4- Giáo trình kỹ năng/ TTTT được xem như một môn học tự chọn hoặc bắt buộc [7].

5. Một số nét giáo dục thông thạo thông tin ở nước ta

Khoảng hơn 20 năm qua, TTTT đã được đề cập ở nước ta ngày càng nhiều và sâu sắc, chủ yếu trên Tạp chí Thư viện Việt Nam và Thông tin & Tư liệu. Đồng thời, TTTT cũng đã được giảng dạy tại nhiều trường đại học và bước đầu cũng được hướng dẫn tại một số trường phổ thông, ở những mức độ khác nhau.

Có trường phổ thông đã tham gia chương trình nghiên cứu hướng dẫn TTTT trong 7 nước khu vực Đông Nam Á, do chi nhánh UNESCO Băng Cốc tổ chức trong hai năm 2004-2005. Có trường đại học đã tổ chức hướng dẫn TTTT cho sinh viên của trường. Nhiều thư viện đã tiến hành hướng dẫn TTTT ở những mức độ khác nhau, nhưng nghiêng về hướng dẫn sử dụng từng thư viện cụ thể. Thư viện Quốc gia Việt Nam trong nhiều năm gần đây đã tổ chức thường xuyên (hàng tuần) chương trình hướng dẫn người đọc sử dụng thư viện, khai thác các cơ sở dữ liệu.

Gần đây, cũng đã có công trình khảo sát, nghiên cứu, bước đầu tổng kết tình hình và nội dung giảng dạy TTTT tại nhiều thư viện trường đại học [5].

Tuy vậy, trong thời gian qua TTTT đã được phát triển tại Việt Nam thể hiện ở hai bình diện:

- Nghiên cứu tiếp thu nội dung khái niệm và các chương trình giảng dạy của nước ngoài.

- Hướng dẫn sinh viên, học sinh, công chúng rộng rãi ở những mức độ khác nhau, nghiêng về sử dụng từng thư viện cụ thể.

Nhưng có lẽ chưa đúng tầm của nó trong xã hội hiện đại, trong xã hội học tập như chúng ta đang mong muốn xây dựng. Trong thời gian tới, cần phát triển theo chiều sâu, sát với nội dung khái niệm và kỹ năng TTTT ở các nước tiên tiến, thể hiện ở hai nhiệm vụ:

- Tổ chức một cơ quan hay bộ phận ở cấp quốc gia xây dựng định hướng, kế hoạch phát triển giáo dục TTTT trong học sinh, sinh viên và công chúng rộng rãi nhằm liên kết ít nhất là hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện.

- Biên soạn những tiêu chuẩn giáo dục TTTT đạt chuẩn mực quốc tế, nhằm thống nhất trong cả nước các mức độ TTTT trong sinh viên dành cho các trường đại học, cao đẳng và trong công chúng rộng rãi dành cho các thư viện khác nhau.

6. Mối quan hệ giữa thông thạo thông tin với văn hoá đọc

Thực chất là mối quan hệ giữa kỹ năng TTTT và kỹ năng đọc. Có thể nói giữa kỹ năng đọc và kỹ năng TTTT có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời nhau.

Khi thẩm định, đánh giá chính xác thông tin, tri thức, cần phải nắm chắc, hiểu sâu và đầy đủ nội dung của thông tin, tri thức. Hiểu sâu, đầy đủ, chính xác nội dung thông tin, tri thức chính là kỹ năng đọc [4]. Như vậy phải có kỹ năng đọc thành thạo mới có thể vận dụng được kỹ năng TTTT.

Nếu kỹ năng đọc thấp hoặc chưa thành thạo cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kỹ năng TTTT. Mức độ am hiểu kỹ năng TTTT phải dựa trên kỹ năng đọc và mức độ thành thạo của kỹ năng đọc.

Chỉ có dựa trên mức độ thành thạo kỹ năng đọc mới có thể thẩm định, đánh giá chính xác mức độ tin cậy, xác thực của thông tin, tri thức để sử dụng và sáng tạo.

Chính vì vậy khi hướng dẫn kỹ năng TTTT cần phối hợp, lồng ghép giáo dục kỹ năng đọc trong sinh viên, học sinh.

Khi phát triển văn hoá đọc, giáo dục kỹ năng đọc trong các thư viện cũng phải phối hợp mở rộng sang kỹ năng TTTT, vì ngày nay thông tin, tri thức trên mạng ngày càng gia tăng và số lượng người đọc trên mạng cũng đang tăng theo. Một xu hướng phát triển tất yếu, không thể đảo ngược.

7. Kết luận

Gần đây có một số ý kiến cho rằng đọc trên mạng không nắm được sâu sắc nội dung văn bản bằng đọc trên giấy. Có đúng như vậy không?

Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử, loài người phát minh ra chữ viết (các con chữ) đã trên 5.000 năm nay. Từ đó đến nay, các con chữ đã di chuyển chỗ ở nhiều lần. Đầu tiên từ trên vách đá các con chữ đã di chuyển xuống xương động vật, rồi lại di chuyển sang các tấm đất sét, cuộn da động vật... cho tới gần đây di chuyển sang các trang giấy. Còn ở các nước Phương Đông sử dụng chữ khối vuông như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên, thời gian gần đây nhất các con chữ khối vuông cũng đã di chuyển từ các thanh tre sang các trang giấy. Mỗi lần các con chữ di chuyển dù là con chữ la tinh hay con chữ khối vuông đều gần như gắn liền với các bước phát triển của nền văn minh nhân loại.

Hiện nay, cũng chưa thấy có tài liệu nào nêu ra các thất thoát tư tưởng kinh điển do các con chữ di chuyển chỗ ở (di chuyển qua các vật mang tin), làm cho con người không lĩnh hội được hoặc lĩnh hội kiến thức bị giảm sút. Có lẽ các tư tưởng, tình cảm chân thiện mỹ của con người nằm ở các con chữ, nằm ở cách sử dụng, nối kết và cấu trúc các con chữ một cách thông minh, điêu luyện và độc đáo của các tác giả. Và sự lĩnh hội đầy đủ hay không, sâu sắc hay không, thấu đáo hay không những giá trị này phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức giải mã, kiến thức sâu rộng, phong phú, thậm chí tài năng giải mã của mỗi người đọc.

Vào những năm cuối của thế kỷ XX, đồng thời cũng là những năm cuối của thiên niên kỷ thứ hai, sách điện tử đã ra đời, mặc dù ý tưởng đã hình thành từ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cùng với phát minh ra Internet, một lần nữa các con chữ lại bắt đầu một cuộc di chuyển vĩ đại từ các trang giấy sang màn hình các thiết bị đọc, đang tạo ra một bước phát triển mới cho nhân loại. Có người đã ví nhân loại đang bước vào một thời kỳ phục hưng mới, thời kỳ phục hưng lần thứ hai. Thời kỳ phục hưng lần thứ nhất hầu như chỉ diễn ra ở châu Âu. Còn thời kỳ phục hưng lần này diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Liệu sách giấy có cùng song hành với sách điện tử, khác biệt với các lần di chuyển của các con chữ trước đây. Hay vài chục, một trăm năm nữa, con cháu chúng ta cũng chỉ nhìn thấy sách giấy trong các viện bảo tàng, cũng như chúng ta ngày nay, nhìn thấy sách mai rùa, sách tấm đất sét, sách cuộn da, sách thanh tre, sách lá buông... được bảo quản chặt chẽ trong các bảo tàng quý hiếm trên thế giới. Có lẽ sách giấy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của nó, đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền văn minh nhân loại. Nhưng ít ra cho tới thời điểm này, sách giấy đã mất địa vị độc tôn. Con người đang dần làm quen với việc lĩnh hội các giá trị thông tin, tri thức chân thiện mỹ qua các con chữ trên màn hình các thiết bị đọc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Huỳnh Thị Trúc Phương. Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo kỹ năng thông tin cho độc giả tại Đại học Cần Thơ // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2011. - Số 3. - Tr. 12-19.

2. Lê Văn Viết. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức thông tin ở Việt Nam // Tạp chí Thông tin và Tư liệu. - 2008. - Số 3 - Tr. 9-13.

3. Nguyễn Hữu Viêm. Danh từ thư viện - thông tin Anh - Việt. - H.: Văn hoá Dân tộc, 2000. - 356 tr.

4. Nguyễn Hữu Viêm. Văn hoá đọc và phát triển văn hoá đọc ở Việt Nam // Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2009. - Số 3.

5. Trương Đại Lượng. Đào tạo kiến thức thông tin tại một số thư viện đại học ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp // Kỷ yếu Hội thảo. - Huế: Trung tâm học liệu Đại học Huế, 2013. - Tr. 144-156.

6. ALA. Information Literacy Competency Standards for Higher Education. - Chicago: The Association of College and Research Libraries, 2000: 20p.

7. Edzan, N.N... NILA: A National Information Literacy Agenda for Malaysia // Malaysian Journal of Library & Information Science. - 2005. - Vol.10. - No. 1. - P. 91-103.

8. Information literacy skills, w.w.w.cilip.org.uk. Truy cập ngày 30/5/2014.

________________

Nguyễn Hữu Viêm

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 2. - Tr. 24-30.


Đọc thêm cùng chuyên mục: