Học tập phục vụ cộng đồng: yêu cầu đổi mới giảng dạy chuyên ngành thư viện - thông tin

Print

1. Đặt vấn đề

Đảm bảo chất lượng giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, trong đó đảm bảo chất lượng đào tạo ngành Thư viện - Thông tin (TVTT) không là ngoại lệ. Một trong những yêu cầu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục là đổi mới phương pháp giảng dạy, tìm kiếm và áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực. Bên cạnh đó, phương pháp giảng dạy hướng đến việc vận dụng những kiến thức lý luận trong quá trình giải quyết các vấn đề thực tiễn, khuyến khích khả năng học tập chủ động của sinh viên (SV) và học tập qua quá trình trải nghiệm thực tế, gắn kết với lợi ích cộng đồng của SV.

Trong nhiều nghiên cứu trên thế giới, phương pháp học tập phục vụ cộng đồng (HTPVCĐ) là một phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả đã được nghiên cứu và áp dụng từ rất lâu trong hệ thống giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Hà Lan, Canada… Ở Việt Nam hiện nay, một số trường đại học cũng đang tiến hành áp dụng phương pháp giảng dạy và học tập này một cách hiệu quả và đạt chất lượng nhất định như trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, trường Đại học Hoa Sen và bước đầu thử nghiệm áp dụng tại khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh chung đó, bước đầu áp dụng phương pháp HTPVCĐ trong lĩnh vực TVTT là yêu cầu quan trọng và cần thiết, bởi lẽ HTPVCĐ không chỉ mang đến nhiều lợi ích cho SV, giảng viên (GV), cơ sở đào tạo mà còn đặc biệt có ích đối với cộng đồng.

2. Khái niệm “học tập phục vụ cộng đồng”

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về phương pháp HTPVCĐ. HTPVCĐ được biết đến với tên tiếng Anh là Service Learning hay Community - based learning. Khái niệm này xuất hiện từ những năm 1960 tại Mỹ và đã phát triển mạnh mẽ trong nền giáo dục đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Jacoby chỉ ra rằng, HTPVCĐ là hình thức giáo dục kinh nghiệm mà SV tiến hành các hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu của con người và cộng đồng, kết hợp với mục tiêu nâng cao khả năng học tập và phát triển của SV. Một định nghĩa chi tiết hơn về HTPVCĐ là phương pháp giảng dạy kết hợp phục vụ cộng đồng với sự hướng dẫn về mặt học thuật, tập trung vào suy nghĩ biểu hiện, phê phán và trách nhiệm công dân. Hay Campus Compact National Center cho rằng chương trình HTPVCĐ hướng SV trong phục vụ cộng đồng có tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu địa phương, trong quá trình đó, phát triển kỹ năng học thuật của người học, nhận thức về trách nhiệm công dân và cam kết với cộng đồng.

HTPVCĐ khuyến khích áp dụng kiến thức vào vấn đề thực tiễn và khuyến khích các trường đại học trở thành cộng sự chủ động trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề xã hội, công dân, kinh tế và đạo đức [4]. Hay ở góc độ sư phạm, Eyler, Giles và Schmiede [13] cho rằng, HTPVCĐ là một phương pháp sư phạm, thu hút người học vào các hoạt động phục vụ gắn kết với học tập để đảm bảo được hai mục tiêu là (a) kết quả học tập đạt được như mong đợi, (b) lợi ích đem lại cho cộng đồng qua trải nghiệm học tập và phục vụ. Quá trình HTPVCĐ được phản ánh thông qua các hoạt động khác nhau của người học gắn kết với cộng đồng làm việc (ví dụ: viết bài cho tạp chí, thảo luận nhóm nhỏ, hướng dẫn bằng văn bản…).

Nhìn chung, HTPVCĐ là một phương pháp dạy và học mà thông qua đó người học ứng dụng được những kiến thức, kỹ năng đã được học trong nhà trường, lớp học vào điều kiện thực tế. Trong đó, kết quả của quá trình học nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và được sử dụng trong cộng đồng. Như vậy, HTPVCĐ giúp người học làm phong phú kiến thức, rèn luyện và phát triển các kỹ năng như tư duy phê phán, phản biện, làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, ra quyết định… thông qua quá trình trải nghiệm thực tế, gắn kết chặt chẽ với lợi ích của cộng đồng. Đặc biệt, người học càng nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng.

Với nhiều cách tiếp cận khác nhau, suy cho cùng, HTPVCĐ được định nghĩa với ba đặc điểm chính bao gồm (a) Phục vụ: HTPVCĐ nhằm đáp ứng nhu cầu con người trong một cộng đồng mà liên quan đến tình trạng của cá nhân và/ hoặc tình trạng môi trường mà họ sinh sống; (b) Mục tiêu học tập: Mục tiêu học thuật và/ hoặc mục tiêu công dân đạt được thông qua quá trình phục vụ kết hợp học tập; (c) Thể hiện: Cơ hội cho SV thể hiện kinh nghiệm và kết nối với các mục tiêu học thuật/ mục tiêu công dân được lồng ghép trong hoạt động.

Trong môi trường giáo dục đại học, phương pháp HTPVCĐ đòi hỏi sự phối hợp của bốn thành phần tham gia gồm nhà quản lý trường học như ban lãnh đạo nhà trường; GV, người trực tiếp hướng dẫn và đánh giá SV; cộng đồng là đối tượng thụ hưởng và tương tác với SV, GV trong HTPVCĐ; và sinh viên là đối tượng chính của phương pháp học tập này.

3. Áp dụng phương pháp học tập phục vụ cộng đồng trong giảng dạy ngành Thư viện - Thông tin

Áp dụng phương pháp HTPVCĐ hiệu quả và chất lượng sẽ mang đến những lợi ích đối với thanh niên, tổ chức quản lý, cộng đồng thụ hưởng và xã hội. National Service-Learning Clearinghouse đã nêu rõ những lợi ích nhất định.

Đối với sinh viên

Một là, giúp SV có thể mở rộng việc học tập ra ngoài phạm vi lớp học. Quá trình HTPVCD không chỉ diễn ra trong môi trường lớp học thông thường, mà SV được yêu cầu tiếp cận với cộng đồng và các hoàn cảnh thực tế để giải quyết tình huống, vấn đề hoặc nhiệm vụ mà GV yêu cầu. Đặc biệt, thông qua HTPVCĐ, SV có cơ hội nâng cao chất lượng học tập của mình, tạo động lực học tập tốt trong quá trình diễn ra môn học.

Hai là, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm và khả năng lập kế hoạch. Quá trình phát hiện, xử lý, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề và khả năng phối hợp làm việc trong nhiều nhóm khác nhau giúp SV có thêm kỹ năng học tập hiệu quả. Mặt khác, sau khi ra trường, đây sẽ là những kỹ năng quan trọng giúp SV có thể thành công hơn trong công việc. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng HTPVCĐ còn giúp người học phát triển kiến thức xã hội thích ứng, cũng như tạo điều kiện để người học phát triển tư duy bậc cao và các kỹ năng cần thiết, chẳng hạn như khả năng xem xét, đánh giá hiện tượng từ nhiều khía cạnh và áp dụng kiến thức đã học phát triển và thiết lập kiến thức mới.

Ba là, nâng cao khả năng giải quyết những thách thức, tình huống thực tế trong cuộc sống. SV có thể nhận thức tốt hơn về thực tiễn nghề nghiệp của mình thông qua quá trình va chạm hoặc đối mặt với những khó khăn trong thực tế. Điều này sẽ phần nào trở thành kinh nghiệm thực tế giúp SV có thể hình dung ra công việc, trách nhiệm sau khi ra trường. Ví dụ, quá trình SV giao tiếp, hỗ trợ người dùng tin trong thư viện, trung tâm thông tin sẽ giúp SV tìm ra những cách thức thoả mãn tối ưu nhất nhu cầu của họ.

Bốn là, nâng cao thái độ, kỹ năng, hành vi và trách nhiệm của công dân đối với xã hội và cộng đồng. Sự phát triển hoàn thiện của mỗi SV trên cơ sở gắn kết với nhà trường, gia đình và cộng đồng. HTPVCĐ giúp SV xây dựng được các mối quan hệ mới với cộng đồng mà SV phục vụ và học tập. Đây được xem là một trong những lợi ích quan trọng của phương pháp HTPVCĐ.

Đối với cơ sở đào tạo

Một trong những lợi ích dễ thấy nhất trong việc áp dụng phương pháp HTPVCĐ chính là việc đảm bảo mục tiêu phát triển kỹ năng và hội nhập cộng đồng cho SV, khuyến khích GV và SV vận dụng hiệu quả phương pháp dạy học tương tác. Thực tế cho thấy, đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách áp dụng phương pháp HTPVCĐ sẽ giúp các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó, HTPVCĐ còn giúp các cơ sở đào tạo xây dựng mạng lưới quan hệ với các tổ chức cộng đồng, đóng góp cho quá trình thực hiện mục tiêu chương trình đào tạo đặt ra. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo còn có cơ hội phát triển sâu hơn, rộng hơn lĩnh vực nghiên cứu khi tiếp cận phương pháp HTPVCĐ.

Đối với cộng đồng

Cộng đồng chính là đối tượng thụ hưởng trực tiếp những thành quả mà SV đạt được. Hay về góc độ nhân lực, SV tham gia HTPVCĐ sẽ trở thành nguồn nhân lực trẻ, tích cực, chủ động học hỏi và sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cộng đồng. Các thư viện, trung tâm thông tin, các tổ chức, cộng đồng nhận được sự nhiệt tình và sáng tạo của SV tham gia. Ngoài ra, với vai trò tương tác, cộng đồng cũng trở thành nơi giúp SV kiểm chứng kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm và đề xuất những hướng đi mới cho chính cộng đồng mà SV phục vụ thông qua những cách tiếp cận mới. Hơn nữa, cộng đồng có xu hướng trở thành đối tác liên kết với các cơ sở đào tạo trong nhiều hoạt động khác nhau.

Sự cần thiết áp dụng học tập phục vụ cộng đồng trong giảng dạy ngành Thư viện - Thông tin

Ngoài những lợi ích đã phân tích trên, phương pháp HTPVCĐ thực sự cần thiết để được áp dụng và triển khai thuận lợi trong giảng dạy ngành TVTT với một số lý do.

Thứ nhất, thúc đẩy và nâng cao vai trò của SV trong quá trình tự xây dựng kiến thức, là một trong những lý do quan trọng trong việc áp dụng phương pháp HTPVCĐ trong giảng dạy ngành TVTT. Thực vậy, quá trình tự học, tự rèn luyện và tích luỹ kiến thức của SV là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi SV. Quá trình HTPVCĐ góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của SV trong việc chuyển đổi và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, góp phần thu hẹp khoảng cách lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh nghề nghiệp tương lai.

Thứ hai, thay đổi vai trò của GV từ vị trí trung tâm của việc dạy, GV sẽ chuyển sang vị trí là người dẫn dắt, hướng dẫn và hỗ trợ SV giải quyết và xử lý các nhiệm vụ, vấn đề xảy ra ngoài lớp học. Trong cộng đồng, SV sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề khó khăn và cần sự hướng dẫn, tư vấn, dẫn dắt từ GV. Khi đó, GV chính là cầu nối giúp SV tiếp cận với cộng đồng tốt hơn và hiệu quả hơn.

Thứ ba, áp dụng phương pháp HTPVCĐ trong giảng dạy đại học ngành TVTT sẽ phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Đó là, phương pháp lấy người học làm trung tâm, di chuyển từ làm việc cá nhân sang hướng hợp tác, cộng tác liên ngành, sự thay đổi từ vị trí giáo dục đại học bị cô lập, tách rời sang một cách tiếp cận công khai và dân chủ trong học tập.

Sau cùng, hoạt động HTPVCĐ được thiết kế và triển khai luôn đảm bảo sự gắn kết một cách có chủ ý giữa kinh nghiệm phục vụ dựa trên mục tiêu học tập; tính chặt chẽ và có tổ chức xuyên suốt quá trình; tính liên tục; tính phản hồi và đánh giá; luôn làm rõ các giá trị đạt được [6].

Phương thức và quy trình áp dụng

Trong thực tiễn giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới, có một số cách thức để áp dụng HTPVCĐ hiệu quả. Một là, HTPVCĐ được thiết kế và xây dựng thành một môn học cụ thể nằm trong khung chương trình đào tạo. Môn học này có thể bắt buộc hoặc tự chọn tuỳ thuộc điều kiện của từng chương trình. Hai là, HTPVCĐ được tổ chức là một chương trình hoạt động ngoại khoá có tính chất bắt buộc. SV phải tham gia và hoàn thành môn học, hoặc như một trong những môn học điều kiện để SV theo học các môn học khác, hoặc như một môn học điều kiện cần để SV tốt nghiệp. Tuy nhiên, kết quả học tập có thể không được sử dụng để đánh giá năng lực học tập của SV. Ba là, HTPVCĐ được lồng ghép trong chính từng môn học cụ thể, đặc biệt là các môn học có thời lượng thực hành tương đối nhiều. Việc áp dụng lồng ghép có thể thực hiện từng bước. Trước hết, tuỳ điều kiện cụ thể, GV có thể yêu cầu SV thời gian nhất định để tham gia phục vụ cộng đồng theo nội dung môn học. Sau đó, một khi SV có thể quen dần với cách học tập và phục vụ cộng đồng, SV được yêu cầu chủ động đăng ký chương trình HTPVCĐ với thời gian nhiều hơn.

Quy trình áp dụng HTPVCĐ được thực hiện trải qua một số bước. Tác giả Cathryn Berger Kaye phân tích với 5 giai đoạn chính mà GV lưu ý khi áp dụng HTPVCĐ [9].

Giai đoạn khám phá và khảo sát

Để tiếp cận cộng đồng, SV cần xác định nhu cầu của cộng đồng bằng một số phương pháp xã hội học như phỏng vấn, điều tra nhu cầu cộng đồng để biết cộng đồng quan tâm vấn đề gì, từ đó xác định nhu cầu của cộng đồng. Tự nhận thức những kiến thức, kỹ năng và khả năng của bản thân để phục vụ cộng đồng, tìm kiếm những thành viên trong nhóm có cùng mối quan tâm và tiến hành tìm hiểu nhiều hơn về nhu cầu của cộng đồng để xây dựng kế hoạch và chiến lược phù hợp.

Giai đoạn chuẩn bị và lập kế hoạch

Với sự hướng dẫn của GV, SV xác định các yêu cầu cần thiết trong hoạt động phục vụ cộng đồng bao gồm kiến thức và kỹ năng. Trên cơ sở xác lập các mối quan hệ với cộng đồng, SV có thể học tập nhiều kiến thức mới, tiến hành lập kế hoạch chặt chẽ, hợp lý. Giai đoạn này giúp SV có thể nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, vai trò của bản thân đối với cộng đồng, hay nói cách khác, SV nhận thức được sự tích hợp giữa học tập và phục vụ. Từ đó, SV có ý thức vừa học tập, vừa phục vụ cộng đồng một cách hiệu quả. Với giai đoạn này, kế hoạch được xây dựng dựa trên chuẩn đầu ra mong đợi của môn học do GV yêu cầu, nhu cầu và sự hợp tác của cộng đồng, đặc biệt là dựa trên năng lực của SV trong quá trình HTPVCĐ.

Trong giai đoạn này, SV cần chuẩn bị một số nội dung như: thông tin về vấn đề, cộng đồng, tổ chức mà SV phục vụ, những vấn đề mở rộng liên quan; nội dung về dự án, kế hoạch với từng bước thực hiện; phương tiện di chuyển, hậu cần, trang phục, an toàn cá nhân, những vật dụng cần mang theo và những vấn đề liên quan; thái độ ứng xử tại cộng đồng cho phù hợp. Ngoài ra, GV cần chuẩn bị tâm lý cho SV trước và trong khi tham gia phục vụ cộng đồng như những lo lắng, cảm xúc, mong đợi của SV. Mặt khác, GV cũng cần đào tạo cho SV để hoàn thành công việc phục vụ cộng đồng.

Giai đoạn hành động

Đây là giai đoạn mà SV bắt đầu tiếp cận và gia nhập cộng đồng. Hay nói cách khác, SV bắt đầu các hoạt động phục vụ của mình bằng cách tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp. SV sử dụng kiến thức, kỹ năng đã được học trong lớp và trong quá trình chuẩn bị, lập kế hoạch để phục vụ cộng đồng. Trong giai đoạn hành động, SV sẽ nhận thức được những khó khăn, trở ngại, cách để vượt qua những khó khăn đó, tìm kiếm những kiến thức mới, bài học mới qua những thất bại nếu có. Giai đoạn này cần tập trung một số nội dung như vấn đề hay nhóm cộng đồng nào SV sẽ tập trung phục vụ, SV phục vụ cá nhân hay nhóm cộng đồng; hoạt động HTPVCĐ sẽ diễn ra ở đâu; SV sẽ phục vụ trực tiếp cộng đồng hay gián tiếp thông qua đối tượng khác hoặc do SV ở xa khu vực cộng đồng cần phục vụ; thời gian phục vụ diễn ra thường xuyên hay không theo lịch trình, các ngày trong tuần hay cuối tuần; những tài liệu, vật dụng cần thiết hay các hỗ trợ khác do ai cung cấp…

Giai đoạn phản ánh

Giai đoạn phản ánh đòi hòi GV hướng dẫn SV sử dụng các phương pháp khác nhau như thảo luận, viết báo cáo… Trong giai đoạn này, SV cần nhận diện, mô tả những điều đã diễn ra trên cơ sở quan sát, trải nghiệm. Đặc biệt, SV cần chia sẻ, thảo luận những cảm nhận, suy nghĩ, kinh nghiệm của bản thân thông qua thảo luận nhóm, toạ đàm… Ngoài ra, việc xem xét, tìm kiếm những ý tưởng, giải pháp cho vấn đề và nhận phản hồi, đánh giá từ các thành viên tham gia, từ cộng đồng cũng là những nội dung cần thực hiện trong giai đoạn này. Đây là giai đoạn cần thiết để phân biệt với các hoạt động tình nguyện và tham gia phục vụ cộng đồng khác. Trong nội dung cần thực hiện, SV cần trả lời được những câu hỏi sau ở góc độ cá nhân: SV đã nghe và thấy gì, cảm nhận như thế nào và tại sao có cách cảm nhận như vậy đối với những gì đã thu nhận được từ quá trình HTPVCĐ; đối tượng trong cộng đồng mà SV tiếp cận có sự khác biệt gì so với bản thân SV và có liên quan như thế nào đối với chính SV; hay SV có thể là một phần của cộng đồng và một phần của quá trình tìm giải pháp như thế nào.

Ở góc độ học thuật và mục tiêu học tập, SV cần trả lời được các câu hỏi liên quan đến những vấn đề chính trị, xã hội ảnh hưởng đến quá trình phục vụ cộng đồng; nguyên nhân của vấn đề và những giải pháp khả thi đối với các vấn đề đó là gì; và ai là người có tác động lớn đối với giải pháp.

Giai đoạn biểu hiện

Qua quá trình HTPVCĐ, SV sẽ thu nhận được những kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm mới. Quá trình biểu hiện chính là giai đoạn giúp SV chứng minh được những điều đã được học, được trải nghiệm thông qua các báo cáo cuối học phần, các bài viết, sản phẩm, bài thuyết trình, tranh ảnh… Nhìn chung, đây là giai đoạn mà SV thể hiện kết quả cuối cùng của quá trình HTPVCĐ. Dựa trên kết quả đạt được, SV sẽ nhận được những đánh giá, phản hồi từ GV, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân liên quan. Việc xây dựng tiêu chí để đánh giá quá trình HTPVCĐ của SV trong cộng đồng là giai đoạn quan trọng. Ngoài ra, kết hợp trong giai đoạn này, đánh giá bao gồm các thành phần đánh giá đó là GV, cộng đồng và chính bản thân SV.              

Nhìn chung, để HTPVCĐ áp dụng trong giảng dạy ngành TVTT hiệu quả đòi hỏi cơ sở đào tạo, GV chịu trách nhiệm từng môn học xây dựng quy trình chặt chẽ, có kiểm soát, phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, khi tổ chức, áp dụng HTPVCĐ thì GV cần lưu ý. Một là, xác định mối quan hệ mật thiết và tương đồng giữa nhu cầu thực sự của cộng đồng với chuẩn đầu ra mong đợi của môn học. Để thực hiện được điều này, GV phải có quá trình tìm hiểu, khảo sát và nghiên cứu nhu cầu của cộng đồng, phối hợp với cộng đồng để thiết kế yêu cầu cho SV, phù hợp với chuẩn đầu ra mong đợi, nêu lên dự án cho SV thực hiện hoặc những vấn đề cần giải quyết liên quan trực tiếp đến chuẩn đầu ra. Hai là, GV – Cộng đồng – SV cần có sự liên lạc, gắn kết chặt chẽ trong suốt quá trình diễn ra hoạt động HTPVCĐ nhằm kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát SV. Hay nói cách khác, GV cần chuẩn bị cho SV những gì cần thiết để thực hiện được nhiệm vụ yêu cầu. Mối liên hệ này giúp GV kịp thời xác lập các yêu cầu, giúp SV thể hiện được năng lực và kỹ năng của mình trong quá trình giải quyết vấn đề. Trong quá trình HTPVCĐ, GV nhận thấy SV còn thiếu để kịp thời cung cấp, giảng dạy và hướng dẫn SV những kiến thức mới, cần thiết hỗ trợ SV hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Ba là, GV cần xây dựng nhiều hình thức đánh giá khác nhau, ghi nhận đánh giá, phản hồi khách quan từ phía cộng đồng. Ngoài ra, SV cũng là một trong những kênh tự đánh giá. Như vậy, việc kết hợp các hình thức đánh giá sẽ giúp GV có được kết quả khách quan và công bằng nhất cho SV.

Mô hình áp dụng

Áp dụng một số mô hình trong từng học phần cụ thể giúp nâng cao chất lượng HTPVCD là điều cần thiết, đòi hỏi mỗi GV cần cân nhắc và xem xét cho phù hợp.

Mô hình phân bố

SV đến cơ quan, tổ chức hoặc địa điểm phục vụ nhiều lần hoặc cả học kỳ. SV sẽ làm việc và giao tiếp với người dùng tin với vai trò của một người làm thư viện chính thức. Với mô hình này, SV có thể phát hiện nhiều vấn đề, phát triển kỹ năng chuyên môn, thực hành được các nhiệm vụ chuyên môn và rèn luyện một số kỹ năng mềm. Tuy nhiên, SV cũng phải đối mặt với một số rủi ro trong an toàn và di chuyển do phải có mặt thường xuyên tại các thư viện, trung tâm thông tin hay địa điểm phục vụ. Ngoài ra, SV cần phải sắp xếp, bố trí thời gian hợp lý. Ví dụ, đối với môn học Dịch vụ thông tin - thư viện, SV có thể được yêu cầu có mặt ở Thư viện Xanh tại bệnh viện Nhi Đồng 2 để phục vụ cho người dùng tin là bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Tại Thư viện Xanh, SV sẽ có mặt vào các ngày cuối tuần như một người làm thư viện tham gia các hoạt động của thư viện và cũng là nhiệm vụ bắt buộc hoàn thành trong môn học.

Mô hình dự án

SV thực hiện dự án cho một thư viện, trung tâm thông tin hoặc một dự án nghiên cứu. Với mô hình này, SV có thể thực hiện một dự án nghiên cứu nhằm xác định những yếu tố ảnh hưởng đến hành vi thông tin, nhu cầu tin của một nhóm người dùng tin nhất định. SV có khả năng tiếp cận hoạt động nghiên cứu khoa học và nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học, thực hiện dự án. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện dự án sẽ giúp SV có thể rèn luyện được các kỹ năng khác nhau. Khó khăn lớn nhất đối với dự án này là GV cần giới hạn mục tiêu chương trình đào tạo cho phù hợp với phạm vi dự án. Ngoài ra, mô hình dự án chỉ có thể thực hiện hiệu quả hơn với nhóm SV có số lượng ít.

Trong mô hình dự án, GV còn có thể yêu cầu SV cùng kết hợp tham gia thực hiện dự án, đề tài nghiên cứu khoa học do GV chủ trì để vận dụng phương pháp học tập phục vụ cộng đồng với vai trò là thành viên hoặc cộng tác viên cho đề tài, dự án. Ví dụ, theo yêu cầu của GV, SV xây dựng kế hoạch và dự án nhằm phục vụ các thư viện trường học như hỗ trợ về mặt chuyên môn, xử lý tài liệu… cho các loại hình thư viện tư nhân, thư viện nhỏ chưa có điều kiện phát triển, thiếu nhân sự thực hiện. Trong dự án này, SV là người trực tiếp tham gia các hoạt động hoặc có thể là người hướng dẫn, đào tạo lại cho đội ngũ người làm thư viện trường học, tư nhân bằng những kiến thức chuyên môn mà SV đã được học trong trường, lớp. Các công trình thanh niên như xây dựng tủ sách dành cho các đối tượng khác nhau: trẻ em, người già, công nhân, bệnh nhân… cũng có thể được chọn là các dự án nhỏ phục vụ cho từng nhóm đối tượng khác nhau.

Mô hình sản phẩm

Đối với nhiều môn học trong chuyên ngành TVTT thì đây có thể xem là mô hình tương đối phù hợp. SV tạo ra những sản phẩm, dịch vụ cho một thư viện, trung tâm thông tin nhất định bằng cách vận dụng kỹ năng, kiến thức đang học trong lớp. SV có thể thực hiện theo nhóm các sản phẩm theo yêu cầu của GV. Thuận lợi trong việc áp dụng mô hình này chính là SV có thể thực hiện ngay tại lớp học, xây dựng kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả. Đặc biệt, mang cộng đồng vào lớp học cũng là một điểm nổi bật trong mô hình này. Để làm được điều này, SV có thể chủ động liên hệ nhóm cộng đồng tham dự vào lớp học và đánh giá sản phẩm, dịch vụ mà SV cung cấp. Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất của quá trình áp dụng mô hình này bởi vì liên hệ cộng đồng tham dự lớp học đòi hỏi nhiều thời gian. Ví dụ, trong môn học Marketing sản phẩm, Dịch vụ thông tin - thư viện, SV có thể tự thiết kế cuốn sách nhỏ giới thiệu chính thư viện mà SV đang theo học, cung cấp cho người dùng tin của thư viện, trung tâm thông tin và ghi nhận đánh giá phản hồi trực tiếp từ người dùng tin nhận sách này. Hoặc đối với môn học Thiết kế web, SV cũng có thể áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học trong lớp để thiết kế trang web riêng phục vụ người dùng tin. Nội dung trang web có thể chứa đựng các thông tin hướng dẫn người dùng tin sử dụng thư viện.

Mô hình thuyết trình

Mô hình này mang đến cho SV cơ hội thể hiện, trình bày trước cộng đồng bằng những bài thuyết trình mà SV đã thực hiện. Với mô hình thuyết trình, SV sẽ học tập thông qua việc dạy và truyền đạt kiến thức cho cộng đồng tại các khoá học cụ thể trong hoàn cảnh nhất định. Thông qua mô hình này, SV có thể rèn luyện kỹ năng truyền đạt, thuyết trình và tích luỹ kinh nghiệm giảng dạy. Chẳng hạn, SV cũng có thể được yêu cầu thiết kế chương trình hướng dẫn người dùng tin và tiến hành hướng dẫn người dùng tin sử dụng thư viện, trung tâm thông tin. Cộng đồng thụ hưởng chính là tân sinh viên các trường, lớp, khoa khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình thuyết trình thông thường chỉ có thể thực hiện được một vài lần trong một học kỳ. Ngoài ra, việc tìm kiếm cộng đồng phù hợp với mục tiêu của môn học cũng là thách thức lớn đối với mô hình thuyết trình này.

Ví dụ, đối với môn học Phân loại tài liệu, GV có thể yêu cầu SV tham gia trực tiếp bằng cách đến một thư viện để tìm hiểu hoạt động nói chung, công tác phân loại tài liệu của một số thư viện tư nhân nhất định; tìm hiểu nguyên nhân, những mặt thuận lợi và hạn chế của công tác phân loại; trên cơ sở đó, SV cần làm gì để cải thiện hiệu quả hoạt động phân loại tài liệu; và kết quả có thể ứng dụng vào chính thư viện mà SV khảo sát. Đặc biệt, ở giai đoạn báo cáo, SV có thể trình bày kết quả qua hội thảo trong lớp học hoặc xây dựng bảng hướng dẫn phân loại dành cho tài liệu tại các thư viện tư nhân. Sau cùng, GV, cộng đồng – thư viện tư nhân là hai thành phần chính trong quá trình đánh giá kết quả học tập của SV dựa trên kết hợp kết quả học tập trong lớp và kết quả HTPVCĐ.

Mô hình sự kiện

Trong một số học phần, GV có thể yêu cầu SV tổ chức sự kiện nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức của cộng đồng. Thông qua các sự kiện, SV có thể tạo sự chú ý và nhận thức đến một vấn đề nào đó của cộng đồng. Ví dụ, trong môn học Nguồn tài nguyên thông tin, SV có thể áp dụng kiến thức xây dựng chính sách nguồn tài nguyên thông tin để lập kế hoạch và tiến hành vận động tài trợ hoặc xin tài liệu cũ từ các cá nhân, tổ chức, thư viện, trung tâm thông tin. Trên cơ sở nguồn tài liệu có được, SV tổ chức các sự kiện trưng bày tài liệu dành cho người dùng tin nhất định như thiếu nhi, bệnh nhân trong các bệnh viện… Thông qua hoạt động tổ chức các sự kiện, SV có thể khẳng định được năng lực cá nhân trong quá trình xây dựng kế hoạch, thực hiện và đánh giá sự kiện. Ngoài ra, các sự kiện được tổ chức đã thu hút và có tác động lớn tới cộng đồng. Trong sự kiện phổ biến thông tin pháp luật cho học sinh trung học, GV và SV cần chủ động liên hệ, kết hợp với một trường phổ thông nào đó, cụ thể là thư viện trường học. SV thiết kế chương trình phổ biến thông tin với nội dung, phương thức phổ biến phù hợp dựa trên kết quả điều tra, khảo sát và tìm hiểu cộng đồng từ giai đoạn đầu. Với sự hướng dẫn của GV, SV cần thực hiện những hoạt động như: tìm kiếm kinh phí, liên hệ nhà quản lý trường học, xây dựng kế hoạch (thời gian, đối tượng…) để hoàn thành nhiệm vụ học tập và phục vụ của mình.

Bên cạnh những ưu điểm, quy trình áp dụng và một số mô hình có thể được áp dụng, phương pháp này còn có một số hạn chế nhất định và đòi hỏi cơ sở đào tạo, đặc biệt là GV cần có sự cân nhắc, cách nhìn khái quát và gắn kết từng môn học trong chương trình đào tạo. Từ đó, việc áp dụng HTPVCĐ mới thực sự hiệu quả và phát huy được những lợi thế của mình so với các phương pháp giảng dạy và học tập khác. Một số hạn chế và cách thức khắc phục bao gồm: Thứ nhất, thời gian học tập bị hạn chế do phụ thuộc vào lịch học từ Khoa. Biện pháp khắc phục chính là để cân đối phù hợp ngay từ khi GV bố trí môn học, GV cần xem xét mọi thời gian có thể để SV dành tâm sức và thời gian để theo môn học đầy đủ và hiệu quả. Thứ hai, một số rủi ro nhất định có thể gặp phải như tai nạn giao thông do di chuyển nhiều từ trường đến cộng đồng, từ nhà đến cộng đồng…. Do vậy, GV và nhà trường cần có sự bảo đảm an toàn cho SV bằng bảo hiểm hoặc theo sát SV trong suốt quá trình HTPVCĐ để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, GV cần cam kết chịu trách nhiệm nếu bị rủi ro. Như vậy, đây cũng là hạn chế tương đối lớn đối với GV khi áp dụng phương pháp này trong môn học của mình. Hoặc đôi khi sự cam kết giữa cộng đồng và cơ sở đào tạo, GV chưa thực sự chặt chẽ, SV không đạt được mục tiêu mong đợi. Thứ ba, thời gian, tiền bạc và công sức cần phải bỏ ra nhiều hơn so với phương pháp học thông thường. Thực vậy, những chi phí cần thiết và phát sinh trong quá trình HTPVCĐ luôn là vấn đề lớn đối với các GV không tìm được nguồn tài trợ hoặc kinh phí hỗ trợ từ nhà trường. Như vậy, GV cần chủ động tìm kiếm các nguồn tài trợ hoặc vận động các cá nhân, tổ chức, bao gồm gia đình SV để có chi phí hỗ trợ SV tham gia HTPVCĐ. Hay một cách khác, GV cần kết hợp hoạt động HTPVCĐ cùng với đề tài, dự án mà GV chủ trì nhằm giúp SV trang trải những khoản chi phí cần thiết.

Tóm lại, với mỗi môn học khác nhau của từng GV có phương pháp giảng dạy khác nhau, việc áp dụng phương pháp HTPVCĐ dựa trên tính chất tự nguyện với sự cam kết của từng GV trong môn học mà họ đảm trách. Đây có thể được xem là phương pháp có nhiều ưu điểm nổi bật, đáng được vận dụng và triển khai cho nhiều môn học trong chương trình đào tạo ngành TVTT nói riêng và trong đào tạo đại học nói chung. Vì vậy, trước khi tiến hành áp dụng phương pháp HTPVCĐ trong giảng dạy, GV cần nhận diện rõ rệt những ưu điểm mà phương pháp này mang lại. Từ đó, GV có thể xây dựng kế hoạch, áp dụng các bước thực hiện và các mô hình phù hợp, nhằm đảm bảo hoạt động giảng dạy, học tập đạt hiệu quả thực sự, để hướng đến mục tiêu học tập và phục vụ cộng đồng được đưa vào trong chương trình đào tạo ngành TVTT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Huyền, Phan Nguyễn Ái Nhi, Lê Mỹ Loan Phụng. Học tập phục vụ cộng đồng trong môi trường giáo dục. - Tp. Hồ Chí Minh: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2013. - Tr. 1-8.

2. Atelia Melaville, Amy C. Berg, Martin J. Blank. Community - based learning : engaging students for success and citizenship // The Coalition for Community Schools, 2006.

3. Barbara A. Holland. A comprehensive model for assessing service - learning and community - university partnerships. - John Wiley & Sons, Inc., 2001. - P. 51- 60.

4. Boyer, E. Scholarship Reconsidered: Priorities of the Professoriate. - Princeton, NJ.: The Carnegie Foundation for the Advancement of Teaching, 1990.

5. Bringle, R. G., Hatcher, J. A. Implementing service learning in higher education // Journal of Higher Education. - 1996.

6. Bringle, R. G., Hatcher, J. A. Reflection in service learning : making meaning of experience // Educational Horizon. - 1999. - P. 179-185.

7. Bringle, R. G., Hatcher, J. A. Assessment : meaningful measurement of theory based service-learning outcomes // Michigan Journal of Community Service Learning. - 2000. - P. 68-75.

8. Dick Cone, Susan Harris. Service - learning practice : developing a theoretical framework // Michigan Journal of Community Service Learning. - 1996. - P. 43-60.

9. Enos, Sandra L., and Marie L. Troppe. Service-Learning in the Curriculum// Barbara Jacoby and Associates. Service-Learning in Higher Education: Concepts and Practices. - San Francisco, CA: Jossey-Bass, 1996. - P. 156-181.

10. Eyler, Janet. Reflection: Linking Service and Learning - Linking Students and Communities // Journal of Social Issues. - 2002.

11. Eyler, Janet, Dwight E. Giles, C. M. Stenson, and C. J. Gray. At a Glance : What We Know About the Effects of Service-Learning on College Students, Faculty, Institutions, and Communities, 1993-2000. - 3rd ed. Nashville. - TN: Vanderbilt University, 2001. 

12. Eyler, Janet, Dwight E. Giles. Theoretical Roots of Service Learning in John Dewey: Toward a Theory of Service Learning // Michigan Journal of Community Service Learning. - 1994. - P. 77-85.

13. Falbo, Mark C. Serving to Learn : Faculty Guide to Service Learning. -  Ohio Campus Compact

14. Howard, Jeffrey. Service-Learning Course Design Workbook // Michigan Journal of Community Service Learning. - 2001. - P. 1-63.

15. Jackson, K. (ed.). Redesigning Curricula : Models of Service Learning Syllabi. - Providence, RI: Campus Compact, 1994.

16. Jacoby, Barbara. Building Partnerships for Service-Learning. - San Francisco, CA: Jossey-Bass, 2003.

17. Kathleen Flecky. Service - Learning in occupational therapy education : philosophy and practice. - LLC: Jones and Bartlett publishers, 2011. - 299p.

18. Mary Prentice, Gail Robinson. Improving Student Learning Outcomes with Service Learning. - American Association of Community Colleges. - 2003.

19. Molly Ryan. Service - learning after learn and serve America : How five states are moving forward. - Education Commission of the States, 2012.

20. Roehlkepartain, E. C. Service-Learning in Community-Based Organizations : A Practical Guide to Starting and Sustaining High-Quality Programs. -  Scotts Valley, CA: Learn and Serve America’s National Service-Learning Clearinghouse, 2009.

21. Cathryn Berger Kaye. The Complete Guide to Service Learning : Proven, Practical Ways to Engage Students in Civic Responsibility, Academic Curriculum, and Social Action. - Free Spirit Publishing, 2010

22. Một số trang web:

http://www.nwtc.edu.

http://www.jhsph.edu.

http://www.palmbeachstate.edu.

https://www.uvu.edu.

__________________

ThS. Bùi Hà Phương

Khoa Thư viện - Thông tin học, ĐH KHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2015. - Số 3. - Tr. 15-23.


Đọc thêm cùng chuyên mục: