Mô hình hành vi thông tin của giảng viên: từ kết quả nghiên cứu hành vi thông tin của giảng viên các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh

Print

Đặt vấn đề

Trong môi trường đại học, việc hoàn thiện hành vi thông tin (HVTT) của giảng viên (GV) đòi hỏi không chỉ nỗ lực của mỗi GV mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường và thư viện đại học (TVĐH). Mục tiêu của việc xây dựng mô hình HVTT của GV tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh là mô phỏng khái quát HVTT chuẩn của GV. Mô hình này là mô hình lý thuyết về HVTT của GV bao gồm các giai đoạn cụ thể trong mô hình, sự tác động của các nhóm yếu tố đến từng giai đoạn của HVTT, các yêu cầu đối với HVTT hoàn thiện của GV. Trên cơ sở đó, nhà trường, TVĐH, GV có thể xác định các biện pháp phù hợp để hoàn thiện HVTT của GV.

Ngoài ra, mô hình HVTT của GV cũng là cơ sở để các trường đại học, đặc biệt là các trường ở thành phố Hồ Chí Minh có thêm căn cứ, tiêu chuẩn để tham khảo trong quá trình đề ra các kế hoạch phát triển của nhà trường.

1. Mục tiêu và cơ sở xây dựng mô hình hành vi thông tin của giảng viên

Mô hình HVTT của GV tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên cơ sở lý thuyết xây dựng mô hình HVTT, cơ sở thực tiễn nghiên cứu HVTT của GV tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh và các yêu cầu của mô hình HVTT của GV.

Cơ sở lý thuyết xây dựng mô hình hành vi thông tin của giảng viên

Mỗi mô hình HVTT đều thể hiện quan điểm tiếp cận khác nhau, nhấn mạnh các khía cạnh tiêu biểu trong các giai đoạn của HVTT nói chung hoặc của các nhóm người dùng tin khác nhau. Các quan điểm tiếp cận bao gồm: quan điểm hành vi, quan điểm nhận thức - hành vi, quan điểm nhận thức - cảm tính và quan điểm tích hợp. Trong số những mô hình HVTT đã được nhiều tác giả đề xuất, mô hình HVTT tích hợp của tác giả Wilson (1999) [4,5] và mô hình quá trình tra cứu thông tin của tác giả Kuhlthau (2004) [2] được xem là hai mô hình chính mà nghiên cứu này lựa chọn và kế thừa trong quá trình xây dựng mô hình HVTT của GV tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.

Trước hết, hai mô hình này được lựa chọn bởi vì mô hình HVTT hoàn thiện của GV được tiếp cận dựa trên hai quan điểm bao gồm tiếp cận nhận thức - cảm tính và sự tổng hợp của nhiều quan điểm khác nhau như lý thuyết liên quan đến cá nhân học tập, kinh tế học, tâm lý học (nhân cách, tác động, nhận thức của cá nhân) và lý thuyết tìm kiếm thông tin. Trong đó, lý do lựa chọn mô hình HVTT của tác giả Wilson đó là mô hình thể hiện rõ sự tương thích giữa các thành phần mô hình (bối cảnh nhu cầu tin, hành vi tìm kiếm thông tin, xử lý và sử dụng thông tin) so với khái niệm HVTT của GV (hành vi xác định nhu cầu tin, hành vi tìm kiếm thông tin, hành vi sử dụng và chia sẻ thông tin hợp lý) đã được đề cập trong phạm vi nghiên cứu này. Đặc biệt, một số lý thuyết giải thích HVTT của người dùng tin cũng được tác giả Wilson đề cập trong mô hình. Khi nghiên cứu và đề xuất mô hình HVTT của GV, quy luật nỗ lực tối thiểu cũng được vận dụng để xây dựng mô hình.

Ở mô hình của Wilson, HVTT của GV nhấn mạnh đến vai trò chủ thể và chủ động của người dùng tin. Với mục tiêu thoả mãn nhu cầu tin, người dùng tin sử dụng các nguồn thông tin hay dịch vụ thông tin chính thức, phi chính thức. Khi đó, người dùng tin có thể thành công hoặc thất bại trong quá trình tìm kiếm thông tin thích hợp. Nếu thành công, người dùng tin sẽ sử dụng thông tin đó để thoả mãn nhu cầu tin của mình, hay ngược lại, quá trình tìm kiếm thông tin sẽ được lặp lại để đạt được mục tiêu cuối cùng là thoả mãn nhu cầu tin của mình. Mô hình này cho thấy, một phần của hành vi tìm kiếm thông tin có thể liên quan đến người khác trong quá trình trao đổi cũng như sử dụng thông tin. Ngoài ra, ưu điểm của mô hình hiệu chỉnh trong thời gian sau đó cũng đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng đến HVTT hay bối cảnh nảy sinh nhu cầu và hành vi của người dùng tin. Các yếu tố này được mô tả bao gồm yếu tố về tâm lý, cá nhân, liên quan đến vai trò, liên cá nhân, môi trường và đặc điểm của nguồn thông tin. Trong khi đó, đối với GV, HVTT cũng chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau (cá nhân, văn hoá, xã hội, tâm lý). Đây được xem là điểm tương đồng để khẳng định việc vận dụng mô hình HVTT của Wilson là phù hợp.

Lý do để chọn mô hình quá trình tra cứu thông tin của tác giả Kuhlthau chính là sự phân tích chi tiết các giai đoạn cụ thể của HVTT, trong đó, hành vi tra cứu thông tin là trọng tâm của mô hình này. Các giai đoạn bao gồm khởi đầu với nhu cầu tin của mỗi người dùng tin, lựa chọn, khám phá, xây dựng, thu thập và thể hiện sản phẩm sau khi có được thông tin. Mô hình này nhấn mạnh đến cá nhân và những yếu tố liên quan đến cá nhân người dùng tin như môi trường, hình ảnh, kỳ vọng, cảm xúc, kinh nghiệm, sự tưởng tượng, giá trị cũng như những kiến thức mang tính lý thuyết [1]. Các giai đoạn thể hiện sự phát triển suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu, cảm xúc liên quan đến quá trình tra cứu và các hoạt động tìm kiếm, sử dụng nguồn thông tin. Mô hình này không chỉ đơn thuần là các kỹ thuật tìm kiếm thông tin mà đó là sự kết hợp giữa tình cảm (cảm xúc), nhận thức (ý tưởng) và hành động (hành động và chiến lược hành động).

Như vậy, mô hình HVTT của GV là sự kết hợp có chọn lọc những yếu tố cấu thành HVTT của người dùng tin nói chung. Sự kết hợp này giúp mô hình thể hiện được đặc điểm từng giai đoạn của hành vi (xác định nhu cầu tin, tìm kiếm và sử dụng thông tin) trong các bối cảnh cụ thể và có sự tác động giữa các yếu tố ảnh hưởng.

Cơ sở thực tiễn xây dựng mô hình hành vi thông tin của giảng viên

Kết quả khảo sát HVTT của GV tại các trường đại học cho thấy, HVTT của GV có một số ưu điểm nhất định thể hiện qua những kết quả đầu ra mà GV đạt được trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu và tự học. Bên cạnh đó, HVTT của GV có một số hạn chế cần hoàn thiện. Trong đó, hành vi xác định nhu cầu tin của GV còn chưa hoàn thiện, mang tính tiềm ẩn; hành vi tìm kiếm thông tin, xây dựng chiến lược tìm tin và tra cứu hệ thống tìm tin ở mức độ cơ bản; khả năng tận dụng và khai thác tối đa hiệu quả các nguồn thông tin, hành vi lưu trữ, tổ chức thông tin, trích dẫn và chia sẻ thông tin của GV chưa hoàn thiện. Ngoài ra, mô hình được xây dựng dựa trên mối liên quan giữa HVTT của GV và vai trò của TVĐH và nhà trường, trong đó, TVĐH góp phần tác động trực tiếp đến hành vi xác định nhu cầu tin, tìm kiếm, sử dụng và chia sẻ thông tin của GV; nhà trường được xem là bối cảnh hình thành HVTT của GV. Do vậy, việc sử dụng một mô hình HVTT hoàn thiện để biểu đạt cụ thể HVTT của GV là thực sự cần thiết.

Mô hình HVTT của GV được xây dựng đáp ứng các yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, mô hình HVTT của GV thể hiện được đầy đủ các giai đoạn của mô hình và các yếu tố ảnh hưởng đến các giai đoạn HVTT của GV. Trong từng giai đoạn thể hiện rõ đặc trưng của các yếu tố ảnh hưởng đến HVTT của GV.

Thứ hai, mô hình HVTT của GV cần đảm bảo sự vận hành chặt chẽ giữa các giai đoạn. Chẳng hạn, ở giai đoạn hình thành nhu cầu tin sẽ làm nảy sinh giai đoạn tìm kiếm thông tin và tiếp tục nảy sinh giai đoạn sử dụng, chia sẻ thông tin. Kết thúc mô hình chính là sự thoả mãn nhu cầu tin của GV và hỗ trợ GV thực hiện mục tiêu nhất định. Các giai đoạn này cần đảm bảo được tính ổn định và linh hoạt khi GV thực hiện hành vi xác định nhu cầu tin, hành vi tìm kiếm, sử dụng và chia sẻ thông tin. Cụ thể, tính ổn định của mô hình chính là cơ sở để nhà trường, TVĐH có thể đưa ra các biện pháp tác động hiệu quả ở mọi giai đoạn khác nhau trong HVTT của GV. Về tính linh hoạt, mô hình HVTT của GV sẽ đảm bảo rằng có thể áp dụng hiệu quả với bất kỳ GV trong mọi bối cảnh khác nhau. Chẳng hạn, đối với GV tìm kiếm thông tin để soạn một bài giảng hoặc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), họ cũng có thể thực hiện hành vi tìm tin, sử dụng và chia sẻ thông tin dựa trên mô hình này.

Thứ ba, mô hình HVTT của GV được xây dựng dựa trên nguyên lý chung về HVTT của người dùng tin, đồng thời, làm nổi bật được những đặc trưng trong HVTT của GV trong bối cảnh nhà trường. Các đặc trưng này có thể được thể hiện qua bối cảnh chung hình thành HVTT và qua sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của các nhóm yếu tố đến HVTT của GV. Ngoài ra, mô hình phải phù hợp với đặc điểm thực tiễn của bối cảnh hình thành HVTT của GV. Sự phù hợp của mô hình được thể hiện qua khả năng khắc phục và cải thiện được những hạn chế trong HVTT của GV và hướng đến khai thác những ưu điểm của HVTT GV. Chẳng hạn, đối với các GV có quỹ thời gian hạn chế, mô hình này sẽ định hướng giúp họ biết cách chọn được nguồn thông tin, tra cứu thông tin và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin nhằm tiết kiệm thời gian.

2. Đề xuất mô hình hành vi thông tin của giảng viên tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh

Mô hình HVTT của GV là mô hình lý thuyết, được xem là cơ sở để đề xuất các nhóm giải pháp hoàn thiện HVTT của GV tại các trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Với đặc điểm của người dùng tin khoa học, HVTT của GV có những đặc trưng khác biệt. Việc nhận diện các đặc trưng này sẽ làm rõ mối liên kết giữa các giai đoạn trong quá trình hình thành nhu cầu tin, tìm kiếm và sử dụng thông tin của GV. Đồng thời, các đặc trưng này cũng cho thấy vai trò quan trọng của TVĐH và nhà trường để hoàn thiện HVTT của GV. Từ cơ sở lý luận, thực tiễn khi xây dựng mô hình HVTT và các yêu cầu về mô hình HVTT, mô hình HVTT của GV tại các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh được đề xuất gồm các giai đoạn cấu thành cơ bản và có cơ chế vận hành như sau (hình 1).

Giai đoạn 1: Xác định nhu cầu tin của GV

Mô tả giai đoạn và cơ chế vận hành

Xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ giảng dạy, NCKH và tự học của mỗi GV trong trường đại học, nhu cầu tin của GV được hình thành. Về xác định phạm vi nội dung nhu cầu tin, GV cần hiểu rõ vấn đề nội dung mà GV cần tìm kiếm để thực hiện các nhiệm vụ, phụ thuộc vào đặc điểm nhóm GV khác nhau (nhóm giảng dạy và NCKH, nhóm học tập, nhóm cán bộ lãnh đạo, quản lý).

2019-02-04-1

Hình 1. Mô hình HVTT của GV

Chú thích

→ Giai đoạn của HVTT

→ Tác động trực tiếp và gián tiếp

Điểm đặc trưng đầu tiên trong HVTT của GV đó là hành vi xác định nhu cầu tin của GV mang tính thường xuyên, ổn định, chuyên sâu, cập nhật và hiện đại. Mức độ thường xuyên được thể hiện qua nhiệm vụ giảng dạy, NCKH và tự học nâng cao trình độ thường xuyên của nhà trường. Trong hoạt động giảng dạy, GV thường xuyên cập nhật đề cương, bài giảng, cập nhật kiến thức chuyên môn, phương pháp giảng dạy phù hợp... Tương tự, hoạt động NCKH cũng luôn đòi hỏi tính mới trong nghiên cứu của GV, thúc đẩy GV luôn cập nhật và học hỏi, đặc biệt trong bối cảnh các trường đại học định hướng trở thành đại học nghiên cứu trong nước và quốc tế. Những yêu cầu về việc trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn cũng là một yếu tố tạo nên tính thường xuyên của hành vi xác định nhu cầu tin của GV.

Bên cạnh đó, tính ổn định trong hành vi xác định nhu cầu tin của GV chính là việc GV lựa chọn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đang giảng dạy, nghiên cứu hay tự học. Nghĩa là, nhu cầu tin của GV sẽ ít có sự biến động khi xác định phạm vi nhu cầu tin và thời điểm thể hiện nhu cầu tin.

Ngoài ra, tính chuyên sâu trong nhu cầu tin của GV cũng thể hiện rất rõ, bởi lẽ đặc thù mỗi GV giảng dạy, nghiên cứu trong từng chuyên ngành cụ thể, tác động đến quá trình hình thành phạm vi nội dung nhu cầu tin của GV. Chẳng hạn, những GV giảng dạy và nghiên cứu chuyên ngành luật quốc tế sẽ có khuynh hướng giới hạn phạm vi nguồn thông tin cung cấp liên quan đến chuyên môn hoặc một số thông tin liên ngành.

Chính sự khác biệt đặc thù này cho thấy, GV cần có một nguồn thông tin có khả năng đáp ứng được nhu cầu thường xuyên, ổn định, mang tính chuyên sâu, hiện đại và cập nhật. Trong đó, TVĐH là một nguồn thông tin phù hợp và có khả năng đáp ứng được những đặc thù trong HVTT của GV, có thể cung cấp thông tin một cách chủ động và thường xuyên đến GV như những tài liệu, sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực chuyên môn mà GV giảng dạy, nghiên cứu. Đồng thời, trong các trường đại học, giữa GV và TVĐH luôn có sự hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều hoạt động chuyên môn (biên soạn bài giảng, cập nhật đề cương môn học, báo cáo chuyên đề, viết bài báo, thực hiện đề tài...).

Để giai đoạn này vận hành hiệu quả trong mô hình, từ bản thân mỗi GV cần nhận thức rõ các yêu cầu về vai trò, nhiệm vụ của mình trong môi trường giáo dục. Đồng thời, các trường đại học cần có giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện bối cảnh hình thành nhu cầu tin của GV, thúc đẩy GV tìm kiếm, sử dụng và chia sẻ thông tin. Đặc biệt, TVĐH trở thành nguồn thông tin hữu ích để GV tìm kiếm khi có nhu cầu tin.

Yếu tố ảnh hưởng

Hành vi xác định nhu cầu tin của GV chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của các nhóm yếu tố cơ bản bao gồm: nhóm yếu tố văn hoá, nhóm yếu tố xã hội, nhóm yếu tố tâm lý và nhóm yếu tố cá nhân. Ở mức độ trực tiếp, hành vi này được xác định và chịu tác động từ đặc thù công việc của từng GV, những yêu cầu đặt ra đối với công tác giảng dạy (phương pháp giảng dạy, chất lượng đào tạo người học...), NCKH (công bố khoa học, thực hiện đề tài, dự án...) hoặc tự học nâng cao trình độ. Đây là nhóm yếu tố xuất phát từ chính bối cảnh hình thành nhu cầu tin của GV trong các trường ĐH và yêu cầu nhiệm vụ công việc của GV (giảng dạy, NCKH và tự học). Chẳng hạn, khi GV đồng thời vừa tham gia giảng dạy, vừa NCKH và vừa tự học nâng cao trình độ, vừa giữ vai trò là nhà quản lý cấp trường, khoa, bộ môn, nhu cầu tin của GV sẽ được hình thành và thể hiện nhiều hơn so với những GV chỉ thực hiện một vai trò cụ thể.

Yêu cầu đối với hành vi xác định nhu cầu tin

Trong mô hình HVTT chuẩn, HVTT của GV cần đạt được các yêu cầu về hành vi nhận diện đầy đủ nhu cầu tin và trình bày được nhu cầu tin trước khi tìm kiếm thông tin. Các yêu cầu này thể hiện ở hành vi của GV khi xác định được vấn đề quan tâm, loại thông tin mà GV cần tìm. Đặc biệt, GV có hành vi hoàn toàn chủ động thể hiện nhu cầu tin bằng các yêu cầu tin cụ thể.

Giai đoạn 2: Tìm kiếm thông tin

Mô tả giai đoạn và cơ chế vận hành

Giai đoạn tìm kiếm thông tin bao gồm: lựa chọn nguồn thông tin, tra cứu thông tin và chọn lọc, xử lý và đánh giá thông tin. Việc xác định nguồn thông tin được hình thành sau khi GV xác định được nhu cầu tin của mình. GV lựa chọn các nguồn thông tin khác nhau như: TVĐH, nguồn tin trên mạng Internet, nguồn tin từ các nhà cung cấp dịch vụ thông tin hoặc các nguồn thông tin từ đồng nghiệp, người học, tủ sách cá nhân... Như vậy, gắn liền với khả năng vận hành của giai đoạn này chính là vai trò của nguồn thông tin. Trong đó, TVĐH được lựa chọn là nguồn thông tin ưu tiên để GV thoả mãn nhu cầu tin của mình. Sau đó, GV có thể sử dụng và khai thác từ các nguồn theo thứ tự ưu tiên.

Hơn nữa, sự khác biệt trong HVTT của GV được thể hiện qua hành vi tìm kiếm thông tin với ít sự nỗ lực. Dựa trên quy luật nỗ lực tối thiểu có thể dễ dàng nhận thấy, GV luôn đặt mục tiêu dành thời gian ít nhất để tìm kiếm từ nguồn thông tin đáng tin cậy nhất để thu nhận được kết quả tốt nhất. GV sẽ luôn ưu tiên lựa chọn nguồn thông tin có khả năng hỗ trợ GV tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, nguồn thông tin này có thể giúp GV tra cứu thông tin thuận tiện thông qua các công cụ tra cứu hoặc họ sẵn sàng chi trả các dịch vụ hỗ trợ để có được thông tin mà họ cần. Khi đó, 80% thông tin thoả mãn yêu cầu tin của GV được tìm thấy trong 20% nguồn thông tin phù hợp.

Do vậy, xem xét và đối sánh với các nguồn thông tin khác, TVĐH chính là một nguồn thông tin hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu của hành vi tìm kiếm thông tin của GV. Cụ thể, TVĐH có thể cung cấp cho GV những sản phẩm, dịch vụ thư viện - thông tin phù hợp, trang bị cho GV những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi tìm kiếm, tra cứu thông tin, giúp GV có thể tiết kiệm được thời gian tra cứu, đánh giá và chọn lọc kết quả tìm kiếm.

Sau khi xác định nguồn thông tin là TVĐH, GV sẽ thực hiện hành vi tra cứu thông tin trong TVĐH. Hành vi tra cứu thông tin của GV được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. GV thực hiện hành vi tra cứu trực tiếp khi sử dụng các công cụ tra cứu tin như hệ thống tìm tin, tài liệu tra cứu... để tự tìm tin. Khi đó, GV cần có những kỹ năng tra cứu thông tin như cách biểu đạt yêu cầu tin, lập biểu thức tìm tin... Với hành vi tra cứu gián tiếp, đối với những GV không có nhiều thời gian tự tìm tin có thể sử dụng các dịch vụ thư viện - thông tin của TVĐH. Các dịch vụ này có thể bao gồm dịch vụ phổ biến thông tin có chọn lọc (SDI), dịch vụ tra cứu tin, dịch vụ hỏi đáp, tư vấn thông tin... Đây cũng chính là điểm khác biệt trong hành vi tra cứu tin của GV bởi lẽ khi không có thời gian tự tìm tin, họ sẵn sàng chi trả để có được thông tin phù hợp.

Khi kết thúc hành vi tra cứu thông tin, GV sẽ nhận được kết quả tìm tin. Kết quả này được GV xử lý, đánh giá và chọn lọc. Khi đó, có 2 trường hợp có thể xảy ra, một là GV tìm được thông tin thích hợp, hai là GV không tìm được thông tin. Trường hợp GV tìm được thông tin thích hợp với yêu cầu tin, HVTT của GV tiếp tục biểu hiện cụ thể hơn (hành vi chọn lọc, hành vi đọc lướt, hành vi đọc sâu và hành vi tích trữ thông tin). Ngược lại, nếu GV chưa tìm thấy thông tin thích hợp, giai đoạn này sẽ được lặp lại cho đến khi GV tìm được thông tin thích hợp.

Yếu tố ảnh hưởng

Trong mô hình HVTT chuẩn của GV, hành vi tìm kiếm thông tin của GV chịu sự chi phối và tác động bởi các yếu tố chính như mức độ hiểu biết các nguồn tin, các kỹ năng tra cứu thông tin và quỹ thời gian của GV. Cụ thể, GV thường có khuynh hướng mong muốn tiết kiệm thời gian, tìm kiếm ở các nguồn thông tin quen thuộc. Đặc biệt, kỹ năng tìm kiếm thông tin giữ vai trò quan trọng khi GV tra cứu tin (trực tiếp, gián tiếp).

Yêu cầu đối với hành vi tìm kiếm thông tin

Đối với giai đoạn tìm kiếm thông tin, GV phải thể hiện thành thạo trong việc xác định và đánh giá nguồn thông tin (đặc điểm nguồn thông tin, tiêu chí lựa chọn, khả năng tiếp cận và khai thác các nguồn thông tin; đặc điểm loại hình tài liệu; đánh giá và chọn lọc được các nguồn thông tin phù hợp). Đồng thời, ở giai đoạn này đòi hỏi hành vi của GV phải đạt ở mức độ thành thạo khi xây dựng chiến lược tìm kiếm thông tin, lập biểu thức tìm tin kết hợp nhiều toán tử; chọn lọc, đánh giá được kết quả tìm và điều chỉnh cách tìm; đánh giá được tính thích hợp và đầy đủ của thông tin tìm được so với yêu cầu tin và chọn lọc thông tin có giá trị nhất.

Giai đoạn 3: Sử dụng và chia sẻ thông tin hợp lý

Mô tả giai đoạn và cơ chế vận hành

Đối với hành vi sử dụng thông tin hợp lý: Hành vi sử dụng thông tin là giai đoạn tiếp theo sau khi GV tìm được thông tin. Ở giai đoạn này, GV sẽ khai thác giá trị của thông tin để thực hiện hoạt động giảng dạy, NCKH, tự học và các hoạt động khác. Đây là giai đoạn rất quan trọng trong mô hình HVTT của GV.

Hành vi sử dụng thông tin hợp lý của GV cũng là một điểm đặc trưng rõ nét trong HVTT của GV. Trước hết, hành vi sử dụng thông tin hợp lý phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản về mục đích và cách sử dụng thông tin.

Thứ nhất, hành vi sử dụng thông tin của GV cần có mục đích rõ ràng, cụ thể. Yêu cầu này được hiểu là các thông tin mà GV tìm được phải sử dụng nhằm phục vụ mục đích như cập nhật bài giảng, viết bài báo khoa học, biên soạn giáo trình, đề cương nghiên cứu, hướng dẫn người học nghiên cứu, tự tích luỹ kiến thức...

Thứ hai, cách sử dụng thông tin hợp lý liên quan đến kỹ năng trích dẫn, kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng chọn lọc thông tin... Đặc biệt, việc đảm bảo tuân thủ các vấn đề liên quan đến bản quyền, đạo đức nghiên cứu rất quan trọng đối với GV khi sử dụng thông tin để thực hiện các hoạt động giảng dạy, NCKH và tự học. GV cần chú ý đến các vấn đề như việc tái sử dụng tài liệu được bảo vệ bản quyền, kỹ năng trích dẫn thông tin, kỹ năng trình bày nguồn tài liệu tham khảo... Trong giai đoạn này, vai trò của TVĐH được thể hiện rất rõ qua việc cung cấp thông tin, hướng dẫn, giúp GV có thể hiểu rõ hơn về hành vi sử dụng thông tin hợp lý và đồng thời có thể sáng tạo nên những thông tin có giá trị phái sinh.

Đối với hành vi chia sẻ thông tin hợp lý

Sự khác biệt đặc trưng trong HVTT của GV được thể hiện qua hành vi chia sẻ thông tin hợp lý. Hành vi chia sẻ thông tin hợp lý của GV phải đảm bảo các yêu cầu sau đây.

Một là, đối tượng được chia sẻ đa dạng. Việc chia sẻ thông tin phải được diễn ra thường xuyên với đồng nghiệp và người học trong các trường đại học. Bên cạnh đó, GV cũng có thể chia sẻ thông tin với những người quan tâm và cộng đồng nói chung.

Hai là, cách thức chia sẻ thông tin của GV bao gồm chia sẻ thông tin trực tiếp và chia sẻ thông tin gián tiếp. Hành vi chia sẻ thông tin trực tiếp có thể thông qua việc GV truyền đạt kiến thức môn học với người học trên lớp; trao đổi thông tin, toạ đàm khoa học, thuyết trình vấn đề nghiên cứu với đồng nghiệp; phối hợp thực hiện các công trình NCKH với đồng nghiệp, người học... Hành vi này thường thực hiện qua các kênh chia sẻ trực tiếp bằng lời nói, văn bản... Đối với hành vi chia sẻ thông tin gián tiếp, GV chia sẻ với đồng nghiệp, người học, cộng đồng học thuật những sản phẩm thông tin khoa học cụ thể như bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học, kết quả NCKH, bài giảng... với sự hỗ trợ từ nhà trường, TVĐH như là một kênh thông tin trung gian.

Ba là, lựa chọn kênh chia sẻ thông tin phù hợp cũng là yêu cầu quan trọng để GV có hành vi chia sẻ thông tin hợp lý. Để thực hiện hành vi chia sẻ hợp lý, ngoài các kênh phổ biến như: mạng xã hội, Google Scholar, thư điện tử... GV cần có sự hỗ trợ tích cực từ TVĐH. TVĐH chính là nơi trung gian giúp GV chia sẻ thông tin (ví dụ: thư viện phối hợp cung cấp cho GV các dịch vụ như xây dựng cơ sở dữ liệu môn học, dịch vụ hồ sơ nghiên cứu của từng GV, báo cáo chuyên đề...). Chẳng hạn, với dịch vụ xây dựng hồ sơ nghiên cứu của từng GV, GV có thể chia sẻ thông tin thông qua việc phối hợp với TVĐH lưu trữ, phổ biến các sản phẩm công bố khoa học của mình.

Yếu tố ảnh hưởng

Trong giai đoạn này, ngoài các yếu tố ảnh hưởng khác như quỹ thời gian của GV, trình độ chuyên môn, trình độ tin học, ngoại ngữ của GV, hành vi sử dụng thông tin của GV còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố cơ bản đó là hoạt động giảng dạy, NCKH, tự học.

Giai đoạn chia sẻ thông tin của GV chịu ảnh hưởng bởi hầu hết các yếu tố, trong đó, nhiệm vụ giảng dạy, NCKH, tự học của GV và TVĐH có tác động lớn đến hành vi chia sẻ thông tin của GV. Khi yêu cầu về nhiệm vụ giảng dạy, NCKH và tự học đối với GV của nhà trường càng cao thì GV càng chú trọng nhiều hơn đến việc chia sẻ thông tin với đồng nghiệp và người học. Mỗi GV cần chủ động và liên tục cập nhật bài giảng, viết bài báo khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu... Những nhiệm vụ này đòi hỏi GV phải làm việc liên tục và chia sẻ thông tin thường xuyên.

Bên cạnh đó, kênh thông tin trung gian là TVĐH cũng ảnh hưởng đến cách thức GV chia sẻ thông tin. Khi TVĐH cung cấp cho GV các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ GV chia sẻ thông tin hiệu quả, GV sẽ tiết kiệm được thời gian chia sẻ thông tin. Chính TVĐH sẽ hỗ trợ GV trong việc lưu trữ và phổ biến thông tin đến các nhóm người dùng tin khác nhau.

Đối với GV, giai đoạn sử dụng và chia sẻ thông tin đòi hỏi GV hiểu biết đầy đủ về các vấn đề bản quyền, sử dụng và chia sẻ thông tin hợp lý; sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ chia sẻ thông tin. Đặc biệt, GV phải biết cách khai thác tối đa giá trị của thông tin nhằm sáng tạo ra những thông tin mới, gia tăng vốn kiến thức sẵn có trước đó.

Yêu cầu đối với hành vi sử dụng và chia sẻ thông tin hợp lý

Hành vi sử dụng và chia sẻ thông tin hợp lý của GV cần đảm bảo đạt yêu cầu trong việc tuân thủ nghiêm túc các vấn đề bản quyền, đạo văn; các hướng dẫn, quy định khi tham khảo, trích dẫn thông tin; sử dụng các công cụ hỗ trợ, phần mềm hỗ trợ trích dẫn; đánh giá, chọn lọc và sử dụng hiệu quả các kênh chia sẻ thông tin thích hợp.

Tóm lại, mô hình HVTT chuẩn của GV bao gồm 3 giai đoạn chính: xác định nhu cầu tin; tìm kiếm thông tin; sử dụng và chia sẻ thông tin hợp lý. Xuất phát từ hoạt động giảng dạy, NCKH và tự học, GV hình thành nhu cầu tin cho đến việc tìm kiếm, sử dụng, chia sẻ thông tin và tiếp tục tác động trở lại hoạt động giảng dạy, NCKH và tự học của GV. Mô hình hành vi này mang tính chu kỳ diễn ra liên tục và thường xuyên. Tuy nhiên, để mô hình HVTT chuẩn của GV có thể vận hành hiệu quả đòi hỏi sự tác động từ nhà trường, từ các TVĐH và sự chủ động của GV thể hiện qua các biện pháp cụ thể. Bài viết mở ra hướng nghiên cứu như phát triển mối quan hệ hợp tác giữa người làm thư viện liên lạc và GV trong quá trình hoàn thiện HVTT của GV; Xây dựng mô hình phối hợp giữa TVĐH và thư viện khoa trong quá trình hoàn thiện HVTT của GV; Nghiên cứu sự ảnh hưởng của tính cách GV đối với HVTT của GV tại các trường đại học; Xây dựng hệ thống dịch vụ thư viện - thông tin hỗ trợ HVTT của GV; Yếu tố vai trò trong nghiên cứu HVTT của GV; Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực thông tin của GV và xây dựng mô hình HVTT của GV thuộc các nhóm ngành khoa học khác nhau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Case, Donald O. Looking for Information: A Survey of Research on Information Seeking, Needs, and Behavior. - 2nd ed. - Amsterdam: Elsevier, 2007.

2. Kuhlthau, C. C. Seeking Meaning: A Process Approach to Library and Information Services. - 2nd edition. - Connecticut.: Libraries Unlimite, Westport, 2004.

3. Wilson, T.D. The cognitive approach to infor- mation-seeking behaviour and information use // Social Science Information Studies. - 1984. - No.4. - P. 197-204.

4. Wilson, T.D. Exploring models of information behaviour: the uncertainty project // Information Processing and Management. - 1999. - No. 35(6). - P. 839-849.

5. Wilson, T.D. Models in information behaviour research // Journal of Documentation. - 1999. - No. 55(3). - P. 249-270.

______________

ThS. Bùi Hà Phương

Khoa Thư viện - Thông tin học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2019. - Số 2. - Tr. 32-38, 31.


Đọc thêm cùng chuyên mục: