Công tác đào tạo kỹ năng thông tin tại Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ

Print

Giới thiệu

Information Literacy – Kỹ năng thông tin (KNTT) là một khái niệm khá mới mẻ trong hoạt động thông tin – thư viện ở Việt Nam trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ – ALA (1989), đó là khả năng nhận biết được nhu cầu thông tin của bản thân, cũng như khả năng định vị, đánh giá và sử dụng hiệu quả thông tin tìm được. Khái niệm KNTT không chỉ bao hàm khả năng truy cập thông tin bên trong môi trường thư viện, mà nó còn bao quát tất cả các kỹ năng cần thiết cho việc tìm kiếm, đánh giá, sử dụng thông tin từ các nguồn khác và tạo ra thông tin một cách hiệu quả để vươn tới những mục tiêu mang tính cá nhân, xã hội, nghề nghiệp hay giáo dục (Alexander, 2005). Hiện nay, trong bối cảnh nền giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển tiếp từ đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, thì việc đào tạo và nâng cao năng lực KNTT cho sinh viên là điều không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các trường. Sinh viên được đào tạo kĩ năng thông tin sẽ nắm được các nguyên tắc cơ bản trong việc nhận biết nhu cầu thông tin, hoạch định chiến lược tìm kiếm, định vị, truy cập, đánh giá và sử dụng thông tin một cách hợp lí để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu độc lập. Đây chính là nền tảng giúp sinh viên phát triển năng lực bản thân trong tư duy độc lập và sáng tạo – một trong những yêu cầu thiết yếu trong lộ trình tín chỉ hóa chương trình đào tạo của giáo dục đại học Việt Nam.

Từ những nhận thức về tầm quan trọng của KNTT và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam nói chung và trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) nói riêng, Trung Tâm Học liệu (TTHL) của trường đã từng bước xây dựng và phát triển chương trình đào tạo (CTĐT) KNTT – Information Literacy Instruction Program – hướng đến tất cả các đối tượng độc giả của trường, đặc biệt là sinh viên và học viên cao học các khóa. Mục tiêu của chương trình nhằm trang bị cho các đối tượng độc giả những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc tìm kiếm, đánh giá và sử dụng hiệu quả nguồn học liệu sẵn có bên trong và bên ngoài TTHL để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu độc lập. Sau hơn ba năm thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng cũng có không ít những mặt tồn tại và hạn chế cần khắc phục. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ phân tích một số điểm mạnh, điểm yếu về nội dung, và hình thức triển khai CTĐT KNTT; từ đó đề xuất các giải pháp giúp chương trình hoàn thiện hơn nhằm góp phần thúc đẩy lộ trình tín chỉ hóa của trường ĐHCT.

Nội dung CTĐT KNTT

Về tổng thể, nội dung của khung CTĐT KNTT được phân bổ chủ yếu theo từng loại nguồn thông tin hay nguồn học liệu, và theo từng chuyên ngành với các cấp độ từ cơ bản đến nâng cao để đáp ứng nhu cầu và trình độ khác nhau của người học. Nội dung hướng dẫn của chương trình không chỉ tập trung vào các nguồn học liệu truyền thống và điện tử có sẵn tại TTHL mà nó còn hướng tới các nguồn thông tin ở bên ngoài như Internet, đặc biệt là các nguồn thông tin mở (open access). [Bảng 1]

Bảng 1. Khung CTĐT kỹ năng thông tin tại TTHL ĐHCT

(Nguồn: Kế hoạch hoạt động phòng Dịch vụ Thông tin năm học 2008 – 2009)

2010-3d-images-01

Với từng loại nguồn thông tin hay cơ sở dữ liệu, nội dung hướng dẫn được thiết kế dựa theo khung ‘Five-point Framework’ của Patrick Ragains nhằm giúp cho người học: 1) Nhận biết nguồn thông tin hoặc cơ sở dữ liệu – Nó là gì?; 2) Nhận biết phạm vi của nguồn tin – Nó bao gồm những thông tin gì?; 3) Nắm các kỹ thuật tìm kiếm và truy cập thông tin phù hợp – Nó vận hành như thế nào?; 4) Đánh giá nội dung của nguồn tin để phục vụ cho các mục đích cụ thể hoặc khái quát – Nó có tốt không?; 5) Thẩm định nguồn tin, đồng thời so sánh nó với các nguồn khác – Nó có đáp ứng nhu cầu của tôi không? Còn nguồn nào khác giúp tôi hiểu đề tài của mình hơn hoặc giúp giải đáp được vấn đề của tôi? (4, tr.8). Bên cạnh đó, người học còn được thực hành tìm kiếm thông tin ngay trên nguồn thông tin mà mình đang tiếp cận.

Với các lớp hướng dẫn KNTT theo chuyên ngành, nội dung hướng dẫn là sự kết hợp giữa khung ‘Five-point Framework’ và mô hình KNTT ‘The Big 6’ của các tác giả Mike Eisenberg và Bob Berkowitz [2]. Đây là mô hình gồm sáu giai đoạn của một quá trình giải quyết vấn đề thông tin hiệu quả, mỗi giai đoạn được phân ra thành hai bước nhỏ:

1. Xác định nhiệm vụ tìm kiếm thông tin: Xác định vấn đề thông tin; Nhận biết được thông tin nào là cần thiết.

2. Chiến lược tìm kiếm thông tin: Xác định tất cả các nguồn thông tin có tiềm năng; Chọn ra các nguồn thông tin tốt nhất.

3. Định vị và truy cập: Định vị các nguồn thông tin; Tìm kiếm thông tin trong các nguồn này.

4. Sử dụng thông tin: Khai thác thông tin (đọc, nghe, xem, tiếp xúc); Rút tỉa những thông tin có liên quan.

5. Tổng hợp: Tổ chức lại thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; Trình bày thông tin.

6. Đánh giá: Đánh giá sản phẩm (tính đạt yêu cầu); Đánh giá quy trình (tính hiệu quả).

Trong thực tế, nội dung hướng dẫn KNTT theo chuyên ngành chỉ giúp người học nắm được các nguyên tắc của việc nhận biết nhu cầu thông tin, hoạch định chiến lược tìm kiếm, định vị, truy cập, và sử dụng thông tin, chứ không thể bao quát hết tất cả các bước trong mô hình ‘The Big 6’.

Khung CTĐT KNTT của TTHL ĐHCT có một số điểm mạnh là đã khái quát được các nguồn học liệu thiết yếu cho hoạt động học tập và nghiên cứu trong môi trường đại học; đồng thời, nó cung cấp cho họ các nguyên tắc cơ bản trong việc tìm kiếm, đánh giá và sử dụng hiệu quả các nguồn này. Nội dung của CTĐT vừa mang tính hệ thống, nhất quán và liên tục, nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập và riêng biệt trong nội dung hướng dẫn của từng lớp. Điều này giúp cho CTĐT KNTT trở nên mềm dẻo và linh hoạt hơn để đáp ứng được nhiều hơn các nhu cầu và trình độ khác nhau của người học. Người học có thể tham dự tất cả các lớp hướng dẫn theo trình tự trong CTĐT, hoặc có thể chọn và tham gia vào bất kỳ lớp hướng dẫn nào phù hợp với mối quan tâm và trình độ của bản thân.

Bên cạnh những điểm mạnh nêu trên, nội dung của CTĐT KNTT vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Thứ nhất, các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ và sử dụng hợp pháp các nguồn thông tin là một phần không thể thiếu trong đào tạo KNTT nhưng lại không được đề cập một cách cụ thể trong nội dung CTĐT. Thứ hai, nội dung hướng dẫn chưa thật sự khái quát được tất cả các loại hình và nguồn thông tin mang tính học thuật mà còn phụ thuộc nhiều vào một số công cụ hoặc nguồn thông tin nhất định như OPAC, Google, Google Scholar, CSDL ProQuest, AGORA và HINARI. Thứ ba, nội dung hướng dẫn chưa phong phú và chưa khai thác hết các nội dung và thành tố cơ bản của KNTT, cụ thể là của mô hình ‘The Big 6’. Mặc dù còn nhiều điểm khuyết cần khắc phục, nhưng nhìn chung CTĐT KNTT của TTHL ĐHCT có thể được xem là một bước khởi đầu tốt cho việc xây dựng và phát triển các nội dung hướng dẫn sau này.

Hình thức triển khai

CTĐT KNTT được triển khai dưới hình thức lớp học tập trung tại TTHL hoặc tại khoa. Phần lớn các lớp hướng dẫn được tổ chức theo nhu cầu đăng ký của học viên; chỉ riêng lớp Giới thiệu tổng quan về TTHL là bắt buộc tham dự đối với tất cả sinh viên năm nhất theo yêu cầu của trường. Đối với các lớp hướng dẫn theo yêu cầu, học viên có thể đăng ký học theo nhóm, hoặc lớp chuyên ngành với số lượng từ 15 đến 30 người. Các lớp này sẽ được tổ chức thường xuyên trong suốt cả năm học tùy theo nhu cầu đăng ký của nguời học. Các học viên tự thống nhất ngày, buổi và nội dung mà nhóm hoặc lớp mình quan tâm, sau đó đăng ký với TTHL trước một tuần để việc lên lịch và phân công cán bộ hướng dẫn được thuận tiện hơn. Đối với các học viên đăng ký theo từng cá nhân riêng lẻ thì TTHL sẽ ấn định một số buổi cố định trong tuần để tổ chức lớp cho các đối tượng này khi đủ số lượng. Tuy nhiên, do đây là các hoạt động ngoại khoá không bắt buộc đối với sinh viên nên CTĐT KNTT gặp khó khăn trong việc kiểm soát số lượng sinh viên đăng ký tham ia chương trình. Do không có những chính sách quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người học nên tình trạng đăng ký ảo – đăng ký nhưng không tham dự xảy ra khá phổ biến.

Bên cạnh đó, TTHL còn chủ động tổ chức các đợt hướng dẫn sử dụng CSDL mới tại các khoa, viện và trung tâm của trường ĐHCT. Mục đích của hoạt động này là nhằm quảng bá và hướng dẫn sử dụng hiệu quả các nguồn học liệu mới và có giá trị đến giảng viên và nhà nghiên cứu của từng đơn vị. Họ sẽ là những cộng sự đắc lực trong việc quảng bá và nâng cao nhận thức của sinh viên mình về vai trò của các nguồn tài nguyên thông tin này trong học tập và nghiên cứu, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn này trong toàn cộng đồng trường ĐHCT.

Ngoài hình thức tổ chức CTĐT KNTT theo lớp học, TTHL cũng phát triển thêm các sản phẩm và công cụ để phục vụ cho hoạt động này như video, tờ rơi giới thiệu tổng quan về TTHL, các bản hướng dẫn tìm tin theo chủ đề (subject-guides), bảng phân loại DDC và bảng nội quy sử dụng TTHL. Thêm vào đó, các nội dung hướng dẫn về quy trình sử dụng TTHL, cách tra cứu OPAC, cách sử dụng một số CSDL cũng được cập nhật lên website của TTHL để độc giả có thể tham khảo dễ dàng. Tuy nhiên, các sản phẩm này chưa mang tính đồng bộ và chưa thật sự hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ nâng cao năng lực KNTT cho bạn đọc.

Đề xuất

Về mặt nội dung, CTĐT cần bổ sung thêm các thông tin về bản quyền và sở hữu trí tuệ. Đây sẽ là nội dung bắt buộc ở tất cả các lớp nhằm mục đích nâng cao ý thức của người học về vấn đề này. Bên cạnh đó, TTHL nên tìm tòi thêm các nguồn thông tin hữu ích khác như các nguồn thông tin mở (open-access) và các cổng kết nối thông tin theo chủ đề (SBIG). Ngoài ra, TTHL cũng nên phát triển thêm các nội dung hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm tiện ích như Microsoft Office, Endnote, và các sản phẩm của công nghệ Web 2.0 như SurveyMonkey, Blog, Del.icio.us, Furl, Google Bookmark để bổ trợ cho việc thu thập, tổ chức, lưu trữ, trình bày và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả.

Về hình thức triển khai, bên cạnh hình thức giảng dạy trực tiếp trên lớp, TTHL cần phát triển thêm một số hình thức đào tạo khác như xây dựng website tự học kĩ năng thông tin trực tuyến (IL online tutorials), thiết kế các brochure và sổ tay hướng dẫn cách sử dụng các nguồn học liệu và công cụ kỹ thuật phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của cán bộ tham khảo trong việc tư vấn và hướng dẫn trực tiếp bạn đọc tại quầy tham khảo (one- on-one instructions). Các hình thức này có thể được thực hiện riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau để đảm bảo hướng đến mọi đối tượng người dùng khác nhau của thư viện. Đồng thời, TTHL cũng cần xây dựng các chính sách cụ thể quy định quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ hướng dẫn và người đăng ký tham dự CTĐT KNTT. Đó sẽ là những nỗ lực cần thiết để CTĐT KNTT trở nên chuyên nghiệp hơn, góp phần thay đổi phương pháp dạy và học, nâng cao nhận thức chủ động học tập và nghiên cứu của cán bộ và sinh viên của trường.

Kết luận

Tóm lại, trong môi trường giáo dục đại học, giảng dạy KNTT là việc cần phải làm nhằm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết cho quá trình xử lý các vấn đề thông tin một cách hiệu quả để phục vụ cho nhu cầu học tập và nghiên cứu hiện tại. Đồng thời, nó cũng giúp họ hình thành và duy trì thói quen học tập độc lập và khả năng học tập suốt đời – mục tiêu mà bất kì một cơ sở đào tạo nào cũng muốn hướng đến. Vì thế, việc xây dựng một chương trình đào tạo kỹ năng thông tin mang tính nhất quán, liên tục và phù hợp với tất cả các đối tượng bạn đọc của trường ĐHCT là điều rất cần thiết trong lộ trình tín chỉ hóa và nâng cao chất lượng đào tạo của trường. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải có sự ủng hộ và đầu tư từ phía Ban Giám hiệu trường ĐHCT và Ban Giám đốc TTHL; sự chung sức của tất cả các cán bộ thư viện và giảng viên ngành QTTT-TV thuộc TTHL; cùng với sự cộng tác, chia sẻ của các giảng viên và cán bộ tại các khoa, viện và trung tâm thuộc trường ĐHCT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Association of College and Research Libraries . Information literacy competency standards for high- er education. – 2000. Retrieved June 14, 2009, from American Library Association: http://www.ala.org/acrl/ilcomstan.html

2. Eisenberg, M., & Berkowitz, R. E. The Big 6: Information & Technology Skills for Student Achievement. – 2009. Retrieved June 25, 2009, from http://www.big6.com/

3. Ragains, P. Information literacy instruction that works: a guide to teaching by discipline and stu- dent population. New York: Neal-Schuman. - 2006.

 

______________________

Ths. Huỳnh Thị Trúc Phương

Đại học Cần Thơ

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(23) – 2010 (tr.19-22)


Đọc thêm cùng chuyên mục: