Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc!

Print

GS Chu Hảo: - Trước hết ta phải thống nhất với nhau về việc thế nào là văn hóa đọc, và văn hóa đọc có vai trò như thề nào đối với xã hội. Trả lời thấu đáo vấn đề này là một công việc rất nặng nề, không thể nói hết trong khuôn khổ một bài phỏng vấn.Vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề.

 

Xin ông cho biết quan điểm về văn hóa đọc và sự cần thiết của nó trong qúa trình phát triển đất nước?  

 

GS Chu Hảo: - Trước hết ta phải thống nhất với nhau về việc thế nào là văn hóa đọc, và văn hóa đọc có vai trò như thề nào đối với xã hội. Trả lời thấu đáo vấn đề này là một công việc rất nặng nề, không thể nói hết trong khuôn khổ một bài phỏng vấn.

Cần phải nói ngay rằng vấn nạn chủ yếu của chúng ta hiện nay không chỉ là sự thiên lệch quá đáng về phía vật chất mà coi nhẹ tinh thần. Dĩ nhiên, sau một thời kỳ khó khăn kéo dài, thì tâm lý chuộng vật chất là điều bình thường. Tuy nhiên, có một vấn đề mà không phải ai trong chúng ta - kể cả các nhà quản lý - cũng nhận thức được, đó là: vấn nạn lớn nhất của nước ta hiện nay không phải là kinh tế; vấn đề mang tính lâu bền và gốc rễ hơn nhiều là văn hóa. Văn hóa mới là cốt lõi của mọi vấn đề.  

Vấn đề kinh tế dễ giải quyết hơn. Một khi nước ta đã hội nhập vào quốc tế thì dù sớm dù muộn chúng ta cũng phải chấp nhận các luật chơi chung, phải thay đổi để thích ứng với các điều kiện của sân chơi quốc tế. Tôi xin nhắc lại, phát triển kinh tế là khó, nhưng không phải không thể làm được. Cái khó hơn nhiều là xây dựng một nền văn hóa dân tộc có căn cơ, có chiều sâu. 

Nền văn hóa của một đất nước chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đang gây bức xúc lớn trong xã hội. Chính nền giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hóa đọc.

Suốt mấy chục năm nay, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông cho đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Ba yếu tố đó - thói quen đọc, khả năng lựa chọn, và cách đọc - hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là văn hóa đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy trẻ em các điều này ngay từ khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học.    

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.  

Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, như tôi đã nói, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em.  

 

Đối tượng chính của Tủ sách Tinh hoa có lẽ trước hết là giới sinh viên, trí thức, viên chức trẻ, xin được hỏi: Sự hợp tác của các trường Đại học và Viện chuyên ngành với NXB Tri thức có gặp khó khăn gì không ? 

 

- Chúng tôi rất hoan nghênh sự hợp tác với các cơ quan và tổ chức khác trong việc tuyên truyền sâu rộng trong xã hội, tạo nên một thói quen đọc, nền văn hóa đọc cho cộng đồng. Không chỉ thói quen đọc, mà cả khả năng lựa chọn sách để đọc. Người ta không nên chỉ biết đọc những sách chuyên ngành mà nên đọc cả những cuốn sách có khả năng giúp họ trang bị một phông văn hóa sâu rộng, ngõ hầu hiểu biết sâu sắc hơn về chính mình và thế giới. 

Chúng tôi tin rằng công việc chúng tôi làm đang có hiệu quả thực sự đối với xã hội. Một mặt, NXB Tri thức không chỉ cho ra những cuốn sách tinh hoa, mà cả những cuốn sách phổ thông dành cho đối tượng rộng rãi hơn. Mặt khác, những cuốn sách trong Tủ sách Tinh hoa không hẳn là quá “cao siêu” so với bạn đọc như nhiểu người vẫn nghĩ. Tôi đã gặp một học sinh mới tốt nghiệp phổ thông đọc cuốn Tâm lý đám đông của Gustave Le Bon và em đã đặt ra những câu hỏi cho thấy hiểu khá sâu những gì đã đọc.  

Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn và Đại học Sư phạm trong việc quảng bá sách của NXB Tri thức đến sinh viên. Đây là những thử nghiệm bước đầu để tìm một hướng phù hợp trong việc đưa sách đến người đọc. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức tiếp một buổi giới thiệu bộ sách của nhà giáo dục người Pháp Edgar Morin, có mời Hiệu trưởng các trường phổ thông tham dự, ngõ hầu giúp cho các anh/ chị hiểu thêm về việc trên thế giới hiện nay người ta đang quan tâm đến những vấn đề gì và có những quan niệm như thế nào về giáo dục.  

Chúng tôi cũng mong sách tinh hoa được các giảng viên đại học quan tâm nhiều hơn nữa trong việc dùng làm tài liệu tham khảo. Chúng tôi luôn trông chờ phản hồi của họ về chương trình Tủ sách Tinh hoa, bởi trên hết họ là những người có thể đưa ra những đánh giá về chất lượng của các bản dịch và đưa ra những đề xuất về việc nên dịch những cuốn sách nào.  

 

Theo tôi biết, đến nay NXB Tri thức nói chung, Tủ sách Tinh hoa nói riêng vẫn chưa nhận được bất cứ sự tài trợ nào từ phía Nhà nước. Đến bao giờ sẽ có sự tài trợ đó?  

 

- Nếu ngay từ năm 2004-2005 chúng tôi đã làm thủ tục xin tài trợ của Nhà nước và chỉ ngồi chờ thì sẽ phải mất vài năm may ra dự án mới được duyệt. Cho nên, chúng tôi đã quyết định tự xin nguồn tài trợ và triển khai ngay dự án, làm trước một số sách, để minh chứng cho giá trị thiết thực của dự án này và khả năng thực hiện nó. Chúng tôi tin rằng khi đó, việc xin tài trợ của Nhà nước sẽ dễ dàng hơn. 

 

Xin tài trợ của Nhà nước khó khăn như vậy chủ yếu là do nhận thức của một số nhà quản lý hay là do sức ì của hệ thống? 

 

- Do cả hai. Một số nhà quản lý của chúng ta có nhận thức tốt và nhiệt tình hợp tác, một số khác thì không được như vậy. Mặt khác, cơ chế của chúng ta còn cứng nhắc, chẳng hạn như thang nhuận bút theo quy định của nhà nước dành cho dịch giả trên thực tế là quá thấp, khiến cho nếu dựa vào đó thì dịch giả của chúng tôi sẽ không thể yên tâm dành trọn tâm trí và thời gian (có khi hàng năm trời) cho những cuốn sách hầu hết là rất khó này. Với cơ chế như hiện nay, chúng tôi có thể chủ động hơn trong việc quyết định mức thù lao hợp lý và xứng đáng cho các cộng tác viên.  

----------------------------------------------------

Tác giả: Thụ Nhân

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vanhoa/2008/04/777561/ 


Bài liên quan:
Đọc thêm cùng chuyên mục: