Giới thiệu nguyên tắc biên mục quốc tế mới

Print

Lời tòa soạn: Thực hiện khuyến nghị của IFLA về quảng bá nguyên tắc biên mục quốc tế được đề ra để định hướng cho công tác biên mục trong thế kỷ 21, làm căn cứ xây dựng quy tắc biên mục trong thời gian tới, chúng tôi xin được giới thiệu đến bạn đọc bản dịch "Tuyên bố về nguyên tắc biên mục quốc tế" của IFLA do Thạc sỹ Cao Minh Kiểm – Phó cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia thực hiện. Cùng với toàn văn Tuyên bố, tác giả cung cấp cả những phần kèm theo như Bảng thuật ngữ, nguồn tham khảo, nghị quyết của IME ICC, những thuật ngữ không còn sử dụng.

Tuyên bố về nguyên tắc biên mục quốc tế

Dẫn nhập

Tuyên bố về Nguyên tắc, thường được gọi là “Nguyên tắc Pari”, được thông qua tại Hội nghị Quốc tế về Nguyên tắc Biên mục năm 1961 . Mục tiêu đặt cơ sở cho việc chuẩn hoá quốc tế về biên mục của Nguyên tắc chắc chắn đã đạt được bởi hầu hết các quy tắc biên mục được phát triển trên thế giới từ đó đến nay đã tuân thủ Nguyên tắc một cách chặt chẽ hoặc ở mức độ cao.

Hơn bốn mươi năm sau, việc xây dựng một tập hợp chung những quy định biên mục mới trở nên cấp thiết hơn cho các nhà biên mục và khách hàng sử dụng mục lục công cộng truy cập trực tuyến (OPAC) trên khắp thế giới. Hiện nay, khi bắt đầu Thế kỷ 21, IFLA đã nỗ lực để đưa ra một tuyên bố mới về nguyên tắc có thể áp dụng cho các mục lục thư viện trực tuyến và cả bên ngoài chúng. Nguyên tắc đầu tiên là đảm bảo sự thuận tiện cho người sử dụng mục lục.

Tuyên bố này thay thế và mở rộng phạm vi của Nguyên tắc Pari từ chỉ áp dụng cho các tác phẩm văn bản sang cho mọi dạng tài liệu và từ chỉ về lựa chọn và hình thức của phiếu thư mục sang mọi khía cạnh của dữ liệu thư mục và dữ liệu kiểm soát nhất quán được sử dụng trong các mục lục thư viện. Nó bao gồm không chỉ những nguyên tắc và mục tiêu (chức năng của mục lục) mà cả những nguyên tắc chỉ đạo cần đưa vào trong những quy tắc biên mục quốc tế cũng như những hướng dẫn về khả năng tìm và tìm hồi cố.

Tuyên bố này bao gồm:

1. Phạm vi

2. Các nguyên tắc chung

3. Thực thể, thuộc tính và quan hệ

4. Mục tiêu và chức năng của mục lục

5. Bản mô tả thư mục

6. Các điểm truy cập

7. Cơ sở cho khả năng tìm kiếm

Tuyên bố này được xây dựng dựa trên truyền thống biên mục vững chắc của thế giới [1]. và trên mô hình khái niệm Yêu cầu Chức năng của Biểu ghi Thư mục (FRBR) của IFLA [2].

Hy vọng rằng Tuyên bố này sẽ tăng cường sự chia sẻ quốc tế dữ liệu thư mục và dữ liệu kiểm soát nhất quán, và hướng những người tạo ra các quy tắc biên mục tới những nỗ lực phát triển một quy tắc biên mục quốc tế.

1. Phạm vi

Những nguyên tắc được nêu ở đây nhằm định hướng việc phát triển những quy tắc biên mục. Chúng áp dụng cho dữ liệu thư mục và dữ liệu kiểm soát nhất quán và những mục lục thư viện hiện nay. Những nguyên tắc này cũng được áp dụng cho các mục lục và những tệp dữ liệu khác do các thư viện, lưu trữ, bảo tàng và những cộng đồng khác tạo ra.

Chúng có mục đích cung cấp cách tiếp cận nhất quán về biên mục mô tả và biên mục chủ đề cho mọi loại tài nguyên thư mục.

2. Những nguyên tắc chung

Một số nguyên tắc định hướng việc xây dựng các quy tắc biên mục [3].. Nguyên tắc cao nhất là sự thuận tiện cho người sử dụng [4]..

2.1. Sự thuận tiện cho người sử dụng. Các quyết định trong việc lập mô tả và các hình thức có kiểm soát của tên cho việc truy cập cần được thực hiện với sự cân nhắc về người sử dụng.

2.2. Tính sử dụng đại chúng. Từ vựng sử dụng trong mô tả và truy cập cần phù hợp với đa số người sử dụng.

2.3. Tính đại diện. Những mô tả và các hình thức có kiểm soát của tên cần được dựa trên cách thức mà chính thực thể sử dụng để mô tả bản thân.

2.4. Tính chính xác. Thực thể được mô tả cần được miêu tả một cách trung thành.

2.5. Tính đầy đủ và cần thiết. Chỉ nên đưa vào mô tả và vào hình thức có kiểm soát của tên để truy cập những yếu tố dữ liệu cần thiết để thực hiện các yêu cầu của người sử dụng và những yếu tố dữ liệu thiết yếu để phân biệt một cách đặc thù thực thể.

2.6. Sự quan trọng. Những yếu tố dữ liệu cần có giá trị về thư mục.

2.7. Tính kinh tế. Khi có những cách thức lựa chọn khác nhau để đạt được mục tiêu, cần ưu tiên chọn cách thức kinh tế nhất (chi phí thấp nhất hoặc cách tiếp cận đơn giản nhất).

2.8. Tính nhất quán và chuẩn hoá. Các bản mô tả và việc xây dựng các điểm truy cập cần được chuẩn hoá đến mức tối đa. Điều này đảm bảo sự nhất quán hơn, từ đó nâng cao khả năng chia sẻ dữ liệu thư mục và dữ liệu kiểm soát nhất quán.

2.9. Tính tích hợp. Những mô tả cho các dạng tài liệu và các hình thức có kiểm soát của tên của mọi loại thực thể cần dựa trên tập hợp những quy tắc chung khi phù hợp.

Những quy định trong quy tắc biên mục cần phải được xem xét và tránh cứng nhắc. Có thể nhận thấy rằng một số nguyên tắc có thể mâu thuẫn với nhau trong một vài tình huống đặc thù và cần có giải pháp được xem xét và thực tế.

3. Thực thể, thuộc tính và quan hệ

Một quy tắc biên mục cần xem xét các thực thể, thuộc tính và quan hệ như định nghĩa trong các mô hình khái niệm của thế giới thư mục [5]..

3.1. Thực thể

Những thực thể sau đây có thể được thể hiện bởi dữ liệu thư mục và dữ liệu kiểm soát nhất quán:

Tác phẩm Biểu hiện Biểu thị

Tài liệu [6].

           Cá nhân Dòng họ Tập thể [7].

Khái niệm

Đối tượng Sự kiện

Địa điểm [8]..

3.2. Thuộc tính

Các thuộc tính định danh thực thể cần được sử dụng làm những yếu tố dữ liệu.

3.3. Quan hệ

Những quan hệ có giá trị về thư mục giữa các thực thể cần được xác định.

4. Mục tiêu và Chức năng của mục lục [9].

Mục lục cần phải là công cụ hiệu quả và hiệu suất để giúp người sử dụng:

4.1. Tìm ra tài nguyên thư mục trong một sưu tập do kết quả của việc tìm tin sử dụng những thuộc tính hoặc quan hệ của tài nguyên:

4.1.1. Tìm ra một tài nguyên đơn lẻ

4.1.2. Tìm ra một tập hợp các tài nguyên đại diện cho

mọi tài nguyên thuộc về cùng một tác phẩm mọi tài nguyên thể hiện cùng một biểu hiện mọi tài nguyên đại diện cùng một biểu thị

mọi tài nguyên liên kết với một cá nhân, dòng họ hoặc tập thể

mọi tài nguyên về một chủ đề

mọi tài nguyên được xác định theo những tiêu chí khác (ngôn ngữ, nơi xuất bản, ngày xuất bản, loại nội dung, loại vật đựng, v.v...), thường là những yếu tố phụ để thu hẹp kết quả tìm tin;

4.2. Định danh một tài nguyên hoặc chủ thể (nghĩa là giúp khẳng định rằng thực thể được mô tả tương ứng với thực thể được chọn ra hoặc để phân biệt giữa hai hoặc nhiều thực thể có những đặc điểm tương tự);

4.3. Lựa chọn ra tài nguyên phù hợp với nhu cầu của người sử dụng (nghĩa là để chọn ra một tài nguyên thỏa mãn yêu cầu của người sử dụng về vật mang tin, nội dung, vật đựng, v.v..., hoặc để loại ra tài nguyên không phù hợp với nhu cầu của người sử dụng);

4.4. Có được hoặc nhận được sự truy cập đến tài liệu được mô tả (nghĩa là cung cấp thông tin giúp người sử dụng có được tài liệu thông qua việc mua, cho mượn, v.v... hoặc truy cập tài liệu theo phương thức điện tử thông qua kết nối trực tuyến đến tài nguyên từ xa); hoặc để truy cập, có được hoặc nhận được dữ liệu kiểm soát nhất quán hoặc dữ liệu thư mục;

4.5. Chuyển hướng trong mục lục hoặc bên ngoài khuôn khổ đó (nghĩa là thông qua sự sắp xếp lôgic của dữ liệu thư mục, dữ liệu kiểm soát nhất quán và sự trình bày của các đường liên kết rõ ràng, bao gồm cả sự trình bày mối quan hệ giữa các tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu, cá nhân, dòng họ, tập thể, khái niệm, đối tượng, sự kiện và địa điểm).

5. Bản mô tả thư mục

5.1. Nói chung, tạo một bản mô tả thư mục cho mỗi một biểu thị.

5.2. Về cơ bản, bản mô tả thư mục cần được dựa trên một tài liệu là đại diện của biểu thị và có thể bao gồm những thuộc tính gắn liền với tác phẩm và biểu hiện liên quan.

5.3. Dữ liệu mô tả cần dựa trên những chuẩn được quốc tế chấp nhận [10].

5.4. Những mô tả có thể ở một vài cấp độ chi tiết phụ thuộc vào mục đích của mục lục hoặc tệp dữ liệu thư mục. Thông tin về cấp độ chi tiết cần được thông báo đến đến người sử dụng.

6. Điểm truy cập

6.1. Phần chung

Các điểm truy cập cho việc tìm hồi cố dữ liệu thư mục và dữ liệu kiểm soát nhất quán cần được lập theo những nguyên tắc chung dưới đây (xem 2. Những nguyên tắc chung). Các điểm truy cập có thể kiểm soát hoặc không kiểm soát.

6.1.1. Những điểm truy cập có kiểm soát cần được tạo lập cho những hình thức cho phép hoặc hình thức khác của tên cho những thực thể là cá nhân, dòng họ, tập thể, tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu, khái niệm, đối tượng, sự kiện và địa điểm. Những điểm truy cập có kiểm soát cung cấp sự nhất quán cần thiết để sắp xếp vào một chỗ các biểu ghi thư mục cho những tập hợp các tài nguyên.

6.1.1.1. Những biểu ghi kiểm soát nhất quán cần được được tạo lập để kiểm soát những hình thức cho phép của tên, hình thức khác của tên và những mã định danh được sử dụng làm điểm truy cập.

6.1.2.   Những điểm truy cập không kiểm soát có thể được cung cấp làm dữ liệu thư mục cho tên, nhan đề (thí dụ nhan đề chính tìm thấy trên biểu thị), các mã, từ khóa, v.v... không được kiểm soát trong biểu ghi kiểm soát nhất quán.

6.2. Lựa chọn điểm truy cập

6.2.1. Đưa vào điểm truy cập cho biểu ghi thư mục những điểm truy cập có kiểm soát cho tác phẩm và biểu thị (có kiểm soát) của tài nguyên, nhan đề của biểu thị (thường không kiểm soát) và những điểm truy cập có kiểm soát cho những sáng tác viên của tác phẩm.

6.2.1.1. Tập thể là sáng tác viên: Một tập thể phải được coi như là sáng tác viên của những tác phẩm mà nó thể hiện tư duy hoặc hoạt động tập thể của tập thể, hoặc khi trật tự từ ngữ trong nhan đề được lập trên cơ sở bản chất của tác phẩm cho thấy rằng tập thể chịu trách nhiệm về nội dung của tác phẩm. Điều này được áp dụng ngay cả khi một cá nhân ký xác nhận tác phẩm theo thẩm quyền là quan chức hoặc nhân viên của tập thể đó.

6.2.2.   Ngoài ra, các điểm truy cập cần được lập cho các biểu ghi thư mục của điểm truy cập cho phép về cá nhân, dòng họ, tập thể và chủ đề được cho là quan trọng trong việc tìm và định danh tài nguyên thư mục đang mô tả.

6.2.3.   Đưa hình thức cho phép của tên của thực thể cũng như những hình thức khác của tên làm điểm truy cập đến biểu ghi kiểm soát nhất quán.

6.2.4. Việc truy cập bổ sung có thể được thực hiện thông qua tên của các thực thể liên quan.

6.3. Điểm truy cập cho phép

Điểm truy cập cho phép đối với tên của một thực thể cần được nhập vào một biểu ghi kiểm soát nhất quán cùng với những mã định danh cho thực thể và những hình thức khác của tên. Có thể cần có một hình thức hiển thị ngầm định cho điểm truy cập cho phép.

6.3.1. Điểm truy cập cho phép cần được lập tuân thủ một tiêu chuẩn.

6.3.2. Ngôn ngữ và chữ viết của điểm truy cập cho phép.

6.3.2.1. Khi tên được thể hiện bằng một vài ngôn ngữ và/hoặc chữ viết, cần dành ưu tiên cho điểm truy cập cho phép theo tên được dựa trên thông tin tìm thấy trên biểu thị của tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ và chữ viết gốc;

6.3.2.1.1. Nhưng nếu ngôn ngữ và chữ viết gốc không được sử dụng thông thường trong mục lục, điểm truy cập cho phép có thể được lập dựa trên những hình thức tìm thấy trên biểu thị hoặc trong các nguồn tra cứu thể hiện bằng một trong những ngôn ngữ hoặc chữ viết phù hợp nhất cho người sử dụng mục lục.

6.3.2.1.2. Điểm truy cập bằng ngôn ngữ và chữ viết gốc cần được cung cấp bất cứ khi nào có thể, thông qua một điểm truy cập cho phép hoặc theo hình thức cho phép của tên hoặc hình thức khác của tên.

6.3.2.2. Nếu việc chuyển tự là cần thiết, cần tuân thủ chuẩn quốc tế về chuyển tự.

6.3.3. Lựa chọn điểm truy cập cho phép

Tên được ưu tiên làm điểm truy cập cho phép cho thực thể cần được dựa vào tên dùng để định danh thực thể một cách nhất quán và là tên thường gặp nhất trên những biểu thị hoặc tên được chấp nhận rộng rãi phù hợp với người sử dụng mục lục (thí dụ, tên thông dụng) thấy trong những nguồn tham khảo.

6.3.3.1. Lựa chọn điểm truy cập cho cá nhân, dòng họ và tập thể

Nếu một cá nhân, dòng họ hoặc một tập thể sử dụng những tên khác nhau hoặc những hình thức khác của tên, cần chọn một tên hoặc một hình thức của tên làm cơ sở cho điểm truy cập cho phép cho mỗi định danh riêng biệt.

6.3.3.1.1. Khi những hình thức khác của tên được tìm thấy trên biểu thị và/hoặc các nguồn tra cứu và sự khác biệt này không dựa trên sự trình bày khác nhau của cùng một tên (thí dụ, dạng đầy đủ và dạng rút gọn), cần ưu tiên:

6.3.3.1.1.1. Tên hay được biết đến nhất (hoặc còn gọi là "tên thông thường") thay cho tên chính thức nếu được chỉ định; hoặc

6.3.3.1.1.2 . Tên chính thức, khi không có chỉ định về tên hay được biết đến nhất hoặc tên thông dụng.

6.3.3.1.2. Nếu một tập thể sử dụng trong những giai đoạn kế tiếp nhau những tên khác nhau nhưng không thể coi đó là những thay đổi nhỏ của một tên, thì mỗi thực thể được định danh bởi một thay đổi tên quan trọng cần được coi là một thực thể mới. Dữ liệu chuẩn tương ứng đối với mỗi thực thể cần được liên kết bằng cách liên hệ hình thức có kiểm soát cũ và mới của tên đối với tập thể đó.

6.3.3.2. Lựa chọn điểm truy cập cho phép cho Tác phẩm và Biểu hiện

Khi một tác phẩm có nhiều nhan đề, ưu tiên chọn một nhan đề làm cơ sở cho điểm truy cập cho phép cho tác phẩm/biểu thị.

6.3.4. Hình thức của tên cho các điểm truy cập cho phép

6.3.4.1. Hình thức của tên cá nhân

Khi tên của một cá nhân bao gồm một số từ, việc lựa chọn từ đầu tiên cho điểm truy cập cho phép cần tuân thủ cách thức sử dụng thông dụng của nước và ngôn ngữ liên quan nhiều nhất với cá nhân đó như thấy trên biểu thị hoặc nguồn tra cứu.

6.3.4.2. Hình thức của tên cho dòng họ

Khi tên của một dòng họ bao gồm một số từ, việc lựa chọn từ đầu tiên cho điểm truy cập cho phép cần tuân thủ cách thức sử dụng thông dụng của nước và ngôn ngữ liên quan nhiều nhất với dòng họ đó như thấy trên biểu thị hoặc nguồn tra cứu.

6.3.4.3. Hình thức tên tập thể

Về điểm truy cập chuẩn cho tập thể, tên cần được ghi theo trật tự thuận như thấy trên biểu thị hoặc trong những nguồn tra cứu, trừ trường hợp

6.3.4.3.1. Khi tập thể là một bộ phận của một pháp quyền hoặc chính quyền của một lãnh thổ, cần đưa vào điểm truy cập cho phép hình thức tên đang sử dụng của lãnh thổ liên quan bằng ngôn ngữ và chữ viết phù hợp nhất với nhu cầu của người sử dụng mục lục;

6.3.4.3.2. Khi tên tập thể cho phép hiểu đây là đơn vị trực thuộc hoặc đơn vị chức năng trực thuộc, hoặc không đủ để định danh tập thể trực thuộc, điểm truy cập cho phép cần bắt đầu bằng tên của tổ chức cấp trên.

6.3.4.4. Hình thức tên của tác phẩm/biểu thị

Điểm truy cập cho phép cho tác phẩm, biểu hiện, biểu thị hoặc tài liệu có thể là nhan đề đứng độc lập hoặc có thể là nhan đề kết hợp với điểm truy cập cho phép cho sáng tác viên của tác phẩm.

6.3.4.5. Phân biệt các tên

Nếu cần thiết, để phân biệt một thực thể này với một thực thể khác có cùng tên, những đặc trưng định danh khác cần được đưa vào điểm truy cập cho phép cho thực thể. Nếu cần thiết, những đặc trưng định danh nói trên cũng có thể được đưa vào như là điểm truy cập như một phần của những hình thức khác của tên.

6.4. Tên khác và những hình thức khác của tên

Bất cứ tên nào được chọn cho điểm truy cập cho phép, những tên khác và những hình thức khác của tên cần được đưa vào làm điểm truy cập có kiểm soát.

7. Nền tảng cho khả năng tìm tin

7.1. Tìm kiếm

Các điểm truy cập là những yếu tố của những biểu ghi thư mục và biểu ghi kiểm soát nhất quán mà chúng 1) cung cấp khả năng tìm tin hồi cố tin cậy những biểu ghi thư mục, biểu ghi kiểm soát nhất quán và những tài nguyên thư mục liên kết với chúng, và 2) thu hẹp kết quả tìm tin.

7.1.1. Công cụ tìm tin

Các tên, nhan đề và chủ đề cần được làm sao có thể tìm và tìm hồi cố được bằng những phương tiện của bất kỳ công cụ nào có trong mục lục thư viện hoặc trong tệp dữ liệu thư mục (bằng hình thức đầy đủ của tên, từ khóa, cụm từ, kỹ thuật chặt cụt, mã định danh, v.v...).

7.1.2. Điểm truy cập cần thiết

Những điểm truy cập cần thiết là những điểm dựa trên những thuộc tính và quan hệ chính của mỗi thực thể trong biểu ghi thư mục hoặc biểu ghi kiểm soát nhất quán.

7.1.2.1. Những điểm truy cập cần thiết trong biểu ghi thư mục bao gồm:

Điểm truy cập cho phép cho tên của sáng tác viên hoặc sáng tác viên được nêu tên đầu tiên của tác phẩm khi có nhiều hơn một tên;

Điểm truy cập cho phép cho tác phẩm/biểu hiện (nó có thể bao gồm điểm truy cập cho phép cho sáng tác viên);

Nhan đề chính hoặc nhan đề được lập cho biểu thị;

Năm/những năm công bố hoặc xuất bản biểu thị;

Những thuật ngữ chủ đề có kiểm soát và/hoặc số phân loại của tác phẩm;

Các số tiêu chuẩn, mã định danh và nhan đề khóa cho thực thể được mô tả.

7.1.2.2. Điểm truy cập cần thiết trong biểu ghi kiểm soát nhất quán bao gồm:

Tên cho phép hoặc nhan đề của thực thể; Mã định danh của thực thể;

Tên khác và hình thức khác của tên hoặc nhan đề của thực thể.

7.1.3. Điểm truy cập bổ sung

Những thuộc tính từ những vùng khác của mô tả thư mục hoặc biểu ghi kiểm soát nhất quán có thể dùng làm những điểm truy cập lựa chọn hoặc làm công cụ lọc hoặc thu hẹp tìm tin.

7.1.3.1. Những thuộc tính như vậy trong biểu ghi thư mục bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở:

Tên của sáng tác viên không phải tên người đầu tiên;

Tên của cá nhân, dòng họ hoặc tập thể có vai trò khác sáng tác viên (thí dụ, người biểu diễn);

Nhan đề khác (thí dụ, nhan đề song song, nhan đề chú thích);

Điểm truy cập cho phép cho tùng thư; Mã định danh biểu ghi thư mục;

Ngôn ngữ của biểu hiện được thể hiện trong biểu thị;

Nơi xuất bản;

Loại nội dung;

Loại vật đựng.

7.1.3.2. Những thuộc tính như vậy trong biểu ghi kiểm soát nhất quán bao gồm, nhưng không chỉ giới hạn ở:

Tên hoặc nhan đề của những thực thể liên quan;

Những định danh biểu ghi kiểm soát nhất quán.

7.2. Tìm hồi cố

Khi kết quả tìm kiếm đưa ra một số biểu ghi có cùng điểm truy cập, những biểu ghi này cần được hiển thị theo một trình tự logic thuận tiện cho người sử dụng mục lục, ưu tiên tuân thủ một chuẩn phù hợp với ngôn ngữ và chữ viết của điểm truy cập.

Bảng thuật ngữ

Bảng thuật ngữ bao gồm những thuật ngữ trong Tuyên bố về Nguyên tắc Biên mục Quốc tế (ICP) được sử dụng theo cách thức đặc thù (không đơn thuần là những định nghĩa từ điển thông thường) [11]. Ở phần cuối Bảng là những thuật ngữ sử dụng trong Nguyên tắc Pari hoặc những quy tắc biên mục trước đó mà những chuyên gia tham gia các Cuộc họp Chuyên gia IFLA về Quy tắc Biên mục Quốc tế (IME ICC [12]) muốn ghi chú rằng chúng không còn được sử dụng trong Nguyên tắc Biên mục Quốc tế.

TR = Thuật ngữ rộng hơn; TH = Thuật ngữ hẹp hơn; TL = Thuật ngữ liên quan.

Bản mô tả thư mục [Bibliographic description] – Tập hợp những dữ liệu thư mục để định danh một tài nguyên thư mục.

[Nguồn: ISBD chỉnh lý]

Xem thêm Biên mục mô tả [TL]

Biên mục chủ đề [Subject cataloguing] – Phần của công tác biên mục cung cấp những thuật ngữ chủ đề có kiểm soát và/hoặc chỉ số phân loại.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Biên mục mô tả [TL]

Biên mục mô tả [Descriptive cataloguing] – Phần của công tác biên mục cung cấp dữ liệu mô tả và các điểm truy cập không phải chủ đề.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Bản mô tả thư mục [TL], Biên mục chủ đề [TL]

Biểu ghi dữ liệu kiểm soát nhất quán [Authority record] – Tập hợp những yếu tố dữ liệu định danh một thực thể và có thể sử dụng để tạo thuận lợi cho truy cập đến những điểm truy cập cho phép cho thực thể đó hoặc cho sự hiển thị của bất kỳ điểm truy cập nào của thực thể đó.

[Nguồn: IME ICC]

Biểu ghi thư mục [Bibliographic record] – Tập hợp những yếu tố dữ liệu mô tả và cung cấp việc truy cập đến một tài nguyên thư mục và định danh những tác phẩm và biểu hiện liên quan.

[Nguồn: IME ICC]

Biểu hiện [Expression] – Sự hiện thực hoá trí tuệ hoặc nghệ thuật của một tác phẩm.

[Nguồn: FRAD, FRBR]

Biểu thị [Manifestation] – Hiện thân vật lý của một biểu hiện của một tác phẩm.

[Nguồn: FRAD, FRBR]

Một biểu thị có thể là hiện thân của một sưu tập các tác phẩm, một tác phẩm đơn lẻ hoặc một phần hợp thành của tác phẩm. Biểu thị có thể xuất hiện dưới hình thức một hoặc nhiều đơn vị vật lý.

[Nguồn: IME ICC]

Cá nhân [Person] – Một cá thể hoặc một nhận dạng đơn lẻ được lập hoặc được áp dụng cho một cá thể hoặc một nhóm.

[Nguồn: FRBR, được sửa đổi trong FRAD, IME ICC chỉnh lý]

Chủ thể [Agent] – Người (tác giả, nhà xuất bản, nhà điêu khắc, người biên tập, đạo diễn, nhạc sỹ, v.v...) hoặc nhóm (dòng họ, tổ chức, công ty, thư viện, dàn nhạc, đất nước, liên bang, v.v...) hoặc thiết bị tự động (thiết bị ghi dữ liệu thời tiết, chương trình dịch phần mềm, v.v...) có vai trò trong chu trình sống của tài nguyên

[Nguồn: DCMI Agents Working Group, định nghĩa làm việc và sửa đổi]

Xem thêm Sáng tác viên [TH]

Có giá trị thư mục [Bibliographically significant] – Chất lượng của một thực thể hoặc thuộc tính hoặc quan hệ mà nó có ý nghĩa hoặc giá trị đặc biệt trong ngữ cảnh tài nguyên thư mục.

[Nguồn: IME ICC]

Dòng họ [Family] – Hai hoặc nhiều cá nhân liên quan với nhau bởi việc sinh sản, hôn nhân, nhận con nuôi hoặc những tình trạng pháp lý tương tự hoặc những hình thức khác thể hiện đây llà dòng họ.

[Nguồn: FRAD, chỉnh lý bởi IME ICC]

Địa điểm [Place] – Một nơi chốn. [Nguồn: FRBR]

Điểm truy cập [Access point ] – Tên, thuật ngữ, mã, v.v... nhờ chúng dữ liệu thư mục hoặc dữ liệu chuẩn hóa được tìm và định danh.

[Nguồn: GARR sửa theo FRAD và IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập bổ sung [TH]; Điểm truy cập cho phép [TH], Điểm truy cập có kiểm soát [TH], Điểm truy cập cần thiết [TH], Tên [TL], Điểm truy cập không kiểm soát [TH], Hình thức khác của tên [TH]

Điểm truy cập bổ sung [Additional access point] – Điểm truy cập có thể được sử dụng để bổ sung cho những điểm truy cập cần thiết để tăng cường cho tìm hồi cố dữ liệu thư mục hoặc dữ liệu cho phép.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập [TR], Điểm truy cập cần thiết [TL]

Điểm truy cập cần thiết [Essential access point] – Điểm truy cập dựa trên thuộc tính hoặc quan hệ chủ yếu của thực thể trong biểu ghi thư mục hoặc biểu ghi dữ liệu kiểm soát nhất quán đảm bảo việc tìm ra và định danh biểu ghi đó.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập [TR], Điểm truy cập bổ sung [TL]

Điểm truy cập cho phép [Authorized access point] – Điểm truy cập được ưu tiên cho một thực thể, được thiết lập và xây dựng theo những quy tắc hoặc tiêu chuẩn.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập [TR], Hình thức cho phép của tên [TL], Điểm truy cập có kiểm soát [TR], Tên ưu tiên [TL], Hình thức khác của tên [TL]

Điểm truy cập chuẩn hoá [Normalized access point] - Xem Điểm truy cập cho phép

Điểm truy cập có kiểm soát [Controlled access point] – Điểm truy cập được nhập vào biểu ghi dữ liệu kiểm soát nhất quán.

[Nguồn: GARR sửa đổi]

Các điểm truy cập có kiểm soát bao gồm các dạng được chuẩn hoá của tên cũng như những dạng được coi là dạng biến thể. Chúng có thể:

- Dựa trên tên cá nhân, dòng họ, tập thể,

- Dựa trên tên (nhan đề) cho tác phẩm, biểu hiện, biểu thị và tài liệu,

- Kết hợp cả hai tên, như trong trường hợp điểm truy cập theo tên/nhan đề thể hiện một tác phẩm mà nó phối hợp tên của sáng tác viên với nhan đề của tác phẩm,

- Dựa trên những thuật ngữ cho sự kiện, đối tượng và địa điểm,

- Dựa trên các mã định danh như các số tiêu chuẩn, chỉ số phân loại, v.v...,

Những yếu tố khác (như ngày) có thể được bổ sung nếu cần nhằm mục đích phân biệt những thực thể có tên giống nhau hoàn toàn hoặc tương tự.

[Nguồn: FRAD – dựa trên chú thích rằng trọng tâm của mô hình là về tên và những thuật ngữ được kiểm soát thông qua tệp dữ liệu cho phép]

Xem thêm Điểm truy cập [TR], Điểm truy cập cho phép [TH], Tên [TL], Điểm truy cập không kiểm soát [TL], Hình thức khác của tên [TH]

Điểm truy cập không kiểm soát [Uncontrolled access point] – Điểm truy cập không được kiểm soát bằng biểu ghi kiểm soát nhất quán.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập [TR], Điểm truy cập có kiểm soát [TL]

Đối tượng [Object] – Một thứ có tính chất vật chất.

[Nguồn: FRBR]

Hình thức cho phép của tên [Authorized form of name] – Dạng của tên được chọn làm điểm truy cập cho phép cho một thực thể.

Xem thêm Điểm truy cập cho phép [TL], Tên thông dụng [TL], Tên [TR], Tên ưu tiên [TL], Hình thức khác của tên [TL]

Hình thức khác của tên [Variant form of name] – Một dạng của tên không được chọn làm điểm truy cập cho phép cho thực thể. Nó có thể được sử dụng để truy cập biểu ghi dữ liệu kiểm soát nhất quán cho thực thể hoặc được trình bày như một liên kết đến điểm truy cập cho phép.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập [TR], Điểm truy cập cho phép [TL], Hình thức cho phép của tên [TL], Điểm truy cập có kiểm soát [TR], Tên thông dụng [TL], Tên [TR]

Khái niệm [Concept] – Một tuyên bố hoặc ý tưởng trừu tượng.

[Nguồn: FRAD (liên kết cùng với chủ đề), FRBR]

Loại của nội dung [Type of content] - Xem Loại nội dung

Loại của vật đựng [Type of carrier] - Xem Loại vật đựng

Loại nội dung [Content type] – Một tên gọi phản ảnh hình thức truyền thông cơ bản trong đó nội dung được thể hiện và giác quan của con người thông qua đó nội dung được tiếp nhận. Dạng nội dung phản ảnh thuộc tính của cả tác phẩm và biểu thị.

[Nguồn: sửa đổi từ Bảng thuật ngữ cho RDA tháng 1/2008]

Loại vật đựng [Carrier type] – Một tên gọi phản ảnh hình thức của môi trường lưu trữ hoặc chứa đựng của một vật đựng trong sự kết hợp với dạng thiết bị trung gian cần thiết để xem, nghe, chạy lại, v.v... nội dung của tài nguyên. Dạng vật đựng phản ảnh các thuộc tính của biểu thị.

[Nguồn: sửa đổi từ tháng 1/2008 của Bảng thuật ngữ cho RDA]

Mã định danh [Identifier] Một số, mã, từ, cụm từ, biểu trưng, thiết bị, v.v... đi kèm với thực thể và dùng để phân biệt thực thể này với những thực thể khác bên trong lĩnh vực mà ở đó mã định danh được gán.

[Nguồn: FRAD]

Nhan đề khoá [Key title] – Tên duy nhất được gán cho tài nguyên tiếp tục bởi Mạng lưới ISSN và liên kết một cách không tách rời với số ISSN của tài nguyên. Nhan đề khoá có thể giống như nhan đề chính; hoặc để đạt được sự duy nhất, nó có thể được thiết lập bằng việc bổ sung những yếu tố định danh và/hoặc bổ ngữ như tên của cơ quan xuất bản, nơi xuất bản, thông tin lần xuất bản.

[Nguồn: ISBD]

Quan hệ [Relationship] – Mối liên kết đặc thù giữa các thực thể hoặc đại diện của chúng

[Nguồn: dựa theo FRBR]

Sáng tác viên [Creator] – Người, dòng họ hoặc tập thể chịu trách nhiệm về nội dung trí tuệ hoặc nghệ thuật của một tác phẩm.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Chủ thể [TR]

Sự kiện [Event] – Một hoạt động hoặc một sự việc xảy ra.

[Nguồn: FRAD (những thứ không hành động với tư cách một tập thể được coi là chủ đề), FRBR]

Sưu tập [Collection] - 1. Tập hợp thực hoặc ảo của một hoặc nhiều tác phẩm hoặc các phần của tác phẩm được kết hợp lại hoặc xuất bản cùng nhau. 2. Tập hợp thực hoặc ảo của những tài nguyên thư mục được giữ hoặc được tạo ra bởi một tổ chức.

[Nguồn: IME ICC]

Tác phẩm [Work] – Một sáng tạo trí tuệ hoặc nghệ thuật riêng biệt (hay là nội dung trí tuệ hoặc nghệ thuật).

[Nguồn FRAD, FRBR, chỉnh lý bởi IME ICC]

Tài liệu [Item] – Một bản riêng rẽ của một biểu thị.

[Nguồn: FRAD, FRBR]

Tài nguyên thư mục [Bibliographic resource] – Một thực thể bên trong khuôn khổ thư viện hoặc những sưu tập tương tự bao gồm những sản phẩm của sáng tạo trí tuệ hoặc nghệ thuật. Tài nguyên thư mục trong mô hình FRBR là những thực thể Nhóm 1: tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu.

[Nguồn: IME ICC]

Tập thể [Corporate body] – Một tổ chức hoặc nhóm cá nhân và/hoặc tổ chức được định danh bằng một tên cụ thể và hoạt động hoặc có thể hoạt động như một đơn vị.

[Nguồn: sửa đổi theo FRAD, FRBR]

Tên [Name] – Ký tự, từ hoặc nhóm từ và/hoặc nhóm các từ, ký tự làm cho thực thể được biết đến; bao gồm các từ/ký tự chỉ cá nhân, dòng họ, tập thể; bao gồm thuật ngữ làm cho những khái niệm, đối tượng, sự kiện, địa điểm được biết đến; bao gồm nhan đề được gán cho tác phẩm, biểu hiện, biểu thị hoặc tài liệu. Được sử dụng làm cơ sở cho điểm truy cập.

[Nguồn: FRBR, được sửa đổi trong FRAD]

Xem thêm Điểm truy cập [TL], Hình thức cho phép của tên [TH], Điểm truy cập có kiểm soát [TL], Tên thông dụng [TH], Tên ưu tiên [TH], Hình thức khác của tên [TH]

Tên thông dụng [Conventional name] – Một tên, khác với tên chính thức, qua đó một tập thể, địa điểm hoặc sự việc được biết đến.

[Nguồn: Sửa đổi theo Bảng thuật ngữ của AACR2 chỉnh lý 2002]

Xem thêm Hình thức cho phép của tên [TL], Tên [TR], Hình thức khác của tên [TL]

Tên ưu tiên [Preferred name] – Tên được chọn cho một thực thể theo quy tắc hoặc tiêu chuẩn, sử dụng làm cơ sở cho việc xây dựng điểm truy cập chuẩn cho thực thể.

[Nguồn: IME ICC]

Xem thêm Điểm truy cập cho phép [TL], Hình thức cho phép của tên [TL], Tên thông dụng [TL], Tên [TR]

Thế giới thư mục [Bibliographic universe] – Lĩnh vực liên quan đến các sưu tập thư viện, lưu trữ, bảo tàng và những cộng đồng thông tin khác.

[Nguồn: IME ICC]

Thực thể [Entity] – Cái gì đó có đặc tính đơn vị và độc lập; cái tồn tại độc lập hoặc riêng biệt; một thứ được trừu tượng hoá, khái niệm ý tưởng, đối tượng tư duy hoặc đối tượng mơ hồ.

[Nguồn: Webster’s 3rd]

Thí dụ về các dạng thực thể trong FRBR và FRAD bao gồm sản phẩm của sáng tạo trí tuệ và nghệ thuật (tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu); các chủ thể (thí dụ cá nhân, dòng họ, tập thể) chịu trách nhiệm về sáng tạo ra nội dung trí tuệ hoặc nghệ thuật, về sản xuất và phổ biến nội dung ở dạng thức vật lý hoặc về duy trì sự lưu giữ sản phẩm; hoặc chủ đề của một tác phẩm (tác phẩm, biểu hiện, biểu thị, tài liệu, cá nhân, dòng họ, tập thể, khái niệm, đối tượng, sự kiện, địa điểm).

[Nguồn: IME ICC]

Thuộc tính [Attribute] – Đặc trưng của một thực thể. Một thuộc tính có thể là vốn có [cố hữu] bên trong thực thể hoặc có thể được gán cho từ bên ngoài.

[Nguồn: FRBR]

NGUỒN THAM KHẢO

AACR2 – Anglo-American Cataloguing Rules. – 2nd edition, 2002 revision. – Ottawa: Canadian Library Association; London: Chartered Institute of Library and Information Professionals; Chicago: American Library Association, 2002-2005.

DCMI Agents Working Group – Dublin Core Metadata Initiative, Agents Working Group. From Web page, 2003 (working definitions): http://dublin- core.org/groups/agents/ Final report available online at: http://dublincore.org/documents/dcmi- terms/#classes-Agent)

FRAD – Functional Requirements for Authority Data: A Conceptual Model – Final Report, 2008.

FRBR – Functional Requirements for Bibliographic Records: Final Report. – Munich : Saur, 1998. (IFLA UBCIM publications new series; v. 19). Có trên Website của IFLA: http://www.ifla.org/VII/s13/frbr/ (tháng 9/997, sửa đổi, hiệu chỉnh tháng 2/2008)

GARR – Guidelines for Authority Records and References. 2nd ed., rev. – Munich : Saur, 2001. (IFLA UBCIM publications new series; v. 23). Có trực tuyến tại: http://www.ifla.org/VII/s13/garr/garr.pdf

IME ICC – IFLA Meeting of Experts on an International Cataloguing Code (1st-5th : 2003- 2007), recommendations from the participants

ISBD – International Standard Bibliographic Description (ISBD): preliminary consolidated edition. – Munich : Saur, 2007. (IFLA Series on Bibliographic Control; v. 31). Có trực tuyến tại: http://www.ifla.org/VII/s13/pubs/ISBD_consolidat- ed_2007.pdf

RDA – RDA: Resource Description and Access. Glossary Draft. 5JSC/Chair/11/Rev (Jan. 2008, Table 1). Có trực tuyến tại: http://www.collectionscana- da.gc.ca/jsc/rda.html#drafts

Webster’s 3rd – Webster’s Third New International Dictionary. – Springfield, Mass. : Merriam, 1976.

Những thuật ngữ không còn sử dụng

Đơn vị thư mục [Bibliographical unit] xem Biểu thị

Tiêu đề [Heading] xem Điểm truy cập cho phép, Điểm truy cập có kiểm soát

Tham chiếu [Reference] xem Hình thức khác của tên

Nhan đề đồng nhất [Uniform title] xem Điểm truy cập cho phép, Hình thức cho phép của tên, Tên

Nghị quyết của IME ICC2008:

Những người tham gia IME ICC nghị quyết như sau:

- Thực hiện chỉnh lý biên tập khi cần thiết đối với văn bản được những chuyên gia tham dự IME ICC thông qua;

- Phổ biến văn bản cho mọi tổ chức lập quy tắc phù hợp và các tổ chức của IFLA cũng nhưng báo chí chuyên ngành;

- Hiệu đính và công bố Tuyên bố nguyên tắc Biên mục quốc tế (ICP statement), Bảng thuật ngữ và làm cho nó được công bố trên web miễn phí;

- Đảm bảo tiếp tục công việc chỉ lý khi FRAD và FRSAR được hoàn chỉnh và mô hình hoặc sơ đồ dữ liệu biên mục phát tiến hoá, duy trì các tư liệu của IME ICC và chia sẻ thông tin về quá trình, kết quả của IME ICC.

Chúng tôi khuyến nghị rằng Tiểu ban Biên mục IFLA có trách nhiệm duy trì văn bản và tiến hành việc xem xét lại chúng sau khoảng thời gian 5 năm để cập nhật nếu cần thiết có tham vấn cộng đồng thông tin lớn hơn.

Ghi chú

[1] Cutter, Charles A. : Rules for a Dictionary Catalog. 4th ed., rewritten. Washington, D.C. : Government Printing office. 1904;

Ranganathan, S.R. : Heading and Canons. Madras [India] : S. Viswanathan, 1955; và Lubetzky, Seymour. Principles of Cataloging. Final Report. Phase I : Descriptive Cataloging. Los Angeles, Calif. : University of California, Institute of Library Research, 1969.

[2] Functional Requirements for Bibliographic Records: Final report. – Munich : Saur, 1998. (IFLA UBCIM pub lications new series ; v. 19). Có trên Website của IFLA: http://www.ifla.org/VII/s13/frbr/ (tháng 9/1997, có sửa đổi và hiệu chỉnh tháng 2/2008).

Mô hình FRBR sắp tới được mở rộng sang Yêu cầu Chức năng đối với Dữ liệu Kiểm soát Nhất quán (Functional Requirements for Authority Data (FRAD)) và Yêu cầu Chức năng đối với Dữ liệu Kiểm soát Chủ đề (Functional Requirements for Subject Authority Data (FRSAD)).

[3] Dựa trên tài liệu tham khảo thư mục, đặc biệt là của Ranganathan và Leibniz theo mô tả trong: Svenonius, Elaine. The Intellectual Foundation of Information Organization. Cambridge, Mass.: MIT Press, 2000, p. 68. Về các từ điển từ chuẩn chủ đề (thesauri), sẽ áp dụng những nguyên tắc bổ sung khác nhưng chưa đưa vào tuyên bố này.

[4] Nguyên tắc 2.2 đến 2.9 được sắp xếp một cách ngẫu nhiên.

[5] Các mô hình khái niệm của IFLA gồm FRBR, FRAD và FRSAD.

[6] Các thực thể Tác phẩm, Biểu hiện, Biểu thị và Tài liệu là những thực thể Nhóm 1 trong mô hình FRBR.

[7] Các thực thể Cá nhân, Họ và Tập thể là những thực thể Nhóm 2 trong mô hinh FRBR.

[8] Các thực thể Khái niệm, Đối tượng, Sự kiện và Địa điểm là những thực thể Nhóm 3 trong mô hình FRBR.

[9] Các mục 4.1-4.5 dựa trên : Svenonius,Elaine.The Intellectual Foundation of Information Organization.Cambridge, Mass.:MIT Press,2000.

[10] Đối với cộng đồng thư viện, chuẩn được chấp nhận quốc tế là Mô tả thư mục chuẩn quốc tế ISBD (International Standard Bibliographic Description).

[11] Trong bản gốc, thuật ngữ được sắp xếp theo vần

chữ cái tiếng Anh. Chúng tôi sắp xếp theo vần chữ cái tiếng Việt và có chú thích tiếng Anh (Người dịch)

[12] IME ICC là viết tắt của "IFLA Meetings of Experts

on an International Cataloguing Code".

 

____________

Cao Minh Kiểm dịch

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 3(23) – 2010 (tr.28-38)


Đọc thêm cùng chuyên mục: