Những mục tiêu trong tương lai là gì ?

Print

Ý kiến của các nhà tư tưởng thư viện về công nghệ và các xu hướng đáng chú ý nhất

Thế giới đang đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng trên các lĩnh vực xã hội, công nghệ và sinh thái. Trong khi hiện tượng “phản ứng dữ dội về công nghệ” đang gây xôn xao dư luận thì các thư viện vẫn phải đưa ra những dự đoán, đồng thời phải thích ứng với những tiến bộ kỹ thuật số và sự phát triển xã hội mạnh mẽ hơn. Làm thế nào để những lựa chọn công nghệ này có thể phù hợp và nâng cao các giá trị cốt lõi của thư viện, chẳng hạn như quyền truy cập, quyền riêng tư và tự do trí tuệ? Đây là thời điểm để chúng ta sẽ xem xét không chỉ những xu hướng ngắn hạn và dài hạn mà còn là cả những thay đổi đã xuất hiện cũng như những thay đổi trong tương lai.

Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến những nhìn nhận chuyên sâu cũng như các dự đoán từ 5 nhà tư tưởng thư viện tại Hội nghị chuyên đề về Tương lai của các thư viện của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ (ALA) diễn ra giữa mùa đông năm 2020. Từ các giá trị cốt lõi như quyền riêng tư và tính bền vững cho đến những cải tiến mới như việc sử dụng rô bốt, chúng tôi khám phá những gì tương lai có thể nắm giữ.

Rô bốt

Bohyun Kim - Giám đốc Công nghệ và Phó Giáo sư tại Thư viện Đại học Rhode Island

2020-12-08-dich-01Mặc dù vẫn chưa phổ biến tại các thư viện, nhưng rô bốt vẫn đang được đưa vào thử nghiệm cho nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ, hiện nay nhiều thư viện lớn sử dụng hệ thống rô bốt để lưu trữ và lấy tài liệu. Bên cạnh đó, rô bốt cũng được sử dụng để đọc và quản lý tài liệu trên giá.

Gần đây, các thư viện đã bắt đầu cung cấp quyền truy cập vào rô bốt và các chương trình giáo dục STEM liên quan đến rô bốt. Ví dụ, Thư viện Westport (Conn.), nơi cung cấp các khóa đào tạo cho 2 rô bốt NAO hình người có thể lập trình được và Thư viện công cộng Chicago, nơi chúng ta có thể mượn các rô bốt Finch nhỏ có thể di động. Tại phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AI) của Thư viện Đại học Rhode Island, “giờ rô bốt” được tổ chức hàng tuần để sinh viên học cách điều khiển và lập trình rô bốt.

So với những thiết bị khác, rô bốt có thể mang lại nhiều lợi ích cho một số công việc của thư viện hơn. Ví dụ, các thư viện có thể sử dụng rô bốt xã hội để chào đón khách và trả lời các câu hỏi mang tính định hướng. Thư viện Đại học Pretoria ở Nam Phi sở hữu một rô bốt với tên là Libby đã thực hiện các nhiệm vụ như vậy. Khi rô bốt có thêm các tính năng nâng cao, chẳng hạn như xác định và xếp lại các sách bị thất lạc trên giá, chúng sẽ trở nên hữu ích cho các dịch vụ khai thác tài liệu thư viện.

Rô bốt cũng có thể trợ giúp với các yêu cầu tham khảo, đặc biệt là đối với các câu hỏi đơn giản. Những rô bốt này có thể ở dạng chatbots trực tuyến. Thư viện Đại học Oklahoma đang thử nghiệm với Alexa, trợ lý ảo của Amazon để cung cấp các dịch vụ tham khảo cơ bản. Tương tự, rô bốt có thể được sử dụng thay thủ thư thực hiện tư vấn cho bạn đọc và đọc sách phục vụ trẻ em

Sự an toàn trong tương tác trực tiếp giữa rô bốt với bạn đọc thường xuyên và nhân viên của thư viện cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, tương tác với rô bốt có thể nâng cao các mối quan hệ đó. Khi công nghệ AI ngày càng phát triển, các rô bốt với tính năng tự động, linh hoạt và phức tạp hơn có khả năng xâm nhập vào nhà, nơi làm việc và thư viện của chúng ta. Mặc dù không ai hoàn toàn hiểu được việc áp dụng rộng rãi rô bốt sẽ ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào, nhưng chắc chắn nó sẽ mở ra rất nhiều câu hỏi thú vị.

Sự bền vững

Matthew Bollerman - Giám đốc điều hành Thư viện Công cộng Hauppauge (N.Y.)

2020-12-08-dich-02Hãy tưởng tượng rằng ở khắp nơi trên thế giới, các bờ biển và các vùng trũng khác đang bị xói mòn, ngập lụt và thậm chí bị nhấn chìm. Tất cả các khía cạnh của an ninh lương thực, bao gồm tiếp cận lương thực và ổn định giá cả đã bị tổn hại. Các cuộc nội chiến và bạo lực giữa các nhóm đang hoành hành, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của đói nghèo và các cú sốc kinh tế khác.

Nghe giống như kịch bản từ một loạt phim truyền hình về zombie hay một bộ phim kinh dị? Thay vào đó là những dự đoán từ báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cơ quan của Liên Hợp quốc có nhiệm vụ đánh giá khoa học về biến đổi khí hậu.

Thư viện có thể giúp giảm thiểu khả năng những dự báo này trở thành sự thật không? Báo cáo của IPCC cho thấy việc hình thành các quan hệ đối tác địa phương, thừa nhận và đánh giá sự đa dạng cũng như giúp mọi ý kiến được ghi nhận là chìa khóa để tồn tại trong khí hậu mới mà con người đã tạo ra. Những điều này hoàn toàn phù hợp với các giá trị, lịch sử và sứ mệnh của các tổ chức. Các giải pháp sẽ đòi hỏi sự lựa chọn, nỗ lực và sự phối hợp của địa phương.

Năm ngoái, ALA đã lấy tính bền vững làm giá trị cốt lõi. Khi nghề nghiệp quyết định cách thể hiện giá trị đó, các hội nghị thư viện đang bắt đầu khuyến khích người tham gia bù đắp lượng khí thải carbon từ các chuyến đi du lịch của mình và các trường đào tạo thư viện đang xem xét tích hợp tính bền vững vào chương trình giảng dạy của họ.

Bằng cách đặt 3 câu hỏi khi đưa ra bất kỳ quyết định nào — Nó có phù hợp với môi trường không? Có khả thi về mặt kinh tế không? Có công bằng về mặt xã hội không? — Chúng tôi có thể đảm bảo rằng chúng tôi đang giúp đỡ cộng đồng của mình. Các thư viện nên sử dụng "ba điểm mấu chốt" này cho tất cả các quyết định liên quan đến hoạt động và dịch vụ. Sáng kiến Thư viện bền vững cung cấp các công cụ cho nhân viên thư viện để ghi lại tiến độ thực hiện một số mục tiêu về môi trường, xã hội và tài khóa. Tại Thư viện Tưởng niệm Lindenhurst (NY), một trong những thư viện đầu tiên đạt được Chứng nhận Thư viện bền vững, nhân viên thư viện đã cam kết hướng đến ba điểm mấu chốt theo nhiều cách: một bảng điều khiển năng lượng mặt trời 73 ki-lô-oát dự kiến sẽ được lắp đặt trên mái nhà thư viện, bộ sạc xe điện đang được trang bị bổ sung tại các bãi đỗ xe và nhân viên trông coi đã chuyển sang các sản phẩm làm xanh sạch và chăm sóc cỏ hữu cơ cho khuôn viên và vườn rau thư viện cộng đồng.

Thực tế ảo

Felicia A. Smith - Trưởng Bộ phận học tập và tiếp cận cộng đồng tại Thư viện Đại học Stanford ở Palo Alto, California

2020-12-08-dich-03Thực tế ảo (VR) có tiềm năng để cách mạng hóa các tài liệu hướng dẫn về thư viện. Bằng cách nào? Thông qua việc sử dụng các tình huống thực tế, nhập vai để thể hiện cho sinh viên thấy họ đã sử dụng các kỹ năng đọc, viết thông tin hàng ngày như thế nào. Trong khi chỉ dẫn thông tin truyền thống chỉ dựa trên bài giảng được lấp đầy bởi các từ ngữ chuyên môn, VR cho phép học tập chủ động hơn.

Ví dụ: một sinh viên có thể tham gia vào một tình huống thực tế thông qua công nghệ VR và được yêu cầu chọn phương án an toàn hơn: được một người lạ mặt trên đường yêu cầu nhận đồ uống đã mở sẵn hoặc tìm cách điều trị như một bệnh nhân trong phòng cấp cứu và bị thúc giục bởi một y tá để uống một số viên thuốc với nước. Những tình huống này yêu cầu sinh viên đánh giá một cách thẳng thắn về mức độ tin cậy của người cung cấp.

Trong bài tập tiếp theo, sinh viên sẽ được trình bày một tình huống mà họ phải chọn cái nào đáng tin cậy hơn: một bài đăng ẩn danh trên Internet, hoặc một bài báo đã được bình duyệt từ một tạp chí học thuật. Có thể dễ dàng để thấy cách đánh giá phản xạ được yêu cầu trong tình huống đầu tiên phản ánh loại kỹ năng đọc hiểu thông tin được yêu cầu trong tình huống thứ hai.

Thật đáng tiếc là chi phí phát triển và sản xuất cho nội dung VR rất cao, dao động từ 44.000 đến 79.000 đô la hoặc thậm chí lên tới 500.000 đô la. Thêm vào đó, vẫn còn thiếu các nghiên cứu về cách sử dụng VR trong các khóa định hướng thư viện học thuật và các hội thảo hướng dẫn diễn ra một lần. Thật khó để chỉ ra rằng hướng dẫn thực tế hỗn hợp, ảo hoặc tăng cường có hiệu quả như thế nào. Khó khăn đó phần lớn bắt nguồn từ việc thiếu nghiên cứu về các công nghệ này, vì chúng còn tương đối mới.

Tuy nhiên, các báo cáo về tác động của trò chơi máy tính tương tác và mô phỏng đã cho thấy những tác động tích cực đến kết quả học tập.

Đối mặt với sự thiên vị dữ liệu

Elisa Rodrigues - Trợ lý thư viện hệ thống tại Đại học San Francisco

2020-12-08-dich-04Mọi người nên thường xuyên đánh giá lại mối quan hệ của họ với công nghệ. Dữ liệu thường xuyên được thu thập xung quanh chúng ta; hầu hết các gói công nghệ kết hợp nghiên cứu thị trường và theo dõi giám sát như những món đồ chơi và các công cụ thuận tiện. Do không có sự cạnh tranh và quy định từ các vụ sáp nhập tập đoàn đã tạo ra một thị trường ngách với tiêu chuẩn thiếu chặt chẽ về tính bảo mật dữ liệu của người dùng. Các công ty công nghệ lớn nhất cũng như các công ty nhỏ hơn cung cấp thiết bị và công nghệ cho thư viện đều đối mặt với tình trạng này.

Sự vi phạm quyền riêng tư trong lĩnh vực số gây ảnh hưởng bất lợi nhiều hơn về mặt kinh tế và xã hội tới các nhóm yếu thế. Ví dụ, hành vi trộm cắp danh tính gây tổn thương cho tất cả mọi người nhưng có thể hủy hoại cuộc sống của những người có thu nhập thấp, mà thiếu nguồn lực để giải quyết hậu quả. Ngoài ra, dữ liệu cá nhân và hành vi do các công ty công nghệ bên thứ ba thu thập thường được coi là hàng hóa. Chúng tôi nói quyền riêng tư là giá trị cốt lõi, nhưng khi các đối tác của thư viện hợp tác với các bên thứ ba chia sẻ dữ liệu mà sau này có thể được sử dụng để trục xuất các cá nhân khỏi Hoa Kỳ - Liệu chúng tôi có thực sự muốn đóng góp vào điều đó không? Việc sử dụng sai mục đích các tập dữ liệu có khả năng tiếp tục gây ra sự kỳ thị, ảnh hưởng không cân đối đến các nhóm người yếu thế. Thậm chí chúng tôi còn thấy điều này khi dữ liệu báo cáo tội phạm và kiểm soát dữ liệu từ các cổng dữ liệu mở của các thành phố được công bố mà không có bối cảnh. Sự thiếu minh bạch, công bằng trong quá khứ được gắn với những dữ liệu số này đã tạo ra tình trạng các cộng đồng người da đen và da nâu ngày nay bị kiểm soát quá mức và liên tục rơi vào thế bất lợi.

Khi các thư viện tìm cách cải thiện dịch vụ của mình hoặc đảm bảo nguồn tài chính, họ có thể cảm thấy áp lực phải thu thập dữ liệu nội bộ để đưa ra một trường hợp thuyết phục. Tuy nhiên, những dữ liệu đó phải được thu thập một cách nghiêm túc, đặc biệt là những dữ liệu liên quan đến các cộng đồng thiểu số. Nhiều khi, việc thu thập dữ liệu có thể khiến quyền riêng tư của các nhóm này gặp rủi ro cao hơn do thiếu đại diện, khiến các cá nhân có thể nhận dạng được. Để bảo vệ các nhóm cộng đồng yếu thế, các thư viện phải đảm bảo rằng dữ liệu được thu thập một cách có đạo đức, được lưu trữ an toàn và ẩn danh. Hoặc xem xét không thu thập dữ liệu cá nhân người sử dụng thư viện nào cả. Dữ liệu liên tục bị vi phạm và xâm phạm. Ví dụ, các cuộc tấn công đòi tiền chuộc nhằm vào các thư viện và hệ thống chính phủ ngày càng phổ biến, thậm chí cả các tập đoàn lớn cũng bị tấn công.

Đúng vậy, công nghệ kết nối chúng ta với con người và tài nguyên, nhưng việc triển khai công nghệ không qua xử lý sẽ duy trì hiện trạng và làm tổn thương những người yếu thế nhất. Một số tài nguyên thông tin có thể giúp mọi người đánh giá công nghệ qua lăng kính đạo đức thư viện, bao gồm Hướng dẫn bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng thư viện của LITA (Rowman & Littlefield, 2017) và Lập kế hoạch công nghệ thư viện cho hôm nay và ngày mai (2018) và Nguyên tắc Bảo mật của Tổ chức Tiêu chuẩn Thông tin Quốc gia. Văn phòng Tự do Trí tuệ của ALA có các nguồn tài nguyên lớn trên trang web của mình và sẽ phát hành Hướng dẫn về Quyền riêng tư dành cho thư viện, với đầy đủ các kỹ thuật thực hành và danh sách kiểm tra. Mỗi thư viện nên điều chỉnh các tài nguyên này để phù hợp nhất với nhu cầu của cộng đồng. Chúng tôi có thể thừa nhận công nghệ đã trở nên phổ biến như thế nào, đồng thời bác bỏ xu hướng giám sát liên tục gây hại cho cộng đồng mà chúng tôi phục vụ.

Dịch vụ bảo mật

Peter McCracken – Cán bộ thư viện phụ trách chiến lược bổ sung và phát triển tài nguyên điện tử tại Đại học Cornell ở Ithaca, New York.

2020-12-08-dich-05Nhiều nhà cung cấp tài nguyên điện tử thu thập dữ liệu nhận dạng cá nhân về người sử dụng thư viện thân thiết của chúng tôi. Một số nhà cung cấp nội dung chỉ muốn đảm bảo rằng người dùng được đăng ký gia nhập vào một hệ thống phù hợp. Tuy nhiên, những đối tác cung cấp khác coi người sử dụng thư viện thân thiết của chúng tôi là nguồn doanh thu có giá trị và làm tất cả những gì có thể để tối đa hóa lợi nhuận từ các tương tác của họ. Tại Thư viện Đại học Cornell, chúng tôi dành khoảng 70% ngân sách bổ sung các nguồn tài nguyên điện tử, tuy nhiên các nhà cung cấp khai thác dữ liệu hiếm khi thay đổi hành vi của họ dựa trên sự phản đối của chúng tôi.

Chúng tôi đang phát triển một chiến dịch nhiều mặt, nhằm vào cộng đồng người sử dụng thư viện và hơn thế nữa, tập trung vào khái niệm “dịch vụ bảo mật”. Một nhánh của chiến dịch này sẽ cảnh báo tới người sử dụng thư viện thân thiết khi các nhà cung cấp nội dung có hành vi xấu về quyền riêng tư. Chúng tôi muốn chỉ ra đánh giá của chúng tôi về hành vi của nhà cung cấp liên quan đến dữ liệu cá nhân thông qua chỉ báo màu đỏ / vàng / xanh lá cây trong danh mục thư viện và tại bất kỳ điểm truy cập nào khác vào tài nguyên điện tử, để cho người dùng biết thông tin cá nhân của họ sẽ được bảo mật như thế nào với một nhà cung cấp nhất định.

Ví dụ: nhà cung cấp có yêu cầu người sử dụng thư viện tạo tài khoản dành riêng cho dịch vụ không? (Chúng tôi không phản đối các nhà cung cấp tạo lập chức năng bổ sung thông qua tài khoản để người dùng tùy chọn). Họ có yêu cầu người sử dụng đồng ý với một lần nhấp chuột vào đăng ký điện tử không? (Những điều này đặc biệt nghiêm trọng, vì hợp đồng kiểm soát là giữa nhà cung cấp và trường đại học, không phải nhà cung cấp và người dùng.) Họ có sử dụng vân tay trình duyệt không? Họ có cung cấp quyền xóa dữ liệu người sử dụng và thực hiện theo yêu cầu xóa không?

Ngoài các thư viện của mình, chúng tôi muốn tạo ra một hệ thống đánh giá được chia sẻ và mở, trong đó bất kỳ nhà cung cấp nào cũng có thể biết lý do tại sao chúng tôi cho điểm như vậy và bất kỳ thư viện nào cũng có thể đóng góp hoặc sử dụng dữ liệu khi phù hợp. Trong nhiều tranh luận cho rằng các cá nhân phải có trách nhiệm bảo vệ dữ liệu của riêng họ, nhưng điều này là không hợp lý và không thực tế. Một cá nhân không thể buộc một tổ chức tôn trọng quyền riêng tư dữ liệu của họ. Chúng ta phải thay đổi mô hình này và chuyển trọng tâm sang hành động tập thể. Làm việc với các thư viện, nhà cung cấp, tổ chức và những người ủng hộ quyền riêng tư khác, chúng tôi có thể đảm bảo quyền riêng tư về dữ liệu cho tất cả mọi người.

_________________

Nguồn : https://americanlibrariesmagazine.org/2020/06/01/library-technology-what-future-holds/

Đỗ Minh Đức lược dịch


Đọc thêm cùng chuyên mục: