Phương hướng, giải pháp áp dụng DDC trong 5 năm tới

Print

Tại Hội nghị - hội thảo “Ba năm áp dụng bảng phân loại DDC trong ngành thư viện Việt Nam”, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề áp dụng DDC đã được nêu ra, bàn và thống nhất tại hội nghị. Dưới đây là những phương hướng, giải pháp chính cho việc áp dụng DDC trong 5 năm tới của ngành Thư viện Việt Nam*.

1. Phương hướng chung

Tuân thủ định hướng đã được toàn ngành chấp nhận “Thống nhất - chuẩn hóa - hội nhập”, nên phương hướng chung áp dụng DDC trong 5 năm tới sẽ là khẩn trương thúc đẩy áp dụng DDC trong toàn ngành thư viện. Phấn đấu để sau 5 năm tới, các thư viện lớn của Việt Nam sẽ áp dụng chung một khung phân loại DDC, các thư viện vừa và nhỏ - áp dụng DDC 14 với sự cập nhật các phiên bản rút gọn tiếp theo của DDC.

2. Các giải pháp

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác phân loại, từ thực tế áp dụng Khung phân loại DDC trong toàn ngành thư viện Việt Nam, chúng tôi thấy cần tập trung vào một số giải pháp sau:

2.1. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL)

- Bộ VHTTDL ban hành văn bản có tính pháp lý cao qui định các thư viện và trung tâm thông tin phải dùng khung phân loại DDC và quy định lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi.

Thực tiễn cho thấy, công văn số 1598/BVHTT-TV của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 7/5/2007 chỉ khuyến khích các thư viện đã có đủ điều kiện về kinh phí, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ sẽ chuyển sang áp dụng DDC, MARC21, AACR2 từ ngày 1/6/2007. Vì thế, có những thư viện, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của “Thống nhất – chuẩn hóa – hội nhập” nhưng vẫn chưa có những biện pháp quyết liệt để áp dụng DDC vào thực tiễn công tác của cơ quan mình vì sự áp dụng này kéo theo những chi phí nhất định về sức người, sức của và cả gánh nặng tâm lý, trách nhiệm của lãnh đạo và nhân viên thư viện. Cũng có ý kiến cho rằng trong mạng lưới thư viện nước ta cũng có thể áp dụng nhiều bảng phân loại khác nhau. Nếu thế chúng ta lại quay lại thời kỳ trước khi có công văn 1598 của Bộ và như thế chúng ta lại không “thống nhất”...

- Các cơ quan quản lý thư viện của Bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo từng thư viện cần có những chương trình đầu tư, hỗ trợ việc tạo lập (dịch, biên soạn) các tài liệu về DDC (dịch phiên bản mới bảng phân loại DDC, biên soạn tài liệu hướng dẫn phân loại tài liệu theo DDC...); đào tạo cán bộ phân loại theo DDC; có chương trình mục tiêu hồi cố tài liệu theo DDC...

* Còn nhiều giải pháp cho việc áp dụng DDC đã được thống nhất tại Hội nghị cũng đăng tải ở số này trong bài Báo cáo tổng kết “3 năm áp dụng khung phân loại DDC trong ngành thư viện Việt Nam” (từ tr. 27 - 29)

- Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát, biểu dương những đơn vị triển khai áp dụng hiệu quả, đồng thời khiển trách, nhắc nhở những đơn vị còn chậm trễ.

Đây là biện pháp quản lý cần thiết và mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, trong công tác áp dụng DDC, các cơ quan quản lý thư viện của Bộ, ngành, địa phương chưa tiến hành công việc này, hoặc tiến hành ở mức “cho có”. Việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát cần được tiến hành thường xuyên và cần được kết thúc bằng những văn bản cần thiết.

- Bộ VHTTDL nên có những tác động đến các Bộ ngành như Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế... để các Bộ này có văn bản chỉ đạo về việc áp dụng khung phân loại DDC 14 trong hệ thống thư viện do mình quản lý.

2.2 Nâng cao năng lực và hiệu quả hướng dẫn áp dụng DDC

- Thành lập Ban ứng dụng DDC cho toàn ngành thư viện Việt Nam do Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG) đứng đầu và một vài thư viện lớn, có nhiều kinh nghiệm trong áp dụng DDC làm thành viên. Ban này nên có riêng một khoản ngân sách thường xuyên để làm một số công việc sau:

+ Duy trì văn phòng DDC, Web DDC, thường xuyên cập nhật sự thay đổi của Khung phân loại DDC, thích ứng với phiên bản khung phân loại hiện đang sử dụng;

+ Biên soạn tài liệu hướng dẫn phương pháp chung và thống nhất về phân loại tài liệu theo khung phân loại DDC cho các thư viện và trung tâm thông tin trong cả nước;

+ Tổ chức tư vấn, diễn đàn thảo luận về phân loại theo DDC trên mạng;

+ Mở các lớp đào tạo nâng cao về DDC;

+ Thường xuyên đi khảo sát tình hình sử dụng DDC của các đơn vị để có những tư vấn, giúp đỡ kịp thời.

Giải pháp này là khoa học vì hiện nay các thư viện Việt Nam áp dụng các phiên bản khác nhau của DDC: DDC 19, 20, 21, 22 mà mỗi phiên bản có thể có những mục, quy định mới, khác với phiên bản trước đó. Vì thế, việc mời các thư viện có kinh nghiệm phân loại tham gia biên soạn tài liệu hướng dẫn, tư vấn về phiên bản họ đã nhiều năm sử dụng... vừa đảm bảo tính khoa học, chính xác của các quyết định nghiệp vụ vừa tạo nên sức mạnh toàn ngành trong phân loại tài liệu theo DDC. Vấn đề là thành lập Ban này như thế nào và hoạt động ra sao? Theo thiển ý của chúng tôi, việc thành lập Ban ứng dụng DDC cho toàn ngành thư viện nước ta có thể tiến hành theo những bước sau:

+ TVQG gửi công văn đến các thư viện có kinh nghiệm trong phân loại tài liệu theo DDC đề nghị cử người tham gia, coi như đóng góp cho cộng đồng thư viện Việt Nam.

+ Những người tham gia sẽ được cơ quan cử đi giảm một phần công tác tại cơ quan. Mức độ giảm sẽ do TVQG thỏa thuận với cơ quan cử người tham gia bằng văn bản. Những người này sẽ tham gia vào tất cả các việc của Ban như tư vấn nghiệp vụ (bằng văn bản hay trực tuyến) theo những phiên bản DDC hoặc theo những lĩnh vực khoa học nhất định; tham gia biên soạn, góp ý, thẩm định tài liệu hướng dẫn phân loại theo DDC do Ban này biên soạn; tham gia các đợt khảo sát, các khóa đào tạo cán bộ phân loại DDC do Ban tổ chức...

+ Xây dựng, ban hành một văn bản quy định cơ chế hoạt động của Ban này sau khi được thành lập.

+ Thành lập một khoản kinh phí hàng năm của Ban. Ngoài kinh phí cho hoạt động thường xuyên của Ban, TVQG nên có những đãi ngộ tài chính nhất định cho các thành viên của Ban.

Chỉ nhìn vào các bước trên đã thấy tính phức tạp của vấn đề nhưng nếu TVQG quyết tâm và các thư viện khác ủng hộ thì nhất định làm được. Ngược lại, TVQG vẫn sẽ cố gắng thực hiện công việc này, đồng thời tìm những hình thức hợp tác phù hợp để huy động khả năng của các thư viện khác tham gia vào công tác hướng dẫn nghiệp vụ trong phân loại tài liệu theo DDC.

- TVQG phối hợp với Cục Xuất bản tiến hành biên mục tại nguồn để đảm bảo sự thống nhất tối đa trong công tác biên mục, trong đó có ký hiệu phân loại.

Chúng ta đều biết tác dụng to lớn của biên mục tại nguồn hay còn gọi biên mục trên xuất bản phẩm. Trong những năm qua, nhiều đề xuất áp dụng hình thức này đã được nêu ra nhưng chưa được đưa vào thực tiễn công tác xuất bản – thư viện ở nước ta. Vài năm lại đây, TVKHTH thành phố Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận với 1-2 nhà xuất bản ở Tp. Hồ Chí Minh tiến hành thí điểm công việc này và kết quả thu được rất tốt. Vừa qua, Quỹ Atlantic Philanthropies đã tài trợ cho TVQG dự án biên mục tại xuất bản phẩm. Kết quả thu được nếu là khả quan sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa TVQG và Cục Xuất bản (Bộ Thông tin – Truyền thông) trong việc thiết lập một cách vững chắc hoạt động này trong tương lai gần. Điều đáng nói nữa là hiện nay Cục Xuất bản là cơ quan chính thức được quyền cấp mã số sách quốc tế (ISBN) cho các xuất bản phẩm của nước ta. Điều này là cực kỳ thuận lợi cho việc biên mục tại xuất bản phẩm.

- Thư viện Quốc gia Việt Nam tiến hành xử lý nhanh, chính xác tài liệu được xuất bản tại Việt Nam, đưa lên mạng để các thư viện có thể copy dữ liệu biên mục sử dụng cho nhu cầu của mình.

Chức năng biên mục tập trung này đã được Bộ Văn hóa giao cho TVQG thực hiện từ năm 1962. Từ những năm mới triển khai cho đến khi tiến hành tin học hóa, TVQG đã in phích gửi cho khoảng 600 thư viện trong cả nước. Trong những năm đầu ứng dụng CNTT, một mặt, TVQG chuyển các file dữ liệu thư mục tài liệu mới nhận được qua con đường lưu chiểu tới các thư viện cấp tỉnh, mặt khác, đưa CSDL của mình lên mạng để các thư viện trong cả nước khai thác, tham khảo. Từ khi xây dựng thư viện điện tử (2002), TVQG không gửi file dữ liệu thư mục cho các thư viện tỉnh nữa mà các thư viện này cùng nhiều thư viện khác đã khai thác các biểu ghi trên Internet. Trong thời gian qua, TVQG đã làm rất nhiều việc để thu thập đầy đủ và nhanh nhất các xuất bản phẩm trong nước, đồng thời cải tiến các khâu xử lý để sau 15 ngày, các thông tin về tài liệu nhận được qua con đường lưu chiểu được đưa lên mạng. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng Luật Xuất bản sửa đổi được Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004 chưa tạo thuận lợi cho TVQG thực hiện chức năng này. Tại khoản 2 Điều 27 Nộp xuất bản phẩm lưu chiểu và nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam của Luật này có quy định: Sau khi xuất bản phẩm được phát hành, nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản phải nộp năm (5) bản cho Thư viện Quốc gia Việt Nam... Sự quy định về thời gian này khác với Luật Xuất bản năm 1993. Theo Luật năm 1993, các nhà xuất bản phải nộp xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia Việt Nam 7 ngày trước khi phát hành. Việc không quy định thời gian “sau khi phát hành” là bao nhiêu ngày trong Luật Xuất bản năm 2004 đang gây khó khăn nhất định cho TVQG để thu nhận kịp thời xuất bản phẩm, tổ chức thông tin nhanh, đầy đủ về chúng (biên mục tập trung, biên soạn Thư mục Quốc gia tháng/năm) và phục vụ bạn đọc của Thư viện Quốc gia Việt Nam.

2.3. Nâng cao trách nhiệm của từng thư viện và trung tâm thông tin

- Thúc đẩy mạnh việc áp dụng DDC tại các thư viện bằng việc xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng phần công việc.

- Thực hiện xử lý hồi cố tài liệu theo Khung phân loại DDC (phân loại, tổ chức kho, chỉnh sửa cơ sở dữ liệu...) theo một quy trình cụ thể, hợp lý, có kế hoạch cho từng giai đoạn.

- Xây dựng tổ, nhóm chuyên nghiên cứu về DDC tại đơn vị (là những cán bộ phân loại có kinh nghiệm) được đào tạo sâu về DDC để có thể tư vấn tại chỗ về phân loại tài liệu.

- Thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thư viện, đồng thời có những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân loại.

- Các thư viện, cơ quan thông tin phải có những khoản kinh phí hàng năm để đào tạo, đào tạo lại cán bộ phân loại, xử lý hồi cố... khi áp dụng khung phân loại DDC.

- Các đơn vị nên thường xuyên tổ chức lớp đào tạo rèn luyện kỹ năng phân loại tài liệu, hội nghị chuyên môn để các cán bộ trực tiếp làm công tác phân loại thảo luận, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng khung phân loại DDC...

3. Điều chỉnh khung phân loại DDC 14

- Theo góp ý của nhiều thư viện, Ban biên tập DDC 14 nên tiếp tục khuyến nghị với OCLC để mở rộng và bổ sung một số lớp trong Khung phân loại DDC 14 cho phù hợp với tình hình chính trị, xã hội cũng như hoàn cảnh của Việt Nam, đặc biệt là các tài liệu chuyên ngành như: Lịch sử, văn học, ngôn ngữ, tôn giáo, y học, địa chí, quân sự...; hiệu đính lại một số thuật ngữ chưa chính xác, một số hướng dẫn chưa thật rõ ràng trong DDC 14 tiếng Việt; tái bản khung phân loại DDC 14, in chữ to và rõ hơn...

Mặc dù trong cuộc hội nghị - hội thảo ở Sapa đại diện của Ban dịch DDC 14 trả lời là các phần dịch đã được bên Hoa Kỳ thông qua chắc không thể có nhiều sai sót; việc hiệu đính, xuất bản DDC 14 là không thể thực hiện được, nhưng thiết nghĩ đây sẽ là bảng sử dụng cho các thư viện cỡ vừa và nhỏ ở nước ta trong thời gian dài sắp tới nên việc hiệu đính chúng là cần thiết. Việc in một bản mới (có sửa đổi, bổ sung trong cách hành văn) thực sự là việc rất khó nhưng nên làm dù chỉ dưới dạng một bản đính chính. Vấn đề là ai làm, kinh phí ở đâu? Có lẽ trong dự trù dịch DDC 22 (23) sắp tới nên có thêm mục chi cho công việc này.

4. Tổ chức dịch DDC 22 với việc Việt hoá thành công các vấn đề của Việt Nam và khắc phục những tồn tại có trong DDC 14

Vì chưa biết lúc nào phiên bản DDC 23 được công bố, nên hiện nay phương án đưa ra là dịch DDC 22, khi nào DDC 23 ra đời sẽ dịch các phần mới để bổ sung vào DDC 22 và như thế sẽ có một bản DDC 23. Dự kiến trong 3 – 4 năm tới sẽ dịch xong DDC 22 (23). Nhưng để có một bản DDC tiếng Việt tốt dùng cho các thư viện Việt Nam, Ban dịch DDC cần Việt hoá thành công các vấn đề của Việt Nam và khắc phục những tồn tại trong cách hành văn... như đã được góp ý cho ấn bản DDC 14 tiếng Việt.

Bên cạnh đó cần phải nghiên cứu quy trình chỉnh lý, bổ sung bảng phân loại DDC 22 (23), DDC 14 để tránh phải dịch chạy theo các phiên bản mới của DDC. Một phương án được đề xuất trong hội nghị và chúng tôi thấy rất hợp lý là chỉ dịch và bổ sung phần bổ sung, thay đổi của các phiên bản kế tiếp của DDC mà không dịch toàn bộ bản mới vì như thế sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bản quyền phần bổ sung như thế nào, mấy lần in bổ sung thì in lại thành một bản hoàn chỉnh hay mỗi lần bổ sung lại in lại thành một phiên bản mới v.v.

5. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện cần tăng cường thời gian giảng dạy DDC

Một số ý kiến cho rằng việc giảng dạy DDC chưa tương xứng với kỳ vọng vào nó. Việc một số nơi chưa áp dụng DDC cũng có một phần nguyên nhân là chưa được đào tạo. Vì thế cần phải tăng cường giảng dạy DDC trong các cơ sở đào tạo cán bộ thư viện chính quy và trong các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của các thư viện - trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ. Yêu cầu được tham gia các khóa học đào tạo nâng cao về phân loại DDC đã được nhiều thư viện nêu lên. Đây cũng là công việc cần làm trong thời gian tới của TVQG và các thư viện - trung tâm hướng dẫn nghiệp vụ lớn khác.

 

 _______________

TS. Lê Văn Viết

Phó Giám đốc TVQG

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 1(21) – 2010 (tr.37-40)


Đọc thêm cùng chuyên mục: