Các chiến lược học tập để thu hút và giữ chân người sử dụng thư viện trẻ tuổi

Print

Bài viết đề cập đến việc thu hút người sử dụng trẻ tuổi đến tham quan các thư viện, bảo tàng, cũng như các chiến lược để phát triển người sử dụng của tác giả Luz Santa María Muxica (Đại học Tây Úc, Perth, Úc) đăng tải trên trang mạng chính thức của Liên đoàn các Hiệp hội và Tổ chức Thư viện Quốc tế (IFLA).

Mặc dù khả năng tiếp cận công nghệ và kết nối toàn cầu ngày càng gia tăng, tạo điều kiện cho các phương thức giao tiếp và học tập từ xa, tuy nhiên trong bối cảnh của thế kỷ XXI, thư viện vẫn là nơi gặp gỡ của cộng đồng. Khẳng định này là yếu tố thúc đẩy Dự án của Thư viện Thanh thiếu niên và Trẻ em Mỹ Latinh (LACYL). LACYL đang trong giai đoạn lập kế hoạch và dự kiến sẽ đi vào hoạt động tại Chile vào năm 2020. Sứ mệnh của nó là cung cấp cho trẻ em, thanh thiếu niên và gia đình của họ một không gian văn hóa, nơi họ có thể khám phá và đọc sách, tiếp cận sự đa dạng của hình thức văn hóa, đánh giá cao kiến thức và trở thành những công dân sáng tạo, trung thực và có trách nhiệm (Mekis, 2016).

Để đạt được mục tiêu này, LACYL cần phải nâng cao quyền lợi văn hóa của những người trẻ tuổi. Khi một tổ chức đề cao các quyền lợi văn hóa thì "việc tham gia vào đời sống văn hóa trở thành nền tảng đối với bản sắc cá nhân và thực sự bất khả xâm phạm" (Reason, 2010: 30). Hơn nữa, trong một bối cảnh không chính thức, một thư viện như vậy, các quyền lợi văn hóa “sẽ cung cấp cho những người trẻ tuổi các kỹ năng trong vai trò người sử dụng (NSD), sự tự tin và kiến thức cho phép họ tiếp nhận các hình thức văn hóa được cung cấp theo đúng nghĩa của chúng”.

Trong khuôn khổ bài viết này, tổng quan tài liệu sẽ xem xét các chiến lược mà các thư viện và bảo tàng đã áp dụng thành công để thu hút và giữ chân NSD trẻ tuổi. Qua đó, bài viết hướng tới việc đề xuất các chiến lược học tập qua hình thức mời trẻ em, thanh thiếu niên, gia đình của họ và những nhà giáo dục tới với LACYL và có khả năng thành công trong việc phát triển NSD thường xuyên cho thư viện.

Cá nhân tôi sẽ đạt được mục tiêu của nghiên cứu này bằng cách xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau. Đầu tiên, tôi sẽ trình bày tổng quan về thư viện như một trung tâm học tập trong bối cảnh của thế kỷ XXI và vai trò của nó đối với cộng đồng. Phần này sẽ nhấn mạnh đến các khía cạnh xã hội của việc học và học trong các môi trường không chính thức. Thứ hai, khái niệm NSD sẽ được thảo luận trong nội dung bài viết, đặc biệt là liệu NSD nhỏ tuổi nên được coi là “đang hiện hữu”, tức là trẻ em hiện tại, hay là 'trở thành người lớn', tức là NSD trưởng thành trong tương lai. Phần thứ ba sẽ xem xét một số chiến lược để thu hút và giữ chân NSD trẻ tuổi như đã thông báo trong nội dung, điều này sẽ thúc đẩy các khuyến nghị cho LACYL. Các khuyến nghị này sẽ tập trung vào các khía cạnh của chương trình, truyền thông, đối tác và quảng bá thư viện. Cuối cùng, bài viết này sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc đánh giá đối với việc thu hút NSD và đối với toàn bộ quá trình lập kế hoạch, bởi vì như Feinberg và Feldman (1996: 103) đã chỉ ra rằng "đánh giá hợp lý hóa mọi hoạt động của thư viện".

Thư viện và cộng đồng

Oldenburg (1999) đã đặt ra khái niệm về 'không gian thứ ba' để chỉ một không gian cộng đồng trung lập, không phải là nơi làm việc cũng không phải ở nhà, “nơi mọi người đến với nhau một cách tự nguyện và không tuân theo cách thức bất bình đẳng xã hội và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và kết nối xã hội” (Oldenburg, 1999, trích dẫn trong Pastore, 2009: 9). Pastore (2009: 9–10) nói thêm rằng “đây là cơ hội cho sự gắn kết xã hội bên ngoài cuộc sống riêng tư hoặc công việc, những tính toán lợi ích thương mại, bảo tàng và thư viện có khả năng xác định và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng theo những cách mà các không gian khác không thể”.

Không gian thứ ba của Oldenburg nhấn mạnh đến giá trị dân chủ của thư viện trong việc tạo ra công bằng xã hội. Cùng quan điểm đó, Liên đoàn quốc tế các hội và cơ quan thư viện thế giới (IFLA, 2003) đã xác định thư viện công trong thế kỷ XXI là một trong những tổ chức dân chủ nhất thông qua hoạt động phục vụ các nhu cầu cụ thể của cộng đồng. Đây được coi là điểm gặp gỡ an toàn và là nơi cộng đồng có thể tụ họp, khám phá, học hỏi, tiếp cận kiến thức địa phương, tìm hiểu các vấn đề chính trị và xã hội, lấy cảm hứng từ ngân hàng ý tưởng sẵn có, trả lời các câu hỏi thực tế, thu nhận các kỹ năng mới và trải nghiệm niềm vui và sự tận hưởng tuyệt đối.

Về đối tượng NSD, khả năng tạo nên sự bình đẳng xã hội đã được Pastore (2009) giải thích rõ rằng các thư viện và bảo tàng thế kỷ XXI “không phải là kênh thông tin một chiều truyền từ tổ chức đến NSD. Đúng hơn, chúng là mạng lưới gồm nhiều kênh, tổ chức đối với NSD và NSD với NSD” (trang 7). Điều này đòi hỏi sự tham gia sâu rộng của cộng đồng trong suốt quá trình lập kế hoạch và đánh giá của thư viện. Từ góc độ tiếp thị, Kolb (2013) đã sử dụng thuật ngữ ‘người tham gia văn hóa’ để định nghĩa người tiêu dùng văn hóa mới đi kèm với công nghệ truyền thông xã hội: “Họ muốn không chỉ đơn thuần tham dự các sự kiện văn hóa. Họ muốn có tiếng nói trong chương trình và thậm chí là sản phẩm nghệ thuật” (trang 36). Kolb khuyến nghị rằng các tổ chức phải cung cấp một sản phẩm văn hóa tương tác đáp ứng nhu cầu của những người tham gia văn hóa. Một trường hợp điển hình là Bảo tàng Châu Á Wing Luke ở Seattle, Hoa Kỳ, đã phát triển một mô hình triển lãm dựa vào cộng đồng để trao quyền cho các thành viên trong cộng đồng “tạo ra các cuộc triển lãm của riêng họ và kể những câu chuyện của riêng họ tại Bảo tàng” (Pastore, 2009: 8). Việc sử dụng mô hình này phù hợp với sứ mệnh của Bảo tàng là thu hút người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương khám phá nghệ thuật, văn hóa và lịch sử của họ.

Tất cả các định nghĩa này về thư viện trong thế kỷ XXI đều nhấn mạnh các khái niệm về học tập cộng đồng và học tập không chính thức. Nói cách khác, ngày nay thư viện được coi là nơi mọi người học tập ngoài xã hội và học tập không chính thức.

Tìm hiểu xã hội học

Maddigan và Bloos (2013) đã biên soạn các chương trình thư viện đa dạng tập trung vào việc xóa mù chữ trong cộng đồng ở Hoa Kỳ. Như họ đã định nghĩa, “khả năng giao tiếp nói chung của cộng đồng được hình thành bởi sự đóng góp của những người tham gia diễn thuyết - giao tiếp thông qua viết và nói”. Khả năng giao tiếp nói chung trong cộng đồng mang lại “cho mọi người cách để giúp đỡ lẫn nhau và học hỏi từ những điểm mạnh của người khác thông qua trò chuyện và nhắn tin và dùng sự khác biệt của nhau để giải quyết các vấn đề chung của họ” (Higgins và cộng sự, 2006, trích dẫn trong Maddigan và Bloos, 2013: ix). Đây là một vấn đề của thuyết kiến tạo xã hội, một lý thuyết có nền tảng trong các công trình tâm lý học của Piaget và Vygotsky. Vygotsky hiểu học tập là một cấu trúc xã hội: “Mỗi chức năng trong sự phát triển văn hóa của trẻ em xuất hiện hai lần: đầu tiên, ở cấp độ xã hội, và sau đó ở cấp độ cá nhân; đầu tiên là giữa con người với nhau và sau đó là bên trong đứa trẻ” (Vygotsky, 1978: 57), và ông nói thêm rằng “hôm nay những gì đứa trẻ có thể làm với sự hỗ trợ và ngày mai có thể làm một mình” (Vygotsky, 1986: 188 ). Như Moll (2013) đã phác thảo, nhà tâm lý học người Nga quan tâm đến cách con người tạo nên bản chất của mình thông qua người trung gian, “thông qua việc lĩnh hội văn hóa và các nguồn lực của nó, những thứ thay đổi theo lịch sử”. Tương tự như vậy, Dewey (1929) tin rằng giáo dục là một quá trình xã hội xảy ra trong đời sống cộng đồng, nơi người học được thúc đẩy để “sử dụng năng lực của mình cho các mục đích xã hội” (1929: “Điều thứ hai. Trường học là gì”: Đoạn 1). Để tất cả điều này diễn ra, các tác giả coi ngôn ngữ trong bối cảnh xã hội là công cụ chính để huy động tri thức và xây dựng khái niệm.

Mỗi chương trình được Maddigan và Bloos (2013) thông báo đều có các chiến lược và mô hình học tập khác nhau, và chúng được đặt ở các địa điểm khác nhau, trực tiếp và trực tuyến. Các tác giả tin rằng cộng đồng, cũng giống như công nghệ, đang phát triển nhưng chưa thể hiện hết tầm quan trọng của chúng, và đối với vấn đề này, trường học và thư viện công cộng là hai tổ chức tiếp tục đóng vai trò phát triển trong xã hội. Mặc dù là những tổ chức ưu việt về xóa mù chữ, McKenzie và cộng sự (2007; trích dẫn trong Maddigan và Bloos, 2013: 2) cho rằng “thư viện công cộng không thể được coi là một không gian đơn lẻ, mà nên được hiểu là một địa chỉ của sự kết nối mọi người và lưu trữ tri thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau”. Maddigan và Bloos (2013: 2) nhấn mạnh rằng "bằng cách cung cấp các chương trình miễn phí cho các thành viên thuộc mọi cộng đồng, chúng tôi đang mang đến cho người dân một không gian để gặp gỡ, tham gia thảo luận và phát triển các mối quan hệ". Theo đó, ý tưởng về thư viện được xây dựng trong và cho “khu vực công cộng dân chủ’ (Buschman và Leckie, 2007, được trích dẫn trong Maddigan và Bloos, 2013: 2) một lần nữa lại đóng vai trò hàng đầu trong các quan niệm đương đại về năng lực giao tiếp nói chung của cộng đồng. Vì mục đích này, lập bản đồ cộng đồng là một trong những hành động lập kế hoạch quan trọng nhất cần được phát triển bởi bất kỳ thư viện hoặc tổ chức văn hóa nào, như nội dung đã đề cập.

Tương tác là một khái niệm không thể bỏ qua trong cuộc thảo luận về học tập xã hội và đã được đề xuất như một chiến lược cho các bảo tàng và thư viện trong thế kỷ XXI để thu hút NSD trẻ (Blud, 1990; Chow, 2013; Moorhead, 2005). Khi đối mặt với các hoạt động hoặc văn bản mang tính tương tác, người tham gia và người đọc trở thành những người tích cực tạo ra ý nghĩa (Cordero và cộng sự, 2014; Groenke và Youngquist, 2011). Blud (1990), người đã thực hiện một nghiên cứu tại Bảo tàng Khoa học London, nhận thấy rằng các cuộc triển lãm tương tác khuyến khích các gia đình thảo luận nhiều hơn so với các cuộc triển lãm tĩnh. Các cuộc triển lãm tương tác cũng cho thấy hiệu suất vượt trội đáng kể khi có sự tham gia của hai hoặc nhiều người, thay vì từng người. Những phát hiện này cộng hưởng với lý thuyết kiến tạo xã hội được mô tả ngắn gọn trước đây.

Tuy nhiên, nếu coi thư viện như một trung tâm xóa mù chữ cộng đồng thì tính tương tác không phải là trải nghiệm học tập duy nhất đáng phát triển trong thư viện. Nhóm New London (1996) đã đặt ra thuật ngữ 'đa năng lực giao tiếp’ để chỉ ra nhiều phạm vi kiến thức, kỹ năng và thực hành liên quan đến văn bản chữ và số được in cùng với phương tiện, công nghệ và sự tương tác. Cùng với đa năng lực giao tiếp, ‘đa phương thức’ là một khái niệm khác được các tài liệu nghiên cứu về vấn đề này rất coi trọng. "Phương thức là các thành phần và quy ước thể hiện, diễn đạt và truyền đạt ý nghĩa trong bất kỳ phương tiện hoặc thể loại nào, chẳng hạn như âm thanh, màu sắc, giai điệu, âm nhạc và kết cấu" (Jewitt và Kress, 2003). “Các phương thức giao nhau và kết hợp theo nhiều cách” (Dallacqua và cộng sự, 2015: 209). Do đó, các văn bản và sự diễn đạt đa phương thức là điều cần thiết để phát triển đa ngôn ngữ.

Học tập không chính thức trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Bài viết này chưa đề cập nhiều đến xu hướng số hóa trong thư viện thế kỷ XXI. Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, Wayne Clough (2013) đã đề xuất một quan điểm lạc quan dựa trên loại hình học tập không chính thức đang diễn ra trong bảo tàng, cơ quan lưu trữ và thư viện: Trên thực tế, cuộc cách mạng kỹ thuật số mang đến cho bảo tàng, cơ quan lưu trữ và thư viện cơ hội vàng, bởi vì chúng rất phù hợp cho một không gian nơi không chỉ diễn ra loại hình học tập không chính thức mà còn tập trung vào nguồn cảm hứng và sự chủ động của cá nhân. Tất nhiên, việc được truy cập trực tuyến vào các tài liệu và hình ảnh được số hóa từ các bộ sưu tập sẽ mở ra cánh cửa của các thiết chế này đến với đối tượng NSD lớn hơn nhiều. Nhưng số hóa cũng mang lại cho các bảo tàng, cơ quan lưu trữ và thư viện những cách thức mới để thu hút những NSD dịch vụ của họ và trở thành đối tác tiềm năng hơn trong các chương trình giáo dục chính thức và không chính thức (tr. 9-10).

Vấn đề liệu các thư viện có nên sử dụng các công cụ kỹ thuật số để thu hút NSD trẻ hay không lại sẽ không được thảo luận. Minh chứng mạnh mẽ cho thấy rằng các thế hệ kỹ thuật số đang thay đổi và điều này là một thách thức khi mọi người đều cho rằng các thế hệ mới được trang bị kỹ năng kỹ thuật số cao nhất (Fortunati và cộng sự, 2017; Taipale, 2016). Tuy nhiên, để phục vụ cộng đồng, thư viện phải giới thiệu nhiều loại tài nguyên, định dạng và nền tảng kể cả kỹ thuật số để phục vụ nhu cầu của NSD. Với mục đích thu hút NSD mới, Thư viện Đại học Ryerson ở Toronto, Canada, đã xây dựng Phòng thí nghiệm Trải nghiệm phương tiện Kỹ thuật số, “một không gian sáng tạo là điểm thu hút hàng đầu mà những người sáng tạo là sinh viên và những người có tầm nhìn muốn sử dụng các máy trạm đa phương tiện cao cấp và một kho công nghệ lớn dành cho sinh viên sử dụng” (Wang và cộng sự., 2017: 7). Điều này đã cho phép sinh viên phát triển các dự án đổi mới bằng cách sử dụng công nghệ tiên tiến và sáng tạo cho thế giới thực.

Hơn nữa, Juncker (2007) đề xuất rằng NSD trẻ tuổi ngày nay muốn một nền văn hóa tiền hiện đại được định hình lại: Văn hóa truyền khẩu, văn hóa biểu đạt và các khái niệm đi kèm về khai sáng và tiếp thu văn hóa, vốn thống trị trong kỷ nguyên trước khi có sự gia tăng các thư viện công cộng, nhưng đã thất bại trong trận chiến với sự tái xuất hiện của “những người sao chép bản thảo” và văn hóa in ấn. Mang hình thức của nền văn hóa đa phương tiện, những nội hàm của các loại hình văn hóa này giờ đây dường như toàn diện và có ý nghĩa hơn nhiều so với những gì mà những người tiên phong về thư viện công cộng cũ có thể hình dung (tr. 159).

Trên cơ sở các lập luận trước đây của chúng tôi, cái nhìn sâu sắc của Juncker không chỉ phù hợp với nhu cầu của giới trẻ mà còn với xã hội nói chung, bởi vì sau hơn một thế hệ, kỷ nguyên kỹ thuật số đã thay đổi toàn bộ nền văn hóa. Do đó, số hóa cần phải là cốt lõi của các thư viện thế kỷ XXI để trở thành các trung tâm học tập xã hội và phi chính thức thành công.

Phương pháp tiếp cận người sử dụng văn hóa trẻ tuổi

Để có sự hiểu biết tốt hơn liên quan đến việc tham gia của cộng đồng vào các dịch vụ và chương trình thư viện, phần này sẽ thảo luận về khái niệm phát triển NSD và phác thảo một số vấn đề cần xem xét khi lập kế hoạch cho chương trình thư viện.

Đặc biệt khi nói về trẻ em và thanh thiếu niên, khái niệm phát triển NSD mang những ý nghĩa tư tưởng cần được mở ra. Mối quan tâm chính liên quan đến việc trang bị nghệ thuật cho trẻ em vì mục đích giáo dục (Johanson và Glow, 2011; Reason, 2010). Juncker (2006; trích dẫn trong Juncker, 2015: 25) đã giải quyết vấn đề của NSD văn hóa trẻ tuổi thông qua sự phân chia ý nghĩa cụm từ trẻ em là “hiện tại” và “trở thành” người lớn trong tương lai. Bằng cách coi NSD trẻ tuổi “trở thành” người lớn, Juncker (2015: 25) cho rằng “mục đích của chính sách văn hóa và phổ biến văn hóa là để lại nền văn hóa mang tính biểu tượng thẩm mỹ, vừa để giáo dục và mang đầy đủ hai yếu tố thị hiếu và hành vi”. Reason (2010: 30) liên kết cách tiếp cận này tới chính sách văn hóa với việc phát triển NSD, đề cao "NSD trưởng thành mà họ có thể trở thành, thay vì NSD hiện tại". Vấn đề đã được minh họa rõ ràng bởi Drury (2006: 151), người thay thế, làm nổi bật sự hiện diện của NSD: “Trẻ em không phải là NSD của tương lai. Đúng hơn, họ là những công dân của hiện tại, với những quyền lợi văn hóa quan trọng. Đối với Reason (2010), mặc dù với các mục tiêu khác nhau, cả giáo dục và tiếp thị đều chịu trách nhiệm về phương pháp tiếp cận phát triển NSD văn hóa trẻ: trong khi giáo dục đầu tư vào kiến thức và phát triển các kỹ năng phản biện, thì tiếp thị tìm cách xây dựng khả năng tham gia nghệ thuật lâu dài thông qua tiếp xúc sớm.

Junker (2007, 2015) và Reason (2010) đã đưa ra thảo luận về vấn đề quyền lợi. Kể từ khi Công ước về Quyền trẻ em (Liên Hợp Quốc, 1990) được phê chuẩn, hầu hết mọi quốc gia đều thừa nhận các quyền của trẻ em, trong đó có quyền tự do ngôn luận: “quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin và các ý tưởng thuộc mọi hình thức, bất kể biên giới, bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bản in, dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào khác mà trẻ lựa chọn” (Liên Hợp Quốc, 1990, Điều 13: đoạn 1). Do đó, các tổ chức văn hóa, chẳng hạn như thư viện công cộng, nên giải quyết những gì Juncker (2015: 27) gọi là "cộng đồng văn hóa của trẻ em", giao tiếp thông qua hành động và phát triển các chương trình "truyền cảm hứng và làm phong phú các hoạt động vui chơi của trẻ em, đời sống văn hóa và tình cảm của chúng”.

Do đó, với những gì đã trình bày trong phần trước, thư viện với tư cách là một trung tâm học tập xã hội và phi chính thức quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của trẻ em và thanh niên hiện tại và những gì họ mang theo trong cuộc sống của họ ở nhà, ở trường và trong cộng đồng. Dewey (1929) cũng tin vào điều này khi ông định nghĩa giáo dục là “một quá trình sống chứ không phải là một sự chuẩn bị cho cuộc sống trong tương lai” (tr. 76). Ông tiếp tục cho rằng “trường học phải đại diện cho cuộc sống hiện tại - cuộc sống thực sự và quan trọng đối với đứa trẻ cũng như cuộc sống mà nó tiếp tục trong nhà, trong khu phố, hoặc trên sân chơi” (tr. 77). Trường học của Dewey có thể là thư viện, bảo tàng hoặc bất kỳ trung tâm học tập nào khác dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, nơi học tập là một từ ngữ khác thể hiện sự trải nghiệm.

Các chiến lược được đề xuất để thu hút và giữ chân NSD

Nghiên cứu này quan tâm đến hai loại đối tượng: đối tượng trực tiếp, bao gồm trẻ em, thiếu niên và thanh niên; và đối tượng gián tiếp được hình thành bởi những người lớn có liên quan đến nhóm này, chẳng hạn như cha mẹ, người chăm sóc, nhà giáo dục, nhà văn, nghệ sĩ và nhà nghiên cứu.

Một chương trình muốn phát triển được đòi hỏi phải có một tầm nhìn rõ ràng, điều mà chỉ có thể tồn tại khi NSD thực sự được hiểu rõ. Vì đây không phải là một nghiên cứu thực nghiệm, nên đối tượng của LACYL sẽ không đặc trưng. Tuy nhiên, tôi sẽ xem xét cách mà các thư viện khác đã xác định đối tượng của họ.

Đầu tiên là Thư viện Thanh thiếu niên Quốc tế ở Munich, Đức, được coi là thư viện lớn nhất dành cho văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên quốc tế trên thế giới. Dựa trên tầm nhìn của Jella Lepman, thư viện có 2 tôn chỉ hoạt động, một cho người lớn và một cho trẻ em: “thu thập, lập danh mục và tạo điều kiện giao tiếp về văn học dành cho trẻ em và thanh thiếu niên” và “thúc đẩy các chương trình văn hóa dành cho thanh thiếu niên và hiểu biết liên văn hóa”. Nhờ bộ sưu tập phong phú với 560.000 cuốn sách dành cho trẻ em và thanh thiếu niên bằng 130 ngôn ngữ, 40.000 tài liệu tư liệu và 130 tạp chí, hàng năm, Thư viện mời 15 nhà nghiên cứu để nghiên cứu bộ sưu tập trong vài tháng, cũng như cung cấp cho NSD quyền truy cập vào các viện bảo tàng, triển lãm hiện tại và thư viện cho trẻ em. Có 25.000 cuốn sách và các phương tiện khác bằng 15 ngôn ngữ có sẵn cho trẻ em đọc tại chỗ và mang về nhà.

Tiếp theo là Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên của Thư viện Tiểu bang Victoria, Úc, sau 22 năm thúc đẩy việc đọc sách, ngày nay đã có một tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng, dẫn đến lượng NSD thân thiết ngày càng tăng: “Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên kết nối những người trẻ tuổi của Úc, truyền cảm hứng cho những người trẻ tuổi gắn bó với sách, truyện, văn bản và ý tưởng”. Trung tâm hiểu được nhu cầu thực sự của những người trẻ tuổi là giao tiếp với nhau và xây dựng mạng lưới dựa trên sở thích chung, mà trong trường hợp này là văn học. Trên cơ sở đó, Trung tâm đã xây dựng một chương trình khuyến khích thanh niên tham gia mạnh mẽ. Chương trình bao gồm các hội thảo viết sáng tạo, gặp gỡ với các tác giả và các thử thách đọc. Ngoài ra, họ cũng nhận thấy các nền tảng kỹ thuật số có thể thu hút đối tượng này rất hiệu quả.

Thư viện Thanh thiếu niên Quốc tế và Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên là những ví dụ về các tổ chức thành công trong đó tầm nhìn và mục tiêu liên quan chặt chẽ đến đối tượng mà họ làm việc cùng. Dưới đây, tôi sẽ đề cập đến một số chiến lược để thu hút và giữ chân NSD, giải quyết các vấn đề liên quan đến chương trình, truyền thông, quan hệ đối tác và quảng bá thư viện.

Chương trình

Các tài liệu tham khảo ý kiến đều thống nhất rằng cần có một chương trình mạnh mẽ để thu hút NSD, nhưng điều gì tạo nên một chương trình mạnh mẽ phụ thuộc vào mục tiêu của tổ chức. Về vấn đề này, Chow (2013) đã tìm thấy những thiếu sót trong chương trình dành cho trẻ em và gia đình của Bảo tàng Anh. Mặc dù trẻ em là một trong những nhóm NSD mục tiêu của Bảo tàng, thay vì cần lập kế hoạch chặt chẽ, họ lại thiếu các đánh giá nhất quán dẫn đến một chương trình chỉ dựa trên thử nghiệm và dẫn đến sai lầm,. Đồng thời, người chịu trách nhiệm nói rằng Bảo tàng “muốn đảm bảo luôn có một cái gì đó cho gia đình để làm trong năm”. Một phần của đánh giá lại mà nghiên cứu đề xuất là điều chỉnh các quy định dành cho gia đình đối với nhóm tuổi thực tế của du khách: 2/3 trẻ em đến thăm Bảo tàng thuộc nhóm 5-11 tuổi và hầu hết các hoạt động được cung cấp đều hướng đến 7 –11 tuổi.

Tại thời điểm này, tôi cần phân biệt các điều khoản chương trình được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên. Cha mẹ có rất nhiều điều để nói về các hoạt động thư viện của trẻ sơ sinh, bởi vì họ là những người tham gia cùng với con cái của họ. Quan điểm của Brock và Rankin (2008; trích dẫn trong Rankin và Brock, 2009: 114–115) về cách tiếp cận cha mẹ và trẻ sơ sinh liên quan đến các hành động sau:

- Làm mẫu và khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ngay từ khi còn nhỏ;

- Cung cấp một không gian xã hội thân thiện cho các gia đình;

- Cho thấy rằng cha mẹ được coi trọng và họ quan trọng với tư cách là nhà giáo dục đầu tiên của con họ;

- Cung cấp nhiều loại tài liệu có thể cho mượn, bao gồm sách đa giác quan, sách xúc giác, sách truyện và thông tin, video, DVD và bìa truyện;

- Tổ chức các cuộc trưng bày sách thú vị để khuyến khích phụ huynh và trẻ em lựa chọn nhiều loại sách khác nhau;

- Cung cấp các hoạt động như tô màu và vẽ, hoạt động kể chuyện, ca hát, múa rối, đồ thủ công;

- Thỉnh thoảng tổ chức các hoạt động kể chuyện phù hợp với cha mẹ và người chăm sóc, kể cả cha;

- Tổ chức các hoạt động kể chuyện song ngữ và cung cấp sách song ngữ.

Trong số các hoạt động thúc đẩy việc đọc sách cho trẻ sơ sinh, Rankin và Brock (2009) khuyến khích sử dụng giỏ kho báu, sách tranh và con rối, tham gia vào các giờ học vần, các buổi âm nhạc, các buổi kể chuyện - bao gồm các câu chuyện bằng các ngôn ngữ khác nhau - cũng như mời các gia đình chia sẻ những câu chuyện.

Có những trải nghiệm thành công với trẻ em từ 4 đến 11 tuổi trong các chương trình opera (Cuenca, 2017) và từ 2 đến 12 tuổi trong các chương trình sân khấu (Johanson và Glow, 2011), về cơ bản hoạt động với chuyển thể các tác phẩm cổ điển và với các tác phẩm được sáng tác và viết riêng cho trẻ em. Các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển thể các tác phẩm cổ điển theo chủ đề và giọng nói hiện tại để tạo điều kiện xác định. Cuenca (2017) nêu bật các chương trình opera dành cho trẻ em Tây Ban Nha ABAO Txiki ở Bilbao và Petit Liceu ở Barcelona. Liên quan đến rạp hát dành cho trẻ em, công ty Gruppe 38 của Đan Mạch là một ví dụ trong lĩnh vực đại diện cho các tác phẩm sân khấu thuộc thể loại truyện cổ tích (Johanson và Glow, 2011). Mặc dù những hoạt động này khác với những hoạt động mà một thư viện có khả năng cung cấp, tuy nhiên có thể rút ra hai kết luận từ nhóm tuổi này. Thứ nhất, vì trẻ em từ 2 đến 12 tuổi tham gia các hoạt động văn hóa do gia đình hoặc các nhà giáo dục đồng hành, chương trình được cung cấp phải phù hợp với nhiều đối tượng. Thứ hai, các hoạt động được gợi ý cho đối tượng này là biểu diễn sân khấu và âm nhạc, triển lãm, các buổi kể chuyện, và các hoạt động khác trong đó trẻ em được tạo cơ hội để tương tác với nhau và với người lớn.

Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên của Thư viện Tiểu bang Victoria (2014) cung cấp một ví dụ điển hình về chương trình thanh thiếu niên tham gia. Trung tâm tương tác với những người trẻ tuổi thông qua một nền tảng kỹ thuật số có tên Inside a Dog. Nó được xác định là “trang web đánh giá sách ngang hàng của Úc dành cho giới trẻ” (tr. 16) và bao gồm các bài đánh giá sách do người dùng tạo với các chủ đề bình luận và thảo luận như một ngân hàng nguồn cảm hứng về các đầu sách dành cho giới trẻ và các bản phát hành mới, các tin tức biên tập và nội dung, các câu lạc bộ sách, hồ sơ tác giả, cuộc thi. Trong mục đầu tiên, “Thanh thiếu niên trên khắp nước Úc viết các chuyên mục hàng tuần về việc đọc và sách, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ và tương tác với những người bình luận” (tr. 16). Mục tiếp theo đề cập đến, “Giải thưởng Inky hàng năm là giải thưởng sách dành cho thanh thiếu niên của Úc, với một danh sách chọn lọc chất lượng cao do Hội đồng thanh thiếu niên lựa chọn và người chiến thắng được quyết định bởi một cuộc bỏ phiếu công khai dành cho thanh thiếu niên trên khắp nước Úc” (tr. 16). Về cơ bản, các chương trình kỹ thuật số này cho phép tương thích, cập nhật nhanh chóng nội dung, cùng sự tham gia rộng rãi, miễn phí và thúc đẩy sự tương tác giữa thanh thiếu niên: “chúng tôi sẽ chuyển từ các mô hình bảng và lối trình bày truyền thống sang các mô hình cung cấp dịch vụ hướng tới sự tương tác ngày càng nhiều hơn” (tr. 11).

Những chiến lược tương tác ở mức độ cao này đặt ra những câu hỏi mới: vai trò của thư viện đối với các nội dung dành cho thanh thiếu niên là gì? Những người trẻ tuổi có được quyền tự do quản lý nội dung của họ, ngay cả khi những nội dung đó xuất phát từ văn hóa đại chúng? Hay vai trò của thư viện là làm trung gian để hướng tới văn hóa cao cấp? Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên của Thư viện Tiểu bang Victoria (2014) nghiêng về vấn đề này khi tuyên bố rằng “chương trình của nó sẽ phản ánh sự cân bằng giữa thị hiếu phê bình và thương mại” (tr. 11). Mặt khác, Juncker và Balling (2016) ủng hộ quan điểm đưa ra tiếng nói và cách diễn đạt theo sở thích và thị hiếu, cái mà họ gọi là ‘nền dân chủ văn hóa biểu đạt’ (tr. 232), bỏ xa quan điểm văn hóa cao cấp. Các tác giả đề xuất một mối quan hệ phức tạp và năng động hơn, cộng hưởng với nhiệm vụ nâng cao quyền lợi về văn hóa của trẻ em và thanh thiếu niên, đã được đề cập trước đây.

Do đó, một nền dân chủ văn hóa biểu đạt là sự mở rộng tinh thần của nền dân chủ văn hóa, cho phép mọi người tạo ra ý nghĩa trong các hoạt động văn hóa liên quan đến cuộc sống của chính họ và các hoạt động sáng tạo của họ bên trong cái gọi là các tổ chức văn hóa cao cấp. Theo đó, các tổ chức văn hóa và các bộ sưu tập của chúng nên được tổ chức theo một nền tảng dân chủ để trao đổi và đàm phán, như những đấu trường mà cả di sản và tiếng nói có thể tương tác (Juncker và Balling, 2016: 241).

Trao đổi

Có thể nói rằng các kênh và công cụ truyền thông liên tục thay đổi theo hướng sử dụng hiệu quả hơn, nhanh chóng và có tác động hơn, và các tổ chức văn hóa đã tận dụng lợi thế của chúng để tiếp cận NSD mới. Đây là lý do tại sao cần phải đa dạng hóa các kênh truyền thông, sử dụng các công cụ trực tuyến và ngoại tuyến, sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, nơi những người tham gia thư viện sẽ thúc đẩy quá trình phổ biến.

Quan hệ đối tác

Thiết lập các hành động hợp tác với các tổ chức khác được coi là một chiến lược thành công để tiếp cận NSD mới (Lo và cộng sự, 2014; Maddigan và Bloos, 2014; Moorhead, 2005; Rankin và Brock, 2009; Thư viện Tiểu bang của Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên Victoria, 2014). Trong bối cảnh số người tham dự thấp và ngân sách eo hẹp mà nhiều tổ chức văn hóa phi lợi nhuận, như bảo tàng và thư viện phải đối mặt, cần khuyến khích sự hợp tác để phát huy khả năng chia sẻ nguồn lực, vận dụng chính sách và hỗ trợ chuyên môn. Đồng quan điểm, Abram (2011; trích dẫn trong Maddigan và Bloos, 2013: 3) nhận định rằng khi các thư viện đối mặt với những thách thức về kinh tế thì sự sáng tạo và đổi mới sẽ tăng lên: “Chúng ta có thể xây dựng quan hệ đối tác mới, tìm ra những cách thức mới, cải tiến để triển khai công việc hiệu quả hơn về mặt chi phí và tạo ảnh hưởng lớn”.

Moorhead (2005) đã trình bày kinh nghiệm thành công của Thư viện Phụ nữ (TWL) tại Đại học London Metropolitan, Vương quốc Anh, trong việc thu hút cộng đồng địa phương và thanh niên. Kể từ khi địa điểm mới của TWL mở cửa vào năm 2002, số lượng NSD đã tăng 700%, nhưng như một nghiên cứu đã chỉ ra vào năm 2003, các cộng đồng thiểu số đa dạng trên địa bàn và nhóm thanh niên từ 24 tuổi trở xuống đã không còn đến thăm bảo tàng. Trong số các chiến lược được thực hiện, TWL đã thiết lập sự hợp tác với tổ chức nghệ thuật Magic Me và với các sinh viên cử nhân khoa Mỹ thuật của Đại học London Metropolitan, nơi đã phát triển các dự án sáng tạo sẽ triển khai cùng với triển lãm chính của thư viện. Những quan hệ đối tác này đã dẫn đến một chiến dịch quảng bá thành công: 37% NSD dưới 24 tuổi và 31% NSD là các gia đình địa phương. Các mối quan hệ hợp tác vẫn được duy trì sau triển lãm do sự tích cực của tất cả các bên tham gia.

Rankin và Brock (2009) trong bài viết của mình đã nêu bật chương trình hợp tác “Khởi đầu tốt đẹp hơn” của Tây Úc và Thư viện Family Place của Hoa Kỳ, tập trung vào việc cung cấp và quảng bá đọc sách cho những năm đầu của thư viện. Cùng với Bookstart ở Vương quốc Anh, các chương trình này đã chứng minh được tác động đáng ghi nhận đối với cộng đồng. Điều này cho thấy rằng quan hệ đối tác có thể dưới nhiều hình thức khác nhau và phục vụ các mục tiêu khác nhau.

Đề xuất

Như Moorhead (2005) đã đề cập, quan hệ đối tác đã hỗ trợ TWL trong việc phát triển chiến dịch quảng bá mạnh mẽ để tiếp cận các đối tượng NSD mới. Chiến dịch này bao gồm các hội thảo sáng tạo hàng tuần với các học sinh nữ trung học trường Bengali và các nữ sinh khác trong cộng đồng; một cuộc triển lãm về hình ảnh cơ thể trong quán cà phê của thư viện; một hội nghị chuyên đề dựa trên nghiên cứu; một ngày học về cách diễn thuyết, trình bày; một mùa phim miễn phí; các buổi sinh hoạt hè cho gia đình và trẻ em; và danh mục tài liệu đọc do nhân viên thư viện nghiên cứu. Chiến dịch được dẫn dắt bởi một hoạt động trực quan mạnh mẽ và chương trình đã được gửi đến các địa chỉ liên hệ trong cơ sở dữ liệu, được hiển thị tại các địa điểm nổi tiếng trên khắp London, áp phích được gửi đến các trường học và thư viện, và thông qua web tiếp thị đến giới trẻ. Qua kênh tiếp thị này, mọi người đã được hướng dẫn đến trang web TWL và được khuyến khích đăng ký nhận bản tin email hàng tháng. Ngoài ra, báo chí, đài phát thanh và truyền hình địa phương và quốc gia cũng đã đưa tin về triển lãm.

Một chiến lược quảng bá độc đáo hơn đã được mô tả bởi Hội đồng Nghệ thuật Anh, trong đó, sử dụng các từ viết tắt nhắn tin được giới trẻ sử dụng, 55 tin nhắn SMS khác nhau đã được gửi đến cơ sở dữ liệu các số điện thoại di động thuộc độ tuổi 18-24 từ khu vực Plymouth để quảng bá 31 sự kiện. Kết quả đã có 824 người đã đăng ký tham gia sự kiện, vượt qua mục tiêu ban đầu là 300 người.

Chương trình Nghị sự Châu Âu về Văn hóa (Liên minh Châu Âu, 2014) đã báo cáo về chương trình đại sứ do Thư viện Chester Beatty ở Dublin, Ireland phát triển, “nơi có một bộ sưu tập các tác phẩm từ Châu Á, Trung Đông, Bắc Phi và Châu Âu” (tr. 55). Chương trình bao gồm việc thu hút đại diện của các cộng đồng khác nhau, những người đã có chuyên môn vững vàng và sau đó tổ chức các chuyến tham quan có hướng dẫn viên đến các cuộc triển lãm bằng ngôn ngữ của họ. Đây là nguyên tắc tương tự được sử dụng tại Phòng trưng bày Ảnh Brera ở Milan, Ý, nơi những người có vai trò trung gian với nguồn gốc nhập cư “phát triển những câu chuyện mới, được chia sẻ xung quanh các bộ sưu tập bảo tàng” (tr. 54). Cách tiếp cận này giúp “xây dựng cầu nối giữa cộng đồng và tổ chức” (tr. 53).

Những chiến lược này dẫn đến việc đề xuất một số ý tưởng xung quanh việc hòa nhập xã hội. Rankin và Brock (2009) mô tả 3 chương trình dành cho các đối tượng “khó tiếp cận” vì bị xã hội loại trừ: các gia đình du cư, ông bố vị thành viên và người tị nạn. Các tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong việc tiếp cận với các nhóm này và phát triển một chương trình thích hợp cho mỗi nhóm. Liên quan tới những gì đã đề cập về giá trị dân chủ của thư viện thế kỷ XXI, khía cạnh này đặc biệt liên quan đến bối cảnh hiện tại của Mỹ Latinh và Chile, nơi thiếu các chính sách thích hợp khiến người nhập cư bị xã hội loại trừ nghiêm trọng. Do đó, người ta mong đợi rằng LACYL sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc tiếp cận với cộng đồng nhập cư.

Sau cùng, sự thiếu hiểu biết đã ngăn cản mọi người đến thăm quan các thư viện và các tổ chức văn hóa khác (Colombia. Red Distrital de Bibliotecas Pu ́blicas BiblioRed, 2016; Cuenca và Cuenca, 2014). Khi những người trẻ tuổi được làm quen với những biểu đạt văn hóa mà họ chưa từng được biết, sẽ làm nhận thức của họ thay đổi tích cực và khiến họ cân nhắc tham gia lại (Cuenca và Cuenca, 2014). Do đó, quảng bá thông tin là điều cần thiết để thu hút NSD mới và sẽ mang lại hiệu quả hơn khi được thực hiện thông qua sự cộng tác. Giữ chân NSD là trách nhiệm của một kế hoạch bài bản, với nhiều người tham gia kết hợp cùng yếu tố năng động của truyền thông.

Đánh giá: Kết thúc và khởi đầu của một quá trình

Việc đánh giá sẽ trả lời các câu hỏi mà bài viết đã đặt ra: Thư viện có thu hút NSD mới không? Thư viện có giữ chân NSD của mình không? Đây là những câu hỏi thường trực phải được giải quyết trong toàn bộ quá trình: ngay từ đầu, khi thư viện thiết lập mục tiêu và kế hoạch của mình; trong suốt quá trình, khi chương trình đang được triển khai; và cuối cùng, khi thư viện đánh giá lại các chiến lược đã chọn. Như Buckingham và Harvey (2001) đã đề nghị trong nghiên cứu của họ về quan điểm của giới trẻ, về sản xuất truyền thông, việc hình thành khái niệm và hiểu biết sâu sắc về NSD chỉ có thể diễn ra trong suốt quá trình, khi kế hoạch và kết quả có quan hệ nhân quả. Điều này đưa chúng ta trở lại đề xuất của Feinberg và Feldman (1996: 103) về quy trình lập kế hoạch theo chu kỳ: Đánh giá sắp xếp hợp lý tất cả các hoạt động của thư viện, hoàn thành quá trình lập kế hoạch cho bất kỳ hoạt động nào, và cung cấp các công cụ để thay đổi và phát triển trong các dịch vụ thư viện công cộng ... Nếu không có sự xác định các mục đích và mục tiêu ngay từ đầu quá trình thì không thể có việc đánh giá có ý nghĩa khi kết thúc.

Mặc dù điều này nghe có vẻ không phù hợp đối với bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào, nhưng nó có liên quan để tạo ra hiệu ứng thành công trong cộng đồng. Do đó, hình thức đánh giá phải tương thích với các mục tiêu đó. Như Rankin và Brock (2009) đã chỉ ra, việc đo lường tác động của một thư viện trong cộng đồng khó hơn so với việc đối chiếu số liệu thống kê của các chỉ số hoạt động. Đối với vấn đề này, các tác giả nhắc đến khái niệm nguồn vốn xã hội và giải thích bằng cả sự định tính và định lượng để theo dõi việc cung cấp từ thư viện và mức độ mà thư viện tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng.

Pastore (2009: 21) nhấn mạnh thực tế là các bảo tàng và thư viện phải chịu sự thay đổi của thời gian và nhu cầu của cộng đồng: Nếu các bảo tàng và thư viện bắt đầu tích hợp nhiều hơn với nhau và cộng tác nhiều hơn với các tổ chức khác trong lĩnh vực công và tư, họ cũng có thể bắt đầu xác định vai trò của mình theo những cách mới. Điều này đòi hỏi phải xác định lại các tác động và kết quả hoạt động của chúng. Điều cần thiết là khi các bảo tàng và thư viện đánh giá lại các dịch vụ của họ, cộng đồng của họ và cách thức sử dụng chúng đang thay đổi trong thế kỷ XXI; họ cũng phải xem xét làm thế nào có thể đánh giá sự tiến bộ của họ trong việc giải quyết những thay đổi này và thể hiện giá trị của họ đối với xã hội.

Kết luận

Các nội dung đề cập được đánh giá rất hữu ích để giải quyết mục tiêu của nghiên cứu này. Phần đầu của bài viết này tìm hiểu các định nghĩa của thư viện thế kỷ XXI, nơi các khái niệm về công bằng xã hội, sự tương tác của cộng đồng và kết nối xã hội xuất hiện như những khả năng để thư viện phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, khi ngày càng có nhiều người tham gia văn hóa yêu cầu các tổ chức lắng nghe tiếng nói của họ, thì thư viện dựa vào cộng đồng càng trở nên quan trọng hơn. Loại hình thư viện này bao gồm hình thức học tập xã hội và không chính thức. Học tập xã hội, liên quan đến thuyết kiến tạo xã hội, là trong đó mọi người học với nhau và là nơi ngôn ngữ đóng một vai trò thiết yếu trong việc huy động tri thức. Thay vì một không gian duy nhất, McKenzie và cộng sự (2007; trích dẫn trong Maddigan và Bloos, 2013) coi thư viện như một trang mạng hỗ trợ nhiều mối quan hệ; do đó lập bản đồ cộng đồng là một trong những hành động quan trọng nhất cần được thực hiện. Ngoài ra, trong bối cảnh xã hội học tập, không thể loại trừ tính tương tác và đa phương thức khỏi cuộc thảo luận về lập kế hoạch thư viện do khả năng phát triển đa ngôn ngữ, các kiến thức, kỹ năng và thực hành mà nhóm New London (1996) đã xác định để nhận thức được việc học tập trong thế kỉ XXI. Số hóa đã mở ra các cơ hội cho việc học không chính thức và thú vị nhất, như Juncker (2007) đề xuất, đã đưa các thư viện theo hướng tái định hình văn hóa truyền khẩu tiền hiện đại.

Tiếp theo, bài viết nghiên cứu sự đối xử mà NSD trẻ tuổi đã nhận được trong các chính sách văn hóa. Về vấn đề này, các tài liệu khuyến nghị cần xem xét trẻ em như đang ở hiện tại thay vì trở thành người lớn trong tương lai, tương tự cách tiếp cận phát triển NSD đã và đang làm. Để thừa nhận sự hiện hữu của tuổi thơ và thanh thiếu niên, thư viện phải nội bộ hóa các quyền văn hóa, cho phép NSD trẻ tuổi “sở hữu các loại hình văn hóa được cung cấp theo cách riêng và theo yêu cầu của họ' (Reason, 2010: 30).

Bài viết tiếp tục với phần phác thảo các khuyến nghị cụ thể từ tài liệu để thu hút và giữ chân NSD trẻ trong các lĩnh vực lập trình, truyền thông, quan hệ đối tác và quảng bá thư viện. Xem xét mục đích của đánh giá này, chúng tôi thấy rằng quảng bá là điều cần thiết để thu hút NSD mới, sẽ hiệu quả hơn khi được thực hiện thông qua quan hệ đối tác. Giữ chân NSD đó là trách nhiệm của một kế hoạch bài bản, với nhiều người tham gia kết hợp cùng yếu tố năng động của truyền thông. Phần cuối cùng được dành riêng cho quá trình đánh giá, trong đó tài liệu khuyến nghị đánh giá tác động của các dịch vụ thư viện trong cộng đồng, vấn đề cơ bản để hợp lý hóa mọi hoạt động của thư viện và phản ánh sự thành công hay thất bại của các chương trình triển khai.

Các khía cạnh liên quan đến khả năng tiếp cận và không gian vật lý của thư viện phải được để sang một bên; tuy nhiên, có hai ý tưởng đáng được đề cập ở thời điểm này. Thứ nhất, phần lớn các nội dung ý kiến liên quan đến việc các thư viện ủng hộ công chúng truy cập miễn phí dịch vụ của họ. Dựa trên các định nghĩa được nêu về thư viện thế kỷ XXI, LACYL phải đảm nhận vai trò thể hiện một nền dân chủ văn hóa biểu đạt. Đảm bảo quyền tiếp cận cho mọi người dân và công dân tương lai, kể cả trẻ em và thanh thiếu niên là nhiệm vụ đầu tiên trong vai trò quan trọng này. Bước tiếp theo là thúc đẩy các quyền văn hóa thông qua một chương trình có sự tham gia của những người trẻ tuổi đến sống và trải nghiệm văn hóa, đọc sách và tương tác xã hội. Thứ hai, không gian vật lý của thư viện nên thể hiện cho tiếng nói của những người đang được mời tham gia, cũng như di sản mà thư viện quảng bá và cung cấp cho trẻ em và thanh thiếu niên. Là một thư viện Mỹ Latinh, LACYL nên gắn các ngôn ngữ và sự khác biệt văn hóa của khu vực vào không gian thực của nó.

Đăng cai LACYL có nghĩa là Chile tạo tiền đề cho việc hội nhập và phổ biến văn hóa Mỹ Latinh, và việc hòa nhập các cộng đồng nhập cư chỉ là một cách khác để làm như vậy. Bằng cách cung cấp cho trẻ em và thanh niên nước ngoài quyền truy cập vào sách và các phương tiện truyền thông đại diện cho văn hóa và ngôn ngữ của họ, LACYL sẽ tạo ra một con đường hướng tới bản sắc văn hóa.

Cũng như Thư viện Thanh thiếu niên Quốc tế và Trung tâm Văn học Thanh thiếu niên nhắm đến cả đối tượng NSD trẻ tuổi và người lớn, LACYL có cơ hội phát triển một trung tâm văn hóa và học tập cho trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời là trung tâm tìm kiếm tài năng và chuyên nghiệp cho khu vực. Được thành lập bởi người Mỹ Latinh theo nhu cầu văn hóa của khu vực, thư viện nên phát triển như một tổ chức nguyên bản và duy nhất, nơi tiếng nói của những người trẻ tuổi sẽ được quan tâm hàng đầu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ thu hút người trẻ tuổi và khiến họ trở thành NSD thường xuyên đến thư viện là một thách thức. Như đã trình bày ở trên, nó đòi hỏi nhiều yếu tố khác không chỉ dừng ở một kế hoạch hay cũng như những kinh nghiệm quốc tế. Thư viện cần tìm hiểu những người trẻ tuổi của cộng đồng, nhìn thấy những gì họ thấy và cùng họ sáng tạo dựa trên quan điểm mới phù hợp với lứa tuổi vị thành niên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO TRÍCH DẪN TRONG BÀI:

  1. Blud L (1990) Social interaction and learning among family groups visiting a museum. Museum Management andCuratorship 9: 43–51.
  2. Chow CH (2013) Managing museum learning: A marketing research of family visit experience at the British Museum. International Journal of Information, Business and Management 5(1): 303–313.
  3. Cordero K, et al. (2014) Read Create Share (RCS): A newdigital tool for interactive reading and writing. Computers & Education 82: 486–496.
  4. Cuenca M (2017) El desarrollo de audiencias jóvenes en el género cultural opera. Reflecciones en torno a la programación. Cuadernos de Gestión 17(1): 125–146.
  5. Dallacqua AK, Kersten S and Rhoades M (2015) Using Shaun Tan’s work to foster multiliteracies in 21st-century classrooms. The Reading Teacher 69(2):207–217.
  6. Dewey J (1929) My Pedagogic Creed. School Journal 54:77–80.
  7. Drury M (2006) Steering the Ark: A cultural centre forchildren. Teaching Artist Journal 4(3): 149–157.
  8. Feinberg S and Feldman S (1996) Serving Families and Children Through Partnerships: A How-To-Do-It Manual. New York: Neal-Schuman.
  9. Fortunati L, Taipale S and de Luca F (2017) Digital generations, but not as we know them. Convergence: The International Journal of Research into New Media Technologies: 1–18. DOI: 10.1177/1354856517692309.
  10. Groenke SL and Youngquist M (2011) Are we postmodern yet? Reading monster with 21st-century ninthgraders. Journal of Adolescent & Adult Literacy 54(7): 505–513.
  11. Jewitt C and Kress G (eds) (2003) MultimodalLiteracy. New York: Peter Lang.
  12. Johanson K and Glow H (2011) Being and becoming: Children as audiences. New Theater Quarterly 27(1):60–70.
  13. Juncker B (2015) Digital youth: A challenge to culturalpolicy and cultural dissemination addressing children and young people in the Nordic countries. Nordisk Tids-skrift for Informationsvidenskab og Kulturformidling 4(2): 21–28.
  14. Juncker B (2007) Using aesthetics as an approach to defining a new children’s cultural foundation within the library and information science curriculum. Journal of Education for Library and Information Science 48(2):154–165.
  15. Juncker B and Balling G (2016) The value of art and culturein everyday life: Towards an expressive cultural democracy. Journal of Arts Management, Law, and Society 46(5): 231–242.
  16. Kolb B (2013) Marketing for Cultural Organisations. New strategies for Attracting and Engaging Audiences. 3rd edn. London: Taylor & Francis.
  17. Lo P, But K and Trio R (2014) Links between libraries and museums: A case study of library-museum collaborationat the Hong Kong Maritime Museum. Italian Journal ofLibrary and Information Sciences 5(1): 103–120.
  18. Maddigan B and Bloos S (2013) Community Library Programs That Work: Building Youth and Family Literacy. Santa Barbara, CA: Libraries Unlimited.
  19. Mekis C (2016) Anteproyecto L.A. Biblioteca Latinoamericana para Nifios y Jóvenes. Chile. Unpublished document.
  20. Moorhead F (2005) Beauty queens at the Women’s Library, London Metropolitan University. A case studyin audience development. New Library World 106(9/10): 441–449.
  21. Pastore E (2009) The Future of Museums and Libraries: A Discussion Guide. Washington, DC: Institute of Museum and Library Services. Available at: https://www.imls.gov/assets/1/AssetManager/DiscussionGuide.pdf (accessed 19 September 2017).
  22. Rankin C and Brock A (2009) Delivering the Best Start: AGuide to Early Years Libraries. London: Facet.
  23. Reason M (2010) The Young Audience: Exploring and Enhancing Children’s Experiences of Youth Theatre. London: UCL Institute of Education Press.
  24. Taipale S (2016) Synchronicity matters: Defining the characteristics of digital generations. Information, Communication & Society 19(1): 80–94.
  25. Vygotsky L (1978) Mind in Society. Cambridge, MA: Harvard University Press.
  26. Vygotsky L (1986) Thought and Language. Cambridge,MA: The MIT Press.
  27. Wang W, Kimberley K and Wang F (2017) Meeting the needs of post-millenials: Lending hot devices enables innovative library. Computers in Libraries 37(3): 4–9.
  28. Wayne Clough G (2013) Best of Both Worlds: Museums,Libraries and Archives in a Digital Age. Washington,DC: Smithsonian Institution. Available at: https://www.si.edu/content/gwc/bestofbothworldssmithsonian.pdf (accessed 19 September 2017).

_________________

Nguồn: Luz Santa María Muxica. Learning strategies for engagementand retention of young audiences. https://www.ifla.org/files/assets/hq/publications/ifla-journal/ifla-journal-44-4_2018.pdf (P. 258-268).

Nguyễn Thị Hoạt lược dịch


Đọc thêm cùng chuyên mục: