Quá trình và kết quả xây dựng một số định mức chủ yếu của ngành TV

E-mail Print

Vừa qua, khi có dịp được tiếp xúc với nhiều bạn đồng nghiệp, chúng tôi thường được hỏi về kết quả công trình nghiên cứu định mức lao động ngành thư viện. Nhận thấy đây là yêu cầu chính đáng và nhằm cung cấp cho bạn đọc những định mức cụ thể đã được nghiên cứu, xác lập, chúng tôi xin công bố những nét chủ yếu trong quá trình nghiên cứu và kết quả xây dựng một số định mức cơ bản ngành thư viện nước ta.

1. Tính cấp thiết của việc xây dựng định mức lao động ngành thư viện.

Căn cứ vào tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TW khoá VIII về việc kiện toàn tổ chức, tinh giảm biên chế ở các cơ quan, đơn vị, đồng thời cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, và đặc biệt là việc ứng dụng những thành tựu mới của công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, việc khoán quỹ lương đã đặt ra yêu cầu mới trong công tác tổ chức lao động khoa học, sử dụng nhân lực hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ xã hội đối với các thư viện trong cả nước.

Khi giải quyết các nhiệm vụ tổ chức lao động khoa học, sắp xếp bộ máy tổ chức, cải tiến phương pháp công tác, nâng cao hiệu quả thời gian làm việc và giảm các chi phí quản lý, thì việc xác định rõ định mức lao động (ĐMLĐ) chiếm một vị trí đặc biệt. Bất kỳ công việc nào trong bộ máy quản lý chỉ có thể được tổ chức đúng, nếu biết rõ được cần bao nhiêu thời gian và bao nhiêu nhân lực để làm việc đó.

Hiện nay, ở một số nước trên thế giới đã xây dựng ĐMLĐ trong ngành thư viện và đã đem lại hiệu quả cao trong việc tổ chức lao động khoa học, nâng cao nghiệp vụ, tiết kiệm thời gian và tiền của.

Ở Việt Nam, cho tới trước năm 2004 vẫn chưa có những ĐMLĐ chính thức cho ngành thư viện, hoặc được nghiên cứu, xác lập trên cơ sở khoa học cao, mặc dù hầu hết các thư viện đều có nhu cầu về ĐMLĐ để áp dụng. Vì vậy, Thư viện Quốc gia Việt Nam với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các vụ chức năng thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin, cùng phối hợp với một số thư viện khác trong nước tiến hành tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học ứng dụng cấp BộNghiên cứu xây dựng một số định mức chủ yếu của ngành thư viện”. Nhóm nghiên cứu gồm: TS. Lê Văn Viết: chủ nhiệm đề tài; TH.S. Đặng Văn Ức: thư ký đề tài; Ông Phạm Thế Khang: thành viên; PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Thanh: thành viên; Bà Phạm Thị Khánh Ngân: thành viên. Đề tài được tiến hành trong 2 năm - 2003 - 2004.

2.  Mục tiêu của đề tài

- Xây dựng Bộ ĐMLĐ ở một số khâu công tác trong hoạt động thư viện, nhằm tạo sự thống nhất chung trong việc tổ chức, quản lý lao động với đặc thù của ngành, hướng vào các vấn đề: Định mức thời gian; Định mức số lượng; Định mức phục vụ.

- Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Bộ chủ quản, các cơ quan, đơn vị quản lý nghiệp vụ (Vụ Thư viện, Thư viện Quốc gia, các thư viện tỉnh, thành phố và một số thư viện chuyên ngành khác…) trong việc nghiên cứu xây dựng, áp dụng và thường xuyên hoàn thiện các ĐMLĐ của ngành, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

- Đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, Bộ Văn hoá - Thông tin và các bộ, ngành liên quan về các chế độ, chính sách đối với lao động đặc thù trong hoạt động thư viện.

3. Phương pháp nghiên cứu của đề tài

Ngoài các phương pháp nghiên cứu chung như thống kê, phân tích - tổng hợp tài liệu, điều tra bằng các hình thức gửi bản Ankét (phiếu hỏi), tham vấn ý kiến chuyên gia, khảo sát trực tiếp tại các thư viện, nhóm Nghiên cứu còn áp dụng các phương pháp nghiên cứu riêng: phương pháp định mức tổng hợp, phương pháp chụp ảnh ngày làm việc,  tự chụp ảnh làm việc, phương pháp đo thời gian ngày làm việc (chỉ thực hiện cho một số thao tác nhất định trong khoảng thời gian nhất định).

4. Quá trình thực hiện đề tài

 Nhóm Nghiên cứu đã thực hiện đề tài theo các giai đoạn sau:

- Đã tìm và dịch được một số tài liệu nước ngoài ra tiếng Việt. Tất cả đã dịch được 5 tài liệu, trong đó có 3 tài liệu của Nga và 2 tài liệu của Hoa Kỳ.

- Trên cơ sở tài liệu thu thập được đã biên soạn tài liệu Hướng dẫn định mức lao động thư viện. Tài liệu này gồm các phần: mục đích, ý nghĩa của việc định mức lao động, các loại định mức, các phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu nhận được và cách tổ chức việc định mức ở thư viện khi tham gia vào đề tài cùng với các biểu mẫu cần thiết để tiến hành đo thời gian làm việc của nhân viên thư viện.

- Biên soạn các nhóm công việc với các quá trình, thao tác cần thiết cần phải định mức: Về cơ bản, chúng tôi dựa trên mẫu của các thư viện Liên Xô đã tiến hành định mức vào năm 1982, nhưng đã lựa chọn những khâu cơ bản với những thao tác cần thiết nhất, đồng thời đưa vào các công việc mới xuất hiện liên quan đến tin học hóa thư viện. Mặc dù được chọn lựa khá công phu nhưng sau này, trong tiến trình thực hiện đề tài vẫn còn có một số thao tác chưa thật phù hợp. Bảng các công việc, các quy trình, thao tác đó đồng thời trở thành mẫu biểu điều tra gửi cho các thư viện trong cả nước.

- Chọn lựa các thư viện tham gia vào đề tài: Nhóm Nghiên cứu đã chọn 6 thư viện để tiến hành nghiên cứu trực tiếp, căn cứ vào tầm cỡ thư viện, khu vực, mức độ tin học hóa thư viện... Các thư viện được chọn gồm một số thư viện công cộng (Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh Cần Thơ, Bình Định, Yên Bái); Thư viện các trường đại học (Thư viện Trường ĐH Văn hoá Hà Nội) và thư viện chuyên ngành (Thư viện TW Quân đội). Ở mỗi thư viện, Ban định mức của thư viện đó chọn ra một số viên chức nghiệp vụ thuộc các trình độ, lĩnh vực công tác, thâm niên khác nhau để tiến hành thực hiện các công việc thuộc phạm vi nghiên cứu xây dựng định mức.

- Gửi các bản điều tra và tiếp nhận kết quả phản hồi từ các thư viện công cộng, thư viện đa ngành và chuyên ngành lớn trong cả nước: Tổng cộng, nhóm Nghiên cứu đã gửi hơn 100 phiếu điều tra tới các thư viện trên nhưng sau 2 tháng số thư viện gửi bản trả lời lại rất ít. Sau đó, nhóm Nghiên cứu đã gửi lại một lần nữa. Cuối cùng chỉ có 40 thư viện tỉnh, thành và 1 thư viện đa ngành (Trung tâm Thông tin KH&CN Quốc gia) gửi bản điều tra đã trả lời về cho nhóm Nghiên cứu.

- Tổ chức phổ biến phương pháp luận tiến hành định mức lao động thư viện cho những thư viện tham gia đề tài.

- Phân công các thành viên trong nhóm theo dõi và thậm chí đến tận các thư viện để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đề tài. Nhìn chung, đây là công việc tốn nhiều thời gian, công sức vì không phải mọi thư viện đều tiến hành định mức cùng một lúc. Có những thư viện tiến hành định mức theo từng công việc vào các thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, ở mỗi thư viện việc tổ chức thực hiện đề tài hết sức nghiêm túc: thành lập Ban định mức với Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Thư viện làm trưởng ban cùng đại diện của các phòng, bộ phận liên quan làm thành viên. Ban này tiến hành đo thời gian của nhân viên thư viện thật sự khách quan, cẩn thận, từ 5 - 7 lần cho mỗi thao tác. Cá biệt có thư viện đo lại lần thứ 2. Các thư viện tham gia đều có báo cáo chi tiết cùng các kết quả đo gửi về cho nhóm Nghiên cứu Thư viện Quốc gia Việt Nam.

- Xử lý bản điều tra: Mặc dù nhận được 41 phiếu điều tra đã được điền đầy đủ dữ liệu từ các thư viện nhưng nhóm Nghiên cứu chỉ đưa vào xử lý 36 bản vì 5 bản còn lại đã đưa ra những con số quá lớn, chưa sát lắm với thực tế. Nhóm Nghiên cứu đã lấy phương pháp tính bình quân để xây dựng các định mức (được xếp ở cột Định mức chung trong phần Phụ lục).

- Phân tích dữ liệu của các thư viện tham gia đề tài: Cũng bằng phương pháp tính bình quân, nhóm Nghiên cứu đã đưa kết quả của 5 thư viện vào để tính toán xây dựng định mức. Sở dĩ có 5 thư viện vì Thư viện tỉnh Bình Định đã áp dụng phương pháp định mức tổng hợp cho một số công việc chủ chốt của thư viện. Vì thế, Nhóm Nghiên cứu cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu để riêng định mức của Thư viện Bình Định như là cơ sở để so sánh với các định mức chung sẽ tạo được sau này. Bởi vì nếu xét về mặt phương pháp luận thì các định mức của Thư viện Bình Định được xây dựng khá chặt chẽ và khá cao. Kết quả của việc phát triển các dữ liệu này là định mức được ghi ở cột Định mức 5 thư viện.

- Từ các định mức của 5 thư viện tham gia vào đề tài cộng với các định mức thu được trong điều tra bằng bảng, nhóm Nghiên cứu đã tạo ra một bộ định mức gọi là Bộ định mức chung cho toàn ngành thư viện Việt Nam. Các định mức này là sự kết hợp giữa những định mức được đo đạc khá khoa học, nghiêm túc với các định mức kinh nghiệm của các thư viện còn lại và có so với định mức của Thư viện Bình Định. Kết quả là tạo ra một bộ định mức trung bình cho các thư viện nước ta trong điều kiện hiện nay.

- Từ định mức đó, nhóm Nghiên cứu đưa ra một số giả thiết để tính toán chi phí thời gian cho một số công việc thư viện. Chẳng hạn, nhóm Nghiên cứu tính toán số ngày công cần thiết cho việc bổ sung và xử lý hình thức và nội dung của 1.400 tên (cũng đồng thời là 1.400 bản) sách, trong đó có 500 tên tài liệu cần tóm tắt. Hoặc chúng tôi tính toán định mức tổng hợp cho từng khâu công việc: một ngày công, một nhân viên thư viện xử lý được bao nhiêu tài liệu có tóm tắt, tài liệu không có tóm tắt, một nửa số tài liệu có tóm tắt, nửa kia không có tóm tắt... Từ kết quả tính toán đó, nhóm Nghiên cứu thấy rằng cần điều chỉnh một số định mức cho phù hợp hơn với thực tế. Nguyên tắc điều chỉnh là lấy định mức của 5 thư viện, nhưng có một số định mức lại lấy con số trung bình của định mức 5 thư viện và định mức chung. Đồng thời, nhóm Nghiên cứu cho rằng cần làm tròn định mức đến đơn vị hàng chục của phút. Vì thế, có một số định mức được nâng lên, một số định mức lại được hạ xuống một chút cho phù hợp với nguyên tắc trên. Kết quả của việc xử lý theo 2 nguyên tắc đó được phản ánh trong bộ định mức có tên là Bộ định mức cuối cùng (trong phần phụ lục cuối bài).

KẾT LUẬN

Sau hai năm nghiên cứu (2003 - 2004), nhờ những cố gắng rất lớn của các thư viện trong cả nước, đặc biệt là các thư viện tham gia nghiên cứu đề tài, một bộ định mức cho các khâu công tác chủ yếu của hoạt động thư viện đã được xây dựng. Có thể đưa ra một số kết luận sau đây về bộ định mức:

1. Bộ định mức đã bao quát được những công việc chủ yếu nhất trong hoạt động thư viện, đồng thời phản ánh đúng hiện trạng tổ chức và hoạt động của thư viện nước ta.

2. Bộ định mức dựa trên nguyên tắc trung bình, một nguyên tắc phổ biến trong việc xây dựng định mức trên thế giới.

3. Đây là Bộ định mức chưa thể gọi là hoàn chỉnh và thật chặt chẽ, vì:

- Các thư viện tham gia vào đề tài nghiên cứu ở những trình độ, tầm cỡ khác nhau. Có thư viện quá lớn như Thư viện Quốc gia Việt Nam với sự phân công, phân nhiệm ở từng khâu công việc hết sức rõ ràng (tuy nhiên, trong một số công việc, các nhân viên nghiệp vụ vừa thực hiện cho yêu cầu của thư viện mình vừa thực hiện cho các thư viện trong hệ thống như: phân loại tài liệu, xây dựng bộ từ khoá, trả lời các thắc mắc về nghiệp vụ cho các thư viện cấp dưới...). Mặt khác, cũng có thư viện khá khiêm tốn cả về tầm cỡ lẫn hoạt động như Thư viện trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

- Việc trang bị kỹ thuật, ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) vào các thư viện có tham gia đề tài rất khác nhau. Có những thư viện ứng dụng CNTT rất mạnh như Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhưng việc ứng dụng này cũng mới chỉ triển khai ở một số khâu công tác và thời gian thực hiện cũng chưa lâu (mua sách trên mạng, xử lý tài liệu theo MARC 21...). Lại cũng có những thư viện ứng dụng CNTT ở mức trung bình hoặc yếu. Chính vì thế, có những khâu công tác đưa vào diện dự kiến xây dựng định mức nhưng rất ít thư viện có thể trả lời. Do đó, các định mức này hoặc không thể xây dựng được hoặc xây dựng chưa thật chính xác.

- Trong quá trình đo thời gian, có trường hợp đã cố ý kéo dài thời gian thực hiện một công việc nào đó, nên có những định mức khá thấp so với các thư viện khác. Đó là biểu hiện của tâm lý sợ định mức cao phải làm việc nhiều.

- Đây là công trình nghiên cứu định mức đầu tiên nên cả những người đo lẫn những người được đo đều chưa có kinh nghiệm do đó việc thu thập, phân tích dữ liệu chắc chắn còn có những lúng túng, sai sót.

4. Bộ định mức này chỉ được coi là Bộ định mức mẫu. Việc áp dụng các định mức đó vào thực tiễn cần phải được tiến hành theo một trình tự thẩm định cụ thể ở từng thư viện để xây dựng định mức riêng cho thư viện đó. Nhưng các định mức của từng thư viện không nên vượt quá các mức trên.

5. Đây là những định mức chỉ áp dụng cho những người làm công tác thư viện có trình độ đại học và đã công tác trong ngành một số năm. Đối với những người có trình độ đào tạo và thâm niên công tác khác nhau cần có mức khác nhau. Chúng tôi đề xuất phương án cụ thể như sau:

- Những người mới tốt nghiệp đại học, trong 3 năm đầu sau thời kỳ tập sự, định mức trên được giảm 5%. Từ năm thứ 4 trở đi thì áp dụng đầy đủ định mức.

- Sau 9 năm công tác (thời hạn Nhà nước quy định để thi chuyển ngạch) hay đã trở thành thư viện viên chính, học viên cao học thì mức trên được cộng thêm 5%.

- Đối với những người có học vị tiến sĩ, nếu cũng thực hiện các công việc đó thì định mức được tăng thêm 10%.

- Nếu là những người mới tốt nghiệp cao đẳng, thì trong 3 năm đầu kể từ khi hết tập sự, định mức trên được giảm 10%. Sau thời gian đó, giảm xuống 5%. Sau 9 năm thì áp dụng định mức đầy đủ như là người có trình độ đại học mới tốt nghiệp.

- Đối với những người mới tốt nghiệp trung cấp trong 3 năm đầu kể từ khi hết tập sự, định mức trên được giảm 15%. Sau thời gian đó thì giảm xuống 10%. Từ năm thứ 9 trở đi giảm thêm 5%, còn lại 5%.

- Đối với những người đang làm công việc này lại được chuyển sang công việc khác cùng trong thư viện thì trong thời gian học việc, định mức giảm 10%, sau 6 tháng kể từ khi hết học việc - giảm còn 5%, sau 1 năm nữa thì thực hiện định mức đầy đủ ở bậc hưởng lương.

Tất cả các đối tượng trên sau 9 năm thì cứ 2 năm lại tăng 1% định mức.

6. Bộ định mức này cần phải được thường xuyên chỉnh lý, bổ sung thêm. Điều đó là do các nguyên nhân sau:

- Do quá trình ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt CNTT vào các thư viện ngày càng tăng cả về bề rộng lẫn bề sâu (đến từng thao tác của nghiệp vụ thư viện) nên số lượng các khâu công việc, tính chất công việc, cường độ lao động để thực hiện các khâu công việc đó cũng biến đổi. Vì vậy, việc xây dựng các định mức mới, chỉnh sửa các định mức cũ, bổ sung các mức mới là rất cần thiết.

- Sau một thời gian áp dụng định mức mới, các thư viện đã xây dựng cho mình bộ định mức tương đổi ổn định, chính xác thì việc chỉnh sửa, bổ sung các định mức đã có sẽ đầy đủ và chính xác hơn.

- Việc quản lý các đơn vị - sự nghiệp của Nhà nước ta sẽ ngày càng khoa học và chặt chẽ hơn nên đòi hỏi có những định mức ngày càng hoàn thiện là điều tất nhiên.

- Sau một thời gian áp dụng, tâm lý của người sử dụng định mức sẽ dần dần thay đổi. Từ thái độ miễn cưỡng, thậm chí còn bực bội lúc ban đầu khi phải áp dụng mức cao hơn so với trước kia, nhiều nhân viên thư viện sẽ có thái độ tự giác chấp hành và nếu có tổ chức lao động khoa học như tổ chức thi đua, khen thưởng thì họ có thể còn tham gia vào việc xây dựng các định mức mới, tiến bộ hơn bằng cách thực hiện sáng tạo các công việc được giao.

Thời gian cho mỗi lần chỉnh sửa, bổ sung các định mức hợp lý nhất là từ 7 - 10 năm.

KIẾN NGHỊ CỦA ĐỀ TÀI

 Từ những kết luận trên, nhóm Nghiên cứu xin đề xuất với các cơ quan có trách nhiệm một số vấn đề như sau:

Đối với Bộ VHTT:

- Thẩm định các định mức đã xây dựng tại một số (10) thư viện trong cả nước thuộc nhiều loại hình và trình độ tổ chức công việc khác nhau để từ đó chỉnh sửa các định mức đã có.

- Xuất bản Bảng ĐMLĐ chính thức và khuyến khích sử dụng rộng rãi trong các hệ thống thư viện khác nhau.

- Xây dựng một số công cụ khác hỗ trợ cho việc áp dụng các tiêu chuẩn, ĐMLĐ như: Tài liệu hướng dẫn áp dụng Bộ ĐMLĐ; Phương pháp luận về xây dựng định mức lao động thư viện.

- Từng bước hoàn tất việc xây dựng và ban hành ĐMLĐ ở một số khâu công tác chính trong ngành thư viện. Đồng thời, có kế hoạch thường xuyên (7-10 năm/lần) chỉnh lý các định mức đã có và bổ sung các định mức mới.

- Giao cho Thư viện Quốc gia Việt Nam chính thức nhiệm vụ nghiên cứu tổ chức lao động khoa học và xây dựng định mức cho ngành thư viện và cho phép thành lập một phòng, hoặc bộ phận chuyên trách công việc này. Phòng này có trách nhiệm nghiên cứu và giải quyết các kiến nghị về những vấn đề mới phát sinh trong quá trình triển khai áp dụng ĐMLĐ của ngành thư viện.

- Tăng cường nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn hoá ĐMLĐ và ý thức áp dụng ĐMLĐ trong đội ngũ công chức ngành thư viện - thông tin thông qua các biện pháp tích cực như: mở lớp đào tạo, tham quan khảo sát, hội nghị, hội thảo v.v..

Đối với các thư viện cụ thể:

- Nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác định mức lao động và áp dụng các mức đã có vào công tác của thư viện mình.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và tiến hành thẩm định, sửa đổi để áp dụng các định mức mẫu trên.

- Tăng cường hoạt động xây dựng tiêu chuẩn ĐMLĐ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của thư viện mình trên cơ sở áp dụng các định mức đã có.

- Tổ chức phong trào thi đua lao động sáng tạo, động viên mọi nhân viên tham gia vào quá trình xây dựng định mức của thư viện mình. Đồng thời, các thư viện có thể và cần phải sử dụng các định mức để đẩy mạnh công tác thi đua, tăng cường kỹ luật, nâng cao năng suất lao động, đánh giá, đề bạt công chức...

Nhân đây, nhóm Nghiên cứu xin chân thành cám ơn lãnh đạo Bộ VHTT, Vụ Tài chính - Kế toán (Bộ VHTT) đã tín nhiệm giao cho nhóm thực hiện đề tài này. Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự biết ơn đến các thư viện đã trả lời rất khách quan và cẩn trọng bảng câu hỏi, những thư viện đã tham gia trực tiếp vào việc đo thời gian, chụp ảnh thời gian tại thư viện của mình như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh Cần Thơ (nay là Thư viện TP. Cần Thơ), Thư viện tỉnh Yên Bái, Thư viện tỉnh Bình Định, Trung tâm Thông tin - Thư viện trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Thư viện Quân đội đã giúp chúng tôi hoàn thành xuất sắc đề tài nghiên cứu của mình. Đặc biệt, chúng tôi muốn được tri ân những cá nhân đã góp nhiều thời gian, công sức vào thành công của đề tài: ThS. Võ Văn Nhiếng (GĐ. Thư viện tỉnh Bình Định), Bà Nguyễn Phi Nhạn (GĐ. Thư viện Tp. Cần Thơ), Bà Võ Thị Thu Hương (trước là PGĐ. Thư viện tỉnh Cần Thơ, nay là Giám đốc Thư viện tỉnh Hậu Giang), ThS. Nguyễn Hồng Dung (PGĐ. Thư viện tỉnh Yên Bái), Đại tá, ThS. Đỗ Gia Nam (GĐ. Thư viện Quân đội), Đại tá, ThS. Ngô Văn Chung, (PGĐ. Thư viện Quân đội; Trung tá Đỗ Văn Lục (Trưởng phòng Phát hành sách quân đội, Thư viện Quân đội); ThS. Nguyễn Bích Ngân (Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện ĐH Văn hóa Hà Nội); Bà Phạm Thị Khánh Ngân (Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức, Thư viện QGVN) và Bà Nguyễn Thị Nội (Cán bộ Phòng Thông tin - Tư liệu, Thư viện QGVN)...

-----------------

PHỤ LỤC

BỘ ĐỊNH MỨC CUỐI CÙNG CHO MỘT SỐ CÔNG VIỆC CHỦ YẾU

CỦA NGÀNH THƯ VIỆN VIỆT NAM

(Liên hệ với TVQG để có bản chi tiết) 

 

TS.: Lê Văn Viết

Th.s: Đặng Văn Ức

Thư viện Quốc gia Việt Nam 

Nguồn: Tạp chí Thư viện số 2/2006