Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và nhu cầu đọc của trẻ em (cập nhật)

E-mail Print

1. Day dứt từ một lần “đậu vớt”

Theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Pháp lệnh, cần có sự nhất trí của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Giữa năm 1999, với tư cách Vụ trưởng Vụ Thư viện, tôi được tháp tùng Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm (khi đó) đi báo cáo với Bộ Chính trị về Dự thảo Pháp lệnh Thư viện. Hội nghị đang trao đổi sôi nổi thì một đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị đã phát biểu: “Hiện nay có khá nhiều Pháp lệnh. Tôi thấy ở các địa phương bây giờ nhiều sách lắm. Vừa đây Chính phủ lại tăng cường thêm “Tủ sách Pháp luật” cho mỗi xã. Hàng năm Chính phủ cấp hàng trăm tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia về sách… Vậy, đề nghị Bộ Chính trị xem xét có cần ban hành Pháp lệnh Thư viện lúc này chưa?”. Vì nhiều lý do khác nữa, cuối cùng Bộ Chính trị quyết định tạm gác lại, chưa nhất trí ban hành Pháp lệnh Thư viện vào thời điểm này.

Vậy là công sức của bao người suốt gần 2 năm đã bị bỏ đi. Là người trực tiếp biên soạn Dự thảo Pháp lệnh Thư viện, tôi rất buồn và thầm nghĩ: “hình như ý kiến của vị Uỷ viên Bộ Chính trị có phần đúng với thực tế chung của cả nước nhưng lại có vẻ chưa đúng với thực tế của các vùng nông thôn, miền núi?”. Sau gần 1 tháng bình tâm, rút kinh nghiệm, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm và sự hỗ trợ rất nhiệt tình của PGS.TS Nguyễn Thị Tâm Đan khi đó là Uỷ viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chúng tôi đã làm nên cuộc lội ngược dòng ngoạn mục: thuyết phục, vận động sự đồng tình của từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị để Thường vụ Quốc hội nhất trí biểu quyết ban hành Pháp lệnh Thư viện vào ngày 28/12/2000. Đây là văn bản pháp lý cao nhất về thư viện cách mạng từ năm 1945 đến nay. Pháp lệnh Thư viện ra đời vừa nhằm quản lý tốt hoạt động thư viện, vừa đảm bảo quyền lợi cho người có nhu cầu đọc sách, làm cơ sở để phát triển văn hoá đọc. Khỏi phải nói khi đó tôi và anh em trong ban Chỉ đạo và tổ Biên soạn Pháp lệnh sung sướng đến nhường nào! Thú thật, đến khi đó, tôi mới thấm thía, thì ra trong cuộc đời, nhiều khi đậu vớt còn sung sướng hơn cả thủ khoa!

Sau khi hoàn thành việc biên soạn Pháp lệnh Thư viện, tôi được điều về làm Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam, không làm công tác quản lý nhà nước về Thư viện nữa. Nhưng lời nhận xét của đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị ngày ấy cứ đọng mãi trong tôi. Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tôi quyết định đi tìm câu trả lời vốn đã day dứt hàng chục năm nay về: “Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và nhu cầu đọc của trẻ em”.

2. Thực trạng sách về nông thôn, đặc biệt các huyện miền núi

Nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành Xuất bản, ngày 10/10/2016, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông, đã viết trên tạp chí “Sách và đời sống”: “Những thành tựu về kinh tế, xã hội của công cuộc đổi mới đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp Xuất bản vượt qua những khó khăn, thách thức khi chuyển đổi cơ chế. Xuất bản đã đạt những chỉ tiêu chủ yếu, tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường và có bước phát triển mới trong đổi mới công nghệ và nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động. Từ một quốc gia thiếu sách, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có nền xuất bản độc lập, tự chủ, cung cấp đủ sách cho nhu cầu xã hội” [4].

Thực tế, sách Việt Nam xuất bản hàng năm tăng đều 7-10%. Theo số liệu của Cục Xuất bản, tính đến cuối năm 2016 cả nước có 61 nhà xuất bản. Riêng năm 2016 Việt Nam đã xuất bản 32.126 tên sách với 330.952.500 bản sách. Trong đó, sách giáo khoa chiếm hơn 80%, ước tính 264.800.000 bản, phục vụ cho khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên. Số còn lại khoảng 67.250.000 bản sách thuộc các lĩnh vực khác phục vụ cho 90 triệu người dân. Bình quân mỗi người dân được khoảng 0,75 bản, một tỷ lệ hưởng thụ sách quá thấp.

Về việc đọc sách, theo báo “Sài Gòn Giải phóng” ngày 20/5/2017, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng quá thấp, chỉ có 0,057 dân số. Trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, ở khu vực Đông Nam Á, Singapore đứng thứ 36, Malaixia đứng thứ 53 và Inđônêxia đứng thứ 60. Việt Nam không có chỗ đứng trong danh sách này. Từ khi công nghệ thông tin, đặc biệt điện thoại thông minh (smart phone) và các thiết bị đọc điện tử phát triển, khác với hình ảnh thường thấy của người dân các nước phương Tây trên tàu điện ngầm, ở nhà ga chờ tàu là luôn tranh thủ đọc sách, thì người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng chỉ cúi đầu vào điện thoại. Thậm chí, sau bữa ăn gia đình, mỗi người một góc cúi đầu lặng lẽ với điện thoại hay máy tính bảng, hiếm khi thấy người lớn đọc sách hay trò chuyện với trẻ nhỏ về sách. Thế giới đã xuất hiện một khái niệm mới rất đáng lo ngại để nói về những người trẻ châu Á: “một thế hệ cúi đầu”. Sức đọc kém nên sức tiêu thụ sách cũng hạn chế. Tác giả thai nghén không biết bao nhiêu thời gian để viết và xuất bản một tác phẩm thì thường chỉ in 1.000 - 2.000 cuốn mà cũng phải 1-2 năm mới bán hết. Vậy, ngoài số lượng 264 triệu bản sách giáo khoa thì 67 triệu bản sách các loại sẽ đi về đâu? 

Có thể khẳng định ngay, hầu hết số sách đó nằm lại ở các nhà xuất bản, nhà sách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vài thành phố lớn khác. Tại Đại hội Hội Xuất bản tháng 5/2017 vừa qua, tham luận của Phó Chủ tịch Hội Lê Hoàng cho biết: doanh thu của toàn ngành Xuất bản năm 2016 là 2.201.375 tỷ đồng, trong khi doanh thu của Công ty phát hành sách (PHS) Fahasa thành phố Hồ Chí Minh là 2.400 tỷ đồng, trong đó 60% là doanh thu bán sách [3]. Rất mừng vì sức đọc, sức mua sách của nhân dân thành phố gần 10 triệu dân này, nhưng thật đáng buồn vì nhân dân, nhất là lớp trẻ của các tỉnh ít đọc, ít mua sách quá. Có đúng như vậy không?

Đã thành truyền thống, sách từ các nhà xuất bản sẽ theo các cơ sở phát hành xuất bản phẩm về các địa phương. Cả nước hiện có 118 đơn vị phát hành xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý. Lực lượng phát hành sách thuộc các thành phần kinh tế đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, cả nước có khoảng 13.700 nhà sách, hiệu sách, trung tâm sách, siêu thị, điểm cho thuê sách, mua bán sách; gần 300 công ty trách nhiệm hữu hạn, tư nhân kinh doanh xuất bản phẩm. Trong đó, 12.400 điểm là do tư nhân quản lý, hoạt động. Điều đáng nói, sau khi cổ phần hoá, Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối nên các công ty chủ yếu quan tâm tới doanh thu và lợi nhuận. Các đơn vị phát hành sách ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa càng gặp nhiều khó khăn hơn. Mạng lưới phát hành xuất bản phẩm chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và ngày càng bị thu hẹp ở khu vực nông thôn, miền núi. Đây là một thực tế đáng lo. Sách không về tới địa bàn rộng lớn là nông thôn thì làm sao văn hoá đọc ở đây có thể phát triển? Vào thăm kho sách của Nhà xuất bản Kim Đồng hay Phụ nữ chất chứa hàng nghìn tên sách dành riêng cho lứa tuổi trẻ mà thấy day dứt, ước có phép lạ để chuyển những kho tri thức quý giá đó về với nông thôn, về với với hàng vạn con trẻ.

Để kiểm tra thực tế, tôi đã về khảo sát tại Thanh Hoá. Trước đây, Thanh Hoá có mạng lưới PHS khá mạnh thì hiện nay chỉ còn khoảng 30 cơ sở PHS. Phần lớn các cơ sở này đều trở thành công ty cổ phần kinh doanh tổng hợp, trong đó có bán xuất bản phẩm. Công ty PHS Thanh Hoá hàng năm doanh thu 50-60 tỷ đồng, nhưng chỉ có khoảng 5 tỷ đồng tiền sách, mà chủ yếu vẫn là sách tham khảo cho học sinh. Trung tâm sách của tỉnh tại số 6 Lê Lợi, có gian hàng sách tự chọn, thì ngoài sách giáo khoa cũng chỉ có những sách nâng cao phục vụ cho nhà trường, nằm trong chương trình sách giáo khoa. Nhân viên bán sách cho biết: “cả sách văn học cũng không bán được nên chúng em không nhập về”. Huyện Thọ Xuân, một trong những huyện khá về kinh tế của tỉnh nhưng ở phố huyện chỉ lèo tèo 6 cửa hàng sách tư nhân thuần tuý bán sách giáo khoa cũ và mới cùng với văn phòng phẩm là chính. Nhà sách cho biết, có khi cả tháng mới có người hỏi mua 1, 2 cuốn truyện thiếu nhi cho trẻ, vì vậy không dám nhận sách về bán. Riêng sách kỹ thuật nông nghiệp, họ cũng không biết sách về với bà con nông dân theo con đường nào?

Công ty Sách và Thiết bị trường học thuộc ngành Giáo dục quản lý chịu trách nhiệm cung cấp sách cho thư viện nhà trường. Toàn bộ sách cung cấp là sách giáo khoa và có thêm một số sách tài trợ của dự án “Tầm nhìn thế giới”, sách đặt hàng của Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc và một vài tổ chức xã hội khác tài trợ như: chương trình 1 triệu bản sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách của tổ chức “Room to Read” hoặc do một vài cá nhân tặng biếu. Theo quy định hiện nay, một số huyện đặc biệt khó khăn được Nhà nước cấp tiền để nhà trường tự mua sách giáo khoa và bán cho học sinh.

Nhiều năm nay, các trường được cấp tiền mua sách giáo khoa nhưng nhiều trường cũng không mua đầy đủ cho học sinh. Đã từ lâu, kinh phí chi cho thư viện để tổ chức hoạt động vận động đọc  cho học sinh tiểu học hầu như không được các trường thực hiện [5]. Vì vậy, thực chất ở thư viện các trường học nông thôn, miền núi chỉ có sách giáo khoa, thậm chí sách giáo khoa cũng chưa đủ cho học sinh mượn học. Các giáo viên ở huyện vùng cao Mường Lát - Thanh Hoá cho biết, sách tài trợ của Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc hàng năm gửi về vẫn để nguyên si từng thùng, các em không đọc được vì sách quá dày, nội dung chưa hấp dẫn. Khi biết về chương trình tặng sách của “Tủ sách Lam Sơn”, các giáo viên đề nghị nên tặng sách giáo khoa cho các thư viện, bù lại phần sách không mua đủ để cho các em mượn học.

Về hệ thống thư viện công cộng: Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đến cuối năm 2016, hệ thống thư viện công cộng được trải rộng cả nước bao gồm: Thư viện Quốc gia, 63 thư viện cấp tỉnh, 652/708 huyện có thư viện cấp huyện, gần 3.432/11.162 xã có thư viện, tủ sách cấp xã và 13.107 phòng đọc, tủ sách pháp luật, tủ sách thôn làng, bản ấp và điểm Bưu điện văn hoá xã. Ngoại trừ Thư viện Quốc gia Việt Nam, các thư viện cấp tỉnh được Nhà nước cấp kinh phí đều đặn hàng năm (tuy rất hạn hẹp) để bổ sung sách mới phục vụ bạn đọc, còn mạng lưới thư viện huyện thị chỉ được cấp rất ít hoặc không có kinh phí để mua sách mới và tổ chức hoạt động. Tất cả trông vào nguồn thu ngân sách của từng địa phương và sự quan tâm của cấp lãnh đạo. Thư viện huyện Thọ Xuân - Thanh Hoá cũng trong tình trạng chung đó. Năm 2016, Thư viện huyện Thọ Xuân chỉ được cấp 30 triệu đồng, đủ để bổ sung được khoảng 500 bản sách mới để phục vụ cho một huyện rộng lớn với hơn 270.000 người dân.

Trước thực trạng khó khăn về kinh phí bổ sung sách của cơ sở, Thư viện tỉnh Thanh Hoá đã nỗ lực vận động, thuyết phục và được lãnh đạo tỉnh phê duyệt dự án cấp 500 triệu đồng hàng năm dành riêng cho việc mua sách hỗ trợ và luân chuyển sách cho 120/636 điểm Bưu điện văn hoá xã trong giai đoạn 2016-2020. Riêng Thư viện tỉnh hàng năm vẫn bổ sung 6.000-8.000 bản sách để phục vụ gần 4.000 bạn đọc của thư viện.

Về nhu cầu đọc của trẻ em: Thực trạng sách ở nông thôn, miền núi và thư viện là một bức tranh không xán lạn gì. Nhưng không phải vì sự thiếu thốn sách mà nhu cầu đọc của người dân nói chung và trẻ em ở khu vực này không còn. Trái lại, vì không có sách nên các em lại khao khát đọc mãnh liệt hơn bao giờ hết. Nhu cầu, hứng thú đọc sách của các em ở nông thôn vẫn còn và mãi mãi tươi nguyên. Về các trường học nông thôn mới thấy các em thích thú, say mê đọc sách đến nhường nào! Mỗi đợt luân chuyển sách mới tới trường, viên chức thư viện tỉnh vừa phấn khởi vừa xót xa chứng kiến cảnh các em chen nhau để lấy sách, chọn sách và tranh thủ đọc nghiến ngấu.  Đặc biệt, được nghe các nhà văn, nhà thơ về giới thiệu tác phẩm, các em sung sướng như được xem một bộ phim hay, một đêm biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Tất nhiên, trẻ em ở mỗi vùng có nhu cầu khác nhau. Riêng các em ở miền núi, kể cả những em chưa thạo tiếng Kinh, đều có nhu cầu xem truyện tranh về nội dung Việt Nam, như: các truyện về truyền thuyết dân gian, các danh nhân văn hoá, lịch sử các anh hùng, các tấm gương hiếu thảo, các sách truyện cổ tích, truyện lịch sử, giáo dục về tác hại của các tệ nạn xã hội… như danh mục sách tiêu biểu của Nhà xuất bản Kim Đồng trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập vừa qua. Nếu các sách có nội dung về các dân tộc thiểu số thì càng quý hơn. Sách viết bằng tiếng dân tộc cũng giống như truyện tranh nước ngoài chưa được các em yêu thích vì không đọc được và rất khó đánh vần. Ở các huyện miền núi, có nghe các em trả lời “cháu không thích đọc sách”, cần phải hiểu sâu thẳm trong câu trả lời đó là gì? Có thể, từ bé đến giờ cháu chưa đọc sách nên không biết trong đó có gì hấp dẫn? Hoặc, lần nào đó đọc cuốn sách không phù hợp nên cháu chán và bỏ luôn từ đó; các em lớn hơn một chút đã từng được đọc nhưng đã 3, 4 năm gần đây không còn sách mới nữa, nên có thể hứng thú đọc của các em đã không còn…

3. Nguyên nhân và hệ luỵ của việc sách không về nông thôn, miền núi

- Sách không về đến nông thôn, miền núi, trước hết vì việc áp dụng có phần nóng vội cơ chế thị trường một cách đồng loạt cho ngành PHS. Trong khi văn hoá đọc của chúng ta còn yếu kém, việc chuyển đổi cơ chế quản lý đã dẫn tới những hạn chế lớn việc cung ứng sách cho nông thôn, miền núi của ngành PHS. Là đơn vị kinh doanh, các công ty, hiệu sách, nhà sách sẽ không thể sống nổi nếu sức mua ở thị trường nông thôn, miền núi hạn chế như hiện nay. Bên cạnh những mặt tích cực của cơ chế thị trường đối với ngành PHS, nhưng dường như chúng ta chỉ nhìn nhận thành tựu thông qua những con số sách xuất bản hàng năm và doanh thu mà quên mất đối tượng mua sách, diện phát hành.

- Do không thay đổi phương pháp dạy học nên ngành Giáo dục đã làm triệt tiêu phần lớn nhu cầu đọc của học sinh. Từ đó, hạn chế tới việc mua sách đọc của từng gia đình, từng thư viện. Điều này, giáo sư Chu Hảo - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức đã phát biểu: “Nền văn hoá của một đất nước, chắc chắn phải dựa trên nền tảng giáo dục. Nền giáo dục của chúng ta hiện nay, như tất cả chúng ta đều thấy, đang gây nên bức xúc lớn trong xã hội. Chính nền giáo dục đó đã không xây dựng được một nền văn hoá đọc. Suốt mấy chục năm qua, trong tất cả các cấp học, từ phổ thông đến đại học, người ta chưa bao giờ nghĩ đến việc tập cho học sinh có được một thói quen đọc sách, hướng dẫn cho các em lựa chọn sách, cách đọc sách. Ba yếu tố đó: thói quen đọc, khả năng lựa chọn và cách đọc hợp thành cốt lõi của cái mà chúng ta gọi là Văn hoá đọc. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến, người ta dạy cho các em những điều này ngay từ khi các em còn nhỏ, cứ thế liên tục cho đến khi vào đại học…” [2].

Sau Nghị quyết 29/NQ/TƯ khoá XI tháng 10/2013 về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam”, ngành Giáo dục và toàn xã hội đang từng bước thực hiện đổi mới phương pháp đào tạo, hy vọng sẽ tạo nên nhu cầu đọc sách của hàng triệu học sinh, sinh viên.

- Hàng nghìn thư viện công cộng cấp huyện, xã và trường học chưa được cải thiện về kinh phí bổ sung sách, đã hạn chế lớn tới nhu cầu đưa sách về nông thôn, miền núi của ngành PHS.

- Trong khi các gia đình trung bình và khá giả có thể chi nhiều tiền cho ăn mặc, tiệc tùng, lễ lạt nhưng lại không chi cho việc mua sách cho con em, mà coi việc đọc sách của con cái là do xã hội lo. Vì chưa nhận thức đúng về ích lợi của việc đọc và một phần thói quen như một tập tục không thay đổi, các gia đình chưa có ý thức trích một phần giá trị lao động để chi cho đời sống tinh thần, trước hết cho con trẻ mua sách. Bên cạnh đó, còn một bộ phận không ít các gia đình vẫn còn rất nghèo, đồng tiền phải chia ra để lo cái ăn, cái mặc cho con cái còn chưa đủ thì không thể có tiền mua sách.

- Việc sách không về tới nông thôn, trước hết là sự thiệt thòi cho ngành Xuất bản, đã mất đi một thị trường vô cùng rộng lớn. Nếu quảng bá và thu hút được lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi cả nước, nhu cầu sách sẽ tăng ít nhất là gấp đôi hiện nay.

Sách không về với thị trường lớn sẽ tạo nên một thế hệ không có cơ hội biết yêu thích việc đọc sách. Đã có không ít sinh viên đại học thú nhận: “Từ bé đến giờ, em chưa hề đọc cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa. Vào trường đại học mới hiểu sách quý đến thế nào. Nhưng bây giờ thì ngại đọc quá, cứ cầm sách là buồn ngủ”… Vắng bóng sách, ranh giới giữa thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi càng thêm cách biệt, là một điều không công bằng, một thiệt thòi không thể bù đắp nổi cho những người dân nông thôn, miền núi… Hệ luỵ từ việc này sẽ tạo ra trong xã hội nhiều vấn đề hệ trọng.

4. Một vài giải pháp tình thế

- Để giải quyết tình trạng sách không về nông thôn, miền núi, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông. Hơn lúc nào hết, các ngành cần quán triệt đầy đủ tinh thần CT42/CT-TƯ ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư “Chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi… Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết ở cơ sở…”. Nhà nước cần có cơ chế thích hợp đối với các cơ sở PHS ở nông thôn và miền núi. Về lâu dài, Nhà nước nên giao cho Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quản lý ngành Xuất bản là hợp lý và hiệu quả hơn đối với việc xây dựng văn hoá đọc. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần tập trung chỉ đạo việc xây dựng mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở, cần coi đây như một biện pháp chiến lược lâu dài để chấn hưng văn hoá. Luật Thư viện Việt Nam không biết bao giờ mới có, trong khi Nhật Bản đã có 2 luật để chấn hưng văn hoá đọc và khuyến khích trẻ em đọc sách. Những năm 80 của thế kỷ trước, riêng tỉnh Thanh Hoá đã từng có tới 350 thư viện xã, đã tạo nên phong trào đọc mạnh mẽ, rộng khắp trong bà con nông dân và đương nhiên sức mua sách cũng tăng lên rất lớn. Trong quá trình vận động thành lập thư viện, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân là nơi đã ra đời khẩu hiệu “Góp 1 cuốn để đọc nghìn cuốn” và tồn tại cho đến ngày nay.

- Để bắc nhịp cầu đưa sách về nông thôn, miền núi, nên chăng cho phép mạng lưới thư viện công cộng và thư viện trường học tham gia việc PHS, phục vụ nhu cầu mua sách của nhân dân và học sinh. Với lợi thế được đào tạo bài bản về hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách, mạng lưới thư viện có thể làm tốt việc PHS trong khi chờ sự mở rộng mạng lưới của ngành PHS. Thư viện tỉnh và các huyện Thanh Hoá đã từng làm tốt công việc này trong những năm đầu đổi mới và đặc biệt nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dịp đó, Thư viện Thanh Hoá phát hành tới 34 tên sách với hàng nghìn bản sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm liền, hệ thống thư viện công cộng Thanh Hoá do Thư viện tỉnh điều hành đã “mua trọn gói và phát hành toàn bộ Nông lịch do Uỷ ban khoa học tỉnh ấn hành lên tới hơn 30.000 bản. Hy vọng, trong tương lai Thư viện tỉnh và các thư viện huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với mạng lưới thư viện trường học trong nhiều hoạt động nhằm cổ vũ phong trào đọc sách. Với địa hình rộng lớn, nhất là các tỉnh miền núi, đề nghị Nhà nước cố gắng trang bị cho Thư viện tỉnh 1 xe ô  tô thư viện lưu động như một số tỉnh đã có hiện nay để giúp các em ở các trường vùng xa, vùng sâu thường xuyên được đọc, mượn sách.

- Trong tình hình kinh tế hiện nay, chúng tôi rất mong các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm chung tay giúp sức xây dựng thư viện các lớp học. Để việc làm này có hiệu quả mạnh mẽ, rất cần sự ra tay của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định đã phát động và ra lời hiệu triệu kêu gọi các doanh nghiệp chung tay xây dựng 12.692 tủ sách lớp học là một giải pháp tốt để lãnh đạo các tỉnh tham khảo, học tập. Chưa cần nhiều, nhưng mỗi tủ sách chỉ cần có 40-50 tên sách tiêu biểu của Nhà xuất bản Kim Đồng mới tái bản trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập vừa qua, tôi tin các em sẽ làm quen và yêu thích sách. Qua khảo sát nhiều ý kiến của nhân viên thư viện trường dân tộc nội trú, bán trú ở miền núi Thanh Hoá, việc tổ chức tủ sách lớp học là hợp lý, thuận tiện cho các em tranh thủ thời gian đọc sách và giúp các em có ý thức hơn trong bảo quản sách. Có tủ sách ngay tại lớp học cũng như một sự nhắc nhở hàng ngày để thầy cô giáo tham gia đọc và hướng dẫn cho các em phương pháp chọn sách, đọc sách và bảo quản sách.

- Trong việc xây dựng văn hoá đọc ở nông thôn, miền núi, vai trò của thầy cô giáo là cực kỳ quan trọng, thậm chí quyết định sự thành công của việc xây dựng văn hoá đọc. Vì vậy, các thư viện cần quan tâm tạo nên hứng thú, thói quen và kỹ năng lựa chọn sách, đọc sách của các thầy cô giáo. Để từ đó, với mỗi đối tượng học sinh, các thầy cô có thể áp dụng hình thức khác nhau, nhưng trước hết hãy làm cho các em thấy điều hay trong sách, để các em thích đọc sách, dần dần sẽ tổ chức nhiều hoạt động động viên các em biết lựa chọn sách, biết cách đọc và bảo quản sách. Các thư viện tỉnh nên tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng xây dựng văn hoá đọc cho các thầy cô giáo, đặc biệt cho thầy cô giáo khu vực miền núi. Chúng ta có thể tranh thủ kiến thức và kinh nghiệm của TS. Nguyễn Thuỵ Anh - Giám đốc Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, TS. Nguyễn Ngọc Minh - trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ThS. Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ về câu lạc bộ những người yêu sách… để tham gia giảng dạy trong các lớp bồi dưỡng.

- Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các đoàn thể, tổ chức của các tỉnh phát động phong trào xây dựng tủ sách gia đình, tôi hy vọng sẽ có nhiều gia đình quan tâm hưởng ứng. Tủ sách gia đình, dòng họ, tủ sách khuyến học sẽ là những môi trường thuận lợi và hiệu quả để xây dựng văn hoá đọc cho thế hệ tương lai.

- Thư viện trường học là trái tim nhà trường. Để có “trái tim” luôn khỏe mạnh, ngoài sự nỗ lực vươn lên của những người làm thư viện, rất cần sự quan tâm động viên về tinh thần và vật chất đối với người làm thư viện và hoạt động thư viện. Chờ đợi chính sách của Nhà nước thì rất lâu, nếu có thể, các tỉnh hãy chủ động xây dựng một chế độ cho người làm thư viện, được hưởng một phần như giáo viên đứng lớp. Bởi trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, người làm thư viện sẽ là “giáo viên thư viện”, tham gia tích cực trong quá trình thực hiện việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường.

Kết luận

Trong khoảng 10 năm gần đây, văn hoá đọc, đặc biệt việc xây dựng phong trào đọc trong nhà trường đã được nhiều ngành, nhiều cấp quan tâm. Hàng chục cuộc hội thảo về phát triển văn hoá đọc đã được tổ chức rộng khắp cả nước. Để thực hiện có hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, rất cần những việc làm thiện nguyện, thiết thực như nhóm những người con Thanh Hoá trong “Chương trình Tủ sách Lam Sơn” hay các doanh nhân Nam Định trong chương trình “Tủ sách lớp học Nam Định”. Các chương trình sẽ châm nên ngọn lửa, góp phần thắp sáng tâm hồn thế hệ trẻ chăm đọc sách trong tương lai. Công việc đầy gian nan nhưng cũng đầy ắp ý nghĩa tốt đẹp. Ngạn ngữ châu Âu có câu: “Trong những việc lớn ở đời, con người ta thường hiện ra như con người ta muốn như vậy. Chỉ trong những việc nhỏ hàng ngày, con người ta mới hiện ra đúng với chất thực của họ”. Những thành viên trong “Chương trình Tủ sách Lam Sơn” và “Tủ sách lớp học Nam Định” vốn rất khiêm nhường, luôn đau đáu nghĩ về quê hương, lo cái chữ cho con em cũng như những người trong chương trình “Cơm có thịt” lo cái ăn cho trẻ em miền núi, xứng đáng là những con người như thế!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sơn La. Kỷ yếu hội thảo: Văn hoá đọc ở Sơn La - Thực trạng và giải pháp, ngày 16/8/2016.

2. Chu Hảo. Cần hiểu đúng về văn hoá đọc: Bài trả lời phỏng vấn của GS. Chu Hảo do Nhân Thu - đài VTV thực hiện trên mạng Internet.

3. Lê Hoàng. Hội Xuất bản Việt Nam đã hướng về cơ sở và góp phần phát triển văn hoá đọc. Tài liệu Đại hội Hội Xuất bản, tháng 5/2017.

4. Nguyễn Kiểm. Những thành tựu của ngành Xuất bản Việt Nam // Tạp chí Sách và đời sống. - 2016. - Tháng 12.

5. Nguyễn Ngọc Mỹ. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên thư viện trường học // Kỷ yếu phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và trong cộng đồng, ngày 9/12/2015.

5. Nguyễn Thị Mai Hoa. Xây dựng và phát huy vai trò của thư viện trường học nhằm giáo dục văn hoá đọc cho học sinh Hà Nội // Kỷ yếu phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và trong cộng đồng, ngày 9/12/2015.

6. Phạm Thế Khang. Tư liệu khảo sát: Phòng Quản lý phát hành sách - Cục Xuất bản; ông Đỗ Hữu Cương - Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hoá; bà Lê Thị Huệ - Giám đốc Công ty Phát hành sách Thanh Hoá; bà Trương Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Công ty Sách giáo khoa và Thiết bị trường học Thanh Hoá; bà Trương Thị Năm - giáo viên thư viện trường trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Lát; bà Tào Thị Hằng - giáo viên thư viện trường Tiểu học xã Quang Chiểu, Mường Lát; Trịnh Thị Hồng Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Thọ Xuân; bà Lê Thị Nhung - nhân viên thư viện huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá.

7. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 329/QĐ-Ttg, ngày 15/3/2017 Phê duyệt đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

8. Vũ Dương Thuý Ngà. Vai trò nhà trường và thư viện trong phát triển văn hoá đọc // Kỷ yếu phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và trong cộng đồng, ngày 9/12/2015.

9. Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xây dựng thư viện lớp học trong trường tiểu học // Kỷ yếu phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và trong cộng đồng, ngày 9/12/2015.

 ________________

 
   

Phạm Thế Khang

Nguyên Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2018. - Số 1. - Tr. 4-10.


Đọc thêm cùng chuyên mục: