Đảng Cộng sản Việt Nam với công tác thư viện

Print

Các nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thư viện

Ngay khi mới ra đời năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất quan tâm tới công tác sách báo và thư viện. Đảng ta đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thư viện trong thời gian qua.

Chỉ thị đầu tiên về công tác sách báo, thư viện là chỉ thị ngày 30/3/1937 của Trung ương Đảng trong đó có đoạn: Về vấn đề tuyên truyền cổ động, mỗi một chi bộ phải lập một chỗ "bình dân thư xã" hay một cơ quan tương đương để mua sách báo công khai và làm tài liệu nghiên cứu... Đảng sẽ giới thiệu mua sách gì và phê bình các quyển sách ấy. Đảng cũng đề ra việc tổ chức các lớp học, các hội đọc sách, báo v.v... để nông dân đấu tranh chống nạn mù chữ...

Chỉ từ Cách mạng tháng Tám năm 1945, đặc biệt là sau tháng 10/1954, Đảng ta mới có thời gian chăm lo cho công tác thư viện. Nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng trong thời kỳ sau 1954 đã đề cập đến phát triển công tác thư viện, nhưng đáng chú ý nhất là các văn bản sau:

Chỉ thị số 109 TT/TW ngày 21/10/1958 "Về tăng cường công tác văn hoá" của Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong Chỉ thị nêu rõ: "Phải biết sử dụng mọi hình thức, mọi phương pháp của công tác văn hoá như chú ý đến phong trào sinh hoạt văn hoá quần chúng, đến nhà văn hoá... đến công tác đọc sách, công tác thư viện". Để đẩy mạnh văn hoá, hưởng thụ văn hoá trong nhân dân, Đảng ta coi thư viện là hình thức tổ chức hợp lý nhất, tiết kiệm nhất của việc luân chuyển sách trong xã hội.

- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã chỉ rõ "Về công tác thư viện, cần mở rộng các thư viện hiện có, xây dựng thêm một số thư viện ở các khu công nhân, các thị xã và mở rộng phong trào quần chúng đọc sách”[1].

Trong các văn kiện của Đại hội lần thứ IV (1976), Đảng ta đã chỉ rõ: "Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân sẽ xây dựng những trung tâm văn hoá ở tỉnh, thành phố, huyện và các cơ sở văn hoá ở nông thôn, các thư viện, nhà văn hoá... làm cho việc đọc sách báo, nghe đài v.v... trở thành nếp sống hàng ngày ở khắp mọi nơi, kể cả những miền xa xôi hẻo lánh". “Để nâng cao kiến thức và trình độ giác ngộ cho nhân dân, phục vụ đắc lực cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá, phải phát triển hệ thống thư viện từ trung ương, tỉnh, thành đến huyện, thị và cơ sở…”[2].

Đại hội lần VI nhấn mạnh: "Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hoá... từ Trung ương đến cơ sở, ở các ngành và các địa phương... Đưa đến tận các đơn vị cơ sở những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, những kiến thức phổ thông và hiện đại về khoa học, kinh tế. Đưa văn hoá, văn nghệ đến vùng rừng núi, và vùng nông thôn hẻo lánh”[3].

Trong Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng (khoá VII) về một số nhiệm vụ văn hoá - văn nghệ trong những năm trước mắt (tháng 2, 1993) có đoạn nhấn mạnh: "Khôi phục và phát triển hệ thống thư viện từ TW đến cơ sở. Xây dựng Thư viện Quốc gia có tầm cỡ, đáp ứng được yêu cầu phát triển trí tuệ của nhân dân, yêu cầu nghiên cứu và văn hoá, nghệ thuật"[4].

Nghị quyết Trung ương V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, ngày 16/ 07/1998 về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản dân tộc đã khẳng định: “Xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá. Nghiên cứu xây dựng Luật di sản văn hoá dân tộc, Luật quảng cáo, Pháp lệnh thư viện…”[5].

Trong kết luận của Hội nghị lần thứ VI - BCHTW khóa VIII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương II khóa VIII, phương hướng phát triển giáo dục-đào tạo, khoa học và công nghệ từ nay đến 2005 và 2010 đã chỉ rõ: "...Tổ chức hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, các thư viện điện tử theo hướng hiện đại. Mở rộng mạng thông tin để đưa tri thức khoa học đến với mọi người...”[6].

Tại Hội nghị Báo chí và Xuất bản toàn quốc, ngày 22/01/1999 đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng đã nhấn mạnh: “Để sách báo được phổ biến rộng rãi, kịp thời đến mọi người, cần củng cố và phát triển hệ thống thư viện từ trung ương đến cơ sở, kể cả trong hệ thống Đảng, Nhà nước, và các đoàn thể…”[7].

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IX, trong Báo cáo của BCHTW Đảng Khóa VIII, Đảng ta khẳng định: "Phát triển mạng lưới thư viện, hiện đại hóa công tác thư viện, lưu trữ".

Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư ngày 25 tháng 08 năm 2004 Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã đưa ra chỉ tiêu nhiệm vụ đối với lĩnh vực thư viện đến năm 2010 như sau: "...phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/ người/ năm. Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết ở cơ sở". Để đạt được chỉ tiêu trên, Chỉ thị cũng đưa ra giải pháp chủ yếu để thực hiện: "Nhà nước có chính sách tăng nguồn kinh phí mua sách cho các thư viện, đảm bảo thư viện trở thành trung tâm bồi dưỡng và phát triển nhu cầu văn hóa đọc của quần chúng, góp phần tăng cường lượng bản in cho các nhà xuất bản... Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, triển lãm, hội chợ sách, xây dựng tủ sách gia đình, phong trào đọc sách cho nhân dân..."[8].

Từ những luận điểm cơ bản trên của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thư viện, chúng ta có thể nêu ra một số quan điểm chính sau đây của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thư viện:

Những quan điểm chính của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thư viện

- Thư viện là công cụ của Đảng

Quan điểm này thể hiện rõ qua sự kiện trong thời kỳ trước cách mạng là vào những năm của Mặt trận Bình dân (1936-1937) Đảng ta đã chú ý đến việc mua sách, phê bình sách theo quan điểm của Đảng, tổ chức và hướng dẫn quần chúng đọc sách. Người đứng ra thực hiện những công việc đó là thư viện. Quan điểm này rất phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin: Các lực lượng, các cơ quan, thiết chế phải có tính đảng, phải phục vụ cho sự nghiệp của Đảng. Đồng thời quan điểm này cũng phù hợp với thực tiễn thư viện trên thế giới: Thư viện được xã hội tạo ra và phải phục vụ cho xã hội. Quan điểm trên rõ ràng khác với quan điểm về cái gọi là “tính phi chính trị” của thư viện trong giới thư viện học Mỹ và phương Tây.

Quan điểm tính đảng phải được kết hợp với tính dân tộc. Vào năm 1943, Đảng ta công bố "Đề cương văn hoá Việt Nam" trong đó Đảng vạch ra con đường cách mạng văn hoá và sách lược đấu tranh trên mặt trận văn hoá với 3 nguyên tắc vận động văn hoá mới "Dân tộc hoá; Khoa học hoá; Đại chúng hoá”. Công tác thư viện là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc nên những nguyên tắc trên phải được áp dụng vào công tác thư viện.

Tuy vậy, trong thời kỳ bí mật, vì điều kiện vô cùng khắc nghiệt của chế độ thực dân nên đường lối, chủ trương của Đảng về văn hoá không thể thực hiện được đầy đủ.

- Tổ chức thư viện là cách sử dụng sách báo tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất

Đảng ta coi thư viện là hình thức tổ chức hợp lý nhất, tiết kiệm nhất việc luân chuyển sách trong xã hội. Quan điểm này được nêu ra trong Chỉ thị số 109 -TT/TW của Ban Bí thư trung ương Đảng "Về tăng cường công tác văn hoá" ngày 21/10/1958. Điều đó chứng tỏ rằng nhận thức của Đảng ta về công tác thư viện vào thời kỳ này đã rất xứng tầm với thời đại. “Tuyên ngôn về thư viện công cộng” năm 1972 của UNESCO nêu rõ thư viện là cơ quan văn hóa dân chủ nhất, tiết kiệm nhất. Thực tế đúng như vậy, thay vì mỗi người, mỗi gia đình phải có một tủ sách, một thư viện thì chỉ cần thành lập một thư viện cũng có thể đáp ứng được nhu cầu đọc của cả một cộng đồng. Đồng thời, là một thiết chế được ngân sách nhà nước cấp kinh phí, thư viện cần phải phục vụ cho mọi người, không phân biệt địa vị xã hội, trình độ văn hóa, mức thu nhập, lứa tuổi, giới tính... của họ.

- Ngoài phục vụ cho sự nghiệp của Đảng, thư viện phải phục vụ cho các nhiệm vụ phát triển của đất nước, phát triển xã hội, phát triển con người. Điều đó thể hiện rõ trong các văn kiện của các kỳ đại hội của Đảng, nghị quyết của nhiều hội nghị BCH TW. Chẳng hạn, trong các văn kiện của Đại hội lần thứ IV (1976), Đảng ta đã chỉ rõ: "... làm cho việc đọc sách báo, nghe đài v.v... trở thành nếp sống hàng ngày ở khắp mọi nơi, kể cả những miền xa xôi hẻo lánh. Để nâng cao kiến thức và trình độ giác ngộ cho nhân dân, phục vụ đắc lực cho cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hoá…”. Tại đại hội lần thứ VI, Đảng ta quyết định: "Xây dựng và sử dụng các hệ thống thư viện... (để) đưa đến tận các đơn vị cơ sở những giá trị văn hoá, nghệ thuật của dân tộc và thế giới, những kiến thức phổ thông và hiện đại về khoa học, kinh tế. Đưa văn hoá, văn nghệ đến vùng rừng núi và vùng nông thôn hẻo lánh”. Hay trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII “Về một số nhiệm vụ văn hoá văn nghệ trong những năm trước mắt” đã nhấn mạnh: “... khôi phục và phát triển hệ thống thư viện... đáp ứng yêu cầu phát triển trí tuệ của nhân dân, yêu cầu nghiên cứu khoa học và văn học nghệ thuật…”.

+ Để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, thư viện phải giúp hình thành thói quen đọc sách và phong trào đọc sách trong nhân dân. Nhiệm vụ hình thành thói quen đọc sách của thư viện được nêu ra trong Nghị quyết đại hội lần thứ IV: làm cho việc đọc sách báo, nghe đài v.v... trở thành nếp sống hàng ngày ở khắp mọi nơi, kể cả những miền xa xôi hẻo lánh". Còn nhiệm vụ xây dựng “phong trào đọc sách trong nhân dân” được nêu lần đầu tiên trong Chỉ thị số 109-TT-TW ngày 21/10/1958 "Về tăng cường công tác văn hoá" của Ban Bí thư trung ương Đảng: "Phải... chú ý đến phong trào đọc sách...”. Trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) cũng đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ này: "Về công tác thư viện... cần mở rộng phong trào quần chúng đọc sách", mới đây nhất, trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư ngày 25/08/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản: “...Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, triển lãm, hội chợ sách, xây dựng tủ sách gia đình, phong trào đọc sách cho nhân dân...".

- Nước ta phải xây dựng một mạng lưới thư viện rộng khắp, hiện đại. Quan điểm xây dựng một mạng lưới thư viện rộng khắp được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội Đảng lần thứ III: "...cần mở rộng các thư viện hiện có, xây dựng thêm một số thư viện ở các khu công nhân, các thị xã...". Từ đại hội IV trở đi, Đảng ta liên tục yêu cầu “phải phát triển hệ thống thư viện từ trung ương, tỉnh, thành đến huyện, thị và cơ sở…”. Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ, Đảng ta có những chủ trương khác nhau. Trong những năm cuối thập niên 1960, các thư viện nước ta phát triển mạnh nên Đảng ta có chủ trương: mở rộng và xây dựng thêm”. Vào đầu thập niên 1980, nước ta vừa ra khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều thư viện bị đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, đồng thời dự báo thời kỳ phát triển mới của Việt Nam đã đưa Đảng ta đến chủ trương “khôi phục và phát triển”. Đồng thời tính đến tính toàn diện của hệ thống thư viện Việt Nam, năm 1999, đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười đã mở rộng thêm: “...cần củng cố và phát triển hệ thống thư viện từ trung ương đến cơ sở, kể cả trong hệ thống Đảng, Nhà nước, và các đoàn thể…”.

Những năm sau này, khi ứng dụng CNTT ngày càng rộng rãi và trước xu thế phát triển chung của thư viện thế giới, tại Hội nghị lần thứ VI BCHTW khóa VIII, Đảng ta đề ra chủ trương: "...Tổ chức hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, các thư viện điện tử theo hướng hiện đại. Mở rộng mạng thông tin để đưa tri thức khoa học đến với mọi người...". Chủ trương "Phát triển mạng lưới thư viện, hiện đại hóa công tác thư viện, lưu trữ" vẫn được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần IX. Cách tiếp cận này là đúng đắn, hợp logic và hợp với tình hình thực tiễn từng thời kỳ.

- Trong khi phát triển theo chiều rộng, Đảng ta vẫn quan tâm tới trọng điểm: chú ý phát triển Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện đứng đầu trong hệ thống thư viện cả nước. Lần đầu tiên Đảng ta đề ra chủ trương phát triển thư viện này: trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VII “Về một số nhiệm vụ văn hoá văn nghệ trong những năm trước mắt” có đoạn viết: “... Xây dựng Thư viện Quốc gia có tầm cỡ, đáp ứng yêu cầu phát triển trí tuệ của nhân dân, yêu cầu nghiên cứu khoa học và văn học nghệ thuật…”. Chủ trương này là kịp thời và đúng lúc vì vào thời điểm này các nước trong khu vực như Malaixia, Singapo, Thái Lan, Indonexia... đã và đang đầu tư lớn cho thư viện quốc gia. Đồng thời, sự nghiệp thư viện của một nước không thể phát triển nhanh nếu không có một thư viện quốc gia lớn, mạnh, ”có tầm cỡ”.

- Tuy nhiên hệ thống thư viện đó không thể tự mình phát triển mà cần có sự đầu tư của Nhà nước. Đặc biệt, điều này được ghi rõ trong Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư ngày 25/08/2004 về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Chỉ thị này đã đưa ra chỉ tiêu nhiệm vụ đối với lĩnh vực thư viện đến năm 2010 như: ... phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã; Tập trung củng cố và phát triển hệ thống thư viện, các loại phòng đọc, trước hết ở cơ sở; tăng nguồn kinh phí mua sách cho các thư viện... Vấn đề xây dựng cơ sở pháp lý cho sự nghiệp thư viện Việt Nam cũng được đưa vào các nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Trung ương V, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (1998) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc đã khẳng định: “...Nghiên cứu xây dựng Luật Di sản văn hoá dân tộc, Luật quảng cáo, Pháp lệnh Thư viện…”.

- Đảng ta luôn kiên định quan điểm ”Nhà nước và nhân dân cùng làm thư viện”: từ năm 1958, trong Chỉ thị số 109-TT/TW ngày 21/10/1958 "Về tăng cường công tác văn hoá" của Ban Bí thư trung ương Đảng đã nói tới vấn đề này. Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) đã ra nghị quyết: "Nhà nước cùng với sự đóng góp của nhân dân sẽ xây dựng... các thư viện...”. Từ Đại hội Đảng lần thứ VII chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác thư viện đã được thực hiện một cách tích cực, có hiệu quả.

Đường lối xây dựng sự nghiệp thư viện ở nước ta

Đảng và Nhà nước ta chưa đề ra một cách chính thức đường lối phát triển thư viện ở Việt Nam nhưng từ các quan điểm, chủ trương của Đảng ở trên, chúng ta có thể nêu ra một đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lĩnh vực thư viện từ trước tới nay là: Nhà nước cùng với nhân dân đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện hiện đại, rộng khắp từ trung ương đến cơ sở, trong khắp các ngành, các tổ chức nhằm làm cho việc đọc sách, báo - công cụ giác ngộ cách mạng cho quần chúng và là phương tiện để đạt tới những thành công trong sản xuất và chiến đấu - từ trung ương đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu đọc sách báo của mọi tầng lớp nhân dân, để việc đọc sách trở thành một thói quen của mọi người dân, từ đó các giá trị văn hoá của nhân loại và của dân tộc được phổ biến và tiếp thu.

Từ sự quan tâm hết sức to lớn của Đảng và Nhà nước, công tác thư viện ở nước ta đã phát triển khá mạnh trong suốt hơn 60 năm qua. Đến lượt mình, các thư viện Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp của Đảng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nước ta ngày càng to đẹp hơn, văn minh hơn.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu lần thứ ba của Đảng. – H., 1960. - T.3. - Tr. 70.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV// Phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm (1976 – 1980). – H.: Sự thật, 1977. – Tr. 70 – 71.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. – H.: Sự thật, 1977. – Tr. 90 – 91.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ trong những năm trước mắt//Nhân dân. – 1993. – Ngày 13 tháng 2. – Tr.3

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương khóa VIII. – H.: Chính trị quốc gia, 1998. – Tr. 72.

(6) Nhân dân. – 2002. – Ngày 22 tháng 8. – tr.6.

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài phát biểu của Đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hội nghị báo chí, xuất bản toàn quốc (ngày 22-1-1992) // Nhân dân.- 1992.- Ngày 24 tháng 1.- Tr. 3.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam. Ban Bí thư. Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư ngày 25 tháng 08 năm 2004 “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” //Xuất bản Việt Nam. – 2004. - Số 9. – Tr. 1 – 3.

 

_____________

TS. Nguyễn Thị Việt Bắc - TS. Lê Văn Viết

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 6(26) – 2010 (tr.7-11)

 


Đọc thêm cùng chuyên mục: