Trưng bày tư liệu Văn học Công nhân Việt Nam

Print

Trong nền văn học Việt Nam, “công nhân”, “người lao động” và “Công đoàn” là một trong những mảng đề tài chính với nhiều tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu thích và nhiều nhân vật đã trở thành biểu tượng trong lao động và trong đời sống xã hội.

Chào mừng thành công Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028, chiều ngày 25/12/2023, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Chi hội Nhà văn Công nhân thuộc Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc Trưng bày sách "Văn học Công nhân và những tác phẩm được giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam".

2024-01-19-van-hoc-cn- 2

Đây là sự kiện trưng bày đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam với 300 tác phẩm chuyên đề văn học về công nhân, công đoàn được lựa chọn từ nguồn tài liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam và được sắp xếp có hệ thống theo thời gian, bao gồm: Giai đoạn 1 lấy 05 tác phẩm “Vùng Mỏ” được giải, xuất bản tháng 4.1953 đến năm 1965, kết thúc 5 năm, kế hoạch 1960-1965; Giai đoạn 2 từ năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở rộng ra miền Bắc Việt Nam đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1975; Giai đoạn 3 từ năm 1976 đến 1987, khi có Nghị định 176 của Chính phủ để bắt đầu thời kỳ đổi mới; Giai đoạn 4 từ năm 1988 đến 2023, với cột mốc là Lễ trao giải Cuộc thi sáng tác văn học về công nhân, công đoàn tháng 11.2023.

2024-01-19-van-hoc-cn- 3

Trải qua thời gian, đi qua nhiều giải thưởng văn học và các cuộc thi viết văn, diễn đàn văn học Việt Nam đã có nhiều tác phẩm phản ánh tâm tư, nguyện vọng, thực tiễn phong phú, nhiều màu sắc về đời sống, việc làm của người công nhân; khích lệ, động viên công nhân hăng say lao động, đổi mới sáng tạo; tôn vinh lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng và phát triển các ngành nghề, các khu công nghiệp trong cả nước… tiêu biểu như tác phẩm “Vùng Mỏ” của Võ Huy Tâm, “Mở hầm” của Nguyễn Dậu, “Những ngày thường đã cháy lên” của Xuân Cang, “Xi măng” của Huy Phương, “Thung lũng Cô Tan” của Lê Phương, “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Người kiểm tu” của Tô Ngọc Hiến, “Xưởng máy nhỏ của tôi” của Nguyễn Đình Chính, “Đêm ấy vùng than ai thức” của Lý Biên Cương, “Chân dung một quản đốc” của Nguyễn Hiểu Trường, “Trang 17” của Nhật Tuấn, “Đứng trước biển” của Nguyễn Mạnh Tuấn, “Giấy trắng” của Triệu Xuân và gần đây nhất là tác phẩm “Con đường của Hạ” của Trịnh Thị Phương Trà và “Hoa xương rồng” của Nguyễn Trí…

2024-01-19-van-hoc-cn- 4

Nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân giới thiệu sách tại không gian trưng bày

Việc trưng bày tác phẩm không chỉ tôn vinh tác giả, truyền động lực cho giới sáng tác, mà còn tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận trực tiếp với các tác phẩm, từ đó, giúp công chúng có góc nhìn đa dạng, phong phú về số phận, cuộc đời, tinh thần và tình cảm của những người lao động, những công nhân đang làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau trên khắp mọi miền của Tổ quốc từ những ngày tổ chức Công đoàn mới ra đời cho tới ngày nay.

2024-01-19-van-hoc-cn- 5

Thời gian diễn ra trưng bày từ ngày 25/12/2023 đến hết ngày 05/01/2024.

____________

Tin và ảnh: Nguyễn Hồng Vân


Đọc thêm cùng chuyên mục: