Khảo cứu và đánh giá về các bộ từ khóa và từ điển từ khóa được sử dụng trong định từ khóa tài liệu ở Việt Nam hiện nay

Print

Trong các điểm truy cập thông tin mà các thư viện ở Việt Nam cung cấp cho người đọc và người dung tin hiện nay, từ khoá là một điểm truy cập quan trọng và thông dụng nhất. Cùng vớií xu hướng tin học hoá, một số từ điển từ chuẩn (thesaurus) đã được hình thành trên thế giới ngay từ những năm 70 của thế kỷ 20 và trở thành công cụ kiểm soát về mặt từ vựng không thể thiếu được trong việc định chỉ mục (indexing). Ở Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, công cụ ấy là các bộ từ khoá hoặc các từ điển từ khoá do các thư viện và cơ quan thông tin lớn biên soạn. Với nhận thức bộ từ khoá và từ điển từ khoá là công cụ quan trọng đảm bảo chất lượng cho việc định từ khoá tài liệu, trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ đi sâu vào việc khảo sát và đánh giá các bộ từ khoá hiện đang được quan tâm sử dụng tại nhiều thư viện ở Việt Nam.

Trước khi viết bài này, chúng tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát và điều tra về thực trạng áp dụng định từ khoá tài liệu tại 70 thư viện, trong số đó có: Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQG), Trung tâm thông tin Khoa học & Công nghệ quốc gia (TTTTKH&CNQG), Viện thông tin Khoa học xã hội, Thư viện Quân đội, 27 thư viện tỉnh, thành phố, 19 thư viện đại học và cao đẳng, 6 thư viện viện nghiên cứu, 14 thư viện trường học.

Từ thực tế khảo sát và điều tra chúng tôi được biết: hiện có 52 thư viện tiến hành định từ khoá (chiếm 74,3 %), 18 thư viện không tiến hành định từ khoá (chiếm 25,7%). Tất cả các trường phổ thông được điều tra, khảo sát đều chưa tiến hành định từ khoá. Trong số 52 thư viện có 40 thư viện tiến hành định từ khoá có kiểm soát, 7 thư viện vừa sử dụng công cụ kiểm soát vừa tiến hành định từ khoá tự do và có 5 thư viện tiến hành định từ khoá tự do. Trong số các bộ từ khoá và từ điển từ khoá đang được sử dụng, Bộ Từ khoá do TVQG biên soạn được sử dụng nhiều nhất, sau đó là Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ do TTTTKH&CNQG biên soạn. Kết quả cụ thể như sau:

 

Công cụ định từ khoá

Số thư

viện áp dụng

Bộ Từ khoá do TVQG biênsoạn

33

Bộ Từ khoá Khoa học Xã hội &

Nhân văn

3

Từ điển Từ khoá Khoa học và

Công nghệ

8

Các bộ từ khoá khác

2

 

Có một số thư viện áp dụng song hành cả hai bộ từ khoá của TVQG và Từ điển Từ khoá Khoa học & Công nghệ. Trước thực tế đó, chúng tôi đã tiến hành khảo cứu ba bộ từ khoá và từ điển từ khoá thông dụng nhất ở Việt Nam hiện nay.

 

Tên bộ từ khoá

Số từ khoá hiện có

Lĩnh vực Bộ

TK đề cập

 

Năm xuất bản

Bộ Từ khoá do TVQG biên soạn

43.000

    Mọi lĩnh vực

2005

BTkhoá Khoa học Xã hội

& Nhân văn

40.000

    Khoa học xã hội & Nhân văn

2005

Tđiển Tkhoá Khoa học và Công nghệ

<60.000

   Khoa học Tự nhiên, khoa học Kỹ thuật

2001

 

Trên thực tế, Bộ Từ khoá của TVQG và Từ điển từ khoá Khoa học và Công nghệ đã được biên soạn và xuất bản trước đó. Bộ từ khoá của TVQG được hình thành trên cở sở vốn từ khoá tự do được sử dụng khi xây dựng cơ sở dữ liệu SACH. Bộ từ khoá này ban đầu có tên là Bộ Từ khoá quy ước và có khoảng 10.000 từ. Từ điển từ khoá Khoa học và Công nghệ được hình thành dựa trên cơ sở Bộ từ khoá đa ngành Khoa học tự nhiên và Công nghệ do TTTTKH&CNQG biên soạn và xuất bản từ năm 1997. Chỉ có Bộ Từ khoá Khoa học Xã hội & Nhân văn là bộ từ khoá được xuất bản lần đầu.

Các từ khoá được tập hợp trong các bộ từ khoá này bao gồm: từ khoá chủ đề thể hiện nội dung và hình thức của tài liệu, từ khoá nhân vật, địa danh, tên viết tắt của cơ quan, tổ chức… Riêng Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ do tính đặc thù có thêm bảng tra tên sinh vật với hai bộ phận: bảng tra Việt - La tinh và Latinh - Việt… để giúp cho người định từ khoá có thể tra cứu tên các sinh vật, các ngành, lớp, họ, bộ loài sinh vật ở Việt Nam hoặc liên quan đến Việt Nam.

Về mặt cấu trúc, các bộ từ khoá đều có bảng tra các từ khoá. Bên cạnh đó, Bộ Từ khoá Khoa học Xã hội & Nhân vănTừ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ còn xây dựng thêm được bảng tra hoán vị. Có thể coi bảng tra hoán vị là bảng tra phụ trợ cho bảng tra chính. Trong đó các từ được sắp xếp theo vần chữ cái cho từng phần tử có nghĩa chứa đựng trong từ khoá.

Về các tham chiếu, các bộ từ khoá và từ điển từ khoá này đã quan tâm đến việc thiết lập các tham chiếu phản ánh mối quan hệ đồng nghĩa và quan hệ liên đới.

Với quan hệ đồng nghĩa, các bộ từ khoá và từ điển từ khoá đều đặt ra các từ quy ước thể hiện sự kiểm soát từ vựng đối với các từ đồng nghĩa.

Bộ từ khoá của TVQG lập hai tham chiếu Xem và SD (Sử dụng) để thể hiện sự quy ước đối với các từ đồng nghĩa và tham chiếu CX (Cũng xem) chỉ ra mối quan hệ liên đới. Còn Bộ Từ khoá Khoa học Xã hội & Nhân văn và Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ lập hai tham chiếu DC (Dùng cho) và SD (Sử dụng) để thể hiện sự quy ước đối với các từ đồng nghĩa và tham chiếu TL (Từ liên quan) chỉ ra mối quan hệ liên đới. Về bản chất, các tham chiếu Xem và SD có chung ý nghĩa là chỉ ra từ đồng nghĩa với nó nhưng thông dụng hơn, được quy ước biểu đạt thay cho từ được lập tham chiếu.

Ví dụ:

Đậu nành

Xem Đậu tương Đỗ tương

Xem

Đậu tương

(Bộ Từ khoá của TVQG)

Đóng bao

SD Đóng gói

Đóng kiện

SD Đóng gói

(Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ)

Tham chiếu DC được thiết lập để chỉ ra những từ đồng nghĩa nhưng không thông dụng bằng những từ đã được quy ước.

Ví dụ:

Đậu tương

DC

Đậu nành

Đỗ tương

(Bộ Từ khoá của TVQG)

Đóng gói

DC Bao gói

DC Gói

DC Đóng bao

DC Đóng kiện…

(Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ)

Nếu so sánh với các thesaurus của nước ngoài, các loại tham chiếu trong các bộ từ khoá và từ điển từ khoá của Việt Nam có phần ít hơn. Trong các Thesaurus, khi biên soạn, người ta đã lập ra nhiều loại tham chiếu phản ánh ba mối quan hệ giữa các từ khoá: mối quan hệ đồng nghĩa, quan hệ thứ bậc   và   liên   đới.   Khảo   sát   UNESCO

Thesaurus, riêng mối quan hệ thứ bậc có tới ba tham chiếu: Từ rộng (Broader Term, viết tắt là BT), từ hẹp (Narrower Term, viết tắt là NT và từ đỉnh (Top Term, viết tắt là TT)… Các tham chiếu này có một ý nghĩa quan trọng giúp cho người làm công tác định chỉ mục có thể dễ dàng tìm ra các thuật ngữ bổ sung cho việc lập chỉ mục cho các tài liệu đồng thời đó cũng là công cụ hỗ trợ cho việc tìm kiếm thông tin khi cần thu hẹp hay mở rộng phạm vi tìm kiếm.

Từ việc khảo cứu ba bộ từ khoá và từ điển từ khoá, chúng tôi có một số nhận xét sau:

Về ưu điểm: Các bộ từ khoá/từ điển từ khoá có hai ưu đểm chính sau:

Một là: Các công cụ đã được biên soạn tương đối công phu, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu đặt ra trong công tác định từ khoá. TVQG, TTTTKH&CNQG, Viện Thông tin Khoa học xã hội đã giành sự quan tâm nhất định trong việc thể hiện sự quy ước nhằm kiểm soát về mặt từ vựng khi mô tả các khái niệm.

Hai là: TVQG Và TTTTKH&CNQG đã có sự hiệu chỉnh bổ sung thêm qua các lần xuất bản để cập nhật và rút ngắn khoảng cách giữa các thuật ngữ trong bộ từ khoá/từ điển từ khoá với các khái niệm được đề cập trong nội dung vốn tài liệu của các thư viện không ngừng được mở rộng và phát triển.

Bên cạnh các ưu điểm trên, cũng còn tồn tại một số vấn đề đáng chú ý sau:

Thứ nhất: Mặc dù có cập nhật nhưng trên thực tế, các bộ từ khoá/từ điển từ khoá này cũng không thường xuyên được cập nhật. Nhiều người làm công tác định từ khoá tại các thư viện đã phản ánh: số lượng và phạm vi lựa chọn các từ khoá còn hạn chế. Chưa có được đầy đủ các từ khoá cần phải sử dụng để mô tả nội dung tài liệu.

Thứ hai: Các bộ từ khoá/từ điển từ khoá mới chú ý đến đặc thù của thư viện/trung tâm thông tin của mình mà chưa chú ý đến việc tạo ra một công cụ sử dụng chung cho các thư viện. Các quy định về mặt chính tả và hình thức trình bày từ khoá còn mang tính cục bộ, chưa thống nhất theo một quy định chung. Chẳng hạn như: Trong Bộ từ khoá của TVQG, dùng chữ i trong các từ: vật lí, qui trình, kĩ thuật… Trong khi đó, Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ của TTTTKH&CN lại sử dụng y: vật lý, quy trình, kỹ thuật… Cách thể hiện tên người và tên địa danh cũng chưa hoàn toàn thống nhất. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các thư viện muốn sử dụng song hành các bộ từ khoá và từ điển từ khoá để định chỉ mục.

Thứ ba: Một số quy ước được đặt ra trong các bộ từ khoá hiện hành còn chưa thật thoả đáng, việc lựa chọn các thuật ngữ còn tuỳ tiện.

Ví dụ: Trong Bộ Từ khoá Khoa học Xã hội & Nhân văn đã đưa ra quy ước như sau:

Hiểu biết xã hội

DC: Ham học

Một số cán bộ thư viện phụ trách công tác biên mục tại thư viện viện nghiên cứu chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn đã cho biết: cũng chính do còn tồn tại nhiều bất cập, nên mặc dù đã xuất bản từ năm 2005 nhưng các thư viện thuộc Trung tâm Khoa học Xã hội & Nhân văn đã không sử dụng Bộ Từ khoá khoa học xã hội & nhân văn để kiểm soát từ vựng khi định từ khoá mà lựa chọn phương thức định từ khoá tự do.

Qua trao đổi với các cán bộ lãnh đạo và những người có trách nhiệm tại các thư viện và cơ quan thông tin, chúng tôi được biết, trong tương lai, từ khoá tiếp tục sẽ vẫn được sử dụng là ngôn ngữ tìm tin cơ bản. Vì thế, yêu cầu phải có một công cụ hoàn chỉnh, chuẩn hoá để định chỉ mục là một yêu cầu cấp bách đặt ra. Để làm được điều đó, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

1. Các thư viện và trung tâm thông tin lớn, bao gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học Xã hội nên có sự phối kết hợp tích hợp ba bộ từ khoá và từ điển từ khoá hiện hành thành một thesaurus đề các thư viện có một công cụ định chỉ mục hoàn chỉnh. Để làm được điều đó, các thư viện và cơ quan thông tin cần đặt ra những quy tắc thống nhất về chính tả, hình thức trình bày từ khoá, quy định về thể hiện tên người, tên địa danh, tên cơ quan tổ chức và các loại tham chiếu. Cần chú ý tham khảo Tiêu chuẩn quốc tế hướng dẫn biên soạn thesaurus ISO 2788-1986.

2. Các thư viện và cơ quan thông tin cần thường xuyên cập nhật, bổ sung các bộ từ khoá/Từ điển từ khoá. Trong điều kiện chưa xuất bản lại, có thể gửi các phần in bổ sung có tính định kỳ cho các thư viện và cơ quan thông tin tham khảo.

3. Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ Quốc gia, Viện Thông tin Khoa học Xã hội cần có kế hoạch nghiên cứu và điều tra ý kiến của các thư viện và cơ quan thông tin có sử dụng các bộ từ khoá và từ điển từ khoá của mình để nắm bắt được các yêu cầu thực tế từ công tác định chỉ mục trong các thư viện để kịp thời hiệu chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các công cụ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Từ khoá. - H.: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 2005

2. Bộ Từ khoá Khoa học Xã hội & Nhân văn. - H.: Viện Thông tin Khoa học Xã hội, 2005. - (2 tập).

3. Từ điển Từ khoá Khoa học và Công nghệ. - H.: Trung tâm Thông tin Khoa học & Công nghệ Quốc gia, 2001. - (2 tập).

4. UNESCO Thesaurus http://www.ulcc.ac.uk/unesco


_______________

ThS. Vũ Dương Thúy Ngà

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam số 1(21) – 2010 (tr.10-13)


Đọc thêm cùng chuyên mục: