Trong một ngày nắng đầu hạ, Trường THPT Bán công Phan Huy Chú rộn rã tiếng nô đùa của học sinh giờ ra chơi. Tôi đi tìm thư viện trường với tâm thế háo hức mong chờ được bước vào không gian êm đềm, tĩnh lặng, tươi trẻ đã từng được nghe bạn bè ca ngợi. Tầng 3, căn phòng sáng, rộng. Những tia nắng nhảy nhót qua ô cửa lấp ló rèm treo. Chị Nguyễn Thu Hường - giáo viên thư viện đang ngồi cắt dán những tờ giới thiệu sách hay cho học sinh dón tôi bằng nụ cười thân thiện.
Là sinh viên khóa K40 Khoa Thông tin - Thư viện, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, cô bé Hường nuôi ước mơ sẽ được làm một thủ thư trong một thư viện lớn với quy trình làm việc chuyên nghiệp. Thời gian thực tập tại Thư viện Quân đội Trung ương càng khiến chị nôn nóng được sớm tốt nghiệp để bước vào vai trò của một thủ thư thực sự. Nhưng mơ ước không phải bao giờ cũng thành hiện thực ngay được. Duyên số đưa chị về với Thư viện trường Phan Huy Chú - về với nơi mà cô chưa bao giờ nghĩ đến và cũng chưa hề thấy háo hức muốn làm việc cùng nó. Ngày đầu tiên đến trường, bước vào thư viện, chị cảm thấy vỡ òa một nỗi thất vọng. Phòng đọc tối tăm, bé nhỏ. Chỉ có mấy bộ bàn ghế học sinh buồn rầu. Giá sách nghèo nàn. Không gian vắng lặng. Chả lẽ bốn năm đại học rút cục kết thúc thế này sao? Chị thầm nghĩ. Và chị đã bắt đầu công việc của mình theo cái cách lấp chỗ trống cho đỡ buồn chờ công việc mới. Ngày tháng dần trôi. Đã bao lần phượng thay màu lá. Giờ nhìn lại, chị lại thầm cười mình ngày đó trẻ con. Cái thời trẻ con chỉ mong được tắm mình vào những không gian to rộng đã sẵn sàng mọi thứ mà không nghĩ được rằng cái gì tạo nên từ tâm huyết, qua thử thách khó khăn mới thực sự ý nghĩa, vững bền.
Từ suy nghĩ làm cho xong trách nhiệm, dần dần chị đã tìm thấy những niềm vui nhỏ bé trong từng chi tiết. Tiếng cười nói rộn rã của học sinh. Những yêu cầu mượn sách đầy dần... Chị nghĩ, phải bắt tay cải tổ và vạch ra kế hoạch thôi. Chính chị chứ không ai khác phải là người đầu tiên vận động và thắp sáng không gian đọc trong ngôi trường này. Bắt đầu là viết kế hoạch, rồi thuyết phục, trình bày ý tưởng trước Ban Giám hiệu. Và buồn vui theo từng sự thất bại hay thành công nho nhỏ. Rồi cái ngày đó cũng đến, cái ngày nhận được quyết định thư viện sẽ được cấp 50 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị và bổ sung sách. Đêm đó chị vui đến không ngủ được. Bắt đầu từ đây, thư viện trường Phan Huy Chú bước sang trang mới - trang của những ngày thư viện sôi nổi tiếng cười, nhộn nhịp bước chân học sinh.
Thư viện bắt đầu sống một đời sống tươi vui. Bàn ghế nhiều lên. Phòng được chuyển đến một nơi rộng rãi. Các giá sách mới. Những cuốn sách thơm tho. Những bức tranh sinh động. Tất cả bày ra trước mắt chị càng thôi thúc chị sáng tạo, nghĩ ra ý tưởng mới để biến nơi này thành điểm đến vui thích của các em.
Hầu hết thư viện các trường cấp 3 đều không cho mượn sách về nhà, nhưng thư viện trường chị đã có bước đổi mới. Chị muốn tạo điều kiện cho các em có những không gian đọc linh động. Muốn các em dành nhiều thời gian cho sách hơn chứ không chỉ có chút giờ giải lao ngắn ngủi giữa các tiết học. Với niềm tin tuyệt đối về ý thức của học sinh trong việc giữ gìn bảo quản sách, chị đã cho các em mang sách về nhà. Việc làm đó cũng là động lực cho các em, khiến các phấn khởi và nhiệt tình mượn sách hơn. Một mình loay hoay với gần 10.000 bản sách tham khảo chưa kể sách giáo khoa và nghiệp vụ và hơn 20 đầu báo tạp chí. Một ngày trung bình học sinh mượn từ 35 - 40 cuốn nên chị cũng không có thời gian ngơi tay. Học sinh thì tranh thủ mượn sách trong giờ ra chơi, và khi các em đã vào học tiết mới thì cũng là lúc chị tiến hành việc lấy sách. Giờ ra chơi sau các em đã có sách để đọc. Cách làm này khiến việc lấy sách không bị chi phối bởi tiếng ồn và sự vội vã. Chị có thời gian tĩnh lặng tuyệt đối cho quá trình thực hiện những yêu cầu của học sinh.
Chị quan niệm, làm cán bộ thư viện không đơn giản là thụ động chờ những yêu cầu của bạn đọc. Chính mình phải là người định hướng việc đọc cho các em. Chính mình phải là người chủ động tìm kiếm, chọn lọc thông tin rồi cô đọng lại bằng những từ ngữ mềm mại, thuyết phục để truyền cho các em sự ham thích khám phá những thông tin đó. Vì thế mà chiếc bảng "Sách hay bạn muốn tìm" ra đời. Trên đó, những cuốn sách hay nhất mà thư viện có sẽ được trưng lên. Chỉ vài dòng giới thiệu bằng giọng văn nhẹ nhàng cũng đủ khiến các em ghi tên sách đó vào phiếu yêu cầu. Ngoài ra, việc phải có một Bảng tin Thư viện là vô cùng cần thiết. Bảng tin này không chỉ đơn thuần là những thông báo khô khan mà còn là nơi chị hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Bảng tin sẽ cho các em thấy những phong trào thi đua sôi nổi, những hoạt động bổ ích mà chính các em là chủ nhân tham gia. Rồi những danh mục sách mới vô cùng thiết thực cũng được chị đều đặn ghi lên đó hàng ngày, hàng tuần.
Chị cho rằng, dù là thư viện trường học thì hoạt động thư viện vẫn rất cần tính chuyên nghiệp. Vì thế, phải dần dần bỏ bớt những chi tiết mang tính thủ công để áp dụng công nghệ thông tin cho tiện lợi và phù hợp với thời đại mới. Từ bốn máy tính cũ chị đã xin nhà trường cấp 4 máy tính mới cộng một máy chiếu hiện đại trang bị ở phòng đọc giáo viên và phòng đọc học sinh. Thư viện Trường Phan Huy Chú là một trong những thư viện đầu tiên áp dụng và khai thác hiệu quả phần mềm quản lý thư viện trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo dành cho các trường phổ thông. Không còn cảnh học sinh túm tụm tra sách trong các phích mục lục viết tay có khi phải luận mãi mới ra chữ. Giờ đây học sinh có thể thỏa sức click chuột để tra cứu sách theo năm xuất bản, theo tên tác giả, theo chủ đề vô cùng nhanh chóng với kết quả chính xác, sau đó trực tiếp đăng ký mượn trên máy luôn. Nếu thảnh thơi, học sinh cũng có thể ra tủ mục lục để tra phích mà chị in ra từ máy tính với những thông tin ngắn gọn, đầy đủ, rõ ràng. Việc quản lý bạn đọc của thư viện cũng tiến hành trên máy tính. Ai mượn sách gì đều có phần mềm mượn - trả sách lưu lại. Ngoài ra thủ thư cũng có thể thống kê số lượng sách hiện có khi cần tổng kết. Việc in nhãn tự động cũng tiến hành nhanh chóng, chính xác hơn. Các cộng tác viên của Thư viện sẵn sàng giúp chị khoản đóng dấu, dãn nhãn phân loại cho sách. Còn lại những hoạt động nghiệp vụ một mình chị phải xử lý nên cũng rất nặng. Trước khi có con, việc về nhà lúc 6 - 7 giờ tối là thường. Công việc cứ cuốn chị đi, thời gian nhiều lúc không còn khái niệm nữa.
Việc tổ chức kho của chị cũng là điểm đáng học tập. Kho sách được xếp ở dạng kho đóng để có thể dễ dàng quản lý và sắp xếp. Kho đóng được phân ra thành các giá sách tham khảo, giá sách giáo khoa, giá sách nghiệp vụ. Khi sách nhiều lên sẽ tạo giá liên hoàn quanh tường để tận dụng diện tích. Ngoài ra, chị còn bố trí những Tủ sách Đạo đức, Tủ trưng bày sách mới, Tủ sách Tra cứu, Tủ sách Pháp luật... quanh không gian đọc để học sinh, giáo viên có thể tham khảo nhanh khi cần. Với sản phẩm là báo và tạp chí, ngoài một giá báo tự chọn, chị xếp nhiều tạp chí ngay trên bàn đọc. Mục đích để tiết kiệm thời gian cho các em. Trong những giờ giải lao, học sinh có thể tranh thủ vài phút sà vào đọc hay xem những mẩu tin, mẩu truyện ngắn, những hình ảnh sinh động trên báo Hoa học trò, Hoa học đường, Mực tím... mà không cần trải qua bất cứ thủ tục nào. Việc đọc này làm các em cảm thấy vào thư viện như về nhà, như một chỗ giải trí, vui chơi thoải mái và gần gũi.
Phải nói rằng, có những kiến thức chị học được trong trường không thể sử dụng ở đây. Đối với thư viện trường, người làm công tác thư viện không thể bê nguyên si tất cả mọi quy trình vào rập khuôn. Người cán bộ thủ thư đòi hỏi phải có sự linh động, nhạy bén. Đôi khi phải lược bớt những thứ không cần thiết, tránh những chi tiết khó hiểu để học sinh có thể hoàn thành thủ tục mượn nhanh chóng nhất. Chị biết tâm lý học sinh, với các em, nếu có những vướng víu phức tạp thì rất dễ làm các em nản lòng.
Tính chuyên nghiệp đó còn thể hiện ở kế hoạch công tác. Chị luôn đề cao yếu tố khoa học. Kế hoạch công tác cụ thể sẽ khiến cho hoạt động thực tế được trôi chảy, thông suốt. Chị đã lập ra kế hoạch chi tiết cho từng tháng với những phần việc như phát động phong trào quyên góp sách, hoàn thiện việc bổ sung sách, bổ sung và xử lý sách nghiệp vụ, giới thiệu danh mục sách chuyên đề trong tháng, trưng bày sách mới, làm sổ mượn cho học sinh, in phích, thanh lý sách báo cũ... Rồi cứ theo đó mà thực hiện. Trên cơ sở kế hoạch chủ đạo, nhiều ý tưởng mới xung quanh nó lại nảy sinh.
Giờ, mỗi năm thư viện trường nhận được nguồn kinh phí từ 50 - 60 triệu đồng. Chị đã làm cho nó sinh sôi bằng những ý tưởng và những hoạt động thiết thực. Kết quả thu được đương nhiên không phải là tiền mà chính là sự trưởng thành của học sinh có được từ sách và các phong trào chị phát động. Chị luôn chú trọng đến việc phối hợp các đoàn thể trong trường để tổ chức các phong trào cho học sinh tham gia. Chị đã phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức phong trào quyên góp mang tên "Góp một cuốn sách nhỏ, đọc nghìn cuốn sách hay" với thông báo cụ thể về đối tượng quyên góp, loại sách báo, chất lượng, năm xuất bản, thời hạn nhận quyên góp... Việc quyên góp tích cực, đầy đủ được tính vào điểm thi đua cũng khiến cho phong trào quyên góp trở nên hào hứng, sôi nổi. Học sinh có động lực để tham gia phong trào nhiệt tình. Năm học 2008-2009, thư viện đã thu được 1.500 cuốn sách với những nội dung, chủ đề phù hợp với yêu cầu đã đề ra. Đó là kết quả rõ nét minh chứng cho công tác tổ chức khoa học, quy củ của chị. Ngoài ra, chị còn tổ chức cho các em các cuộc thi bình truyện ngắn viết cho thanh niên, học sinh, thi tìm hiểu kiến thức về các bộ môn với những hình vẽ đi kèm sinh động nhằm khuyến khích việc đọc ở học sinh, phát huy khả năng cảm nhận cuộc sống và sự yêu thích các môn học. Học sinh tham gia những cuộc thi này đều được tính điểm thi đua. Vì vậy các lớp đều hào hứng dự thi với nỗ lực cao nhất.
Chị tâm niệm, một mình không thể làm nên tất cả. Cần phải có sự chung sức đồng lòng của nhiều trái tim. Vì thế, thư viện của chị đã được thành lập ra Tổ Thư viện với đầy đủ các thành phần trong đơn vị. Mỗi khi có những kế hoạch, vấn đề cần thảo luận, tổ thư viện lại cùng nhau ngồi lại bàn bạc để đưa ra những giải pháp, hướng đi. Chính từ các đầu mối quan trọng này, thư viện được tỏa đi tới từng cá nhân tạo nên hiệu ứng lan tỏa vô cùng hiệu quả. Cũng trên tinh thần đó, việc cân đối đầu sách trong thư viện cũng được chị kết hợp với các tổ bộ môn để có thể bổ sung sách cho phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh. Ngoài ra, với giáo viên và học sinh, thư viện cũng có sự liên lạc thường xuyên khi có những phong trào phát động, để không chỉ học sinh biết đến hoạt động này mà cả giáo viên và phụ huynh của các em cùng đồng hành trong những bước đi ấy.
Giải ba giáo viên thư viện cấp thành phố năm 2000-2001 cũng là niềm khích lệ dành cho chị. Nhưng với chị, điều quan trọng nhất chính là hiệu quả thực chất của công việc hàng ngày chị đang đều đặn làm. Chị đã có hai sáng kiến kinh nghiệm được giải B cấp thành phố. Đó là sáng kiến "Tổ chức phong trào xây dựng kho sách và hoạt động ngoại khóa, 2006-2007" (đã được đăng trên tạp chí Sách và Thư viện trường học) và sáng kiến.....................
Việc đưa ra mục tiêu đạt danh hiệu thư viện xuất sắp cấp thành phố đã nằm trong kế hoạch năm 2009. Danh hiệu là vinh dự, nhưng chị muốn đưa ra mục tiêu đó để thư viện và nhà trường cùng cố gắng để đi đến kết quả cao nhất là chất lượng đào tạo học sinh. Để tiến tới hoàn thành mục tiêu, chị đã lập kế hoạch cụ thể như: Bổ sung sách và trang thiết bị kịp thời phục vụ cho năm học mới. Sắp xếp, bảo quản kho sách. Bổ sung hợp lý các loại sách theo yêu cầu của các tổ bộ môn. Tổ chức các phong trào, hoạt động nổi bật. Phấn đấu đạt 5 cuốn sách tham khảo/ học sinh. Phân loại, sắp xếp vào sổ nhập sách theo đúng chuyên môn nghiệp vụ.
Tâm sự cùng chị mới biết chị cũng đã từng phải trải qua một thời kỳ khó khăn về sức khỏe. Không thể tưởng tượng được người thủ thư tươi tắn đang ngồi trước mặt tôi đã từng có thời gian bị bệnh giai đoạn đầu của thoái hóa các khớp sụn. Một quãng thời gian u tối. Ba tháng không ngủ được, cầm đũa không nổi, đi dép không thể xỏ chân. Nhưng bằng nghị lực và niềm khát khao sống để cống hiến cho sự nghiệp mình theo đuổi, chị đã khỏe mạnh trở lại sau những ngày kiên trì tập luyện ở khoa phục hồi chức năng. Và sự nghiệp thư viện sau quãng thời gian này lại càng gắn bó hơn với chị, bởi chị ý thức được rằng, khi khỏe mạnh hãy cố gắng làm tất cả để không bao giờ phải thấy hối tiếc. Chị đang sống bằng sự say mê và nhiệt huyết thực sự chảy trong tim.
Đến thư viện trường THPT Bán công Phan Huy Chú, điều ấn tượng nhất với tôi chính là sự chuyên nghiệp và công tác phục vụ bạn đọc khoa học, hiệu quả. Với chuyên môn nghiệp vụ vững, những sáng kiến cải tiến trong công việc mang lại kết quả cao, chị đã thực sự tạo được niềm tin với nhà trường và các bạn đồng nghiệp. Đó cũng là động lực để chị tiếp tục chặng đường dài đầy đam mê.
Với chị, không gian này đã trở nên quá thân thuộc. Được gần học sinh, được chủ động hoàn toàn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc cũng như không gian đọc là một điều hạnh phúc. Những bức tranh rực rỡ sắc màu do học sinh của trường vẽ, những hàng ghế đều đặn thẳng tắp, những chiếc máy tính thân thiện, chiếc bảng tin quen thuộc.... Tất cả đã trở thành lẽ sống của người giáo viên thủ thư ấy. Đến và chứng kiến một mô hình thư viện trường học mang tính chuyên sâu được xây dựng nên từ tâm huyết, tôi đã tin!
< Prev |
---|